LTS: Trước những biến cố và tiến trình đang xẩy ra tại Giáo hội ở Việt Nam hiện đang là đề tài bàn luận sâu rộng qua hướng nhìn và nhận định trái ngược nhau... Để đóng góp thêm vào nhận thức đó, chúng tôi đăng bài viết mới sau đây của LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm với nhan đề "Giữa lòng dân tộc?". Bài viết này không nhất thiết phản ánh đường lối của VietCatholic. Xin mời qúi vị theo dõi:

GIỮA LÒNG DÂN TỘC?

Em còn nhớ hay em đã quên… ?

Trong khi Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chúng ta vừa long trọng khai mạc Năm Thánh 2010 mừng Kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận Việt Nam đầu tiên là Đàng Trong và Đàng Ngoài, và 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam, qua những buổi lễ vừa sốt sắng trang nghiêm, vừa linh đình trọng thể, thì có một biến cố khác cũng rất là quan trọng nhưng đang bị lãng quên, đó là 2010 cũng là Kỷ niệm 30 năm Thư chung 1980 với phương châm “Sống Phúc Âm giữa lòng Dân Tộc” hay “Đồng hành với Dân Tộc” .

Bối cảnh và tầm quan trọng của văn kiện

Nay nếu chỉ đọc bản văn trên giấy trắng mực đen và chỉ hình dung các giám mục gặp nhau lần đầu tiên sau ngày thống nhất, tay bắt mặt mừng để cùng nhau cầu nguyện, tìm hiểu ý Chúa, trao đổi với nhau để rồi chia sẻ vui mừng và hy vọng, buồn sầu và lo âu cho cộng đoàn tín hữu, thì sợ rằng chúng ta chưa hiểu hết ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của văn kiện. Cần thiết ta phải nhớ rằng: Văn kiện ra đời 20 năm sau khi thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam, 15 năm sau khi Công Đồng Va-ti-ca-nô II kết thúc, và 5 năm sau ngày có người gọi là “giải phóng miền Nam”, còn người Việt hải ngoại thường gọi là “quốc hận”. Tưởng nên nhắc lại là những ngày trước 30-04-1975, quân “giải phóng” đi tới đâu thì dân miền Nam bồng bế nhau bỏ nơi đó mà chạy, có khi giẫm lên nhau mà chạy, thậm chí dẫm lên cả xác người mà chạy. Và 1980 cũng là cao điểm của phong trào vượt biên: chiến tranh đã kết liễu, đất nước đã thống nhất, nhưng chẳng hiểu vì sao mà người ta chấp nhận bỏ lại tài sản, bỏ lại phần mộ của tổ tiên, bất chấp tù đầy nếu bị bắt, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, ai có phương tiện thì tìm đường vượt biên, đến nỗi trong một trại tỵ nạn, một bà cụ già khi được phái đoàn quốc tế hỏi tại sao ở vào tuổi bà mà còn liều lĩnh vượt biên thì bà khảng khái trả lời: “Ở xứ tôi, cây cột điện mà đi được thì nó cũng đi !”…

Thế thì điều không thể nghi ngờ là Thư chung 1980 ngoài mục đích thông tin thông thường, còn nhằm trấn an, xoa dịu, củng cố tinh thần cho các tín hữu Việt Nam trong một hoàn cảnh bi đát chưa từng thấy, nếu không nói là tuyệt vọng, đồng thời đưa ra những đường hướng cụ thể giúp người tín hữu Việt Nam sống đạo.

Nền tảng của Thư chung 1980

Chỉ cần nhìn các trích dẫn, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra nền tảng của văn kiện, đó là Lời Chúa, là giáo huấn của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, giáo huấn của hai vị giáo hoàng Phao-lô VI và Gio-an Phao-lô II (mới bắt đầu sứ vụ Giáo Hoàng được 2 năm). Điều cần lưu ý là văn kiện đã được sự đóng góp của nhiều chuyên viên trong các lãnh vực Thần học, Kinh Thánh, xã hội, v.v… Nhưng điều hiển nhiên hơn cả, là khi đọc thư mục vụ 1980 ta có cảm tưởng như đang hít thở không khí trong lành, lạc quan của Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” của Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Thư chung 1980 của HĐGM/VN chính là cẩm nang, là văn kiện định hướng cho các tín hữu Công Giáo Việt Nam đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Và, như đã nói ở trên, chính vì văn kiện dựa trên Lời Chúa cũng như giáo huấn của Công Đồng Va-ti-ca-nô II và của các giáo hoàng, nên không có lý do gì để hoài nghi về nội dung. Và cũng chính vì vậy mà ta có thể nói: Thư chung 1980 không chỉ có giá trị vào thời điểm được viết ra và công bố, nhưng còn có giá trị cho bất cứ giai đoạn nào, bất cứ hoàn cảnh nào.

Một số từ căn bản

Để nắm vững tinh thần bản văn, cần thiết chúng ta phải để ý đến một số từ đặc biệt quan trọng, như những chìa khoá giúp ta hiểu được nội dung:

Nói về Hội Thánh như là
một Dân: 3 lần
Dân riêng 1 lần
Dân giao ước mới 1 lần
Dân mới 4 lần
Dân (Thiên) Chúa 10 lần

Nói về Cộng Đồng Việt Nam như là:
Quê hương: 5 lần
Đất nước : 6 lần
Tổ quốc : 8 lần
Dân tộc: 23 lần trong đó
2 lần: Dân tộc Việt Nam
1: Dân tộc mình (= Việt Nam)
1: từng dân tộc trong nước
1: mỗi dân tộc trong nước
1: đồng hành với dân tộc
2: Sống Phúc Âm giữa lòng Dân Tộc

Từ những nhận xét trên, ta có quyền nghĩ rằng hình như trong lịch sử, chưa bao giờ lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, trong một văn kiện chính thức, đã không chỉ quan tâm đến Dân Tộc, nhưng còn công khai gắn bó với Dân Tộc đến như thế. Và nói đến Dân Tộc Việt Nam, tức là nói đến cộng đồng gồm những con người chung sống với nhau trên cùng một dải đất, cùng một quê hương, cùng chung một lịch sử, làm nên một thực tại từ bốn ngàn năm nay, và vẫn còn tiếp tục hiện diện. Thành ra khi các giám mục nói người tín hữu Công Giáo Việt Nam phải đồng hành với dân tộc, hay phải sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc, thì điều đó không chỉ đúng khi dân tộc Việt Nam sống dưới chế độ cộng sản, nhưng là dưới bất cứ chế độ nào, vào bất cứ giai đoạn lịch sử nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, vì lịch sử cho thấy mọi thể chế chính trị đều qua đi theo dòng thời gian, chỉ có dân tộc mới trường tồn.

Tưởng cũng cần nói thêm rằng khi Thư chung 1980 được công bố, không chỉ có người Công Giáo mới vui mừng và hãnh diện, nhưng ngay các cán bộ Nhà Nước Việt Nam cộng sản cũng rất thích thú khi nhắc đến cụm từ “Đồng hành với Dân Tộc.” Là vì đối với họ, “yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa” . Ta không thể cấm họ suy nghĩ theo cách của họ, nhưng đối với ta thì mọi chuyện khá rạch ròi: dân tộc và chế độ là hai phạm trù khác nhau.

Trong hoàn cảnh hiện tại

30 năm đã trôi qua kể từ ngày Thư chung 1980 được công bố. Nay có vẻ như người Công Giáo chúng ta, đặc biệt là các giám mục, ngại nói đến Thư chung 1980, ít là một cách công khai, trong các văn kiện chính thức. Bằng cớ là 30 năm sau Thư chung 1980, không mấy ai buồn nhắc đến văn kiện quan trọng này, từ những người đã góp phần khai sinh, đến những người đã long trọng công bố, đã vui mừng và hãnh diện giới thiệu cho bàn dân thiên hạ suốt một thời gian dài trong nhiều năm liên tiếp.

Có những cụm từ, những kiểu nói, những khẩu hiệu đã một thời nổi đình nổi đám, đi đâu cũng gặp, đi đâu cũng thấy. Tỷ dụ như “Chủ nghĩa Mác Lê-nin bách chiến bách thắng” , thế nhưng từ thập niên 90 ta dần dần ít thấy, và hiện nay thì hoàn toàn không gặp thấy cụm từ này nữa. Cũng vậy, đã có một thời người ta đề cao chế độ “chuyên chính vô sản” , cụm từ này cũng đã bị “bốc hơi”. Là vì hôm nay cánh vô sản thứ thiệt mà vươn vai đứng dậy thì mấy ông “tư sản đỏ” có mà chạy đàng trời. Thành ra tốt hơn cả là cố quên nó đi, lờ nó đi, coi như không có, nhắc đến làm gì ! Tương tự phương châm “Sống Phúc Âm giữa lòng Dân Tộc” hay “Đồng hành với Dân Tộc” xét về mặt lý thuyết, là một nguyên tắc hoàn toàn đúng đắn, thế nhưng trong thực tế, nguyên tắc đó, phương châm đó, có vẻ cũng cùng chung số phận với mấy khẩu hiệu ta vừa nói trên kia. Nhưng thử hỏi: Ai chứng minh được rằng đường lối đó là sai, là lỗi thời, là không còn giá trị ? Còn nếu đúng thì cần thiết đường lối đó phải được thể hiện qua cuộc sống cụ thể của Giáo Hội Công Giáo.

Thân phận Việt Nam hôm nay

Trong mọi chế độ đảng trị, quyền lợi tối thượng là quyền lợi của đảng. Ưu tiên số một của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hôm nay là giữ vị thế độc tôn của đảng bằng bất cứ giá nào. Mục tiêu tối hậu không phải là ích quốc lợi dân, nhưng là quyền và lợi của những người đang nắm giữ chức vụ ở mọi cấp. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thối nát, bất công của cái xã hội chúng ta đang sống hôm nay.

Trong bài viết mang tựa đề: Lạy Chúa con nghe đây của Phạm Minh Tâm (Diễn đàn Giáo Dân tháng 12 năm 2009), trong một đoạn văn không dài lắm, tác giả đã đưa ra một bức tranh u ám nhưng xác thực về đất nước, về hoàn cảnh sống của người Việt Nam hôm nay:

Đạo đức xã hội ngày càng băng hoại với việc phá thai nằm trong chính sách; tuyệt đại đa số dân nghèo bị bỏ mặc bên ngoài hệ thống y tế công cộng; hàng trăm ngàn trẻ em bị đem đi xuất cảng cho thị trường ấu dâm ở các nước lân cận; cũng hàng trăm ngàn cô gái bị bán đi làm một thứ nửa vợ hờ nửa mại dâm cho những người có tiền ở khắp nơi trên thế giới; biết bao nhiêu thanh niên thiếu nữ bị các văn phòng dịch vụ làm môi giới buôn sức lao động của họ như thời xa xưa buôn bán nô lệ qua sự khuyến khích của Sở Thương binh Xã hội là nên đi lao động nước ngoài để cải thiện đời sống, và đã bị ngược đãi đến bỏ mạng ở xứ người; rồi đất đai của cha ông bị cắt dâng ngoại bang như vụ việc thác Bản Giốc, suối Phi Khanh, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; tệ hại hơn nữa là việc khai thác bauxite độc hại làm di luỵ đến khối dân vốn đã và đang bị ô nhiễm môi sinh trầm trọng v.v…

Cũng liên quan đến thân phận Việt Nam hôm nay, từ hải ngoại, nhà thơ Trần Trung Đạo ngậm ngùi:

“Dải đất Việt Nam
Nằm co ro như một kẻ ăn mày
Đang thoi thóp cuộc đời trên góc phố,
Như giọt lệ chảy dài nhưng chưa nhỏ,
Như chiếc lưng khòm Mẹ gánh cả đời thương.”


Còn ở trong nước thì cũng một nhà thơ, Trần Mạnh Hảo, đã kêu lên thống thiết:

“Có nơi đâu trên thế giới này
Như Việt Nam hôm nay
Yêu nước là tội ác
Biểu tình chống ngoại xâm bị ‘Nhà Nước’ bắt ?
Các anh hùng dân tộc ơi !
Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo ơi !
Nếu sống lại, các Ngài sẽ bị bắt !
Ai cho phép các Ngài đánh giặc phương Bắc ?”


Có thực sự đồng hành ?

Chỉ cần nhìn lại những biến cố xảy ra trong những năm gần đây, ta phải đặt câu hỏi: Có thực sự Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang đồng hành với dân tộc, có thực sự người tín hữu Công Giáo Việt Nam đang sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc hay không ? Đặc biệt trong suốt năm 2007, khi phong trào dân oan đi đòi công lý rộ lên từ bắc chí nam, từ nông thôn đến thành thị, Giáo Hội Công Giáo làm thinh. Khi nổi lên vụ khai thác bauxite, các nhà trí thức công khai bày tỏ ý kiến, yêu cầu Nhà Nước ngưng triển khai dự án, Giáo Hội Công Giáo làm thinh. Khi những người mạnh dạn tố cáo tham nhũng, khi các nhà đấu tranh cho tự do dân chủ lần lượt theo nhau vào tù, Giáo Hội Công Giáo làm thinh. Khi đi biểu tình chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, nhiều học sinh, sinh viên hay thường dân bị bắt, bị bỏ tù, Giáo Hội Công Giáo làm thinh. Thế thì câu hỏi đặt ra là trong những hoàn cảnh bức thiết đến như vậy, bi đát đến như vậy, trong khi những cá nhân, bất chấp bao phiền toái cho bản thân, bất chấp hiểm nguy cho tính mạng, dám can đảm đi đòi công lý, dám hiên ngang bày tỏ lập trường, mạnh mẽ nói lên lòng yêu nước, một niềm gắn bó với tiền đồ dân tộc, thì Giáo Hội Công Giáo, bắt đầu từ những người lãnh đạo, xem như chẳng có chi liên quan đến mình để mình phải bận tâm. Trong hoàn cảnh đó, làm sao chứng minh cho mọi người rằng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chúng ta đang sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc, đang đồng hành với dân tộc hôm nay ?

Đã thấy cánh én, chưa thấy mùa xuân

Mấy tháng sau khi được tấn phong giám mục, Đức Cha Phê-rô Nguyễn Văn Khảm có viết bài mang tựa đề Quan điểm Công Giáo về trách nhiệm của Giáo Hội trước các vấn đề xã hội đăng tải trên Vietcatholic, ngày 05-05-2009. Trong bài đó Đức Cha đã dựa vào học thuyết xã hội của Giáo Hội và viết: Các vấn đề chính trị và xã hội liên quan đến khía cạnh đạo đức là trách nhiệm đặc thù của Giáo Hội, chẳng hạn chiến tranh, tham nhũng, phá thai, gian dối… Chỉ ba ngày sau, trong bài Cánh én báo hiệu mùa xuân ? , cũng đăng tải trên Vietcatholic, ngày 08-05-2009, tôi đã đặt nghi vấn như vừa nêu. Bài viết của Đức Cha Khảm đã làm loé lên một tia hy vọng nơi người đọc. Nhưng sau bài đó, mọi sự lại “vũ như cẩn”, kể cả lúc xảy ra vụ Tam Toà đầy sóng gió. Có vẻ như các giám mục của chúng ta gặp nhau tại Rô-ma nhân chuyến đi ad limina đã dặn dò nhau luôn “đi theo lề phải”, nên mới xảy ra chuyện lạ đời là trong khi ở trong nước cũng như hải ngoại, người người bày tỏ tình hiệp thông với Tam Toà, các giám mục Việt Nam không hề có một vị nào hé răng mở miệng. Thì ra cánh én đã có đó, nhưng mùa xuân thì chưa.

Sám hối vì chưa đồng hành

Chung quanh đề tài Đồng hành với Dân Tộc, có một việc đáng được lưu ý dịp khai mạc Năm Thánh vừa qua tại Sở Kiện, Hà Nội, là trong nghi thức sám hối đêm diễn nguyện 23-11-2009, nội dung của hồi III, xin lỗi xã hội là như thế này:

Thưa bà con anh em lương dân không cùng tôn giáo.
Đức Giêsu Đấng sáng lập đạo công giáo đã dạy chúng tôi yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù. Lẽ ra chúng tôi phải thực hiện tinh thần đó mọi nơi mọi lúc và với mọi người. Nhưng chúng tôi nhận thấy do vô tình hay cố ý, chúng tôi đã làm cho quý vị phiền lòng, chúng tôi đã thiếu sót nhiều trong nghĩa vụ yêu thương.
Chiều hôm nay, toàn thể Giáo Hội Công Giáo muốn nói lời xin lỗi về tất cả những điều ấy, với tất cả mọi người không phân biệt chính kiến, vị trí và tín ngưỡng tâm linh.
Chúng tôi xin lỗi mọi thành phần xã hội, tôn giáo, vì chúng tôi đã chưa đủ hòa mình và đồng hành.
Chúng tôi xin lỗi người nghèo, người hẩm hiu xấu số, người khuyết tật, đau khổ vì chúng tôi chưa đủ quan tâm.

(Vũ viên chỗi dậy làm cử điệu theo điệp khúc…)

GIÁO HỘI CHÚNG CON XIN CHÂN THÀNH THÚ TỘI.
GIÁO HỘI CHÚNG CON XIN CÚI ĐẦU TẠ TỘI.


Không người tín hữu Công Giáo nào nghe những lời này mà không muốn chảy nước mắt, vì có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo Hội Công Giáo công khai nhận lỗi trong một cuộc lễ long trọng, vĩ đại, đầy ý nghĩa như thế này. Mong sao không chỉ có sám hối, nhưng còn phải thực sự dốc lòng chừa, và cụ thể hoá lòng sám hối ăn năn.

Trở về với nguồn cội

“Dấu chỉ thời đại” mới nhất (theo kiểu nói của Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII) cho Giáo Hội Việt Nam tiếp theo sau đại lễ khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện, Hà Nội, có lẽ đó là việc Đại hội Giới Trẻ Tổng giáo phận Hà Nội năm nay được giáo phận Hưng Hoá đăng cai tổ chức, lại diễn ra ngay tại trung tâm lễ hội Đền Hùng ở Phú Thọ, vốn được xem như cái nôi, như nguồn cội của dân tộc Việt Nam kể từ thời dựng nước Văn Lang. Nghe đâu giáo phận Hưng Hoá đã ký hợp đồng với thành phố Việt Trì thuê sân vận động thành phố làm nơi tập trung, nhưng vào phút chót chính quyền lại yêu cầu dời địa điểm. Vì lý do gì thì không ai rõ, nhưng bản thân tôi thì tin là Thiên Chúa quan phòng đã muốn cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ít là một lần được đến nơi tổ tiên của mình là các Vua Hùng dựng nước, vừa để công khai diễn tả niềm tin của mình, vừa để long trọng nói lên lòng gắn bó của mình với dân tộc, với quê hương đất nước. Đây là lần đầu tiên, hy vọng không phải là lần cuối cùng.

Kết luận

Nhân chuyến đi ad limina vừa rồi, ngày 23-06-2009, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao-lô ngoại thành, trước một cử toạ đông đảo, với sự hiện diện của tất cả các giám mục Việt Nam, Đức Cha Phao-lô Bùi Văn Đọc đã long trọng tuyên bố: “Sứ vụ chính yếu của chúng tôi hôm nay là sứ vụ loan báo Tin Mừng”. Trong số 85 triệu người Việt Nam hôm nay, người Công Giáo chưa tới 7 triệu, chiếm một tỉ lệ khá khiêm tốn. Và nếu sứ vụ chính yếu của Giáo Hội Công Giáo là “loan báo Tin Mừng” , thì cánh đồng truyền giáo thật bát ngát bao la. Nếu để đem Tin Mừng cứu độ đến cho loài người, Ngôi Hai Thiên Chúa đã chấp nhận chia sẻ kiếp người với chúng ta, từ đó, thánh Phao-lô đã muốn là Do-thái với người Do-thái, Hy-lạp với người Hy-lạp, các vị thừa sai đã chấp nhận lìa quê hương và gia đình đến với đất nước chúng ta, thì hôm nay đến lượt chúng ta, để hoàn thành sứ vụ loan báo Tin Mừng cho đồng bào ta, ta không thể có một lựa chọn nào đúng đắn hơn đường lối Thư Chung 1980 đã vạch ra, đó là “Đồng hành với Dân Tộc” hay “Sống Phúc Âm giữa lòng Dân Tộc” . Dựa vào phương châm, vào đường lối đã được đề ra cách đây 30 năm để rồi lượng giá và rút tỉa kinh nghiệm là việc làm không thể thiếu để có được những bước đi bền vững trên cánh đồng truyền giáo ngay giữa lòng Dân Tộc hôm nay.

Sài-gòn, ngày 02 tháng 12 năm 2009, pascaltinh@gmail.com