1. Thăm dò ý kiến: Những người tham dự Thánh lễ thường xuyên nói rằng các chính trị gia phản đối giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề nghiêm trọng 'tạo ra sự nhầm lẫn'

Một cuộc thăm dò của một nhóm vận động Công Giáo được công bố hôm thứ Ba cho thấy, trong số những người Công Giáo tham dự Thánh lễ thường xuyên, đại đa số nói rằng các chính trị gia Công Giáo có quan điểm chính sách trái với giáo huấn của Giáo hội “tạo ra sự nhầm lẫn” trong số các tín hữu.

Cuộc thăm dò do CRC Research thực hiện thay mặt cho nhóm vận động CatholicVote, cho thấy 83% người Công Giáo thường xuyên tham dự Thánh lễ cho rằng các quan chức chính phủ có quan điểm trái với giáo huấn của Giáo hội “tạo ra những ngộ nhận và phá hoại sự hiệp nhất”. Gần ba phần tư, cụ thể là 74%, những người thường xuyên đi lễ nói rằng những viên chức này không nên đến rước lễ.

Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 6 năm 2021 và đã khảo sát 600 người trả lời. Những người được hỏi gần như chia đều theo các đảng phái, với 49% nói rằng họ ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2020, so với 51% ủng hộ Tổng thống Joe Biden.

Brian Burch, chủ tịch của CatholicVote, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng “Các chính trị gia Công Giáo ủng hộ các chính sách được coi là 'vô đạo đức nghiêm trọng' tạo ra sự nhầm lẫn và bất hòa giữa các tín hữu”.

“Mối quan tâm Công Giáo đối với sự coi thường giáo huấn xã hội Công Giáo của các nhà lãnh đạo cộng đồng không phải là về chính trị nhưng là về tính toàn vẹn của đức tin, cùng với sự tôn kính và sự tôn trọng đối với Thánh Thể”, Burch nói.

“Dữ liệu thăm dò ý kiến này sẽ củng cố niềm tin của các giám mục Công Giáo khi các ngài chuẩn bị thảo luận về cách khôi phục sự hiểu biết về vẻ đẹp và sự phong phú của bí tích - giữa những người Công Giáo. Dữ liệu rất rõ ràng: Các giám mục có nghĩa vụ phải hành động”, ông tuyên bố.

Vào ngày thứ Tư vừa qua, các giám mục Hoa Kỳ đã họp trong cuộc họp ảo tại phiên khoáng đại mùa xuân hàng năm của các ngài. Hôm thứ Năm, các ngài đã bàn bạc và biểu quyết bắt đầu soạn thảo một tài liệu giảng dạy về Bí tích Thánh Thể.
Source:Catholic News Agency

2. Cuộc triều yết Đức Thánh Cha của ông Joe Biden đã không xảy ra

Những lo ngại vào đầu tuần này của các nhà hoạt động phò sinh, và của nhiều Giám Mục Hoa Kỳ, cũng như nhiều người Công Giáo khác đã kết thúc rất “có hậu”. Nhiều người đã không ngại liên kết hiện tượng vương miện khói trong lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống với diễn biến này.

Đầu tuần này, có tin tức ông Joe Biden sẽ tham dự thánh lễ buổi sáng tại Santa Marta do Đức Thánh Cha cử hành. Viễn tượng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cho ông Joe Biden rước lễ thực sự gây nao núng cho nhiều người. Nó vượt xa tâm lý có thể chịu đựng nổi của hầu hết những người Công Giáo. Có lẽ Chúa Thánh Thần đã soi sáng để Đức Thánh Cha và Tòa Thánh không rơi vào một tình huống có thể làm rất nhiều người ngã lòng.

Sáng sớm ngày 15 tháng 6, một nguồn tin đáng tin cậy của Vatican nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng yêu cầu tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha tại nhà nguyện Santa Marta của Tổng thống Joe Biden đã bị loại khỏi kế hoạch trong cuộc gặp gỡ tại Vatican.

Sau đó, các nguồn tin của Vatican đã cho biết đã không có cả cuộc gặp gỡ này.

Theo thông tấn xã CNA, ban đầu Ông Joe Biden, người đang ở Âu Châu để tham dự một số cuộc họp cấp cao, dự kiến sẽ cất cánh vào sáng ngày 15 tháng 6 để gặp Đức Thánh Cha Phanxicô với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ. Đoàn tùy tùng của Tổng thống đã yêu cầu Tòa Thánh cho ông Biden tham dự Thánh lễ với Đức Giáo Hoàng vào sáng sớm, nhưng đề xuất này đã bị Vatican từ chối sau khi xem xét tác động của việc Đức Giáo Hoàng cho Tổng thống Biden rước lễ sẽ ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận mà Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB đang lên kế hoạch. Trong cuộc họp của các ngài bắt đầu từ Thứ Tư, ngày 16 tháng 6. Các giám mục Hoa Kỳ dự kiến sẽ bỏ phiếu về việc thành lập một ủy ban soạn thảo một tài liệu về tính nhất quán của Thánh Thể.

Ông Joe Biden, khi còn là phó tổng thống, đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2015, khi Đức Giáo Hoàng đến thăm Hoa Kỳ để tham dự cuộc họp Thế giới của các Gia đình ở Philadelphia.

Năm sau, vào ngày 29 tháng 4 năm 2016, Ông Biden đã đến Vatican để tham dự hội nghị thượng đỉnh về y học tái tạo, nơi ông đã ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô và ủng hộ việc thúc đẩy toàn cầu việc chữa bệnh ung thư.

Ông Biden đã mở đầu bài phát biểu của mình tại Vatican bằng cách nhớ lại khi đến thăm Hoa Kỳ vào tháng 9 trước đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã an ủi ông như thế nào sau sự ra đi của con trai cả của ông là Beau, người đã qua đời vào mùa hè trước đó ở tuổi 46 vì ung thư não.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Tổng Giám Mục Fisichella tố giác nạn vũ phu trong gia đình

Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng, tố giác nạn vũ phu, bạo hành phụ nữ, như một hình thức mới của nạn nghèo đói ngày nay, và nói rằng: “Tệ nạn này là một sự man rợ làm cho thế giới phụ nữ trở thành một môi trường thực là nghèo”.

Đức Cha Fisichella tuyên bố như trên với giới báo chí, sáng ngày 14 tháng 6 vừa qua, trong buổi giới thiệu sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhân Ngày Thế giới người nghèo lần thứ 5, sẽ cử hành vào Chúa nhật 14 tháng 11 năm nay, với thánh lễ Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Đền thờ thánh Phêrô.

Đức Tổng Giám Mục nói: “Đứng trước những vụ bạo hành hằng ngày chống phụ nữ, chúng ta không thể không lên án tệ nạn man rợ này. Thật là điều không thể hiểu nổi đối với một nền văn hóa đã đạt tới những hình thức trưởng thành nhất về sự bình đẳng, người ta phải nhận rằng có những kiểu nói chứng tỏ sự bất bình đẳng thiếu phẩm giá, làm thương tổn không những các nạn nhân, nhưng cả toàn thể xã hội, nhiều khi có thái độ cam chịu đến độ từ bỏ những thành tựu đã vất vả đạt được trong những thập niên qua”.

Trong cuộc họp báo, Đức Tổng Giám Mục Fisichella đã trả lời một số câu hỏi của báo giới, trong đó có câu hỏi về nạn nhân mãn, là một trong những nguyên nhân chính gây ra nghèo đói. Đức Tổng Giám Mục nói: đó là một lý thuyết cũ kỹ, nó chịu ảnh hưởng của những chọn lựa ý thức hệ, đưa tới một thứ qui định về tỷ lệ sinh sản. Nghèo đói có thể do các nước giàu tạo nên, trong sự giàu sang họ muốn có nhiều sản phẩm hơn, tiêu thụ nhiều hơn, và do đó tạo nên những tình trạng nghèo”.


Source:Vatican News