Bài Nói chuyện của Đức Thánh Cha với các Linh mục, Người Thánh hiến, Phó tế, Hiệp hội và Phong trào Giáo Hội của Đảo quốc Síp
Tại Nhà thờ Chính Tòa Nghi lễ Maronite Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa, Nicosia, ngày 2 tháng 12 năm2021



Kính thưa các Thượng phụ
Anh em Giám Mục thân mến,
Các linh mục, các Tu sĩ Nam Nữ và các giáolý viên thân mến
Anh chị em thân mến Χαίρετε! [xin kính chào!]

Tôi rất vui được ở đây giữa anh chị em. Tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Hồng Y Béchara Boutros Raï về những lời tốt đẹp của ngài, và tôi thân ái chào Đức Thượng Phụ Pierbattista Pizzaballa. Tôi biết ơn tất cả anh chị em vì thừa tác vụ và việc phục vụ của anh chị em, nhất là các chị em, thưa các nữ tu, vì công việc giáo dục mà qúi chị em đang thực hiện trong các trường học, được trẻ em trên đảo tham gia rất đông đảo, và là nơi gặp gỡ, đối thoại và hướng dẫn trong nghệ thuật bắc cầu. Cảm ơn tất cả anh chị em vì sự gần gũi của anh chị em với mọi người, nhất là trong môi trường xã hội và việc làm, nơi khó khăn hơn.

Tôi chia sẻ với anh chị em niềm vui của tôi khi đến thăm vùng đất này và hành trình như một người hành hương theo bước chân của Thánh tông đồ vĩ đại Banaba, người con của dân tộc này, một môn đệ yêu mến Chúa Giêsu và một sứ giả không sợ hãi của Tin Mừng. Khi đến thăm các cộng đồng Kitô giáo mới thành hình, ngài đã thấy ân sủng Thiên Chúa đang hoạt động rồi; ngài vui mừng và thúc giục mọi người “hãy trung thành với Chúa với một mục đích kiên định” (xem Cv 11:23). Tôi đến với cùng một ước muốn: thấy ân sủng Thiên Chúa hoạt động trong Hội Thánh và trong lãnh thổ của anh chị em, để vui mừng với anh chị em về những điều kỳ diệu Chúa đã làm, và thúc giục anh chị em luôn kiên trì, không mệt mỏi hay nản lòng. Thiên Chúa luôn vĩ đại hơn! Người luôn vĩ đại hơn các mâu thuẫn của chúng ta. Anh chị em hãy luôn kiên trì!

Khi nhìn vào anh chị em, tôi thấy sự đa dạng phong phú của các anh chị em, mỗi người trong số anh chị em thực sự khác nhau, giống như một món “rau trộn trái cây” ngon miệng! Tôi chào mừng Giáo Hội Maronite, từng đến đảo quốc này trong nhiều thế kỷ nối tiếp nhau và thường xuyên trải qua nhiều thử thách, đã duy trì được đức tin. Khi tôi nghĩ tới Lebanon, tôi rất lo lắng cho cuộc khủng hoảng nước này đang phải đối đầu; Tôi thông cảm với những đau khổ của một dân tộc bị tàn phá và thử thách bởi bạo lực và nghịch cảnh. Tôi mang trong lời cầu nguyện của tôi khát vọng hòa bình phát xuất từ trái tim của đất nước đó. Tôi cảm ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em đang làm trong Giáo Hội, và cho nước Síp. Cây tuyết tùng của Lebanon được nhắc đến nhiều lần trong Kinh thánh như một điển hình của vẻ đẹp và sự hùng vĩ. Tuy nhiên, ngay cả một cây tuyết tùng vĩ đại cũng mọc lên từ rễ của nó và từ từ lớn lên. Anh chị em là những gốc rễ đó, được cấy ghép vào nước Síp để lan tỏa hương thơm và vẻ đẹp của Tin Mừng. Cảm ơn anh chị em!

Tôi cũng chào kính Giáo hội Latinh, hiện diện ở đây hơn một thiên niên kỷ, và theo thời gian, đã chứng kiến sự nhiệt thành của đức tin gia tăng, cùng với con cái của Giáo hội. Bây giờ, nhờ sự hiện diện của nhiều anh chị em di dân của chúng ta, nó xuất hiện như một dân tộc “đa sắc”, một điểm gặp gỡ thực sự giữa các dân tộc và nền văn hóa khác nhau. Khuôn mặt này của Giáo Hội phản ảnh vị trí riêng của Síp trong lục địa Châu Âu: đó là một vùng đất của những cánh đồng vàng, một hòn đảo được vuốt ve bởi sóng biển, nhưng trên hết là lịch sử của các dân tộc đan kết với nhau, một bức tranh ghép bằng những cuộc gặp gỡ. Giáo hội, với tư cách Công Giáo, phổ quát, là một không gian rộng mở, trong đó mọi người được chào đón và quy tụ với nhau bởi lòng thương xót và lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa. Các bức tường không hiện hữu và không nên hiện hữu trong Giáo Hội Công Giáo. Chúng ta đừng bao giờ quên điều đó! Ở đây, không ai trong chúng ta được kêu gọi đi cải đạo như những nhà thuyết giáo, không bao giờ. Chủ nghĩa cải đạo là chủ nghĩa khô cằn, không đem lại sự sống. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ mệt mỏi kêu gọi, không bao giờ mệt mỏi ở gần, không bao giờ mệt mỏi tha thứ. Chúng ta tìm thấy cội rễ của ơn gọi Kitô hữu ở đâu? Trong lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta không bao giờ được quên điều đó. Chúa không làm chúng ta thất vọng; lòng nhân từ của Người không làm chúng ta thất vọng. Người luôn chờ đợi chúng ta. Xin anh chị em nhớ rằng, các bức tường không hiện hữu và không nên hiện hữu trong Giáo Hội Công Giáo. Vì Giáo hội là ngôi nhà chung, là nơi của những mối liên hệ và cùng hiện hữu trong tính đa dạng, với nhiều nghi lễ khác nhau. Người thì nghĩ cách này, người thì nhìn sự việc cách khác, Nữ tu này nhìn mọi sự cách khác nữa… Đó là tính đa dạng của toàn thể; và ở đó, trong tính đa dạng đó, là sự phong phú của sự hợp nhất. Ai làm nên sự hợp nhất này? Chúa Thánh Thần. Ai tạo ra tính đa dạng này? Chúa Thánh Thần. Bất cứ ai thấy điều này đều sẽ hiểu. Chúa Thánh Thần là tác giả của tính đa dạng và là tác giả của sự hòa hợp. Thánh Basil thường nói thế này: “Ipse harmonia est” [Chính Người là sự hoà hợp]. Chúa Thánh Thần là Đấng ban tính đa dạng trong các ân phúc và tạo nên sự hợp nhất hài hòa của Giáo Hội.

Anh chị em thân mến, tôi muốn cùng anh chị em suy gẫm về Thánh Banaba, người anh em và người bảo trợ của anh chị em, bằng hai hạn từ mô tả cuộc đời và sứ mệnh của ngài.

Hạn từ đầu tiên là kiên nhẫn. Về Thánh Banaba, người ta nói rằng ngài là một người vĩ đại của đức tin và khôn ngoan được Giáo hội ở Giêrusalem - Giáo hội Mẹ, chúng ta có thể nói như thế - chọn làm người thích hợp nhất để đi thăm một cộng đồng mới, cộng đồng Antiôkia, gồm một số người mới từ ngoại giáo trở lại gần đây. Ngài được cử đi xem chuyện gì đang xảy ra, để thăm dò mọi sự. Ở đó, ngài thấy những người xuất thân từ một thế giới khác, từ một nền văn hóa khác, một sự nhạy cảm tôn giáo khác. Họ là những người vừa có một trải nghiệm thay đổi cuộc đời; đức tin của họ là một đức tin tràn đầy nhiệt huyết, tuy vẫn còn mong manh, như thuở ban đầu. Trong tình huống này, thái độ của Thánh Banaba là thái độ kiên nhẫn tuyệt đối. Ngài biết đợi cây lớn lên. Đây là sự kiên nhẫn nhất định tiếp tục tiến về phía trước; sự kiên nhẫn để bước vào những cuộc đời của những cá nhân cho đến nay chưa được biết đến; sự kiên nhẫn chấp nhận những gì mới lạ mà không vội vàng phán xét. Sự kiên nhẫn của ngài là sự kiên nhẫn biện phân có khả năng nhận ra các dấu hiệu Thiên Chúa làm việc ở mọi nơi, sự kiên nhẫn để “nghiên cứu” các nền văn hóa và truyền thống khác. Hơn hết, Thánh Banaba có lòng kiên nhẫn đồng hành: ngài biết cách đồng hành và để cho sự triển nở diễn ra. Ngài không áp đảo đức tin mong manh của những người mới gia nhập bằng cách tiếp cận nghiêm ngặt và thiếu linh hoạt, hoặc bằng cách đưa ra những đòi hỏi quá đáng về việc tuân giữ các giới luật. Không. Ngài để họ phát triển. Ngài đi cùng họ, cầm tay họ và đối thoại với họ. Thánh Banaba không sợ bị tai tiếng; ngài giống như những ông bố và bà mẹ không sợ bị tai tiếng vì con cái, luôn đồng hành và giúp chúng phát triển. Anh chị em nên ghi nhớ điều này: sự chia rẽ và chủ nghĩa cải đạo trong Giáo hội là điều không đúng. Đồng hành cùng những người khác, để họ phát triển. Và nếu anh chị em cần sửa chữa ai đó, xin anh chị em làm điều đó với tình yêu, với sự bình an. Thánh Banaba là người có lòng kiên nhẫn.

Anh chị em thân mến, chúng ta cần một Giáo hội kiên nhẫn. Một Giáo Hội không để mình khó chịu và bối rối trước sự thay đổi, nhưng bình tĩnh đón nhận sự mới mẻ và biện phân các tình huống dưới ánh sáng Tin Mừng. Công việc anh chị em đang thực hiện trên hòn đảo này, như chào đón các anh chị em mới đến từ những bờ biển khác của thế giới, thật là quý giá. Giống Thánh Banaba, anh chị em cũng được kêu gọi cổ vũ một quan điểm kiên nhẫn chăm chú, trở thành các dấu hiệu hữu hình và đáng tin cậy về lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ ai ra khỏi nhà, không bao giờ bỏ rơi ai khỏi vòng tay yêu thương của Người. Giáo Hội Síp cũng có cùng những vòng tay rộng mở này: nó chào đón, hội nhập và đồng hành. Đây cũng là một sứ điệp quan trọng đối với Giáo hội khắp Châu Âu, nơi được đánh dấu bằng cuộc khủng hoảng đức tin. Chẳng ích lợi chi khi hấp tấp và nóng nảy, hoài cổ hoặc cáu kỉnh; thay vào đó, sẽ rất tốt khi chúng ta biết tiến về phía trước, đọc các dấu chỉ của thời đại cũng như các dấu chỉ của cuộc khủng hoảng. Chúng ta cần bắt đầu loan báo Tin Mừng trở lại, một cách kiên nhẫn, theo sát các Mối Phúc, trên hết công bố chúng cho thế hệ đến sau chúng ta. Tôi xin các huynh đệ, các Giám mục anh em của tôi, trở thành các mục tử kiên nhẫn trong sự gần gũi. Anh em đừng mệt mỏi trong việc tìm kiếm Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, trong việc gặp gỡ các linh mục của anh em, trong việc gặp gỡ một cách tôn trọng và nhân từ các anh chị em trong các hệ phái Kitô giáo khác, trong việc gặp gỡ các tín hữu bất cứ nơi nào họ hiện diện.

Các linh mục thân mến, tôi xin nói với anh em: hãy kiên nhẫn với các tín hữu, luôn sẵn sàng khuyến khích họ; hãy là những người thừa tác viên không biết mệt mỏi của ơn tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đừng bao giờ là những quan án phán xét khắc nghiệt, mà hãy là những người cha yêu thương.

Khi tôi đọc Dụ ngôn về đứa con hoang đàng, người anh là một quan tòa hà khắc, nhưng người cha nhân từ, là hình ảnh của người Cha luôn tha thứ; quả thật người Cha, Đấng luôn chờ đợi để tha thứ cho chúng ta. Năm ngoái, một nhóm thanh niên biểu diễn nhạc pop muốn biểu diễn Dụ ngôn về đứa con trai hoang đàng, với âm nhạc và đối thoại… Tuyệt vời! Tuy nhiên, phần đẹp nhất là cuộc trò chuyện cuối cùng, khi người con trai hoang đàng đến gặp một người bạn và nói: “Tôi không thể tiếp tục như thế này. Tôi muốn trở về nhà, nhưng tôi sợ bố tôi đóng sập cửa vào mặt tôi và đuổi tôi ra ngoài. Tôi sợ và không biết phải làm gì”. "Nhưng cha của bạn là một người tốt!" “Đúng, nhưng bạn biết đấy… anh trai tôi ở đó, một người rất nóng tính”. Ở cuối màn trình diễn này về đứa con hoang đàng, bạn của anh ấy nói với anh ấy: “Hãy làm điều duy nhất này: viết thư cho cha của bạn và nói với ông rằng bạn muốn về nhà nhưng bạn sợ ông không chào đón bạn. Nói với bố bạn rằng nếu ông muốn chào đón bạn, ông nên đặt một chiếc khăn tay trên cửa sổ cao nhất của căn nhà. Bằng cách đó, cha bạn sẽ cho bạn biết trước là ông ấy sẽ chào đón bạn hay đuổi bạn đi”. Màn đó đó kết thúc. Trong màn tiếp theo, người con trai đang trên đường về nhà cha mình. Và khi còn đang ở trên đường, anh ta quay lại, và thấy nhà của cha anh: nó đầy những chiếc khăn tay màu trắng! Đầy! Đó là điều Thiên Chúa giống chúng ta. Đây là Thiên Chúa dành cho chúng ta. Người không bao giờ mệt mỏi với sự tha thứ. Và khi người con bắt đầu nói: “Cha ơi, con đã…”, người cha nói, “Im đi” và bị miệng anh ta lại. Các linh mục thân mến: xin các cha đừng khắt khe trong tòa giải tội. Khi các cha thấy ai đó đang gặp khó khăn, các cha nên nói: “Cha hiểu, cha hiểu”. Điều này không có nghĩa là "quá khoan dung", không. Tuy nhiên, nó có nghĩa có trái tim của một người cha, giống như trái tim của người cha là Thiên Chúa. Công việc Chúa hoàn thành nơi mỗi người là một “lịch sử thánh thiêng”: chúng ta hãy hào hứng đối với nó. Vì sự đa dạng về nhiều phương diện của giáo dân các cha, cho nên kiên nhẫn cũng có nghĩa là các cha phải có đôi tai và trái tim rộng mở để đón nhận các mẫn cảm thiêng liêng khác nhau, những cách phát biểu đức tin khác nhau, những nền văn hóa khác nhau. Giáo hội không muốn giản lược mọi điều vào sự độc dạng, trái lại, luôn muốn hòa nhập mọi nền văn hóa, mọi não trạng của con người với lòng kiên nhẫn mẫu thân, vì Giáo hội vốn là một bà mẹ. Đây là điều, với ơn thánh của Thiên Chúa, chúng ta muốn đạt được cho một Giáo hội ngoan ngoãn với Thiên Chúa và cởi mở với nhân loại, trên con đường đồng nghị, qua việc kiên nhẫn cầu nguyện và lắng nghe. Đó là sự kiên nhẫn, một trong những khía cạnh của Thánh Banaba.

Có một khía cạnh quan trọng thứ hai trong lịch sử của Thánh Banaba mà tôi muốn làm nổi bật: cuộc gặp gỡ giữa ngài với Thánh Phaolô thành Tarsô và tình bạn huynh đệ của họ, khiến họ cùng nhau thực hiện sứ mệnh sai đi. Sau khi Thánh Phaolô trở lại đạo, “mọi người đều sợ ông, vì họ không tin ông là môn đệ” (Cv 9:26), vì trước đây ông là kẻ bắt bớ tàn nhẫn các Kitô hữu. Ở đây Sách Tông đồ Công Vụ cho chúng ta biết một điều rất cảm động: “Banaba mang ông” (c. 27), đưa ông đến với cộng đồng, kể lại những gì đã xảy ra với ông và xác minh cho ông. Chúng ta hãy lắng nghe những lời đó, "ông đã mang Ông Phaolô". Những lời này gợi ta nhớ tới sứ mệnh của chính Chúa Giêsu, vì Người đã mang các môn đệ đi theo Người qua các đường phố Galilê và mang lấy nhân loại của chúng ta vốn bị thương tích bởi tội lỗi. Phương thức của Người là một phương thức của tình bạn và chia sẻ cuộc sống. “mang đi với mình”, “mang lấy vào mình” có nghĩa là tiếp thu lịch sử của người khác, dành thời gian để tìm hiểu họ mà không dán nhãn hiệu cho họ - tội dán nhãn hiệu cho người ta! - mang họ trên vai khi họ mệt mỏi hoặc bị thương, như người Samaritanô nhân hậu đã làm (x. Lc 10,25-37). Đó là tình huynh đệ, và đây là những lời tôi muốn nói với anh chị em: thứ nhất là sự kiên nhẫn, thứ hai là tình huynh đệ.

Thánh Banaba và Thánh Phaolô, với tư cách là anh em, đã cùng nhau lữ hành để loan báo Tin Mừng, ngay trong cảnh bị bách hại. Tại Antiôkia, “trong suốt một năm, họ đã gặp gỡ Giáo hội và giảng dạy rất nhiều người” (Cv 11:26). Sau đó, do thánh ý Chúa Thánh Thần, cả hai đã lên đường để thi hành một sứ mệnh lớn lao hơn, và vì vậy “họ đáp tầu đến Síp” (Cv 13: 4). Lời Chúa được gieo dọc theo và lớn mạnh, không chỉ vì phẩm chất nhân bản của họ, nhưng trên hết vì họ là anh em nhân danh Thiên Chúa, và tình huynh đệ của họ làm rạng chiếu giới răn yêu thương. Họ là những người anh em khác nhau - giống như các ngón tay trên bàn tay của chúng ta, mỗi người khác nhau - nhưng có cùng một phẩm giá. Là anh em. Sau đó, như đã xảy ra trong cuộc sống, một biến cố bất ngờ đã xảy ra: Tông đồ Công vụ cho chúng ta biết hai vị đã có sự bất đồng gay gắt và họ đi theo con đường riêng (xem Cv 15:39). Anh chị em có thể tranh cãi và có lúc đánh nhau. Tuy nhiên, Thánh Phaolô và Thánh Banaba không đi theo con đường riêng vì lý do bản thân, nhưng họ bất đồng về thừa tác vụ, về cách thực hiện sứ mệnh của mình, và về mặt này, họ có những ý nghĩ khác nhau. Trong số nhiều điều khác, Thánh Banaba muốn đưa thánh Máccô đi truyền giáo, nhưng Thánh Phaolô không chịu. Họ tranh luận, nhưng từ một số bức thư sau này của Thánh Phaolô, chúng ta thấy không có sự hiềm khích nào giữa hai vị. Thánh Phaolô thậm chí còn viết thư cho Timôthê, người đã tham gia với ngài ngay sau đó: “Cố gắng hết sức để đến với tôi sớm… Hãy gọi anh Máccô [Máccô!] Và mang anh ta theo; vì anh ta rất hữu ích trong việc giúp đỡ tôi ”(2 Tm 4: 9, 11). Đó là ý nghĩa của tình huynh đệ trong Giáo hội: chúng ta có thể tranh luận về các viễn kiến, quan điểm - và rất tốt khi chúng ta làm điều đó, vì có một chút bất đồng cũng tốt cho chúng ta - nhận thức và ý tưởng khác nhau, bởi vì điều không tốt là không bao giờ tranh luận. Thiên Chúa không hiện diện trong một nền hòa bình quá khắt khe. Trong một gia đình, anh chị em tranh luận và trao đổi quan điểm. Tôi nghi ngờ những người không bao giờ tranh luận, vì họ luôn có những nghị trình dấu diếm. Tình huynh đệ trong Giáo hội có nghĩa là chúng ta có thể tranh luận về các viễn kiến, nhận thức, ý tưởng khác nhau và trong một số trường hợp, nói những điều thẳng thắn với nhau có thể giúp ích, chứ không nói sau lưng ai đó, với những câu chuyện phiếm không có lợi cho ai. Tranh luận có thể là cơ hội để lớn mạnh và thay đổi. Tuy nhiên, chúng ta nên luôn nhớ rằng: chúng ta tranh luận không phải vì mục đích đánh nhau hay áp đặt ý kiến riêng của mình, nhưng để bày tỏ và sống sức sống của Thần Khí, Đấng vốn là tình yêu và hiệp thông. Chúng ta có thể tranh cãi, nhưng chúng ta vẫn là anh chị em. Tôi nhớ, lúc lớn lên, có năm người chúng tôi. Chúng tôi đã tranh cãi với nhau, đôi khi gay gắt, nhưng không phải mọi ngày. Sau đó vào bàn ăn, tất cả chúng tôi đều hiện diện với nhau. Trong gia đình có người mẹ là Giáo Hội, có những cuộc tranh luận: con cái Giáo Hội tranh luận.

Anh chị em thân mến, chúng ta cần một Giáo hội huynh đệ, một Giáo hội tác nhân của tình huynh đệ trong thế giới của chúng ta. Ở đây ở Síp có nhiều sự nhạy cảm về tâm linh và giáo hội, bối cảnh và lịch sử khác nhau, các nghi lễ và truyền thống khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta không nên coi tính đa dạng này như một mối đe dọa đối với bản sắc; chúng ta không nên ghen tị hoặc phòng thủ. Nếu chúng ta sa vào cơn cám dỗ này, thì nỗi sợ hãi sẽ tăng lên, và nỗi sợ hãi sẽ làm nảy sinh sự bất tín, bất tín dẫn đến nghi ngờ và rồi, chẳng sớm thì muộn, sẽ dẫn đến xung đột. Chúng ta là anh chị em, được yêu thương bởi một người Cha duy nhất. Anh chị em đang đắm mình ở Địa Trung Hải, một vùng biển giàu lịch sử, một vùng biển vốn là cái nôi của nhiều nền văn minh, một vùng biển mà ngày nay nhiều cá nhân, dân tộc và nền văn hóa từ mọi nơi trên thế giới vẫn đến. Bằng tinh thần huynh đệ của mình, anh chị em có thể nhắc nhở mọi người, và toàn thể châu Âu, rằng chúng ta cần cùng nhau làm việc để xây dựng một tương lai xứng đáng với nhân tính, vượt qua chia rẽ, phá bỏ các bức tường, ước mơ và làm việc cho sự hợp nhất. Chúng ta cần phải chào đón và hòa nhập lẫn nhau, và cùng nhau bước đi như anh chị em, tất cả chúng ta!

Tôi cảm ơn anh chị em về những gì anh chị em đang là và những gì anh chị em đang làm cho niềm vui mà với nó anh chị em loan báo Tin Mừng và cho các nỗ lực và hy sinh mà với nó anh chị em đang cố gắng một cách kiên nhẫn nhằm hiện thân và truyền bá sứ điệp của nó. Đây là con đường được các Thánh Tông đồ Phaolô và Banaba vạch ra cho anh chị em. Tôi hy vọng rằng anh chị em sẽ luôn là một Giáo hội kiên nhẫn biết biện phân, không bao giờ sợ hãi, nhưng biết biện phân, đồng hành và hội nhập, một Giáo hội huynh đệ dành chỗ cho những người khác, và có thể bất đồng trong khi luôn giữ tình hợp nhất và lớn mạnh qua những bất đồng như vậy. Tôi chúc lành cho mỗi người trong anh chị em và tôi xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi, vì tôi đang rất cần! Efcharistó! [Cảm ơn anh chị em!]