Lá thư Canada : Xin Mưa Ân Sủng

Các chuyên viên về thời tiết cho biết năm nay mùa đông đến sớm vì lá phong đã phủ ngập đường và bày chim trốn tuyết đang rủ nhau bay xuống miền nam. Dân Canada vẫn đang theo dõi cơn dịch Cô Vít 19 nên không mấy chú tâm về mùa đông. Mở báo mở đài thì toàn tin về dịch. Mấy tháng trước thì bàn luận về chích phòng ngừa, bây giờ báo và đài đang nói tới chững phương pháp mới, thay vì chích thì các nhà khoa học đang bàn tới những phương thức mới như thuốc viên, thuốc xịt mũi, cao dán vào da. Làng An Lạc của tôi từ ngày việc giãn cách được nới lỏng đã năng gặp nhau hơn, và không còn nói về tin chống dịch và thuốc trị dịch nữa, mà nói những chuyện thời sự ngoài lề, như việc môi trường, khí thải, phá rừng, như việc tổng thống nước Pháp họp báo mà bị ném trứng, việc một cựu tổng thống ở Nam Phị bị án tù… Và nổi cộm nhất hiện nay là việc bộ trưởng Công An Việt Nam, đại tướng Tô Lâm, cùng phe nhóm tay chân đi họp bên Anh, rồi đến nhà hàng sang trọng nhất ở London ăn món bí tết dát vàng. Ở VN, lương của một bộ trưởng tương đương với 600 đô một tháng, nhưng khi sang Anh, ngài bộ trưởng đã ăn miếng bí tết giá khoảng 2 ngàn đô, ngày 5/11. Hình ngài bộ trưởng ăn miếng thịt dát vàng từ ông đầu bếp nổi danh rồi ngài giơ ngón tay khen ngon chiếu đi chiếu lại trên đài, báo tây báo ta in đi in lại, gây dư luận sôi nổi quá. Nhưng nghe nói cái tin Ngài Tô Lâm ăn bí tết dát vàng này không được các tờ báo của chính phủ cho đăng và bình luận. Tin lớn xôn xao bão tố như vậy mà tứ trụ triều đình VN từ ngài chủ tịch đảng, chủ tịch nước, chủ tịch chính phủ, chủ tịch quốc hội đều im re. Ai dám nói tới việc lãnh tụ ăn bí tết này là chết ngay. Chứng cớ : sáng nay báo chí vừa đưa tin một cư dân ở Đà Nẵng đã bắt chước ‘thánh rắc muối’ Nuaret Gokce trong cảnh Ngài Tô Lâm được phục vụ bí tết, anh không bắt chước rắc muối mà rắc hành cho bún bò ở nhà hàng của mình, anh cư dân này đã bị công an Đà nẵng hỏi tội. Ai cho phép ngươi bắt chước lối người ta phục vụ vị đai tướng của chúng tao?

Lý thuyết thì công an là đầy tớ của nhân dân, nhưng trên thực tế thì không phải vậy. VC nói và làm khác nhau. Viêc này làm tôi nhớ tới một chuyện biểu ngữ ở VN. Rằng sau 1975 thì khắp miền Nam chỗ nào cũng có biểu ngữ và khẩu hiệu. Tôi có kể mấy chuyện này rồi, các cụ còn nhớ không? Như việc câu nói ‘Bác Hồ sống mãi trong quần chúng’ đã có một tên ngụy hỗn láo viết thêm chữ TA vào sau cữ quần chúng ở trên. Bác Hồ uy linh như vậy nay vì chữ Ta mà Bác hóa ra cây súng của đàn ông. Thật ngụy quân láo quá. Hôm nay nhân chuyện đại tướng Tô Lâm, xin kể thêm một chuyện nữa. Đó là bài ghi 5 lời nổi tiếng của Bác Hồ mà cán bộ nào cũng thuộc lòng. Bài này được viết rất đẹp và trưng bày lộng lẫy ở cửa một siêu thị. Nhưng lại có một tên ngụy hỗn láo, tên này chắc vào loại có trí thông minh nên đã tìm được cách xóa đi 2 câu mở đầu, rồi chép vào đó hai câu nổi tiếng của Tổng thống Thiệu. Bài vẫn giữ 5 câu, ở dưới vẫn ghi tác giả là Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Tôi xin chép lại :

Đừng tin những gì CS nói
Mà hãy nhin kỹ những gì CS làm


Sông có thể cạn
Núi có thể mòn
Chân lý ấy không bao giờ thay đổi


( Chủ tịch Hồ Chí Minh )

Thấy làng im lặng nghe nói chuyện ngài Tô Lâm, cụ Chánh tiên chỉ muốn ngưng loại chuyện này vì nó ngấy quá, cụ bèn quay vào anh John : Thôi, ta không nói chuyện này nữa, ta hãy nói chuyện nào vui để chút nữa ăn cơm cho ngon và tối nay ai cũng dễ ngủ. Phe các bà vỗ tay ngay và xin anh John vào đề. Anh hỏi đề gì, các bà lại xì xào hỏi nhau, rồi cô Cao Xuân lên tiếng : anh có vợ Miềm Nam nên anh nói tiếng Saigon rất rành, vậy khi anh tiếp xúc với nhóm miền Trung bọn tôi, anh có thấy khó hiểu không?

Anh John vừa gật đầu vừa cười hắc hắc. Ban đầu tôi phải chép vô sổ rồi hỏi vợ. Nói rồi anh rút sổ tay trong túi ra. Anh bảo tôi còn ghi đây. Lần đầu nghe người miền Trung nói, tôi thấy ngồ ngộ, như : răng làm rứa, dị kể chi, người chi mô, nhột thấy mồ, anh bên nớ tôi bên ni, nói nhỏ nì, tối nay hỉ, mạ ra chừ…

Cả làng vỗ tay vì thấy anh phát âm y chang giọng Huế.

Cụ Chánh hỏi tiếp : Còn tiếng Bắc Kỳ của nhóm tôi thì sao?

Anh John lại cười hích hích. Cháu cũng phải chép vào sổ, học từ từ, và thực tập mỗi khi có dịp nói với các Bác, như mấy tiếng rất Bắc Kỳ này : em chả đâu, ngượng lắm đấy, ai lại thế, cứ như ranh, tí tẹo thôi, nhớ đấy nhé, mặt dầy tợn, chỉ nghịch ngợm, như quân cướp, thôi cũng được…

Ông Từ Hòe nghe xong, gật gật cái đầu, rồi hỏi : Anh có thấy những câu này buồn cười không? Ngày xưa, hồi 1954, Bắc Kỳ bọn tôi mới vào Saigon, nghe những tiếng Miền Nam thì thích vì lạ tai, như : ý chèng ơi, hổng được đâu, cái mặt ngầu, rục rịch hoài, kỳ quá hà, đồ quỷ sứ, nè cha nội…

Anh John gật gù : Bác nói đúng quá. Cháu thấy trong sách có bài viết so sánh tiếng 3 miền rất hay, cháu thích nhất câu hỏi này, cùng chỉ một ý :

- Tiếng Bắc : Đi đâu mà nhanh thế?

- Tiếng Trung : Đi mô mà mau rứa?

- Tiếng Nam : Đi đâu mà lẹ vậy?


Nghe đến đây thì ông Từ Hòe cười khà khà. Còn tiếng Hà Nội bây giờ, các quan VC nói khác chúng ta : Đi đâu mà khẩn trương thế ?

Cụ Chánh lại hỏi anh John : chúng ta vừa nói tới ngôn ngữ 3 miền, bây giờ xin hỏi nhỏ anh câu này : Thế còn sắc đẹp của gái 3 miền thì sao? Anh John vừa nhìn vợ là Chị Ba vừa mỉm cười rồi trả lời : về sắc đẹp cũng như về món ăn, ta không thể xếp hạng được. Các cô gái 3 miền VN đều đẹp hết.

Cô gái Huế di đâu cũng phải có cái nón. E ấp dấu mặt như thế nhưng anh mô đi theo cách xa cả mấy chục thước cô đều biết hết, biết cả ngọn nguồn lai lịch nữa mới tài. Lúc bối rối thẹn thùng thì vân vê vành nón, quai nón, trông dễ thương hết sức. Bởi vậy mới có câu : Học trò trong Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi không đành là thế… Tôi có 5 anh bạn cùng dạy học ở Saigon. Qua một mùa ra Huế chấm thi thì 3 anh dính vào 3 cô Huế và về sau là 3 cô vợ Huế.

Còn cô gái Bắc kỳ khăn vấn đuôi gà, yếm thắm, áo tứ thân ôm sát vòng eo, đôi mắt bồ câu, da trứng gà bóc, bàn tay búp măng, giọng oanh vàng thỏ thẻ, dáng đi như bước sen lãng đãng. Cổ tay em trắng như ngà, con mắt em liếc như là dao cau, miệng cười như thể hoa ngâu, cái khăn đội đầu như thể hoa sen…

Rồi anh John xin ngưng. Ai cũng ngạc nhiên : Thế còn cô gái Nam Kỳ thì sao? Cái anh John này vừa tếu vừa lanh trí : Thì mời làng cứ nhìn vợ tôi là thấy hết cái đẹp của cô gái miền Nam rồi ! Làng không thấy chị Ba nói gì cả.

Rồi anh John xin tiếp : Trên thế giới này có lẽ chỉ dân VN là quý trọng và tôn kính đàn bà. Kìa xem dân Do Thái, người đàn ông Do Thái luôn tạ ơn Thượng Đế về điều này : Con tạ Ơn Thương Đế đã sinh ra con là dân Do Thái, và là đàn ông chứ không phải là đàn bà. Kìa xem nước Tàu, tiếng là văn hóa cao, nhưng vẫn nói : Thập nữ viết vô, nhất nam viết hữu. Kìa xem thế giới gọi các trận bão to nhỏ luôn luôn bằng tên đàn bà, như bão Anna, bão Angela, bão Martha...Lý do : vì các trận báo luôn luôn thay đổi phương hướng và sức mạnh mà ta thường không thể tiên đoán được, y như tính nết của đàn bà vậy. Thế có bậy không thưa các cụ.

Chỉ có dân Việt Nam ta là tôn kính phái nữ và biết ơn phái nữ. Trên thế giới này làm gì có nước nào có nữ anh hùng đứng lên cầm quân đuổi được giặc xâm lăng rồi lên làm vua như Bà Trưng Bà Triệu và lịch sử ghi công ơn. Có nước nào mà công Chúa hy sinh đi lấy chồng ngoại bang để quốc gia thêm lãnh thổ mở rộng bờ cõi như công chúa Huyền Trân thế kỷ 13 lấy vua Chế Mân nước Chiêm Thành, như công chúa Ngọc Vạn thế kỷ 17 lấy Vua Chân Lạp Che Chetta. Nhờ hai công chúa này mà chúng ta có một miền Nam rộng lớn và trù phú như ngày nay.

Phe các bà nghe chuyện lịch sử thì không hào hứng và vui mấy, liền xin anh John kể chuyện học tiếng Việt, những cái hay của tiếng việt. Chị Ba liền nháy mắt bảo anh kể chuyện chửi thề.

Anh John đáp ngay : Đề tài này là các bà các cô trong làng bắt tôi kể dó nha. Tôi thấy trong tiếng VN có rất nhiều tiếng chửi thề, mà tiếng nào nghe cũng tục, chỉ những văn sĩ đại tài mới có thể biến những tiếng chử này thành văn hoa. Xin trích dẫn 3 văn hào.

Chuyện thứ nhất là chuyện Cu Nguyễn Công Trứ. Rằng bữa đó cụ Trứ đến viếng một ngôi chùa. Cụ thấy ngay ở cổng chùa có một câu của nhà sư trụ trì vừa như nói với đại chúng, vừa như thách đối :

Đọc ba trăm sáu mươi quyển kinh, chẳng thần, thánh, phật. tiên nhưng khác tục.

Quan đại thần Nguyễn Công Trứ coi lời này là huênh hoang tự đắc, bèn phóng bút đối lại ngay :

Hay tám vạn nghìn tư mặc kệ, không quân, thần, phụ, tử, đếch ra người.

Chuyện thứ hai là chuyện cụ Nguyễn Khuyến. Chuyện kể rằng lúc đó cụ làm giám khảo một cuộc thi thơ. Nhà văn trẻ Chu Mạnh Trinh dự thi, lời thơ rất hay nhưng có giọng hỗn láo, Cụ cho đậu nhưng chê rằng vô phép. Chu Mạnh Trinh nhớ cái hận này. Khi cụ Nguyễn Khuyến về hưu và đã lòa cả đôi mắt, Chu Mạnh Trinh có ý xỏ lá đã gửi biếu Cụ Khuyến một chậu trà, hoa có sắc mà không có hương, Cụ Nguyễn Khuyến đã làm một bài thơ, 2 câu đầu và 2 câu kết như sau :

Có khách cho ta một chậu trà
Ta say ta chẳng biết là hoa




Lâu nay ta chỉ xem bằng mũi
Đếch có mùi hương, một tiếng khà


Chuyện thứ ba gần chúng ta nhất là chuyện cụ Vương Hồng Sển ở Saigon. Năm 80 tuổi cụ làm tiệc khao lão. Cụ làm một bài thơ đề là‘ Thơ mời dự tiệc bát tuần’ khá dài, trong đó có mấy câu vừa có chữ đếch và chữ câu đéo :

Lèo phèo nên mới chổng khu reo
Tuổi tám mươi ông đếch sợ nghèo




Mở tiệc bát tuần, thi xướng họa
Câu thanh vần tục, đếm liền đeo


Cả làng đã vỗ tay ca ngợi sự thông thái của anh John rất lâu. Anh được hứng nói tiếp. Rằng trong tiếng Việt anh yêu nhất cái vần luyến láy -iếc, như ăn iếc, làm liếc, học hiếc, đại học đại hiếc, cử nhân cử nhiếc… và nó lan cả vào thơ như bài ‘ Chơi cho thích’ của cụ Trần Lê Kỷ đốc học Hưng Yên ngày xưa, 1891:

Từ lên một đến mười lăm còn trẻ nít
Bốn mươi lăm cút kít đã về già
Tính trong vòng cắn đá với trăng hoa
Gìa cho lắm, ba mươi năm là sắp kiệt
Thế mà còn đi học đi hiệc, đi thi đi thiếc
Thi đỗ thi điếc, làm quan làm kiếc…


Theo cụ Kỷ thì ngày xưa 50 tuổi đã về già, đã nghỉ hưu, chỉ có con dê trong bụng là chưa già mà thôi. Tôi yêu bài thơ có âm iếc này quá !

Nghe đến tiếng dê một cái thì cụ Chánh tiên chỉ sợ làng đang vui mùa Giáng Sinh sẽ đi vào các chuyện dê rồi dẫn đến các chuyện dê xồm tục tĩu nên cụ chuyển làng sang hướng khác. Cụ đọc một đoạn thơ rồi đố ai là tác giả, Thơ như sau:

Thấy người hoạn nạn thì thương
Thấy người tàn tật lại càng thương hơn
Thấy người già yếu ốm mòn
Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần
Trời nào phụ kẻ có nhân
Người có đức, muôn phần vinh hoa.


Chị Ba Biên Hòa đáp ngay : Lời thơ và ý thơ nghe như lời trên mạng cầu xin mọi người mau giúp đỡ các nạn nhân dịch Cô Vít hiện nay. Khắp nơi ai cũng đang cầu cứu như vậy. Phe các bà thì hầu như ai cũng gât gù đồng ý với Chị Ba.

Cụ Chánh nhìn cả làng rồi nói ngay : Đây là bài thơ không phải của tác giả hiện thời, mà là của một tác giả làm cách đây hơn 600 năm. Đó là thơ của Nguyễn Trãi, một công thần và cố vấn của Vua Lê Lợi. Ông vừa là một đại quan của triều đình, một văn sĩ, một thi sĩ, một nhà giáo dục. Không những giúp vua mà còn dạy dân nữa. Bài thơ trên có tên là ‘ Thấy người hoạn nạn thì thương’. Ngày xưa còn bé lão có học bài này trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Bây giờ đọc lại rồi giật mình sửng sốt, vì thấy mấy lời thơ này chính là lời Chúa Giêsu đã nói rất nhiều lần trong Kinh Thánh : hãy mến Chúa và hãy yêu tha nhân như yêu chính mình, đó là ý chính bộ luật hơn 600 điều của Do Thái ngày xưa khi Chúa đi giảng đạo.

Ông Từ Hòe nói thêm ngay. Thế mới biết Cụ Nguyễn Trãi của Việt Nam mình vĩ đại và là bậc đại thánh. Cụ đã biết lời Chúa, mà đem ra dạy dân ta ngay hồi thế kỷ 15 ( Nguyễn Trãi : 1380-1442) Mãi giữa thế kỷ 16 tin mừng của Chúa mới chính thức tới Việt Nam.

Đạo Chúa là đạo của tình yêu. Một trong những sứ giả rao giảng ý tưởng ‘Chúa là tình yêu’ hay nhất và hùng hồn nhất là Thánh Paul. Trong thư thứ nhất gửi giáo hữu ở Cô-Rinh-Tô, ngài viết : Nếu tôi nói được các thứ tiếng lạ trên thế giới mà không có tình yêu thì tôi chỉ là cái phèng la mà thôi…

Chỗ khác khi nói về niềm vui Giáng Sinh, Thánh Paul kêu gọi giáo dân : Anh em hãy biết rằng : chúng ta phải thức dậy vì giờ cứu rỗi đã tới gần. Đêm sắp tàn, ngày đang tới. Ta hãy cởi bỏ những việc tối tắm mà mặc lấy ánh sáng của Thiên Chúa…

Chắc có cụ sẽ thắc mắc Thánh Paul là ai. Xin thưa : Thánh Paul là một tông đồ nguyên thủy mà Chúa đã chọn để rao giảng tin mừng cho dân ngoại. Khi Chúa về trời thì chỉ có 11 tông đồ để giảng đạo cho dân Do Thái mà thôi, còn giảng cho dân ngoại thì chưa có ai cả. Chúa bèn chọn ông Paul. Lúc đó Paul là nhà thông thái nhưng ghét đạo Chúa vô cùng, nên ông hằng đi bắt và sát hại những ai theo đạo Chúa. Phép lạ biến đổi đã xãy ra, hôm đó ông đang trên đường đi bắt đạo thì Chúa đã cho ông ngã ngựa và mở mắt ông để ông thấy chân lý của đạo Chúa. Chúa đã biến đổi ông hoàn toàn, ông đã quay 180 độ. Và ông đã mang ánh sáng tin mừng đến cho các sắc dân bốn phương.

Một cô Huế lên tiếng hỏi : Tại sao bây giờ cả thế giới ai cũng gọi lễ Giáng Sinh là XMAS? Ông Từ Hòe cười ha ha rồi nói ngay : Gốc nó là do 2 chữ Christ và Mass, nhưng ai cũng quên cái gốc này mà chỉ chú ý tới cái nghĩa rất thực thế và cụ thể của nó, bây giờ ai cũng bảo cái tên XMAS là một bài toán cá nhân : X = Money + Amusement + Self. Ba thứ tiền bạc, vui thú, cá nhân, nếu cộng lại sẽ cho ta đáp số của ẩn số X. Mỗi người có một đáp số khác nhau. Các cụ cứ tính mà coi.

Riêng tiếng VN, như chúng ta vừa nói tới Chúa là ánh sáng và xin Chúa cho chúng ta ân sủng là tình yêu tha nhân thì XMAS là Xin Mừng Ánh Sáng, Xin Mưa Ân Sủng.

Cả làng An Lạc của tôi nghe tới đây thì vui vả cảm động quá, ai cũng chắp tay và cúi đầu rồi thưa : Chớ gì được như vậy Amen.

TRÀ LŨ