KỲ DIỆU CỦA MỘT KÝ ỨC
“Con hãy ra biển thả câu!”.

Năm 1884, một sinh viên qua đời; sau đám tang, cha mẹ anh quyết định làm một điều gì đó để có một ký ức về anh. Họ đến gặp hiệu trưởng Đại học Harvard. Charles Eliot hời hợt đón đôi vợ chồng, “Có lẽ hai người nghĩ đến một học bổng?”; “Một thứ gì đó quan trọng hơn!”, người phụ nữ đáp. Eliot không buồn nghe. Họ rời đi! Năm sau, hai người đến một trường khác và thành lập một ‘đài tưởng niệm’ trị giá 26 triệu đô, mang tên Đại học Leland Stanford Junior; ngày nay, nó được biết nhiều hơn với cái tên Stanford!

Kính thưa Anh Chị em,

Eliot đã đánh mất một cơ hội lớn, một ký ức không nhỏ của hai con người quảng đại! “Ký ức!”, đó cũng là một trong những chủ đề của Lời Chúa hôm nay khi Phêrô vâng lời Thầy “ra biển thả câu”, một kỷ niệm nhỏ chuyên chở một sứ điệp lớn. Qua đó, Phêrô sẽ trải nghiệm sự ‘kỳ diệu của một ký ức!’.

Biết rằng, sau lần tiên báo thứ nhất về cuộc khổ nạn của mình khiến các môn đệ xao xuyến, Chúa Giêsu đã cho Phêrô, Gioan và Giacôbê chứng kiến cuộc biến hình của Ngài. Hôm nay, sau lần tiên báo thứ hai về những ngày đen tối đó, Chúa Giêsu lại muốn Phêrô có thêm một trải nghiệm khác. Ngài bảo ông ra biển thả câu, lấy đồng tiền trong miệng con cá đầu tiên câu được để nộp thuế; và quả đã xảy ra như vậy! Đây là một trải nghiệm sẽ biến đổi Phêrô tận căn; nhờ xác tín, Phêrô sẽ chu tất sứ mạng của mình đến cùng!

Có vô vàn cách để Chúa Giêsu có một đồng tiền, nhưng Ngài lại muốn Phêrô lui về nghề cũ để bắt cá trong một trạng thái xao xuyến chưa từng có trước đây; để từ đó, ông có thêm một ký ức tuyệt vời về Thầy mình. Chính sự ‘kỳ diệu của một ký ức’ này sẽ thay đổi hẳn ông. Đây là một ký ức dứt khoát vốn sẽ xua tan nỗi sợ về tương lai chết chóc của Thầy. Ân sủng của phép lạ cá nhân này sẽ giúp Phêrô vượt qua tất cả! Trong thư thứ hai, Phêrô sẽ quả quyết, “Chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Ngài!”.

Qua bài đọc Đệ Nhị Luật, Môsê cũng gợi lại cho dân những ký ức tuyệt vời Thiên Chúa đã thực hiện, Ngài là “Đấng đã làm cho anh em những điều lớn lao và khủng khiếp mà chính mắt anh em đã thấy đó!”. Môsê kêu gọi dân hãy phụng sự và yêu mến Ngài; để từ đó, họ cất lời ca khen, “Giêrusalem hỡi, nào tôn vinh Chúa!” như lời Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Con hãy ra biển thả câu!”. Phêrô đã vâng lời, ra biển thả câu, một công việc xem ra quá nhỏ; ấy thế, qua đó, ông đã có một xác tín lớn về Thầy mình. Phêrô không đánh mất cơ hội nên đã trải nghiệm được sự ‘kỳ diệu của một ký ức’. Trong cuộc sống, bao lần chúng ta bỏ lỡ những cơ hội vốn cũng có thể ghi đậm một ký ức, một ký ức có thể thay đổi cách nhìn và cách sống của chính mình. Mỗi ngày, Thiên Chúa đang ghi vào lòng chúng ta những ký ức lớn nhỏ; giá mà chúng ta không bỏ lỡ chúng nhưng đọc được các dấu chỉ và ý muốn của Ngài! Với con mắt đức tin, chúng ta sẽ nhìn thấy những hành động nhỏ bé của Ngài luôn chuyên chở những sứ điệp lớn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con phải đợi chờ những gì lớn lao! Cho con nhận ra sự chăm sóc của Chúa qua những phép lạ nhỏ bé mỗi ngày, những phép lạ khả dĩ biến đổi con!”, Amen.

(Tgp. Huế)