Gọi là 'Cây thòng lọng' bởi không ai muốn nhắc đến tên nó. Nó là một cây lớn, vững chắc, dẻo giai, có thể chịu đựng trọng lượng nặng vài ba trăm kílô. Bởi không biết tên thật của nó cho nên tôi tạm đặt cho nó cái tên là 'Cây Thòng Lọng'. Không mấy ai thích bàn thảo về nó. Một năm người ta chỉ nhắc đến nó có một lần rồi cho nó chìm vào quên lãng. Phải đợi đến mùa Phục Sinh năm sau, cây này lại được nhắc đến lần nữa. Rồi lại cho nó đi ngủ. Bạn đoán là cây 'Trái Cấm' trong vườn Địa Đàng chứ gì? Không phải cây đó. Hai cây có một chút liên hệ, hơi hó với nhau, bởi cả hai cây đều liên quan đến chết chóc, tang thương, đau khổ cho con người. Điểm khác biệt là cây 'Trái Cấm' giải thích tội nguyên tổ để lại cho toàn thể nhân loại. Cây Thòng Lọng chỉ về tội cá nhân. Sau này chính quyền nhiều quốc gia bắt chước, học đòi, dùng nó để trừng phạt những tội phạm mà luật pháp nước đó cho là nặng đến độ không thể tha thứ nên phải dùng đến 'Cây Thòng Lọng. Về sau 'Cây Thòng Lọng' biến thể, được giường điện thế chỗ hoặc tiêm thuốc kết liễu đời người.

Mùa Phục Sinh, chúng ta thường nghe nhắc đi nhắc lại ba cây thập tự trên đồi Calvary. Còn một cây nữa chỉ nhắc đến một lần rồi thôi. Đó là cây mà cành nó có cái giây thòng lọng Giuđa dùng. Như thế bốn cây được nhắc đến trong Mùa Phục Sinh. 'Cây Thòng Lọng' hay là 'Cây Hối Hận'; không phải cây thống hối. Ai cũng có lúc hối hận, nuối tiếc việc đã xảy ra mà không có í xin ơn tha tội; trong khi thống hối luôn đi chung với xin ơn tha tội, và sự sống trường sinh.

Sau khi biết tin Đức Kitô bị kết án tử hình treo trên thập tự. Giuđa hối hận. Ông không thống hối, bởi ông tự hủy thân mình. Hậu quả tàn khốc do hành động phản Thầy gây ra ngoài mức ông dự đoán. Sai lầm trong việc phản bội Thầy, và sai lầm trong hành động hối hận. Điều này cho thấy ông hiểu sai về tình yêu vô biên của Đức Kitô. Giuđa tin tội ông quá nặng, không thể tha được; nặng cân hơn tình yêu Chúa. Giuđa lầm to. Tình yêu Chúa lớn hơn tất cả mọi tội ông phạm. Thiên Chúa rộng lượng từ bi, đầy nhân ái, chậm bất bình, giầu tình thương, sẽ tha thứ cho tâm hồn thống hối, ăn năn.

Chết, miệng đời loan truyền, xì xèo, một thời gian rồi nó cũng chết theo, chìm vào quên lãng. Chết không gội, rửa sạch tội. Chỉ riêng cái chết và sống lại của Đức Kitô mang lại ơn tha tội. Ngoài ra không cái chết nào khác có thể làm được điều đó. Thống hối, ăn năn, làm hoà; Thiên Chúa cứu mạng, ban ơn tha thứ và ban sự sống trường sinh. Phêrô chọn con đường thống hối, làm hoà. Tiếng gà gáy không thức tỉnh Phêrô; tiếng gà gáy khiến ông hướng nhìn về tiếng kêu đó. Và từ đàng xa, Thầy nhìn ông bằng con mắt trìu mến. Phêrô, nhớ lại lời Thầy nói lúc chiều. Nước mắt ông trào ra; ông từ bỏ nơi đang sưởi ấm. Tâm ông cảm thấy yên ổn hơn. Cái nhìn của Thầy thức tỉnh ông và ông thống hối, ăn năn. Giuđa có nhiều cơ may hơn Phêrô. Làm sao ông quên được miếng bánh thầy trao lúc chiều; làm sao ông quên được lời ông dối Thầy; ông có đủ thời gian suy nghĩ, thay đổi í định trên đường đi đến gặp các Thượng Tế; làm sao ông quên được câu Đức Kitô nhắc, 'Anh làm gì thì làm mau đi' (Gn 13,27). Giuđa đã không tận dụng những cơ may ấy. Các tông đồ khảc hỏi Đức Kitô, 'Thưa Thầy, có phải con không?'. Giuđa lại dùng từ rabi, hỏi, 'Rabi, có phải con không?'. Khi dùng cái hôn phản bội, Giuđa cũng dùng từ 'Rabi' (Mt 26:20-25). Như thế từ 'rabi' Giuđa dùng lần trước và lần này mang cùng í nghĩa: 'phản bội'.

Trước giờ Giuđa thi hành í định nộp Thầy. Đức Kitô nhân lành mở cho Giuđa con đường sống. Giuđa bỏ lỡ cơ hội cứu mạng ngàn vàng đó. Đức Kitô trao cho Giuđa miếng bánh. Điều này ngụ í, Thầy vẫn yêu thương anh như những môn đệ khác. Giuđa nhận miếng bánh nhưng từ chối ơn thống hối. Giuđa hành xử cùng cung cách của một tên gian phi trên thập tự. Hắn mong Đức Kitô cứu hắn nhưng không thống hối. Hắn nói với Đức Kitô, 'Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi nữa' Lc 23:35. Tên kia mắng hắn và xin Đức Kitô tha. Đức Kitô hứa ban cho anh Nước Trời.

Có một điểm trùng hợp giữa tên gian phi không thống hối và Giuđa là cả hai đều gốc trộm cướp. Thánh Gioan 12:6 ghi Giuđa là tên trộm cướp. Có lẽ cả hai đều muốn Đức Kitô cứu, nhưng cả hai đều hối hận, nhưng không thống hối. Biết mình sai lầm quá đáng, Giuđa trở nên bất cần đời. Ông mang ba mươi đồng bạc lại trả cho Thượng Tế, kẻ đưa tiền cho ông. Họ từ chối nhận lại. Giuđa quăng ba mươi đồng kẽm đó xuống sàn Đền Thờ, trước mặt các Thượng tế; ông buồn rầu ra đi. Các Thượng tế nói đây là giá máu cho nên không thể cho vào quĩ chung. Họ dùng tiền đó mua đất chôn kẻ vô thừa nhận (Mt 27: 5). Xét thế, cái chết của Giuđa không phải hoàn toàn vô ích, mà ít ra cái chết của ông cũng mang lại ích lợi cho kẻ nghèo, tạo cho họ có chỗ an táng vào cuối đời.

Đức Kitô được an táng cách đặc biệt. Ngài bị kết án vào hàng trọng tội. Trọng phạm không được phép an táng theo phong cách của hàng quí tộc. Đức Kitô được an táng trong mộ đá mới; nghi thức an táng dành riêng cho hàng quí tộc. Mộ đá mới, ướp xác với mấy trăm cân hương. Khi sống nhà cầm quyền coi Ngài là trọng phạm; khi chết lại cho phép an táng dành riêng cho giới quí tộc. Mộ của Ngài có lính gác ngày đêm, điều này chính Thượng tế đề nghị, và quan toàn quyền chấp thuận. Vô tình, trùng hợp, hay do í định của Thiên Chúa? Mộ có lính gác ngày đêm là mộ của bậc quân vương. Đức Kitô được an táng theo phong cách, có hương ướp xác, có lính gác, của một quân vương. Đức Kitô đáp: 'Ta là Vua' khi Philatô thẩm vấn Ngài. Điều này thể hiện ngay khi Ngài qua đời.

Khó xác định nguyên nhân nào dẫn đến Giuđa phản bội bán Thầy. Có nhiều giả thuyết khác nhau. Thánh Marcô 14: 10-11 cho là Giuđa phản bội vì ông bị tiền bạc thúc đẩy. Giả thuyết này vấp phải vài vân đề. Nếu Giuđa thực sự tham tiền thì tại sao Đức Kitô lại chọn ông làm thủ quĩ nhóm. Nếu Giuđa tham tiền tại sao ông lại tin theo Đức Kitô là Đấng chọn sống nghèo nàn. Nếu Giuđa tham tiền sao ông không đòi giá cao hơn, mà bằng lòng với ba mươi đồng. Giuđa ném trả lại tiền cho thấy, cuối đời mọi vinh quang phú qúi trên đời đều là phù hoa.

Luca 22:3-4 cho là Giuđa phản bội vì bị ma quỉ cám dỗ. Điều này rõ ràng vì sau khi nhận bánh từ tay Đức Giêsu, ông vẫn quyết theo con đường ông đã chọn. Ma quỷ không bỏ lỡ cơ hội, chúng nhào vào ăn có; chiếm trọn con tim ông.

Gioan 13: 18 xem ra có vẻ rộng lượng hơn. Giuđa phản bội làm tròn lời tiên tri tiên báo xưa.

Giả thuyết nữa nói Giuđa phản bội vì lí do chính trị. Ông hi vọng, giao nộp Đức Kitô cho quân bảo hộ Roma, thế nào Đức Kitô cũng nổi dậy, chống lại vì Ngài có sự ủng hộ mãnh liệt của đám đông. Nếu giả thuyết chính trị đúng thì Giuđa là người theo chủ nghĩa thời cơ, bởi đại đa số dân chúng ủng hộ việc lật đổ quân bảo hộ Roma. Giuđa là người duy nhất có câu trả lời tại sao ông phản bội.

Khó xác định Giuđa chết cách nào? Sau khi Đức Kitô bị bắt, môn đệ tản mác, mạnh ai nấy trốn, không còn tâm trí để í đến việc khác. Mathêu 27:5 ghi Giuđa ném tiền vào Đền Thờ, trả lại Thượng Tế; họ dùng tiền máu đó mua đất làm nghĩa trang chôn kẻ nghèo. Tông Đồ Công Vụ 1:18-19 thuật lại theo lời thánh Phêrô nói trước đám đông là chính Giuđa dùng tiền phản Thầy mua thửa ruộng và ông chết trên thửa ruộng của mình. Thửa ruộng có tên là 'Đất Máu' là do dân chúng trong vùng đặt tên. Thánh Phêrô còn cả quyết,'Sự kiện này mọi người ở Giêrusalem đều biết' (CV.1: 19). Theo dân chúng thuật thì Giuđa không treo cổ; ông leo cây, bị té chúc đầu xuống đất, chết. Nếu treo cổ, đứt giây, chân xuống trước, đầu sau. Giuđa đầu xuống trước; như thế té có vẻ hợp lí hơn. Bởi lúc hỗn quân, loạn quan, không ai còn tâm trí đâu mà chôn cất. Thế sự tạm ổn định, người ta phát giác ra xác ông đã sình, bụng chương nứt lòi ruột gan. Nếu thế ông chết vì tai nạn, không phải tự sát. Dẫu sao ông cũng làm lợi ích chung vào cuối đời. Mua đất chôn kẻ không nơi chôn cất.

Tương tự như trong Sáng Thế Kí, cây Trái Cấm mở đường cho tội vào thế gian. Cây Thòng Lọng nói lên tính yếu đuối của con người. Đức Kitô chết và sống lại làm hoà với mọi người; bởi tất cả đều là con của Chúa. Cả hai con đường đều dẫn đến sự chết, nhưng giá trị chết khác nhau. Giuđa chọn bất tuân, phản bội Thầy; ông chết trong tủi nhục. Đức Kitô chọn vâng lời Chúa Cha; Ngài chết trong vinh quang, và sống lại vinh hiển.

TiengChuong.org