Nhận định về cuốn sách Defenders of the Faith: The British Monarchy, Religion, and the Next Coronation [Các Người Bảo vệ Đức tin: Nền Quân chủ Anh, Tôn giáo và Lễ Phong vương sắp tới] của Catherine Pepinster, cựu chủ bút tạp chí The Tablet, xuất bản trước Khi Nữ Hoàng Elizabeth qua đời, Cha Anthony D. Andreassi, viết trên tạp chí America rằng khi ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo năm 1531, Vua Henry VIII đã buộc quốc hội vốn có tính Giáo Hội của Anh nhìn nhận ông là người “Đứng đầu tối cao” của Giáo Hội. Tuy nhiên, con gái ông, Elizabeth, khi lên ngôi năm 1558, đã đổi tước hiệu này thành “Người Quản trị Tối cao” vì cho rằng tước hiệu trước, theo Thánh Phaolô, chỉ dành riêng một mình Chúa Kitô mà thôi.



Dù gì, thì người Anh vẫn liên tục hiểu nền quân chủ của họ có đặc tính thánh thiêng. Ngay từ năm 973, khi Thánh Dunstan, Tổng Giám Mục Canterbury, đội triều thiên và xức dầu cho Edward làm vua đã minh nhiên nhắc đến việc xức dầu của Vua Salômôn.

Thành thử từ đó, các hình ảnh sinh động trong Kinh Thánh và các nghi thức thánh thiêng mãi là những phần quan trọng trong các nghi lễ phong vương cho các nhà vua Anh.

Tuy nhiên, các nghi lễ này, theo thời gian, đã có nhiều thay đổi. Thí dụ trong 16 tháng giữa ngày lên ngôi và ngày phong vương của nữ hoàng Elizabeth I, Geoffrey Fisher, Tổng Giám Mục Canterbury, thiết lập một ủy ban để đề nghị các thay đổi cho các phần tôn giáo của buổi lễ. Cuối cùng, Ủy ban này quyết định nhấn mạnh nhiều hơn tới bản chất bí tích của nó: phần chính là việc xức dầu trên đầu, tay và ngực Elizabeth (làm kín dưới lọng che). Xức dầu xong, nữ hoàng được mặc phẩm phục thường dành cho các linh mục (như áo alba và dây choàng), điều nhắc nhớ đặc tính thánh thiêng bà lãnh nhận trong ơn gọi mới làm quân vương của bà.

Và trong khi vị quân vương nào của Anh cũng khởi đầu vương triều của mình bằng nghi lễ tôn giáo, nhưng đối xử với tôn giáo ra sao sau đó, sau những tưng bừng của buổi lễ, lại là một chuyện khác.

Thí dụ, đến lúc Charles I lên làm vua năm 1625, Anh quốc đã vững chãi được cai trị bởi các nhà vua Thệ Phản hơn 60 năm, thế nhưng cuộc hôn nhân của ông với Henrietta Maria Công Giáo, Em gái Vua Louis XIII nước Pháp, đã làm nhiều người lo lắng, sợ rằng cuộc hôn nhân này sẽ dẫn đến việc nới lỏng các hạn chế đối với người Công Giáo. Các nghi ngờ càng đậm nét hơn với việc hoàng hậu từ chối dự lễ phong vương của chồng vì nó diễn ra trong một buổi lễ Thệ Phản.

Sự việc trở nên tồi tệ hơn vì những lo ngại của Thệ phản vào lúc trị vì của con trai Charles, James II, người đã trở đạo lại Công Giáo trước khi lên ngôi năm 1685. Với sự ra đời và lễ rửa tội Công Giáo của con trai ông vào năm 1688, nước Anh giờ đây dường như đã sẵn sàng quay trở lại với sự cai trị của một vị vua Công Giáo và do đó rất có thể sẽ đảo ngược các cải cách của Thệ phản đến lúc đó đã diễn ra trong hơn một thế kỷ.

Điều ấy quá đáng đối với nhiều người Thệ Phản hàng đầu, và James nhanh chóng bị lật đổ. Em gái theo đạo Tin lành của ông, Mary, và người chồng theo phái Calvin Hòa Lan của bà, William, đã thay thế vị trí của ông. Năm 1701, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Dàn xếp, ngăn cản người Công Giáo hoặc bất cứ ai kết hôn với người Công Giáo lên ngôi (mặc dù vào năm 2013, lệnh cấm vợ hoặc chồng Công Giáo đã được bãi bỏ). Trong khi câu hỏi về một người Thệ phản dường như đã được giải quyết, thì các quyền và vị trí trong xã hội của người Công Giáo và những người bất đồng chính kiến khác ở Anh (và sau năm 1707 là Vương quốc Anh) vẫn là một vấn đề gây phiền toái cho các vị vua kế tiếp ngay cả khi họ bắt đầu phải nhường quyền cho các nghị viện và thủ tướng của họ với thời gian trôi qua.

Các vấn đề công khai và riêng tư về vấn đề tôn giáo lại nổi bật trong triều đại của Vua George III, khi vào năm 1785, con trai và người kế vị ông, Hoàng tử xứ Wales, bí mật kết hôn với một phụ nữ Công Giáo mà ông đã yêu điên cuồng. Nếu hoặc khi điều này được công khai, nó không những khiến ông bị tước mất ngai vàng mà còn gây ra một thảm họa chính trị cho cha ông nữa. Nhưng kết cục, cuộc hôn nhân tan vỡ chủ yếu là do hoàng tử lăng nhăng, uống rượu và tiêu xài hoang phí, và cuối cùng ông kết hôn với một người Thệ phản.

Vài năm trước cuộc hôn nhân bí mật này, nhà vua đã ủng hộ việc nới lỏng một số hạn chế đối với người Công Giáo, chủ yếu là để chiêu mộ thêm binh lính chiến đấu chống lại người Mỹ trong Chiến tranh giành độc lập của họ. Điều này không khiến George được lòng những thần dân Thệ phản kiên quyết hơn của ông, và tin tức về cuộc hôn nhân của con trai ông với một người Công Giáo khiến tình hình vốn đã khó khăn càng trở nên tồi tệ hơn. Sau cái chết của cha mình vào năm 1820, hoàng tử trở thành Vua George IV, và tuy từng yêu một người Công Giáo, thái độ của ông đối với Công Giáo sau đó tỏ ra kém thân thiện hơn nhiều. Phải có thiên tài chính trị của các chính khách vĩ đại người Anh như Robert Peel và Công tước Wellington mới thuyết phục được ông ký Đạo luật Cứu trợ Công Giáo năm 1829, loại bỏ nhiều hình phạt lịch sử đối với người Công Giáo nhằm ngăn cản họ tham gia đầy đủ vào đời sống chính trị và xã hội của quốc gia, vì ông lo sợ điều này vi phạm lời thề phong vương của mình.

Riêng đối với Nữ hoàng Elizabeth II, Khi đăng quang, tân nữ hoàng đã hứa “sẽ duy trì Tôn giáo Cải cách Thệ phản với quyền lực tối đa của mình.” Nhưng với thời gian trôi qua, rõ ràng là cam kết của nữ hoàng đối với đức tin Kitô giáo của bà quan trọng hơn cam kết của bà đối với Giáo hội Anh giáo.

Theo cựu Tổng giám mục Canterbury, Rowan Williams, chính Nữ hoàng Elizabeth II là người cuối cùng và dứt khoát đã phá vỡ sự cạnh tranh hàng thế kỷ giữa vương miện và ngôi giáo hoàng. Với tư cách là quốc vương, bà đã gặp năm giáo hoàng và chào đón hai vị đến Vương quốc Anh (Gioan Phaolô II năm 1982 và Bênêđíctô XVI năm 2010) ngay cả khi vấp phải sự phản đối kiên quyết của một số người Thệ phản, đặc biệt là trước chuyến thăm đầu tiên của một vị giáo hoàng.

Mặc dù sự tôn trọng của nữ hoàng đối với người Công Giáo là chân chính, nhưng nó cũng có giới hạn của nó. Luôn ý thức về những lời thề khi đăng quang, bà chỉ tham dự Thánh lễ một lần (lễ tang của nhà vua Bỉ năm 1993) và trong một dịp khác đã cản trở kế hoạch để Hoàng tử Charles khi đó tham dự Thánh lễ của Đức Gioan Phaolô II trong nhà nguyện riêng của ngài ở Vatican. Bất chấp nhiều cởi mở thực sự của bà đối với người Công Giáo, đối với vị Quản trị tối cao của Giáo hội Anh (hoặc người kế vị), việc tham dự Thánh lễ dường như là một cây cầu hơi đi quá xa.

Tương tự như cha mình là Hoàng tử Philip, Vua Charles III từ lâu đã thể hiện sự tò mò trí thức đối với Kitô giáo cũng như các tôn giáo khác, đặc biệt là Hồi giáo, và cởi mở đối với cái hiểu hợp thời về ý nghĩa của việc trở thành “Người bảo vệ Đức tin [viết hoa]”. Nhưng khi ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 1994 rằng có thể sẽ sớm đến lúc quốc vương được coi là “người bảo vệ đức tin [không viết hoa]” (chống lại làn sóng chủ nghĩa vô thần đang lên), đã có một số phản ứng tiêu cực mạnh mẽ, chủ yếu là trong Giáo hội Anh giáo. Kể từ đó, Charles đã từ bỏ tình cảm này, mặc dù mối quan tâm của ông đối với đối thoại liên tôn vẫn rất mạnh mẽ. Khi Charles ổn định với vai trò mới của mình, khả năng tồn tại trong tương lai của quốc vương với tư cách là nguyên thủ quốc gia cũng như mối quan hệ của nó với Giáo hội Anh giáo sẽ nằm trong tay ông.

Ở Vatican, có lúc, Nữ hoàng Elizabeth II được gọi là “vị quân chủ Kitô giáo cuối cùng”. Chỉ có thời gian mới trả lời được liệu đánh giá đó có chính xác không, không những đối với quá khứ gần đây mà còn đối với tương lai của chế độ quân chủ Anh.