Trăng ! ! ! !

-Lặng ngồi ngắm bóng chị Hằng,
Nửa đêm chợt tỉnh ngỡ rắng Xuân sang,
Chờ Xuân đừng có vội vàng,
Để mình ta lại bẽ bàng dưới Trăng !

Dân tộc Việt Nam lịch sử trải dài hơn 4000 năm văn hiến thật phong phú biết bao !
Với hai nền văn chương song hành Bình dân và Bác học cùng khoe sắc muôn màu.

Một sử gia ngoại quốc nghiên cứu về văn hóa VN đã nhận định : ‘ Mỗi người dân Việt là một nhà thơ tài tình, dù không học cũng xuất khẩu thành thi…’
Điều nhận xét trên không phải là quá đáng, vì được biểu hiện qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyện cổ tích, câu đố, câu hò…

Bài viết dưới đây về Trăng một trong những đề tài gây bao cảm hứng lãng mạng cho thi nhân thường nói đến nhiều qua thơ. ( Phong- Hoa- Tuyết- Nguyệt )
Hãy nương theo những dòng thơ Trăng, chuẩn bị đón chào nàng Xuân Mới sắp bước vào cửa thư nhàn :
‘ Nguyệt Lai Môn Hạ Nhàn ‘.

Trăng được gọi nhiều tên khác nhau : Nguyệt- Bóng Nga- Hằng Nga- Cung quảng- Cung Hằng- Thỏ ngọc- Cung quế..lại có cả chú Cuội bạn tâm giao của chị Hằng.
Những hình ảnh biểu tượng trên đã làm phong phú thêm cho văn chương nước ta.

Từ đôi trai gái quê vui sống tát nước đưới ánh trăng đêm- Em bé quê nghêu ngao trên mình trâu về thôn khi vầng trăng vừa lên cuối chân trời- Bà mẹ ru con giữa đêm tròn trăng- Cụ già ngâm nga mấy vần thơ thức giấc khi trăng tàn- Tiếng hò các cô gái vút cao đêm trăng trên dòng Hương Giang, Cửu Long, Hồng Hà…
Ta hãy nghe những lời tâm tình qua ca dao, tục ngữ, câu hò, câu đố…mộc mạc, nhưng trữ tình:

-Đố ai nằm ngủ không mơ,
Biết em nằm ngủ hay mơ,
Nửa đêm trăng sáng đứng chờ ngoài hiên,
Nửa đêm tôi đến bến bờ yêu thương.

-Đêm nay mới thực là đêm,
Ai đem trăng sáng rải lên vườn chè.

-Trăng bao nhiêu tuổi trăng già?
Núi bao nhiêu tuổi vẫn là núi non.

-Cô kia tát nước bên đàng,
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

-Sáng trăng trải chiếu hai hàng,
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ.

-Thương nhau thiếp đợi chàng chờ,
Không thương trăng lặn, sao mờ mặc ai.

-Bấy lâu sao chẳng nói năng,
Bây giờ mới nói thì trăng xế tàn.

-Sáng trăng rõ lắm mình ơi !
Công việc bỏ đó ra chơi ngoài này.

- Có đèn thì lại phụ trăng,
Có the quên lụa, có vàng quên thau.

-Tay ôm bó mạ xuống đồng,
Nửa dạ thương chồng, nửa dạ thương con,
Mạ non như thể trăng tròn,
Ruộng sâu như thể tình con nghĩa chồng.

Những câu nói xuất khẩu thành thơ làm đối tượng ngẩn ngơ không thể đáp lời :

-Trăng khi tròn khi khuyết,
Nước khi lớn khi ròng.

-Trên trời dưới nước,
Đã giao ước một lời,
Dẫu trăng mờ nước cạn cũng đừng phụ em.

-Mồng một cho tới mồng năm,
Trăng còn thơ ấu, tối tăm biết gì,
Mồng sáu mồng bảy trở đi,
Đêm ngày mong đợi trăng thì lên cao,
Mồng chin trăng ánh vườn đào,
Mồng mười trăng mọc đã cao hơn người.

-Và đây hãy lắng nghe cô gái Huế chèo đò trên dòng Hương giang, đã khéo dùng những địa danh để ưỡm ờ hỏi khách đa tình :

-Gió thổi pho pho đưa đò lên Huế,
Trăng non Đoài vội xế Bao Vinh,
Gặp nhau đây giữa ngã ba Sinh,
Có ai vô kết nghĩa chung tình ngàn năm?

*Còn Văn chương Bác học, giành cho những người theo đòi nghiên bút, xuất thân từ cửa Khổng sân Trình thì thật đa dạng, khi còn công hầu khanh tướng thú vui ‘Cầm- Kỳ- Thi- Tửu’, lúc từ quan về hưu
lại vui cùng ‘Phong- Hoa- Tuyết- Nguyệt’

+ Đứng đầu Văn chương Bác học ta phải nói đến 2 tuyệt tác phẩm là Truyện Kiều của Nguyễn Du và
Chinh Phụ Ngâm của bà Đoàn thị Điểm.

-Truyện Kiều lời thơ mượt mà, tình tiết éo le lãng mạng dễ ru động lòng người, đã được học giả Phạm Quỳnh ca tụng hết lời trong ngày giỗ Nguyễn Du 8/12/1924 ‘Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, nước ta còn’
Sự hâm mộ phát sinh phong trào : Vịnh Kiều- Bói Kiều- Lẩy Kiều- Đối Kiều- Liên hoàn (Kiều)…và cuộc bút chiến giữa người khen kẻ chê không phải lời thơ mà là cuộc đời các nhân vật, nhất là cô Kiều…

Xin gác qua những lời bình phẩm, đọc vài dòng về Trăng :

-Hải Đường lả ngọn đông lân,
Giọt sương gieo nặng, cành xuân la đà,
Một mình lặng ngắm bóng Nga
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời,
Người mà đến thế thì thôi,
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi,
Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
( Kiều mơ tưởng chàng Kim )

-Thân sao nhiều nỗi bất bằng,
Liều như cung Quảng ả Hằng nghĩ nao?
Đêm thu gió lọt song đào,
Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời.
( Kiều tương tư )

-Trăng thề còn đó trơ trơ,
Dám xa xôi mặt, mà thơ thớt lòng,
Ngoài nghìn dặm, chốc ba đồng,
Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy !
( Kim từ giã Kiều )

-Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung.
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
( Kiều ở lầu Ngưng Bích )

-Tuần trăng khuya đĩa dầu hao,
Mắt mơ tưởng mặt, lòng khao khát lòng.
Buồng văn hơi giá như đồng,
Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan.
( Kim tương tư Kiều )

-Còn duyên nay lại còn người,
Còn vầng trăng bạc còn lời thề xưa.
Quả mai ba bảy đường vừa,
Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì.
(Kim Kiều tái hợp)

+ Khi còn là bạch diện thư sinh, học hai tác phẩm nêu trên, nam sinh chúng tôi vẫn yêu Chinh Phụ Ngâm hơn Truyện Kiều- cho Kiều là lãng mạng yểu điệu mang nhiều nữ tính - Vì thế sau khi từ giã mái trường vào binh nghiệp phần lớn chúng tôi chọn các binh chủng nổi tiếng để thỏa chí tang bồng hồ thỉ.
:
Chinh Phụ Ngâm được dịch sang Quốc âm do bà Đoàn thị Điểm từ bản Hán văn của Đặng Trần Côn. Những lời thơ trong Chinh Phụ Ngâm là lời than của người thiếu phụ chồng đi chinh chiến và diễn tả cuộc sống chinh phu xông pha ngoài trận tuyến.

Bà Điểm ngoài tài văn chương lỗi lạc, còn có một giai thoại thú vị ứng khẩu đối đáp với ông anh.
Một hôm ông Đoàn Doãn Luân thấy bà trang điểm trước tấm gương liền trêu chọc :
-‘ Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm.’
( Soi gương kẻ lông mày, một cô điểm hóa thành hai- Điểm cũng là tên bà )
Không chịu thua bà kêu ông anh ra ao ngắm trăng soi bóng dưới nước đáp lại :
-‘ Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân.’
( Tới ao ngắm trăng, một ông luân chuyển thành hai- Luân cũng là tên ông )

Xin trích dẫn đôi dòng trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm sau đây :

-Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi,
Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên san.
Múa gươm rượu tiễn chưa tàn,
Chỉ ngay ngọn giáo vào ngàn hang beo.
( Chinh phụ tiễn chồng )

-Đề chữ gấm phong thôi lại mở,
Gieo bói tiền tin dở còn ngờ,
Trời hôm tựa cửa ngẩn ngơ,
Trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai.
( Chinh phụ nhớ chồng )

-Chàng từ khi vào nơi gió cát,
Đêm trăng này nghỉ mát phương nao?
Xưa nay chiến địa dường bao,
Nội không muôn dặm biết bao dãi dầu.
( Thương chồng ngoài biên ái )

-Hồn tử sĩ gió ù ù thôi,
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi,
Chinh phu tử sĩ mấy người,
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn !
( Lo cho chồng ngoài chiến địa )

*Điểm các vần thơ về Trăng của một số thi nhân :

+ Tướng công Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ coi cái nhàn thật là giản dị nhưng độc đáo, trong bài hát nói chữ Nhàn, nhiều người thấy mà không biết thưởng thức :

-Thị tại môn tiền náo,
Nguyệt lai môn hạ nhàn,
So lao tâm, lao lực cũng một đàn,
Người trần thế muốn nhàn sao được? …

+ Nhà thơ Cao Bá Quát, đa tài nhưng bất đắc chí, đồng thanh tương ứng cùng cụ Nguyễn Công Trứ, trong bài Hát ả đào ‘ Uống rượu tiêu sầu’ cho chữ nhàn là kho trời giành cho những ai biết hưởng như bơi thuyền dưới trăng đêm :

-Duy giang thượng chi thanh phong, dữ sơn giang chi minh nguyệt,
Kho trời chung mà vô tận của mình riêng.

+ Tản Đà lại muốn thế chỗ thằng Cuội bay lên cung quảng sống tâm tình cũng chị Hằng :

-Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi !
Trần giới em nay đã chán rồi,
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

+ Nguyễn Khuyến nỏi tiếng với những bài thơ trào phúng bộc lộ cảnh sống thanh bần trong xóm nghèo dưới ánh trăng mờ nhạt qua bài ‘ Thu ẩm ‘ :

-Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe,
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lấp lánh bóng trăng loe.

+ Năm 1923, nhà thơ Hoàng Thúc Hội đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ Ngũ ngôn tại Hà thành đề tài
‘Đền Hai Bà’ và nhà thơ đã tranh giải với bài thơ ‘Ngựa Gióng đã lên không’ :

-Rừng Thanh voi chửa lồng,
Một chồi hoa nụ lạc,
Muôn dặm nước non Hồng,
Trăng tỏ gươm hồ Bạc,
Mây tan dấu cột đồng,
Nén hương lòng cố quốc,
Xin khấu một lời chung.

+ Quách Tấn tâm sự trải qua năm tháng đời người trôi mau trong bài ‘Trăng hoàng hôn’ :

-Trăng tà hiu hắt gió lau,
Thương ai tóc đã bạc màu hoa xuân.

+ Xuân Diệu với lời thơ mượt mà màu buồn, dễ lôi cuốn lòng người, nhất là những người đang yêu luôn ẩn hiện trong dòng thơ :

-Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ,
Non xa khởi sự nhạt sương mờ,
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò.
( Những chuyến đò )

-Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt,
Tưởng trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu,
Yêu, là chết trong lòng một ít.
( Yêu )

+ Lưu Trọng Lư với ‘ Tiếng thu ‘ nghe đâu đây quá thân quen gợi nhớ mỗi độ thu về :

-Em không nghe mùa thu,
Dưới trăng mờ rạo rực,
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp trên lá vàng khô !

+ Nguyễn Bính nhà thơ đồng quê với những bài chân quê đọc lên ta nghe như câu ca dao.
Khi xưa thường nghe bà chị cả ru con, tôi tưởng chị đọc ca dao và sau này mới hay chị đọc bài thơ
dài ‘Lỡ bước sang ngang’ là lời dặn dò thân thương cảm động của người chị trước khi về nhà chồng.
Và nhiều bài thơ khác mang cùng âm điệu tình cảm đơn thật với ‘Chân quê- Ghen- Mưa xuân- Những bóng người trên sân ga’…cùng lời thơ êm nhẹ như :

-Đêm nay mới thực là đêm,
Ai đem trăng rải lên trên vườn chè.

+ Đinh Hùng nhà thơ lớn, đề tài phong phú mang sắc thái riêng biệt. Ông phụ trách chương trình thơ ‘Tao Đàn’ trên Đài Phát Thanh Sài gòn. Năm 1962 đoạt giải Văn chương về Thơ với thi tập ‘Đường vào tình sử’ và nhiều bài được phổ nhạc vì trong thơ có nhạc tính. Thơ Đinh Hùng mang sắc thái siêu thực,
ma quái, sương khói, ám ảnh trong cuộc sống bi thương, thế giới hiện hữu chí là cái bóng của thế giới
khác tràn ngập ánh trăng đêm. Nhưng bài nổi tiếng như : Đám ma tôi- Đường vào tình sử- Mê hồn ca- Tự tình dưới hoa- Kỳ nữ..

-Rồi những đêm sâu bỗng hiện về,
Vượn Lâm Tuyền khóc rợn trăng khuya,
Đâu đây u uất hồn sơ cổ,
Từng bóng ma rừng theo bước đi.
( Bài ca man rợ)
-Chưa gặp em tôi đã nghĩ rằng,
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng,
Mắt xanh là bóng dừa hoang dại,
Thăm thẳm nhìn tôi không nói ra.
( Tự tình dưới hoa )

-Trăng sáng nhập thần đôi mắt ngọc,
Vàng hai mái tóc một vầng dương,
Quần hồng Giao Chỉ nghiêng Đông Hải,
Dồn ngược mây thành xuống Bắc Phong.
( Hương phấn Mê Linh )

-Em đến, trăng rằm xanh bóng mây,
Em đi, trăng hờn cong nét mày,
Chiều qua, má hồng còn thơ ngây,
Chiều nay, hàng mi sương xuống đầy.
( Hờn giận )

+ Tú Xương nhà thơ trào phúng nổi tiếng với những bài thơ châm biếm không trừ một ai và cả chính mình, ông làm bài thơ diễu cợt ‘Nhắn gởi chị Hằng’ :

-Tôi thấy người ta nó nói rằng,
Nói rằng thằng Cuội ở cung trăng,
Lấy ai chẳng lấy, lấy thằng Cuội,
Cũng gớm gan cho cái ả Hằng.

+ Thế Lữ nhà thơ tiền chiến, nổi tiếng với nhiều bài được phổ nhạc như :
Tiếng sáo thiên thai- Cây đàn muôn điệu- Bên sông đưa khách,- Tình hoài…Nhưng đặc sắc nhất là bài
‘ Hổ nhớ rừng ‘ đề tặng nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, cũng là chính trị gia nổi tiếng. Nhớ rừng là một trong 10 bài thơ hay nhất của Phong trào Thơ Mới vừa nổi lên từ 1932- 1941, tác giả gởi gấm tình yêu Giang Sơn, khao khát tự do của dân tộc đang rên xiết dưới gồng cùm ngoại xâm, qua hình ảnh con hổ nhớ rừng khi bị nhốt nơi sở thú :

-Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan,
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới,
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta từng bừng,
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng,
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật,
Than ôi ! Thời oanh liệt nay còn đâu?
( Hổ nhớ rừng )

+ Hàn Mạc Tử thi nhân thiên tài bạc mệnh. Ngoài danh hiệu nhà thơ Công Giáo, còn có thể gọi ông là nhà thơ của Trăng với số bài vượt trội hơn các thi nhân. Trăng là nguồn linh hứng thanh thoát qua các bài :
Đà lạt trăng mờ- Trăng vàng trăng ngọc- Dưới trăng – Đêm trăng- Nhàn- Nguyệt- Trăng thu- Say trăng…
-Non sông bốn mặt ngủ mơ màng,
Thôi chỉ mình ta dạ chẳng an,
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối,
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn.
( Thức khuya )
-Hôm nay có một nửa trăng thôi,
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi,
Ta nhớ mình xa nên đứt ruột,
Gió làm nên tội buổi chia phôi.
( Một nửa trăng )

-Dưới trăng đi lững thững,
Bóng rọi ngắm thành đôi,
Phiêu dật thay chàng Nguyễn,
Canh tàn vẫn thấy chơi.
( Dưới trăng )
-Cung Thiềm lững thững nguyệt đêm thanh,
Rọi đóa hoa khôi thật trữ tình,
Một khúc dịu dàng êm ái lạ,
Lam Kiều có khách đợi năm canh.
( Nguyệt )

-Như song lộc triều nguyên ơn phước cả,
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng,
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên đàng,
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.
( Ave Maria )

*Đến đây chắc có người thắc mắt vì không nghe những cây bút chế độ Cộng Sản ca tụng về Trăng?
Có đấy chứ ! Tố Hữu là nhà thơ có tài, nhưng ông đã dùng tài ca ngợi bác và đảng. Ta hãy nghe ông nhà thơ Tố Hữu, Ủy viên Trung ương BCT- Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, mô tả cảnh thơ mộng nơi chiến khu Việt bắc- Cây đa Tân trào- Hang Pắc Bó…Những câu thơ lừa gạt lôi cuốn hàng triệu thanh niên nam
nữ vượt Trường sơn ‘Sinh Bắc tử Nam’, chôn vùi tuổi trẻ nơi chốn cung hằng mộng tưởng cộng sản:

-Ve kêu rừng phách đổ vàng,
Nhớ cô em gái hái măng một mình,
Rừng thu trăng rọi hòa bình,
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy trung.
( Tiếng hát ân tình )
-Mình đi mình lại nhớ mình,
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu,
Nhớ gì như nhớ người yêu,
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương.
( Việt Bắc )

Độc đáo và giả tạo nhất là tên Hồ tặc, trăm mặt nghìn tên với nhiều bí danh (kháng chiến) và bút danh
(thơ văn), ăn cắp tên tuổi và thơ văn của người khác, còn tự hào chỉ thị cho văn nghệ sĩ miền Bắc phải thay đổi tư duy :
-Xưa yêu phong cảnh thiên nhiên đẹp,
Mây gió trăng hoa tuyết núi sông,
Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

Hay bài thơ ‘Ngắm trăng con cóc’, giống như ‘đạo thơ’ Hàn Mạc Tử :
- Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay khá hững hà,
Người ngắm vàng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

- Bài ‘Thức khuya’ của HMT :
(Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối,
(Gió thu lọt cửa cọ mài chân )

Ngoài ra, vì hoàn cảnh đất nước chia đôi và sự bưng bít của chế độ miền Bắc nên ta không biết nhiều về thơ văn chế độ độc tài Cộng sản, như những câu sau không biết ai là tác giả nhưng chắc phát xuất từ đám đệ tử họ Hồ :

‘ Trăng Liên Sô sáng hơn trăng Việt Nam- Trăng nước Tàu lớn hơn trăng nước Việt ‘
Sao nghe giống câu ( Bên này biên giới là nhà, Bên kia biên giới cũng là anh em )
…………..

Bài viết không phải là Biên khảo hay Phê bình nên không đi sâu vào chi tiết, mà chỉ phác họa đôi dòng sơ lược tiêu biểu của mỗi thi nhân để mua vui cùng Quí vị trong lúc thư nhàn trong lúc đợi Xuân về.
Mong thông cảm những điều thiếu sót.

*Xin mượn phần mở đầu bài ‘Chơi giữa mùa trăng‘, kết thúc ‘Điểm Trăng Trong Thơ’.
Quí độc giả cho rằng đây là bài văn xuôi, không phải bài thơ khi ta đang giới thiệu những vần thơ Trăng của các thi nhân, nhưng người viết lại coi đây là bài ‘Thơ Xuôi’, vì những âm hưởng tiết tấu đặc biệt như một trường thơ xuôi :

‘ Trăng là ánh sáng. Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh sáng thêm kỳ ảo, thơm thơm và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung, sẽ nhận thấy có nhiều miếng nhạc say say, gió xé rách lả tả và rơi đớn đau và chạm vào thứ gì là chỗ ấy, thứ ấy vang lên tuy chẳng một ai thấy rõ sức rung động. Nghĩa là trăng rằm trung thu trong một đêm siêu linh, vô lượng, tượng trưng của một thời ao ước, xây bằng châu lệ, làm bằng chia ly và hơn nữa hiện hình của một khoái lạc chê chán…
Phải không hở chàng Ngưu chức Nữ?
Sông là một giải lụa bạch, không, là một đường trăng trải chiếu vàng, hai bên là động cát, và rừng xanh và hoang vu thanh tịnh. Chị tôi và tôi đang cầm một mái chèo con, nhẹ nhàng luồn những dòng vàng trôi lên mặt nước…”

Đinh văn Tiến Hùng