Lạm Dụng

Khi nghe đến hai từ lạm dụng người ta thường vội liên tưởng đến các dữ kiện mang tính thời sự thời gian vài năm gần đây đó là lạm dụng tình dục (Sexual abuse). Hình như chủ đề này cũng thu hút khán thính giả, độc giả nhất là khi nó đụng chạm đến nhiều quan chức tai to mặt lớn, nhiều vị lãnh đạo các tôn giáo, nhiều ngôi sao điện ảnh, ca nhạc… Xin được bỏ qua chủ đề này để tập chú vào chủ đề “lạm dụng quyền lực” (Abuse of power or abuse of authority)

Lạm dụng là dùng, sử dụng quá mức hoặc quá giới hạn đã quy định và lạm quyền là làm những việc vượt quá quyền hạn của mình (Tự Điển Tiếng Việt Nxb KHXH – 1994). Lạm dụng quyền lực theo chiều kích xã hội đó là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân, đã cố ý vượt quá giới hạn quyền lực cho phép, vượt quá quyền hạn mà pháp luật giao cho khi thi hành công vụ, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng nhấn mạnh đến tình trạng lạm quyền trong Giáo hội mà hình thức giáo sĩ trị là một trong những hình thức Ngài lưu ý cách đặc biệt với nhiều lời huấn dụ thẳng thừng.

Tình trạng lạm dụng quyền lực có mối liên hệ hỗ tương với việc lạm dụng thể chế (Institutional abuse). Chính cái thể chế (cơ cấu tổ chức và luật lệ) là một trong những nguồn gốc phát sinh nạn lạm quyền. Có thể nói xưa lẫn nay thể chế là sản phẩm do những người nắm quyền xây dựng nên, cả ngoài xã hội cũng như trong các tập thể tôn giáo. Một lẽ thường tình đó là các thể chế luôn nghiêng phần lợi cho các cá nhân hay tập thể nắm quyền. Là sản phẩm do con người làm ra nhưng khi nó trở thành cơ cấu tổ chức, thành văn bản luật lệ thì chúng được xem như là “thiên ý” là “chân lý tối cao”.

Bên cạnh đó có một nguy cơ cũng là chước cám dỗ khó vượt qua đó là đồng hóa thể chế với các thực thể thiêng liêng cao quý là Quốc gia, Dân tộc, Giáo hội. Dưới cái nhìn đức tin thì Kitô hữu tin rằng Giáo hội mãi luôn trường tồn nhưng Giáo hội không đồng nhất với cơ cấu tổ chức, với luật lệ. Một Quốc gia hay Dân tộc không đồng nhất với một thể chế chính trị nào. Đã là thể chế thì không luôn là bất biến mà trái lại cần được chỉnh sửa hay đổi thay. Đồng nhất hóa thể chế với các thực thể thiêng liêng cao quý là một phương sách mà nhiều người nắm quyền thường sử dụng để bảo vệ quyền chức của mình và như thế làm nảy sinh tệ nạn lạm quyền.

Chúng ta cũng cần nói đến một nguyên nhân làm nảy sinh nạn lạm quyền đó là sự tiếm quyền. Tiếm quyền là chiếm lấy quyền lực, địa vị một cách không chính đáng và không hợp pháp. Người ta có thể tiếm quyền bằng nhiều cách thế như bạo lực, xảo kế, lọc lừa… Không chỉ khi chiếm quyền cho bản thân mình mà khi trao quyền cho một ai đó thiếu công minh và hợp lý thì cũng là một dạng tiếm quyền. Chính vì thế cần nỗ lực diệt trừ sự tiếm quyền cũng là cách thế ngăn ngừa sự lạm quyền ngay từ trong trứng nước. Theo thiển ý một cách thế xem ra hạn chế nạn tiếm quyền đó là bầu cử cách công khai, dân chủ, bình đẳng... Người đứng đầu trong các quốc gia và cả trong Giáo Hội Công Giáo cùng nhiều Giáo hội các tôn giáo hiện nay là kết quả của việc bầu cử. Hy vọng rằng hình thức này được áp dụng cách công bằng dân chủ xuống các cấp thấp hơn.

Một hình thái kéo theo như tất yếu của nạn lạm quyền đó là tình trạng lộng quyền. Lộng quyền là sử dụng quyền lực của mình cách ngang ngược mà có khi là vượt quá quyền hạn được giao, có khi là vượt cả quyền hạn của cấp trên. Xin đừng quên rằng sử dụng quyền lực trong những trường hợp không cần thiết, có khi là hữu lý nhưng không hợp tình chút nào là một trong những hình thái lộng quyền.

Trong thời buổi nhiễu nhương thì các tệ nạn “tiếm quyền”, “lạm quyền”, “lộng quyền” dường như xuất hiện nhan nhãn. Dĩ nhiên nỗi khổ luôn chất chồng lên vai, lên cổ đám đông dân chúng. Theo Tin Mừng tường thuật thì để cho con người thực sự làm chủ ngày Sabbat (thể chế, luật lệ), để diệt trừ nạn lạm quyền thì Chúa Giêsu không chỉ mạnh mẽ cất cao lời chân lý nhiều khi rất chói tai mà Người còn rất nhiều lần cố tình vi phạm một vài lề luật, cố tình bỏ qua không ít truyền thống của Do Thái giáo thời bấy giờ.

Nếu tệ nạn lạm quyền cứ mãi tồn tại và biến hóa đủ kiểu nhiều cách thì chúng ta cần khiêm tốn với cố nhạc sĩ Tô Hải thú nhận: “Tôi là một thằng hèn”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột