“It’s not Happy Holidays, it’s Merry Christmas.”

Lời khẳng định này đang được truyền bá rộng rãi trên mạng để phi bác cái trào lưu tục hóa ngày Lễ Chúa Giáng Sinh. Thực ra cái thói này đã có từ lâu lắm rồi, chẳng mới mẻ gì. Tuy nhiên giữa cơn sóng cuồng của cái gọi là “nền văn hóa trừ khử” (tạm dịch từ “the cancel culture”) đang rầm rộ xô dạt khắp nơi, thì cái thói tục hóa lại được dịp thổi phồng lên, khua chiêng gõ trống cho đinh tai nhức óc hơn, giống như anh chàng nào đó, vì tai có vấn đề, nên mở hết công suất âm lượng phát ra một bài nhạc “rap” từ loa xe khi chàng vòng qua mấy khu phố dưới downtown. Thiên hạ chỉ cười khẩy lắc đầu, bởi cái trò nổ sảng này xưa quá rồi, chẳng gây thêm chú ý nào nữa. Thói tục hóa thực ra chỉ là hậu quả tất nhiên của xu hướng loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi thế giới này. Xưa thì người ta hô hào phải tiêu diệt, giết chết Thiên Chúa, vì có Ngài thì con người không còn tự do nữa. Bây giờ thì người ta gạt bỏ, xua đuổi Ngài “đi chỗ khác chơi,” hoặc nói theo kiểu con nít thì “o xịt” hay “nghỉ chơi” với Ngài. Thế là “Merry Christmas” phải được thay thế bằng “Happy Holidays.”

Mả Holidays để làm gì chứ? Nếu ở nhà thì mở party nhậu nhẹt đàn đúm, ăn uống no say rồi quậy phá, khiến cho láng giềng phải gọi cảnh sát đến can thiệp. Ra ngoài đường thì lễ lậy là phải mua sắm, bởi vì hàng hóa thì on sale đủ kiểu, từ quà cáp, quần áo, kẹo bánh, cho đến đồ chơi, đồ gia dụng, cái gì cũng đại hạ giá, quảng cáo đã được gửi ra cả tháng nay rồi. Mà lễ Giáng Sinh thì phải tràn ngập ánh sáng, thế nên khắp nơi đèn điện sáng chưng, nhà cửa trang hoàng lộng lẫy, ngoài việc biểu tỏ niềm vui của ngày lễ, còn có tác dụng xua đi cái bóng tối đặc quánh đang mau chóng chụp xuống vào những ngày đông giá ảm đạm. Ai thích du lịch thì lợi dụng cơ hội này lên đường nhắm thẳng đến những vùng trời mơ ước.

Còn Chúa giáng sinh thì sao? Ngài bị bỏ quên tuốt luốt, nếu không thì cũng bị nhốt vào nhà thờ, cấm cung trong khuôn viên giáo đường, hay trong hang đá Bê Lem. Cứ thế, người ta cố tình tránh nói đến Ngài, đến cái gì siêu linh, vô hình, cho đó chỉ là những sản phẩm của trí tưởng tượng quái gở và nhảm nhí. Ngưởi ta đã tìm ra một trò chơi mới: không mang Chúa ra chửi rủa, bêu riếu hay lăng mạ nữa. Có thể người ta vẫn đặt Ngài trên bàn thờ, nhưng chêm vào câu này: “Thôi xin Ngài cứ ngự trị trên cao ấy, đừng bao giờ bước xuống dưới đây nữa, nhất là đửng có cố gắng can thiệp vào cõi dương trần này, cứ để chúng tôi tự do làm gì tùy ý. Thế là có Chúa cũng như không, bởi lẽ người ta không hề muốn đề cập đến Ngài, nói gì đến gặp gỡ Ngài, nghĩa là hoàn toàn dửng dưng với Ngài. Chúa có thì cũng tốt thôi, nhưng Ngài đừng làm gì hết, cứ ngồi chơi xơi nước là được rồi.

Tuy nhiên, vì cái nạn ôn dịch, hết biến chủng này sang biến chủng khác, hiện tại đang là thời cực thịnh của con Omicron, làm thất điên bát đảo cả Âu Châu lẫn Mỹ Châu, ngay trong mùa lễ cao điểm này, người ta đâm ra chán chường đến buông xuôi, chỉ mong sống lại những ngày chưa bị mắc dịch, cho dù thời đó cũng chưa chắc đã là lý tưởng gì. Thế là có câu: “I don’t want much for Christmas, I just want the whole world back to normal, to be healthy, happy and loved.” Phải, người ta chỉ mong sống bình thường thôi, không phải bận tâm đến giãn cách, sát trùng, đeo khẩu trang, chích ngừa. Các thủ tục lỉnh kỉnh và phiền phức này, dù đã hai năm trời nay rồi mà vẫn chưa quen được. Chỉ xin hai chữ bình an! Nhưng ai có thể giúp con người có được lại niềm bình an đó? Chúa Giáng Sinh có phải là câu trả lời xác đáng chăng?

Giáng Sinh về, muôn ca khúc hân hoan vang lên rộn ràng, nương theo tiếng hát của các thiên thần trong đêm Chúa giáng trần. Trong rừng ca khúc ấy, xin đan cử hai bài điển hình:

“Chuyện Tình Emmanuel” có đoạn điệp khúc này:

“Emmanuel, một chuyện tình kỳ lạ nhất trần thế,

một chuyện tình say đắm muôn thế hệ,

làm nhỏ bao châu lệ, làm đui muôn lý trí…

Emmanuel, một cuộc tình chẳng môn đăng hộ đối,

một cuộc tình gây chấn động đất trời:

Thiên Chúa yêu con người, hạ sinh xuống cõi đời.”'


Ca khúc này do Mai Nguyên Vũ sáng tác vào năm 2014 và youtube trên VietCatholic qua giọng ca của Như Ý, câu được khoảng 200 ngàn người xem, nhưng mang một ý nghĩa hết sức sâu sắc, lại có thêm phần diễn giải của Linh Mục Giuse Nguyễn Hữu An nữa.

(xem http://www.vietcatholic.net/News/Home/Article/273061).

Chuyện tình “kỳ cục” giữa Thiên Chúa và con người đưa đến cuộc giáng thế làm người của Ngôi Hai Thiên Chúa, một biến cố, sau khi đã “gây chấn động đất trời” đã thật sự trở thành vô tiền khoáng hậu, bởi nó đã làm thay đổi cục diện toàn thế giới: Thiên Chúa xuống thế làm người để loài người được ơn cứu độ.

Trong khi đó, bài “All I want for Christmas is you, You baby” lại có đoạn tự sự:

“I don't want a lot for Christmas

There is just one thing I need

I don't care about the presents underneath the Christmas tree

I just want you for my own

More than you could ever know

Make my wish come true

All I want for Christmas is you, You baby!


Youtube bài ca này được Mariah Carey cất lên vào mùa Giáng Sinh năm 2019 đến nay đã câu được hơn 250 triệu lượt người xem. Đúng là kỷ lục, bởi vì lời bài ca quá dễ thương và gần gũi: “All I want for Christmas is you, You baby.” Nói thiệt nhé: giá mà thêm vào cuối bài một từ nữa thì không thể nào hay hơn, có khi “trên cả tuyệt vời” là khác. Phải, nếu thêm từ “Jesus” như thế này “All I want for Christmas is you, You Baby Jesus,” thì việc “rửa tội” (nói theo kiểu nhà đạo là “imprimatur”) cho ca khúc này, để được sử dụng trong thánh đường, chắc sẽ không có gì khó khăn cả. Và kho tàng nhạc Giáng Sinh sẽ có thêm một bài thánh ca mới thật là ý nghĩa.

Thay “Merry Christmas” bằng “Happy Holidays” chỉ cho thấy cái hẹp hòi, nông cạn, thiếu hiểu biết đến độ ngu xuẩn của cái trào lưu “văn hóa trừ khử” cũng điên loạn không kém.

“Chúa ơi, Người hãy đến, đến cứu độ chúng con” (Hoàng Kim: Trời Gieo Sương Xuống.”

Giáng Sinh 2021

Nguyễn Kim Ngân