Tiến sĩ Emeka Ani tham gia sâu sắc vào đời sống của Giáo Hội Công Giáo ở Đức. Ông là chủ tịch của Hội đồng Mục vụ Liên bang dành cho người Công Giáo nói tiếng mẹ đẻ và nghi lễ khác (BPR) của đất nước, đại diện cho số lượng người Công Giáo ngày càng tăng trong nước mà tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Đức.

Ngoài ra, ông còn là thành viên trong ban chỉ đạo của Ủy ban Giáo dân Công Giáo Trung ương Đức (ZdK) rất có ảnh hưởng.

Ông cũng là một trong những người tham gia vào Con đường đồng nghị của Đức, sáng kiến kéo dài ba năm gây tranh cãi nhằm tập hợp các giám mục và đại diện giáo dân để thảo luận về những thay đổi sâu rộng đối với giáo huấn và thực hành của Giáo hội trong bối cảnh khủng hoảng lạm dụng đang tàn phá.

Con đường đồng nghị tập chú vào bốn lĩnh vực - quyền lực, chức linh mục, phụ nữ trong Giáo hội và tình dục - và lên đến đỉnh điểm trong một loạt cuộc bỏ phiếu khiến Giáo hội địa phương rơi vào tình thế xung đột với Vatican.

Trong cuộc phỏng vấn Ngày 6 tháng 5 năm 2023 này do Luke Coppen của tờ The Pillar đảm trách, Tiến sĩ Ani suy nghĩ về kinh nghiệm của mình với Con đường đồng nghị, chính thức kết thúc vào tháng 3 với các nghị quyết ủng hộ các nữ phó tế, tái khảo sát luật độc thân của linh mục, giáo dân giảng trong các Thánh lễ và phép lành đồng tính.

Ông cũng xem xét tình trạng của Giáo hội ở Đức và vai trò có thể có của người Công Giáo nói tiếng mẹ đẻ khác trong việc đổi mới Giáo hội.



Ông đánh giá thế nào về tình trạng hiện nay của Giáo hội tại Đức?

Giáo Hội Công Giáo ở Đức hiện đang trải qua một giai đoạn rất hỗn loạn. Không chỉ vì các kết quả của Nghiên cứu MHG, vốn xem xét việc giáo sĩ ở các giáo phận Đức lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, mà còn vì các dấu hiệu mệt mỏi ngày càng gia tăng trong các vấn đề đức tin do chủ nghĩa thế tục hóa, chủ nghĩa giáo sĩ trị, và chủ nghĩa siêu cấp tiến đậm nét và đôi khi có tính khá xâm nhập. Tất cả những điều này đe dọa nền tảng và sự tồn tại của Giáo Hội Công Giáo ở Đức.

Ở giữa những diễn biến này là những người Công Giáo nói tiếng mẹ đẻ khác, những người nuôi dưỡng cách đúng đắn khuynh hướng của họ về các vấn đề.

Tuy nhiên, trước tiên, rõ ràng là Giáo hội ở Đức đang chia rẽ. Người ta nhận thấy sự chia rẽ ngày càng lớn giữa “giới ưu tú giáo dân”, những người ngày càng chuyên tâm vào các vấn đề chính trị của giáo hội, và các thành viên Giáo hội địa phương, những người quan tâm đến các vấn đề mục vụ. Điều quan trọng là phải giữ cho cả hai khía cạnh được cân bằng hợp lý để mọi người đều tìm được vị trí của mình trong Giáo hội.

Ngay cả cơ quan giáo dân lớn nhất trong Giáo hội ở Đức, Ủy ban Trung ương của người Công Giáo Đức, dường như không nhận thấy việc, trong quá trình tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề, nó đang dần phát triển theo cách khó có thể phân biệt được với một thể chế chính trị bình thường. Người ta thường cảm thấy tự thương hại cho các cơ cấu của Giáo Hội nhưng lại có sự tự tin thái quá về ảnh hưởng và vai trò đại diện của mình đối với các tín hữu Giáo Hội địa phương.

Mặt khác, thật đáng buồn khi thấy các giám mục, có lẽ chịu áp lực từ bên trong và bên ngoài, lại để cho mình bị chia rẽ, đến nỗi họ khó có thể bày tỏ ý kiến chung về nhiều vấn đề của Giáo hội. Đôi khi người ta mong đợi một cách vô dụng rằng các giám mục, với tư cách là mục tử của dân Chúa, sẽ hành động một cách thống nhất đối với Huấn quyền của Giáo hội. Điều này dẫn đến sự thất vọng và không chắc chắn giữa nhiều người Công Giáo.

Với tư cách là chủ tịch của Hội đồng Mục vụ Liên bang dành cho người Công Giáo nói tiếng mẹ đẻ và nghi lễ khác, ông đại diện cho số lượng ngày càng tăng của những người Công Giáo ở Đức có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Đức. Sự hiện diện của họ ảnh hưởng đến Giáo hội địa phương như thế nào?

Trong quá trình hoàn cầu hóa, Đức đang trải qua sự gia tăng nhập cư từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi chắc chắn đã trở thành một quốc gia nhập cư với nhiều lợi thế. Giáo Hội Công Giáo cũng đã được hưởng lợi rất nhiều từ điều này. Giáo Hội Công Giáo ở Đức ngày càng phụ thuộc vào các mục tử từ nước ngoài.

Tỷ lệ người Công Giáo nói tiếng mẹ đẻ khác ở Đức đã tăng lên 16.7%. Ở một số giáo phận, chẳng hạn ở Giáo phận Limburg, tỷ lệ giáo dân nói tiếng mẹ đẻ khác là trên 25%.

Trong khi các giáo đoàn địa phương đang có ít thành viên Giáo hội và những người đi nhà thờ hơn, thì các giáo đoàn Công Giáo nói tiếng mẹ đẻ khác đang có số lượng thành viên tăng lên đều đặn.

Về khía cạnh này, người Công Giáo nói tiếng mẹ đẻ khác đã tự tổ chức thành Hội đồng Mục vụ Liên bang dành cho người Công Giáo nói tiếng mẹ đẻ và nghi lễ khác để đại diện cho hơn 3.7 triệu tín hữu trong các cơ quan khác nhau của Giáo hội. Mục đích là để người Công Giáo nói tiếng mẹ đẻ khác có tiếng nói phù hợp trong việc lên khuôn Giáo hội ở Đức.

Sự phát triển tích cực này cũng đã được Ủy ban Trung ương của người Công Giáo Đức công nhận và được thừa nhận bằng một sự thay đổi đối với các quy chế của nó. Do đó, kể từ năm 2013, đã có ba đại diện từ các cộng đồng nói tiếng mẹ đẻ khác trong cơ quan quan trọng này, ngay cả khi hiện tại họ chưa được đại diện đầy đủ.

Những người Công Giáo mà ông đại diện nghĩ gì về tình huống này?

Sự phát triển đáng tiếc này trong Giáo hội ở Đức được nhiều người Công Giáo nói tiếng mẹ đẻ khác hết sức quan tâm. Có một mối quan tâm cho sự hợp nhất của Giáo hội và cho các giá trị Kitô giáo-Công Giáo.

Điều đó ngày càng trở nên rắc rối khi việc tìm kiếm điểm chung giữa các cộng đồng nói tiếng mẹ đẻ khác và Giáo Hội Công Giáo cổ điển ở Đức trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Điều này là do các tiêu điểm của Đạo Công Giáo dành cho người Công Giáo nói tiếng mẹ đẻ khác - cụ thể là truyền giáo, linh đạo, cầu nguyện và gia đình - đang ngày càng bị tụt lại phía sau trong Giáo hội địa phương ở Đức hoặc đang dần bị mai một. Đặc biệt về chủ đề gia đình, việc thúc đẩy và hỗ trợ gia đình cổ điển, về mặt giáo hội và xã hội, được coi là có tầm quan trọng hiện sinh.

Cuộc đàn áp Kitô giáo lan rộng ở nhiều nơi trên thế giới cũng là một trọng tâm của những người Công Giáo nói tiếng mẹ đẻ khác, nhưng thật không may, hiếm khi nhận được sự quan tâm và cam kết xứng đáng.

Linh đạo ngày càng bị tương đối hóa hoặc đôi khi hoàn toàn chuyển hướng sang các định hướng bổ sung, thí dụ: môi trường. Không, môi trường chỉ là một phần của linh đạo.

Linh đạo, như một kho báu của Đạo Công Giáo, nhấn mạnh rằng chúng ta là những người hành hương trên đường đến với Thiên Chúa - một con đường đòi hỏi sự chuẩn bị chi tiết và liên tục, cả bên trong lẫn bên ngoài, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn. Chúa Kitô nhấn mạnh trong Mátthêu 26:41 “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi bị thử thách. Tinh thần thì hăng say, nhưng xác thịt thì yếu đuối,”. Và trong Mátthêu 6:9-13, thậm chí Người còn dạy các môn đệ cách cầu nguyện. Trong nhiều trường hợp, Kinh Thánh nhấn mạnh việc Chúa Kitô nhiều lần rút vào chỗ trống vắng để cầu nguyện.

Tri nhận khác nhau về linh đạo này làm tăng thêm sự khác biệt trong thực hành đức tin giữa Giáo hội lãnh thổ ở Đức và cộng đồng người Công Giáo nói tiếng mẹ đẻ khác. Tôi không phủ nhận linh đạo cá nhân của bất cứ ai, nhưng linh đạo cũng phải được sống trong sự hiệp thông; Chúa Kitô nhấn mạnh trong Luca 22:19. “Hãy làm việc này mà nhớ đến ta”.

Những hố phân cách trong tri nhận này nên được lấp đầy càng xa càng tốt. Chẳng hạn, sẽ tốt biết bao nếu chúng ta xây dựng lại vô số địa điểm hành hương của mình ở Đức để thúc đẩy việc sống theo tinh thần và lòng đạo đức Công Giáo.

Ông có nghĩ rằng con đường đồng nghị đang góp phần vào việc đổi mới Giáo hội không?

Linh đạo và cầu nguyện là linh hồn của Giáo hội. Giáo hội được độc quyền về điều này so với các tổ chức chính trị. Cuối cùng, chúng ta phải đánh giá liệu Giáo hội ở Đức sẽ thu được những lợi ích thiết thực từ cách thức đồng nghị vẫn đang tiếp diễn hay liệu nó sẽ tiếp tục có xu hướng đi xuống ngay cả sau đó.

Trong khi các câu hỏi về quyền lực, cải cách cơ cấu và đạo đức tình dục là trọng tâm của các cuộc tranh luận, các giá trị Kitô giáo-Công Giáo khác như hòa giải, lòng thương xót và đổi mới tâm linh hầu như không có chỗ trong các cuộc thảo luận. Vẫn còn phải xem có bao nhiêu người cuối cùng sẽ tìm thấy một ngôi nhà tinh thần trong Giáo Hội Công Giáo thông qua con đường đồng nghị.

Một số cách diễn đạt trong các cuộc tranh luận, chẳng hạn như mô tả Giáo Hội của Chúa Kitô như một “tổ chức của các thủ phạm” [Täterorganisation], là sai, khiêu khích và hoàn toàn thiếu tôn trọng, và chắc chắn không dẫn đến việc trình bày lại Giáo Hội một cách hấp dẫn. Hoặc khi Thánh Giáo Hội Công Giáo ở Đức bị buộc tội công khai là thân cận với Đức quốc xã.

Những tuyên bố như vậy tạo ra sự náo động và phẫn nộ trong cộng đoàn những người Công Giáo nói tiếng mẹ đẻ khác. Việc Giáo hội ở Đức có thành công trong việc “làm sạch đồ sứ bẩn thỉu mà không làm vỡ nó hay không” là một phần của thách thức đối với con đường đồng nghị, chắc chắn có thể được đánh giá là một sáng kiến rất tốt.

Chúng ta không được để Giáo hội bị chôn vùi vì hành vi sai trái của một số giáo sĩ hoặc thậm chí vì một số sai sót trong cấu trúc. Bởi vì, bên cạnh những nạn nhân của hoạt động tội ác này, toàn thể Giáo hội cũng đau khổ.

Cũng cần phải đánh giá thế đứng của Giáo hội ở Đức trong tương quan với Giáo hội rộng lớn hơn liên quan đến các phần của các cải cách mong muốn vốn phụ thuộc vào Giáo hội hoàn vũ. Xét cho cùng, Giáo hội ở Đức là một phần của Giáo hội hoàn vũ chứ không phải ngược lại. Tuy nhiên, tiến bộ đã đạt được trong việc giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục của một số giáo sĩ là điều đáng khen ngợi.

Ông đã phát biểu trong một cuộc tranh luận trước cuộc bỏ phiếu của Con đường đồng nghị ủng hộ việc chúc lành đồng tính. Ông đã làm gì với nghị quyết đó?

Tôi có thể hiểu được thái độ đa số đối với việc ban phép lành cho các cặp đồng tính tại phiên họp đồng nghị. Nhưng tôi chỉ trích cách phiên họp xử lý thái độ của họ. Tôi nghĩ nghị quyết đã không đánh giá đúng tầm quan trọng của chính nó đối với Giáo hội hoàn vũ.

Nếu nó được quyết định dưới dạng yêu cầu duyệt xét lại, giống như nhiều nghị quyết khác, thì có lẽ tôi đã bỏ phiếu trắng, trong trường hợp xấu nhất. Đối với tôi, hoàn toàn không thể chấp nhận được việc phiên họp đồng nghị quyết định thực hiện ngay các phép lành, bất kể thượng hội đồng sắp tới về tính đồng nghị.

Tôi nghĩ thật không khôn ngoan nếu không chờ đợi kết quả từ thượng hội đồng thế giới. Đó là lý do tại sao tôi phải bỏ phiếu chống lại nó một cách rõ ràng với lý do chính đáng, bất chấp những lời chỉ trích và xúc phạm dự kiến, hết lời lăng mạ này tới lời lăng mạ nọ mà tôi đã nhận được cho đến nay. Đó là một vấn đề lương tâm đối với tôi.

Xin so sánh một chút, một phiên họp của Giáo hội Châu Phi chả lẽ lại có thể quyết định về các chủ đề như chế độ đa thê (điều đã được tổ tiên người Châu Phi thực hành qua nhiều thế hệ), việc tích nhập các thực hành voodoo, v.v., vào đức tin Cơ đốc, để thực hiện ngay lập tức.

Giáo hội hoàn cầu đã coi con đường đồng nghị với thái độ hoài nghi từ trước. Qua sự tham gia của cá nhân và cũng thông qua Ủy ban Trung ương của người Công Giáo Đức vận động cho các chủ trương của chúng tôi trong Giáo hội rộng lớn hơn, trong khi đó, chúng tôi đã giành được một số thiện cảm cho nó trong Giáo hội hoàn cầu. Sự đồng cảm này cuối cùng đã bị lãng phí phần lớn bởi lá phiếu duy nhất không tính đến vùng xám của sự ly giáo.

Ngay sau đó, đúng như dự đoán, quyết định này đã bị Vatican hủy bỏ. Điều này phủ một bóng đen lớn lên toàn bộ hoạt động của con đường đồng nghị. Trong một cuộc ly giáo, Giáo hội ở Đức không có bạn bè và không có thiện cảm trong Giáo hội hoàn vũ.

Tôi đặc biệt ngạc nhiên khi nhiều thành viên theo con đường đồng nghị, kể cả nhiều giám mục, dường như đã phớt lờ sự thật này, và theo ý kiến của tôi, đã cư xử thiếu khôn ngoan đối với Tòa thánh.

Cá nhân tôi coi con đường đồng nghị rất ít thành công, nếu không muốn nói là thất bại, liên quan đến những kỳ vọng đã được loan truyền trước đó. Ngay cả ý tưởng về một hội đồng đồng nghị, vốn đã bị Vatican bác bỏ, cũng không mang lại nhiều hy vọng. Bao lâu tất cả các giám mục và tất cả các giáo phận không cùng quan điểm, hội đồng đồng nghị chắc chắn sẽ thất bại.

Hội đồng đồng nghị không thể và không nên chỉ là một liên minh của những người sẵn lòng. Đặc biệt đối với một số cộng đồng và nghi lễ được tổ chức và quản lý giữa các giáo phận, điều đó trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là không nhất quán, khi một số giáo phận hoặc một số giám mục từ chối tham gia vào hội đồng đồng nghị.

Đó chính xác là lý do tại sao chúng tôi đang tập trung vào đối thoại và hòa nhập. Ngay cả trong thời gian chuẩn bị cho con đường đồng nghị, đã có cuộc đối thoại sâu rộng với các giám mục và Tòa thánh. Đối thoại như một điều kiện tiên quyết để thiết lập con đường đồng nghị là rất quan trọng để cuối cùng đạt được những thỏa hiệp cần thiết.

Đối với những người Công Giáo nói tiếng mẹ đẻ và các nghi lễ khác, người ta e rằng con đường đồng nghị đã không thành công trong việc thu hẹp khoảng cách giữa họ và các cộng đồng Đức cổ điển (hay đúng hơn là lãnh thổ); điều ngược lại dường như đã đúng, đặc biệt là đối với các chủ đề được xác định bởi Huấn quyền.

Ông nghĩ điều gì đang bị đe dọa trong cuộc đấu tranh hiện nay về đường hướng của Giáo hội ở Đức?

Cá nhân tôi sợ rằng Giáo hội ở Đức có nguy cơ đánh mất linh hồn của nó. Linh hồn của Giáo hội là thiêng liêng. Chừng nào phần này của Giáo hội không được nhấn mạnh, song song với các cải cách khác, Giáo hội ở Đức phải đối mặt với một sự biến hóa khó khăn thậm chí có thể khiến Giáo hội này xa lánh Giáo hội hoàn vũ.

Cuối cùng, Giáo hội đã được Chúa Kitô trao cho một sứ mệnh, phải được hoàn thành nhờ nỗ lực chung, có mục đích và hoạt động của Chúa Thánh Thần: “Người phán với họ: 'Hãy đi khắp thế giới, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo'” (Mc 16:15).

Giáo Hội Công Giáo không phải là một tổ chức thị trường và không nên bị đối xử như vậy trong cấu trúc hoặc thẩm quyền của nó: “Và với những người bán chim bồ câu, Người nói: 'Đem những thứ này ra khỏi đây và đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán'” (Ga 2:16).

Ở cốt lõi, Giáo hội cũng không phải là một nền dân chủ, và đúng như vậy. Chủ nghĩa dân túy, làm mọi việc chỉ vì lợi ích của nó, và chủ nghĩa tranh đấu có nguy cơ làm cho cuộc tranh luận trong Giáo hội trở nên vô ích.

Một nền văn hóa tranh luận mới, hoàn toàn dựa trên các giá trị Kitô giáo và cách cư xử Kitô giáo, phải được du nhập trở lại. Một cuộc thảo luận với một kết quả được xác định trước không dẫn đến việc thực hiện bền vững. Đó là lý do tại sao đôi khi tôi bỏ các cuộc trò chuyện bỏ ngỏ trong các cuộc thảo luận của chúng tôi. Chúa Kitô phải là trung tâm của các cuộc tranh luận. Theo tôi, một giáo hội coi trọng hoặc thậm chí mắc nợ các phương tiện truyền thông nhiều hơn dân Chúa là đang đi sai đường.

Người Công Giáo nói tiếng mẹ đẻ khác có thể đóng một vai trò nào đó trong việc đổi mới Công Giáo Đức không?

Một phần hy vọng của Công Giáo ở Đức nằm ở những người Công Giáo nói tiếng mẹ đẻ khác. Họ là tiếng nói từ trung tâm thường bị thiếu trong các cuộc thảo luận và định vị hiện tại.

Thái độ “chúng ta chống lại bọn họ”/“bọn họ chống lại chúng ta” như một phương thức hành xử giữa các cơ cấu giáo dân và cơ cấu Giáo hội là thiếu sót, không hữu hiệu và không phải là Kitô giáo. Giáo sĩ và giáo dân phải cùng nhau hành động như dân Chúa trong cuộc hành hương về với Thiên Chúa, được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần.

Khi bắt đầu con đường đồng nghị ở Đức, nhiều tiếng nói đã coi đây là cơ hội cuối cùng cho Giáo hội ở Đức. May mắn thay, những tiếng nói như vậy đã sai, bởi vì rõ ràng là họ không tính đến phán quyết của Chúa Kitô trong sự phát triển của Giáo hội của Người. Cơ hội cuối cùng cho Giáo hội không phải do chúng ta quyết định hay do con đường đồng nghị ở Đức. Quyết định thuộc về Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã sáng lập Giáo Hội và luôn đồng hành với Giáo Hội.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy số thành viên trong Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ đã tăng hơn 15 triệu người trong năm qua, trong khi số thành viên Công Giáo ở Đức đang giảm đáng kể. Nhìn dưới ánh sáng này, câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có đang làm điều gì đó sai trái ở Đức hay không.

Thống kê này cũng cho thấy rằng tập chú của Giáo hội hoàn vũ đã thay đổi. Điều đó cũng phải được nhìn nhận. Điều này có nghĩa là Giáo hội ở Đức có thể học hỏi từ Giáo hội hoàn vũ, và có thể sửa chữa những sai lầm trong việc dạy dỗ tôn giáo và thực hành đức tin.

Giáo hội hoàn vũ được đại diện ở Đức bởi những người Công Giáo nói tiếng mẹ đẻ khác. Sức sống trong đời sống đức tin và trong thực hành trong các cộng đồng Công Giáo nói tiếng mẹ đẻ khác, kể cả công tác giới trẻ, có thể là một điểm quy chiếu cho Giáo hội ở Đức.

Chúng ta cần suy nghĩ lại, định hướng lại và gắn kết với nhau nhiều hơn trong Chúa Kitô. Trên hết, một nền văn hóa đối thoại mới phải được thực hành trong các cuộc thảo luận công khai của chúng ta về Giáo hội của Chúa Kitô, mà chúng ta có vinh dự thuộc về. Điều này đảm bảo sự tham gia và hòa nhập. Vai trò của các phương tiện truyền thông trong các cuộc tranh luận của Giáo hội cũng đáng được đánh giá lại.

Việc thừa nhận làn sóng các Kitô hữu thuộc các giáo phái khác nhau với cơ cấu phù hợp gia nhập các Giáo Hội ở Đức là một điểm tích cực đối với phong trào đại kết nếu nó thành công tại địa phương.

Nhiều người di cư đến từ các quốc gia nơi các Kitô hữu bị bách hại. Họ đã quen với việc tìm kiếm sự đồng nhất và bảo vệ dưới một Chúa Kitô duy nhất mà không dính líu đến một phong trào đại kết giả tạo. Vì phong trào đại kết thừa nhận những điểm tương đồng về đức tin, vốn có rất nhiều, nhưng cả những ranh giới của những đức tin khác, đều phải được tôn trọng như nhau.