Như chúng tôi đã đưa tin, do bất ngờ bị đau thần kinh tọa gây ra đau đớn và khó khăn trong việc đi lại, Đức Thánh Cha đã không thể chủ tế Thánh Lễ đầu năm lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cũng là ngày hòa bình thế giới lần thứ 54. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã chủ tế thánh lễ thay cho ngài và Đức Hồng Y đã đọc bài giảng sau của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong các bài đọc của phụng vụ hôm nay, nổi bật lên ba động từ được ứng nghiệm nơi Mẹ Thiên Chúa: chúc lành, được sinh ra và tìm kiếm.

Chúc lành. Trong Sách Dân số, đây là cách Chúa yêu cầu các tư tế chúc lành cho dân mình: “Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: ‘Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em’” (Ds 6:23-24). Đó không phải là một lời khích lệ đạo đức, nhưng là một yêu cầu cụ thể. Và điều quan trọng là ngay cả ngày nay các linh mục vẫn chúc lành cho dân Chúa như thế mà không hề mệt mỏi; và cầu xin cho tất cả các tín hữu cũng là những người mang đến những phước lành, nghĩa là họ cũng là những người chúc phúc. Chúa biết rằng chúng ta cần được chúc lành: điều đầu tiên Ngài làm sau khi tạo dựng trời đất là nói tốt về mọi thứ và nói rất tốt về chúng ta. Nhưng giờ đây, với Con Thiên Chúa, chúng ta không chỉ nhận được những lời chúc phúc, mà chính Ngài là một phúc lộc: Chúa Giêsu là phúc lành của Chúa Cha ban cho chúng ta. Thánh Phaolô nói: Chúa Cha đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng “muôn vàn ơn phúc” (Ep 1: 3). Mỗi khi chúng ta mở lòng ra đón nhận Chúa Giêsu, thì phúc lành của Thiên Chúa bước vào đời sống của chúng ta.

Hôm nay, chúng ta mừng Con Thiên Chúa, Đấng tự bản chất là đầy ơn phúc, đến với chúng ta qua Đức Mẹ, được chúc phúc bởi ân sủng. Do đó, Đức Maria mang đến cho chúng ta phúc lộc của Thiên Chúa vì Mẹ ở đâu, thì Chúa Giêsu có mặt ở đó. Vì vậy, chúng ta cần phải chào đón Mẹ, giống như Thánh Êlisabét, là người đã đón Mẹ vào nhà mình và ngay lập tức nhận ra phước lành này, và nói: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42). Đây là những lời chúng ta lặp lại trong bài Ave Maria. Khi dành chỗ cho Đức Maria, chúng ta được chúc phúc, nhưng chúng ta cũng học cách chúc lành. Thật vậy, Đức Mẹ dạy rằng phước lành chúng ta nhận được là để trao ban. Mẹ, đấng được chúc phúc, là phúc lành cho tất cả những ai gặp gỡ Mẹ: cho bà Êlisabét, cho đôi tân hôn trong tiệc cưới ở Cana, và cho các Tông đồ trong Nhà Tiệc Ly... Chúng ta cũng được kêu gọi chúc lành, được kêu gọi để nói điều tốt lành nhân danh Chúa. Thế giới đang bị ô nhiễm nghiêm trọng vì nói xấu và nghĩ xấu về người khác, về xã hội, về chính mình. Nhưng những băng hoại từ thói nói xấu sau lưng, làm cho mọi thứ trở nên thoái hóa, trong khi những lời chúc lành tái tạo, mang lại sức mạnh để bắt đầu lại mỗi ngày. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Thiên Chúa ban ơn để trở thành những người hân hoan mang ơn lành của Thiên Chúa cho người khác, như Mẹ là người mang ơn phúc đến cho chúng ta.

Được sinh ra là động từ thứ hai. Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng Con Thiên Chúa “sinh bởi người phụ nữ” (Gl 4: 4). Vắn tắt, điều này cho chúng ta biết một điều tuyệt vời: Chúa đã sinh ra giống như chúng ta. Người không chào đời như một người lớn, mà là một hài nhi; Người không đến thế giới một mình, nhưng đến từ một người phụ nữ, sau chín tháng trong lòng Mẹ, là người mà từ đó Ngài để cho nhân tính của mình được dệt nên. Trái tim của Chúa bắt đầu đập trong Mẹ Maria; Chúa của sự sống đã lấy dưỡng khí từ Đức Mẹ. Kể từ đó, Mẹ Maria đã kết hợp chúng ta với Thiên Chúa, vì trong Mẹ, Thiên Chúa gắn liền với xác thịt chúng ta và không bao giờ lìa khỏi xác thịt ấy nữa. Thánh Phanxicô thích nói thế này: Mẹ “đã làm cho Chúa Thượng trở thành anh trai của chúng ta” (San Bonaventura, Legenda major, 9,3). Mẹ không chỉ là cầu nối giữa chúng ta và Chúa, Mẹ còn hơn thế nữa: Mẹ là con đường mà Chúa đã đi, để đến với chúng ta; và đó là con đường mà chúng ta phải đi, để đến được với Ngài. Qua Mẹ Maria, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa như Ngài muốn, nghĩa là trong sự dịu dàng, thân mật, trong xác thịt. Đúng thế, Chúa Giêsu không phải là một ý tưởng trừu tượng, Ngài là cụ thể, nhập thể, Ngài được sinh ra bởi một người phụ nữ và lớn lên một cách kiên nhẫn. Phụ nữ biết tính cụ thể kiên nhẫn này: đàn ông chúng ta thường trừu tượng và muốn điều gì đó ngay lập tức; phụ nữ là người cụ thể và biết kiên nhẫn đan những sợi chỉ cuộc đời. Bao nhiêu người phụ nữ, bao nhiêu người mẹ bằng cách này sinh ra và tái sinh cuộc sống, ban cho thế giới một tương lai!

Chúng ta không chào đời để chết, nhưng để tạo ra sự sống. Mẹ Thiên Chúa thánh khiết dạy chúng ta rằng bước đầu tiên để ban sự sống cho những gì xung quanh chúng ta là yêu mến chúng bên trong chúng ta. Tin Mừng hôm nay cho biết Mẹ đã “ghi nhớ mọi sự trong lòng” (x. Lc 2:19). Và chính là từ trái tim mà điều thiện được sinh ra: thật quan trọng biết bao là giữ trái tim trong sạch, giữ gìn đời sống nội tâm, và thực hành cầu nguyện! Điều quan trọng là giáo dục trái tim biết quan tâm, nâng niu con người và vạn vật như thế nào. Mọi thứ bắt đầu từ đây, từ việc chăm sóc cho người khác, cho thế giới, cho tạo vật. Anh chị em không cần phải biết quá nhiều người và quá nhiều thứ nếu chúng ta không quan tâm đến họ. Năm nay, trong khi chúng ta hy vọng về một sự tái sinh và các phương pháp điều trị mới, chúng ta không thể bỏ qua phương dược chữa trị cho các vấn nạn của chúng ta. Bởi vì, ngoài vắc-xin cho cơ thể, chúng ta cần vắc-xin cho tâm hồn: và vắc-xin này là phương dược chữa trị. Sẽ là một năm tốt lành nếu chúng ta biết chăm sóc người khác, như Đức Mẹ đã chăm sóc cho chúng ta.

Và động từ thứ ba là tìm. Phúc âm nói rằng những người chăn cừu “đã tìm thấy Đức Maria, Thánh Giuse và Hài Nhi” (câu 16). Họ không tìm thấy những dấu chỉ phi thường và ngoạn mục, mà là một gia đình đơn giản. Tuy nhiên, ở đó, họ thực sự tìm thấy Chúa, Đấng cao cả trong sự nhỏ bé, đầy sức mạnh trong sự dịu dàng. Nhưng làm thế nào những người chăn cừu tìm thấy dấu hiệu khó thấy này? Họ được một thiên thần kêu gọi. Chúng ta cũng sẽ không tìm thấy Chúa nếu chúng ta không được ân sủng kêu gọi. Chúng ta không thể tưởng tượng được một vị Chúa như vậy, được sinh ra bởi một người phụ nữ và cách mạng hóa lịch sử bằng sự dịu dàng. Nhưng nhờ ân sủng, chúng ta đã tìm thấy Người. Và chúng ta đã khám phá ra rằng sự tha thứ của Người làm cho chúng ta được tái sinh, sự an ủi của Người thắp lên hy vọng, và sự hiện diện của Người mang lại cho chúng ta một niềm vui không gì có thể cưỡng lại được. Chúng ta đã tìm thấy Chúa, nhưng chúng ta không được để mất dấu Chúa. Thật vậy, Chúa không được tìm thấy một lần cho mãi mãi, nhưng phải được tìm thấy mỗi ngày. Vì thế, Tin Mừng mô tả các mục đồng luôn luôn tìm kiếm, di chuyển: “Họ liền hối hả ra đi, họ tìm thấy, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này, khi ra về, họ vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa” (cc. 16-17,20). Họ không thụ động, bởi vì để chào đón ân sủng, người ta phải tiếp tục tích cực.

Và chúng ta được mời gọi để tìm kiếm điều gì vào đầu năm này? Sẽ rất tuyệt nếu anh chị em dành ra thời gian cho ai đó. Thời gian là của cải mà chúng ta ai cũng đều có, nhưng chúng ta lại ghen tị, vì chúng ta chỉ muốn sử dụng nó cho riêng mình. Chúng ta phải khẩn khoản xin ân sủng để dành ra thời gian: thời gian cho Chúa và cho người lân cận của mình: cho những người cô đơn, cho những người đau khổ, cho những người cần lắng nghe và quan tâm. Nếu chúng ta tìm thấy thời gian để trao ban, chúng ta sẽ ngạc nhiên và hạnh phúc, giống như những người chăn cừu. Xin Đức Mẹ, Đấng đã đưa Chúa vượt thời gian, giúp chúng ta trao ban ra thời gian của mình. Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con xin dâng năm mới cho Mẹ. Mẹ đã ghi nhớ mọi sự trong lòng, xin quan tâm đến chúng con. Xin chúc lành cho thời gian của chúng con và dạy chúng con dành thời gian cho Chúa và cho người khác. Chúng con vui mừng và vững dạ tung hô Mẹ: Mẹ Thánh của Thiên Chúa! Amen.


Source:Holy See Press Office