4. Quyền của các cộng đồng được hưởng tự do tôn giáo

Chiều kích xã hội của nhân vị

43. Quan niệm Kitô giáo về các quyền của con người – một quan niệm tìm được nhiều tiếng vọng trong nền nhân học minh nhiên hoặc mặc nhiên của các truyền thống tôn giáo khác – quả quyết rằng quyền tự do vốn cố hữu trong chủ thể nhân bản được kêu gọi sống có trách nhiệm đối với thiện ích của mọi người. Tuy nhiên, nó không có khả năng lớn lên về sức mạnh và khôn ngoan nếu không có sự trung gian của các mối liên hệ nhân bản hóa vốn giúp nền tự do này tự dấn thân, tự giáo dục, tự củng cố và cũng tự lưu truyền, vượt ra ngoài các tha hóa trong đó tính cá thể thuần túy, bị chủ nghĩa cá nhân nuốt chửng, chỉ có thể sống leo lét. Nói cách khác, trên thực tế, không có ai sống một mình trong vũ trụ, nhưng họ luôn ở cùng với những người khác, mà với những người này, họ được kêu gọi thành lập một cộng đồng [41]. Từ lâu người ta vốn thừa nhận rằng chúng ta không bao giờ có thể phán đoán liệu một điều gì đó có tốt hơn một điều khác hay không, liệu ý thức cơ bản về sự thật đã có bao giờ thấm nhiễm trong ta hay không. Việc phán đoán của lương tâm về tính chính trực của hành động được thực hiện trên cơ sở kinh nghiệm bản thân, thông qua suy tư luân lý; và phán đoán này tự xác định trong tương quan với triết lý sống (ethos) của cộng đồng, một triết lý giáo huấn và làm cho giá trị của các tác phong đạo đức phù hợp với sự thật của con người được hiển thị[42]. Theo nghĩa này, các cộng đồng thống thuộc (gia đình, quốc gia, tôn giáo) có trước cá nhân để chào đón họ và hỗ trợ họ trong cuộc phiêu lưu nhân học vĩ đại nhằm ngôi vị hóa toàn diện chính họ [43]. Ở đây, hình thức lịch sử và xã hội của việc thể hiện bản chất con người được xác minh; bản chất này bao gồm một chuyển động hội nhập hỗ tương giữa sự thật và tự do.

44. Dù sao, việc công nhận "phẩm giá bình đẳng" của mọi người không thể được giải quyết chỉ bằng việc lên công thức pháp lý cho các "quyền bình đẳng". Một quan niệm quá trừu tượng và hình thức về sự bình đẳng pháp lý của các cá nhân, trong khuôn khổ tính hợp pháp định chế, có xu hướng làm ngơ sự phong phú của các khác biệt có thể và phải được coi trọng và được đặt trong mối liên hệ như một nguồn phong phú nhân bản, chứ không bị trung lập hóa, trong chính chúng, như thể chúng là nền tảng của việc kỳ thị và tiêu diệt bản sắc. Một mặt, cần phân biệt các khác biệt vốn lên cơ cấu cho thân phận con người khỏi tính võ đoán của các khuynh hướng chủ quan tư riêng. Nhà nước nào tự hạn chế mình vào việc đăng ký các mong muốn chủ quan này, bằng cách biến chúng thành các nối kết pháp lý, mà không kể chi tới mối liên hệ với thiện ích chung sẽ có nguy cơ làm suy yếu sự hỗ trợ định chế cần có vì các lý do đạo đức vốn bảo vệ dây liên kết xã hội [44]. Việc bảo vệ yếu tố nhân bản, vốn là thiện ích chung quý giá nhất của chúng ta, theo kiểu này bị phơi bầy cho một sự xói mòn không thể tránh khỏi, một việc xói mòn kết cục cũng sẽ gây hại cho cá nhân [45]. Đặc biệt, ngày nay, chúng ta nhận ra, một cách hiển nhiên như chưa bao giờ có, rằng phẩm giá bình đẳng của phụ nữ phải tự diễn dịch thành sự thừa nhận đầy đủ các nhân quyền bình đẳng. Thực thế, "Kinh thánh không hề làm điểm tựa cho ý tưởng nam giới tự nhiên trổi vượt hơn nữ giới" [46]. Dù người ta có thể nhận ra rõ ràng trong văn bản Cựu Ước (x. St 2:18-25), cũng như trong lời nói và thái độ của Chúa Giêsu (Cf. Mt 27: 55; 28: 6; Mc 7: 24- 30; Lc 8: 1-3; Ga 4: 1-42; 11: 21-27; 19: 25), phẩm giá bình đẳng nơi tạo vật của Thiên Chúa, mà nhờ vào đó, tính hỗ tương phải làm nổi bật chứ không loại bỏ sự khác nhau của hữu thể “đàn ông và đàn bà” [47], việc khai triển cụ thể và phổ quát một cách chi tiết về nguyên tắc này chỉ mới bắt đầu, không những trong tư tưởng Kitô giáo, mà cả trong nền văn hóa dân sự [48].

Tính phụ đới và câu chuyện xây nền

45. Việc thiếu thủ tục nơi các định chế dẫn đến việc bỏ qua vai trò nhân bản hóa rất đặc trưng của gia đình, trong đó mối liên kết mật thiết giữa người đàn ông và người đàn bà bảo đảm được tính liên tục bản vị trong việc sinh ra và giáo dục con cái. Tính hợp nhất - sinh học và tâm linh - của việc dẫn nhập này vào thân phận làm người và bản sắc bản vị, trong một môi trường nguyên thủy của tính hỗ tương và tính trách nhiệm cảm xúc, tạo thành tiền đề không thể thiếu cho việc sở đắc ý nghĩa nhân bản của tính xã hội [49] . Toàn bộ xã hội sống nhờ nền tảng này: kinh nghiệm hàng ngàn năm của các cộng đồng nhân bản, nhờ các nền văn hóa cực kỳ đa dạng của họ, biết rất rõ đặc tính không thể thay thế của nó.

Thứ hai, nỗi ám ảnh về một tính trung lập đạo đức hoàn toàn - có khuynh hướng ngả theo thuyết bất khả tri – đối với viễn kiến tôn giáo về ý nghĩa, nhất thiết bắt tính hợp pháp định chế phải xa lánh bất cứ vũ trụ biểu tượng nào của cộng đồng dân sự, nghĩa là của nền văn hóa nhân bản đúng đắn. Mọi cộng đồng tôn giáo đều rút tỉa từ vũ trụ biểu tượng này và tự phát biểu bằng cách đưa nó ra ánh sáng và giải thích nó. Sự dửng dưng của Nhà nước dần dần khiến nó trở nên xa lạ đối với các chức năng biểu tượng vốn nuôi sống sự thống thuộc xã hội và ngày càng không có khả năng hiểu các chức năng này, và do đó, tôn trọng chúng, như họ vốn tuyên bố muốn hiểu.

46. Kinh nghiệm tôn giáo là người bảo vệ trình độ thực tại trong đó việc chung sống xã hội diễn ra và sẵn sàng đương đầu với các chủ đề và các mâu thuẫn vốn là đặc trưng của thân phận làm người (tình yêu và sự chết, điều đúng và điều công chính, điều người ta không thể hiểu và điều người ta không thể hy vọng). Chứng từ tôn giáo là người bảo vệ những chủ đề này về cuộc sống và ý nghĩa với tất cả chiều sâu huyền nhiệm của chúng. Thực vậy, tôn giáo minh nhiên hóa và duy trì tính siêu việt của các nền tảng đạo đức và cảm xúc của con người: nó kéo chúng ra khỏi chủ nghĩa hư vô của ý chí quyền lực và phục hồi ý chí này vào đức tin nơi tình yêu Đấng khác. Sự hợp nhất bất khả phân của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu người lân cận, được đóng ấn tín trong đức tin Kitô giáo, đem lại cho câu chuyện gia đình về công lý và đích điểm của tình cảm chân trời sự thật độc đáo của lòng hy vọng thực sự đạt được đỉnh cao các hứa hẹn của cuộc sống.

Các thực hành tôn giáo và nhân tính cụ thể

47. Lời hứa cứu chuộc vĩnh viễn cuộc phiêu lưu xúc cảm của con người, tương ứng với niềm hy vọng rằng chúng sẽ được công chính hóa và cứu rỗi - vượt xa mọi niềm hy vọng của con người – chặn đường tiếc nuối trở lui vào chính bản thân đầy tính cá nhân và duy vật chủ nghĩa của mình về thân phận con người và chính nền văn hóa dân sự. Việc phổ quát thương nhớ người quá cố, một tưởng nhớ đã và vẫn còn là một đặc trưng của cộng đồng tôn giáo, chứng minh sức mạnh của lòng chung thủy đối với đặc tính bất khả hủy diệt của các mối liên hệ nhân bản. Trong chúng, một điều gì đó chưa hoàn tất vẫn còn đó, chờ được cứu chuộc, ngay cả khi chúng bị thách thức bởi cái chết. Truyền thống cổ xưa nhất của loài người chứng thực rằng con người từ thuở ban đầu vốn có thiên hướng chấp nhận sự thật siêu việt trong các ngôn từ biểu tượng cho sự sống, những ngôn từ vốn tự nhiên chống lại sự giản lược sinh học và mở ra các dây liên hệ với mầu nhiệm sự sống thần thiêng. Mặt khác, trong các điều kiện có tính hạn chế của các biến cố bi thảm làm đảo lộn cuộc sống và các dây liên kết của nó, ngay trong các quốc gia bị tục hóa, người ta vẫn công khai dành chỗ cho sự thật biểu tượng của cử hành tôn giáo. Khi một thảm họa quy mô lớn tấn công cộng đồng dân sự, sự kiên quyết của tôn giáo chống lại chủ nghĩa hư vô về cái chết, đối với mọi người, dường như là một thành lũy không thể thay thế của nhân loại. Công lý của các tình âu yếm gia đình và cộng đồng, một công lý dường như các nguồn nhân lực không thể nào đạt tới, không bác bỏ niềm hy vọng, một niềm hy vọng chỉ có thể được qui cho công lý và tình yêu của Đấng Tạo hóa. Trong những trường hợp như vậy, chủ đề về ý nghĩa và vận mệnh cuối cùng của con người rõ ràng là một vấn đề công cộng. Và "hình thức tôn giáo" của việc thừa nhận này, có thể nói, đã tự hợp pháp hóa chính nó, như một "chức năng công cộng" thực sự, ngay trong khuôn khổ của Nhà nước thế tục.

48. Lịch sử quốc gia, trong đó các số phận cá nhân cố gắng tự viết vào một cách liên tục qua nhiều thế hệ - để tìm được nguồn gốc và bản sắc sâu sắc của họ trước và vượt quá hình thức chuyên biệt của Nhà nước - ngày nay là một thách đố địa chính trị hoàn cầu. Nếu quả thật - và quả như thế - tự do và phẩm giá các ngôi vị chỉ có thể được định hình bởi các truyền thống và các câu chuyện phát biểu và thể hiện chúng, thì điều khẩn cấp là câu truyện quốc gia phải đạt tới chỗ tự làm giàu chính nó, chấp nhận tính phức tạp và dị biệt hóa các đóng góp của chúng, thông qua câu chuyện gia đình của mỗi công dân, có tham chiếu với câu chuyện hoàn cầu của con người phổ quát. Do đó, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, cũng thông qua câu chuyện đặc thù của cộng đồng tôn giáo [50]. Vì lý do này, những người từ nay không còn biết đến Kitô giáo nữa đã nhầm lẫn nó với một ý thức hệ, một thứ luân lý dạy đời, một kỷ luật, hoặc với một siêu cấu trúc cổ lỗ, chỉ có thể được tiếp cận một lần nữa thông qua một cuộc gặp gỡ có tính gia đình và nhân bản, trong đó, người ta có thể lắng nghe được câu chuyện về lịch sử từng cho phép họ nhận biết Thiên Chúa và trong đó họ phải duy trì các thế hệ tiếp theo: "Mai ngày khi con anh (em) hỏi anh (em) rằng : ‘Vì sao có các thánh ý, thánh chỉ, quyết định mà Chúa, Thiên Chúa chúng ta, đã truyền cho quý vị ?’ Anh (em) sẽ trả lời cho con anh (em) : ‘Chúng ta xưa làm nô lệ cho Pharaô bên Ai-cập, nhưng Chúa đã ra tay uy quyền đưa chúng ta ra khỏi Ai-cập (...) Còn chúng ta, Người đã đưa ra khỏi đó, để dẫn chúng ta vào và ban cho chúng ta đất Người đã thề hứa với cha ông chúng ta. Chúa đã truyền cho chúng ta đem ra thực hành tất cả những thánh chỉ này và kính sợ Chúa, Thiên Chúa chúng ta, để chúng ta được hạnh phúc mọi ngày và để Người cho chúng ta được sống” (Đnl 6:20-24).

Giáo dục toàn diện và việc hòa nhập vào cộng đồng

49. Sự tự do gắn bó với con người của Chúa Giêsu, với lời nói và cử chỉ của Người, được nuôi sống qua một cộng đồng, tức Giáo hội, trong đó mối liên hệ của mỗi tín hữu với Chúa Kitô đang hiện diện được làm cho khả hữu về phương diện hiện sinh và tự triển khai về mặt xã hội trong sự hiệp thông giáo hội [51]. Như thế, hiện sinh Kitô giáo hợp nhất tính tự do cá nhân của hành vi đức tin với việc hội nhập vào một truyền thống cộng đồng, như hai mặt của cùng một năng động tính bản vị. Việc nại tới gia phả đức tin Kitô giáo này dẫn chúng ta trở lại với xác tín, rất chủ yếu trong lăng kính nhân học, cho rằng quyền tự do của con người, được bảo vệ bằng việc công nhận các nhân quyền, không thể được hiện thực hóa một cách tự phát và duy cá nhân. Các con người tự do được soi sáng trong mối tương quan với những người khác, những người đã chinh phục được nhiều tự do hơn, và học hỏi từ những người được tự do hơn trong việc sửa chữa trong chính bản thân mình mọi thứ vẫn còn phụ thuộc vào các xung lực, các điều kiện hóa, các ràng buộc duy hình thức, tự củng cố bản thân theo chiều hướng yêu mình thái quá. Bất kể đặc tính nào - 'dân chủ', 'tự do', 'đa nguyên' - mà với chúng, nhà nước hiện đại dự định tự xác định mình như một cơ cấu vững chắc và vĩnh viễn, tự nhiên và có tính lịch sử, trong đó các công dân có thể phát triển các nhân quyền của họ, điều chủ yếu là việc hiểu phải hỗ trợ diễn trình này cách nào và làm thế nào quy định diễn trình này một cách công chính và hữu hiệu nhất.

50. Nói cách khác, đây là vấn đề phải nói rõ làm thế nào các công thức tổng quát này có thể đảm nhận được sự chuyển động của cuộc sống và việc tham gia vào quyền công dân, trong các điều kiện có khả năng hài hòa được sự khác biệt trong diễn trình nhân hóa và sự thống nhất lịch sử từng tạo ra cộng đồng quốc gia [52]. Không một quốc gia duy nhất nào có thể bảo đảm cách khác các cộng đồng tạo ra nó, và qua các cộng đồng này, sức sống của "nền dân chủ" như một thiện ích chung [53]. Trong trường hợp ngược lại, ngay cả các công thức cao quý nhất cũng vẫn chỉ là những từ ngữ thuần túy, thậm chí trở thành những bùa hộ mệnh đầy tính lừa đảo và phù phiếm hơn nhiều so với các arcana imperii (các bí quyết đế chế) thời xa xưa. Quan niệm của Kitô giáo về một chính quyền tốt lành bao gồm ý tưởng cho rằng tự do của con người, tự nó, không có cùng đích riêng của nó, như thể ý nghĩa và sự hoàn thành của nó trùng khớp với tính độc đoán không giới hạn và không xác định của mọi khả thể của cảm giới và ý chí. Cùng đích của tự do, đúng hơn, hệ ở sự gắn bó chặt chẽ của nó với phẩm giá nhân bản của cảm giới và ý chí, một phẩm giá luôn luôn hướng về phẩm chất sự thiện mà nhờ đó nó được xác định.

51. Phẩm chất nhân bản, có tính bản vị và tương quan, một phẩm chất tự thể hiện thông qua tự do được lý trí và mặc khải về sự thiện giáo huấn, là cùng đích đúng đắn của tự do nhân bản. Chính từ đó, người ta đo được sự tiến bộ của nó trong cách xây dựng lịch sử và sinh sống trên trái đất. Ngày nay, ý tưởng này được bao gồm trong biểu thức nổi tiếng "sinh thái nhân bản", tức cam kết đối với việc tổ chức cuộc sống và môi trường sống của con người gắn bó chặt chẽ với các lý lẽ tối cao (tự nhiên và thần thiêng) về nguồn gốc và điểm đến của nó. Chính vì điều này, người ta đã mở rộng biểu thức đến độ đề xuất một "hệ sinh thái toàn diện" rõ ràng bao trùm các khía cạnh nhân bản và xã hội của nó [54]. Trong viễn kiến Kitô giáo từng truyền cảm hứng cho những con đường mới trong lịch sử tự do và trách nhiệm nhân bản đối với việc cấu thành và vận mệnh của ngôi vị, tự do chắc chắn là sự phản ánh tuyệt vời của hành động sáng tạo của Thiên Chúa đối với người đàn ông và người đàn bà. Diễn trình bước qua ý thức và tự do là điều nền tảng cho việc bảo tồn và gia tăng phẩm giá cho tạo vật, và theo ý nghĩa này, nó là điều kiện chủ yếu để thực hiện lịch sử cứu rỗi. Ý chí tự do và cảm xúc thân mật của hữu thể nhân bản trong tương quan với Thiên Chúa, quyết định phẩm chất cứu rỗi của lịch sử con người, được quan niệm như một dự án liên minh và hiệp thông với một Thiên Chúa muốn được tin và yêu chứ không chịu đựng một cách thụ động.

Giá trị của các cơ quan trung gian và Nhà nước

52. Để mở rộng việc suy tư này về chiều kích xã hội, người ta cũng có thể nhớ lại tầm quan trọng chuyên biệt của điều gọi là "các cơ quan trung gian", nghĩa là, các tổ chức xã hội tự trình bầy và tự đại diện trong các lĩnh vực hoặc địa điểm đã được xác định của xã hội dân sự [55]. Trong tư cách như vậy, chúng bảo đảm chức năng làm trung gian giữa quyền bản thân và chính phủ Nhà nước. Cần phân biệt chúng với các nhóm ý kiến hoặc vận động (chẳng hạn như các nhóm vận động hành lang hoặc nhóm hành động tập thể), có ý định phục vụ lợi điểm chuyên nhất của các nhóm xác tín và hoặc các nhóm hội họp nhau, chứ không quan tâm đến thiện ích chung. Các cơ quan trung gian thực hiện việc làm trung gian tích cực đối với Nhà nước với các chức năng phụ đới có tính định chế và gây lợi cho ích chung [56].

53. Giáo Hội Công Giáo bác bỏ việc mình đồng nhất hóa với một chủ thể tư lợi nhằm đấu tranh để khẳng định các đặc quyền của mình. Sứ mệnh của Giáo hội là truyền giảng Tin Mừng, một việc công bố chính nghĩa tình yêu phổ quát của Thiên Chúa và không để mình bị giản lược thành lợi ích chính trị đảng phái. Do đó, đóng góp của nó vào nền văn hóa tốt đẹp và vào các thực hành đạo đức công cộng thông qua dây nối kết xã hội và việc tham gia vào đời sống dân sự. Giá trị công khai của việc làm trung gian này lưu ý đến lợi ích chung và mối quan tâm đối với nền nhân bản chính trị. Theo nghĩa này, người ta có thể nói rằng Giáo hội là nguyên tắc sinh động của các định chế trung gian, vốn trung thành góp phần vào việc hỗ trợ nền đạo đức công cộng và dây liên kết xã hội bên trong các khả thể và giới hạn của chính quyền Nhà nước trên bình diện quốc gia và cả trên bình diện quốc tế. Do đó, nó không tự nhận mình như một nhóm ý kiến hay nhóm áp lực đơn thuần. Nó cũng không tự đặt mình ở thế cạnh tranh với Nhà nước trong chức năng cai trị xã hội dân sự. Trong viễn tượng này, một viễn tượng bác bỏ bằng mọi cách mô hình chính quyền thần trị, Giáo hội góp phần xác định khuôn khổ chính xác của tự do tôn giáo trong phạm vi công cộng, ngay trong quan điểm phương pháp luận. Điển hình tự do trong đó, Giáo hội tự lồng mình vào một cách lý tưởng, thực sự đã giữ khoảng cách đối với mô hình đa văn hóa bất khả tri, một mô hình chấp nhận việc tự quy chiếu thuần túy nơi các tập đoàn ý thức hệ hoặc tôn giáo, bằng cách cùng một lúc loại chúng ra khỏi bất cứ chức năng trung gian hợp pháp nào – dù là đạo đức, văn hóa, hay cộng đồng - giữa tính công dân tích cực và chính quyền Nhà nước.

Nhà nước, mạng lưới và các cộng đồng xác tín

54. Sau cuộc khai triển các việc truyền thông qua internet và các mạng lưới xã hội, chúng ta có thể thoáng thấy nhiều tiềm năng nơi các nguồn lực kỹ thuật mới dành cho sự tương tác giữa con người. Chủ đề này được nhiều người biết đến và sự phức tạp của nó đòi hỏi sự chú ý liên tục. Các mạng thông tin hiện đại làm nổi bật một cách ngoại thường các biểu hiện của các tôn giáo, nhưng cũng phổ biến, và khuếch đại, nhiều lý thuyết và thực hành được quy cho họ một cách không chính đáng. Sự dễ dàng và độ can thiệp nhanh trên các mạng lưới, ở nhiều bình diện khác nhau, mở ra nhiều khả thể tham gia xã hội cho đến tận gần đây chưa hề có. Chúng ta chỉ có thể đánh giá cao những khả năng mới này mà thôi. Tuy nhiên, các khả thể này tạo điều kiện thuận lợi cho một phong cách tương tác có tính cảm xúc, mỗi ngày một tăng cường độ, như các nhà quan sát hiện nay từng nhấn mạnh. Sự tự do biểu kiến nơi các hình thức phát biểu cá nhân trên trực tuyến, cộng với sự khó khăn ngày càng tăng trong việc xác minh tính đáng tin của các nội dung, tạo thuận lợi cho các hiện tượng đại chúng hóa các tin tức giả (fake news) và phân cực hóa bạo lực đàn áp (haters). Tất cả những yếu tố này làm cho giá trị của các hiệu quả thông tin / thảo luận và sự đồng thuận / bất đồng trở nên lưỡng nghĩa; đây là các hiệu quả vốn lên đặc điểm cho việc tham gia vào diễn đàn (agora) mới mẻ này. Không nên đánh giá thấp sức nặng của chúng, dù là theo quan điểm các hiệu quả thuộc loại chính trị và xã hội.

55. Tự do phát biểu và trách nhiệm tham gia có thể dễ dàng bị tách biệt trong môi trường tương tác trực tuyến, khiến mọi người và cộng đồng phải đương đầu với các hình thức áp lực mới, những hình thức thay vì tạo thuận lợi cho một nền đạo đức học tự do có suy nghĩ và được chia sẻ, có thể phục vụ cho một cuộc thao túng triết lý hành động (ethos) một cách tinh tế hơn. Trong khuôn khổ mới này, các hình thức phát biểu tôn giáo là một trong những hình thức bị chường mặt nhiều nhất cho tính cảm xúc không giới hạn và là thí điểm hiểu lầm. Với thời gian, cộng đồng hoàn cầu sẽ học hỏi các quy tắc phù hợp để quản lý các hình thức trao đổi tư riêng và công khai mới này. Từ giờ trở đi, cộng đồng Kitô giáo phải có khả năng xác định các phương thế giáo dục có thể đáp ứng thoả đáng đặc tính xâm lấn của lĩnh vực truyền thông vào các diễn trình xây dựng triết lý hành động có tính tương quan và đào tạo sự đồng thuận chính trị [57]. Theo nghĩa này, cộng đồng Kitô giáo phải đặc biệt chú ý đến sự cần thiết không để mình bị khép kín về phương diện truyền thông vào hình ảnh một thứ đại phường hội có tính phe phái, một nhóm vận động hành lang gây áp lực, một ý thức hệ tranh giành quyền lực với chính phủ hợp pháp của Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự.

Kỳ tới: 5. Nhà nước và tự do tôn giáo