T6TT : TÌNH RIÊNG, NGHĨA CÔNG

Người ta kể trong thời Chiến Quốc, khi quân nước Tề sang đánh nước Lỗ, lúc đến chỗ biên giới, bỗng thấy một người đàn bà, tay bồng một đứa bé, tay kia đang dắt đứa khác lớn hơn. Thấy quân giặc kéo tới, bà ta vội vàng bỏ đứa đang bồng trên tay xuống và bồng đứa bé kia lên, rồi chạy trốn vào núi.

Viên tướng nước Tề thấy lạ bèn cho lính đuổi theo bắt lại và hỏi: “Tại sao bà lại ẵm thằng lớn mà bỏ đứa bé?” Người đàn bà thưa : “Đứa nhỏ là con tôi, còn đứa lớn là con anh tôi. Vì quân lính kéo tới nhanh quá, lượng sức không thể bảo toàn được cả hai đứa, cho nên tôi đành phải bỏ con tôi lại.”

Tướng nước Tề ngạc nhiên: “Con với mẹ là tình máu mủ ruột thịt rất gần. Nay bỏ con mình thì như cắt ruột mà cứu lấy con anh, thì nghĩa là sao?” Người đàn bà trả lời : “Con tôi là tình riêng, con anh tôi là nghĩa công. Con đẻ tuy đau xót thật, nhưng đối với việc nghĩa thì biết tính làm sao. Tôi không thể nào sống mà chịu mang tiếng vô nghĩa giữa làng giữa xóm được".

Viên tướng nước Tề vội cho dừng quân lại và sai người về tâu với vua : “Nước Lỗ chưa thể đánh được. Vì quân ta vừa mới đến chỗ biên cương đã thấy một người đàn bà nơi xó rừng còn biết đặt nghĩa công trên tình riêng, thì huống chi là những bậc quan lại sĩ phu trong nước. Nên xin vua cho rút quân về.”

Vua Tề cho là đúng và đồng ý lui quân.

Thế đó, một quốc gia, một cộng đoàn hay một gia đình sẽ rất vững chắc khi có những con người biết nghĩ đến kẻ khác, dám hy sinh quyền lợi riêng tư cho sứ mạng và sự nghiệp chung. Không một sức mạnh nào của kẻ thù mà lại không chùn bước trước sức mạnh của đoàn kết yêu thương.

Hình ảnh của người mẹ bỏ rơi đứa con mang nặng đẻ đau của mình để cứu đứa con của người anh nhắc chúng ta về hình ảnh của một người Cha “bỏ rơi” người Con yêu dấu của mình để cứu vớt kẻ khác : Hình ảnh của một Thiên Chúa đã dứt lòng hy sinh mạng Con, đến nỗi người Con đó phải thốt lên trong đau đớn tột cùng : “Lạy Cha, sao Cha bỏ con,” một tiếng kêu xé lòng Cha. Nhưng chính nhờ sự hy sinh đó mà nhân loại đã được ơn giải thoát.

Thiên Chúa đã dâng hiến chính tình yêu giữa Cha và Con vì sự sống và hạnh phúc chung của toàn nhân loại. Thiết tưởng không có một tình yêu hay sự hy sinh nào lớn hơn tình yêu và hy sinh của Thiên Chúa. "Thiên Chúa yêu thế gian quá sức đến nỗi tặng ban người Con Một" (x. Ga 3,16)

Và tình yêu mời gọi đáp trả tình yêu, nên Thiên Chúa gọi mời bạn và tôi đáp trả tình yêu bằng cách sống như Ngài trong sự hiến dâng chính mình cho lợi ích của tha nhân và cộng đoàn.

Cách cụ thể, mỗi người hãy cùng tự vấn : “Tôi có vì nghĩa công mà hy sinh ích riêng chưa? Tôi đã làm được gì cho giáo họ, cho giáo xứ, cho đoàn thể mình tham gia? Tôi sẽ làm những gì cho giáo phận, giáo hội, cho cộng đoàn?" Một việc rất nhỏ thôi thử xem mình có vì người khác không nhé : rác và chất thải. Nhiều nhà xả nước dơ vô tội vạ ra ngoài đường. Nước tắm, nước rửa, nước dơ, cứ đục tường cho chảy ra đường thoải mái. Hàng xóm có nói thì sửng cồ lên : "Có đụng gì tới nhà bà không mà bà xía vào". Sao không đụng. Phải bớt cái này cái kia để làm hố thoát chứ !

Rồi rác. Mình có để đúng nơi và nhất là đúng giờ không. Sáng sớm đi làm mang bao rác để ngoài đường nơi mà tối qua người ta đã quét sạch. Vậy là thiên hạ phải hít rác của mình suốt ngày cho đến tối. Tại sao không để đến tối hãy đem rác ra như có lần có nơi gắn các quy định : "chỉ đổ rác sau 6g chiều". Đi xe, rác bỏ ra đường là vô tư. Lại còn hãnh diện vì mình đã vất được mấy cái cùi bắp luộc… trúng xe hai bánh chạy sau.

Chỉ một ví dụ nhỏ, nhân ĐGH Phanxicô ra thông điệp Laudato Si' : bảo vệ ngôi nhà chung, là chúng ta đã thấy chúng ta có bụng chung hay không. Hãy noi gương bà mẹ người Nước Lỗ kia trong thời Chiến Quốc, quên tình riêng (người con ruột của mình) mà vì nghĩa công (cứu người con của người anh). Hãy nhìn lên thánh giá để thấy Chúa Cha hy sinh mạng người Con vì nghĩa công là cứu loài người chúng ta. Amen

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(dựa trên một gợi ý của cha Tuấn, CSsR)