1. Các con số trong báo cáo lạm dụng tính dục tại Pháp là quá sức vô lý!

Hôm thứ Ba 5 tháng 10, Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo Hội, gọi tắt theo tiếng Pháp là CIASE, đã đưa ra một báo cáo dài 500 trang, kèm theo khoảng 2,000 trang tài liệu hỗ trợ. Ủy ban ước tính có khoảng 330,000 nạn nhân, trong đó có khoảng 216,000 nạn nhân bị các linh mục lạm dụng.

Jean-Marc Sauvé, chủ tịch của ủy ban, một quan chức cấp cao của Pháp và là cựu phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước cho biết con số cao như thế là ước tính cả các nạn nhân tiềm năng, tức là những người có thể đã bị lạm dụng nhưng không báo cáo. Nói cụ thể là như thế này, ủy ban đã xác định được 2,700 nạn nhân lạm dụng từ năm 1950 đến năm 2020 thông qua các cuộc phỏng vấn và 4,800 người khác thông qua nghiên cứu lưu trữ. “Từ đó, Ủy ban đã làm việc với một cơ quan thăm dò ý kiến và Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Pháp để ước tính tổng số nạn nhân có tiềm năng bị các giáo sĩ lạm dụng trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến năm 2020, ở mức 216,000. Ủy ban ước tính có khoảng 3,200 kẻ đã thực hiện những hành vi lạm dụng đó.”

Trước con số kinh khủng 330,000 nạn nhân, các giới chức trong Giáo Hội chới với, trong khi các phương tiện truyền thông thế tục bài Công Giáo nhào vào chế nhạo. Tuy nhiên, sau khi hoàn hồn, người Công Giáo đã bắt đầu thấy con số 330,000 nạn nhân là cực kỳ vô lý.

Ký giả Peter Anderson có bài viết nhan đề “French report -- average Church abuser abused over 100 children?” trên tờ Sismografo.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ.

French report -- average Church abuser abused over 100 children?

Báo cáo của Pháp – Chả nhẽ trung bình những kẻ lạm dụng trong Giáo hội đã lạm dụng hơn 100 trẻ em à?

Peter Anderson


Báo cáo của Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội, do Giáo Hội Công Giáo ở Pháp ủy nhiệm, được trình bày vào ngày 5 tháng 10. Đây là một diễn biến gây sốc khác trong cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của Giáo hội và giới truyền thông đã rầm rộ loan tin. Theo báo cáo, có khoảng từ 2,900 đến 3,200 kẻ lạm dụng trong Giáo hội ở Pháp, bao gồm chung các linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân, trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 2020. Con số các linh mục, nam nữ tu sĩ phạm vào tội lỗi lạm dụng tình dục này từ 2.5 đến 2.8 phần trăm tổng số của các linh mục và tu sĩ ở Pháp trong khoảng thời gian này. (Xem tóm tắt chính thức của báo cáo). Tuy nhiên, con số gây sốc nhất do Ủy ban đưa ra là những kẻ này đã lạm dụng một con số ước tính lên đến khoảng 330,000 trẻ em. Đây là con số thu hút sự quan tâm lớn nhất của giới truyền thông.

Khi thực hiện một phép chia đơn giản, người ta thấy rằng điều này có nghĩa là trung bình một kẻ lạm dụng trong Giáo hội đã lạm dụng hơn 100 trẻ em. Điều này thật khó tin. Báo cáo năm 2018 do Giáo hội ở Đức ủy quyền cho thấy khoảng 1,670 giáo sĩ có liên quan đến việc lạm dụng 3,677 trẻ em. Báo cáo chi tiết từ đại bồi thẩm đoàn ở bang Pennsylvania, Hoa Kỳ đã tìm thấy hơn 300 linh mục lạm dụng tính dục và hơn 1,000 nạn nhân trẻ em được biết đến, nhưng họ tin rằng số nạn nhân thực tế là “hàng nghìn”. Cả hai báo cáo này đều cho thấy một kẻ lạm dụng trung bình chỉ tấn công từ 2 đến 4 nạn nhân. Phải thừa nhận rằng số nạn nhân trên thực tế và tổng số kẻ lạm dụng có lẽ lớn hơn những con số thống kê đã được biết. Các báo cáo của Đức và Pennsylvania nêu rõ điều này. Tuy nhiên, nhảy một phát từ mức trung bình là 2 đến 4 nạn nhân lên hơn 100 nạn nhân xem ra không hợp lý và không thế nào biện minh được. Cho dù người ta cho rằng số kẻ lạm dụng thực tế trong Giáo Hội ở Pháp cao gấp đôi so với báo cáo đã nêu, thì điều đó vẫn có nghĩa là trung bình một kẻ lạm dụng đã tấn công 50 trẻ em - một con số quá cao để có thể tin nổi.

Các con số thống kê liên quan đến số nạn nhân trong báo cáo của Pháp được xác định bằng một cuộc khảo sát trong đó các bảng câu hỏi được gửi đến 243,601 cá nhân và 28,010 người đã hồi đáp các phiếu trả lời có thể sử dụng được. Kết quả phần trăm của các hồi đáp này sau đó đã được nhân lên theo tỷ lệ dân số chung ở Pháp.

Thật không may, các phương tiện truyền thông không đề cập đến các vấn đề như đối chiếu số lượng những kẻ lạm dụng trong Giáo hội và số nạn nhân đã được tuyên bố. Bởi vì báo cáo này do chính Giáo hội ủy quyền và vì báo cáo rất dài, đến 2,500 trang, nên người ta có thể cho rằng ước tính 330,000 trẻ em bị lạm dụng tính dục phải là con số đúng. Tôi chưa thấy bài báo nào trên các phương tiện truyền thông đặt câu hỏi về con số đó. Theo ý kiến của tôi, dường như Giáo hội ngần ngại không dám đặt câu hỏi dưới bất kỳ hình thức nào về các báo cáo như cái báo cáo này. Có lẽ, người ta lo sợ rằng việc đặt câu hỏi về một khía cạnh nào đó của báo cáo sẽ gây ấn tượng rằng Giáo hội vẫn đang trong tình trạng phủ nhận đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Thay vào đó, thường chỉ có thái độ “cúi đầu nhận tội” từ phía Giáo Hội. Sự thật vẫn là điều quan trọng, và những khẳng định chống lại Giáo hội đáng nghi vấn cần được xem xét cẩn thận.
Source:Sismografo

2. Từ đạo sĩ thờ Satan trở thành Tông đồ của Kinh Mân Côi

Năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giống như một số vị tiền nhiệm của ngài, đã đến thăm thành phố cổ kính Pompeii ở miền Nam nước Ý: không phải để thăm tàn tích bị chôn vùi bởi tro của Núi Vesuvius, nhưng để tôn vinh những điều kỳ diệu của Đền thờ Đức Mẹ Mân Côi, được thành lập vào thế kỷ 19 bởi một người từng là đạo sĩ thờ Satan, nhưng đã hoán cải và đang trên đường được tuyên thánh.

Chân phước Bartolo Longo được coi là người sáng lập thành phố Pompeii hiện đại, một thị trấn phát triển về phía Đông của khu di tích nổi tiếng vào năm 1891, sau khi ngài được ủy thác xây dựng đền thờ Đức Trinh Nữ Maria của Thành phố.

Ngôi đền là nơi có bức ảnh kỳ diệu của Đức Mẹ Mân Côi, được trao cho Longo bởi cha giải tội của ngài, là Cha Alberto Radente, vào năm 1875.

Ban đầu sinh ra trong một gia đình Công Giáo sùng đạo, Longo đã xa rời đức tin của mình khi học luật ở Naples vào những năm 1860 - thời điểm mà Giáo Hội Công Giáo phải đối mặt với sự phản đối của một phong trào dân tộc chủ nghĩa đấu tranh cho sự thống nhất của Ý, và coi Quốc gia của Đức Giáo Hoàng và cả chính Đức Giáo Hoàng như những thế lực chống lại chính nghĩa của họ. Hầu hết các nhà lãnh đạo chính của phong trào “Thống nhất” là những Người theo chủ nghĩa Tự do và có tư tưởng bài Công Giáo rất mạnh.

Giáo Hội Công Giáo cũng đang chiến đấu chống lại sự tham gia ngày càng phổ biến vào những trò huyền bí, vào thời điểm đó đã có sự hiện diện mạnh mẽ ở Naples.

Bản thân Longo cũng tham gia vào một giáo phái theo chủ nghĩa Satan, và cuối cùng tuyên bố đã được “tấn phong” làm “đạo sĩ” đạo Satan.

Tuy nhiên, sau khi vật lộn với những lo lắng và trầm cảm, thậm chí có lúc có ý định tự tử, trong vài năm sau đó, một giáo sư đại học từ quê hương anh đã thúc giục Longo từ bỏ Satan và giới thiệu anh với cha giải tội tương lai của mình, là Cha Radente.

Dưới sự chỉ đạo của Cha linh hướng Radente, Longo bắt đầu lần hạt và trở lại đạo Công Giáo.

Anh đã phát triển một lòng sùng kính đối với chuỗi Mân Côi, và trở thành một tu sĩ dòng Ba Đa Minh vào năm 1871, làm việc để khôi phục đức tin của người dân ở Pompeii bằng cách thúc đẩy một lòng sùng kính mới đối với chuỗi hạt.

Anh đã nhận được bức ảnh Đức Mẹ Mân Côi ở Pompeii miêu tả Đức Mẹ ngồi trên ngai ôm Hài Nhi Giêsu và trao chuỗi hạt cho Thánh Đa Minh và Thánh Catarina Siena – là hai trong số những vị Thánh Dòng Đa Minh tiêu biểu nhất - đang đứng dưới chân Mẹ.

Bức ảnh là một bức tranh cũ nát thuộc Tu viện Rosariello ở Naples, được Cha Radente tặng cho anh.

Vài tháng sau khi anh nhận được ảnh Đức Mẹ Mân Côi các phép lạ bắt đầu xảy ra liên tiếp.

Phép lạ đầu tiên diễn ra cùng ngày Longo trưng bày bức ảnh với công chúng sau khi gây quỹ để trùng tu nó. Cô bé 12 tuổi Clorinda Lucarelli đã hoàn toàn khỏi bệnh động kinh, sau khi một số bác sĩ cho là không thể chữa khỏi.

Đền thờ Đức Mẹ đã trở nên phổ biến trong khu vực và bắt đầu thu hút hàng chục nghìn người Ý trong năm đó.

Giáo hoàng Phaolô Đệ Lục đã đội vương miện cho bức ảnh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, và sau đó đã được các Bảo tàng Vatican trùng tu. Công việc hoàn tất vào năm 2012.

Longo qua đời tại Pompeii vào năm 1926, và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước vào năm 1980. Anh được biết đến với biệt danh “Tông đồ của Kinh Mân Côi”. Những lời cuối cùng của anh ấy là: “Mong muốn duy nhất của tôi là được nhìn thấy Đức Maria, người đã cứu tôi và sẽ cứu tôi khỏi nanh vuốt của Satan.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm thánh địa vào năm 2015, trở thành vị Giáo hoàng thứ ba dừng lại để cầu nguyện. Vị đầu tiên là Thánh Gioan Phaolô II vào năm 1979, tiếp theo là Đức Bênêđíctô XVI vào năm 2008.
Source:Catholic News Agency