Giữa nhiều phê phán đối với thoả thuận Tòa Thánh ký kết năm 2018 với Trung Hoa, linh mục Antonio Sparado, Dòng Tên, Chủ Nhiệm tập san nổi tiếng Civilta Cattolica và là người được coi như cố vấn thân tín của Đức Phanxicô, vừa cùng và nhà nghiên cứu Michel Chambon viết một bài cho thấy nét lạc quan của Đạo Công Giáo tại đất nước các vị gọi là “Middle Kingdom” (Trung Vương Quốc) này, đó là ảnh hưởng tốt đẹp của Phi Châu đối với đạo Công Giáo ở đấy. Chúng tôi chuyển bài viết của các vị sang tiếng Việt để bạn đọc rộng đường nhận định. Nguyên bản xin đọc tại https://www.laciviltacattolica.com/african-influences-on-chinese-catholicism.



Trong vài thập niên qua, sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Phi đã khiến nhiều nhà quan sát nhấn mạnh rằng Kitô giáo Trung Quốc có thể hưởng lợi từ sự xích lại gần nhau mới mẻ này. Thực thế, ngày càng có nhiều công dân từ Trung Vương quốc, nhờ di chuyển đến châu Phi, đã gặp được các cộng đồng Kitô giáo sôi động. Có vẻ như một số người Trung Quốc này cũng đã tiếp nhận Kitô giáo và mang nó về quê hương với họ. Vì vậy, Trung Quốc không những “nhập khẩu” tài nguyên thiên nhiên từ châu Phi, mà còn nhập khẩu cả các Kitô hữu, cũng như tận dụng tối đa các cơ hội thương mại. Có vẻ như trong số đó nhóm Kitô giáo lớn nhất là Phái Phúc Âm. Tuy nhiên, không thiếu các truyền thống Kitô giáo khác [1].

Kitô hữu đủ loại đang trở về Trung Vương quốc. Nhưng ý nghĩa Kitô giáo của cuộc gặp gỡ Hoa-Phi càng quan trọng hơn, rộng hơn số lượng người mới được rửa tội. Do đó, bài viết này nêu bật một chiều kích ít được đề cập đến: nó tập chú vào những người Châu Phi, trong tư cách công nhân, sinh viên, nhà ngoại giao hoặc doanh nhân nhỏ, sống ở Trung Quốc và tiếp xúc với người Công Giáo địa phương, nhằm khám phá những hệ lụy đối với Giáo hội ở Trung Quốc.

Không bỏ qua sự hiện diện của các cộng đồng Công Giáo nước ngoài khác, ở đây chúng tôi chủ trương rằng những giáo dân gốc Phi đang làm việc tại Trung Quốc đang đóng góp một cách độc đáo cho tính Công Giáo của Giáo hội địa phương. Không sở hữu một sự đào tạo tôn giáo kỹ lưỡng, hay một ơn gọi tôn giáo, hoặc thậm chí ít thánh hiến chính thức hơn, người châu Phi đã để cho người Công Giáo Trung Quốc quan sát và trải nghiệm một số hình thức thực hành tôn giáo Công Giáo thay thế. Ở bình diện cá nhân và tập thể, họ làm cho tính đa dạng và tính phổ quát trở nên hữu hình, giúp phát biểu tính Công Giáo của Giáo hội.

Các suy tư của chúng tôi đặc biệt dựa trên những gì diễn ra ở thành phố Quảng Châu (Canton) [2]. Ngày càng có nhiều di dân chọn nơi này để làm việc và học tập tại Trung Quốc. Sau phần trình bày ngắn gọn về đời sống tôn giáo của họ, chúng tôi sẽ tập chú vào các tín hữu Trung Quốc và các giáo sĩ địa phương để khảo sát xem họ tri nhận sự hiện diện của người Công Giáo châu Phi ra sao và phản ứng của họ là gì. Cuối cùng, để đánh giá mức độ ảnh hưởng của châu Phi này, chúng tôi sẽ so sánh tình hình ở Quảng Châu với tình hình ở các thành phố lớn khác của Trung Quốc.

Sự hiện diện Châu Phi ở Quảng Châu

Quảng Châu luôn là thương cảng chính ở miền nam Trung Quốc. Nhưng với sự kết thúc của thời đại Mao, thành phố một lần nữa bắt đầu thu hút người nước ngoài, với số lượng lớn hơn bao giờ hết, đế tìm kiếm cơ hội mới. Trong số đó, có nhiều người châu Phi đến vì lý do học tập hoặc buôn bán. Chắc chắn, màu da, vóc dáng cao lớn và ngôn ngữ của họ không thể không được phần lớn người Trung Quốc chú ý. Họ nổi bật không những vì tư thế kinh tế, pháp lý mà còn bởi ngoại hình. Về bản chất, mặc dù có những đặc điểm khác nhau về ngôn ngữ, sắc tộc, quốc tịch và kinh tế giữa những người châu Phi da đen, nhưng đối với người dân địa phương tất cả đều xuất hiện như một cộng đồng đơn nhất.

Thực thế, cho đến Thế vận hội 2008 và Cuộc khủng hoảng tài chính hoàn cầu, người châu Phi tìm kiếm cơ hội rất dễ xin thị thực để vào Trung Quốc. Người Nigeria là những người tiên phong, nhưng ngay sau đó những người khác từ Cameroon, Uganda và Kenya đã tham gia với họ để kiếm may mắn ở thủ đô của miền Nam này, một siêu thành thị thực sự với 13 triệu dân. Phần lớn, họ là những người đàn ông chưa lập gia đình, ở độ tuổi hai mươi; nhiều người Nigeria nói ngôn ngữ Igbo; một số thích dùng tiếng Anh hơn, những người khác thì không. Quảng Châu thường là trải nghiệm đầu tiên của họ về châu Á hoặc một quốc gia khác ngoài quốc gia của họ. Không dễ gì để họ tìm được những công việc thường do người dân địa phương đảm nhiệm. Vì lý do này, một số người kiếm sống bằng việc dạy tiếng Anh; những người khác tham gia vào công việc kinh doanh đã được một thành viên trong gia đình họ thành lập, mở tiệm cắt tóc hoặc nhà hàng. Trong những năm qua, một quận phía bắc của thành phố, Xiaobei, đã trở thành cứ điểm của sự hiện diện nước ngoài này. Ở đó, ai cũng nhìn thấy nhiều người da đen trên đường phố, trong các nhà hàng và trung tâm mua sắm.

Nhưng sự hiện diện của người châu Phi này đã có những lúc thăng trầm. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, những tin đồn và tin tức tiêu cực về “những người da đen” tăng lên gấp bội. Trên báo chí và trong dư luận, người châu Phi ngày càng bị mô tả như những người nhập cư bất hợp pháp đến Trung Quốc để tham gia tội ác, buôn bán ma túy và các hoạt động bất hợp pháp khác. Vào khoảng năm 2010, người dân Quảng Châu thường tin rằng Xiaobei không còn là “Trung Quốc của họ” nữa mà là một nơi “tội phạm và du đãng”. Thực thế, chính phủ đã tăng bội các đợt kiểm tra của cảnh sát và trục xuất, do đó tổng số người châu Phi giảm đi đáng kể.

Người Công Giáo Châu Phi và giáo phận Quảng Châu

Bất chấp các khó khăn trên, Chúa nhật xem ra vẫn khác ở Xiaobei [3]. Nhiều người châu Phi dừng các hoạt động của mình để tụ tập nhau ở Nhà thờ Chính tòa Công Giáo hoặc nhà thờ Tin lành. Những người Hồi giáo vì không thể làm việc nếu không có các đối tác thương mại của họ nên cũng dành cả ngày ở đền thờ Quảng Ta Hồi giáo hoặc ở những nơi khác.

Nhà thờ Chính tòa Quảng Châu, còn được gọi là "Seksat", là một di tích lịch sử quan trọng trong thành phố. Nó là một công trình kiến trúc tân Gothic bằng đá được xây dựng vào năm 1888; nó cách Xiaobei khoảng 20 phút đi bộ và thu hút rất đông du khách. Các tòa nhà liền kề được dành cho các hoạt động của giáo sĩ và công việc mục vụ. Bên cạnh đó cũng có một sân rộng với một hang đá đúng điệu kính Đức Mẹ Lộ Đức. Tại quần thể Nhà thờ Chính tòa, cuối tuần đặc biệt bận rộn. Từ giữa buổi sáng cho đến tận chiều tối, luôn có một lượng khách liên tục ra vào. Vào ngày thứ bảy luôn có các hoạt động và đám cưới được nhiều người tham dự. Năm thánh lễ Chúa nhật với hàng ngàn tín hữu tham dự. Một bằng tiếng Quảng Đông, hai bằng tiếng Quan Thoại; vào buổi chiều, một thánh lễ bằng tiếng Anh và ngay sau đó là một thánh lễ khác bằng tiếng Đại Hàn.

Mặc dù rất khó ước tính quy mô chính xác của dân số Công Giáo địa phương, các linh mục tin rằng có từ 30, 000 đến 50, 000 người Công Giáo trong khu vực đô thị. 2, 000 người trong số họ tập trung trong các nhà nguyện ở ngoại ô; 4, 000 người khác tham dự sáu trung tâm giáo phận. Các đòi hỏi pháp lý khiến việc xây dựng các nhà thờ mới trở nên rất khó khăn, và giáo phận phải sử dụng năm trung tâm giáo xứ nhỏ mà giáo phận sở hữu, ngoài nhà thờ chính tòa. Như vậy, mỗi giáo xứ là địa sở của khoảng 100 tín hữu, trong khi Seksat nghinh đón hơn 3, 000 người đến thờ phượng vào Chúa nhật. Nhà thờ chính tòa vì thế là trái tim sống động của giáo phận.

Trong bối cảnh này, khoảng 500 đến 800 người châu Phi tụ tập nhau ở nhà thờ. Họ đến đó vào đầu giờ chiều và cầu nguyện hoặc trò chuyện với bạn bè tại Hang đá Lộ Đức cho đến khi Thánh lễ bắt đầu. Bên trong, một số tập dượt bài hát với ca đoàn và những người khác chuẩn bị phục vụ tại bàn thờ. Trước lượng khách du lịch quá đông, người Nigeria đã tổ chức một dịch vụ hướng dẫn rất nghiêm ngặt và hữu hiệu để duy trì bầu không khí cầu nguyện của Thánh lễ bằng tiếng Anh.

Ngoài các buổi chiều Chúa Nhật, một số người cũng dùng các buổi tối Thứ Hai, Thứ Tư và Thứ Sáu để tham gia việc dạy giáo lý Kinh thánh, họp Đạo Binh Đức Mẹ hoặc cầu nguyện theo lối đặc sủng. Thực thế, vào bất cứ thời điểm nào trong tuần, luôn có một vài người châu Phi quỳ gối trước hang Đức Mẹ Lộ Đức. Một số người cũng cầu nguyện tại nhà nguyện Mình Thánh gần đó, quỳ gối, cúi đầu để tôn thờ hoặc dang tay cầu khẩn Thiên Chúa. Bằng nhiều cách, những người trẻ tuổi châu Phi là sự hiện diện cầu nguyện ổn định và dễ thấy nhất tại Nhà thờ Chính tòa Seksat.

Dưới con mắt những người Công Giáo Trung Quốc địa phương

Sự hiện diện dễ thấy trên làm cho sự hiện hữu của cộng đồng Châu Phi được nhiều tín hữu địa phương biết đến. Điều này tự nó không hàm ngụ những mối liên hệ đặc thù, nhưng người Trung Quốc nhận thức được chúng. Dưới ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông địa phương và nghị bàn của công chúng, người Công Giáo Trung Quốc có thể coi là đương nhiên việc người Châu Phi chủ yếu là thương nhân, di dân hoặc người buôn bán nghèo, nhưng ở nhà thờ chính tòa, họ tái khám phá những người này như các anh chị em thân thiện chuyên tâm cầu nguyện.

Phần lớn người Công Giáo địa phương coi cách cầu nguyện của người châu Phi là “sống động”. Vì tò mò, nhiều người trong số họ đã tham dự Thánh lễ ít nhất một lần bằng tiếng Anh. Họ thấy người Châu Phi tích cực tham gia các khía cạnh khác nhau của buổi lễ và cảm nghiệm được một phong cách phụng vụ được các nhạy cảm Châu Phi làm cho sinh động. Vì vậy, họ nhận ra rằng người Châu Phi, trong khi rất nghiêm túc trong các vấn đề phụng vụ, cũng làm phong phú thêm việc cử hành bằng các điệu múa và thánh ca đầy niềm vui. Đem so sánh, người ta thấy sự nhậy cảm về phụng vụ của người Trung Quốc có xu hướng trang trọng hơn. Người ta cũng lưu ý rằng người châu Phi dễ dàng mỉm cười, nói "chào buổi sáng" và bày tỏ niềm vui trong các tương tác xã hội của họ. Cả trong Thánh lễ lẫn trong các hoạt động diễn ra ở các khu vực lân cận nhà thờ, tác phong và tinh thần vui vẻ của họ đều đã gây ấn tượng nơi người Công Giáo Trung Quốc.
Xiaoli, một phụ nữ Công Giáo ở tuổi năm mươi, là quản lý của một công ty nhỏ. Năm 2002, khi bà muốn học tiếng Anh, một người bạn đã đưa bà đến dự Thánh lễ được cử hành bằng ngôn ngữ đó. Vào cuối nghi lễ, một số phụ nữ Phi luật tân vây quanh bà và đặt tay lên bà để cầu nguyện. Xiaoli vô cùng xúc động. Ngày hôm đó, bà quyết định nói chuyện với một nữ tu và chấp nhận đề nghị bắt đầu học giáo lý dự tòng. Vào ngày lễ Phục sinh năm 2004, bà đã được rửa tội.

Không giống như Xiaoli, người đã sống cả đời ở Quảng Châu và cảm thấy có sự không thoải mái nào đó đối với người châu Phi, Yuli là một phụ nữ 30 tuổi đến Quảng Châu cách đây 8 năm. Vốn lớn lên trong một gia đình Công Giáo nông thôn, nên cô đã vội vã tìm một nơi để đi lễ và cuối cùng đã chọn nhà thờ chính tòa. Cô thường đi dự Thánh lễ Chúa nhật vào cuối buổi sáng và luôn thấy một số người châu Phi cầu nguyện ở Hang đá. Điều khiến cô có ấn tượng hơn cả là cảm thức cộng đồng mạnh mẽ của họ. Một lần, Yuli đi lễ cử hành bằng tiếng Anh vào đầu buổi chiều. Ban đầu, phong cách cử hành khiến cô rất bối rối, nhưng sau đó, cô rất thích. Cô nói, “Người Châu Phi khuyến khích người ta tự phát biểu bằng cơ thể của họ”. Nhưng rào cản ngôn ngữ khiến cô thích đi lễ cử hành bằng tiếng Hoa hơn.

Sự đóng góp cho Giáo hội địa phương

Theo hầu hết người Công Giáo ở Quảng Châu, lòng nhiệt thành là đặc điểm tiêu biểu của người Châu Phi. Họ không chỉ tham gia cộng đồng của họ để ở cùng nhau, mà còn thực hiện nhiều đóng góp sáng tạo và cung hiến nhiều giải pháp hữu hiệu cho giáo phận. Thí dụ, họ là những người đầu tiên tạo ra dịch vụ hướng dẫn tại Nhà thờ Chính Tòa Seksat. Việc này đã được thực hiện hữu hiệu đến nỗi giáo phận hiện đã tổ chức các đội tình nguyện viên tương tự khác.

Một thí dụ khác về “lòng nhiệt thành Châu Phi” này tìm thấy trong Đạo Binh Đức Mẹ. Ở Trung Vương quốc, hiệp hội ngoan đạo này, vì có âm hưởng quân đội, nên đã bị giải tán ngay sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được tuyên bố. Tuy nhiên, vào năm 2006, những người Châu Phi ở Quảng Châu đã tái lập nó. Với các buổi nhóm cầu nguyện hàng tuần và các công việc từ thiện, họ nhanh chóng tạo ra ba nhóm khác và khuyến khích người dân địa phương tham gia.

Một thí dụ khác về lòng nhiệt thành tôn giáo của người châu Phi được thấy rõ trong các buổi học Kinh thánh. Người Châu Phi ở Quảng Châu rất tích cực trong việc thành lập một số nhóm học Kinh Thánh, tụ họp nhau hàng tuần. Phần lớn họ tự quản, nhưng mời các nữ tu và linh mục địa phương chia sẻ kinh nghiệm của họ. Một trong những nhóm nói song ngữ (Anh-Trung) và các người tham gia có thể bước vào một mối liên hệ khá mới mẻ và không thông thường với Kinh Thánh. Nhờ phiên dịch mọi điều được chia sẻ, nhóm cho thấy việc học hỏi lời Chúa luôn là một cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa.

Một thí dụ khác về lòng nhiệt thành của người châu Phi nằm ở việc họ đóng góp vào nền linh đạo đặc sủng. Tại Quảng Châu, chính những người Châu Phi đã giới thiệu nền linh đạo này đầu tiên. Kể từ năm 1999, một số người trẻ đã thành lập và duy trì một nhóm cầu nguyện đặc sủng dành cho mọi người. Một vài lần, cộng đồng da đen đã mời các linh mục từ Châu Phi đến để hướng dẫn các buổi tĩnh tâm và cầu nguyện tâm linh. Vì vậy, ngoài việc giúp người Công Giáo khám phá ra nền linh đạo này, người châu Phi còn cho thấy đạo Công Giáo đã mở ra nhiều cách cầu nguyện khác nhau.

Hai thí dụ vừa nói dẫn chúng ta đến một phẩm chất khác mà hầu hết những người Công Giáo Trung Quốc ở Quảng Châu thấy ở người Châu Phi: họ là những nhà truyền giáo hữu hiệu và tháo vát. Thí dụ, những người trong số họ sau khi đính hôn với một cô gái Trung Quốc, thường đưa cô ấy đến nhà thờ; sau đó cô học giáo lý dự tòng. Thực thế, trong những năm gần đây, một số lượng đáng kể phụ nữ trong hoàn cảnh này đã lãnh nhận phép rửa tội.

Ngày nay ở Quảng Châu có một số gia đình Trung-Phi, một điều, cho đến vài năm trước đây, không ai có thể tưởng tượng được. Chỉ trong năm 2019, bốn cặp Hoa Phi đã kết hôn trong nhà thờ chính tòa. Số lượng ngày càng tăng các cặp vợ chồng như vậy rất đáng kể. Nhưng, trên hết, điều làm nên những nhà truyền giáo Châu Phi là sự kiện họ không ngại ngùng về đức tin và dấn thân của họ đối với giáo hội; họ chia sẻ chúng không những với bạn gái của họ, mà còn với các đối tác kinh doanh và các mối tiếp xúc địa phương của họ nữa.

Một số linh mục nhấn mạnh rằng những người châu Phi đến Trung Quốc một mình và không có nhiều hỗ trợ thì linh hoạt và dễ thích nghi hơn nhiều so với các dòng truyền giáo và cộng đồng tu sĩ. Trong nhiều thập niên qua, toàn bộ các gia đình và các nhóm nhỏ đã đến Trung Vương quốc từ nhiều nơi khác nhau của Giáo Hội Công Giáo thế giới. Nhờ hội nhập vào xã hội địa phương, những tín hữu này đã mở các cơ sở kinh doanh địa phương hoặc làm việc cho các công ty quốc tế, hy vọng tạo cơ hội để thiết lập mối liên hệ với người Trung Quốc. Thí dụ, ở Quảng Châu, họ thuê căn hộ, gửi con đến các trường học gần đó, và cố gắng chia sẻ Tin Mừng với tất cả những người Trung Quốc quen biết với họ. Nhưng, đối diện với các khó khăn kinh tế liên tục, các căng thẳng gia đình, các hạn chế hành chánh, sự thờ ơ về tôn giáo và hoàn cảnh chính trị xã hội, các sáng kiến của họ phần lớn không thành công.

Ngược lại, các di dân châu Phi có vẻ kiên cường hơn nhiều. Khi đến Trung Quốc, sự sống còn về tài chính và vật chất của họ phụ thuộc vào khả năng kết nối thực sự của họ với xã hội địa phương. Họ tìm được đường đi tại các quận khác nhau của thành phố, trong các khu phố nghèo và các trung tâm mua sắm sầm uất. Và họ cũng mang theo niềm tin tràn trề của họ, niềm tin mà họ chia sẻ với bất cứ ai tiếp xúc với họ. Nhưng vì tư thế xã hội và giáo hội khiêm tốn, họ ít thu hút được sự chú ý. Tuy nhiên, họ đã thực hành được sự hiện diện Công Giáo ở một Trung Quốc thế tục.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, người châu Phi nổi tiếng về sự hào phóng của họ. Trong những năm từ 2003 đến 2005, khi từ 2, 000 tới 2, 500 người trong số họ tham dự Thánh lễ Chúa nhật bằng tiếng Anh, họ đã đóng góp hơn một nửa thu nhập của nhà thờ chính tòa. Ngày nay điều này không còn xảy ra nữa. Nhưng hầu hết những người lao động tương đối nghèo này vẫn tiếp tục bố thí và nộp 10% thu nhập hàng tuần của họ cho giáo phận. Không giống như những người di cư khác gửi các khoản quyên góp về cho Giáo hội quê hương hoặc quỹ dự trữ của cộng đồng họ, người Châu Phi dành chúng cho Giáo hội địa phương.

Tóm lại, người Châu Phi đóng góp nhiều mặt cho giáo phận Quảng Châu. Trong nhà thờ, họ thực hành một loạt các tác phong cảm xúc và thể chất rất đặc trưng và phát huy các nhóm và sáng kiến tôn giáo khác nhau. Khi làm như vậy, họ chỉ cho hàng trăm người Công Giáo Trung Quốc một cách khác để sùng đạo. Bên ngoài nhà thờ, họ mang Tin Mừng vào các môi trường xã hội khác nhau và hiện thân một sự hiện diện Công Giáo trong các bối cảnh phi tôn giáo. Kết quả là, không những họ cung cấp nguồn nhân lực và tài chính cho Giáo hội ở Trung Vương quốc, mà còn mở rộng khái niệm căn bản về Đạo Công Giáo Trung Quốc.

Gương sáng cho các giáo sĩ địa phương

Ngoài việc thách thức và kích thích các Kitô hữu giáo dân Trung Quốc và những người không theo Kitô giáo, người Châu Phi cũng là một thách thức và là tấm gương cho các giáo sĩ địa phương. Do các phong tục giáo hội và bối cảnh văn hóa của họ, người châu Phi không ngần ngại thiết lập các mối liên hệ khá khác biệt nhưng hữu hiệu với các giáo sĩ Trung Quốc địa phương. Không như nhiều người Trung Quốc, họ nhanh chóng truyền đạt các nhu cầu của họ. Họ vừa là những người mới đến vừa là các thành viên có ý thức của Giáo hội địa phương. Và họ yêu cầu được tiếp cận với các bí tích và các địa điểm hội họp, đồng thời cung hiến sự hỗ trợ cho giáo phận.

Như chúng ta đã nói, các khoản quyên góp của họ cho nhà thờ chính tòa đã cho phép các linh mục và giám mục bắt kịp các chi phí của cuộc sống hiện đại. Người châu Phi cũng chứng tỏ là nguồn cung cấp các tình nguyện viên đáng tin cậy và hữu hiệu trong việc tổ chức các dịch vụ an ninh, phân phôi thông tin và quản lý thiết bị. Họ đã học cách cộng tác một cách hữu hiệu với hàng giáo sĩ. Vì vậy, mối liên hệ giữa các linh mục địa phương và người châu Phi đã mang lại lợi ích hỗ tương cho nhau.

Nhưng các liên hệ giữa người châu Phi và các thành viên của hàng giáo sĩ không chỉ giới hạn trong việc trao đổi các dịch vụ. Hàng giáo dân nói rằng một số linh mục giáo phận đôi khi có cái nhìn khá hạn chế về lòng đạo đức Công Giáo và văn hóa giáo hội. Vì vậy, đối với họ, tiếp xúc với người châu Phi da đen là một kinh nghiệm học hỏi. Những di dân sùng đạo và táo bạo đến từ các quốc gia có số lượng người Công Giáo đáng kể này cho thấy có nhiều cách để xây dựng Giáo hội và cộng tác với hàng giáo sĩ. Đồng thời, sự hào phóng của họ đi theo hướng ngược lại với một số bổn phận và kỳ vọng hiếu thảo vốn có trong bối cảnh văn hóa Trung Quốc. Thay vì tiết kiệm tiền bạc cho cuộc hôn nhân trong tương lai, như một người Trung Quốc thường mong đợi, những người trẻ này lại đóng góp cho một giáo phận không phải là Giáo hội quê hương của họ. Ngoài ra, họ biểu lộ các thực hành phụng vụ và tự cho thấy họ là những chủ thể luân lý tự quản theo những cách thường khiến các linh mục thán phục.

Thành thử, một số linh mục nhận ra rằng người châu Phi đang thúc giục các ngài mở rộng cái hiểu của mình về viêc phải hành động ra sao trong tư cách mục tử. Một vị trong số các ngài giải thích rằng cách đây nhiều năm, các ngài nhận ra rằng hàng giáo sĩ địa phương đang ban các bí tích cho người châu Phi, nhưng không cung cấp dịch vụ chăm sóc mục vụ hữu hiệu. Ngoài các khác biệt về văn hóa, trở ngại chính vẫn là hàng rào ngôn ngữ. Đáp lại, một linh mục, người từng học ở Phi luật tân một số năm và có học chút tiếng Anh, đã đề nghị dành nhiều thời gian hơn cho cộng đồng châu Phi. Nhờ cách này, số người trẻ tìm đến ngài để xưng tội hoặc xin ngài cho lời khuyên mục vụ và hỗ trợ đạo đức đã tăng lên nhanh chóng. Những mối liên hệ này khiến ngài nhận ra cuộc sống của họ khác xiết bao và ngài cần phát triển ra sao trong khả năng trở thành một người cha thiêng liêng. Mặc dù hiện đang phục vụ ở những nơi khác trong giáo phận, vị linh mục này vẫn coi “cuộc gặp gỡ châu Phi” là một bước ngoặt trong thừa tác vụ của mình.

Tình thế mập mờ của người châu Phi ở Quảng Châu

Tuy nhiên, danh sách dài những đóng góp tích cực trên không nên làm chúng ta hiểu lầm. Chúng tôi không dám đề xuất việc lý tưởng hóa người châu Phi ở Quảng Châu, huống hồ là tình huống của họ. Giống những người khác, cuộc sống của họ được đánh dấu bằng nhiều mập mờ và lạc điệu về đạo đức. Và người Công Giáo Trung Quốc không ngần ngại chỉ ra những khía cạnh đáng nghi vấn này trong lối sống của họ.

Sự kiện phần lớn các di dân trẻ tuổi châu Phi là độc thân, nam giới và tự tin là một mối quan tâm đối với người Quảng Đông. Cũng có nhiều trường hợp các gia đình với các phụ nữ trẻ mang thai bị bỏ rơi đến nhà thờ chính tòa để đòi bồi thường. Những câu chuyện như vậy buộc người Công Giáo Trung Quốc phải thận trọng.

Bên kia Quảng Châu

Cho đến nay, chúng ta đã thấy những đóng góp cụ thể, và có phần mâu thuẫn, mà người Châu Phi đem lại cho giáo phận Quảng Châu. Nhưng thành phố vĩ đại của Trung Quốc này chỉ là một trong những không gian đô thị của đất nước, vì vậy người ta có thể tự hỏi điều gì đang xảy ra ở những nơi khác. Công nhân và sinh viên châu Phi cũng có ảnh hưởng đến các giáo phận Trung Quốc khác không? Họ có những mối liên hệ gì với những người Công Giáo ở những phần còn lại của đất nước? Câu trả lời cho các câu hỏi này cần được điều tra thêm.

Ở một khu vực như Bắc Kinh, người châu Phi có xu hướng tụ tập ở các tòa đại sứ khác nhau. Một số văn phòng ngoại giao sẵn sàng nghinh đón kiều bào của nhiều quốc tịch khác nhau.

Tình thế của một thành phố như Thượng Hải có thể so sánh với tình thế của Bắc Kinh. Tại khu đô thị hiện đại nhất miền đông Trung Quốc này, một số lãnh sự quán cung cấp không gian tiếp đãi mà các kiều bào thỉnh thoảng có thể sử dụng làm nơi gặp gỡ. Tuy nhiên, tình hình tài chính và phạm vi xuất xứ của người châu Phi ở đây đa dạng hơn ở Quảng Châu. Đủ loại doanh nhân, nhà ngoại giao và sinh viên sống ở Thượng Hải. Do đó, để tạo ra các mạng lưới khác nhau, kiều bào châu Phi sử dụng nhiều nơi khác nhau, chẳng hạn như lãnh sự quán, các văn phòng lớn hoặc phòng họp ở các khách sạn. Tương tự như vậy, người Công Giáo châu Phi có những lựa chọn khác để cử hành Thánh lễ với một linh mục nước ngoài. Vì vậy, giáo phận Thượng Hải không đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt tôn giáo và cộng đồng của người Phi địa phương.

Tuy nhiên, ngoại trừ một số thành phố như Thượng Hải và Bắc Kinh, nơi dân số châu Phi giàu có và ổn định hơn, tình hình ở phần lớn các thành phố của Trung Quốc cũng tương tự như tình hình người ta thấy ở Quảng Châu. Những người Công Giáo Châu Phi nghèo hơn và chăm chỉ hơn được tìm thấy ở đó. Tìm nơi để thờ phưpợng, giao lưu, họ thường chạy tới nhà thờ chính của địa phương. Vì các nhà thờ Công Giáo rất hiếm ở các thành phố của Trung Quốc, nên người châu Phi thường sử dụng nhà thờ chính tòa làm nơi hội họp chính của họ. Thí dụ, ngay tại thành phố Thẩm Dương, một thành phố với 8 triệu dân, vốn là thủ phủ của miền bắc Trung Quốc, giáo phận được cấu trúc quanh khu phức hợp của nhà thờ chính tòa, tọa lạc ở trung tâm lịch sử. Chỉ một ít thành viên của hàng giáo sĩ sống trong các tòa nhà, nhưng hàng ngàn tín hữu tập trung ở đó để tham dự Thánh lễ hoặc các hoạt động khác của giáo phận.

Trong số các tòa nhà khác nhau bao quanh nhà thờ chính tòa, có một nhà nguyện tổ chức Thánh lễ bằng tiếng Anh vào mỗi chiều Chúa nhật. Nó thu hút đám đông đa dạng người nước ngoài và một số người Công Giáo Trung Quốc địa phương. Ở đây cũng vậy, một nửa số du khách là người châu Phi, tất cả đều trẻ, nhưng có mối liên hệ giới tính cân bằng hơn so với ở Quảng Châu. Không giống như ở thành phố phía nam, cộng đồng người Phi địa phương của Thẩm Dương chủ yếu bao gồm sinh viên đại học [4]. Vào các buổi chiều Chúa nhật, nhiều người đến nhà thờ chính tòa để cầu nguyện. Một số tham gia lần chuỗi Mân Côi ngay trước Thánh lễ, những người khác tham gia ca đoàn, những người khác nữa chào đón các tín hữu và phân phối thông tin. Với sự đóng góp của họ, thánh lễ quốc tế nhìn chung rất sinh động và được đông đảo người tham dự. Đôi khi, lúc kết thúc buổi lễ, đồ ăn nhẹ và đồ uống được cung cấp để mọi người có thể giao lưu lâu hơn. Vì vậy, người Công Giáo châu Phi đóng góp rất nhiều vào sự năng động của loại phụng vụ này và dường như là thành phần người nước ngoài chính mà các tín hữu địa phương có thể thiết lập liên hệ với.

Vì vậy, ở Thẩm Dương, cũng như ở nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc, người Công Giáo địa phương nhận thấy mình đang chia sẻ không gian tôn giáo với người châu Phi. Qua các cuộc trao đổi này, và không cần phải đi du lịch, một số linh mục Trung Quốc có cơ hội khám phá Đạo Công Giáo châu Phi. Trên khắp đất nước, từ Chúa Nhật này sang Chúa Nhật nọ, họ nghe và thấy những giáo dân sùng đạo này. Một số người nhấn mạnh rằng người Châu Phi là những tín hữu nhiệt thành, hào phóng và chăm chỉ làm việc, biết quan tâm tới các giới luật của Giáo hội.

Suy nghĩ lại tính Công Giáo của Giáo hội ở Trung Quốc

Tóm lại, bất chấp những rào cản khác nhau khiến họ xa cách nhau, người Công Giáo châu Phi tạo thành cộng đồng thờ phượng không phải người Hoa rõ ràng nhất, chiếm một tỷ lệ không phải là không đáng kể trong số những người thờ phượng Công Giáo Trung Quốc. Thường thì sự hiện diện của họ chỉ giới hạn ở các thành phố chính, thế nhưng ở bình diện quốc gia, họ tạo thành sự hiện diện nước ngoài lớn nhất trong Giáo hội ở Trung Quốc. Mặc dù đất nước này có nhiều người nước ngoài - một số trong số này rất sùng đạo, chẳng hạn như người Công Giáo Đại Hàn - người châu Phi nổi bật hơn nhiều nhờ sự hiển thị, văn hóa giáo hội và phong cách thờ phượng của họ. Số lượng đông đảo của họ cho phép họ thực hành đức tin một cách tập thể và ảnh hưởng đến phong tục địa phương.

Người châu Phi mang đến một sự đa dạng không thể giảm thiểu được, điều này cho phép các giáo phận Trung Quốc cảm nghiệm nhiều hệ luận có thể có của tính Công Giáo và những hậu quả có thể có của việc tìm kiếm tính phổ quát. Đối với những anh chị em da đen này, các linh mục và giáo dân Trung Quốc phải đặt câu hỏi đối với bất cứ định kiến chủng tộc nào, bất cứ sự cứng ngắc giáo hội nào hoặc bất cứ phong tục địa phương kém tích cực nào. Nhờ vậy, giống như chất men âm thầm trong khối bột lớn, người giáo dân Châu Phi có thể giúp Giáo hội ở Trung Quốc phát triển.

Ghi chú

[1]. Xem C. Rodhes, “How Africa is converting China? ” (Châu Phi đang làm Trung Quốc trở lại đạo như thế nào? ), Trong UnHerd (unherd.com/2019/02/how-africa-is-converting-china/? =sideshare&fbclid=IwAR0- Gx7dAWfdlbsXuXO1v4sWj_GThYQTp0YlUGfMcfYocTK6O0KtFrVrNzs) 13 tháng 2, 2019).
[2]. Bài báo này là kết quả việc viết lại cuộc đối thoại giữa chủ bút tạp chí của chúng tôi và nhà nghiên cứu Michel Chambon.
[3]. Xem S. Lan, Mapping the New African Diaspora in China (Lập bản đồ cộng đồng mới người châu Phi ở Trung Quốc), London, Routledge, 2017, 168tt.
[4]. Xem A. Li, “African Students in China: Research, Reality, and Reflection”, trong African Studies Quarterly, (Sinh viên Châu Phi ở Trung Quốc: Nghiên cứu, Thực tại và Suy ngẫm), trong Tam Cá Nguyệt San Nghiên cứu Châu Phi, tháng 2 năm 2018.