24 giờ với các diễn biến hết sức mau lẹ về biến thể mới Omicron của coronavirus

Một biến thể coronavirus mới có tên Omicron đã gây lo ngại trên toàn thế giới, sau khi nó được báo cáo lần đầu tiên ở Nam Phi. 24 giờ qua, thế giới chứng kiến hàng loạt các tuyên bố đóng cửa biên giới của các quốc gia vì biến thể tai hại này.

Hôm thứ Bảy, Tổ chức Y tế Thế giới, đã gọi biến thể mới này là một trong những mối quan tâm vì “số lượng lớn các đột biến” của nó.

Biến thể mới, còn được gọi là B.1.1.529, đã xảy ra một số quốc gia bao gồm Úc Đại Lợi, Mỹ và Anh khiến các lệnh cấm hoặc hạn chế đi lại được liên tục đưa ra.

Omicron là một biến thể mới “đáng quan tâm”. Cho đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới, gọi tắt là WHO, chỉ công nhận bốn biến thể là đáng quan tâm. Biến thể Omicron là biến thể thứ 4.

Biến thể này được báo cáo lần đầu tiên ở Botswana, Nam Phi, vào ngày 24 tháng 11 và kể từ đó đã được tìm thấy ở Nam Phi, Hương Cảng, Bỉ và Israel.

Cho đến nay, chúng ta biết rằng nó có số lượng đột biến gấp đôi so với biến thể Delta. Tuy nhiên, các cơ quan y tế đang làm việc để xác định xem nó có khả năng lây truyền hoặc lây nhiễm nhanh hơn các biến thể khác hay không.

Tuy nhiên, các nhà khoa học có thể phải mất nhiều tuần để hiểu đầy đủ về biến thể này.

Giáo sư Lawrence Young, nhà virus học tại trường đại học Warwick của Vương quốc Anh nhận định rằng “Biến thể mới này của COVID-19 rất đáng lo ngại. Đó là phiên bản virus đột biến nguy hiểm nhất mà chúng tôi từng thấy cho đến nay”.

“Có một số đột biến tương tự như những thay đổi mà chúng tôi đã thấy ở các biến thể khác mà chúng tôi quan tâm vì có liên quan đến khả năng lây nhiễm cao, cũng như khả năng chống lại một phần khả năng miễn dịch do việc tiêm chủng hoặc do miễn dịch tự nhiên.”

Nó có ý nghĩa gì đối với vắc xin?

Ở giai đoạn này, BioNTech cho biết họ đang mong đợi nhiều dữ liệu hơn về biến thể mới trong vòng hai tuần để giúp xác định liệu vắc-xin được sản xuất với Pfizer có cần phải được làm lại hay không.

Hôm thứ Sáu, Pfizer và BioNTech cho biết họ chỉ có thể xuất xưởng một loại vắc-xin mới phù hợp với biến thể mới này trong khoảng 100 ngày, nếu điều đó là cần thiết.

“Chúng tôi hiểu mối quan tâm của các chuyên gia và đã ngay lập tức bắt đầu điều tra về biến thể B.1.1.529,” BioNTech cho biết trong một tuyên bố.

“Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm dữ liệu từ các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm chậm nhất là hai tuần nữa. Dữ liệu này sẽ cung cấp thêm thông tin về việc liệu B.1.1.529 có thể là một biến thể nguy hiểm vượt qua được vắc xin, và có thể yêu cầu phải điều chỉnh vắc xin của chúng tôi nếu biến thể này lây lan trên toàn cầu.”

Moderna cũng đang làm việc để thúc đẩy một vắc xin tăng cường phù hợp với biến thể mới này. Họ cũng đang thử nghiệm một liều lượng cao hơn.

Moderna cho biết trong tuyên bố: “Một liều tăng cường của vắc-xin có thể là chiến lược duy nhất hiện có để tăng cường khả năng miễn dịch đang suy yếu”.

Johnson và Johnson cho biết họ cũng đang theo dõi chặt chẽ các chủng COVID-19 mới nổi và đang kiểm tra tính hiệu quả của thuốc trong việc chống lại Omicron.

Hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Y tế Úc Đại Lợi Greg Hunt đã đưa ra năm “biện pháp an ninh biên giới phòng ngừa bổ sung” để chống lại biến thể này, bao gồm các quy tắc kiểm dịch chặt chẽ hơn và lệnh cấm đi lại đối với một số quốc gia Phi Châu.

Thứ nhất, bất kỳ ai không phải là công dân của Úc, và những người phụ thuộc của họ cũng không phải là công dân Úc sẽ không thể nhập cảnh vào Úc nếu họ đã đến thăm chín quốc gia Phi Châu trong vòng 14 ngày qua. Lệnh này có hiệu lực ngay lập tức. Các quốc gia này bao gồm Nam Phi, Namibia, Zimbabwe, Botswana, Lesotho, Eswatini, The Seychelles, Malawi và Mozambique.

Thứ hai, bất kỳ công dân hoặc cư dân Úc nào và những người phụ thuộc của họ đến từ các quốc gia đó sẽ phải tiến hành kiểm dịch có giám sát ngay lập tức trong 14 ngày, tùy thuộc vào các yêu cầu của tiểu bang mà họ đến.

Những hạn chế này cũng áp dụng cho sinh viên quốc tế và những người di cư có tay nghề cao đến Úc.

Bất kỳ ai đã đến Úc và đã ở bất kỳ quốc gia nào trong số chín quốc gia trên trong vòng 14 ngày qua cũng phải cách ly, xét nghiệm và ở trong tình trạng cách ly trong 14 ngày kể từ khi họ rời khỏi quốc gia đó.

Cuối cùng, chính phủ sẽ ngay lập tức đình chỉ tất cả các chuyến bay từ 9 quốc gia Phi Châu đó.

Ông Hunt xác nhận hiện tại không có trường hợp nào được biết đến về biến thể Omicron ở Úc, tuy nhiên, một người trong trại cách ly Howard Springs ở Lãnh thổ phía Bắc đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 sau khi đến từ Nam Phi. Bộ Y tế vẫn chưa xác nhận bệnh nhân đó có biến thể Omicron hay không.

“Nếu các bằng chứng y tế cho thấy cần phải thực hiện các hành động khác, chúng tôi sẽ không ngần ngại thực hiện chúng. Và điều đó có thể liên quan đến việc tăng cường hoặc mở rộng các hạn chế. Nó có thể liên quan đến việc giảm bớt các hạn chế và các biện pháp tạm thời mà chúng tôi đã áp dụng,” Ông Hunt cho biết trong một cuộc họp báo vào chiều thứ Bảy 27 tháng 11.

Các nhà chức trách toàn cầu đã phản ứng với báo động vào hôm thứ Sáu. Mỹ, Canada, Liên Minh Âu Châu và Vương quốc Anh nằm trong số những quốc gia thắt chặt kiểm soát biên giới.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ sẽ hạn chế việc đi lại từ Nam Phi và các nước láng giềng có hiệu lực vào ngày thứ Hai.

Đi xa hơn, Canada cho biết họ đã đóng cửa biên giới của mình với các quốc gia đó, sau lệnh cấm các chuyến bay do Vương quốc Anh, Liên minh Âu Châu và các nước khác công bố.

Một số quốc gia khác bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế du lịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi Joe Phaahla gọi các hạn chế đi lại là “không hợp lý” mặc dù ông cũng cho biết các nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến thể mới có thể dễ lây lan hơn.

WHO cũng đã cảnh báo về việc hạn chế du lịch ngay lập tức.

Những lo ngại về biến thể mới đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường tài chính, với cổ phiếu dầu mỏ, hãng hàng không và những ngành khác trong lĩnh vực du lịch hiện đang giảm.
Source:Independent

2. Đức Tổng Giám Mục Paris yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định tương lai của ngài

Chiều thứ Sáu 26 tháng 11, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định xem liệu ngài có nên tiếp tục làm Tổng giám mục Paris hay không.

Vị tổng giám mục 70 tuổi, đã được bổ nhiệm vào thủ đô của Pháp vào năm 2018, nói với nhật báo Công Giáo La Croix rằng ngài đã viết thư cho giáo hoàng vì những lo ngại liên quan đến việc duy trì sự hiệp nhất của tổng giáo phận Paris.

“Từ ngữ ‘từ chức’ không phải là từ ngữ mà tôi đã sử dụng. Từ chức có nghĩa là từ bỏ chức vụ của mình. Không, trên thực tế, tôi đang giao điều đó cho Đức Thánh Cha vì chính Ngài là người đã trao sứ vụ này cho tôi.”

Ngài nói thêm: “Tôi làm điều đó để bảo tồn giáo phận, bởi vì với tư cách là một giám mục, tôi phải phục vụ cho sự hiệp nhất.”

Đức Cha Aupetit, có ơn gọi linh mục rất muộn ở tuổi 39 sau một thời gian hành nghề bác sĩ y khoa, đã phát biểu như trên sau khi tạp chí Le Point của Pháp xuất bản một báo cáo miêu tả ngài là một nhân vật độc đoán và chia rẽ.

Báo cáo cũng nêu lên những lo ngại về các cuộc tiếp xúc của Đức Cha Aupetit với một phụ nữ vào năm 2012, khi ngài là tổng đại diện của tổng giáo phận Paris.

Đức Cha Aupetit đã khẳng định với tờ Le Point rằng ngài không có quan hệ tình cảm với người phụ nữ.

Ngài nói: “Hành vi của tôi đối với cô ấy có thể có những điều không rõ ràng, do đó nảy sinh ý tưởng rằng giữa chúng tôi tồn tại một mối quan hệ thân mật và quan hệ tình dục, là điều mà tôi mạnh mẽ bác bỏ. Tôi đã quyết định không gặp lại cô ấy và tôi đã thông báo cho cô ấy”.

Đức Cha Aupetit nói với tờ La Croix rằng ngài đã nói chuyện với Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục Vatican, về tình hình của ngài, cũng như với Đức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, Sứ thần Tòa thánh tại Pháp.

Giải thích về lá thư yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định tương lai của ngài, Đức Tổng Giám Mục Aupetit cho biết điều đó không liên quan gì đến người phụ nữ mà báo chí tại Pháp đang khai thác mạnh để câu độc giả. Ngài nói:

“Đây không phải là vì những gì tôi nên hay không nên làm trong quá khứ - nếu có gì sai trái thì tôi đã bị loại từ lâu - vấn đề là tôi muốn tránh gây chia rẽ, nếu chính tôi là nguồn gốc của sự chia rẽ”.

Sau báo cáo đáng kinh ngạc, và đáng nghi ngờ của Jean-Marc Sauvé, trong đó cho rằng có khoảng 216,000 trẻ em bị các linh mục lạm dụng kể từ năm 1950, và hơn 100,000 trẻ em khác bị lạm dụng bởi các nhân viên giáo dân của các cơ sở giáo hội, đang có những cố gắng để thừa dịp này hạ gục luôn Giáo Hội Công Giáo tại Pháp.

Hôm thứ Tư, 24 tháng 11, tờ Le Parisien đã dành hẳn một trang để tấn công Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris với một cáo buộc rằng ngài có quan hệ với một người phụ nữ.

Cáo buộc đó không có gì lạ, đã được tờ Le Point tung ra vào năm 2012, và Đức Tổng Giám Mục, khi đó còn là một linh mục tổng đại diện của Paris, đã phủ nhận. Tờ Le Parisien chỉ thêm vào một chi tiết cho rằng cáo buộc của tờ Le Point là đúng vì cho đến nay, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit vẫn chưa được phong Hồng Y. Thực ra, vấn đề phong Hồng Y hay không là do Đức Thánh Cha quyết định, và ngài có cách hành động riêng của ngài. Đức Tổng Giám Mục José Gómez của tổng giáo phận Los Angeles nhậm chức Tổng Giám Mục từ ngày 1 tháng Ba 2011, kế vị Hồng Y Mahony, trước cả Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit, vẫn chưa được tấn phong Hồng Y, mặc dù ngài được các Giám Mục Hoa Kỳ đánh giá rất cao bầu làm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Mỹ.

Hơn thế nữa, sau cáo buộc vào năm 2012, ngày 2 tháng Giêng 2013, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 mới nâng ngài lên hàng Giám Mục và bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phụ Tá Paris. Ngày 04 tháng Tư 2014, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm giám mục Nanterre. Ngày 7 tháng 12, 2017, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng giám mục Paris, kế nhiệm Đức Hồng Y André Vingt-Trois. Tất cả các bổ nhiệm này chứng tỏ cáo buộc năm 2012 là vô nghĩa và bịa đặt.

Lý do người ta nhắm vào Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit cũng dễ hiểu. Ngài là tác giả nhiều tác phẩm y khoa và thần học, và giống như Đức Hồng Y George Pell của Úc, Đức Tổng Giám Mục Paris rất thích tranh luận trong các diễn đàn công khai.
Source:Catholic News Agency

3. Giáo hội Hàn Quốc tặng hài cốt thánh linh mục tử đạo đầu tiên cho Burkina Faso

Hôm 23 tháng Mười Một vừa qua, Đức Hồng Y Anrê Liêm Chu Chính (염수정, Andrew Yeom Soo-jung), Tổng giám mục hiệu tòa của Hán Thành, đã trao thánh tích của Cha Anrê Kim Đại Kiến (Andrew Kim Tae-gon, 김대건 안드레아), linh mục Công Giáo đầu tiên của Hàn Quốc đã tử đạo vì đức tin vào thế kỷ 19 và được tuyên thánh vào năm 1984, cho Đức ông Julien Kabore, Đại biện Tòa Sứ thần tại Manila, để chuyển lại cho Giáo hội tại Burkina Faso.

Thánh tích sẽ được đặt tại Nhà thờ Chính tòa thánh Giuse thuộc Tổng giáo phận Koupela, mới được kiến thiết ở miền đông nước Burkina, với sự tài trợ của Cộng đoàn Công Giáo tại Hán Thành.

Tổng giáo phận Hán Thành cho biết Đức ông Julien Kabore, người Burkina Faso, đã xin Đức Hồng Y Liêm Chu Chính thánh tích của thánh Anrê Kim để đặt tại Nhà thờ Chính tòa Koupela, nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhật của thánh linh mục đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc.

Thánh tích hài cốt của thánh Kim Đại Kiến hiện nay đã được phân phối và tôn kính tại 200 nơi ở Hàn Quốc và nước ngoài, trong đó có Roma, Macau và Indonesia. Cuối tuần 27 và 28 tháng Mười Một vừa qua, các thánh đường và nhà nguyện trên toàn Hàn Quốc đều cử hành thánh lễ kết thúc năm kỷ niệm 200 năm sinh nhật thánh Kim Đại Kiến.

Cha Anrê Kim Đại Kiến, sinh năm 1821, là con trai của những người cải đạo theo đạo Công Giáo. Ngài được rửa tội ở tuổi 15. Sau đó ngài đến một chủng viện ở Ma Cao, Trung Quốc, và trở về quê hương sau sáu năm qua ngã Mãn Châu. Cùng năm đó, ngài vượt biển Hoàng Hải đến Thượng Hải, nơi ngài được thụ phong linh mục.

Cha Kim được giao nhiệm vụ sắp xếp cho nhiều nhà truyền giáo vào Hàn Quốc một cách bí mật bằng con đường ven biển để tránh các cuộc tuần tra biên giới. Ngài bị bắt, bị tra tấn và bị chặt đầu trên sông Hàn gần Hán Thành vào năm 1846.

Đền các thánh tử đạo ở Sa Nam Cơ (Saenamteo, 새남터) ở Nhị Thôn Động (Ichon-dong, 이촌동) thuộc quận Long Sơn (Yongsan, 용산구) của thủ đô Hán Thành là nơi chứa các thánh tích về cuộc tử đạo của vị thánh. Cha Kim hiện là vị thánh bảo trợ của hàng giáo sĩ ở Hàn Quốc.

Trong những ngày đầu của Kitô Giáo ở Hàn Quốc, đất nước được cai trị bởi triều đại Tiên Quốc kéo dài từ 1392 đến 1910. Đây là một triều đại tôn sùng Phật Giáo, luôn coi các tín hữu Kitô như một mối họa cho ngai vàng của mình. Hàng ngàn người Công Giáo đã bị sát hại vì không chịu từ bỏ đức tin.

Năm 1984, trong chuyến thăm Hàn Quốc, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho 103 vị tử đạo trong đó có Cha Anrê Kim, Ông Ignatius cha của ngài, Thánh Phaolô Trang (Chong, 총) và bảy nhà truyền giáo người Pháp đã tử đạo vào thế kỷ 19.
Source:Korean Times