Cũng dễ hiểu khi tuổi đã cao, sức đã yếu thì chuyện ăn cơm bệnh viện, ngủ bệnh viện là chuyện thường tình. Tuần vừa rồi, chẳng hiểu sao tim tôi đập mạnh, áp huyết cao nên buộc phải vào cho bác sĩ can thiệp chứ không còn cách nào khác nữa.
Bệnh tim ngày nay không phải là bệnh hiếm gặp nên khi vào nhập viện thì ôi thôi la liệt. Vì thiếu giường nên già lão như tôi phải nhường một phần giường nhỏ bé cho một em nhỏ cùng thân cùng phận. Già lão này có điều may mắn hơn em là không phải đặt máy đặt miết gì đó theo lời bác sĩ. Em nhỏ được “bác sĩ” báo giá cho cái máy mà em phải đặt ngoài hai trăm triệu. Nhà em tận miền sông nước nghèo kiếm đâu ra vài chục chứ đừng nói gì vài trăm.
Vì nghèo nên bác sĩ điều trị cho em về để thi thoảng lên lên xuống xuống cũng như lo tiền để đặt máy chứ nằm đây ngày càng thêm “nặng nợ”.
Khi em về rồi, chẳng hiểu sao hoàn cảnh của em được loan đi cho mọi người biết. Tìm hiểu nguồn tin mới biết được nguồn tin đó từ vị bác sĩ trưởng khoa Tim. Thấy hoàn cảnh của em nghèo quá nên bác sĩ chạnh lòng lo cho em. Với số tiền lớn như vậy chỉ mong nhiều người chung góp.
Buổi chiều nọ, sau khi em về được hai bữa, cô y tá chích thuốc cho lão bỗng dưng khác mọi ngày. Cô tỉ tê với lão về trường hợp của em nhỏ đó cũng như tỉ tê về vị bác sĩ trưởng khoa. Tỉ tê về em nhỏ thì ít mà tỉ tê về vị bác sĩ đó thì nhiều. Có lẽ là cấp dưới, có lẽ làm việc chung với vị trưởng khoa đó nên cô y tá này khá rõ về sếp của mình.
Làm như người quen tự lúc nào, cô kể “quá trình” hoạt động của vị trưởng khoa ở nơi đây.
Ông là một lương y cực giỏi nhưng ông không lấy cái cực giỏi của ông để thu vén cho ông như nhiều người khác thường làm. Ông được một phòng riêng trong khoa nhưng cái phòng ấy vẫn là cái phòng chung cho nhân viên của ông vào đó nghỉ trưa vì nó được trang bị máy điều hòa nhiệt độ. Quà bánh nhận được ông bày ra chia sẻ với mọi người. Vẫn ngày hai buổi đến bệnh viện trên con xe 2 bánh cũ kỹ lâu năm.
Lần nọ, khoa của ông được tuyên dương sau thành tích đáng kể. Giám đốc bệnh viện gọi ông lên hỏi ông thưởng gì cho cấp dưới ông bảo sao cũng được. Giám đốc thiệt tình cho mỗi người hộp bánh ! Nghe tin ấy, lính ông trách sao không xin cho thêm xíu lương vì lương của khoa còn thấp quá !
Còn nữa, đứng trước những ca mổ dịch vụ ông nhắc nhở người dưới của ông đừng nhận nhiều vì nhận nhiều thì bệnh nhân thêm khổ. Cứ mỗi ca dịch vụ thì gia đình bệnh nhân phải đóng thêm 5 triệu không kể mọi chi phí thường đóng. Ông không muốn ký vào những tờ giấy mang tên dịch vụ vì lẽ ký tờ giấy ấy nghĩa là lại đè gánh nặng trên vai bệnh nhân ...
Người như ông tưởng chừng như được yên nhưng nhiều người dòm ngó. Cái ghế của ông tưởng như bị mất nhưng tài năng và đức độ của ông đã không làm mất được. Có lần người ta định cho ông đi nơi khác nhưng ông ngỏ lời nghỉ việc khi lên nơi khác đó. Biết mất ông là bệnh viện mất đi người tài đức và uy tín nên ông vẫn còn ngồi đó để mang niềm vui, mang sự sống, mang nụ cười đến cho người bệnh.
Vị trưởng khoa mà tôi nghe được từ người dưới cấp không phải là thánh. Tôi chẳng có quyền phong thánh và chẳng có ý tưởng phong thánh cho ai nhưng nhìn cuộc đời ông tôi thầm cảm phục.
Vâng ! Chuyện y khoa, chuyện thầy thuốc chắc có lẽ không cần nói nhiều thì ai ai cũng biết nó đang ở nơi đâu ? Chuyện quà cáp, chuyện phong bì đang được bàng dân thiên hạ bàn tán râm ran.
Thật ra cũng chẳng dám trách móc hay chỉ trích ai đâu. Bác sĩ, y tá, lao công trong bệnh viện họ được nhận bao nhiêu thù lao so với công sức họ bỏ. Một bác sĩ thân quen làm ở phòng cấp cứu một bệnh viện lớn với áp lực cao nhận được đồng lương hơn bốn triệu bạc thời nay làm sao sống đủ.
Trước khi trách những vị lương y, những người giúp việc nên chăng xem lại cơ chế quản lý, xem lại mức thù lao bồi dưỡng cho những người làm việc không chỉ bằng cái đầu mà cả cái tâm nữa. Bao tử của họ cồn cào làm sao con tim của họ đủ sức để cán đáng những công việc nặng nhọc.
Vị bác sĩ trưởng khoa tim mạch của một bệnh viện lớn trong mảnh đất Sài Thành chắc có lẽ không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều và nhiều người cũng mang trong mình hay nói đúng hơn sống trong mình tâm tình của người thầy thuốc thật sự. Chỉ đáng tiếc là con số thầy thuốc sống đúng mực, đúng lương tâm của mình sao còn khiêm tốn quá. Vị trưởng khoa mà cô y tá kể cho lão già này như vì sao nho nhỏ lấp lánh giữa bầu trời xám xịt của sự vun vén, của văn hóa “phong bì”
Chỉ thầm mong có thêm những vị lương y như từ mẫu đúng nghĩa để xoa dịu nỗi đau của những người nghèo vướng vào bệnh tật mà chẳng có tiền cũng chẳng có thuốc để chữa.