Thủy quân nhà Nguyễn bắt đầu năm 1816 đi cắm cột mốc,
dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa & Trường Sa theo phương cách Phương Tây


(Bài trình bầy của Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, tiến sĩ sử học)

Từ thời các chúa Nguyễn, đầu thế kỷ XVII, khai thác Biển Đông, kinh tế biển cũng như sự bảo vệ Biển Đông đã được các chính quyền thời ấy rất quan tâm.

Ở Đàng Trong có nhiều cảng biển nhô ra xa Biển Đông, gần con đường hàng hải quốc tế qua lại, rất thuận lợi cho các tầu thuyền quốc tế thời bấy giờ cập bến, đồng thời tiếp thu được truyền thống người Chăm vốn giỏi đi biển. Khi có biến động Phong trào Tây Sơn, hệ thống đồn, các chức quan trông coi các cửa biển, các quan thủ ngự kiểm soát an ninh ngoài biển do các chúa Nguyễn lập ra có nhiều biến động, nhiều nhóm cướp biển hoành hành, việc khai thác biển, đánh bắt xa bờ đôi khi bị đình đốn như đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải, sau người dân phải tự xin chính quyền mới: Tây Sơn cho phép hoạt động trở lại.

Từ năm 1773, Tây Sơn chiếm được cảng Qui Nhơn rồi tiến lên phía Quảng Nam, kiểm soát đến Bình Sơn (Bến Ván), Quảng Ngãi, nơi có cửa biển Sa Kỳ và Cù Lao Ré (Đảo Lý Sơn), cái nôi của đội Hoàng Sa từ đầu thế kỷ XVII đã bắt đầu khai thác Biển Đông, đánh bắt xa bờ.

Chỉ trong vài năm bị đình đốn, ngày 15 tháng giêng năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) cai hợp Hà Liễu ở phường Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) thuộc xã An Vĩnh (đất liền), huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã làm đơn xin với chính quyền Tây Sơn xin lập lại hai đội Hoàng Sa và Quế Hương, sẵn sàng vượt thuyền ra các cù lao ngòai biển tìm nhặt nạp các vật hạng đồng, thiếc, hải ba, đồi mồi và sẵng sáng ứng chiến chống kẻ xâm phạm.

Như thế chỉ hai năm sau quân Tây Sơn kiểm soát Qui Nhơn, Quảng Ngãi, dân phường An Vĩnh (đảo Lý Sơn), cai hợp Hà Liễu đã đứng tên xin tái lập đội Hoàng Sa và đội Quế Hương như cũ. Thời gian này chính quyền Tây Sơn mới thành lập, không rõ đã có quyết định ngay cấp lương thực 6 tháng như lệ cũ cho dân binh Hoàng Sa hay chưa. Chỉ biết chắc chắn một điều rằng vào năm sau, năm 1776, Lê Quí Đôn vào Phú Xuân viết Phủ Biên Tạp Lục đã quan tâm đến đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi. Mãi đến năm 1778, Nguyễn Nhạc mới tự xưng hoàng đế và từ đó mới có chính quyền Tây Sơn hoàn chỉnh. Hiện nay người ta chỉ mới phát hiện vào năm Thái Đức thứ 9 (1786), ngày 14 tháng 2ÂL chính quyền Tây Sơn ra quyết định sai phái Hội đức hầu, cai đội Hoàng Sa cưỡi bốn chiếc thuyền câu vượt biển ra thẳng Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển.

Qua các văn bản trên ta thấy rất rõ chính quyền Tây Sơn mà người phụ trách dân binh với chức Thái phó, một chức quan lớn trong triều đã quan tâm đến việc khai thác các sản vật quí như vàng bạc, đá quí và vũ khí đại bác, tiểu bác (tất cả chỉ có ở các tầu bị đắm ở quần đảo Hoàng Sa) trong khi trong đơn của dân ở Cù Lao Ré chỉ đề cập đến đồng, thiếc là cùng và các hải sản hải ba, đồi mồi. Chính quyền Tây Sơn còn yêu cầu các thuyền (4 thuyền câu theo thông lệ) đội Hoàng Sa phải mang biển hiệu thủy quân, song lại nhắc nhở không được lấy danh nghĩa thủy quân mà làm càn, bắt nạt dân làm muối, đánh cá. Ngoài đội Hoàng Sa là đội dân binh làm kinh tế biển xa bờ, người ta còn thấy thời Tây Sơn còn rất nhiều đội khác khai thác kinh tế biển Đông, như ở Cù Lao Ré làm theo thời trước đã lập như đội Quế Hương, đội Đại Mạo Hải Ba và đội Quế Hương Hàm với số đinh 30 người..

Các đội khai thác Biển Đông như đội Hoàng Sa, đội Quế Hương, đội Đại Mạo Hải Ba, đội Quế Hương Hàm không những có nhiệm vụ kinh tế mà còn như lời hứa của dân Phường Cù Lao Ré, do Cai hợp Hà Liễu đứng tên, sẵn sàng ứng chiến với kẻ xâm phạm mỗi khi có truyền báo xảy ra chinh chiến. Điều này chắc chính quyền Tây Sơn phải tán thưởng, vì dân binh sẵn sàng nhập cuộc trong cuộc chiến. Các người phục vụ các đội đều gọi là quân nhân.

Riêng đội Hoàng Sa đứng đầu là cai đội hay đội trưởng lại thường là kiêm cai thủ cửa biển Sa Kì cũng như kiêm quản cai cơ thủ ngự. Chức quan cai cơ thủ ngự phụ trách thu thuế, an ninh trên biển, chống hải tặc, cướp biển. Như thế việc khai thác kinh tế biển luôn kết hợp với nghĩa vụ quân sự, chống cướp biển, bảo vệ Biển Đông. Sự kết hợp này do các chúa Nguyễn chủ trương từ lâu khi ở đất liền xây dựng loại lính đồn điền, khẩn hoang, tay cầm gươm, tay cầm cuốc đi mở cõi và cũng từ lâu các chính quyền Đại Việt có chính sách “ngụ binh ư nông”.

I. VUA GIA LONG TIẾP TỤC CHO DÂN BINH KHAI THÁC BIỂN ĐÔNG

Đến khi Nguyễn Ánh đánh bại được Tây Sơn, thống nhất đất nước, tuy bận lo việc nội trị, song vẫn tiếp tục quan tâm đến việc khai thác biển cũng như an ninh trên biển.Chỉ một năm sau khi lên ngôi Hoàng đế, tháng 7 năm Quý hợi (1803), vua Gia Long đã cho lập lại đội Hoàng Sa. Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhất kỷ, q. 12 viết: “Lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”.

Sau chiến tranh kết thúc vài năm, việc chính vua Gia Long cử cai cơ Võ văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, tái lập đội Hoàng Sa mà lại chỉ lấy dân ngoại tịch là việc đáng cho ta chú ý. Tại sao vậy? Võ Văn Phú chính là Phú Nhuận hầu trong tờ kê trình của Phú Nhuận hầu ngày 1 tháng 10 năm Gia Long thứ hai (1803) (hiện cất giữ ở nhà thờ họ Võ ở Cù Lao Ré -. đảo Lý Sơn). Trong tờ kê trình trên đã ghi rõ là Khâm sai cai thủ cửa biển Sa kỳ kiêm Cai cơ thủ ngự quản Hoàng Sa. Chỉ lấy dân ngoại tịch bởi thời Tây Sơn lấy dân nội tịch là chủ yếu, còn dân ngoại tịch chỉ lấy thêm.Nên nếu chỉ lấy dân ngọai tịch sẽ dễ có người chưa đi lính Hoàng Sa thời Tây Sơn hơn.

Rõ ràng ở Cù Lao Ré có rất nhiều chức quan đương quyền ghi niên hiệu Cảnh Thịnh tất phải là những chức quan Đại đô đốc, đô đốc đã đựợc chính quyền Tây Sơn phong vì đã làm nhiệm vụ ở đội dân binh Hoàng Sa. Như chúng ta đã biết ngay cả giặc biển Tề Ngôi cũng đã được Tây Sơn phong Thống tướng để sử dụng lực lượng đánh nhau với quân Nguyễn Ánh.

Chính vì thế, khi Tây Sơn sụp đổ, quê hương cái nôi của đội Hoàng Sa trong buổi giao thời hai triều đại đã gặp khủng hoảng về chính quyền quản lý phường hay làng, đến nỗi chức cai đình không còn ai thiết lo và phường không còn bộ máy cắt cử, phải nhờ đến cai thủ cửa biển Sa Kỳ cắt cử cai đình như đã trình bày ở trên. Người giữ chức cai đình lại là người trong tộc họ quan cai thủ, nên nể mà nhận lời. Khi nhận chức cai đình cũng là lo việc sai dịch công tư trong làng. Trong thời buổi mới này lại rất cần những loại người như Ông Võ Văn Khiết vừa thẳng thắn, thanh liêm, cần mẫn…

Cũng nhờ Ông Khiết, mẫu người rất cần thiết cho giai đoạn mới của xứ sở, cái nôi của đội Hoàng Sa đã sớm ổn định tình hình. Tháng giêng năm Ất hợi (1815), vua Gia Long đã quyết định «sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình”.(ĐNTLCB, đệ nhất kỷ, q.50, tờ 6a).

Thời Tây Sơn, Nhà Thanh bên Trung Quốc tìm mọi cách dẹp yên bọn hải tặc mà chưa có cách nào hiệu quả, có gửi hịch cho Tây Sơn tìm bắt, song Tây Sơn cứ lờ đi. Trong khi Nguyễn Ánh thì ngược lại, lúc bắt được nhiều thuyền của hải tặc Tề Ngôi, quần thần lại tâu với Nguyễn Vương nên sai Ngô Nhân Tịnh đi sứ và đưa thuyền hải tặc bắt được giao cho Nhà Thanh làm quà hữu hảo.

Đến khi Gia Long lên ngôi, đã hợp tác chặt chẽ với Nhà Thanh trừ hải tặc,

Năm 1807, khi bọn hải tặc Thái Khiên, Chu Phần bị truy nã, quan Tổng Đốc Lưỡng Quảng đã gửi thư qua quan Tổng trấn Bắc Thành (Thăng Long) nói thuyền hải tặc đều mũi xanh cột buồm đỏ, chạy qua đó thì bắt cho. Nguyễn văn Thành tâu lên, vua Gia Long hạ lệnh cho quan địa phương duyên hải từ Quảng Đức (Huế) trở ra Bắc đều phái binh thuyền đi tuần xét.

Trong khi ấy bọn hải tặc người Việt chạy sang Quảng Đông bị quan quân Nhà Thanh bắt trao cho Việt Nam, Như tháng 12 năm canh Ngọ ((1810), bọn cựu thần nhà Lê Lê Du, An Ôn Bích tụ họp với bọn hải tặc Trương Bảo Tử, Trịnh Nhất Tảo bị quan quân nhà Thanh bắt được đã bị Tổng đốc Lưỡng Quảng lúc bấy giờ sai đưa trả về cho Việt Nam. Nhưng bọn Lê Du thác cớ xin ở lại, lại được cho ở kho Đại Hữu trong thành tỉnh Quảng đông. Bọn lái buôn người Thanh là Trương Tiến Thắng cho Tống trấn Bắc Thành biết rõ. Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn văn Thành đã gửi thư cho Tổng Đốc Lưỡng Quảng yêu cầu: một là trao trả cho Việt Nam, hai là quản thúc nghiêm nhặt, chớ để sinh việc chống lại triều đình nhà Nguyễn,,. Quan Tổng Đốc tỉnh Quảng Đông đã cho gông cổ rồi đưa bọn Lê Du hơn 30 người về Bắc Thành trị tội.

Các quan thủ ngự các cửa biển như cửa biển Sa Kỳ kết hợp với đội Hoàng Sa vẫn giữ nhiệm vụ chống hải tặc như truớc.

II. Năm 1816,Gia Long lần đầu tiên cho thủy quân cùng với đội Hoàng Sa cùng đi xem xét và đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa. (ĐNTLCB, đệ nhất kỷ, q.52).

Cho tới cuối thời Tây Sơn, đầu thời Nguyễn, dân xã An Vĩnh ở đất liền hay ờ Cù Lao Ré vẫn là quê hương đi đầu làm kinh tế biển. Rất tiếc truyền thống kinh tế biển, khai thác Biển Đông không được phát huy đúng mức. Từ năm 1816, Nhà Nguyễn dùng thủy quân khai thác, quản lý biển Đông. Tuy bắt đầu theo cách thức của người Phương Tây thời đó lo cắm cột mốc, dựng bia xác định chủ quyền ở Hoàng Sa & Trường Sa, song không tiếp tục khai thác biển, phát triển kinh tế biển như đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải… Những cảng biển cũng dần dần bị bỏ phế trong đó có Hội An. Nền kinh tế Việt Nam lại trở về “nền kinh tế đường sông”, ngoại thương không còn phát triển như thời Chúa Nguyễn xưa. Đó cũng là điều thiệt thòi, bất lợi đối với Việt Nam cho đến tận ngày nay.

Trước khi lên ngôi hoàng đế 1802, Nguyễn Anh cũng đã được anh em Dayot giúp đo đạc hải trình ở Biển Đông trong đó có vùng quần đảo Trường Sa hay Hòang Sa nói chung.

Lúc đầu đội Hoàng Sa có trách nhiệm xem xét đo đạc thủy trình như thời Gia Long, tháng giêng, năm Ất Hợi (1815), Phạm Quang Anh, thuộc đội Hoàng Sa được lệnh ra đảo Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình. Phạm Quang Ảnh hiện được thờ tại từ đường tộc họ Phạm (Quang) tại thôn Đông, xã Lý Vĩnh, xưa là phường hay hộ An Vĩnh tại huyện đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré).

Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhất kỷ, quyển 52, từ năm 1816 vua Gia Long đã bắt đầu cho thủy binh đi công tác Hoàng Sa cùng với đội dân binh Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi ra Hoàng Sa xem xét và đo đạc thủy trình.

Dân phu cùng đi chính là những dân phu giỏi hải trình đi Hoàng Sa. Sở dĩ vua Gia Long bắt đầu cho thuỷ binh đi Hoàng Sa vì có các sĩ quan người Phương Tây trong thời chiến tranh với Tây Sơn rất quan tâm đến vấn đề quản lý Biển Đông

Những người Pháp cộng tác với vua Gia Long, Minh Mạng như Chaigneau, giám mục Taberd đã viết rất rõ về những hành động của vua Gia Long như Chaigneau đã viết trong hồi ký “Le mémoire sur la Cochichine" “Chỉ đến năm 1816, đương kim hoàng đế đã chiếm hữu quần đảo ấy” hay giám mục Taberd viết: “Chính là vào năm 1816 mà Ngài (vua Gia long) đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong. Gutzlaff năm 1849 đã cho biết chính quyền Việt Nam thời Gia Long đã thiết lập một trại quân nhỏ để thu thuế và bảo trợ người đánh cá Việt Nam ". Những người Phương Tây trên không phải là những nhà nghiên cứu nên chỉ ghi nhận sự kiện trước mắt, đương xảy ra, chứ không biết quá khứ từ lâu việc thực thi chủ quyền của Việt Nam như thế nào ở Hoàng Sa. Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhất kỷ, quyển 50 đã ghi chép hoạt động của đội Hoàng Sa để xem xét, đo đạc thủy trình do Phạm Quang Anh làm đội trưởng vào năm 1815. Đến năm 1816, vua Gia Long lần đầu tiên ban lệnh cho thủy quân với sự hướng dẫn của dân binh đội Hoàng Sa đi xem xét, đo đạc thủy trình ở quần đảo Hoàng Sa (Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển 52).

Chính hoạt động lần đầu tiên của thủy quân này đã đánh dấu mốc thời gian rất quan trọng về việc tái xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, nên đã khiến cho những người Phương Tây như Chaigneau hay sau này là Taberd khẳng định vua Gia Long đã chính thức xác lập chủ quyền của mình như đã nói trên. Thực ra sự kiện năm 1816 chỉ đánh mốc là Hoàng Đế Gia Long sử dụng thủy quân thay vì chỉ có đội Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình, khai thác hải vật như trước.

Sang thời Nhà Nguyễn, nhất là từ thời Minh Mạng, thủy quân hàng năm liên tục đã thành lệ đều đặn ra Hoàng Sa, Trường Sa đi vãng thám, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, và các hoạt động khác trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. …

III. CÁC HỌAT ĐỘNG CỦA THỦY QUÂN TRIỀU ĐÌNH VIỆT NAM THỰC THI LIÊN TỤC VÀ HÒA BÌNH Ở QUẦN ĐẢO HOÀNG SA & TRƯỜNG SA

3.1 Các hoạt động đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ về Trường Sa

Sang đến đời Minh Mạng, việc đo đạc thủy trình chủ yếu giao cho thủy quân có trách nhiệm và thuê thuyền của dân va` nguo`i la´i thuy`n o? Qua?ng Nga~i hướng dẫn hải trình.

Đại Nam Thực Lục Chinh Biên, đệ nhị kỷ, quyển 165: “Xem từ năm nay về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái thủy quân biền binh và giám thành đáp một chiếc thuyền ô nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, giao cho 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, thuê 4 chiếc thuyền của dân hướng dẫn ra xứ Hoàng Sa”.

Đo đạc thủy trình hay hải trình là đo đạc đường đi ngoài biển. Đây là một trong những nhiệm vụ chỉ đạo của Bộ Công cốt để đảm bảo an toàn cho các thuyền bè đi trên biển trong đó có vùng biển Hoàng Sa nói chung, Trường Sa nói riêng. Việc đo đạc thủy trình và sau đó vẽ bản đồ ở Hoàng Sa nói chung, Trường Sa nói riêng do Bộ Công chỉ đạo cùng với thủy quân phối hợp với giám thành,với địa phương Quảng Ngãi và đội Hoàng Sa.

Mỗi lần đi đo đạc phải chọn được thợ lái có năng lực, biết được các nơi đường biển nông sâu, khó dễ, cát ngầm, đá mỏm mà tránh, còn phải biết lấy núi nào làm chuẩn, biết chiều trời, tiết gió để chuyển phương hướng, nên tiến hay dừng. Theo sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, quyển 220 của triều Nguyễn thì Bộ Công tâu rằng người nào mười phần am hiểu thông thạo thì cho vào hạng ưu, thạo tám chín phần là hạng bình, thạo năm sáu phần là hạng thứ, châm chước bàn đinh, ai đáng đề bạt bổ nhiệm làm chánh đội trưởng, ngoại ủy đội trưởng, ai đáng cấp tiền gạo gấp đôi... thì kê sách tâu rõ đợi chỉ gia ân. Những lời dụ và bàn được chuẩn y như sau: "Thơ lại thủy sư thì cửa biển hiểm hay dễ, xem gió, trông khí trời, nghiên núi, dò nước, nhìn kiếm tìm hướng, nhớ rõ địa cầu, ai được mười phần am hiểu thông thuộc là hạng ưu, ai được tám chín phần là hạng bình, ai được có năm sáu phần là hạng thứ. Các tên dư hạng ưu mà nguyên là chánh đội trưởng thì đề bạt bổ nhiệm làm cai đội, nguyên là đội trưởng thì đề bạt bổ nhiệm làm chánh đội trưởng suất đội, ai là ngoại ủy đội trưởng thì đề bạt bổ nhiệm làm đội trưởng, gặp khi có khuyết thì ưu tiên bổ nhiệm ngay".

Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, quyển 220 cũng chép: “Như trong một năm, sai phái đường bể nhiều lần, được xong xuôi ổn thoả cả, hoặc trong một lần mà đi ngoại quốc, cũng là không phái ra ngoại quốc mà hằng gặp sóng gió khác thường, thuyền rất nguy khốn, mà tự mình chủ trì tiến ngừng phải tốt, rốt cuộc được xong xuôi yên ổn thì đều là hạng ưu. Phàm trong năm ấy sai phái đường bể hai lần, không cứ xa gần, được xong xuôi yên ổn cả thì là hạng bình. Sai phái đường bể một lần xong xuôi yên ổn là hạng thứ. Phái đi không được xong xuôi yên ổn là hạng liệt”
.

Trên đây là quy định chung cho thuỷ quân đi biển và thủy quân đi đến Trường Sa nói riêng, Hoàng Sa nói chung vừa là dịp để khảo hạch và cũng là dịp luyện tập thủy quân, căn cứ vào đó mà thưởng phạt. Có thể đối với việc đo đạc ở Hoàng Sa, thưởng phạt đặc biệt hơn. Vì thế từ thời vua Minh Mạng năm thư 17, việc phái thủy quân ra Hoàng Sa nói chung, Trường Sa nói riêng hàng năm rất đều đặn. Cũng có khi vì gió bão phải đình lại, sau lại tiếp tục. Tỷ như năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) có dụ chỉ của vua Thiệu Trị đình hoãn, đến năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) cũng cho đình hoãn do Bộ Công tâu xin hoãn. Sau đó đến thời Tự Đức không còn ghi chép trong sử sách nữa bởi theo phàm lệ sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên thời Tự Đức những việc đã thành lệ rồi không còn chép nữa.

Thời gian đi vãng thám đo đạc ở Hoàng Sa nói chung, Trường Sa nói riêng thì bắt đầu triều Nguyễn theo lệ khởi đi vào mùa Xuân, (kể từ kinh thành Huế đến Quảng Ngãi), song cũng tùy năm sớm trễ khác nhau. Từ kinh thành Huế, thuỷ quân tới Quảng Ngãi nghỉ ngơi và chuẩn bị cũng mất một thời gian đáng kể. Như năm Minh Mạng 19 (1838) lúc đầu ấn định khởi hành hạ tuần tháng 3, nhưng vì gió Đông nổi lên liên tục kèm theo mưa lớn, tới hạ tuần tháng 4 vẫn chưa khởi hành được. Lúc đầu kế hoạch tính đo đạc giáp vòng Hoàng Sa từ hạ tuần tháng 3 đến hạ tuần tháng 6 là hoàn tất công việc. Sau dù có đi trễ, thời gian hoàn tất tháng 6 vẫn không thay đổi.

Nếu chậm trễ mà có lý do chính đáng thì không sao, song nếu tùy tiện thì bị phạt, hay làm không chu tất cũng bị phạt. Nếu hoàn tất tốt đều được thưởng. Trong khi năm Minh Mạng thứ 16 (1835), cai đội Phạm Văn Nguyên trên đường công tác đi Hoàng Sa về chậm trễ, đã có chỉ giao Bộ Công trị tội và bị phạt 80 trượng, song cho phục chức cai đội. Tộc họ Phạm Văn hiện có nhà thờ họ và lăng mộ tộc họ ở thôn Đông xã Lý Vĩnh (trước đây là phường An Vĩnh). Hiện có hàng trăm hậu duệ đang sống tại huyện đảo Lý Sơn. Các viên giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng vẽ hoạ đồ Hoàng Sa chưa chu tất cũng bị phạt mỗi người 80 trượng. Song cùng đi chuyến này những người trong đội Hoàng Sa như Võ Văn Hùng (tộc họ Võ hiện còn từ đường ở thôn Tây, xã Lý Vĩnh, xưa là phường An Vĩnh, thuộc huyện đảo Lý Sơn), Phạm Văn Sanh (hiện họ Phạm Văn còn từ đường và khu "lăng" mộ ở thôn Đông, xã Lý Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) hướng dẫn, đo hải trình vất vả, được thưởng mỗi người 1 quan tiền Phi Long ngân tiền và bình thệ, dân phu 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định đi theo cũng được thưởng mỗi người 1 quan tiền. Cũng thế vào năm Minh Mạng 18 (1837), do khởi hành chậm trễ, những người được kinh phái như thủy sư suất đội Phạm Văn Biện, tỉnh phái hướng dẫn Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh (lần trước được thưởng) đều bị phạt. Trong khi các dân binh hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định đi theo vẫn được thưởng 2 quan tiền. Những chi tiết trên đã minh hoạ rất hùng hồn việc thực thi chủ quyền của Việt Nam trong việc đo đạc thủy trình và vẽ bản đồ.

Nhiệm vụ đo đạc ở Hoàng Sa nói chung, Trường Sa nói riêng được qui định cũng rất rõ ràng có ghi trong Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ nhị kỷ quyển 165 cũng như Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, quyển 221 như sau:

“Không cứ đảo nào, cửa bể nào thuyền chạy đến, sẽ đo nơi ấy chiều dài, chiều ngang, bề cao, bề rộng, chu vi bao nhiêu, rà bên bờ nước bể nông hay sâu. Có cát ngầm, đá mỏm hay không, ở tình thế hiểm trở hay bình thường, xem đo tỏ tường vẽ thành đồ bản, chiếu khi khởi hành, do cửa bể nào ra bể, trông phương hướng nào mà lái đến nơi ấy, cứ theo đường thủy đã đi khấu tính ước được bao nhiêu dặm đường? lại ở chốn ấy trông vào bờ bể đối thẳng là tỉnh hạt nào? và phương hướng nào? Ước lượng cách bờ bao nhiêu dặm đường? Ghi nói minh bạch trong hoạ đồ để về trình lên. Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chiếu theo lệ ấy mà làm”.

Như thế việc đo đạc phải kết hợp với việc vẽ hoạ đồ mà chuyên viên vẽ hoạ đồ lại là các viên giám thành.

Việc đo đạc để vẽ bản đồ về Hoàng Sa nói chung, Truờng Sa nói riêng dưới triều Nguyễn đã được bắt đầu từ thời Gia Long 14 (1815), song đến đời Minh Mạng mới được thúc đẩy mạnh. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) các viên giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Hoàng vẽ hoạ đồ Hoàng Sa nói chung, Trường Sa nói riêng, chưa chu tất đã bị phạt mỗi người 80 trượng như đã nêu trên. Tấu của Bộ Công vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836) cũng chỉ vẽ được một nơi và cũng chưa biết rõ nên làm thế nào.

Theo dụ vua Minh Mạng ngày 13 tháng 7 năm thứ 18 (1837), thủy quân đi Hoàng Sa vẽ thành đồ bản 11 nơi, tuy nhiên chưa được chu đáo lắm. Theo Tấu Bộ Công ngày 21 tháng 6 Minh Mạng thứ 19 (1838), thủy quân đệ trình sau khi đo đạc 3 nơi với 12 hòn đảo đã vẽ được 4 bức đồ bản, 3 bức vẽ riêng và 1 bức vẽ chung, song cũng chưa vẽ rõ ràng lắm, Bộ Công phải yêu cầu vẽ lại tinh vi hơn.

Kỹ thuật đo đạc và vẽ bản đồ Hoàng Sa nói chung, Trường Sa nói riêng của Việt Nam vào thời kỳ nhà Nguyễn tuy có kỹ, chu đáo hơn trước, song vẫn còn lạc hậu so với kỹ thuật tân tiến của Phương Tây lúc bấy giờ, nhất là chưa xác định được toạ độ theo kinh độ và vĩ độ trên toàn địa cầu. Vì thế, các hải đồ tuy có nhiều chi tiết, song không phải chỉ có hải đồ là có thể đi biển chính xác mà lúc nào cũng cần đến những người từng trải đã từng lái thuyền đến các vùng biển đã đi qua. Các hải đồ về Hoàng Sa nói chung, Trường Sa nói riêng vốn được các giám thành vẽ hoặc được lưu ở vệ giám thành, hoặc ở thủy quân và Bộ Công. Rất tiếc qua cuộc binh biến ngày 4 - 7 - 1885 và cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp vào năm 1946, kinh thành bị đốt phá, đã không còn giữ lại những tập bản đồ qúi giá về Hoàng Sa nói chung, Trường sa nói riêng đã được vẽ rất kỹ lưỡng. Chúng ta chỉ biết chắc từ năm 1838 thủy quân triều Minh Mạng đã v? được một bản đồ chung.

3.2 Các hoạt động cắm cột mốc, bia chủ quyền để xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu thế kỷ XIX.

Sang thế kỷ XIX, sau khi lên ngôi hoàng đế, thiết lập triều Nguyễn, lấy niên hiệu Gia Long vào năm 1802, Nguyễn Anh đã bắt đầu tiếp tục tái lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các hoạt động của đội Hoàng Sa, đội Bắc hải trong thời gian đầu và của thủy quân.

Lực lượng thủy quân làm nhiệm vụ xác lập và thực thi chủ quyền này là một “lực lượng đặc nhiệm” gồm kinh phái, tỉnh phái và dân binh địa phương trong có dân binh đội Hoàng Sa. Kinh phái đứng đầu là thủy quân cai đội hay thủy quân chánh đội trưởng chỉ huy cùng với lực lượng thủy quân lấy trong vệ thủy quân đóng ở kinh thành hay ở cửa Thuận An. Ngoài thủy quân kinh phái còn các viên giám thành trong vệ giám thành, là những chuyên viên vẽ bản đồ như đã trình bày ở trên. Tỉnh phái là các viên chức ở tỉnh Quảng ngãi có nhiệm vụ phối hợp với kinh phái trong công tác hướng dẫn, cung cấp dân công, lo xây dựng, đồng thời còn điều động binh dân ở tỉnh Quảng Ngãi, Có khi gồm cả dân binh tỉnh Bình Định như trong chuyến công tác năm 1835 và 1837 đã dẫn trên đây.

Nhiệm vụ của “ lực lượng đặc nhiệm” luôn được hoàng đế Việt Nam theo sát và ra ch? dụ cụ thể nhất là dưới triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, cho ta thấy nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm này quan trọng đến chừng nào.

Cũng chính vua Minh Mạng ra chỉ dụ nói rõ việc làm cụ thể của từng chuyến đi. Tỷ như năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tâu trình lên vua về chuyến vãng thám Hoàng Sa của thủy quân, chính đội trưởng Phạm Hữu Nhật, vua Minh Mạng phê sửa (châu cải): “Báo gấp cho Quảng Ngãi thực thụ ngay, giao cho tên ấy (Phạm Hữu Nhật) nhận biên" và rồi vua Minh Mạng lại phê (châu phê): “Thuyền nào đi đến đâu, cắm mốc tới đó để lưu dấu”.

Cũng chính vua Minh Mạng theo dõi các chuyến đi công tác Hoàng Sa và đã nhiều lần ra chỉ dụ thưởng phạt. Thường dân binh đội Hoàng Sa Quảng Ngãi, Bình Định luôn được thưởng 1 hay 2 quan tiền và miễn thuế về sự cực khổ vất vả theo đoàn. Còn các viên chỉ huy như cai đội, chánh suất đội, các viên chức tỉnh phái mà chậm trễ đều bị tội.

Các chuyến đi công tác ở Hoàng Sa cũng được tổ chức chuẩn bị kỹ lưỡng. Chỉ đạo ở trên có Hoàng đế và Bộ Công, thi hành có vệ thủy quân là chính phối hợp với vệ giám thành, và tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định.

Thời gian chuẩn bị, từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836) Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển 154 có ghi rõ: “Xem từ năm nay về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái thủy quân biền binh và giám thành đáp 1 chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, giao cho 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân hướng dẫn ra xứ Hoàng Sa” . Như thời gian hàng năm chuẩn bị từ hạ tuần tháng giêng (tháng 2 dương lịch) đến thượng tuần tháng hai (tháng 3 dương lịch) thì có mặt ở Quảng Ngãi, để sang tháng 3 âm lịch (tháng 4 dương lịch) là lúc biển yên nhất thì khởi hành đi Hoàng Sa.

Thuyền ô là thuyền sơn đen từ mũi đến lái dài 4 trượng thước, rộng 8 thước 4 tấc, 3 thước 2 tấc, 30 cọc chèo. Từ thời Minh Mạng thứ 15 (1834), có chỉ dụ các tỉnh có vùng biển như tỉnh Quảng Ngãi nên đóng hai ba chiếc thuyền nhanh, cứ mộ dân ven biển sung làm thợ lái, thủy thủ, mỗi thuyền cần đủ trên dưới 20 người, làm thủy binh thuộc tỉnh khi gặp việc khẩn cấp để tuần tiễu, thông báo, vận tải cho nhanh. Thuyền nhanh này cũng theo qui thức hình dáng thuyền Điếu hải dài 4 trượng thước 5 tấc, rộng 1 trượng 5 thước 5 phân, sâu 5 thước 1 tấc.

Từ Quảng Ngãi, phải thuê 4 chiếc thuyền của dân. Đó là loại thuyền câu, song nhẹ và nhanh hơn, nhỏ hơn thuyền Điếu hải thuộc thủy quân ở các tỉnh trong đó có tỉnh Quảng Ngãi. Sở dĩ phải thuê vì thuyền của dân binh đội Hoàng Sa vốn nhanh nhẹ, dễ dàng cặp đổ bộ vào đất liền, dễ dàng tránh né các bãi ngầm, các thủy thủ lại quá quen thuộc, chưa kể thuyền ít người mang lương thực cung cấp cho sáu tháng dễ dàng hơn, và việc bắt chim, đánh cá để tự cung ứng cấp dưỡng cũng không còn là vấn đề lớn, để có thời giờ làm việc, đi thu lượm hải vật qúi, lấy hàng hoá, súng ống từ tàu đắm. Tài liệu không cho biết rõ thuyền ô có đi theo ra Hoàng Sa hay không. Song ít nhất lực lượng thủy quân trên có 4 chiếc thuyền câu. Cũng có năm đi 5 thuyền thì có thể cả thuyền ô khi lực lượng thủy quân đặc nhiệm này đã kết hợp với công tác của đội Hoàng Sa. Và như vậy sau này người ta không thấy sử sách nói nhiều về đội Hoàng Sa nữa, vì lực lượng thủy quân đặc nhiệm này trở thành chủ yếu và thường xuyên của nhà nước Việt Nam, và đội Hoàng Sa mang tính dân sự càng ngày càng đậm nét hơn, chủ yếu hoạt động về lợi lộc tư nhân, về kinh tế mà thôi.

Đến đời vua Minh Mạng, thuỷ quân mới được tổ chức thật qui củ có nhiệm vụ ngoài việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ còn có cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển 6 đã ghi chép rằng trước năm Minh Mạng thứ 16, nhà vua sai quân lính ra dựng bia đá làm dấu đã thấy có nơi phía Tây Nam đảo có ngôi cổ miếu, không biết kiến thiết vào thời đại nào và có bia khắc bốn chữ “Vạn Lý Ba Bình”. Như thế trước thời Minh Mạng đã có việc khắc bia, dựng miếu chùa rồi.

Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua Minh Mạng đã chỉ thị cho Bộ Công sang năm Minh Mạng thứ 15 (1834) phái người ra dựng bia chủ quyền. Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ nhị kỷ, quyển 165 cũng đã chép rất rõ từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ công tâu vua cứ hằng năm cử người ra Hoàng Sa ngoài việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ và còn cắm cột mốc, dựng bia.

Tập tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng 17 (1836) với lời châu phê của vua Minh Mạng cũng đã nêu rất rõ: “Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc". Đại Nam Thực Lục Chinh Biên, đệ nhị kỷ, quyển 6 còn ghi rõ: “Vua Minh Mạng đã y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ dựng làm dấu mốc. Mội bài gỗ dài 5 thước rộng 6 tấc và dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ:

“Minh Mạng Thập Thất Niên Bính Thân thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phâm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương đồ chí thử, hữu chí đẳng tư (tờ 25b)” .

(Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ).


Mỗi năm cột mốc đều khắc rõ niên hiệu, năm, chức vụ, họ tên viên chỉ huy “lực lượng thủy quân đặc nhiệm”, được phụng mệnh ra Hoàng Sa và ghi dấu để nhớ. Nếu chỉ tính sử sách có ghi rõ tên những người chỉ huy đội thủy quân đặc nhiệm của các năm cụ thể thời Minh Mạng như cai đội thuyền Phạm Văn Nguyên năm Minh Mạng thứ 16 (1835), chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật năm Minh Mạng thứ 17 (1836), thủy sư suất đội Phạm Văn Biện năm Minh Mạng thứ 18 (1837), thì số đảo được đánh mốc cũng rất đáng kể. Mỗi thuyền 10 bài gỗ. Mỗi năm 4,5 thuyền có thể cắm mốc tối đa 40, 50 cột mốc tại các đảo, song rất khó tổng kết tổng cộng trên thực tế cắm cột mốc được bao nhiêu đảo.

3.3 Xây dựng chùa miếu và trồng cây tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các vị vua chúa Việt Nam, nhất là thời vua Minh Mạng rất quan tâm đến việc dựng chùa miếu và trồng cây tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua đã chuẩn y lời tâu của Bộ Công cho tỉnh Quảng Ngãi cất miếu Hoàng Sa một gian theo thể chế nhà đá. Việc dựng miếu này theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ nhị kỷ, quyển 154, đã cho biết rõ năm Minh Mạng thứ 15 (1834) đã không thực hiện việc xây dựng miếu như dự kiến mà đến mãi đầu tháng 6 mùa hạ, năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua Minh Mạng đã cử cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính và giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu cách toà miếu cổ 7 trượng. Bên trái miếu, phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong việc chớ không như các đoàn khác có nhiệm vụ lâu dài hơn.

Thường ba mặt miếu Hoàng Sa bên trái, bên phải và đằng sau đều trồng các loại cây. Theo Việt Sử Cương Giám Khảo Lược của Nguyễn Thông, thì các quân nhân đến đảo thường đem những hạt quả thủy nam mà rải ở trong và ngoài miếu, mong cho mọc cây để tìm dấu mà nhận. Như thế cây trồng ở Hoàng Sa chủ yếu trồng bằng cách gieo hạt, quả chứ không trồng theo kiểu trồng loại cây con. Đó cũng hợp lý vì mang cây con ra biển đi trên thuyền nhỏ như thế cũng khó khăn, khó bảo dưỡng được cây sống để mà trồng. Thời gian hoạt động hàng năm của thủy quân vào cuối mùa khô, kéo dài sang mùa mưa nhiều tháng trời, rất thuận lợi cho việc gieo hạt trồng cây. Ý của vua Minh Mạng sai trồng cây cũng cho rằng gần đây thuyền buôn thường bị hại, nên trồng cây cũng cốt làm dấu dễ nhận ra đảo mà tránh thuyền bị tai nạn đâm vào đảo.

Song theo Dụ ngày 18 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 16(1835), Vua Minh Mạng giao Bộ Công phạt cai đội Hoàng Sa Phạm Văn Nguyên và thưởng dân binh Võ văn Hùng, Phạm văn Sanh. Như thế có nghĩa có thể năm 1835 hay chính năm 1834 thủy binh đi Hoàng Sa có dân binh và cai đội Hoàng Sa đi cùng. Và như thế từ năm 1816 đến năm 1835 vẫn còn sự kết hợp giữa thủy binh và dân binh đội Hoàng Sa phối hợp hoạt động.

IV. Sự khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của vua chúa, triều đình Việt Nam và quản lý hành chánh của Việt Nam.

4.1. Sự khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của vua chúa, triều đình Việt Nam

Trong khi tại Trung Quốc chưa có tài liệu nào nói rõ vua, triều đình Trung Quốc khẳng định chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa, thì tài liệu chính sử của Việt Nam cho thấy vua và triều đình Việt Nam đã nhiều lần khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc lãnh hải Việt Nam. Các tài liệu chính thức của nhà nước Việt Nam, của triều đình Việt Nam như Đại Nam Thực Lục Chinh Biên, Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, Châu Bản Triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí đã ghi nhận rất rõ ràng rằng hoàng đế Việt Nam, triều đình Việt Nam luôn khẳng định Hoàng Sa nói chung, Trường Sa nói riêng thuộc về cương vực mặt biển Việt Nam.

Tỷ như năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836) (năm Đạo Quang thứ 16 đời Nhà Thanh) Bộ Công tâu lên vua: “Xứ Hoàng Sa thuộc cương vực mặt biển nước ta rất là hiểm yếu (Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển 165). Ngày 20 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) phúc tấu của Bộ Công cũng đã khẳng định: “Hàng năm, vào mùa xuân, theo lệ phái binh thuyền vãng thám Hoàng Sa thuộc hải cương nước nhà...” (tập Châu Bản Thiệu Trị tập 51, trang 235). Sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn cũng đã chép một cách rõ ràng: “Phía Đông (tỉnh Quảng Ngãi) chạy ngang đến đảo cát:đảo Hoàng Sa, liền với biển xanh...”

4..2 Việc quản lý hành chánh của các chính quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong suốt thời chúa Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một, luôn được quản lý hành chánh bởi Thừa Tuyên Quảng Nam dưới danh nghĩa Nhà Lê hay Quảng Nghĩa hay Ngãi lúc là phủ, khi là trấn trong thực tế tự trị của Xứ Đàng Trong, tùy theo thời kỳ lịch sử. Bởi từ khi Nguyễn Hoàng trở lại trấn thủ Thuận Quảng (năm 1600) cho tới khi chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) xưng vương năm 1744, trên danh nghĩa chúa Nguyễn vẫn là quan trấn thủ Thừa tuyên Quảng Nam của Đại Việt, do vua Lê trị vì.

Như thế mọi hành động xác lập chủ quyền của các chúa Nguyễn vẫn dưới danh nghĩa nước Đại Việt. Như thế, trên thực tế tự trị trên, Phủ Quảng Nghĩa có huyện Bình Sơn (trước đó là huyện Bình Dương) quản lý xã An Vĩnh. Toản Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư hay Toản Tập An Nam Lộ đã ghi "Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) trong phủ Quảng Nghĩa". Phủ Biên Tạp Lục <.i>của Lê Qúi Đôn chép "Hoàng Sa ở phủ Quảng Nghĩa (thuộc dinh Quảng Nam) huyện Bình Sơn, xã An Vĩnh" Địa Dư Chí của Phan Huy Chú chép "Hoàng Sa ở trấn Quảng Nghĩa". Sang thời Tây Sơn từ 1773, phủ Quảng Nghĩa được đặt tên thành phủ Hoà Nghĩa.

Sang thời Nhà Nguyễn, năm 1801, Hoà Nghĩa đã được gọi lại với tên Quảng Nghĩa, (cùng nghĩa với Ngãi đọc chệch). Tại phủ Quảng Nghĩa ngoài viên tuần phủ, khánh lý còn có một viên chính hộ lý, một viên đề lãnh, một viên ký lục, một viên cai phủ và một viên thư ký.

Sau Quảng Nghĩa trở thành trấn, rồi tỉnh. Năm 1829, tiếp tục quản lý xã An Vĩnh. Dần dần xã An Hải phía Bắc cửa biển Sa Kỳ cũng cung cấp lính Hoàng Sa. Dân hai làng hay xã An Vĩnh, An Hải di dân ra Cù Lao Ré lập 2 phường An Vĩnh và An Hải mà Nguyễn Thông gọi là hai hộ An Vĩnh, An Hải. Đến đầu triều Nguyễn, khi dân hai phường Cù Lao Ré phát triển, xin tách khỏi hai làng cũ ở đất liền trở thành nơi cung cấp chính dân binh cho đội Hoàng Sa. Chính Phạm Quang Anh được cử làm đội trưởng đội Hoàng Sa năm 1815 là người thôn An Vĩnh ở đảo Cù Lao Ré, nay thuộc thôn Đông, xã Lý Vĩnh thuộc huyện đảo Lý Sơn. Nhiều tài liệu như Việt Sử Cương Giám Khảo Lược của Nguyễn Thông và Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn đã xác nhận đảo Hoàng Sa nói chung, Trường Sa nói riêng thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Hoàng Sa là nơi hiểm yếu và rộng lớn, nên phủ rồi trấn rồi tỉnh Quảng Nghĩa là đơn vị hành chánh luôn trực tiếp can thiệp vào những hoạt động có định kỳ hàng năm của đội dân binh Hoàng Sa để có phương tiện tốt và đảm bảo những yêu cầu của chính quyền trung ương ở Phú Xuân gọi là chính dinh, thủ phủ của xứ Đàng Trong hay kinh đô của Triều Nguyễn sau này.

Hiện nay chưa có bằng chứng nào quyền quản hạt hành chánh của Trường Sa được giao về cho Bình Thuận hoặc Gia Định - Đồng Nai, mặc dù Bình Thuận có nhiệm vụ cung cấp nhân sự cho Đội Bắc Hải, cũng giống như các nơi khác như Bình Định vẫn cung ứng nhân sự cho Đội Hòang Sa. Vùng bờ biển Quảng Ngãi nhô ra Biển Đông xa nhất lại có dân Cù Lao Ré rất giỏi đi biển; cửa biển Sa kỳ ở Quảng Ngãi luôn được bố trí chức quan lớn như chức “Khâm sai cai thủ” kiêm kiêm chức thủ ngự và kiêm quản đội Hoàng Sa. Đó cũng cách quản lý Biển Đông hiệu quả cuả thời bấy giờ của Chúa Nguyễn cũng như của Nhà Nguyễn.

Kết luận:

1. Như thế suốt hơn hai thế kỷ, từ đầu thế kỷ XVII thời các chúa Nguyễn đến nửa đầu thế kỷ XIX thời Nhà Nguyễn, đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải đã làm nhiệm vụ khai thác biển, quản lý biển đảo Biển Đông.

2. Từ năm 1816 thuỷ quân được giao nhiệm vụ xác lập và thực thi chủ quyền theo phương cách Phương Tây, đúng theo pháp lý quốc tế thời đó.

3. Thời nào cũng vậy Việt Nam luôn tuân thủ pháp lý quốc tế về xác lập và thực thi chủ quyền về biển đảo và có đầy đủ chứng cứ lịch sử từ chính sử chép cụ thể đến các văn bản nhà nước như Châu bản của Triều đình nhà Nguyễn cũng như các văn bản chính quyền địa phương như tờ lệnh, tờ tư, tờ bằng cấp như mới phát hiện ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Điều này không hề có ở các nước khác trước năm 1909 khi chính quyền Quảng Đông (Trung Quốc) bắt đầu tranh chấp khi ấy Việt nam bi mất chủ quyền, bị Pháp cai trị và khi đó Chính quyền Quảng Đông cho Hoàng Sa là đất vô chủ. Mọi bằng chứng sau này đưa ra đều vô căn cứ, hoặc suy diễn hoặc bày đặt không có thực.

Quan điểm chủ yếu của những nhà nghiên cứu Việt Nam về vấn đề chủ quyền tại Hoàng Sa & Trường Sa là Việt Nam đã chiếm hữu thật sự, hoà bình và liên tục. Chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo ấy là không có gì để tranh cãi.