1. Tu sĩ không có chức linh mục có thể làm Bề trên trong dòng giáo sĩ

Theo quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô, kể từ ngày 18 tháng Năm năm 2022 tu sĩ không phải là linh mục có thể làm bề trên trong dòng giáo sĩ và tu đoàn tông đồ giáo sĩ thuộc quyền Tòa Thánh.

Trên đây là nội dung phúc chiếu của Đức Thánh Cha, trong buổi tiếp kiến ngày 11 tháng Hai năm nay dành cho Đức Hồng Y Tổng trưởng và Đức Tổng Giám Mục Tổng thư ký Bộ các Dòng tu và ban cho Bộ này năng quyền cho phép, theo sự phân định và từng trường hợp, cho các thành viên không phải là giáo sĩ được làm Bề trên cấp cao của một dòng giáo sĩ và tu đoàn tông đồ giáo sĩ thuộc quyền Tòa Thánh, và chuẩn chước khoản số 588 triệt 2 của Bộ giáo luật và luật riêng của mỗi dòng hoặc tu đoàn tông đồ, giữ nguyên khoản luật số 134, triệt 1, theo đó các Bề trên không phải là giáo sĩ như thế không phải là “Vị Bản Quyền”.

Khoản luật số 588 triệt 2 được Đức Thánh Cha chuẩn chước nói rằng: “Tu hội giáo sĩ là tu hội được các giáo sĩ lãnh đạo, do mục đích hoặc do ý định của vị sáng lập hoặc do một truyền thống chính đáng, đảm nhận việc thi hành chức thánh và được quyền bính Giáo Hội công nhận như vậy.”

Đi vào cụ thể hơn, thành viên không phải là giáo sĩ của một dòng giáo sĩ thuộc quyền Tòa Thánh, có thể được Bề trên Tổng quyền, với sự đồng ý của Hội đồng Tổng cố vấn, bổ nhiệm làm Bề trên cộng đoàn địa phương.

Thành viên không phải là giáo sĩ có thể được bổ nhiệm làm Bề trên cấp cao, sau khi được phép trên giấy tờ của Bộ các Dòng tu, theo lời thỉnh cầu của Bề trên Tổng quyền với sự đồng ý của Hội đồng Tổng cố vấn.

Cũng vậy, thành viên như thế có thể được bầu làm Bề trên Tổng quyền hoặc Bề trên cấp cao theo thể thức được luật riêng của mỗi dòng, sau khi được phép trên giấy tờ của Bộ các Dòng tu. Đối với hai trường hợp vừa nói liền trên đây, Bộ các Dòng tu dành quyền thẩm định từng trường hợp và những lý do mà Bề trên Tổng quyền hoặc Tổng tu nghị của dòng nêu lên.

Đức Thánh Cha truyền công bố Phúc chiếu này trên báo Quan sát viên Roma và sau đó, đăng trên công báo của Tòa Thánh, và có giá trị từ ngày 18 tháng Năm năm 2022.

2. Tòa Thánh sẽ cứu xét vấn đề Đức Thánh Cha có thể thăm Ukraine hay không

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết sau cuộc viếng thăm làm việc của Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, tại Ukraine trong những ngày này, Tòa Thánh sẽ cứu xét vấn đề Đức Thánh Cha Phanxicô có thể viếng thăm Ukraine được không.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh tuyên bố như trên, bên lề cuộc gặp gỡ tại Đại học Công Giáo ở Roma, hôm 18 tháng Năm vừa qua. Trả lời câu hỏi của ký giả xem Đức Giáo Hoàng có chương trình thăm Ukraine hay không, Đức Hồng Y nói:

“Bây giờ có Đức Tổng Giám Mục Gallagher đang ở Ukraine. Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ xem điều gì nên làm. Từ phía Đức Thánh Cha, ngài không có ý định đến Ukraine, nhưng vấn đề sẽ được cứu xét dưới ánh sáng sứ vụ của Đức Tổng Giám Mục Gallagher. Điểm chính yếu là phải có sự sẵn sàng của hai phía, nước Nga và Ukraine, chấp nhận sự trung gian của Tòa Thánh. Vatican không thể áp đặt nhưng chỉ có thể tình nguyện, như vẫn thường được lập lại, Tòa Thánh luôn sẵn sàng. Chỉ khi có sự sẵn sàng của hai bên thì mới có thể khởi sự một sáng kiến cụ thể”.

3. Giám mục Nicaragua tuyệt thực để phản đối sự quấy rối của cảnh sát

Sau khi tuyên bố rằng ngài đã bị cảnh sát “bắt bớ” và “quấy rối” vào thứ Năm, một giám mục ở Nicaragua đang tuyệt thực “vô thời hạn” cho đến khi chính quyền bảo đảm với ngài, thông qua hội đồng giám mục, rằng cả ngài và gia đình ngài đều được an toàn.

“Hôm nay tôi đã bị cảnh sát Sandinista bắt bớ suốt cả ngày, từ sáng cho đến tận đêm khuya và mọi lúc, trong mọi hoạt động của tôi trong ngày,” Đức Cha Rolando Álvarez của giáo phận Matagalpa và là giám quản tông tòa của giáo phận Estelí cho biết như trên.

Vị Giám Quản Tông Tòa nói rằng khi ngài cố gắng tìm ra từ các đặc vụ lý do tại sao họ theo dõi ngài và yêu cầu họ liên lạc với Cảnh sát trưởng Francisco Díaz, các cảnh sát đã bước vào ngôi nhà nơi ngài đang ở cùng gia đình.

“Họ xâm nhập vào vòng riêng tư của gia đình tôi, họ đến nhà riêng của tôi, của bố mẹ tôi, gây nguy hiểm cho sự an toàn của gia đình tôi,” Đức Cha nói. Để đối phó, ngài đã đến Managua xin tá túc, nơi ngài được chào đón tại giáo xứ Santo Cristo de Esquipulas ở Las Colinas.

Đức Cha Álvarez là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất chế độ của Tổng thống Daniel Ortega và vợ của ông ta, là bà Phó Tổng thống Rosario Murillo, là người năm ngoái đã bỏ tù hàng chục nhà lãnh đạo chính trị và xã hội sau khi họ lên tiếng phản đối chính phủ hoặc tuyên bố ý định tranh cử tổng thống. Họ bị bắt cùng với hàng trăm nhà bất đồng chính kiến đã bị bỏ tù vào năm 2018, sau một loạt các cuộc biểu tình trong nước.

“Tôi bắt đầu tuyệt thực vô thời hạn cho đến khi Cảnh sát Quốc gia, thông qua chủ tịch hoặc phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua, cho tôi biết rằng họ sẽ tôn trọng gia đình và sự riêng tư của tôi,” Đức Cha nói.

Đức Cha Álvarez mời các tín hữu của cả hai giáo phận ăn chay và cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa cho sự an toàn của ngài và gia đình. Cảnh sát nói với ngài rằng họ đang theo dõi ngài “vì sự an toàn của chính ngài”, mà ngài nói, trên video phát trực tiếp, rằng “mọi người đều biết rằng, ở Nicaragua, những người khiến chúng tôi cảm thấy không an toàn với cuộc đàn áp này chính là cảnh sát.”

Đức Giám Mục đã khuyến cáo các tín hữu “hãy chầu Thánh Thể, cầu nguyện, ca hát, ngợi khen Chúa và chay tịnh khi nào anh chị em thấy thuận tiện. Ngoài ra, tôi sẽ cầu nguyện và tôi sẽ làm lễ trừ tà từ đây”.

Thứ Tư tuần trước, Cha Uriel Vallejos, linh mục quản xứ của nhà thờ Divina Misericordia ở Matagalpa, nói rằng các nhân viên cảnh sát đã bao vây ngài khi ngài vừa bước ra khỏi Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Managua.

Tương tự, Cha Harving Padilla, của Nhà thờ San Juan Bautista ở khu Masaya, đã bị quấy rối bởi cảnh sát và dân quân, những người đã đe dọa bắt giữ ngài và buộc ngài phải chịu trách nhiệm về cái chết của cảnh sát Gabriel Vado Ruíz, là người đã bị giết tại một cuộc biểu tình vào năm 2018.

Đầu tháng này, đại biểu của hai ủy ban của Quốc hội đã thảo luận về “các tôn giáo và các tổ chức nhân quyền có liên quan đến cuộc phiêu lưu đảo chính”.

Sau “các cuộc thảo luận” này, chính phủ Ortega bày tỏ ý định bỏ tù các linh mục vì cáo buộc các ngài là “phản quốc”. Các nhà lãnh đạo chế độ trong quá khứ đã gọi hàng giáo phẩm Công Giáo là những kẻ khủng bố, những kẻ tổ chức đảo chính và những kẻ đẻ ra ma quỷ.
Source:Crux