* Thiên Chúa tạo dựng loài Thực Vật *

Trình thuật theo Thánh Kinh

Ngày Thứ Ba
Rồi Ngài làm nên đất và biển
Ngài phán, thì cây cỏ mọc lên
Đất sinh ra mọi loại hạt giống
Và Chúa vui lòng về công việc của Ngài.

SÁNG THẾ KÝ 1:9-13

Đức Chúa Trời phán: “Nước dưới bầu trời phải tụ lại một nơi và phải có chỗ khô cạn xuất hiện,” thì có như vậy. Đức Chúa Trời gọi chỗ khô cạn là “đất,” còn khối nước tụ lại là “biển.” Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt đẹp. Đức Chúa Trời phán: “Đất phải sinh thảo mộc: cỏ kết hạt giống, cây trên đất tùy theo loại mà ra trái và kết hạt,” thì có như vậy. Đất sinh cây cỏ: cỏ kết hạt tùy theo loại, cây ra trái và trong trái có hạt, tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt đẹp. Vậy, có buổi tối và buổi sáng. Đó là ngày Thứ Ba.
*Phúc Âm Matthew 7: 16-20: “Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được. Nào có ai hái trái nho nơi bụi gai, hay là trái vả nơi bụi tật lê? Vậy, hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt; nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu. Cây tốt chẳng sanh được trái xấu, mà cây xấu cũng chẳng sanh được trái tốt. Hễ cây nào chẳng sanh trái tốt, thì phải đốn mà chụm đi. Ấy vậy, các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được.”.
*Theo Thánh Kinh, các loài thực vật đươc nói đến hàng ngàn lần từ cây cỏ, bông hoa, những cây chế biến thành thực phẩm, hương liệu, gia vị, làm thuốc, mỹ phẩm, đồ dùng…
Ngoài những cây quen thuộc ta thấy thường ngày như lúa mì, nho, táo, chà là, ô-liu, lựu…cùng muôn loài hoa khoe sắc xinh tươi mà sự huy hoàng lộng lãy của Salomon còn thua kém.
Còn những loại ta ít thấy như tùng, bách, sim, hoàng dương…
Và có loại nói đến trong Thánh Kinh mà ta không thấy bao giờ như cây ‘ Sittin ‘ dùng làm cột Lều Tạm hay cây ‘ Hô lồ ‘ ép lấy nước để ướp xác.

Trong Thánh Kinh còn nhắc đến 7 loại cây phổ biến thời Chúa Giê-su là :

1-Cây Ngọt : Cây cao lớn từ 25-30m, làm nhà, đóng bàn ghế, đồ gia dụng, trang trí, cung cấp nhựa ngọt làm thực phẩm.
2-Cây tuyết tùng : họ thông, cổ thụ, nói đến nhiều trong Kinh Thánh và Thánh vịnh, trên miền núi Lebenan còn 400 cây sống 2000 năm dựng nhà, đóng tàu. Vua Salomon dùng cây tuyết tùng xây dựng Đền Thánh Jerusalem.
3-Cây keo : Mọc nhiều tại thung lũng Jordan và sa mạc Sinai, nhựa chữa lành vết thương, chế biến thực phẩm.
4-Cây nhựa thơm : họ tràm, tinh dầu làm sà phòng và chế biến thực phẩm.
5-Cây bách : Dựng nhà, đóng tàu, làm đồ gia dụng- Ông Noe dùng cây bách để đóng tàu.
6-Cây vả : Thấy nhiều tại vùng Đìa Trung Hải và Israel xem giới thiệu sau.
7-Cây Ô-liu : Đa dụng, sẽ giới thiệu ở phần sau.

Thánh Giu-se thời Chúa Giê-su, Ngài làm nghề thợ mộc biết rõ về 7 loại cây này.

*Chúa tạo dựng muôn loài chứng minh Tinh Yêu Chúa đối với loài người sa ngã vì tội lỗi.
Và ban cho con người -là hình ảnh cao quí của Thiên Chúa- được làm chủ muôn vật từ động vật đến thực vật.
Sự tạo dựng của Ngài nằm trong chương trình cứu độ loài người và giúp con người có phương tiện hoàn hảo nguyện vọng hướng về Nước Trời.
Bài viết này, chỉ trình bày về mấy Thực Vật tiêu biểu trong Thánh Kinh. ( Loài Động Vật và các loại Hoa sẽ có bài tiếp sau )

Diễn trình các loài Thực Vật tiêu biểu để chúng ta có khái niệm tổng quát :

-Trái Cấm : Vườn Địa Đàng.
-Lúa Mì : Bài học Lúa Mì và Cỏ lùng
-Trái Nho : Biểu tượng Hội Thánh.
-Trái Ô-liu : Vườn Giêtsêmani
-Trái Vả : Bị Chúa nguyền rủa vì không trái
-Trái Lựu : Trang trí vương miện và phẩm phục tư tế.
-Trái Chà-là : Bài học từ cây Chà-là
-Trái Táo : Bảng đeo ngực và các bộ áo thánh

*Bà E-Và ăn TRÁI CẤM trong vườn Địa Đàng

Chương 3 : 1- 24

Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không? Người đàn bà nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.”Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. Bấy giờ, mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân.

Nghe thấy tiếng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?” Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.” ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?”Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?” Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.” ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán với con rắn:
“Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.
Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”

Với người đàn bà, Chúa phán:
“Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi.”

Với con người, Chúa phán:
“Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: “Ngươi đừng ăn nó”, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng.
Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.”

Con người đặt tên cho vợ là E-và, vì bà là mẹ của chúng sinh. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa nói: “Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi.” ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Ê-đen để cày cấy đất đai, từ đó con người đã được lấy ra.

Người trục xuất con người, và ở phía đông vườn Ê-đen, Người đặt các thần hộ giá
với lưỡi gươm sáng lóe, để canh giữ đường đến cây trường sinh.

(*) Ghi chú: Thánh Kinh không nói Trái Cấm là trái gì, nên người ta thường dùng Trái Táo thay thế.

-Vườn Địa Đàng trào dâng muôn sức sống,
Adam Evà hưởng hạnh phúc thế trần,
Bất tuân phục lời Chúa chỉ một lần,
Mất tất cả, sa vào vòng tội lỗi.

*Lúa Mì và Cỏ lùng.

Mát-thêu.13 : 24- 30

Đức Chúa Jêsus phán ví dụ khác cùng chúng rằng: Nước thiên đàng giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Nhưng đang khi người ta ngủ, thì kẻ thù chủ ruộng liền đến, gieo cỏ lùng vào trong lúa mì, rồi đi. Đến khi lúa mì lớn lên, và trổ bông, thì cỏ lùng cũng lòi ra. Các đầy tớ của chủ nhà bèn đến thưa rằng: Thưa chủ, chủ không gieo giống tốt trong ruộng chủ sao? Vậy thì cỏ lùng bởi đâu mà ra? Chủ đáp rằng: Ấy là một kẻ thù đã làm điều đó. Các đầy tớ thưa rằng: Vậy chủ có muốn chúng tôi đi nhổ cỏ đó chăng? Chủ rằng: Chẳng nên, e khi nhổ cỏ lùng, hoặc các ngươi nhổ lộn lúa mì đi chăng. Hãy để cho cả hai thứ cùng lớn lên cho đến mùa gặt; đến mùa gặt, ta sẽ dặn con gặt rằng: trước hết hãy nhổ cỏ lùng, bó lại từng bó mà đốt đi; song hãy thâu trữ lúa mì vào kho ta.

-Mt.13 : 29 = Đợi mùa gặt sẽ nhổ cả hai, lúa mì đưa vào kho, cỏ lùng đem đốt đi.
-Mt.13 : 41 = Phân biệt người lành kẻ ác như Lúa mì và Cỏ lùng.

-Nước Thiên Đàng giống như người gieo giống,
Kẻ thù gieo cỏ lùng vào lúa mì,
Mùa gặt đến nhặt cỏ lùng đốt đi,
Người tốt xấu sẽ phân chia rõ rệt.

*Vườn nho tượng trưng cho Hội Thánh

Trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu ( Mt. 21 : 33-44) Đức Giê-su lấy lại hình ảnh vườn nho được nói trong I-sai-a chương 5, để kể một dụ ngôn nhằm chống lại các nhà lãnh đạo Do-thái. Vườn nho là dân Ít-ra-en được Chúa trao cho các tá điền là họ chăm sóc. Nhưng họ đã không đem lại hoa lợi cho Chúa, lại còn hành xử gian ác khi bách hại các sứ giả Người gửi đến là các ngôn sứ, và cuối cùng giết chết chính người con duy nhất của ông chủ là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa.
Kết thúc dụ ngôn, Đức Giê-su nói với giới lãnh đạo Do-thái rằng : “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”. Vườn nho tượng trưng cho Nước Thiên Chúa đã được ban cho dân mới, đó là Hội Thánh và những tá điền tốt lành là những người phục vụ Hội Thánh.
Tin Mừng Gio-an cũng dùng hình ảnh cây nho và cành nho để nói về mối tương quan thân thiết giữa Đức Giê-su và các môn đệ. Như Ít-ra-en, các tín hữu trong Hội Thánh được mời gọi trổ sinh hoa trái tốt lành qua việc thực thi giới răn yêu thương của Chúa. Để được như vậy, Hội Thánh phải luôn kết hiệp mật thiết với Đức Giê-su như cành nho gắn liền với cây nho.

-Mt.27 : 33- 43 = Ông chủ vườn Nho và những tên đầy tớ phản bội.
-Is.51 : 1- 7 = Nho giống tốt lại sinh trái xấu.

-Chủ vườn nho giao tá điền chăm sóc,
Tá điền không đem lại ích lợi nào,
Chính Chúa Giê-su là chủ vườn nho,
Bất tuân phục lại còn ra tay giết.

*Các cây Ôliu trong vườn Giệtsêmani,
Những kết quả của nghiên cứu khoa học

(Roma) – Cây ôliu tại vườn Giệtsêmani, một trong những địa điểm linh thiêng nhất của Kitô giáo – nơi đây gợi nhớ đến sự đau khổ của Chúa Giêsu trước khi bị bắt –

Kết quả của công trình nghiên cứu khoa học được tiến hành từ năm 2009, trên tám cây ôliu cổ thụ trong vườn được Ban gìn giữ Đất Thánh chăm sóc đã được trình bày tại Rôma. Các chuyên gia của Hội đồng nghiên cứu Quốc gia (CNR), và các trường đại học khác nhau ở Ý đã tham gia vào công cuộc nghiên cứu này.
Người gìn giữ Đất Thánh, cha Pierbattista Pizzaballa đã cùng với cha Massimo Pazzini, hiệu trưởng Học Viện Kinh Thánh Phanxicô ở Giêrusalem, Giáo sư Giovanni Gianfrate, điều phối viên dự án, nhà nông học và chuyên gia về lịch sử phát triển cây ôliu ở vùng Địa Trung Hải, và Giáo sư Antonio Cimato, trưởng nhóm nghiên cứu khoa học, người đầu tiên nghiên cứu về cây và gỗ của Hội đồng nghiên cứu Quốc gia ở Florence, giải thích với các phóng viên về ý nghĩa của việc nghiên cứu.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy ba trong số tám cây ôliu, có niên đại từ giữa thế kỷ XII. Do đó, các cây này khoảng 900 năm tuổi. Nhưng có một điểm cần được làm rõ: ngày tuổi chỉ đề cập đến phần trên mặt đất của cây- thân cây và tán lá. Còn trong thực tế, các nghiên cứu tương tự đã cho thấy rằng một phần rễ có niên đại cổ xưa hơn.
Các kết quả điều tra cũng phải được đặt trong mối liên hệ với niên sử du lịch cổ của những người hành hương, các nhà nghiên cứu giải thích rằng Vương Cung Thánh đường Giệtsêmani đã được xây dựng lại lần thứ hai vào giữa năm 1150 và 1170 (thời gian mà Đạo binh Thánh giá tham gia vào việc qui hoạch lại các nhà thờ lớn của Thánh địa Giêrusalem). Do đó, trong khi xây dựng Vương Cung Thánh Đường Giệtsêmani, khu vườn được Đạo binh Thánh giá sắp xếp lại, và họ đã can thiệp để hồi sức cho các cây ô liu hiện nay.
Một kết quả khác gây nên một mối quan tâm lớn khi các nhà nghiên cứu xác định dấu vân tay di truyền trong tám cây. Phân tích DNA của chúng cho thấy trong tất cả tám mẫu đều được miêu tả có “gien di truyền giống nhau”. Kết luận này đã đưa ra nét riêng biệt là tám cây ô liu là những cây “sinh đôi”, và như thế chúng có “đặc điểm di truyền giống nhau”. Điều này chỉ có thể nói lên một điều duy nhất là: tám cây ô liu này có nguồn gốc từ một cây mẹ. Hoặc có thể lập luận rằng, tại một thời điểm trong lịch sử – vào thế kỷ XII, và có thể khá lâu trước đó – người ta đã trồng trong vườn Giêtsêmani những cành giâm chiết từ một cây duy nhất, như cách mà những người thợ làm vườn xứ Palestine vẫn còn làm. Trong các sách Tin Mừng, thời điểm Chúa Giêsu Kitô, cây ôliu đã có ở đó và chúng là những cây lớn. Và sự tồn tại tiếp theo của họ được chứng thực bởi một công cuộc nghiên cứu so sánh cẩn thận của các sử gia và khách hành hương qua nhiều thế kỷ.
Cha Pierbattista Pizzaballa, trình bày các kết quả nghiên cứu, lưu ý rằng “đối với các Kitô hữu, những cây ô liu của vườn Giệtsêmani được coi như một bằng chứng “sống động” cho cuộc khổ nạn của Đức Kitô, chúng làm chứng cho sự vâng phục tuyệt đối với Chúa Cha, thậm chí hy sinh bản thân mình cho sự cứu độ của tất cả mọi người, và cũng là một dấu hiệu của con người để “thi hành ý Thiên Chúa”, cách duy nhất để xác định một kitô hữu. Tại đây, Đức Kitô đã cầu nguyện với Chúa Cha, và đặt niềm tin tưởng vào Ngài để có thể vượt qua những đau đớn của cuộc thương khó và sự khủng khiếp trên thập giá, sự phục sinh và cứu chuộc loài người.
Những cây ô liu lâu đời này đã miêu tả “nguồn gốc” và “sự tiếp nối của các thế hệ” cộng đoàn Kitô hữu của Giáo Hội Mẹ tại Giêrusalem. Khi những cây này- được trồng, bị cháy, bị tiêu diệt và một lần nữa lại mọc lên. Trong suốt lịch sử, những cây ôliu này là chứng từ cho một đức tin đã bén rễ sâu của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, mặc cho bao trở ngại và bách hại, vẫn sống cách mạnh mẽ.
Carlo Giorgi

-Đệ Nhị Luật.28 : 40 = Trái ô-liu giống tốt lại sinh trái xấu.
-Đệ Nhị Luật.8 : 8 = Miền đất phì nhiêu sinh trái ô-liu tốt để ép dầu

-Vườn Ô-liu Chúa dâng lời cầu nguyện,
Vâng ý Cha hơn là theo ý Con,
Để cứu chuộc lòai người được vẹn tròn,
Máu Chúa hòa vào mồ hôi nhỏ xuống.



*TẠI SAO CHÚA GIÊSU NGUYỀN RỦA CÂY VẢ?
(Mc 11, 12-14. 20-21)
Hôm sau, khi thầy trò rời khỏi Bêtania, thì Đức Giê-su cảm thấy đói. Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. Người lên tiếng bảo cây vả: "Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa! " Các môn đệ đã nghe Người nói thế.
Thầy trò đến Giêrusalem. Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ. Người giảng dạy và nói với họ: "Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! " Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giêsu. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người. Chiều đến, Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi thành.

Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài thấy nó đã chết khô tận rễ. Ông Phêrô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giêsu: "Kìa Thầy xem: cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi !

-Châm ngôn.27 : 18 = Ai săn sóc cây vả sẽ được ăn trái.
-Ê-dê-kiên.8 : 8 = Đất phì nhiêu sinh trái tốt.

-Từ xa Chúa nhìn cây vả tốt lá,
Thất vọng vì không sinh được trái nào,
Lời Chúa rủa đã ứng nghiệm biết bao.
Sáng hôm sau cây đã bị khô héo.

*Kinh Thánh viết gì về trái lựu

Chuông vàng và trái lựu trên áo Ê-phót của Thầy Tế Lễ A-rôn
Ngươi cũng hãy may áo dài của ê-phót toàn bằng vải tím.
Ở giữa áo có một lỗ tròng đầu vào; viền chung quanh, dệt như lỗ áo giáp mặt lưới, iđể cho khỏi tét.
Nơi biên dưới may thắt trái lựu màu tím, đỏ điều, đỏ sặm, cùng chuông vàng nhỏ đan tréo nhau ở vòng theo viền, cứ một cái chuông rồi kế một trái lựu, ở vòng khắp chung quanh viền áo.
Khi A-rôn hầu việc tế lễ, sẽ mặc áo đó; và khi vào hoặc ra khỏi nơi thánh trước mặt Ðức Giê-hô-va, nếu người ta còn nghe tiếng chuông vàng nhỏ kêu leng keng, thì A-rôn chưa chết, còn im lặng thì đã chết.

Vua Sa-lô-môn đội vương miện hình trái lựu.
Họ cũng chế áo dài của ê-phót bằng vải thường toàn màu tím.
Cổ để tròng đầu vào, ở về chính giữa áo, như lỗ áo giáp, có viền chung quanh cho khỏi tét.
Nơi trôn áo, thắt những trái lựu bằng chỉ xe mịn màu tím, đỏ điều, đỏ sặm;
lại làm chuông nhỏ bằng vàng ròng, gắn giữa hai trái lựu, vòng theo chung quanh trôn áo; cứ một trái lựu, kế một cái chuông nhỏ, vòng theo chung quanh trôn áo dùng để hầu việc, y như lời Ðức Giê-hô-va đã phán dặn Môi-se.

Nhiều trái lựu được trang hoàng trên hai cột trước đền thờ:
Hu-ram lại làm những bình tro, vá, và chậu. Hu-ram làm xong công việc người đã vì Sa-lô-môn làm trong đền của Ðức Chúa Trời: tức hai cây trụ ở trên chót trụ; hai cái đầu trụ ở trên chót trụ; hai tấm lưới bao hai cái bầu của đầu trụ ở trên chót trụ; bốn trăm trái lựu gắn vào hai tấm lưới, mỗi tấm có hai hàng trái lựu, đặng bao hai cái bầu của đầu trụ ở trên chót trụ.

Logos của Hội Truyền giáo CM&A có vương miện vẽ theo chũm trên đầu của trái lựu.
Còn như hai cột đồng, biển đồng, và mười hai con bò đồng dùng làm đế nó, mà vua Sa-lô-môn đã chế tạo cho nhà Ðức Giê-hô-va, đồng của những đồ ấy, thì không thể cân được.
Mỗi cột cao mười tám thước, yêu vi mười hai thước; trong tầm phổng, dầy bằng bốn ngón tay.

Trên đầu cột có chúp đồng, cao năm thước, chung quanh chóp có lưới và trái lựu, đều bằng đồng cả. Cột kia giống như cột nầy, cũng có lưới và trái lựu.
Bốn bề có chín mươi sáu trái lựu, và hết thảy những trái lựu đặt xung quanh lưới cọng là một trăm.

- Còn hai cây trụ, cái biển đồng, và các miếng táng mà Sa-lô-môn đã làm cho đền thờ của Ðức Giê-hô-va, thì không thể cân được đồng của các vật ấy.
Mỗi cây trụ có mười tám thước bề cao, có bao quanh lưới và trái lựu cũng bằng đồng. Cây thứ nhì trang sức lưới giống như cây trước.

-Xh.28 : 31- 35 = May áo thắt trái lựu màu tím.
-Xh.39 : 26 = Cổ áo thắt trái lựu.

-Áo tư tế trang hoàng hình trái lựu,
Trái lựu hình vương miện Salomon,
Phú quí vinh quang rồi sẽ chẳng còn,
Lộng lẫy vẫn còn thua một bông huệ.


Bài học về cây Chà Là

“MỘT vẻ thanh tao độc đáo”. Đấy là lời miêu tả của một bách khoa tự điển Kinh Thánh về cây chà là. Vào thời Kinh Thánh và cả ngày nay nữa, cây chà là tô điểm cho vùng Thung Lũng Sông Nile của Ai Cập, và phủ bóng mát quanh vùng ốc đảo Sa Mạc Negeb.
Giống như đa số chủng loại khác của cây cọ, cây chà là có thế đứng thẳng tắp thật đặc sắc. Một số cây cao đến 30 mét và mỗi năm đều sanh trái trong suốt 150 năm. Quả thật, cây chà là rất đẹp mắt và sanh sản nhiều trái cách lạ lùng. Mỗi năm cây trổ các chùm chà là. Chỉ riêng một chùm có thể trên 1.000 trái chà là. Một người hiểu biết đã viết về trái chà là như sau: “Những ai... chỉ mới nếm qua loại chà là sấy khô trưng bày trong các cửa hàng, sẽ khó mà tưởng tượng được vị ngon ngọt của trái chà là tươi”.
Phù hợp với điều này, Kinh Thánh so sánh một số người với cây chà là. Để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, một người phải có cuộc sống đạo đức ngay thẳng và phải luôn làm điều lành, chẳng khác nào một cây chà là sai trái. Vì lý do này, người ta khắc hình cây chà là để trang hoàng đền thờ do Vua Sa-lô-môn xây cất, cũng như đền thờ trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên. Do đó, muốn sự thờ phượng được Đức Chúa Trời chấp nhận, một người phải có những nét đặc trưng đáng chuộng của cây chà là hay cây kè.

-Thánh Thi.92 : 17 = Người công chính mọc lên manh mẽ như cây chà là.
-Ê-xê-chi-en.40 : 37 = Các cột trụ cổng Đền Thờ đều có hình cây chà là.

-Cây chà là trái chen nhau trĩu năng,
Vươn lên cao thống lãnh cả thời gian,
Hàng nghìn trái vẫn sống hơn trăm năm,
Người sống lâu phải luôn đẹp lòng Chúa.

*Trái Táo trang trí Bảng đeo ngực và các bộ áo thánh khác

Họ cũng chế bảng đeo ngực cực-xảo, như công-việc ê-phót: bằng kim-tuyến, chỉ tím, đỏ điều, đỏ sặm, và chỉ gai đậu mịn. Bảng đeo ngực may lót, hình vuông, bề dài một em-ban, bề ngang một em-ban. Họ nhận bốn hàng ngọc: hàng thứ nhứt, ngọc mã-não, ngọc hồng-bích, và ngọc lục-bửu; hàng thứ nhì, ngọc phỉ-túy, ngọc lam-bửu, và ngọc kim-cương; hàng thứ ba, ngọc bạch-mã-não, và ngọc tử-tinh; hàng thứ tư, ngọc huỳnh-bích, ngọc hồng-mã-não, và bích-ngọc. Các ngọc nầy đều khảm vàng. Số ngọc là mười hai, tùy theo số danh của các con trai Y-sơ-ra-ên. Mỗi viên ngọc có khắc một tên trong mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên như người ta khắc con dấu.

Đoạn, trên bảng đeo ngực họ chế các sợi chuyền bằng vàng ròng, đánh lại như hình dây. Cũng làm hai cái móc và hai cái khoanh bằng vàng, để hai khoanh nơi hai góc đầu bảng đeo ngực; cùng cột hai sợi chuyền vàng vào hai khoanh đó. Rồi chuyền hai đầu của hai sợi chuyền vào móc gài nơi đai vai ê-phót, về phía trước ngực. Cũng làm hai khoanh vàng khác để vào hai góc đầu dưới của bảng đeo ngực, về phía trong ê-phót. Lại làm hai khoanh vàng khác nữa để nơi đầu dưới của hai đai vai ê-phót, về phía trước, ở trên đai, gần chỗ giáp mối. Họ lấy một sợi dây màu tím, cột hai cái khoanh của bảng đeo ngực lại cùng hai cái khoanh ê-phót, hầu cho nó dính với đai đừng rớt khỏi ê-phót, y như lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn Môi-se.
Họ cũng chế áo dài của ê-phót bằng vải thường toàn màu tím. Cổ để tròng đầu vào, ở về chính giữa áo, như lỗ áo giáp, có viền chung-quanh cho khỏi tét. Nơi trôn áo, thắt những trái táo bằng chỉ xe mịn màu tím, đỏ điều, đỏ sặm; lại làm chuông nhỏ bằng vàng ròng, gắn giữa hai trái táo, vòng theo chung-quanh trôn áo; cứ một trái lựu, kế một cái chuông nhỏ, vòng theo chung-quanh trôn áo dùng để hầu việc, y như lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn Môi-se.
Họ cũng chế áo lá mặc trong bằng vải gai mịn, dệt thường, cho A-rôn cùng các con trai người; luôn cái mũ, đồ trang-sức của mũ, và quần lót trong, đều bằng vải gai đậu mịn; cùng cái đai bằng vải gai đậu mịn, chỉ tím, đỏ điều, đỏ sặm, có thêu, y như lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn Môi-se.
Họ cũng dùng vàng lá ròng chế cái thẻ thánh, khắc trên đó như người ta khắc con dấu, rằng: Thánh cho Đức Giê-hô-va! Rồi lấy một sợi dây tím đặng cột để trên mũ, y như lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn Môi-se.
Các công-việc của đền-tạm và hội-mạc làm xong là như vậy. Dân Y-sơ-ra-ên làm y như mọi lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn Môi-se. Họ đem đền-tạm đến cho Môi-se: Trại và các đồ phụ-tùng của Trại, nọc, ván, xà-ngang, trụ và lỗ trụ; bong da chiên đực nhuộm đỏ, bong da cá nược và cái màn; hòm bảng-chứng và đòn khiêng, cùng nắp thi-ân; bàn và đồ phụ-tùng của bàn cùng bánh trần-thiết;chân-đèn bằng vàng ròng, thếp đèn đã sắp sẵn, các đồ phụ-tùng của chân-đèn và dầu thắp, bàn-thờ bằng vàng, dầu xức, hương-liệu, tấm màn của cửa Trại; bàn-thờ bằng đồng và rá đồng, đòn khiêng, các đồ phụ-tùng của bàn-thờ, thùng và chân thùng; các bố-vi của hành-lang, trụ, lỗ trụ, màn của cửa hành-lang, dây, nọc, hết thảy đồ phụ-tùng về việc tế-lễ của đền-tạm; bộ áo lễ đặng hầu việc trong nơi thánh, bộ áo thánh cho A-rôn, thầy tế-lễ cả, và bộ áo của các con trai người để làm chức tế-lễ.
Dân Y-sơ-ra-ên làm mọi công-việc nầy y như mạng-lịnh của Đức Giê-hô-va đã truyền cho Môi-se. Môi-se xem các công-việc làm, thấy họ đều làm y như lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn; đoạn Môi-se chúc phước cho họ.

-Xh.28 : 31- 35 = May áo thắt trái táo màu tím.
-Xh.39 : 26 = Cổ áo thắt trái táo màu tím.

-Trang trí áo thánh bằng hình trái táo.
Huy hoàng thêm nhưng mong muốn điều gì?
Như Mô-sê lời Chúa đã khắc ghi,
Nên đón nhận được bao điều chúc phúc.

Thực vật trong Thánh Kinh thật là phong phú, nên vài trang giấy không thể đáp ứng trọn vẹn như mong muốn và ngay cả những loài cây tiêu biểu giới thiệu đến Quí Vị cũng còn thiếu sót mong thông cảm.
Chân thành cám ơn và kính chúc an khang !

Đinh văn Tiến Hùng- Tổng hợp