1. Giáo dân làm Lê Lai cứu chúa cho một linh mục ở Ikulu-Pari

Các tay súng hôm thứ Năm đã bắt cóc ông Kefas Ishaya, Giáo lý viên của Nhà thờ Công Giáo Thánh Monica, Ikulu-Pari, tại Chawai Chiefdom thuộc bang Kaduna.

Thông tấn xã Nigeria, gọi tắt là NAN, báo cáo rằng các tay súng đã chọn vị Giáo lý viên này khi họ không thể bắt được Cha Joseph Shekari, người không có mặt trong nhà thờ khi đó.

Cha Shekari, người đã bị bắt cóc trong hoàn cảnh tương tự vào tháng 2 năm 2022, đã đi ra khỏi làng và không có mặt trong cuộc tấn công lần thứ hai.

Giáo xứ đã tổ chức Lễ tạ ơn hàng năm vào hôm Chúa Nhật và các thành viên của giáo xứ nghi ngờ những kẻ bắt cóc đang nhắm vào số tiền thu được trong buổi lễ sau khi đã thành công hồi tháng 2 năm 2022.

Ông Sunday Bage, Chủ tịch Khu vực Ikulu của Giáo xứ, nói với NAN rằng những kẻ bắt cóc đã đến “khoảng 9 giờ 30 tối”

“Cảm ơn Chúa, Cha đã đi xức dầu bệnh nhân. Họ đã không bắt được ngài, nên họ đã chọn Giáo lý viên của chúng tôi”.

“Họ lôi vị Giáo lý viên vào bụi rậm. Họ lấy điện thoại của anh ta. Chúng tôi đã gọi đến đường dây nhưng nó cứ đổ chuông,” anh ấy nói với NAN.

Ông nói rằng có rất nhiều tay súng và cứ nổ súng lẻ tẻ, khi di chuyển qua Nhà thờ, trường học và nhà xứ để tìm Cha Shekari.

Những người hàng xóm nói với NAN rằng các tay súng đã đột nhập vào nhà Cha Shekari sau khi nhảy qua hàng rào.

Họ được cho là đã dùng đá và đạn để phá cửa chính của ngôi nhà.

“Ngay lập tức chúng xông vào nhà, lục soát khắp nơi.

“Họ kiểm tra gầm giường, tủ quần áo, phòng tắm và nhà bếp.

“Họ thậm chí còn kiểm tra trần nhà, nhưng Cha đã đi khỏi. Thành ra, họ đã không bắt được ngài.

“Trong cơn tức giận, họ đã bắt Giáo lý viên của chúng tôi. Khi chúng tôi bắt liên lạc được, anh ấy nói đang ở với họ trong rừng.

“Đó là một tình huống rất đáng buồn. Điều này thật tàn khốc. Họ kéo Giáo lý viên trên mặt đất như một con chó,” một phụ nữ có vẻ sợ hãi nói với NAN.

Cô nhớ lại rằng cách đây không lâu, Cha Shekari đã bị bắt cóc và được giải cứu sau khi trả “một khoản tiền chuộc khổng lồ”.

“Họ lại đến bắt ngài. May mắn thay, ngài đã không ở đó. Đây thực sự là một khoảng thời gian đen tối đối với chúng tôi”

Thông tấn xã Nigeria nhắc nhớ rằng Cha Shekari bị các tay súng bắt cóc vào tháng 2 năm 2022.

Trong cuộc tấn công vào tháng Hai năm ngoái, đầu bếp của Cha Shekari, là anh Sati Musa, đã bị các tay súng bắn chết khi cố gắng bảo vệ vị linh mục.

Một trưởng lão của cộng đoàn, ông Yohanna Madaki, đã lưu ý rằng những kẻ bắt cóc rõ ràng đã nhắm vào con số 2 triệu thu được từ buổi lễ tạ ơn hàng năm.

Năm nay, Giáo xứ tổ chức Lễ tạ ơn hàng năm vào Chúa Nhật, 15 tháng Giêng, và những kẻ bắt cóc đã tấn công vào ngày Thứ Năm, 19 tháng Giêng.
Source:/sundiatapost.com

2. Đức Tổng Giám Mục cho rằng Cấm Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa hoạt động tại Ukraine là điều không nên làm

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã phản đối dự thảo luật cấm các hoạt động của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa ở Ukraine, nói rằng biện pháp này không chỉ có vấn đề về tự do tôn giáo mà còn biến những người ủng hộ Nga thành những người tử vì đạo.

Phát biểu với hãng thông tấn Ukraine Pravda, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk khi được hỏi về dự thảo luật đệ trình lên quốc hội Ukraine cấm Giáo Hội Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, cho biết: “Tôi không muốn đưa ra các quy định cho các nhà lập pháp của chúng ta nhưng tôi nghi ngờ về tác dụng của điều đó.”

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói, điều này là do Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã từng chính thức bị cấm hoạt động dưới chế độ cộng sản của Liên Xô.

“Chúng tôi sống sót trong thầm lặng. Hơn nữa, chính việc chúng tôi là một giáo hội tử đạo không trở thành một giáo hội hợp tác với chính quyền Xô Viết đã cứu vãn thẩm quyền đạo đức của chúng tôi,” ngài cho biết như trên, và nhấn mạnh rằng một giáo hội bị cấm “không có nghĩa là sự tồn tại của nó chấm dứt”.

Ngài nói, một Giáo Hội “không chỉ là một cấu trúc tôn giáo, không phải là một tổ chức nào đó có hiến chương, một nhà lãnh đạo, một trung tâm tôn giáo. Giáo hội là tập hợp những người dân cũng có những quyền được hiến pháp quy định. Chừng nào còn có những người hướng về Chính thống giáo Mạc Tư Khoa ở Ukraine, thì Giáo Hội đó vẫn sẽ tồn tại – ngay cả khi, theo luật của nhà nước, nó bị coi là bất hợp pháp.”

Ngài lập luận rằng việc cấm Giáo Hội ở cấp chính thức sẽ “mang lại cho Giáo Hội này cơ hội tử vì đạo” và sẽ cho phép những người trung thành với Mạc Tư Khoa “thực sự đi vào sự phản đối thầm lặng”.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk cho biết gần đây ngài đã nói với một nhà lập pháp Ukraine rằng, “Nếu bạn muốn duy trì vĩnh viễn Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa ở Ukraine, hãy cấm nó.”

Mặt khác, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk cũng cho biết mỗi quốc gia có quyền và trách nhiệm bảo đảm an ninh quốc gia của mình và nếu có “những kẻ phản bội”, bất kể tôn giáo của họ, là mối đe dọa thực sự trong thời kỳ thiết quân luật, “họ phải được xác định và, tuân thủ tất cả các luật, thực hiện các bước tiếp theo.”

“Bạn không nên bị bách hại vì thuộc về một cấu trúc Giáo Hội nào đó, không. Nhưng đối với những tội ác chống lại đất nước chúng ta, ở đây tất cả chúng ta đều bình đẳng”.

Ngài đề nghị đặt vấn đề về việc cấm Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa “theo một cách khác” để làm rõ rằng biện pháp này “không thực sự nhằm hạn chế quyền tự do tôn giáo của ai đó.”

Ngài nói, vấn đề là “người hàng xóm phía bắc của chúng ta, kẻ đang giết chúng ta ngày hôm nay, không thể sử dụng bất kỳ nhà thờ nào cho mục đích địa chính trị của mình.”

Vào tháng 3 năm ngoái, một dự thảo luật đã được đệ trình lên các đại biểu của Verkhovna Rada, là quốc hội đơn viện của Ukraine, cấm Tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa, bao gồm cả Nhà thờ Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC-MP – một nhánh của Chính thống giáo Nga ở Ukraine – không được hoạt động trên lãnh thổ Ukraine.

Dự thảo luật quy định rằng tất cả tài sản thuộc về Nhà thờ Chính thống Nga và các cơ quan chức năng của nó, bao gồm các tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức hội đồng và chính quyền giáo phận, sẽ được kiểm kê và quốc hữu hóa trong vòng 48 giờ sau khi dự luật được phê chuẩn.

Tất cả các cộng đồng tôn giáo, tu viện và trường thần học thuộc Tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa được phép thay đổi sự phụ thuộc của họ trong 14 ngày kể từ khi luật có hiệu lực.

Ngay cả khi không có dự luật của quốc hội, một số thành phố của Ukraine đã thực hiện các bước để cấm Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa trong các lãnh thổ địa phương của họ, bao gồm cả thành phố phía tây Uzhhorod.

Hôm thứ Năm, dự luật đã được đệ trình lên quốc hội, cấm Giáo hội Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa trong trường hợp nhà chức trách phát hiện giáo hội này thông đồng với Nga.

Cụ thể, dự luật bao gồm các sửa đổi đối với luật hiện hành khiến bất kỳ hoạt động nào của các tổ chức tôn giáo được quản lý bên ngoài Ukraine và có trụ sở chính đặt tại một quốc gia tiến hành xâm lược vũ trang chống lại Ukraine đều không thể thực hiện được.

Dự luật được chuẩn bị theo yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy, người vào ngày 11 tháng 12 đã yêu cầu quốc hội đệ trình một biện pháp cấm các tổ chức tôn giáo “có trung tâm ảnh hưởng trong liên bang Nga” và xem xét kỹ lưỡng UOC-MP về mối quan hệ với Mạc Tư Khoa.

Việc đệ trình dự luật vào ngày 19 Tháng Giêng là một trong những diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột kéo dài đang diễn ra ở Ukraine, hiện đang ở tháng thứ mười một sau cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, châm ngòi cho một cuộc chiến tổng lực khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, bị thương và hàng triệu người phải di dời.

Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill – người đã lên tiếng bảo vệ cuộc chiến trên cơ sở tôn giáo – trong một bài giảng gần đây đã cảnh báo rằng mong muốn đánh bại Nga của phương Tây đã có “những hình thức rất nguy hiểm” và cầu nguyện rằng Chúa sẽ “soi sáng những kẻ điên rồ đó và giúp họ hiểu ra rằng bất kỳ mong muốn tiêu diệt nước Nga nào cũng đồng nghĩa với ngày tận thế.”
Source:Crux

3. Đức Hồng Y ca ngợi đời sống gương mẫu của vị thẩm phán người Ý bị Mafia sát hại

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tính hợp pháp và công lý, đồng thời trích dẫn nhân chứng mẫu mực của Chân phước Rosario Livatino, một thẩm phán Ý đã bị Mafia sát hại.

Đức Hồng Y đã đưa ra nhận xét của mình tại một hội nghị được tổ chức vào ngày 18 Tháng Giêng tại Thượng viện Ý về tính liên quan liên tục của cuộc đời Chân phước Rosario Livatino.

Đức Hồng Y Parolin lưu ý rằng Chân Phước Livatino là “một nhân vật kỳ diệu” bởi vì “ngài là một Kitô hữu toàn diện, người biết cách sống trọn vẹn đức tin của mình khi thực thi một nghề nghiệp đặc biệt tế nhị như ngành tư pháp, và đã đưa ra những cách giải thích phù hợp và áp dụng công lý của mình theo các nguyên tắc Kitô giáo..”

Đề cập đến vụ ám sát Livatino ở tuổi 37, Đức Hồng Y Parolin nói rằng cuộc đời của ngài “không phải là vô ích,” bởi vì “mọi cử chỉ quảng đại, mọi hành động yêu thương, mọi hy sinh mạng sống của mình, mọi hy sinh nhân danh Chúa đều được luôn được tưởng thưởng và đơm hoa kết trái.”

Đức Hồng Y nói rằng vị chân phước người Ý này có thể là một mẫu mực cho các thẩm phán, vì ngài biết cách kết hợp công lý và bác ái bằng cách đặt “con người ở trung tâm”.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng công lý “cũng là một nỗ lực của nhà nước và cộng đồng để có thể phục hồi” tất cả những người đã gia nhập hàng ngũ “phạm pháp và phạm tội”.

Tiểu sử tóm tắt

Chân Phước Rosario Angelo Livatino sinh ngày 3 tháng 10 năm 1952 tại thị trấn Canicattì trên đảo Sicily. Anh quyết định theo nghề giống như cha mình và vào Trường Luật học ở Palermo. Livatino đã hoàn thành khóa học luật của mình với điểm số cao nhất ở tuổi 22.

Ngày 21 tháng 8 năm 1989, Livatino được bổ nhiệm làm thẩm phán phụ trách phòng ngừa của tòa án tỉnh Agrigento. Ở vị trí đó, Livatino phụ trách một số vụ tố tụng chống lại các thành viên của Mafia bị kết án tù chung thân.

Vào ngày 21 tháng 9 năm 1990, Livatino bị bốn người chặn đường khi anh đang lái xe hơi của mình. Giữa lúc nổ súng, anh ta cố gắng ra khỏi xe và cố gắng chạy. Bị thương nặng, Livatino tấp vào lề đường và một trong những tay sát thủ đã kết liễu mạng sống anh. Người đàn ông đã kết liễu cuộc đời của thẩm phán là Gaetano Puzzangaro, người đã cung cấp một trong những bằng chứng cho lý do phong chân phước cho Livatino.

Sau cái chết của Livatino, người ta tìm thấy một cuốn Kinh thánh đầy ghi chú trên bàn làm việc của anh, nơi anh luôn để một cây thánh giá.

Vào tháng 12 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận sự tử đạo của Rosario Angelo Livatino, và Livatino được phong chân phước vào ngày 9 tháng 5 năm 2021, tại thành phố Agrigento của Sicilia.
Source:Catholic News Agency