CÓ THẬP GIÁ, NHƯNG SẼ CÓ PHỤC SINH
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM B

Câu chuyện Chúa hiển dung trên núi, để trọn vẹn ý nghĩa, cần suy niệm trong bối cảnh của những gì xảy ra trước đó.

Đó là thời điểm của sáu ngày trước, khi Chúa Giêsu loan báo cho môn đệ, tại Giêrusalem, Chúa sẽ "chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ lão, các trưởng tế và các luật sĩ hành hạ, bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại" (Mc 8,31).

Loan báo này khiến môn đệ, trong đó có thánh Phêrô chao đảo, lo âu, hoảng sợ. Thánh nhân từng can ngăn Chúa đừng nộp mình để đến nỗi Chúa phải nặng lời: "Satan, lui ra phía sau Thầy" (Mc 8, 33). Thánh Phêrô nói riêng, đoàn môn đệ nói chung, phủ nhận việc Chúa bị bắt bớ, bị giết hại.

Các môn đệ không tưởng tượng nổi, Đấng Messia lại nếm trải đau khổ, thất bại, chết chóc. Họ trông đợi Đấng Messia quyền năng, mạnh mẽ, thống trị, trong khi Chúa trình bày cho họ về chính Chúa, Đấng Messia đích thực chỉ là đầy tớ, luôn phục tùng mệnh lệnh Chúa Cha, hy sinh bản thân, hy sinh mạng sống, phải bị sĩ nhục, bị ruồng bỏ, bị đánh đập, bị giết chết, bị đổ máu thảm khốc...

Làm sao có thể tưởng tượng nổi, người Thầy của mình lại rơi vào hoàn cảnh khủng khiếp đến như vậy? Làm sao có thể chấp nhận được hình ảnh người Thầy đầy quyền phép trong hành động (bao nhiêu phép lạ, bao nhiêu sự chữa lành mà chính các ông chứng kiến), đầy uy nghi của một Bậc Thầy trong giảng dạy, lại có thể chịu những bi đát đến tột cùng như vậy?

Các môn đệ cần một lời giải thích, một câu trả lời về lòng tin và cho lòng tin của chính họ. Vì thế, qua cuộc hiển dung, Chúa củng cố lại cái nhìn về Chúa, củng cố hình ảnh của Đấng Cứu Thế là chính Chúa nơi tâm hồn và suy nghĩ của các môn đệ.

Cuộc hiển dung hôm nay bao hàm tất cả những ý nghĩa ấy. Nhờ câu trả lời đến từ cuộc hiển dung, Chúa Giêsu dạy môn đệ đoàn hiểu rằng:

- Theo Chúa không phải là theo vị lãnh đạo trần thế, như là theo Đấng đến từ trời cao.

- Theo Chúa không nhằm thỏa ước mơ bá quyền, chính trị, "ăn trên ngồi trốc", nhưng là theo Đấng mà cuộc sống của Đấng ấy đầy bấp bênh, "con chồn có hang, con chim có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu".

- Theo Chúa không bao giờ là theo một người chỉ biết hưởng thụ, chỉ biết chăm cho cuộc sống riêng của bản thân, nhưng là theo Đấng "đến chỉ để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người".

- Theo Chúa, các môn đệ phải hiểu rằng, Chúa là Con Thiên Chúa nhưng trở thành Tôi Tớ, được Cha sai đến thực hiện công cuộc cứu độ nhờ Thập giá, hoàn toàn theo ý Cha định. Chính trong sự hoàn toàn gắn bó, sống chết cho thánh ý Cha, thân xác của Chúa hôm nay, và thân xác phục sinh trong nay mai mới được bù đắp, mới vinh quang, tỏa rạng, sáng ngời.

Chính vì thế, cuộc hiển dung hôm nay là lời dạy về niềm xác tín sẽ có thập giá và cũng sẽ có phục sinh. Đúng hơn, đây là cuộc thần hiện phục sinh diễn ra trước ngày phục sinh.

Vậy, làm sao ta có thể cùng Chúa Giêsu tham dự vào vẻ đẹp hiển dung? Đó là thực hành lời Chúa Cha dạy: “Hãy vâng nghe lời Người”. Vâng nghe lời Chúa Kitô bằng cách học gương vâng phục và theo sát Chúa Kitô của Đức Mẹ.

Chúng ta hãy thực hiện điều mà Đức Cố Giáo hoàng Bênêđictô đã từng dạy: Đây cũng là điều quyết tâm của chúng ta trong mùa Chay: "Lắng nghe Chúa Kitô, theo gương Mẹ Maria. Chúng ta hãy lắng nghe Chúa, qua Lời được ghi lại trong Sách thánh. Chúng ta hãy lắng nghe Chúa qua những diễn biến của cuộc đời, bằng cách đọc thấy qua đó những sứ điệp của Đấng quan phòng. Sau cùng, chúng ta hãy lắng nghe Chúa nơi các anh chị em, cách riêng những người bé nhỏ và nghèo khổ: qua họ Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta thực hiện những hành động yêu thương cụ thể. Lắng nghe Chúa Kitô và tuân theo tiếng của Ngài, đó là quan lộ, con đường duy nhất dẫn đến niềm vui và tình thương dạt dào".

Học lắng nghe Lời Chúa trong suốt hành trình đời sống như Đức Mẹ, là từng ngày, từng ngày, chúng ta tham dự và nên một với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm hiển dung vinh hiển của Chúa. Đó cũng là cách ta sống và từng bước hòa vào cuộc phục sinh vinh thắng của Chúa Giêsu, khởi đi từ chính cuộc sống hàng ngày của ta nơi dương thế cho đến ngày ta toàn thắng với Chúa trong hồng ân của đời vĩnh cửu.