Chúa Nhật 28-07-2013

Chúa Nhật 17 Thường Niên -C (Luca 11:1-3)

Tin mừng của Thánh Luca hôm nay là câu truyện về sự cầu nguyện. Một môn đệ đã hỏi Chúa xin dạy cho họ cầu nguyện như Gioan Tảy Giả đã dạy cho các môn đệ của ông. Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ cách cầu nguyện rất đơn giản, nhưng lại là một lời cầu nguyện thật tuyệt vời: "Lạy Cha chúng con ở trên trời, nguyện Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày, và tha tội chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, và xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen"

Cầu nguyện luôn có một vài trò quan trọng trong đời sống của người có tôn giáo. Các tôn giáo lớn luôn dạy tin đồ cầu nguyện để kết hợp với Đấng Thần Linh và tìm được sự bình an cho tâm hồn. Tín đồ Hồi giáo cầu nguyện với Đấng Allah 5 lần một ngày. Tin đồ Phật giáo cầu nguyện với Đức Phật qua việc tụng niệm. Người Kitô hữu cầu nguyện với Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc trong cuộc sống.

Hằng ngày, người ta cần nói chuyện vói nhau để thăm hỏi, chia sẻ cho nhau những vui buồn, và nâng đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh. Nếu không được nói, người ta có thể sẽ rơi vào khủng hoảng và rối loạn tâm trí. Trong đời sống thiêng liêng cũng thế, cầu nguyện là một cuộc đối thoại giữa con người với Thiên Chúa, chúc tụng và cảm tạ Ngài về hồng ân cuộc sống, chia sẻ với Ngài những khắc khoải, lo âu của kiếp người; và xin Ngài những ơn cần thiết.

Cầu nguyện có hai cách: - Khẩu nguyện: Cầu nguyện bằng cách nói ra như khi tham dự Thánh Lễ, cùng hát và đáp trả với cộng đoàn, hoặc qua các cử điệu.... - Tâm nguyện: Cầu nguyện trong thinh lặng, thường là suy niệm dựa trên một đoạn sách thiêng liêng. Và khi cầu nguyện, chúng ta theo những bước sau: - Chúc tụng - Cảm tạ - Thống hối - Và Xin ơn.

Lời Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ và chúng ta thường đọc trong các Thánh Lễ bao gồm 4 bước trên, trở thành lời cầu nguyện hoàn hảo cho mọi Kitô hữu.

Tuy nhiên một câu hỏi được đặt ra là: Người Kitô hữu phải cầu nguyện như thế nào với Thiên Chúa?

Trước hết, người Kitô hữu cầu nguyện với tâm tình của một người con dành cho người cha. Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện: "Lạy Cha chúng con ở trên trời......". Chúa Giêsu đã gọi Thiên Chúa là Cha và Ngài cũng muốn các môn đệ gọi Thiên Chúa như vậy. Chúa Giêsu cảm nghiệm điều này khi Ngài là con trong gia đình với cha nuôi là Thánh Giuse và mẹ là Đức Maria. Có lẽ trẻ Giêsu đã từng hỏi ý kiến Ba Mẹ về những kinh nghiệm đời sống, sự giao tiếp với mọi người, và đặc biệt tin tưởng nơi cha già đáng kính.

Người Kitô hữu cầu nguyện với Thiên Chúa như một người Cha sẽ không cảm thấy Ngài xa cách hoặc như một ông chủ đối với bề dưới. Trong tâm tình cha - con, Thiên Chúa sẽ lắng nghe, thông cảm và đáp ứng những điều con cái cần; và ngược lại, như những người con, chúng ta sẽ dễ dàng để chia sẻ với Cha những lo âu, băn khoan hằng ngày.

Thứ đến, người Kitô hữu cầu nguyện với sự kiên trì và khiêm nhường. Chúa Giêsu đã khẳng định: "Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, và hãy gõ thì cửa sẽ mở ra cho...." Ngài cũng đã làm gương cho các môn đệ và mỗi người chúng ta trong việc kiên trì cầu nguyện với Thiên Chúa Cha để khỏi sa chước cám dỗ và luôn ở trong ân sủng với Cha.

Ngày hôm nay, người Kitô hữu đang đối diện với nhiều càm dỗ và thử thách do cuộc sống và xã hội đưa tới. Những cám dỗ về tiền bạc, danh vọng, lối sống hưởng thụ, chạy theo tính dục hay những thử thách như chấp nhận hôn nhân đồng tính, ủng hộ phá thai..... đang là những thực tại trong đời sống. Hơn lúc nào hết, người Kitô hữu cần gia tăng đời sống cầu nguyện và kiên trì trong sự cầu nguyện để luôn có được sức mạnh của Thiên Chúa, can đảm chống lại những cám dỗ, không "thoả hiệp' với những cái xấu, và lên tiếng rước những vấn đề đạo đức - luân lý đang xuống cấp. Có thể nói, người Kitô hữu đang đóng vai trò người chiến binh trước một trận tuyến không cân sức, nhưng có vũ khí chính là sức mạnh của lời cầu nguyện.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết yêu thích cầu nguyện, kiên trì cầu nguyện, và cảm nhận được sự bình an của tâm hồn khi cầu nguyện với Chúa. Amen.

Cha Giuse Nguyễn Kim Long