HỘI ĐỒNG QÚY CHỨC

CHƯƠNG II:

DIỄN TIẾN LỊCH SỬ

CÔNG TRÌNH TỔ CHỨC

HỘI ĐỒNG QUÍ CHỨC

HỌ ĐẠO VIỆT NAM


Trong chương này chúng tôi sẽ trình bày bốn mục chính:

I. Được thành lập nhưng chưa được thừa nhận hợp pháp bởi giáo quyền.

II. Được thừa nhận hợp pháp bởi giáo quyền nhưng tổ chức còn non kém.

III. Không những được tổ chức mà còn được định chế hóa

IV. Được thích ứng theo định chế Công Giáo Tiến Hành

MỤC I

ĐƯỢC THÀNH LẬP NHƯNG CHƯA ĐƯỢC

THỪA NHẬN HỢP PHÁP BỞI GIÁO QUYỀN

(1553-1670)


I. MỘT SÁNG KIẾN HỮU HIỆU

Ngay từ buổi đầu công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, những giáo sĩ truyền giáo, nhất là các cha dòng Tên, kế đó là các vị Thừa sai Paris và các cha dòng Đaminh, cùng theo một phương pháp chung: để bổ túc sự thiếu sót giáo sĩ cho công cuộc truyền giáo tại Tonkin (Bắc Kỳ, Bắc Việt, Bắc Bộ Việt Nam) và tại Cochinchine (Nam Kỳ, Nam Việt, Nam Bộ Việt Nam) các ngài tổ chức các hình thức cộng tác viên bậc giáo dân. Có những cộng tác viên các ngài gọi là các thầy giảng: những người này sống theo sát các ngài, quản gia nhà cửa các ngài, sẵn sàng đi những nơi các ngài sai phái đến để dạy giáo lý, ban phép rửa tội, an ủi bệnh nhân, nói chung là làm tất cả những gì không đòi hỏi phải có chức năng linh mục. Những người khác các ngài gọi là quí chức, được chọn từ những gia trưởng có học thức và có lòng nhiệt thành nhất trong mỗi họ đạo. Các quí chức hoạt động tại chỗ trong phạm vi họ đạo của họ, và cũng như các thầy giảng, họ đảm đương tất cả những gì có thể làm trong việc giúp đỡ các cha điều hành xứ đạo và truyền giáo cho lương dân (1).

Chính hình thức cộng tác viên thứ hai này – những quí chức – là đối tượng của công việc khai triển của chúng tôi. Những khi cha xứ vắng mặt, những quí chức thay thế ngài điều hành giáo dân, dạy giáo lý, chủ xướng kinh hạt. Trong thời buổi bách hại, họ là mối dây liên lạc giữa giáo dân và cha xứ. Họ bảo vệ giáo dân trước chính quyền. Rất nhiều quí chức đã hy sinh mạng sống vì đức tin, cho tương lai của họ đạo, hoặc cho mạng sống của chính cha xứ. Chính vì thế người ta gọi họ là những «ông trùm của cộng đoàn tín hữu, là trái tim hay linh hồn của cộng đoàn giáo dân, cánh tay mặt của cha thừa sai, cộng tác viên thân tín và quý trọng của những giáo sĩ thừa sai, hội trưởng của tiểu Giáo Hội địa phương». Để nói lên cụ thể công trình những quí chức đã thực hiện trong thời đầu công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, chúng ta hân hạnh nêu lên dưới đây mấy trường hợp lịch sử.

II. NHỮNG TRƯỜNG HỢP LỊCH SỬ

1) Ba vị quí chức đầu tiên của họ đạo Cửa-Bạng.

Vào năm 1627, cha Alexandre de Rhodes và cha Pedro Marquez, rời Nam Kỳ để đến Bắc Kỳ. Ngày 19 tháng 3, lễ thánh Giuse, các ngài dạt vào Cửa-Bạng (hiện nay là xứ Ba-Làng thuộc giáo phận Thanh Hóa). Sau ít ngày thuyết giảng, các cha rửa tội cho 32 người dân làng thuộc mọi thành phần xã hội, có những người là dân làng Cửa Bạng, và những người khác là dân làng lân cận, các cha chọn lựa 3 vị có ảnh hưởng nhất trong số những vị tân giáo hữu (tân tòng) này để bổ nhiệm họ làm quí chức của họ đạo mới. Ba vị này một là thầy đồ, vị kia là một thân hào và vị thứ ba là một thầy pháp. Thầy đồ là người có học thức nhất trong làng, sau khi đã nhận phép rửa tội ông trở thành môn đệ của Chúa Kitô, và trở thành thầy giáo giảng dạy những điều chân thực của tân đạo giáo cho dân làng. Ông được cha Alexandre de Rhodes trao cho một cuốn kinh nhật tụng để học hỏi và sau đó dạy lại cho những người khác. Thầy pháp xưa kia là người tin thờ mê tín và ma thuật, từ khi lãnh nhận đức tin công giáo ông từ bỏ tất cả và trở thành một giáo hữu đạo đức và một quí chức nhiệt thành. Ông luôn luôn có mặt trong những buổi hội họp của cộng đoàn họ đạo. Thân hào là người thường mang nặng mê tín nhưng nhờ nghe theo giảng thuyết của các cha, ông chấp nhận đức tin và trở thành người giáo hữu tốt lành. Nhà của ông được dâng cho các cha làm nơi lưu trú, nơi hội họp thường nhật của giáo dân để học giáo lý hay cầu nguyện. Ngày chúa nhật, ngôi nhà của ông được dùng như là «ngôi chùa» của cộng đoàn tín hữu (2).

2) Quí chức đầu tiên của họ đạo An Vực và Văn Nô.

Tại làng An Vực, các cha đã rửa tội cho khoảng 200 người, trong số đó có cụ Gioankim là người có học thức và đạo hạnh nhất. Cụ là người đầu tiên trong làng được lãnh nhận phép rửa tội. Sau khi lãnh nhận phép rửa tội, cụ cộng tác đắc lực với các thừa sai trong việc giáo huấn đức tin cho dân làng. Cụ rất sung sướng và hãnh diện về công việc tông đồ của cụ. Bởi vì, như lời cụ nói: «Trước kia tôi giảng dạy điều sai lạc, nhưng nay tôi giảng dạy sự chân thật». Hơn thế, cụ còn dâng hiến ngôi nhà của cụ cho các cha trú ngụ, và thửa đất của cụ để xây cất nhà thờ họ đạo. Đó là ngôi thánh đường đầu tiên tại Bắc Kỳ được các cha dòng Tên làm phép một cách trọng thể.

Ảnh hưởng truyền giáo của cụ Gioankim và những tân giáo hữu làng An-Vực đem đức tin đến cho nhiều người dân làng Văn-Nô lân cận. Trong số những tân giáo hữu của làng này, các cha đã chọn hai người đức hạnh, giàu có và học thức là các ông Giuse, vốn là thầy pháp của làng, và ông Simon là thầy giáo trường làng. Hai ông này đuợc các cha bổ nhiệm làm ông trùm họ đạo Văn-Nô, được lãnh nhận những tập kinh sách để học hỏi và truyền dạy cho người khác, luân phiên nhau điều hành các buổi hội họp ngày chủ nhật của cộng đoàn tín hữu. Hai vị là linh hồn của họ đạo (3).

3) Những quí chức đầu tiên còn vô danh ở Nam Kỳ

Về tình hình công cuộc truyền giáo ở Nam Kỳ trong những năm 1630-1639, cha Nguyễn-Hồng viết: «Trong thời buổi bách hại, các linh mục thừa sai không thể tự do giảng đạo và thăm viếng giáo dân, vì thế các ngài đã bổ nhiệm những quí chức đạo đức cho mỗi cộng đoàn tín hữu. Những người này thay mặt các ngài điều hành xứ đạo, bảo vệ đức tin tín hữu và loan truyền Phúc Âm cho lương dân. Nhờ sự cộng tác của họ, năm 1631 các cha đã rửa tội cho 540 người và vài trăm người khác trong năm 1632» (4)

4) Ông Bà Phanxicô ở một họ đạo tỉnh Quảng-Bình

Theo cha Alexandre de Rhodes, ông Phanxicô là quan võ trong đạo quân triều đình, và vợ ông là một bà phù thủy nổi tiếng. Nhưng sau khi được rửa tội, cả hai vợ chồng trở thành những «cổ động viên nhiệt huyết của Phúc Âm». Hơn nữa, hai vợ chồng rất có lòng sùng kính Đức Mẹ Đồng Trinh. Nhờ những hoạt động tông đồ của ông bà, hàng trăm người đã theo đạo và họp thành một cộng đoàn tín hữu mà ông Phanxicô là ông trùm tận tụy cho đến hơi thở cuối cùng (5).

5) Lòng nhiệt thành và can đảm của những quí chức ở Quảng Nam

Ở Quảng Nam, vào năm 1644, cộng đoàn tín hữu không chút nao núng trước những bách hại ghê sợ của quan triều. Bà trùm Mai đệ Liên cất giấu ở nhà bà một cây thánh giá từng được đặt trong nhà thờ. Quân lính bắt giam bà, đánh đòn tra tấn bà ròng rã ba ngày đêm, nhưng bà nhất quyết không khai, sau cùng bà được thả ra: đức tin đã vinh thắng.

Ông Antôn Tê, vị quí chức giàu có và là người thành lập cộng đoàn tín hữu, nghe tin cuộc bách hại gần kề, ông hội họp giáo dân và khích lệ họ giữ vững niềm tin tôn giáo. Ông xin họ trao lại cho ông cất giữ nơi an toàn tất cả những Cây Thánh Giá, và ông sẵn sàng trả tiền phạt nếu bị quân lính bắt phạt. Ông làm như thế để không một giáo dân nào chối bỏ đức tin vì sợ hãi (6).

6) Những ông trùm các họ đạo tỉnh Quy Nhơn

Ở Quy Nhơn, được biết cuộc bách hại sắp tràn tới, các ông trùm họ đạo chuẩn bị tinh thần cho giáo dân, khích lệ họ giữ vững đức tin, can đảm đối đầu với những trận đàn áp. Ông Ngữ, người đại diện của những quí chức tỉnh Quy Nhơn, vội vã tìm đến thỉnh ý cha Alexandre de Rhodes. Cuối cùng, ông Ngữ và năm người quí chức khác đã được vinh dự tử đạo (7).

Cũng ở Quy Nhơn, quí chức Antoninô đã khéo léo bảo vệ cộng đoàn tín hữu trước cuộc đàn áp, đồng thời còn rửa tội được 140 trẻ em và người lớn, dạy giáo lý cho 20 người khác trong khi chờ chuyến viếng thăm của cha Alexandre de Rhodes (8).

Cha Alexandre de Rhodes còn thuật lại rằng: năm 1644, ngài đã cử hành lễ Giáng Sinh tại nhà ông Nicolas Hảo mặc dù có những biện pháp đàn áp lục soát của quan triều. Ông Hảo là quí chức cộng đoàn tín hữu, được quí trọng không những bởi giáo dân mà còn cả lương dân nữa. Ông là người chính trực, lương thiện và giàu có. Ông chân thành giúp đỡ các vị thừa sai bằng lòng ân cần tiếp rước, bằng tiền bạc dâng cúng và bằng sự phục vụ của ông. Ông phục vụ cộng đoàn tín hữu bằng cách củng cố đức tin cho những người đã được rửa tội, và dẫn dắt những người lương dân vào đạo Công Giáo. Vào lễ Giáng Sinh 1644, ông đã xin cha rửa tội cho 22 người dự tòng (9).

7) Hai quí chức tử vì đạo ở Quảng-Bình

Cuộc bách hại lâu dài bởi quan Thượng gây bao khốn khổ cho giáo dân. Vào năm 1646, hai quí chức cộng đoàn tín hữu ở Quảng Bình bị bắt và điệu ra trước quan triều. Đó là các ông Augustinô và Simon. Cả hai ông bị tố cáo là đã giúp đỡ các vị thừa sai, bảo vệ giáo dân và đưa nhiều lương dân vào đạo Công Giáo. Đó là sự thực, bởi vì hai ông đã dốc toàn sức lực kiến tạo họ đạo và làm sáng danh Thiên Chúa. Cùng với bốn tín hữu, hai ông bị khảo cung và tra tấn tàn bạo nhiều lần, nhưng tất cả đều giữ vững đức tin… Chính vì thế, quan triều tức giận và hạ lệnh chém đầu. Họ đi tới nơi hành quyết một cách can đảm. Ông Simon nhiệt thành khuyên nhủ những tín hữu hiện diện tại pháp trường can đảm giữ vững đức tin, sau đó ông tuyên bố trước lương dân rằng các ông bị tử hình chỉ vì mang tội là người theo đạo Công Giáo. Ông Augustinô bị chặt đầu và ông Simon chết bởi những đòn trượng (10).

8) Hai văn bản lịch sử

Để kết luận, chúng ta đan cử nơi đây một trích thư của cha Deydier viết cho ban giám đốc chủng viện Thừa Sai Hải Ngoại ngày 28.7.1668, và một bản tường trình khác về tình hình truyền giáo năm 1680. Cả hai bản văn xác nhận rõ ràng: hàng ngũ quí chức được tổ chức một cách thực tế từ buổi đầu công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.

«Từ khi tôi làm xong công việc sắp đặt mọi sự cho được tốt đẹp nhất, tôi đã có thể thiết dựng 5 ngôi thánh đường trong thành phố vương đô này, và đặt 6 vị (quí chức) nhiệt thành và học thức nhất trong các tín hữu tại mỗi thánh đường, vì tôi muốn đi khắp các làng để rao giảng Tin Mừng…» (11).

«…Trong mỗi thánh đường, từ hàng ngũ giáo dân người ta chọn ra một người có đời sống gương mẫu và không mấy bị câu thúc bởi công kia việc nọ để giúp việc nhà thờ, hội họp giáo dân, xướng kinh hạt những ngày chủ nhật và ngày lễ, đọc sách thiêng liêng, giảng dạy, thông báo lịch hàng tuần những ngày lễ hay chay tịnh, thăm viếng bệnh nhân, sắp xếp cho vị linh mục đến ban bí tích xức dầu nếu là bệnh nặng, thu nhận tiền bạc dâng cúng của tín hữu để mua nhang đèn và những gì cần thiết cho nhà thờ...” (12).

MỤC II

ĐƯỢC THỪA NHẬN HỢP PHÁP BỞI GIÁO QUYỀN

NHƯNG CÒN NON KÉM VỀ TỔ CHỨC

(1670- 1885)

I. BỞI HAI CÔNG NGHỊ MIỀN ĐẦU TIÊN


Chúng ta vừa nói ở trên, vào năm 1659, Tòa Thánh đã thiết lập hai giáo phận (Vicariats apostoliques: đại diện tông tòa, chuẩn giáo phận) đầu tiên tại Việt Nam. Đó là giáo phận Bắc Kỳ (Tonkin) với đức cha Pallu là vị giám mục đầu tiên, và giáo phận Nam Kỳ (Cochinchine) với đức cha Lambert de la Motte. Nhưng vì bận việc Giáo Hội ở Âu Châu, đức cha Pallu đã trao quyền giám quản tông tòa của ngài cho đức cha Lambert de la Motte. Một trong những công trình đáng ghi nhớ mà đức cha Lambert de la Motte đã thực hiện là triệu tập công nghị cho giáo phận Bắc Kỳ vào năm 1670, và cho giáo phận Nam Kỳ vào năm 1672. Mỗi công nghị đều đã đề ra những nghị quyết quan trọng liên quan tới việc tổ chức Hội Đồng Quí Chức của họ đạo.

1) Công nghị Bắc Kỳ vào năm 1670

Công nghị miền đầu tiên đã đề ra những nghị quyết cụ thể về việc tổ chức các Hội Đồng Quí Chức của họ đạo Việt Nam chính là công nghị Bắc Kỳ năm 1670. Công nghị này được triệu tập ngày 14.2 tại tỉnh Nam Định, dưới quyền chủ tọa của đức cha Pierre Lambert de la Motte. Văn bản chính thức của công nghị, được duyệt y bởi đức giáo hoàng Clément X ngày 13.12.1673, gồm có 34 điều trong đó điều 7 và điều 21 nói về các quí chức:

Điều 7: Nơi nào có đông tín hữu, thì mỗi họ đạo sẽ cắt cử những người đức hạnh nhất trong họ đạo để chăm lo việc hội họp kinh nguyện, việc rao lịch, giúp giáo dân giữ cẩn thận các ngày kiêng thịt và quan tâm đến những người khác.

Điều 21: Những linh mục quản nhiệm, các thầy giảng và quí chức phải khích lệ giáo dân sống đức khó khăn, năng nguyện gẫm, ít ra theo lịch các ngày kiêng thịt, đặc biệt trong những ngày đó, suy ngắm về sự thương khó và sự chết của Chúa Giêsu Kitô (13).

2) Công nghị Nam Kỳ vào năm 1672

Hai năm sau công nghị Bắc Kỳ, từ ngày 26-10 đến ngày 18-11-1672, công nghị Nam Kỳ được triệu tập tại thành phố Hội An (Faifo) thuộc tỉnh Quảng Nam khi đó trực thuộc miền truyền giáo Nam Kỳ. Công nghị này cũng do đức cha Lambert de la Motte, vị giám quản đầu tiên của giáo phận Nam Kỳ (1659-1679), chủ tọa. Công nghị đã chú trọng đến đời sống tín hữu, sự tổ chức những giáo sở và những họ đạo. Chính vì thế, bên cạnh những nghị quyết về hôn nhân, ban hành các bí tích, còn có những nghị quyết liên quan đến định chế của quí chức họ đạo, những nghị quyết về những bổn phận của quý chức. Chúng ta có thể lược tóm như sau:

Cần thiết phải chọn lựa những quí chức cho những họ đạo tương đối đông đảo. Quí chức phải là những tín hữu đức hạnh và khôn ngoan.

Nhiệm vụ của quí chức trong những khi vị linh mục và các thầy giảng vắng mặt là chăm lo trước tiên những buổi cầu nguyện, rao lịch những ngày kiêng thịt, dạy giáo lý, thăm viếng bệnh nhân, rửa tội cho trẻ em và người lớn, tuy nhiên chỉ rửa tội cho người lớn sau khi biết rõ tình trạng hôn phối của họ, quản lý sổ hôn phối và sổ tử, giúp đỡ tín hữu sống Phúc Âm.

Như thế, vai trò và nhiệm vụ của quí chức đã được thừa nhận và qui định bởi giáo quyền. Họ không chỉ là những tín hữu đức hạnh, mà còn là những cộng tác viên của linh mục, những ông trùm của họ đạo. Trong thời buổi cấm cách, trong lúc thiếu vắng linh mục, họ là những người thay thế để củng cố và làm vươn tiến sinh hoạt họ đạo về mặt thiêng liêng, luân lý đạo đức cũng như về mặt vật chất (14).

II. NHỮNG HY SINH QUẢNG ĐẠI CỦA QUÍ CHỨC TRONG THỜI CẤM ĐẠO

Lịch sử xác nhận rằng từ năm 1670 đến năm 1884, nghĩa là từ công nghị Bắc Kỳ cho đến cuốn “Chức Sở Mục Lệ” được đức cha Colombert ấn hành, giáo dân trải qua nhiều cuộc bách hại khắc nghiệt. Nhưng chính trong những thời kỳ khó khăn nhất này của lịch sử kitô giáo việt nam, chúng ta nhận ra sự cộng tác quảng đại và can đảm của quí chức vào thừa tác vụ của linh mục, hay đúng hơn, vào công cuộc truyền giáo, vào đời sống của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Không thể nêu lên tất cả những trường hợp lịch sử, chúng ta đành chỉ kể đến một vài trường hợp tiêu biểu nhất.

1) Bắt giam toàn bộ quí chức công giáo

Năm 1859: Vào khoảng trung tuần tháng 10.1859, chiếu theo các sắc lệnh của vua, quan triều tiến hành bắt giam những quí chức các họ đạo. Trên toàn quốc, những quí chức trên năm mươi tuổi bị lùng bắt. Nhà tù chẳng mấy chốc trở nên đầy ứ. Những tù nhân bất hạnh này không được vua cho cơm ăn, nên các thừa sai phải chu cấp cho họ.

Những cuộc bắt giam hàng loạt này đã làm sụp đổ cơ cấu tổ chức và gây hoảng loạn trong các họ đạo. Người ta khiếp sợ nghĩ đến những hành quyết sắp ập xuống trên những tù nhân này. Tiếng đồn về một cuộc tàn sát tận tuyệt đã loan truyền khắp các tỉnh thành.

Năm 1861: Tiếp đó, vào năm 1861, quan triều thi hành sắc lệnh phát vãng toàn diện: Những quí chức bị bắt giam cầm từ hai năm nay và tất cả giáo dân trai tráng đều vắng bóng, trong các làng chỉ còn những người già cả, tàn tật,đàn bà, con nít và một vài người bần cùng, vì bị quên sót hay được ân huệ.

Lúc này, quan triều lùng bắt khắp nơi. Rút kinh nghiệm, họ bắt giam cả những tín hữu đã bỏ đạo, bởi vì, theo nhà vua: “Chúng không thành thực bỏ đạo và vẫn mê muội với giáo thuyết sai lạc của chúng”. Vào tháng 5.1860, đức cha Lefebvre viết về tình hình ở Sài Gòn: “Những cuộc bắt bớ tại khắp nơi gia tăng gấp đôi cường độ. Chưa từng bao giờ trong vòng một năm lại có nhiều người tuyên xưng đạo và nhiều người tử vì đạo đến như vậy. Hiện tại, tôi đang có 396 tín hữu bị rên xiết dưới gông cùm và xiềng xích ngục tù! Con số này còn gia tăng trong suốt các năm 1860 và 1861 với sự bắt giam những quí chức của các họ đạo thuộc giáo phận” (15).

Nới rộng nhà tù: Cũng trong thời ấy, 1659-1661, về phía Bắc Sài Gòn, Giáo Hội Chúa Kitô tại một quận của tỉnh Biên Hòa đã khai sanh đông đảo các vị tử đạo. Tại đây, những quí chức của các họ đạo Tân Triêu, Mỹ Hội, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một và vùng phụ cận, bị giam giữ trong một ngục thành mà có ngay con số tín hữu tù nhân đếm được tới 600 người. Rốt cuộc, khi không thể chứa thêm, quan triều có một phương cách khá đơn giản để nới rộng nhà tù, đó là đem đi chặt đầu những người bị bắt giam (16).

Theo cha L. H. Louvet, con số quí chức bị bắt giam trên toàn quốc lúc đó lên tới khoảng mười ngàn người. Hơn một nửa trong số đó đã chết vì đức tin, có những người bị chém đầu theo án xử thường lệ, có những người bị thiêu sống tập thể, bị chôn sống, bị cột đá ném xuống sông hay xuống biển. Một số rất đông, nhất là ở Bắc Kỳ, bị bỏ chết đói. Đàng khác, trên hai ngàn họ đạo bị phá hủy, động sản và bất động sản, ruộng nương, nhà cửa, vườn tược đều bị tịch thu cấp cho lương dân lân cận (17).

2) Một vài dẫn chứng đặc biệt

Vào năm 1647, tại tỉnh Quảng Bình, sáu tín hữu bị bắt giam, hai người trong số đó bị tử hình: Một người là Alexis, quan võ trong đạo quân triều đình. Người kia là ông trùm họ đạo, tên là Augustinô (18).

Ngày 9.1.1665, Chúa Hiền Vương cho quân lùng bắt giáo dân họ đạo Dinh Cát, trong số đó có ông trùm Têphanô và sáu người đàn anh trong họ bị lên án chặt đầu (19).

Ngày 9.12.1888, tu viện Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Cái Mơn bị một toán quân xâm nhập. Sau khi cướp phá, chúng tra gông cùm các ông trùm trưởng, nữ tu bề trên Matta Lành và nữ tu Elisabeth Ngộ, rồi dẫn điệu họ về Vĩnh Long. Đồng thời, chúng bắt giam 5 người trong số những quí chức của các họ đạo vùng Cái Môn. Một trong những quí chức, ông Gioan Hoan, là trùm của họ đạo và lý trưởng của làng, ông đã tuyên chứng một đức tin bất khuất (20).

Vào năm 1859: Vào đêm mùng 7 rạng ngày mùng 8 tháng 1.1859, họ đạo Dầu Nước, vùng phía Tây miền truyền giáo, bị một toán ít ra là ba trăm quân lính xâm nhập giữa đêm khuya. Họ đạo này bị tố lên quan triều tỉnh Châu Đốc về tội chứa chấp một giáo sĩ thừa sai Âu Châu, một linh mục Việt Nam, có một tu viện và một thánh đường xinh đẹp. Vị thừa sai nói đây không ai khác là cha M. Pernot, trở về làm giám đốc chủng viện ở Paris vào cuối năm 1860. Sự tận tâm của ông trùm Lý Phụng đã đưa cha M. Pernot vượt thoát. Nhưng khi trở về, ông Lý Phụng bị quân hầu bắt trói. Ngày 13.7.1859, ông Lý Phụng và cha Quy bị kết án tử hình. Ngày 13.2.1879, cả hai vị được đức giáo hoàng Léon XIII tuyên phong bậc Đáng Kính, (21) đức giáo hoàng Piô X suy tôn bậc Chân Phước, ngày 02.05.1909 và đức giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong bậc Hiển Thánh ngày 19.06.1988.

MỤC III

KHÔNG NHỮNG ĐƯỢC TỔ CHỨC

MÀ CÒN ĐƯỢC ĐỊNH CHẾ HÓA

(1884-1934)

I. CHA COLOMBERT ẤN HÀNH CUỐN “CHỨC SỞ MỤC LỆ”

1) Cha Colombert, giám mục Sài-Gòn


Cha Colombert thuộc giáo phận Laval, ngài sinh ngày 20.3.1838, chịu chức linh mục ngày 30.5.1863. Sau khi chịu chức, cha được các bề trên phái đi thừa sai ở Sài Gòn. Trước tiên ngài được gửi đến Mạc Bắc để học tiếng Việt dưới sự hướng dẫn của một linh mục Việt Nam. Sau chín tháng, vào đầu năm 1864, cha được bổ làm phụ trách giáo xứ Cái Nhum, một họ đạo lớn trong tỉnh Vĩnh Long. Năm sau, cha Colombert được đức cha Miche giáo phận Sài Gòn gọi về làm bí thư riêng của ngài và làm quản lý nhà chung. Ngài giữ hai chức vụ này cho tới năm1872, khi được bổ nhiệm làm giám mục. Năm ấy ngài mới 35 tuổi, ngài hăng say phục vụ giáo phận cho đến mãn đời. Đức cha Colombert được nghỉ yên trong Chúa vào năm 1895 (22).

Ba công trình chính mà cha Colombert đã thực hiện cho giáo phận của ngài là: Tái thiết hai chủng viện (23), xây cất nhà thờ chính toà (24), và tiếp tục công trình tổ chức các họ đạo và Hội Đồng Quí Chức (25). Công trình thứ ba này được khởi sự bởi đức cha Lefebvre (1861-1865) và đức cha Michel (1865-1872), và được tiếp tục đẩy mạnh bởi đức cha Colombert. Theo cha L. Louvet, sau thời bách hại dai dẳng và chiến tranh loạn lạc, tình trạng các họ đạo thật bi thảm: chính vì vậy, nói trắng ra là tất cả đều phải làm lại từ đầu. Phải trấn an những người tân tòng, thiết lập lại các họ đạo bị phân tán đến phân nửa hoặc đến ba phần tư, tái lập việc thờ phượng cộng đồng từ ròng rã năm năm bị gián đoạn khắp nơi, xây dựng các nhà thờ tạm thời, các nhà xứ, các tu viện cho hàng trăm nữ tu phải tạm trú ở gia đình họ...

2) Cuốn ‘Chức Sở Mục Lệ’ của đức cha Colombert

Sáng kiến đặc biệt nhất của đức cha Colombert trong việc tổ chức lại các họ đạo chính là việc ấn hành vào năm 1884 cuốn “Chức Sở Mục Lệ”. Đứng về phương diện lịch sử và mục vụ, đây là một tài liệu rất quan trọng. Người ta có thể nói rằng bản Qui Luật này rất thực tế, chính xác và đầy đủ ít nhất là đối với thời đó. Bản Qui Luật nói rõ tất cả những gì liên quan đến vai trò và mục đích của Hội Đồng Quí Chức trong họ đạo, cũng như tất cả những gì quí chức phải làm để cộng tác với linh mục trong việc điều hành một họ đạo và việc truyền giáo cho lương dân. Bản Qui Luật thu tập tất cả những ứng dụng truyền thống của việc tổ chức hàng ngũ quí chức trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam và hệ thống hóa thành những điều lệ rõ ràng. Cuốn Chức Sở Mục Lệ của đức cha Colombert còn là một khuôn thước mẫu mực cho mọi sáng kiến tái tổ chức cơ cấu mục vụ của những họ đạo Việt Nam vào sau thời kỳ cấm cách.

Hơn nữa, cho tới năm 1953, đức cha Ngô Đình Thục, giám mục giáo phận Vĩnh Long, trong chương trình tái tổ chức những họ đạo trong giáo phận của ngài, ngài cũng chỉ ứng dụng cho Hội Đồng Quí Chức của mỗi họ đạo chính bản Chức Sở Mục Lệ được biên soạn bởi đức cha Colombert với một vài tu chính nhỏ (26).

Nói tóm lại, với cuốn Chức Sở Mục Lệ do đức cha Colombert sọan, Hội Đồng Quí Chức của họ đạo tại Việt Nam thật sự là một thực thể có tổ chức và có định chế. Trở thành một Hiệp hội trong phong trào Công Giáo Tiến Hành với danh hiệu “Hội Đồng Quí Chức“.

3) Trình bày tổng quát cuốn ‘Chức Sở Mục Lệ’

Ấn bản đầu tiên của cuốn ‘Chức Sở Mục Lệ’ không còn tìm thấy. Dù vậy, chúng ta có một bản văn đáng tin là trung thực, được in trong cuốn “Thiên Chúa Thánh Giáo Nhựt Khóa Chúa Nhựt Pháp” từ trang 629 đến trang 660, Sài Gòn 1898 (27). Đây là cuốn sách Kinh Nguyện mà mỗi một quí chức đều phải có. Mỗi quí chức đến nhà thờ luôn luôn có trong tay cuốn sách này, nhất là vào phiên của mình chủ xướng kinh nguyện cộng đoàn. Theo bản văn này, cấu trúc cuốn ‘Chức Sở Mục Lệ’ gồm có ‘TỰA’ tức là phần dẫn nhập và 70 điều nằm trong 5 ĐOẠN. Chúng ta phân tích sơ lược như sau: (28)

CHỨC SỞ MỤC LỆ, TỰA: Trang mở đầu xác nhận, theo truyền thống và một cách thực dụng, việc tổ chức cơ cấu những quí chức đã có ngay từ buổi đầu công cuộc truyền giáo tại Việt Nam; trình bày những lý do đưa đến sự biên soạn và ấn hành cuốn ‘Chức Sở Mục Lệ’; nói đến bổn phận của các chức sở phải đọc cho kỹ và giữ cho đúng những điều viết trong cuốn Chức Sở Mục Lệ, và đến phần thưởng đời đời dành cho những người tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước tiên.

ĐOẠN THỨ NHỨT: ‘Nói về sự bầu cử chức sở là có ý nào’, nghĩa là ‘nói về ý nghĩa của sự chọn lựa những quí chức của họ đạo’ (Đ.1-4): Khi xưa Chúa Kitô chọn 72 môn đệ, ngày nay theo gương Ngài, các bề trên trong Giáo Hội cũng tuyển chọn các quí chức (Đ.1); trước hết để các linh mục có những cộng tác viên và giáo dân có những gương mẫu (Đ.2). Mặc dù những quí chức không thể chờ đợi gì về những mối lợi lộc vật chất bởi phẩm chức của họ, họ biết rằng sự quan trọng của những gì là siêu nhiên vượt hơn những gì là thế tục, phẩm chức của họ đáng được quí trọng hơn tất cả những phẩm chức thế tục (Đ.3). Vậy thì, những người tham dự vào phẩm chức của họ đạo có thể là những chức sắc của thôn làng hay của những chức vị phần đời khác (Đ.4).

ĐOẠN THỨ HAI: “Nói về sự bầu cử chức sở cùng số chức sở trong mỗi họ là bao nhiêu” (Đ.5-12): Quí chức được phân biệt ra nhiều cấp bậc: trong họ đạo lớn thì có các ông Trùm phủ, Trùm nhất, Trùm nhì; trong họ đạo nhỏ thì có các ông Câu nhứt, Câu nhì; trong mỗi họ đạo lớn hay nhỏ đều có Biện việc, Biện sở và Giáp. Các ông biện phụ tá ông trùm và ông câu; còn ông giáp là người đặc trách một khu hay một xóm (Đ.5). Mỗi chức sở (quí chức) phải được bầu cử bởi giáo dân hay bởi những thành viên của Hội Đồng Quí Chức, sau đó phải được cha xứ tán thành. Quí chức cấp cao còn được đức giám mục cấp bằng (Đ.6). Để là ứng viên, thứ nhứt phải ‘có công làm giáp một ít năm’; thứ hai ‘phải đặng chừng 30 tuổi’; thứ ba, ‘cách ăn nết ở phải hiền từ đức hạnh, danh thơm tiếng tốt’; thứ bốn, phải thông hiểu lẽ đạo cho đặng dạy dỗ người ta những điều cần kíp’; thứ năm, phải ‘giữ đạo cho chín chắn’; thứ sáu, ‘phải biết đọc cùng biết viết chữ quốc ngữ hay là chữ nôm’ (Đ.7). Các chức sở đã được đức giám mục cấp bằng thì chỉ có thể bị truất chức bởi đức giám mục (Đ.8); Người làm giáp thì cha xứ có quyền chọn và cấp bằng, nên ngài cũng có quyền cất chức khi có lý do chính đáng. Người làm giáp ít nhất phải đủ hai mươi lăm tuổi (Đ.9). Sĩ số quí chức tùy thuộc tầm quan trọng của mỗi họ đạo: Họ đạo trên một ngàn giáo dân, có thể đặt hai ông trùm, hai ông câu và mười hai ông biện tùy theo trong họ đạo có nhiều xóm hay ít xóm; còn họ đạo có dưới một ngàn giáo dân và có cha sở, thì chỉ cần đặt một ông trùm, hai ông câu và chín ông biện; còn những họ đạo không có cha sở thì phải có một ông câu và bốn ông biện. Riêng số ông giáp thì tùy cha bổn sở (Đ.10). Họ nào muốn thêm sỉ số các chức sở như đã ấn định thì phải xin phép đức giám mục (Đ.11). Hiện nay họ đạo nào quá sỉ số các chức sở, thì cứ giữ nguyên, nhưng khi một chức sở qua đời thì không được thay thế (Đ.12).

ĐOẠN THỨ BA: “Nói về chức phận mỗi một người trong hàng chức sở” (Đ.13-18):

Chức phận trùm phủ: chức trùm phủ dành cho người có công nghiệp đối với họ đạo hay với nhà chung. Người có chức trùm phủ được đức giám mục đặt cử nên là bậc đàn anh trên hết các chức sở của họ đạo và trong cả giáo phận (Đ.13).

Chức phận ông Trùm họ (trùm nhất): Ông là người đứng đầu cả họ, cả Hội Đồng Qúi Chức trong họ, dưới quyền của cha sở. Ông phải làm gương tốt cho mọi người (Đ.14); Ông chủ sự đọc kinh trong nhà thờ và các buổi hội qúy chức trong họ (Đ.15), lo giữ bầu khí hoà thuận trong họ, phân xử các vụ xích mích, và trình lên cha sở mọi công việc (Đ.16). Nhiệm kỳ của trùm nhất là mãn đời, khi ông đau yếu thì trùm nhì thay thế (Đ.17). Khi ông qua đời, phải đợi đủ ba tháng mới bầu ông trùm thay thế và xin đức giám mục phát bằng bầu cử (Đ.18). Ông trùm nhì được quyền làm các việc như trùm nhất, khi ông này vắng mặt hay đau yếu (Đ.19).

Chức phận câu họ: Trong họ lớn thì câu họ (trùm nhì) có phận vụ như vừa nói trên, còn trong họ nhỏ thì chức vụ câu cũng giống chức trùm nhất (Đ.20). Vừa khi bầu cử xong, cha sở phải xin đức giám mục cấp bằng cho câu họ (Đ.21). Nhiệm vụ đặc biệt của câu họ là lo quán xuyến của cải trong họ, vườn và ruộng nhà chung, nhất là việc thu tiền cho mướn ruộng đất (Đ.22). Ông còn phải quan tâm việc giữ sạch sẽ bên trong bên ngoài nhà thờ và đất thánh (Đ.23). Tóm lại, câu họ (trùm nhì) được đặt lên là để giúp đỡ câu nhứt (trùm nhứt) nên có quyền lợi và phận vụ như trùm nhứt (Đ. 24).

Chức phận Biện việc: Tức ủy viên tài chánh, là người làm việc trực tiếp dưới quyền cha sở hay ông trùm nhất để lo việc xuất phát (chi tiêu) của nhà thờ (Đ.25). Ông được các chức sở trong họ bầu lên với nhiệm kỳ một năm (Đ.26). Ông biện việc phải lo sắm sửa các đồ thờ phượng trong nhà thờ, lo việc chi tiêu và tiền còn lại nộp về cha sở (Đ. 27). Ông phải làm sổ sách nghiêm chỉnh và trình sổ với các chức sở và cha sở vào ngày lễ hai thánh Phêrô và Phaolô mỗi năm (Đ.28). Ông phải làm việc dưới quyền cha sở và mỗi lần nhóm họp, chính ông phải mời các chức sở tới (Đ.29).

Chức phận Biện sở: Mỗi họ đạo chia ra nhiều xóm và mỗi xóm có một biện sở trách nhiệm (Đ.30). Biện sở như ‘con mắt của cha sở’ để lo toan mọi việc trong xóm, phải trình ngài mọi vụ việc, nhất là khi có gương xấu xảy ra (Đ.31). Do đó phải làm gương tốt và giữ đạo sốt sắng (Đ.32). Cụ thể là phải đi dự các giờ phụng tự trong nhà thờ, như nghe giảng, học sách phần, đọc kinh, dâng lễ, siêng năng đọc kinh sáng tối (Đ.33). Khi cha sở muốn gặp ai, biện sở phải tìm người đó đến. Phải luôn nhớ mình là người thay mặt cha sở và bổn đạo trước mặt Chúa (Đ.34).

Biện sở phải học biết cách rửa tội để khi cần kíp thì rửa tội, khi có trẻ em sinh ra đã ba ngày hay người lớn cần rửa tội thì trình cha sở (Đ.35), phải cắt nghĩa cho cha mẹ và người đỡ đầu biết những việc họ phải làm (Đ.36); lại phải giúp đỡ và liên hệ với những ‘mụ bà’ hay ‘phô ông làm thầy thuốc’ thường đi rửa tội cho trẻ em ngoại giáo (Đ.37 và 39-40). Biện sở phải sốt sắng dạy giáo lý cho bổn đạo và truyền giáo cho lương dân; nếu cần phải giúp họ có cơm ăn áo mặc, nhà ở, cả sau khi họ đã chịu phép rửa tội. Do đó cần đi dự các giờ giáo lý cha sở dạy (Đ.38). Biện sở phải làm sổ những người xưng tội rước lễ mùa Phục Sinh, những trẻ em Rước lễ lần đầu, chịu Phép xức trán, những thanh niên chưa rước lễ hay chưa chịu xức trán, những cặp vợ chồng rối, những người mới nhập họ (Đ.41). Biện sở phải quan tâm nhắc nhở những cha mẹ lơ là trong việc giáo dục con cái, bỏ bê việc dạy kinh bổn cho con cái, hay có con đã lớn mà chưa xưng tội hoặc chưa chịu xức trán; cũng phải nhắc nhở cho các vú bõ nhớ phận vụ của họ (Đ.42).

Khi có người đau yếu, biện sở phải năng thăm viếng, rước linh mục về ban phép Xức dầu cho họ (Đ.43). Khi linh mục kiệu Mình Thánh đến, biện sở phải lo bày bàn thờ, cùng đọc kinh với những người thân cận gia đình, giúp bệnh nhân dọn mình… (Đ.44). Khi bệnh nhân qua đời, biện việc lo tránh các tục dị đoan, mà theo sách Tử Hầu giúp gia đình tổ chức lễ an táng đúng theo phép Hội Thánh. Sau đây là những việc không được làm trong việc tống táng: - phải chôn xác nội trong ba ngày, - không được tổ chức ăn uống linh đình, - không đốt pháo, chơi nhạc, - không được cầu hồn chung trong tư gia, mà phải tổ chức ở nhà thờ họ, - phải ăn mặc chỉnh tề, không khóc lóc, không ăn trầu hút thuốc trong khi cử hành lễ an táng, - không om xòm, nhưng thinh lặng, đọc kinh cầu nguyện và tỏ lòng cung kính (Đ.45). Riêng việc cưới hỏi, biện việc phải nhắc người ta giữ đủ ba lễ: lễ bỏ trầu cau, lễ hỏi và lễ cưới, và dĩ nhiên lễ bỏ trầu cau ít trọng hơn lễ hỏi và lễ hỏi ít trọng hơn lễ cưới. Nếu thấy có một bên đòi hỏi quá lẽ công bằng, biện việc phải khuyên răn, bằng không được thì phải trình cha sở. Việc làm dâu sau ngày cưới cũng vậy (Đ.46). Gần ngày cưới, đôi bạn và cha mẹ phải được biện sở dẫn tới cha sở để xin rao ba lần và để dọn mình xưng tội và làm phép cưới chứ không trì hoãn (Đ.47). Ngày lễ cưới, biện sở phải lo chuẩn bị bàn thờ, nhẫn, nến cho đôi bạn. Sau ngày lễ phải lo sổ sách cẩn thận và đem nộp tờ hôn thú cho làng xã (Đ.48). Biện sở phải nhắc cho hai gia đình biết: lễ ở nhà thờ, tại gia đình và việc đưa dâu về nhà chồng phải làm xong trong một ngày, và phải coi bí tích hôn phối trọng hơn việc cưới đời. Trong bữa tiệc cưới, lẽ thường biện việc được mời tới dự, ông phải lo tránh mọi hình thức dị đoan (Đ.49). Bây giờ không còn được cử hành hôn phối trước mặt mấy chức việc làm chứng nữa, trừ khi hoàn cảnh không thể mời được linh mục (Đ.50).

Biện việc lại lo cho trong họ tránh khỏi gương xấu: vì cảnh rối vợ rối chồng, vì người chồng có vợ bé, vì vợ chồng chia rẽ nhau, cảnh cờ bạc, nghiện ngập, cho vay ăn lãi nặng, làm việc xác ngày chúa nhật, vì bỏ bê con cái. Nếu khuyên răn không được, phải trình lên cha sở (Đ.51). Biện sở phải quan tâm giúp đỡ những người già yếu, khó nghèo, những kẻ bị sa cơ, thất thế… Bằng trong họ không ai giúp được thì phải trình cha sở (Đ.52).

Thi hành phận vụ như vậy, biện sở vừa phải nhiệt tâm vừa phải khiêm tốn, không kiêu căng và hằng nhớ lời Chúa Giêsu dạy: “Ai làm lớn phải trở nên bé nhỏ, và phục vụ mọi người” (Mt 10,43-44). Phục vụ như vậy, bây giờ biện sở được vui trong lòng và ngày sau sẽ được thưởng bội hậu (Đ. 53).

Chức phận người làm Giáp: Giáp là phó biện, chuẩn bị để nhập hàng chức sở. Cha sở chọn và cấp bằng cho Giáp (Đ.54). Biện sở có quyền đề nghị thêm ông giáp giúp đỡ mình (Đ.55). Phận vụ của ông giáp là phụ tá biện sở. Vì thế trong các buổi hội chức sở, giáp có thể tham dự mà không có quyền bàn luận (Đ.56).

ĐOẠN THỨ BỐN: “Nói về những quyền lợi riêng trong hàng chức sở”: Danh tánh và ngày được thăng cấp của một quí chức phải được ghi chú trong một sổ bộ đặc biệt (Đ.57); Tại nhà thờ, quí chức được ngồi ở hàng ghế giữa, người làm giáp quỳ trên hết và ông trùm quỳ sau hết (Đ.58): khi không có cha sở, các chức sở được quyền rao lịch, đọc thông báo và chủ xướng kinh hạt (Đ.59). Các chức sở hội chung với cha sở để bàn tính mọi công việc trong họ (Đ.60). Các chức sở thay phiên nhau đi dự cấm phòng do đức giám mục tổ chức (Đ.61). Khi chức sở qua đời, họ đạo sẽ lo việc mai táng (Đ.62), riêng ông trùm sẽ được họ đạo xin cho ba lễ và ông giáp được một lễ (Đ.63). Hàng năm vào tháng các Đẳng, họ đạo xin một lễ cầu cho các chức sở đã qua đời (Đ.64).

ĐOẠN THỨ NĂM: “Nói về những người xin thôi làm chức sở cùng những người phải cất chức”: Khi một chức sở muốn xin thôi làm việc, phải thưa mọi lẽ với cha sở để ngài trình lên đức giám mục và tìm người thay thế. Chỉ khi được đức giám mục chấp nhận và nộp bằng lại cho ngài, lúc ấy mới chính thức thôi việc. Trường hợp một chức sở đi qua họ đạo khác thì không còn là chức sở nữa, trừ khi được đức giám mục nhận cho làm chức sở trong họ đạo mới tới (Đ.65). Chỉ các chức sở xin thôi làm việc cách chính đáng mới có thể được phục nhiệm bởi đức giám mục (Đ.66).

Những người kể sau đây không được làm việc họ đạo: - Người hám quyền chức mà không lo bổn phận – Người bỏ Mùa Phục Sinh – Người rối vợ hay mê đắm dục tình – Người kiện việc đạo ra tòa đời – Người không vâng lời cha sở hay ông trùm trong vụ việc quan trọng – người làm nhục cách nặng hay đánh đập một chức sở – Người nghiện rượu, cờ bạc, thuốc phiện – Người kiện tụng trái lẽ công bằng - Người cho vay ăn lãi quá đáng, hay đồng lõa với đảng cướp (Đ.67). Một chức sở vấp phải những lỗi lầm trên đây, cha sở và hàng chức sở phải khuyên nhủ và cảnh cáo đôi ba lần trước, nếu chức sở đó không nghe và sửa mình, thì cha sở và hàng chức sở phải cách chức họ (Đ.68). Nếu chức sở làm điều lỗi nặng và công khai, thì sau khi đã hối cải, còn phải xin lỗi công khai là tùy tiện, nghĩa là phải lạy tạ lỗi họ đạo và hàng chức sở (Đ.69).

Sau cùng, mỗi năm một lần, vào dịp lễ thánh Phêrô và Phao lô, các quí chức phải được học tập về cuốn Chức Sở Mục Lệ này (Đ.70).

Như chúng ta đã nói ở trên, cuốn Chức Sở Mục Lệ được soạn thảo và ban hành bởi đức cha Colombert là một văn bản rất quan trọng. Chúng ta có thể thêm rằng những thư chung của các vị giám mục kế vị, về căn bản, không đem thêm điều gì mới vào những điều đã được đức cha Colombert trình bày. Tỷ dụ, trong một thư chung năm 1954 về Công Giáo Tiến Hành, đức cha Isidore Dumortier đã chép lại nguyên văn những điều 3 và điều 38 của cuốn Chức Sở Mục Lệ để nêu lên mục đích của Công Giáo Tiến Hành và mối tương quan của tổ chức này với thừa tác vụ của linh mục. Sau cùng ngài kết luận: “những điều khoản của cuốn Chức Sở Mục Lệ được soạn ra đã 50 năm nay cho quí chức, hầu như cũng được soạn cho cả những thành viên của Công Giáo Tiến Hành. Vậy, để thiết lập trong mỗi họ đạo những cơ cấu Công Giáo Tiến Hành theo nguyện vọng của đức giáo hoàng, các linh mục chỉ cần nhấn mạnh cho quí chức về lòng nhiệt thành lớn lao đối với phần rỗi của các linh hồn, nhắc nhủ họ tuân giữ những điều được ghi trong cuốn Chức Sở Mục Lệ. Việc đọc lại vài điều của cuốn Chức Sở Mục Lệ trong mỗi buổi họp các quí chức là điều rất ích lợi” (29).

II. THƯ CHUNG NĂM 1899 CỦA ĐỨC CHA P. M. GENDREAU

1) Cảm hứng từ cuốn Chức Sở Mục Lệ của đức cha Colombert

Tầm quan trọng của cuốn Chức Sở Mục Lệ do đức cha Colombert soạn thảo, còn giữ một chỗ ngồi rất độc đáo trong thư chung nói riêng về việc tổ chức các Hội Đồng Quí Chức trong họ đạo của đức cha Pierre Marie Gendreau (đức cha Đông), giám mục giáo phận Hà Nội. Trong cùng một đường hướng tái tổ chức những cộng đoàn tín hữu sau thời kỳ bách hại, vào năm 1899, tức là 15 năm sau khi phát hành cuốn Chức Sở Mục Lệ tại Nam Kỳ, đức cha P.M. Gendreau đã gửi đến các cha xứ một thư chung quan trọng. Trong thư chung này, ngài vạch ra những qui luật chính cho sự tái tổ chức Hội đồng Quí Chức. Đem so sánh thư chung của đức cha P.M. Gendreau với cuốn Chức Sở Mục Lệ do đức cha Colombert soạn, chúng ta thấy rõ rằng:

Cơ cấu tổ chức: Toàn bộ phương thức tổ chức Hội Đồng Quí Chức là đồng nhất cho giáo phận Bắc Kỳ cũng như cho giáo phận Nam Kỳ.

Mấy khác biệt: Chỉ có sự khác biệt về sĩ số và danh xưng của mỗi thành viên Hội đồng Quí chức. Tỷ dụ, người đứng đầu của họ đạo ở Bắc Kỳ được gọi là «Chánh trương», ở Nam Kỳ là «Trùm nhất». Người đứng đầu họ đạo nhỏ (họ nhánh, họ lẻ) ở Bắc Kỳ được gọi là «Trùm họ», ở Nam Kỳ là «Biện sở» v.v…

Lược tóm thư chung: Cấu trúc trình bày trong thư chung không được hợp lý và chi tiết bằng trong cuốn Chức Sở Mục Lệ của đức cha Colombert. Với tựa đề là «bản Qui Luật của Hội Đồng Quí Chức», thư chung của đức cha P.M. Gendreau, sau phần dẫn nhập ngắn, gồm có 15 số, được lược tóm như sau:

+ Phần dẫn nhập: Tất cả các họ đạo đều phải có những quí chức để giúp đỡ linh mục trong việc phụng tự, ban bí tích, lo cho phần rỗi các linh hồn để có thể hy vọng một trật tự bền bỉ và vững chắc trong sinh hoạt cộng đoàn tín hữu vì vinh danh của đạo giáo và vì phần ích thiêng liêng của giáo dân. Vì thế, luôn luôn theo truyền thống có sự đặt định các người phụ trách những họ đạo chính, họ đạo nhỏ hay khu xóm. Một truyền thống đầy lợi ích cần được các họ đạo thực hiện.

+ Số 1: Những thành viên hội đồng quí chức

+ Số 2: Nhiệm vụ của mỗi thành viên

+ Số 3: Sự chọn lựa quí chức

+ Số 4: Phương thức bầu cử quí chức

+ Số 5: Quyền hưởng tuần phòng

+ Số 6: Quyền tiên chỉ

+ Số 7: Cuộc đầu phiếu và những đặc quyền

+ Số 8: Sự đóng góp nêu danh

+ Số 9: Những qui định về sự đóng góp

+ Số 10: Tài sản của họ đạo

+ Số 11: Những khoản chi của họ đạo

+ Số 12: Những việc đạo đức, cấm phòng

+ Số 13: Mời linh mục viếng kẻ liệt

+ Số 14: Những lễ tang

+ Số 15: khi có linh mục lưu trú ở cộng đoàn tín hữu

2) Một vài điểm mới

Mặc dù chịu ảnh hưởng rõ rệt bản văn của đức cha Colombert, thư chung của đức cha P.M. Gendreau cũng có vài điểm mới, tỷ như sự đóng góp nêu danh, sự luân phiên phụ trách những bữa ăn v.v... Đó là vì ở Bắc Kỳ có những tập quán mà ở Nam Kỳ không có. Đàng khác, thư chung của đức cha P.M. Gendreau đã đánh dấu một bước tiến lớn trong diễn tiến lịch sử của Hội Đồng Quí Chức ở Bắc Kỳ, giống như bước tiến quan trọng mà bản văn của đức cha Colombert đã chứng tỏ ở Nam Kỳ. Hơn nữa, thư chung của đức giám mục Hà Nội sẽ được bổ túc bởi những nghị quyết của Công Nghị đầu tiên giáo phận Bắc Kỳ vào năm 1900 (30).

III. CÔNG NGHỊ MIỀN ĐẦU TIÊN GIÁO PHẬN BẮC KỲ

Công nghị này được tiến hành từ ngày 10.2.1900 đến ngày 6.3.1900 tại giáo phận Hải Phòng (Tonkin Oriental), dưới sự chủ tọa của đức cha Joseph Terres (Hiên), cùng với sự tham dự của sáu vị giám mục miền Bắc Kỳ và bảy cha chính của bảy giáo phận (31). Công nghị đã đưa ra nhiều nghị quyết liên quan đến sự cộng tác của giáo dân, nhất là sự cộng tác của quí chức đối với linh mục như được diễn thuật dưới đây.

«Trong mỗi họ đạo phải có hai quí chức, được bầu ra bởi chính giáo dân trong họ đạo và được cha xứ tán thành. Họ là những người có danh thơm và hạnh kiểm tốt để nhân danh và thay thế linh mục chăm sóc họ đạo, bảo tồn và quản trị nhà thờ và những tài sản: Họ chăm lo mọi sinh hoạt của họ đạo cho tốt đẹp: quán xuyến các lớp giáo lý, phân xử những tranh tụng nhỏ giữa các giáo dân, nhắc nhủ giáo dân tuân giữ luật lệ trong họ đạo, điều khiển những buổi cầu nguyện chung trong nhà thờ ít ra là vào những ngày chủ nhật và lễ trọng, đọc thông báo và rao lịch phụng vụ, nhắc nhở ngày giữ chay và kiêng thịt… nhất là khi các thày giảng vắng mặt,ân cần viếng thăm các bệnh nhân trong họ đạo và kịp báo cho linh mục trường hợp có người bệnh nặng để ngài đến ban các bí tích cho bệnh nhân. Về phía cha xứ, ngài phải yểm trợ tối đa những quí chức thuộc quyền. Quí chức có bổn phận báo cho linh mục biết những sự lạm dụng nếu có trong cộng đoàn, thông tin về những đôi bạn sắp thành hôn, những tranh tụng và cãi lộn giữa các gia đình tín hữu, tắt một lời, về tất cả những gì phải làm cho đời sống của họ đạo được tốt đẹp mọi bề» (32).

Đàng khác, Công Nghị muốn các cha xứ bổ nhiệm một vài quí chức (nam hay nữ, đạo đức, học thức) làm phận sự người quản giáo chuyên lo cho các trẻ em nghiêm trang và sốt sắng trong nhà thờ, dạy chúng về giáo lý và cách cầu nguyện (33); một vài quí chức khác lo việc quản trị tài sản của cộng đoàn tín hữu và của nhà thờ (34); chọn lựa và huấn luyện người (nam hay nữ) lo việc rửa tội khi khẩn cấp (35). Tuyệt đối, cha xứ không được đánh phạt giáo dân bằng roi hay xử phạt họ theo kiểu cách ngoài đời (36).

IV. CÔNG NGHỊ MIỀN LẦN THỨ HAI GIÁO PHẬN BẮC KỲ

Vào năm 1912, dưới sự chủ tọa của cha P.M. Gendreau, giám mục Hà Nội (Tonkin occidental), công nghị miền lần thứ hai tụ họp tại Kẻ Sơ. Hầu như tất cả các vị giám mục những giáo phận Bắc Kỳ đều tham dự. Công nghị này không có mục đích đặc biệt nào khác là bổ túc những nghị quyết của công nghị năm 1900. Bản văn chính thức cho thấy không có điều gì mới, cũng một cấu trúc và cũng những đề mục như trong bản văn của công nghị đầu tiên (37). Và trong đề mục sau cùng «De cura christianorum» mới nói một chút về các Quí Chức. Cấm các cha xứ không được bãi nhiệm ông chánh trương của giáo xứ (38), không được thành lập những họ đạo mới, không được phân chia giáo xứ thành những họ lẻ khi không có giấy phép của đức giám mục (39).

Không ai có thể phủ nhận những cố gắng đáng kể của các giám mục ở Việt Nam trong sự tổ chức lại những cộng đoàn tín hữu sau thời kỳ bách hại. Nhờ những cố gắng này mà vai trò, sự tuyển chọn, những nhiệm vụ cũng như quyền lợi của các quí chức được qui định rõ rệt và được định chế hóa. Tuy nhiên, những cố gắng này còn hạn định trong mỗi giáo phận hay đúng hơn là trong mỗi miền, Bắc Kỳ hoặc Nam Kỳ. Trong khi tôn trọng những sáng kiến riêng của mỗi miền, người ta chờ đợi một chỉ thị chung thực thi trên toàn quốc, hay đúng hơn, áp dụng cho toàn thể Giáo Hội Việt Nam, liên quan đến mọi phương diện đời sống Giáo Hội và cách riêng, cho việc tổ chức Hội Đồng Quí Chức trong các họ đạo. Nguyện vọng này sẽ được thực hiện bởi Công đồng Đông Dương (Indochine) năm 1934, dự kiến thích nghi sự tổ chức Hội Đồng Quí Chức trong họ đạo theo cơ cấu của Công Giáo Tiến Hành.

MỤC IV

ĐƯỢC THÍCH ỨNG THEO

ĐỊNH CHẾ CÔNG GIÁO TIẾN HÀNH

(1934 - 1953 )

I. CÔNG ĐỒNG ĐÔNG DƯƠNG

1) Công nghị quan trọng nhất tại Việt Nam


Công đồng Đông Dương năm 1934 là công nghị quan trọng nhất được cử hành tại Việt Nam. Công đồng hội tại Hà Nội, thủ đô của Bắc Kỳ, từ ngày 17.11.1934 đến ngày 6.12.1934. Công đồng được triệu tập và chủ tọa bởi đức tổng giám mục Columban M. Dreyer O.P., Khâm sứ Tòa Thánh. Tất cả các giám mục Việt Nam, Cao Miên và Lào hiện diện cùng một số đông linh mục. Công đồng hoạt động qua 5 ủy ban chuyên đề. Liên quan mật thiết đến công việc khảo cứu của chúng ta là ủy ban thứ tư, vốn đã nghiên cứu về tình trạng các giáo phận, công việc thuyết giảng, công việc dạy giáo lý, các trường học và Công Giáo Tiến Hành.

Bản văn Công đồng cho thấy nhiều nghị quyết liên quan đến Hội Đồng Quí Chức của họ đạo. Cần thiết phải nhận ra rằng chủ đích của Công đồng là thích ứng việc tổ chức Hội Đồng Quí Chức vào định chế Công Giáo Tiến Hành được gợi ý bởi đức giáo hoàng Piô XI (40). Lẽ tự nhiên, đó là một sáng kiến mục vụ lớn, vừa hữu lý vừa lợi ích; và là một sự canh tân thích đáng trong đường hướng làm cho sự cộng tác của giáo dân vào sứ vụ của linh mục được hữu hiệu hơn trong một xã hội tân tiến. Nhưng các nghị phụ công đồng đã tỏ ra thận trọng bằng cách giữ lại cấu trúc căn bản và truyền thống của các họ đạo. Chính vì thế, chúng ta không ngạc nhiên nhận thấy rằng những bản văn của Công đồng Đông Dương cũng như những thư chung của các giám mục hay những cuốn Chỉ Nam của mấy giáo phận luôn ăn khớp với nhau, tất cả đều lặp đi lặp lại những gì đã hiện hữu từ lâu trong đời sống họ đạo ở Việt Nam. Sự thực là chỉ có một vài thay đổi trong những điều chi tiết, ngoài ra toàn bộ cơ cấu của họ đạo và của Hội Đồng Quí Chức được giữ nguyên. Và đó lại thêm một lý do cho phép công việc khảo cứu của chúng tôi mở rộng đến năm 1953, năm mà cuốn Chức Sở Mục Lệ, được soạn thảo vào năm 1884 bởi cha Colombert, được nhuận sắc và ấn hành lại bởi đức cha Ngô đình Thục, giám mục giáo phận Vĩnh Long.

2) Những nghị quyết Công đồng Đông Dương

Công đồng dành chương VII của tập IV (41) để trình bày về đề tài «Hội đoàn Công Giáo Tiến Hành và những Hiệp hội giáo dân». Với tựa đề đó, chương này được chia làm 4 mục:

Mục I: «De natura Actionis Catholicae et de obligatione eam instituendi» (Bản chất Công Giáo Tiến Hành và bổn phận phải thiết lập), gồm 11 điều (Đ.356-366) với những điểm chính sau đây:

Mục đích của Công Giáo Tiến Hành: Qua hoạt động của Công Giáo Tiến Hành, những tín hữu nam cũng như nữ, nhất là giới trẻ, bằng cầu nguyện cũnh như bằng lời nói và việc làm, góp phần vào sự thăng tiến xã hội, sự thịnh vượng của tổ quốc, quan tâm quảng bá những huấn thị thánh thiện và lành mạnh của Phúc Âm, cộng tác với các giám mục và linh mục trong việc loan truyền đức tin và phát huy những điều thiện hảo của đức bác ái Kitô giáo dành cho tha nhân và cho xã hội (Đ.358).

Thích ứng cơ cấu của Hội Đồng Quí Chức vào việc tổ chức Công Giáo Tiến Hành. Tại các nước của chúng ta, thể chế cũ của Hội Đồng Quí Chức trong họ đạo có thể được vận dụng vào việc tổ chức Công Giáo Tiến Hành (Đ.363). Thực vậy, những thể chế cũ đó rất hiệu lực trong việc giúp các thừa sai quản trị họ đạo về phương diện thiêng liêng cũng như thế tục, chúng có thể cũng lợi ích cho công trình củng cố đức tin người tín hữu và truyền bá đức tin cho lương dân, vốn là hai mục tiêu của Công Giáo Tiến Hành (Đ.364). Nếu những quí chức được tuyển chọn kỹ lưỡng, nghĩa là được huấn luyện, sống cương trực, công chính, đức hạnh và đạo đức, họ sẽ là thành phần ưu tú của cộng đoàn tín hữu, là hạt nhân cho sự hình thành Công Giáo Tiến Hành (Đ.365).

Mục II: « De Consociationibus Fidelium auxiliaribus Actionis Catholicae» (Những hiệp hội giáo dân trợ giúp Công Giáo Tiến Hành gồm 10 điều (Đ.367-376), những điểm mà chúng ta chú ý nhất là:

Mời gọi giáo dân tham gia những hiệp hội được Giáo Hội chấp nhận: «Để chuẩn bị cho các nước của chúng ta có 684) khi gia nhập hoạt động trong những hiệp hội được Giáo Hội thành lập hay chấp nhận (Đ.367). Vậy thì, Giáo Hội không nhìn nhận bất cứ một hiệp hội tín hữu nào mà một định chế Công Giáo Tiến Hành hùng mạnh, chúng ta phấn khích trước tiên mọi tín hữu, với điều kiện họ là những tín hữu công giáo đích thực như tên gọi, gia nhập các hiệp hội khác nhau tùy theo tuổi tác và hoàn cảnh xã hội của họ. Thực vậy, họ xứng đáng được khen ngợi (theo khoản không được thành lập hay ít ra được công nhận bởi giáo quyền hợp pháp, sau khi qui chế của hiệp hội được cứu xét bởi Tòa Thánh hay bởi bản quyền địa phương (Đ.368).

Những hiệp hội chính là: Tông đồ cầu nguyện (Đ.371), Nghĩa binh Thánh Thể (Đ.372), hội Con Đức Mẹ, hội Thánh Anna (Đ.373), hội Kinh Mân Côi, hội Thánh Thể, hội Thánh Tâm (Đ.374), Dòng ba Phan Sinh, Dòng ba Đa Minh (Đ.375).

Mục III: «De Actione Catholica proprie dicta ejusque organisatione» (Về sự tổ chức Công Giáo Tiến Hành đích thực) có 20 khoản (Đ.377-396), sau đây là những điều chính:

Thành lập các trung tâm giáo phận và xứ đạo «…Sau khi soạn thảo những qui chế, mỗi giáo phận phải lập nên và chỉ đạo một ủy ban giáo phận đặc trách cổ võ cho Công Giáo Tiến Hành trong khắp giáo phận. Cũng vậy, trong mỗi xứ đạo, một ủy ban giáo xứ được tuyển mộ từ những tín hữu xứng đáng nhất để phối hợp với cha xứ phụ trách những hoạt động của Công Giáo Tiến Hành trong xứ đạo. Tất cả những ủy ban vừa nói trên sẽ được hướng dẫn bởi một linh mục do giáo quyền liên hệ chỉ định (Đ.377)».

Chú trọng đặc biệt đến giới trẻ: «Phải thành lập một hiệp hội thanh thiếu niên công giáo trong các vùng công giáo, rất cần thiết và ích lợi cho đạo giáo và đất nước (Đ.378)».

Những tiêu chuẩn thu nạp: Trong các hội đoàn công giáo, nhất là các hội đoàn của giới trẻ, có thể thu nạp như là hội viên thường cả những người trẻ ngoài công giáo, nhưng phải khôn ngoan chọn lựa giữa những học sinh có hạnh kiểm tốt trong các trường học công giáo (Đ.379).

Mục tiêu sinh hoạt: Phải có những buổi hội hàng tháng để các hội viên học hỏi giáo lý, đào sâu đức tin, hun đúc lòng nhiệt thành tông đồ và thấm nhuần về mục đích của hội đoàn (Đ.380). Cần có linh mục hướng dẫn về đời sống đạo đức của hội viên (Đ.381), Nên tổ chức đại hội theo khuôn khổ từng hạt hay cả giáo phận, như đại hội Thánh Thể, đại hội Thánh Mẫu (Đ.382). Đặc biệt trong thành phố nên tổ chức các câu lạc bộ cho người trẻ để giúp họ hiểu và dấn thân vào hoạt động Công Giáo Tiến Hành (Đ.383). Lại cần có những hội Công Giáo Tiến Hành dành riêng cho nữ giới (Đ.384). Kêu gọi giáo dân nam nữ đoàn viên Công Giáo Tiến Hành tình nguyện dạy giáo lý phụ tá các linh mục và thày giảng (Đ.385), nhất là lấy lời cầu nguyện, lời nói và việc làm giúp việc truyền giáo (Đ.386).

Những hiệp hội truyền giáo: Hội Thánh Phêrô (c.387), Hội cầu nguyện cho các nước Đông Phương trở lại đạo (c.388), Hội thánh Vinh Sơn, Hội Từ Thiện (c.392).

Dưới sự chỉ đạo của hàng giáo phẩm: Nói vắn tắt, trong tất cả lãnh vực tôn giáo, dân sự và xã hội, Công Giáo Tiến Hành hoạt động cộng tác với và dưới sự chỉ đạo của hàng giáo phẩm (c.394).

Công Giáo Tiến Hành và vấn đề chính trị: Phải tuyệt đối tách rời khỏi Công Giáo Tiến Hành những vấn đề chính trị và đảng phái chính trị. Tuy nhiên, với tư cách riêng là người công dân, tín hữu công giáo được tự do gia nhập đảng phái chính trị nào có bản chất lương thiện và chính đáng, không có xu hướng lật đổ trật tự xã hội (c.395).

Soạn thảo quy chế: Một ủy ban sẽ được thiết lập để soạn thảo các quy chế Công Giáo Tiến Hành thích ứng cho từng quốc gia (Đ. 396).

Điều IV: «De libris et diaris etc» (Về sách báo và tài liệu… ) gồm 6 điều (Đ.397-402) trình bày cho chúng ta sự cần thiết và hiệu lực của việc phát hành sách báo công giáo (Đ.397-400), nhất là sách Kinh Thánh (Đ.401); nguyện vọng lập những thư viện (Đ.401), và một ủy ban đặc biệt phụ trách thẩm định giá trị sách báo đời và quảng bá nền văn hóa lành mạnh (Đ.402).

Trước khi xác định phần này, chúng ta phải nói thêm rằng, do tình hình chính trị và kinh tế của xứ sở đương thời gặp vô vàn khó khăn, những nghị quyết của Công Đồng Đông Dương (Indochine) không được thực hiện một cách có hiệu quả, mặc dù được lặp đi lặp lại trong những cuốn Chỉ Nam ấn hành tại Việt Nam từ sau Công Đồng. Điều này có nghĩa là dù được thích ứng theo Công Giáo Tiến Hành, định chế của xứ đạo và của Hội Đồng Quí Chức vẫn được giữ nguyên vẹn.

II. NHỮNG CUỐN CHỈ NAM CỦA CÁC GIÁO PHẬN

Để thể hiện những quyết nghị của Công Đồng Đông Dương (1934), bốn giáo phận đã cho ấn hành cuốn Chỉ Nam (Directoire): Sài Gòn, Quy Nhơn, Hà Nội và Huế (DSG, DQN…) (42). Nhưng chỉ trong ba cuốn Chỉ Nam của ba giáo phận Quy Nhơn, Huế và Hà Nội việc tổ chức họ đạo và Hội Đồng Quí Chức được đề cập đến một cách kỹ lưỡng. Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Sài Gòn vẫn theo sát cuốn Chức Sở Mục Lệ ấn hành bởi cha Colombert năm 1884 (43). Vả lại, Những cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế (1940) và giáo phận Quy Nhơn (1942) hầu như có chung một bố cục, chung một văn từ, và chung những danh mục, ngoại trừ sự khác biệt về các số ghi (44). Chính vì thế, chúng ta sẽ trình bày chung cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế và cuốn Chỉ Nam của giáo phận Quy Nhơn, sau đó mới trình bày cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội.

1) Hai cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế và Quy Nhơn

Trước tiên, cả hai cuốn xác định rằng «Đời sống công giáo trong mỗi một họ đạo hay trong mỗi giáo xứ được diễn tiến dưới sự điều khiển của cha xứ và những quí chức cùng với sự tình nguyện cộng tác của mọi thành viên họ đạo» (45). Chung chung, việc tổ chức hàng quí chức lấy lại bản văn trong cuốn Chức Sở Mục Lệ của giáo phận Sài Gòn, như lời tuyên bố rõ ràng sau đây: Những nghĩa vụ chính yếu của giáo dân và của quí chức được ghi tóm trong hai cuốn «Giáo Hữu Mục Lệ và Chức Sở Mục Lệ» phải được đọc lên trong họ đạo hai lần mỗi năm, vào dịp lễ Giáng Sinh và lễ các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô» (46). Hai cuốn Chỉ Nam này dành mục VI để qui định «Việc tổ chức các họ đạo». Mục này gồm 5 phần. Phần 1: «Quí chức của họ đạo» (Les Notables des Chrétientés), đề cập đến:

a) Mục đích và danh xưng các quí chức: Cha xứ là người trách nhiệm về sự vận hành tốt của xứ đạo. Ngài được giúp đỡ bởi Hội Đồng Quí Chức gồm những chức năng trùm cả, câu I, II, III…, biện sở, biện I, II, III… biện phái hay giáp. Sĩ số quí chức thay đổi tùy theo tầm quan trọng và những nhu cầu của xứ đạo và họ đạo (47).

b) Việc bổ nhiệm các quí chức: Cha xứ có thể đề cử những ứng viên trùm cả, câu I…; Ban chức sở (Ban chức việc) có thể đề cử những ứng viên ‘biện phái hay giáp’. Nhưng tốt hơn là tất cả những ứng viên được bầu lên qua cuộc đầu phiếu của giáo dân (48).

c) Những điều kiện cần thiết: Nếu không thực thi tốt những nhiệm vụ thuộc phẩm tước thấp, không ai có thể được bổ nhiệm vào một phẩm tước cao hơn. Phải chú trọng đến đời sống đạo đức, lòng nhiệt thành, trí thông minh và khả năng của những người nhắm chừng có thể bổ nhiệm (49).

d) Nghĩa vụ chính của quí chức: Quí chức là những người trung gian giữa cha xứ và giáo dân trong các dịp hôn phối, rửa tội, giúp bệnh nhân, tang lễ. v.v… Họ điều khiển kinh nguyện cộng đoàn, đôn đốc giáo dân giữ giới răn Chúa, luật Giáo Hội. Cách riêng, trong những họ đạo không có linh mục, họ dạy kinh nguyện và giáo lý cho trẻ em, giữ trật tự trong nhà thờ và xứ đạo, quản trị tài sản của giáo sở, của họ đạo… tất cả những việc trên được chu toàn trong sự đồng thuận hoàn toàn với cha xứ (50).

e) Nghĩa vụ truyền giáo: Bằng gương sáng hoặc bằng lời khuyên, quí chức phải ra sức đem những người đồng hương lương dân trở về sum họp với cộng đoàn tin vào Thiên Chúa thật (51).

g) Chỗ ngồi danh dự của quí chức: Trong nhà thờ và trong những buổi hội của họ đạo, quí chức được xếp ngồi vào hàng ghế danh dự. Những chỗ danh dự cũng dành cho những người đã được đức giám mục cấp bằng, và cả những người, tùy theo địa phương, được bằng khen của chính quyền dân sự (52).

Sau cùng, chúng ta phải ghi nhận rằng, để trung thành áp dụng những nghị quyết của Công Đồng Đông Dương, hai cuốn Chỉ Nam đã thích ứng việc tổ chức Ban Chức Sở hay Hội Đồng Quí Chức vào định chế Công Giáo Tiến Hành qua lời tuyên nhận: Mọi quí chức có thể làm cán bộ cho Công Giáo Tiến Hành, bởi lẽ, định chế mới không hủy bỏ các thể chế cũ của quí chức, nhưng thích ứng chúng theo mục đích đề ra bởi đức giáo hoàng: mỗi người hoạt động tông đồ trong môi trường của mình bằng cầu nguyện, bằng gương sáng, bằng hành động tế nhị và khôn ngoan đối với những người xung quanh mình và đối với bạn bè không công giáo (53).

2) Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội

Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội (54) dành Điều IV của Đoạn I phần II, nói «Về luật phép hàng xứ và các họ cùng khoán lệ», nghĩa là nói về những gì liên quan đến Ban Hàng Xứ (Ban Chức Việc hay Hội Đồng Quí Chức) và xứ đạo hay họ đạo. Vậy có ba điểm sau đây cần trình bày:

a) Hội đồng quí chức của xứ đạo đạo

Mỗi xứ đạo được coi như một hiệp hội lớn, một đại gia đình. Chính vì thế, xứ đạo cần có những qui luật phù hợp theo luật đạo và luật đời mà mọi giáo hữu đều phải tuân giữ. Vậy từ lâu nay, lý do thúc đẩy các Bề Trên trong Giáo Hội thiết lập trong mỗi xứ đạo một cơ cấu nền tảng gọi là «Hội Hàng Phủ» (Ban hàng phủ, Ban phủ xứ, Ban hàng xứ, Ban chức việc) chính là để hội này ‘làm tay chân cha xứ’, giúp đỡ cha xứ trong công việc quản trị xứ đạo ‘cùng chăm riêng việc truyền giáo, việc Tiến hành Công giáo’. Vậy ‘xứ nào chưa có Hội Hàng Phủ, dù xứ đạo mới ở miền thượng du hay dưới đồng bằng, thì cha xứ phải thu xếp dần mà tổ chức theo lề lối chung của địa phận’ (Đ.149).

Cơ cấu tổ chức: Trên nguyên tắc, Hội Hàng Phủ thường gồm 2 ủy ban: ủy ban Trị sự và ủy ban Cố vấn (có nơi gọi là Tư vấn), nhưng ban Tư vấn có thể bãi bỏ, bởi vì trong thực tế, đa số các giáo xứ đều không áp dụng. Chúng ta tóm lược những nét lớn của hai ban này:

Ban Trị sự (55)

+ Những thành viên: Ban Trị sự gồm có chánh trương, một phó trương, thơ ký, thủ quỹ, trương phiên (nhiều ít tùy mỗi xứ), các trùm họ và quản giáo của các họ đạo.

+ Nhiệm vụ: - Chánh trương: phục tùng cha xứ, trông coi các việc trong xứ, giữ sổ sách, lo trật tự, đạt giấy mời hội Hàng phủ với dấu ấn và chữ ký của cha xứ. - Phó trương: phụ tá chánh trương trong mọi việc, thay thế chánh trương khi ông vắng mặt. - Thủ quỹ: thừa lệnh cha xứ coi sóc của công hàng xứ. - thơ ký: Biên chép sổ sách (Điều lệ Hàng phủ, Công bản, Chi thu, Kế toán vào dịp lễ Phục Sinh và lễ Các Thánh, Nhân danh) Sổ luôn có hai bản và phải được cha xứ duyệt y. - Trương phiên: phụ tá chánh trương. - Trùm: làm đầu một họ và đại biểu trong Hội Hàng phủ. - Quản giáo: coi trẻ em trong họ, lo trật tự khuôn phép trong họ, ngồi ‘tọa thí kinh bổn’.

+ Tư cách và đức tính: Những ứng viên ban Trị sự phải có lòng đạo đức, có tiếng tốt, có học thức, khôn ngoan, công tâm, mẫn cán, trực tính, hòa nhã, không sinh sự, có thế giá trong dân (như trong hàng tổng lý). - Phải đứng tuổi (hàng chánh trương phải trên 40, hàng trương phiên, thủ quỹ trên 30 tuổi, quản giáo từ 25 dĩ thượng). Tránh những người khô khan, mang tai tiếng, hay gây sự, trộm cướp, rối rắm, nghiện hút, kiện cáo, chống đối giáo sĩ, đừng nể vì giầu sang. Trường hợp một người trong Ban hàng phủ mà sinh xấu ra như trên, thì phải khuyên răn đôi lần; bằng họ không sửa mình thì phải cất chức, không được bồi hoàn quyền lợi.

+ Bầu cử: Khi có đủ lý do thì đề cử lên, khỏi phải bầu phiếu. Bình thường phải bầu phiếu kín những chức vị thuộc ban Trị sự. Ai nhiều phiếu thì đắc cử; hai người đồng phiếu, thì ai nhiều tuổi sẽ đắc cử. Người trúng cử phải được cha xứ châu phê và đệ lên đức giám mục xin ngài chấp nhận và ban bằng, lúc đó mới thành. Đơn từ chức hay cách chức của một thành viên trong ban trị sự phải được cha xứ và cha tổng quản (cha chính địa phận) ký nhận. Còn đơn của Trùm hay Quản giáo thì chỉ cha xứ ký nhận là đủ.

+ Vị tân cử khao vọng: Mỗi quí chức tân cử vào ban Trị sự có thể tổ chức một tiệc khao trong ngày nhận nhiệm vụ và nộp một số tiền gây quỹ Ban Hàng Phủ: Chánh trương 20§, thơ ký, thủ quỹ, trương phiên 12§, trùm họ 6§, quản giáo 4§.

+ Hạn khóa: Nhiệm kỳ của một thành viên ban Trị sự là 6 năm.

+ Những đặc quyền thiêng liêng: Mỗi năm, cha xứ phải tổ chức cho quí chức một cuộc cấm phòng độ ba hay bốn ngày. Hơn nữa, sau một nhiệm kỳ 6 năm không bị điều gì chê trách thì khi qua đời, các ông chánh trương và phó trương được một lễ hát; các ông thư ký, thủ quỹ, trùm họ được hai lễ đọc; các vị quí chức khác được một lễ đọc.

+ Tính sổ: Mỗi năm hai lần, vào dịp lễ Phục Sinh và lễ Các Thánh, thủ quỹ phải đệ trình sổ sách cho Hội Đồng Quí Chức. Hội Đồng Quí Chức thảo luận ngân sách cho năm sau.

Ban Cố vấn:

+ Những người được mời: Các ‘chức sắc kỳ dịch’ tức các nhân sĩ dân sự, được ban Trị sự mời vào Ban Cố Vấn để tham khảo ý kiến về những công việc của giáo xứ.

+ Địa vị: Trong các buổi hội hay đình đám thì: Chánh phó tổng và các phẩm hàm ngồi ngang hàng với chánh phó trương. - Lý trưởng, chánh hương hội ngồi ngang hàng với thơ ký, thủ quỹ và trương phiên. - Phó lý, phó hội thơ ký, thủ quỹ hàng xã… ngồi ngang hàng với trùm và quản giáo.

+ Vọng: Vị tân cử của Ban Cố Vấn phải nộp 1§ ‘tiền nhập hội’ và có thể tổ chức một tiệc khao vọng theo những qui định của giáo xứ (56).

b) Hội đồng quý chức của họ đạo

Mỗi xứ đạo gồm nhiều họ đạo và mỗi họ đạo là tiềm thể của một xứ đạo mới. Tùy theo sự quan trọng của mình, mỗi họ đạo sẽ có số người đại diện đông hay ít tham gia vào Hội đồng Quý Chức xứ. Ngoài ra, mỗi họ đạo phải được tổ chức chặt chẽ và điều khiển nghiêm trang bởi một hội đồng mà người lãnh đão không ai khác hơn là người lãnh đạo của họ đạo. Thành phần của Hội Đồng quý chức họ đạo gồm có người đứng đầu là Trùm Họ, Biện Sở, Biện Nhất, người phụ tá là Trùm Phó, Biện Nhì, Biện Hai, người coi an ninh là “Thu Khoán”, Biện Ba, nhiều Trưởng Khu và Quản Giáo. Sau cùng, tất cả những điều mà cuốn Chỉ Nam đã ấn định cho Ban Trị Sự xứ đạo, đều có thể ứng dụng cho Hội Đống Quý Chức họ đạo (57).

c) Nội quy của họ đạo

Trước tiên, cuốn Chỉ Nam xác định rằng tất cả những nội quy của họ đạo đằu phải được giáo quyền duyệt y. Hội Đồng Quý Chức và ngay cả linh mục đều không có quyền lập định bất cứ một luật lệ nào mà không có phép của giám mục. Sau đó, cuốn Nội Quy phân biệt hai loại luật lệ của họ đạo: Thứ nhất là những luật lệ cải tổ, đặc biệt nhằm canh tân những tập quán liên quan đến tang chế và hôn nhân; Thứ hai là những luật hình sự, được thiết lập để tuyệt đối ngăn cấm những tội phạm về tôn giáo hay xã hội, tỷ như những tội phãm về phong hóa, những lạm dụng rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập ma túy,... Các chức việc đều phải lo sao để giáo dân tuân giữ cẩn mật tất cả nội quy của họ đạo (58).

Trên đây là phác họa tổng quát lịch sử Giáo Hội Việt Nam từ năm 1533 đến năm 1953. Trong dòng thời gian này, lịch sử của Hội Đồng Quí Chức các họ đạo tại Việt Nam đã dần dần được thể hiện. Hy vọng rằng, mặc dù đơn giản, việc trình bày của chúng tôi tạm đủ nói lên những nét chính của khuôn khổ lịch sử trong đó Hội Đồng Quí Chức được hình thành, vươn tiến, tuyên chứng đức tin, cộng tác với linh mục trong công cuộc truyền giáo bằng lời nói, bằng hoạt động, bằng đời sống, và ngay cả bằng máu đào. Và sau khi có một cái nhìn tổng thể về tổ chức Hội Đồng Quí Chức trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, chúng tôi sẽ trình bày trong chương tiếp theo về thực thể của họ đạo Việt Nam, vốn được xem là đơn vị căn bản của giáo phận, và nhất là được xem như một môi trường đặc biệt cho sự hình thành và cho mọi hoạt động của Hội Đồng Quí Chức.

-------------------------------------------

Chú thích

(I) MIRANI J. DELLE MISSIONI DE’PADRI DELLA COMPAGNIA DI GIESU NELLA PROVINCIA DEL GIAPPONE E PARTICOLARMENTE DI TUNKINO, tr. 188,264-265; LOUVET L. COCHINCHINE RELIGIEUSE, tr. 356-357; PHAN PHAT HUON, VIET NAM GIAO SU, tr. 122-123

(2) NGUYÊN HÔNG, LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM, I. tr. 99-100

(3) NGUYÊN HÔNG, sd. I tr. 105-107

(4) NGUYÊN HÔNG, sd. I tr. 150-151

(5) NGUYÊN HÔNG, sd. I tr. 167-168

(6) NGUYÊN HÔNG, sd. Itr.. 180-181

(7) NGUYÊN HÔNG, sd. I tr. 181-183

(8) NGUYÊN HÔNG, sd. I tr. 184

(9) NGUYÊN HÔNG, sd. I tr. 185-186

(10) SACCANO M. RELATION DES PROGRES DE LA FOI AU ROYAUME DE LA COCHINCHINE DES ANNEE 1636 ET 1647, Paris 1653 tr. 89-109

(11) LAUNAY A. HISTOIRE DE LA MISSION DU TONKIN I, tr.53

(12) LAUNAY A. sd.I, tr. 273

(13) LAUNAY A. sd. I, tr. 94, 97.

(14) LAUNAY A. HISTOIRE DE LA MISSION DE LA COCHINCHINE I, tr.. 107-108.

(15) LOUVET L. sd. I, tr. 268-284.

(16) LOUVET L. sd. I, tr. 290-294

(17) LOUVET L. sd. I, tr. 293

(18) LOUVET L. sd. I, tr. 242

(19) LOUVET L. sd.. I, tr. 271

(20) LOUVET L. sd. I, tr. 286-289

(21) LOUVET L. sd. I, tr. 285

(22) LOUVET L. NOTICE NECROLOGIQUE SUR MGR COLOMBERT, tr.8 ss

(23) Xem. LOUVET L. LA COCHINCHINE RELIGIEUSE I, tr.337-348; Mgr DEPIERRE sd. tr. 34-38

(24) - nt

(25) - nt

(26) Bản văn nhuận sắc và ấn hành bởi cha Ngô đình Thục trước hết giữ nguyên soạn văn, đoạn dẫn nhập, 5 chương và 70 điều, sau đó thêm vào một phụ lục gồm 2 khoản: 1) Quí chức hội, có 8 điều. 2) Tài chánh của Hội đồng quí chức, có 4 điều.

(27) THIÊN-CHÚA-THÁNH-GIÁO NHỰT-KHÓA CHÚA-NHỰT-PHÁP Imprimerie de la Mission tr. 629-660, Sài-Gòn 1898

(28) Xin xem chú thích (26)

(29) NKDP (1934) s.1286 tr.147

(30) In: SÁCH THUẬT LẠI CÁC THƯ CHUNG ĐỊA PHẬN ĐÀNG NGOÀI II, Ké Sở 1924 tr. 185-206

(31) AD tr. 11-13

(32) AD tit IV cap III nn. I et II, tr. 111-112

(33) AD tit IV cap IV n.2/I tr. 113

(34) AD tit II cap unicum tr. 64-72

(35) AD tit III cap I n.II, tr. 75

(36) AD tit IV cap III n. III, tr. 112

(37) ACTA ET DECRETA SECUNDAE REGIONALIS TUNQUINENSIS, habitae in pago Ké So, A.D. 1912 in tại Kẻ Sở 1914 chia ra: Titulus “De personis” tr. 1-13, tit. II “De Rebus” tr. 35-38 tit III “Sacramentis” tr. 39-54; tit. IV «De cura christianorum» tr. 54-64

(38) AD tit IV cap I n.16 tr. 57

(39) AD tit IV cap I n.4 tr. 54

(40) AD, S.P. Pius XI: “Nulla Dies sine circulo “ ad promotores Actionis Catholicae, Romae 4 mars 1928, trg. PCI tr.. 113 note (I)

(41) PCI tr.. 107-117

(42) Những giáo phận khác không có cuốn Chỉ Nam. Nhưng, một cách thực dụng, tất cả các giáo phận Bắc Kỳ xử dụng cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà-Nội, giáo phận Vinh dùng Chỉ Nam của giáo phận Huế.

(43) Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Sàii Gòn và Cao Miên (Le Directoire de COCHINCHINE OCCIDENTALE et de KAMPUCHIA) được in lần đầu tiên «để thực nghiệm» dưới đề tựa «Dự án tập quán cho sứ vụ Sài-Gòn», Hồng-Kông 1901. Bản văn này không còn tìm thấy. Nhưng chắc chắn là nó được nhuận sắc và ấn hành dưới tựa đề «Directoire» vào năm 1904. Hiện nay, chúng ta có một ấn bản của lần in thứ hai vào năm 1922, Sài Gòn, nhà in Tân Định.

(44) CUỐN CHỈ NAM GIÁO PHẬN HUẾ, 1940, nhà in Huế; CUỐN CHỈ NAM GIÁO PHẬN QUI NHƠN, 1942, nhà in Quy Nhơn. Hai huấn thị này có chung một cấu trúc. Tỷ dụ, Mục VI «Sự tổ chức những cộng đoàn tín hữu» được chia thành: Chương I «Những quí chức cộng đoàn tín hữu» (DH.93-103, DQN.112-117); Chương II «Hiệp hội thanh niên thanh nữ» (DH.104-105, DQN.118-120); Chương III «Đối xử trong trường hợp bất hòa» (DH 106-108, DQN.121-123); Chương IV «Dâng lễ và cầu nguyện cho những linh mục và ân nhân quá vãng» (DH.109-111, DQN.124-128); Chương V «Những bổn phận giáo dân trong cộng đoàn tín hữu» (DH.112-115, DQN.129-132).

(45) DH.113, DQN. 130

(46) DH.114, DQN.131

(47) DH.99, DQN.113

(48) DH.99-100, DQN.113-114

(49) DH.101, DQN.115

(44) CUỐN CHỈ NAM GIÁO PHẬN HUẾ, 1940, nhà in Huế; CUỐN CHỈ NAM GIÁO PHẬN QUI NHƠN, 1942, nhà in Quy Nhơn. Hai huấn thị này có chung một cấu trúc. Tỷ dụ, Mục VI «Sự tổ chức những cộng đoàn tín hữu» được chia thành: Chương I «Những quí chức cộng đoàn tín hữu» (DH.93-103, DQN.112-117); Chương II «Hiệp hội thanh niên thanh nữ» (DH.104-105, DQN.118-120); Chương III «Đối xử trong trường hợp bất hòa» (DH.106-108, DQN.121-123); Chương IV «Dâng lễ và cầu nguyện cho những linh mục và ân nhân quá vãng» (DH.109-111, DQN.124-128); Chương V «Những bổn phận giáo dân trong cộng đoàn tín hữu» (DH. 112-115, DQN.129-132).

(45) DH.113, DQN.130

(46) DH.114, DQN.131

(47) DH.99, DQN.113

(48) DH.99-100, DQN.113-114

(49) DH.101, DQN.115

(50) DH., DQN.

(51) DH.103, DQN.117

(52) DH.103, 222 DQN.117, 250

(53) DH.102, DQN.116

(54) CUỐN CHỈ NAM CỦA GIÁO PHẬN HÀ-NỘI có ấn bản đầu tiên vào năm 1941, dưới triều giám mục Fr Chaize, với tựa đề la tinh: «DIRECTORIUM VICARIATUS APOSTOLICI DE HANOI» phụ đề việt ngữ là «Luật chung địa phận Hà Nội» Nhà in Trung Hoa, Hà Nội.

(55) DHN.150

(56) DHN.152-153

(57)DHN. 151

(58) DHN. 154-157