Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada, vừa có bài nhận định về thái độ im lặng của Tòa Thánh trước sự bách hại công khai của chế độ Daniel Ortega. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Ortega’s Intense Persecution of the Church Calls Into Question the Vatican’s ‘Gallagher Protocol’

Fr. Raymond J. de Souza

Cuộc đàn áp dữ dội của Ortega đối với Giáo Hội đã đặt vấn đề đối với 'Giao thức Gallagher' của Vatican


Để đối phó với cuộc đàn áp Giáo Hội ở Nicaragua, Tòa Thánh đang tuân thủ nghiêm ngặt Giao thức Gallagher.

Nhưng Giao thức Gallagher không được tuân theo ở những nơi khác, thậm chí ngay cả ở Ý. Khi các Hồng Y từ khắp nơi trên thế giới đến Rôma trong tuần này, liệu chính Đức Tổng Giám Mục Gallagher có thể thuyết phục họ kiềm chế các cuộc phản đối liên quan đến một giám mục anh em bị chế độ của Daniel Ortega bắt đi không?

Vào tháng 6 năm 2021, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh đã giải thích lý do tại sao Tòa Thánh im lặng trước cuộc đàn áp khốc liệt đối với Giáo Hội ở Hương Cảng.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói: “Ta có thể nói rất nhiều, có thể nói được là, những từ thích hợp để được báo chí quốc tế và nhiều nơi trên thế giới đánh giá cao, nhưng tôi - và nhiều đồng nghiệp của tôi – thấy vẫn chưa thuyết phục rằng lên tiếng như thế sẽ tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào”.

Hãy gọi đó là Giao thức Gallagher. Giao thức ấy có nghĩa là những người Công Giáo dưới sự đàn áp của các chế độ không bị lay chuyển bởi các phản đối ngoại giao đừng nên mong đợi sự ủng hộ hùng hồn từ Vatican. Cuộc đàn áp càng khốc liệt, Vatican càng im lặng.

Giao thức Gallagher giải thích tại sao Tòa Thánh lại mở rộng, nếu không muốn nói là cuồng nhiệt, trong các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, nhập cư, vũ khí thông thường và hạt nhân, đầu cơ tài chính, giảm nợ, sử dụng nhựa và thất nghiệp. Nó cũng có thể giải thích tại sao một số cuộc xung đột trên thế giới - ví dụ như trường hợp người Rohingya ở Miến Điện - được Đức Giáo Hoàng lên án, nhưng sự đàn áp ở Trung Quốc, Venezuela và Nicaragua thì không. Các nhà ngoại giao của Tòa Thánh, dẫn đầu bởi Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Tổng giám mục Gallagher, không tin rằng điều đó sẽ tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào.

Đó là một tuyên bố khó thuyết phục đối với lời khai của những người bất đồng chính kiến, những người báo cáo đã được nâng đỡ tinh thần bởi sự minh bạch của các nhà lãnh đạo ở nước ngoài. Ví dụ, hãy xem xét trường hợp Natan Sharansky giải thích cách anh ta nghe thấy trong một nhà tù của Liên Xô rằng Tổng thống Ronald Reagan đã gọi Liên Xô là một “đế chế xấu xa”. Khi đó anh biết rằng chủ nghĩa cộng sản đã đến hồi kết thúc.

Tuy nhiên, Giao thức Gallagher ngự trị ở Rôma, như đã thấy rõ khi Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân bị bắt vào tháng Năm. Các quan chức cấp cao của Vatican đã im lặng, và văn phòng báo chí của Tòa Thánh chỉ lưu ý rằng họ “quan tâm đến vụ bắt giữ” và đang “theo dõi diễn biến của tình hình với sự chú ý cao độ”.

Chế độ của Daniel Ortega ở Nicaragua đã gia tăng các cuộc tấn công vào Giáo Hội trong nhiều năm, với việc chính Ortega tố cáo các giám mục của đất nước là “những kẻ khủng bố”. Các ngài đã phản đối những nỗ lực của ông nhằm nâng cao quyền lực hơn bao giờ hết cho bản thân bằng cách thay thế một cách hiệu quả nền dân chủ của Nicaragua bằng một nhà nước độc đảng.

Đức Cha Rolando Álvarez của Matagalpa là giám mục nổi bật nhất phản đối sự đàn áp của Ortega ở một quốc gia mà theo báo The New York Times, “Giáo Hội Công Giáo Rôma là thể chế duy nhất đã thoát khỏi sự kiểm soát của Ortega sau 15 năm cai trị không ngừng nghỉ”.

Ortega đang cố gắng thay đổi điều đó. Ông ta đã đóng cửa các đài phát thanh Công Giáo, bắt giữ các giáo sĩ và thậm chí còn đuổi đoàn Thừa sai Bác ái của Mẹ Teresa ra khỏi đất nước. Tòa Thánh đã chọn một thái độ im lặng, điều đó cũng đã được báo trước khi Ortega trục xuất sứ thần Tòa Thánh, là Tổng giám mục Waldemar Sommertag, vào tháng 3 năm 2022.

Đức Cha Álvarez đã bị giam lỏng hai tuần trong Tòa Giám Mục của mình, không được phép vào nhà thờ chính tòa của ngài. Vào thứ Sáu, ngày 19 tháng 8, cảnh sát đột kích vào nhà của Đức Cha, bắt ngài và tám người bạn đồng hành, bao gồm cả các chủng sinh, và quản thúc họ tại Managua.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã từ chối không đề cập đến tên vị giám mục hoặc việc bắt giữ ngài, mà chỉ giới hạn trong việc kêu gọi “đối thoại cởi mở và chân thành”. Giao thức Gallagher đã có hiệu lực đầy đủ.

Tuy nhiên, ở những nơi khác, Giao thức Gallagher không được tuân thủ.

Rõ ràng là từ chối thẳng những lời kêu gọi “đối thoại” của Đức Giáo Hoàng, Giám mục Nicaragua Silvio Báez nói, “Cần phải đòi hỏi tự do. Chúng ta không được thương lượng với Ortega. Chúng ta phải đòi tự do, vì họ vô tội “.

Giám mục Báez là Giám Mục Phụ Tá của Managua. Vào năm 2019, sự phản đối thẳng thắn của ngài đối với sự đàn áp của Ortega khiến ngài liên tục bị đe dọa tử vong. Đáp lại, và trái với ý muốn của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra lệnh lưu đày Đức Cha Báez vì sự an toàn của bản thân. Ngài hiện sống ở Miami.

Với việc Đức Cha Báez bị lưu đày và Đức Cha Álvarez bị quản thúc tại gia, Ortega đã đối phó với hai nhà phê bình thẳng thắn nhất của ông ta trong số các giám mục. Các giám mục anh em của họ sẽ tiếp nhận sự nghiệp của họ - và không chỉ ở Nicaragua mà thôi.

Thật vậy, trong một tuyên bố đáng chú ý, Đức Hồng Y Matteo Zuppi - một cộng sự viên thân cận của Đức Thánh Cha Phanxicô, vừa được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý - đã xé toạc Giao thức Gallagher trong một bản tố cáo chi tiết về cuộc đàn áp tôn giáo của Ortega.

“Với sự thất vọng và hoài nghi, chúng tôi nhận được tin tức về những cuộc đàn áp khắc nghiệt mà dân Chúa và các mục tử của họ đang phải trải qua vì lòng trung thành với Phúc âm của công lý và hòa bình,” Đức Hồng Y Zuppi viết trong một bức thư công khai gửi các giám mục Nicaragua. “Trong những tuần gần đây, chúng tôi lo ngại về các quyết định của chính phủ đối với cộng đồng Kitô giáo, cũng được thực hiện thông qua việc sử dụng vũ lực của quân đội và lực lượng cảnh sát. Gần đây, chúng tôi đã biết về việc bắt giữ Đức Cha Rolando José Álvarez Lagos, Giám mục của Matagalpa, cùng với những người khác, bao gồm các linh mục, chủng sinh và giáo dân.”

Gọi đó là “hành động hết sức nghiêm trọng”, các giám mục Ý kêu gọi khôi phục quyền tự do tôn giáo hoàn toàn ở Nicaragua.

Các giám mục Tây Ban Nha cũng đã đưa ra một tuyên bố tương tự.

Đức Hồng Y Leopoldo Brenes của Managua sẽ ở Rome khi Hồng Y Đoàn nhóm họp. Các Hồng Y anh em của ngài sẽ muốn nghe về chuyến thăm của ngài đến gặp Đức Cha Álvarez đang bị quản thúc tại gia. Và họ sẽ muốn nghe về việc liệu Giao thức Gallagher là một niềm an ủi hay một gánh nặng cho người Công Giáo Nicaragua.
Source:National Catholic Register