NỤ CƯỜI TRONG ĐỜI THƯỜNG

Nước nào cũng có ‘nết tốt, thói xấu, tật dở hay điều quấy’. Riêng VN chúng ta thì nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh (1832- 1936) viết trong, tạp chí Đông Dương (1919) bài ‘An Nam Gì Cũng Cười’. Qua bài viết Ông Vĩnh cho cười thuộc ‘thói’ xấu. Tục ngữ VN có câu: Vô duyên chưa nói đã cười. Có duyên tức khi cười mọi người vui vẻ đồng ý. Ngược lại là vô duyên. VN thực tế như Thằng Bờm đại diện đứng về đông dân, trả lời : Phú Ông xin đổi nắm xôi Bờm cười

Trong bài khảo luận này chúng tôi chỉ viết theo dữ kiện tài liệu thâu thập được Nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) nhận xét :
An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.

Có kẻ bảo cười hết cả, cũng là một cách của người hiền. Cuộc đời muôn việc chẳng qua là trò phường chèo hết thảy không có chi là nghiêm đến nỗi người hiền phải nhăn mày mà nghĩ ngợi.

Ví dù được y như vậy, thì ra nước An Nam ta cả dân là người hiền. Nếu thế tôi đâu dám đem lời phường chèo mà nhủ người nhếch mép bỏ tính tự nhiên mà làm bộ đứng đắn lại, nghiêm nhìn những cuộc trẻ chơi.

Nhưng mà xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác; có cái láo xược khinh người; có câu chửi người ta; có nghĩa yên trí không phải nghe hết lời người ta mà gièm trước ý tưởng người ta; không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta.

Thực không có tức gì bằng cái tức phải đối đáp với những kẻ nghe mình nói chỉ lấy tiếng cười hì hì mà đáp. Phản đối không tức, kẻ bịt tai chẳng thèm nghe cũng không tức đến thế...

Ừ, mà gì bực mình bằng rát cổ bỏng họng, mỏi lưỡi, tê môi, để mà hỏi ý một người, mà người ấy chỉ đáp bằng một tiếng thì khen chẳng ơn, mắng chẳng cãi, hỏi chẳng thưa, trước sau chỉ có miệng cười hì hì, thì ai không phải phát tức.

Ta phải biết rằng, khi người ta nói với ta, là để hỏi tình ý ta thế nào. Ai nói với mình thì mình phải đáp. Tuỳ ý mình muốn tỏ tình ý cho người ta biết thì nói thực; không hiểu thì hỏi lại; mà không muốn nói tình ý cho người ta biết, thì khéo lấy lời lịch sự mà tỏ cho người ta hiểu rằng câu hỏi khi phạm đến một điều kín của mình. Hoặc là có khôn thì lựa lời mà tỏ cho người ta biết những điều mình muốn cho biết mà thôi, và khiến câu chuyện cho người ta không khỏi căn vặn được mình nữa. Nhưng phàm người ta hỏi, mình đã lắng tai nghe, là mình nợ người ta câu đáp. (‘Xét Tật Mình’(1913) XVII. Đông Dương tạp chí, số 22. VNTVHP tr. 185)

Truyện Cười trong văn học dân gian. Nội dung cảm xúc VN đa dạng qua ca dao, hò bằng tiếng cười phản chiếu bức tranh dân gian khắp nơi. Được gọi bằng danh từ khác nhau: Truyện Tiếu Lâm (tục), Khôi Hài (giải trí), Trào Phúng (đả kích, phê phán, vạch trần), Hài Hước (vui, cười). Tiếng Cười trong dân gian VN vô cùng phong phú có nhiều kiểu như. Cười mỉm, hiền, buồn, chế nhạo, hả hê, giễu cợt, châm biếm, hóm hỉnh, khúc khích, trừ, gượng, gằn, vô duyên, lả lướt, lãng nhách, hớn hở, bẽn lẽn, toe toét, mím chi, tình, lạt, đẩy đưa, ẩn ý, có nghĩa, dòn, tươi, chúm chím, ranh mãnh,.… Dưới đây xin mạn sắp xếp nội dung các tiếng cười, kèm theo câu ca dao chứng minh:

Trữ tình, tình cảm: Nụ cười “đưa tình’ say đắm, ngây ngất lòng người thật lạ lùng, khó tả.

Mình về, mình nhớ ta chăng
Ta về, ta nhớ hàm răng mình cười
Năm qua mua lấy nụ cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng xinh…
-Bới tóc cánh tiên, bỏ vòng lá liễu
Thấy miệng em cười, trời bảo anh thương
-Bông cúc nở trước sân, con bướm vàng nhận nhụy
Thấy miệng em cười hữu ý anh thương
-Tóc em dài em cài hoa thiên lý
Thấy miệng em cười hiền, anh để ý anh thương
-Thầy em có cục duyên ngầm
Miệng cười có nghĩa, anh quên mần bỏ ăn.
-Ngó lên đầu tóc em tròn
Hàm răng em trắng, miệng cười dòn anh mê

Hài hước

-Phòng trong sớm tối gài
Anh cười khúc khích, để phòng ngoài ngoài ngẩn ngơ
-Con quạ nó núp vườn chuối
Anh thấy em cười lỏn lẻn với ai
-Thôi thôi tình đã buông lơi
Chưa chi em vội cười toe toét
-Bắp non xao xác trở cờ
Thương nhau xin chớ nhởn nhờ cười trừ.

Giải trí, mua vui: Đang buồn hóa vui. Mua vui thiên hạ do nụ cười. Thật đúng khi nói “Nụ cười bằng mấy thang thuốc bổ”. Cười cho vui cửa vui nhà, cho đời đẹp tươi, khỏi phải khóc…Chẳng thế mà người ta bỏ tiền ra mua vé xem xiệc. Vì trong đó từ đầu đến cuối chỉ thấy cười là cười. Các trò ảo thuật mua vui, tạo tiếng cười cho đời.

-Cười nụ hay cười tình
Cười trăng cười gió hay mình cười ta
-Đêm năm canh, ngày sáu khắc chàng ơi
Chàng cười nửa miệng, thiếp tôi vui lòng

Phê bình giáo dục: Quan trọng của nụ cười là “phê bình và giáo dục”, không đâu tìm ra, bài học hay và hiệu quả ở ngay nụ cười. Đang giận hay nóng tính, cọc cằn, thô nỗ, buồn tủi…có nụ cười làm hòa tan ngay.

-Chiều chiều ra đứng vườn cà
Thấy anh cười lạt, em vô nhà em hốt muối em ăn
-Ra đường lắm chuyện bực mình
Về nhà gặp vợ cười tình cũng no
-Đêm năm canh, ngày sáu khắc chàng ơi
Chàng cười nửa miệng, thiếp tôi vui lòng.
-Con kiến vàng bò ngang đám bí
Thấy miệng em cười ẩn ý, anh đỡ lo.
-Cười nụ hay là cười tình
Cười trăng hay cười gió, hay mình cười ta.
-Phất phơ ngọn cỏ gió lùa
Thấy em cười gượng, anh chua xót lòng
-Cây tre nhặt mắt, gió quặt cây tre quằn
Nghe em cất tiếng cười gằn, anh trở thối lui.

Khoa trương phóng đại ngay trong việc cưới hỏi trước mặt họ hàng dân làng không sợ hổ ngươi. Làm hại những ai cả tin. Những câu ca dao sau ngầm ý cảnh nghèo ngay khi chưa cưới nhau. Một trong tục lệ cần bỏ : thách cưới

-Chàng dẫn thế em lấy làm sang
Nỡ nào em lại phá ngang như là
Người ta thách lợn thách gà
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang
-Cưới nàng anh toan dẫn voi
Anh sợ quốc cấm, nên voi không bàn.
-Ở đâu mà chẳng biết ta
Ta con ông Sấm, cháu bà Thiên Lôi
Xưa kia ta ở trên trời
Đứt dây rơi xuống làm người trần gian.

Bói toán : Lợi dụng dễ tin dân gian, nói ‘dựa hơi’, đôi khi lường gạt, phĩng phờ
-Hòn đất mà biết nói năng
Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn
-Từ nay tôi kịch đến già
Tôi chẳng dám cấy ruộng bà nữa đâu
Ruộng bà vừa xấu vừa sâu
Vừa bé hạt thóc, vừa lâu đồng tiền.

Lạc quan và cần mẫn : Hai yếu tố thành công của làm việc và gây dựng tương lai. Là sức mạnh của người bình dân. Thái độ ứng xử cần có hướng tới hạnh phúc tốt đẹp hơn.

-Thôi thôi tình đã buông lơi
Chưa chi em đã vội cười toét toe
-Thà rằng chịu cảnh gông xiềng
Còn hơn có vợ, cười vô duyên tối ngày
-Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì.

Động viên và tin tưởng: Nhắc bảo nhau, để ngày mai tốt đẹp hơn. Con người cần có niềm tin, hướng thượng, vươn lên, sống hiếu hòa.

-Đứng xa kêu bớ em mười
Thương hay không thương, xin nói thiệt chớ cười đẩy đưa
-Tưởng dâu bến đã có thuyền
Thấy em cười lãnh nhách, anh liền lui ghe

Thực tế và sinh sống, như bài “Thằng Bờm” được xếp loại ca dao trào phúng, hóm hỉnh, chống phong kiến, mang ý nghĩa ngụ ngôn. Cấu trúc là đối thoại giữa người giầu có (Phú Ông) và người nghèo (Thằng Bờm). Cuối bài đổi chác mới ngã ngũ, đâu cần “3 bò, 9 trâu, xâu cá mè, bè gỗ lim, chim đồi mồi”, thực tế trước mắt là “nắm xôi” no bụng, rất VN. VN thường hay nói: “Tiếng cười cao hơn mâm cỗ” cùng mang một ý nghĩa.

Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu,
Phú ông xin đổi một xâu cá mè.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè,
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim,
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi,
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.


Văn chương VN có nhiều nhà văn dùng tài châm biếm ‘cười’ nhìn thiên hạ.

Nguyễn Du (1786-1820) trong truyện Kiều, so sánh ‘trận cười’ đổi với ‘nghìn vàng’, và Ôn Như Hầu, có tư tưởng như nhau, (trong Cung Oán Ngâm Khúc) :

-Thúc Sinh quen thói bốc đồng
Nghìn vàng đổi một trận cười như không (c.1304-1305)
-Đã nên quốc sắc thiên hương
Một cười này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa
Theo tác giả phải cười đúng lúc, hợp lý
- Vân rằng :Chị cũng nực cười
Ai dư nước mắt khóc người đời xưa ( c. 105-106)
- Bên ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao (Kiều, c.1815-1816)
- Hương trời sá động trần ai
Dẫu vàng nghìn lượng, dễ cười một khi (Cung Oán Ngâm Khúc)

Tác giả truyện nôm Lục Vân Tiên là Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)

Ghét đời ư, Lệ đa đoan
Cười trong nước mắt thấy ai mà cười

Nhà văn Khái Hưng Trần Khánh Giư (1896-1947) trong tryện dài‘Nửa Chừng Xuân’ (1934) diễn tả nụ cười hồn nhiên dân quê.
Song tính vui cười hồn nhiên vẫn là tính căn bản của hạng người làm việc chân tay. Những sự phiền muộn chốc lát, họ quên ngay. Rồi người này nói đùa một lời, người kia pha trò một câu. Họ lại thi nhau cười khanh khách… (Nửa Chừng Xuân, nxb Tp HCM 1999, tr 224)

Thi sỹ Thế Lữ (1907-1989) mỉa mai nhìn và cười

Bấy lâu nay, xuôi ngược trên đường đời
Anh thấy chăng, tôi chỉ hát, chỉ cười
Như vui sống mãi trong vòng sung sướng
Là vì tôi muốn để cho lòng tôi tưởng

Nhà văn Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939) bi quan viết trong bài ‘Bức Dư Đồ Rách’

Nọ bức dư đồ thử đứng coi
Sông sông núi khéo bia cười
Biết bao công mới công vờn vẽ
Sao đến bây giờ rách tả tơi

Rồi trong bài ‘Muốn Làm Thằng Cuội’ lại ghi:

Rồi cứ mỗi đêm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

Hai nhà văn hiện đại ‘cười xây dựng’ những thói hư tật xấu trong xã hội, mong lành mạnh hóa trong đời sống quần chúng.

Tiểu thuyết “Số Đỏ” (hay Xuân Tóc Đỏ) của Vũ Trọng Phụng (Hà Nội, 1912-1939) là một tiểu thuyết văn học ‘cười, trào phúng’ đăng từ số 40 ngày 7.10.1936 và được in thành sách lần đầu vào 1938. Nhiều nhân vật và câu nói trong tác phẩm đã đi vào cuộc sống đời thường và tác phẩm đã được dựng thành kịch, phim. Nhân vật chính của Số Đỏ là Xuân - biệt danh là Xuân Tóc Đỏ, từ chỗ là một kẻ bị coi là hạ lưu, bỗng nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ trào lưu Âu hóa của giới tiểu tư bản Hà Nội khi đó. Thành công của Số Đỏ gây tiếng cười, chuỗi cười dài giòn giã, hả hê từ đầu đến cuối tác phẩm. Tác giả vạch ra hàng loạt cách nhìn chính xác sâu sắc linh động, độc đáo.

Trong chuyện ngắn ‘Vang Bóng Một Thời’(xb,1940) của Nguyễn Tuân (Hà Nội, 1910-1987). Tác giả khéo vẽ bức tranh xã hội đương thời. Khiến độc giả không thể che dấu nụ cười ‘than thân’ cho thời cuộc đảo điên.

Nhà thơ trào phúng Nguyễn Khuyến (Nam Định, 1835-1909) là đại thụ nền văn học dân tộc thuật lại cảnh gia đình nghèo, không dấu được ‘nụ cười’ khi giao tiếp, gặp gỡ có nhau.

VN quí nhất là có khách đến thăm gia đình, xưa đâu có phone mà gọi trước, nhớ nhau là tới. Nhưng nhà nghèo, cơm nước thì không, vườn rộng ao sâu, chẳng có gì để tiếp khách, dù lấy miếng trầu cũng không. Rõ thật buồn cười, thiếu xót. Đành lấy câu chào đón ‘xuông’ vậy, biết sao !

Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà
Cải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách, trầu không có
Bác đến chơi đây ta với ta
(Bạn đến chơi nhà)

‘Anh giả điếc’ là bài thơ tự trào diễn tả thực trạng xã hội đương thời có nhiều thói hư nết xấu, đành ‘giả điếc’ làm ngơ coi như cái gì cũng đẹp

Trong thiên hạ có anh giả điếc
Khéo ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây
Chẳng ai ngờ ‘sáng tai họ, điếc tai cày’
Lối điếc ấy sau này em không học
Tọa trung đàm tiếu nhân như mộc…
Hỏi anh, anh cứ ẫm à
(Anh giả điếc)


Thi sỹ Tú Xương hay Trần Tế Xương (Nam Định, 1870-1907), nhà thơ mang nhiều tâm sự kín đáo, sâu sắc đến ‘cười’ chua chát, dệt lên chân dung hiện thực gia đình và xã hội

Bên ngoài là vợ nghèo buôn bán kiếm sống, bên trong hậu thuẫn là chồng (làm thơ) con nheo nhóc (chăm chú học hành). Thi sỹ Tú Xương vẫn giữ bản lãnh nhân cách cho đẹp ‘duyên nợ’.
Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quán vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên, hai nợ âu đành phận
Năm nắng,, mười mưa, dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc :
Có chồng hờ hững cũng như không !
(Thương vợ)

Tết VN phải sung túc giàu sang, có ăn có mặc, trả xong nợ lần, mà chỉ vì nghèo gia đình phải che dấu. Thật là cười ra nước mắt. Châm biếm hết nỗi. Nhưng quan trọng là sống ‘sao cho ra cái giống người’
Năm mới chúc nhau
… Bắt chước ai chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết ở trong đời
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước
Sao cho ra cái giống người
(Năm mới chúc nhau)
Tóm lại về hai thi sỹ vui nhộn châm biếm bậc nhất để lại tiếng cười vang muôn thế hệ
Yên Đổ khóc dẫu cười không thế giới
Tú Xương nói nhẹ mảnh có thương tình

Văn sỹ Nga đánh giá cao và khuyến kích ‘giữ lấy Nụ Cười’

Nụ cười đáng là bao, lợi ích đáng giá vô vàn
Giầu sang cho ai cả đón nhận
Nghèo đi với người không biết cười
Cười trong chốc lát
Mà giữ lại kỷ niệm lâu dài
Bất cứ nghèo hèn hay có nghề nghiệp
Dễ dàng rộng mở vươn lên cười tươi.

Cười xây đắp tổ ấm, bảo vệ công ăn việc làm
Là biểu hiện an nhàn thư thái, gây tình thân thiện
Tăng niềm hy vọng đuổi tan mây mù mờ ám
Không cần mua bán, vay mượn, dễ bị đánh cắp
Ngay lúc này hãy cho đi
Gặp bất cứ ai hãy vui cười
Cởi mở rộng trao tặng cho nhau
Đang cần nụ cười của bạn
Cười đi, đừng hẹp hòi do dự đắn đo.

Thérèse Phạm Thị Thu (+, 1914)
Phỏng theo Soloviev, Thi sỹ Nga. 1960

Nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ

Giáo sư William F Fry (Ohio,1924-2014), giáo sư đại học Stanford Hoa Kỳ, chuyên về khôi hài và cười thì cho rằng trong một ngày bạn cười được 100 lần, bạn đã dùng sức tưởng tượng với việc chèo thuyền trong 10 phút. Kinh Thánh khuyên : ‘Phúc cho anh em đang khóc, vì anh em sẽ vui cười’ (Lc 6, 21)

Nhà thơ Cung Chi Lm Đinh Đồng Thượng Sách ca tụng một tu sỹ viết thành thơ qua bài “Nụ Cười”. Đó là thày Dòng Tiểu Đệ gốc Bỉ :

Anh Thạch ơi ! Anh Bảy ơi
Đời anh như thế còn đời nào hơn
Người người cảm kích tri ân
Tấm gương anh để còn hơn bạc vàng
Mà anh đâu có bạc vàng
Nhưng anh lại có lòng vàng tinh khôi
Anh yêu Chúa, anh thương người
Cách riêng anh thương mến con người Việt
Anh thương Xóm Chiếu nghèo nàn
Bạn bè lối xóm, công nhân bến tầu
Anh đọc kinh Việt làu làu
Thạo thông tiếng nói, giọng ngầu miền
Nơi anh ở : Nhà Huynh Đoàn
Hẻm Tôn Thất Thuyết bến an bờ lành
Ai ai ghé đến thăm anh
Cũng đều trải nghiệm chân tình cảm thương
Bao nhiêu phiền muộn buồn thương
Đếm được cho xuể dễ dàng đỡ nâng
Đẹp thay cuộc đời hiến dâng thân tình
Bỏ cha bỏ mẹ, quê hương
Sống tròn hai chữ hy sinh
Theo chân chính Chúa hy sinh cứu đời
Gặp anh là gặp nụ cười
Anh đi để lại nụ cười tươi nguyên…

(Paris, sau khi đọc bài của tác gỉa Liễu Trương
viết về tu sỹ ‘Tiểu Đệ’ gốc Bỉ
Tên là Pierre Rollier, tên Việt Nguyễn Văn Thạch
sống chết tại VN, 1957-2020)
(trên mạng GX VN 31.7.2020)

Linh mục thi sỹ còn ghi lợi ích diễm phúc được Đức Mẹ âu yếm mỉm cười’ : hiền từ, nhân hậu, châu báu, tươi mát, tha thiết và thương yêu.
Con rất yêu hình ảnh
Hình ảnh một nụ cười
Như sao trời lóng lánh
Như hoa nở đẹp tươi
Mẹ là hình ảnh ấy
Trên từng chặng đời con
Con vui mừng biết mấy
Khi Mẹ cười nhìn con
Một nụ cười hiền từ
Với người con bao hao hư
Một nụ cười nhân hậu
Đi sâu vào tâm tư
Đi đâu con cũng thấy
Trong đáy thẳm hồn con
Nụ cười châu báu ấy
Còn tươi mát nào hơn
Con chỉ mong một điều
Tha thiết biết bao nhiêu
Phút cuối đời được thấy
Mẹ đến cười thương yêu.
(Nụ Cười 2. TNT III tr. 156)

Bác sỹ thi sỹ Phương Du Nguyễn Bá Hậu (Hà Đông, 1924-2017) để lại bài ‘Nụ Cười’
Nụ cười tươi đẹp dễ ưa
Là hoa tâm nở làm vừa lòng nhau
Kẻ bần cũng giống kẻ giàu
Ai ai cũng có, khỏi cầu, khỏi xin
Nụ cười sưởi ấm con tim
Cười trong giây phút mà tình trăm năm
Dặm trường rừng núi khó khăn
Nụ cười cổ súy vui băng non ngàn
Bên bờ thất bại bi quan
Nụ cười khuyến khích trấn an tâm hồn
Trăm năm trong cõi hồng trần
Muôn ngàn nghịch cảnh, muôn ngàn khổ đau
Cố đừng nhăn mặt, mày chau
Gắng tìm cơ hội cho nhau nụ cười.
(Hoa Tâm, 2008, tr. 79)

Cuốn sách ‘Cái Cười Của Thánh Nhân’ của Thu Giang Nguyễn Duy Cần (Mỹ Tho,1907-1998) xuất bản 1972. Mục đích của sách có ghi ngay ngoài bìa sách: Sức mạnh ẩn chứa trong tiếng cười có thể phá tan những giá trị sai lầm của mọi thời đại’. Và tác giả nhận xét như một nhà văn tây phương từng nói : Tình yêu là vị thuốc bất tử. U mặc là lợi khí.Cười là sự bổ ích. Không có 3 cái đó, không dễ nói đến văn hóa toàn diện.

Sách gồm 69 chương. Kể lại những nụ cười của hiền nhân lấy trong kinh điển Trung Hoa làm gương. Cười quả là bổ ích, u mặc là lợi khí căng thẳng, ngột ngạt, khó khăn của như những chủ thuyết một chiều, máy móc của văn minh cơ khí. ‘Cái Cười của Thánh Nhân’ không chỉ là biên khảo văn chương mà còn hàm chứa những giá trị nhân văn. Những chuyện trong cuộc đời dưới lăng kính hài, thú vị, sâu sắc hơn. Sách không chỉ mua vui mà khiến suy nghĩ. Ở đây, Cái Cười làm thoát vòng tục lụy, cười vang tự do, khắp cõi trời, tung tăng, đùa chơi với đời. Tác giả mượn chuyện xưa để cười chuyện thời nay. Mỗi chương kể 1 có khi 2, 3 chuyện kèm lời bạt suy nghĩ.

Nụ Cười thánh thiện

Dưới đây xin góp nhặt những Nụ Cười thánh thiện trong nếp sống tu trì của ba thánh.

- Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (Pháp, 1879-1877) tìm thấy nụ cười trong bài tự thuật ‘Nước Trời của tôi’,7.8.1896, với trích đoạn :
‘Để có thể chịu đựng cảnh lưu đầy trong thung lũng nước mắt. Tôi cần có tia nhìn của Đấng Cứu Thế Thần Linh. Cái tia nhìn đầy trìu mến, để lộ cho thấy vẻ kiều diễm. Để cho tôi linh cảm được hạnh phúc Trên Cao. Đức Kitô của tôi mỉn cười với tôi. Khi tôi khao khát được gần Ngài. Rồi tôi không còn cảm thấy thử thách đức tin. Tia nhìn của Chúa, nụ cười xinh đẹp của Ngài… Đó là Nước Trời của tôi’ (Têrêsa, vị Thánh lớn nhất của thời đại mới. Tr. 62).
Năm 1897, chị còn ghi trong bài ‘Niềm vui của tôi’ :
‘Khi cõi Trời xanh trở nên u ám, và hầu như bỏ rơi tôi…Ôi sự đau khổ qúa đẹp. Khi người ta phủ nó dưới những đóa hoa. Tôi rất muốn đau khổ mà không một lời than. Để cho Đức Kitô được an ủi. Niềm vui của tôi khi thấy Ngài mỉm cười. (Sđd tr. 65)
Năm Têrêsa lên 10 tuổi, 25. 3.1883, lễ Phục Sinh, bố mẹ, cả nhà đi vắng, ở nhà một mình ngã bệnh nặng. Đến 13.5.1833, Chúa Nhật Hiện Xuống. ‘Đức Mẹ tiến lại phía con đã nở nụ cười khả ái’… ‘Thấy con đăm đăm nhìn tượng Đức Mẹ, chị (Marie) thì thầm nói : Têrêsa khỏi rồi’. (Thủ Bản Tự Thuật. xb Hương Việt,1997, lần thứ ba. Tr. 66 và 292)
Têrêsa còn viết trong hồi ký ‘Một Tâm Hồn’(Histoire d’une âme): Con thấy dược liệu thế gian hết thuốc chữa. Con thấy bệnh trong mình vẫn đau đớn như hầu phải chết. Con lại cố gượng quay nhìn lên tượng Đức Mẹ Đồng Trinh. Hết lòng tha thiết cầu xin Đức Mẹ thương con trong lúc vật vờ nguy hiểm ấy. Bỗng dưng Đức Mẹ linh động như người sống. Đức Mẹ hóa nên xinh đẹp lạ lùng quá trí khôn lường. Một điều xúc động tâm hồn con một các khôn lạ, là sự Đức Mẹ mỉm cười rất xinh. Với nụ cười xinh xắn ấy, bao nhiêu nỗi u sầu đau đớn trong mình con như biến hết! Hai hàng nước mắt ứa lên và từ từ chảy… (Kim Thiếu dịch (Lm Vũ Đức Khâm, Bùi Chu) Q1, in lần thứ 2, 1960, tr: 69)

-Hai Thánh giáo dục Gioan Don Bosco (Ý, 1815-1888) và Gioan Baotixita de Salle (Pháp 1651-1719) luôn vui cười với học trò. Nhờ vậy mà hai thánh đã đem chúng về với Chúa. Trong các nhà nguyện dòng Don Bosco chỉ có tượng Chúa Phục Sinh (Alleluia) thay vì tượng Chịu Nạn. Vì học trò Don Bosco thích Chúa ‘vui tươi’ hơn ‘đau đớn’.

- Thánh Phanxico d’Assisie (Ý, 1181-1226) nổi tiếng với ‘Kinh hòa bình’. Ngài vui cười và đã chinh phục được cả đàn chim không ồn ào để cho người ta ‘nghe’ ngài giảng

- Thánh Padre Pio (Ý, 1887-1968) được Chúa cho ơn là biết qúa khứ một người, trong các huấn dụ, bài giảng. Cha có tài thu hút do ‘Năm Dấu Thánh Chúa in’ mà còn biệt tài dùng nụ cười lôi kéo người đến vào tòa giải tội. Một hôm Cha đang giảng lễ, cha quay về một anh 51 tuổi và hỏi : Đã bao năm anh chưa xưng tội? Anh thưa, từ ngày mẹ dạy Rước Lễ Lần Đầu. Sau lễ anh xếp hàng xưng tội.

- Thánh Thomas More (Anh, 1478-1535) làm cho những ai chung quanh máy chém cười khi can đảm tuyên bố : Thưa trung úy, xin giúp tôi leo lên, còn chuyện đi xuống, tôi sẽ lo liệu. Ngài xin đám đông cầu nguyện cho ngài, rồi qùi xuống đọc kinh Miserere (Thương Xót). Ngài tự cột mắt, vạch râu khỏi tấm ván và nói những lời sau cùng: Qủa là tội nghiệp bị chặt đầu mà chẳng hề phạm tội. Trước khi bị hành quyết, thánh đã yêu cầu người ta trả cho lý hình một đồng tiền vàng để thưởng công phục vụ tốt, xứng đáng.

-Thánh Mẹ Têrêsa Calcutta (Albanie 1910-1997) và các chị Dòng Bác Ái luôn vui tươi cười đón nhận, cứu vớt những người hấp hối, gìa yếu, tàn tật, trẻ em bị bỏ rơi. Các sơ đã nhận ra Chúa Giêsu nơi những người bất hạnh.

Đấng Đáng Kính (2017) GH Gioan Phaolô I (Ý, 1912-1979) người ta gọi Ngài là ‘‘Giáo Hoàng Nụ Cười” (Il Papa del Sorriso) hay ‘Cười Của Chúa’ (Il Sorriso di Dio). Nhưng tiếc là Ngài chỉ làm Giáo Hoàng có 33 ngày mà đã chinh phục cả thế giới, bằng nụ cười.
-Ngày 7.6.2021, tại nhà thờ St Louis Roma, ĐGH Phanxicô gặp nhóm linh mục đang du học ở Roma. Ngài kêu gọi ‘ người chăn chiên phải nhuốm mùi chiên’. Biết vui cười và khóc với họ. (Vatican News 7.6.21)

Nụ Cười trong nghệ thuật và hội họa

Ai có viếng nhà thờ chính tòa Reims, đi vào cửa nhỏ bên hông trái, ngước lên sẽ thấy nhóm Thiên Thần trong vòm cửa bằng simăng, ở giữa có ‘Thiên Thần Mỉm Cười’

Bức họa nổi tiếng nụ cười Mona Lisa (hay La Gioconda hay La Joconde) của họa sỹ Leonardo da Vinci người Ý vẽ (từ 1495 tới 1498) chân dung Lisa Gherardini, vợ của nhà buôn Francesco del Giocondo, người Ý, sống ở Florene. Bức Mona Lisa là phụ nữ bí ẩn với nụ cười mang nhiều ẩn số. Dù vậy, cho tới nay, người ta vẫn tìm ra một số thông tin xung quanh kiệt tác này. Bức họa này là đại diện cho canh tân trong hội họa bấy giờ. Đây là họa phẩm chân dung đầu tiên tập trung cao độ vào nhân vật. Trước thế kỷ 20, bức Mona Lisa, ít ai biết. Nhưng vào 1911, bị đánh cắp, lưu lạc 2 năm. Dần dần nổi tiếng trong hội họa. Hiện giờ, bức họa này thuộc chủ quyền Pháp và đặt tại Musé Louvre.

Mua vui thiên hạ. Vua Hề thế giới Charlie Chapin (Londres 1889- 1977), thường gọi hề Charlot) đã đoạt giải Oscar danh dự 1972, sau 12 phim hài hước. Phim ‘Ánh Sáng Đô Thị’ (Limelight, 1952) hay nhất: mô tả ông và cô gái mù, sau một thời gian gặp nhau nhờ giọng nói và nụ cười. Ông đã dâng hiến cả đời mua vui thiên hạ. Nhìn ông xuất hiện nơi công chúng với mũ, cây gậy, đôi giầy mõm dài, quần rộng, chân đi hai hàng…Ai cũng cười. Ngôi mộ của ông tại nghĩa trang miền nam Pháp ghi : Charlot (photo, Charlie Chapin)
Tiếng cười Cá tháng Tư, phát sinh tại Pháp, 1582, thời vua Charles IX, và lan rộng khắp nơi. Ngày ấy, ai cũng có thể ‘nói dối’ và ‘vui, cười’ vì mình bị lừa vô tội vạ.

Kết luận bằng thông điệp văn hóa của Nụ Cười : Nụ Cười là ngôn ngữ phi văn tự con người có. Nó có sức hấp dẫn trong cuộc sống thường ngày. Cũng là sức mạnh truyền đạt tâm tình dù mới gặp hay quen, thườn gặp, lâu dài. Ai giữ được nụ cười trên môi, chứng tỏ trong lòng tràn đầy hy vọng và đầy sức sống. Những người mặt ủ mày chau, hẳn còn nhiều u uẩn tâm tư ! Nụ Cười thân thiện niềm nở khi giao tiếp, chuyển đạt thông tin thay cho lời chào. Cũng dùng khi từ chối khéo một đề nghị, thay vì nói không. Chân thành là Nụ Cười mong muốn nhất. Hãy chọn cho mình Nụ Cười trong mọi hoàn cảnh. Vì Nụ Cười là chìa khóa giao tiếp. Nụ cười được mọi người hưởng ứng tức có thiện cảm, là Nụ Cười luôn tươi vui, vươn lên.
Xin hãy nhớ :
Thứ nhất là đạo làm người.
Dù no dù đói cho tươi mặt mày.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

-DƯƠNG QUẢNG HÀM. VN Thi Văn Hợp Tuyển. Sudasie, 75005 Paris.
- KIM THIẾU (Histoire d’une âme) dịch, Một Tâm Hồn,
(Lm Vũ Đức Khâm, Bùi Chu) Q1, in lần thứ 2)