Chuyện Biển Đông.

Chuyện Biển Đông thành chuyện biển động, thật ra, không lạ và cũng không phải đến hôm nay mới có. Trái lại đã có tư thời Việt Nam lập quốc. Tuy nhiên, mỗi thời có một cách động khác nhau. Vào thời Đức Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, sóng vươn từ dòng Bạch Đằng đã làm rúng động cả biển đông vì ở đó đã lấp ngập xác quân nhà Tống, Hán. Đến thời đức Quang Trung, chỉ một lần Ngài chuyển binh qua sông Hồng, sóng vỡ Biển Đông để Tôn sỹ Nghị thắt cổ mà Càn Long vỡ mật.

Trải qua thời lặng sóng, máu và nước mắt người dân Việt lại tràn Biển Đông khi Trung cộng đưa chiến thuyền xuôi nam theo điềm chỉ của Việt cộng. Lực tuy bất tòng tâm, Thiếu tá Ngụy văn Thà và đoàn chiến binh miền Nam đã lấy máu hồng viết trang sử nối tiếp của nhà Nam. Trong khi đó, vào cùng ngày 17-1-1974, toàn bộ nhà nước và đoàn đảng viên, cán bộ Việt gian cộng sản từ miền bắc, từ bưng biền đã reo hò mừng rỡ khi quân Trung cộng chiếm được Trường Sa từ trong tay của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Họ reo mừng chung vui với TC vì bản công hàm do Việt cộng Phạm văn Đồng, bí mật ký giao bán chủ quyền Trương Sa và Hoàng Sa là máu thịt, đất đai của Việt Nam cho Trung cộng vào ngày 19-8-1958, mãi đến nay mới có cơ hội thực hiện. Từ đó, đau thương luôn tràn xuống trên biển khổ, không vơi cạn.

Khởi đầu là chuyện người dân Việt chạy trốn những vùng đất vừa bị cộng sản chiếm đóng từ Cao Nguyên đến Đông Hà, Quảng Trị, Đà Nẵng, Cam Ranh… những tưởng gồng gánh, bế bồng con cháu ra đi là sẻ đến được bến bờ tự do như chuyện người bắc di cư vào nam năm 1954. Ai ngờ, tàu về Nam chưa cập bến, người đi chưa hết âu lo, hàng ngàn, hàng vạn đạn pháo của Việt gian cộng sản đã ầm ầm “ Thế Ma Gọi Hồn”. Sau trận mưa pháo, chen lấn giữa tiếng khóc nghẹn trong đau thương xé lòng của cha gìa mất con, vợ mất chồng rồi thân nhân … đi không áo quan, là những tiếng cười man rợ rít qua khe hở của những hàm răng hô, lởm chởm như bồ cào trên khuôn mặt gầy trơ xương của lớp người rừng mới tới. Tiếng cười rợn lạnh chưa dứt, biển động mạnh, những cơn sóng đỏ vươn cao đem theo những thân xác ngươi miền nam không toàn thây nhấp nhô đùa với sóng. Rồi sóng vỗ tạt vào bờ là những em bé mất đầu, cụt chân tay vì mã tấu dép râu, tạo nên một cảnh kinh hoàng chưa từng thấy bên bờ cát hiền hòa ở miền nam. Qủa thật, cuộc chiến “ta đánh chiếm miền nam là đánh cho Trung cộng, Liên xô” (Lê Duẫn) do CS thực hiện, nên cũng có những công đoạn khác thuờng. Tuy thế, câu chuyện chưa dừng ở đó.

Sau ngày 30-4- 1974, ngày màu cờ Vàng của Tổ Quốc khuất bóng trên sông nước Việt, những cơn đau ập đến không phải chỉ dành cho người, mà đá cũng nhỏ lệ, tang thương. Bởi vì, dưới màu cờ đỏ Phúc Kiến lơ láo là Biển Đông của nhà Nam chưa lúc nào yên. Hàng triệu đồng bào phải bỏ nước ra đi. Sóng cao gío lớn kia đã vùi lấp bao nhiêu mạng người vào lòng biển khổ? Rồi bao nhiêu thân xác em bé trơ mình trên bãi cạn? Phần nội địa, đến cây cỏ cũng không ngừng bị dẫm đạp, tàn phá bởi gót chân của kẻ thù từ phương bắc.

Trước tiên là cuộc tràn bờ biên giới vào năm 1979. Đây phải được kể là một mối nguy báo trước. Tuy nhiên, tập đoàn bán nước này như không có mắt. Hàng chục ngàn người lính chiến đã chết oan khiên, chúng vẫn thi nhau ngủ vùi trong u mê, tìm hoan lạc trong làn thuốc độc từ phương bắc để níu kéo, giữ lấy cái đảng cộng bất lương. Bất lương vì trong lúc chiến binh Việt Nam đi giữ biên cương, người chết không có chỗ chôn thây. Kẻ sống thì lê lết ” đầu đường đại tá vá ( lốp) xe, cuối thôn thiếu tá cụt, qùe xin ăn”, thì hàng quan cán lãnh đạo của nhà nước VC lại thi nhau lập công dâng đất, bỏ tiền xây đài, dựng tượng làm nghĩa trang hoành tráng cho “ liệt sỹ” Trung cộng ngay trên đất nước mình. Đã thế, còn chia phiên nhau giữ phận cúng tế hương khói đủ bốn mùa.

Với cái tài qùy lạy đó, việc có 64 người con biên phòng Việt Nam giữ đảo Gạc Ma bị chết tức tuởi với cái lệnh cấm nổ súng của những “thiên tài mù” theo gót Hồ chí Minh như Lê đức Anh, Đỗ Mười, Phạm văn Đồng, Nguyễn văn Linh… vào tháng 3-1988 là điều buộc phải đến. Có khóc, có thương là khóc thương cho người chiến binh Việt Nam đã sinh ra trong thời Việt cộng! Binh lính là thế, nói chi đến phận dân đen. Tàu thuyền ra khơi theo con nước tầm sinh nhai, chẳng mấy ngày không có máu đổ lệ rơi vì hải tặc bắc phương. Bạn tôi bảo: Xem ra, trong thời Việt cộng, máu xương người dân Việt qúa rẻ, nên chỉ được dùng để lót đường cho cán cộng vui mùa đục nước, lập công dâng Mãn thôi!

Ở một chiều khác, có người ví von cho rằng. Câu chuyện biển đông là rất lớn với dân ta, với người yêu dân nước Việt. Nhưng với đôi mắt của một con chuột đói, đã bị con mèo hoang vờn cho nhừ tử, đang nằm thoi thóp trong vòng tay của nó trên cái sân kia thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Bởi vì, dù nó mở mắt ra hay khép lại thì cũng chỉ thấy một mảnh trời không sáng! Nên chúng phải chọn giải pháp. “Nó” để cho sống ngày nào thì im mồm đi mà sống cho qua ngày đó! Nếu được “ nó” cho bám vào mà kiếm ăn thì bám cho chặt, kẻo thằng khác nó dành mất chỗ. Khi ấy, đã chẳng được gì, mà cái mạng cũng khó giữ! Theo đó, chuyện bám vào TC, thành một triết lý của nhà Chuột! Lạ! Nói lạ!

Lạ gì? Bạn không tin ư? Hãy nhìn con chuột nhắt ướt xũng nước đang co ro trong vòng tay của con mèo trước sân kia, bạn sẽ thấy được toàn cảnh bĩ cực không ngày thái lai của nó. Này nhá, sau cơn mê hoảng, nó bàng hoàng mở mắt ra. Đôi mắt của con chuột sắp chết chẳng thấy gì ngoài cảnh trời đất quay cuồng. Khi trước nó đã thề không cha, không mẹ, không bạn bè, không người thân, chỉ có đông chí theo lời đảng, lời “bác”. Nay nhìn đâu cũng ra kẻ thù. Thấy gío lay cành lá lại tưởng là những oan hồn đến đòi nợ. Nghe tiếng động nhỏ mà ngỡ là giáo mác của đồng chí đến trả thù hay xin tý huyết của vợ con. Mở mắt ra trời vẫn tối, nhắm lại càng thêm đen. Muốn nhắc cánh tay lên cho đỡ mỏi, đưa lên không nổi. Muốn trợn mắt, há mồm ra thét dọa, ta còn sống, ta còn quyền lực đây, cũng đều bị chúng nhìn khinh bạc, mỉa mai. Không bám lạy “nó” là chết, phải chết! Nó biết thân làm nô lệ còn khốn nạn hơn là chết, mà không dám chết!

Lỡ có lần nó lén nghểnh cổ nhìn ra ngoài nắng. Xa xa như có cánh phượng hoàng bay lượn giữa trời, hay thấy con chó kiểu thong thà vô tư lự đi lại trên sân làm nó thèm. Máu chuột nổi lên. Trong cơn uất, nó hít lấy một làn hơi mạnh rồi chụm bốn chân lại, cố rướn cái thân mềm nhũn lên khỏi mặt đất. Phen này tao nhất định bỏ đảng, bỏ Tàu. Chết cũng bỏ! Hỡi ơi, cái đầu nó nặng làm sao! Kế đến là toàn thân ê ẩm với ánh mắt thất thần, và cõi lòng hoảng loạn. Chợt, có tiếng meo meo, nó run rẩy, qùy phục xuống theo cái thân phận nhà Chuột, làm Chuột. Một đời lấp ló trong hang, chui rúc trong bóng tối, rình rập kiếm sống, nay chỉ vì dăm ba hột gạo mà giờ thân tàn ma dại trong vòng tay của con mèo ác độc. Sống không ra sống, chết không chết. Nó hận nó? Nó hận kiếp chuột?

Trong toan tính, nó ngửa mặt lên. Không thấy nắng, chỉ thấy cái cổ con mèo hoang đè gần xát mặt và cái đầu của nó che lấp khung trời. Vỡ mật, ý chí của loài chuột tiêu tán. Nó xoay mặt vào trong, trời tối như mực, ngay cái màu của con mèo hoang nó cũng không nhận ra được. Cố trở mình, lén nhìn ra ngoài lần nũa. Lạ, sáng ở đâu tràn vào đây? Nó chợt hiểu, đó là chút sáng từ bên ngoài hắt vào theo khe hở giữa khoảng cách từ cái đầu của con mèo đang nằm rửa mặt, đến cái cánh tay của nó vươn dài như dãy núi sải ra trước mặt. Với khoảng cách nhỏ bé này, làm sao nó có thể thoát ra ngoài cái bóng cao nhớn kia? Nó ngao ngán với chính nó, một kẻ vẫn tự hào là có tay nghề xảo trá và tồi bại nhất trên đời, nay xem ra không tìm được phương cách để lừa con mèo cho nó ra ngoài dạo chơi vài phút! Cùng khổ, nó đánh rơi thân xác trở lại, nằm co rúm thân hình trên mặt đất, bất động.

Thế đấy, nó nhắm nghiền đôi mắt lại. Nó nghĩ đến con đường hầm Củ Chi hoang tưởng lừa dối xưa kia. Nó muốn gỉa chết để tìm cách đào ngạch chui ra ngoài. Nó ước được ngắm nhìn, được đến gần đàn chó kiểu. Nó ước được nhìn thấy cánh chim giang rộng giửa trời. Nó hăm hở nghĩ tới con đường hầm. Khốn nạn chưa, khi vừa nghĩ đến chuyện đào hầm tìm lối thoát, nó lại rơi vào tuyệt vọng. Bởi, nó mà đào đường hầm ở dươi cánh tay kia để đi ra ngoài, là nguy. Đại nguy! Hầm đào chưa xong, đã xập. Hầm bị xập, một phần vì sức nặng từ cánh tay con mèo đè xuống, phần vì cái thói tráo trở chuyên làm cột chống bằng xi măng cốt chuối của nó! Ấy là chưa kể đến chuyện cái tai con mèo rất thính. Chưa đào hầm nó đã biết trước ngày khởi công. Nếu thế là chết không toàn thây. Kế đào hầm không có ánh sáng, nó run rẩy, sợ hãi, nằm gục mặt xuống nghĩ quẩn đến cái chết của vợ con nó. Thôi, đã vậy, nó chấp nhận nằm chờ từng cái vả mạnh, nhẹ, của con mèo để có được miếng ăn mà sống, còn hơn là nghĩ đến việc bỏ bám, trốn đi!

- Chuyện bi đát như thế ư?

- Tôi sợ còn tệ hơn thế!

Thật vậy, đây là bức tranh toàn cảnh của họ nhà Chuột đối với chuyện biển đông của Việt Nam. Nghĩa là tất cả mọi cấp, dù là chuột cống, chuột chù, chuột hôi, chuột nhắt, chuột đồng, chuột bố, chuột con…. thảy đếu có đôi mắt giống nhau. Vô trách nhiệm, lấp ló, thập thò trong cái hang để kiếm sống, không một kẻ nào trong chúng có trách nhiệm với hai chữ Việt Nam. Theo đó, con nào lên cũng nhìn sự việc bằng đôi mắt chuột và tính toán bằng bấy nhiêu lý lẽ để hại người, tìm sống cho mình. Nó không thể nào có đôi mắt của người có nhân bản, có hiểu biết trong xử thế để nói chuyện về Biển Đông, về Việt Nam.

Nếu bảo rằng tôi viết theo kiểu “mục nhĩ vô nhân” và đầy khinh mạn với tập đoàn VC Hồ chí Minh thì tôi cũng xin trả lời thật. Không chỉ riêng tôi, nhưng người Việt Nam đều có đánh gía như thế. Tuy nhiên, tôi dám thách đố tập đoàn này, hay ai đó chứng minh được cái nhìn của tôi về họ là sai, là nặng thành kiến. Hoặc giả, tôi thách đố bản thân họ chứng minh được bằng những phản chứng qua cách nhìn, cách hiểu biết và thực tế trong hành động để thoát ra ngoài vòng tay mèo hoang như Myanmar. Khi đó, tôi sẵn sàng đính chính. Ở trường hợp ngược lại, nếu như họ không thể chứng minh bằng lý lẽ thiện hảo và nhân bản, thì dù ngôn từ có xuất phát từ bất cứ cấp bậc, vị thế nào, miệng lưỡi nào thì đó cũng chi là câu chuyện chuột đục, khoét thúng gạo! Bởi lẽ, chẳng ai xa lạ gì với cộng sản. Nếu họ không biết bỏ đi đôi mắt ti tiện, kém cỏi, vô văn hóa của đảng CS, rồi học tìm lại đôi mắt của người và cái tâm nhân bản thì làm nô lệ đã khó, nói chi đến chuyện giữ lặng sóng biển đông!

Thật vậy, những hoạt cảnh của biển đông hôm nay như chuyện Mỹ cho tàu thuyền vào thám thính một vài hòn đảo bổi đắp của Trung cộng ở Hoàng Sa, cũng chỉ là chuyện bình thường. Nó hoàn toàn không phải là vì Việt Nam, nhưng vì quyền lợi đích thực của Hoa Kỳ. Quyền lợi này tựa trên hai điểm. Trước hết là Hoa Kỳ phải đắp đập be bờ, tạo niềm tin với các nước Asian ( sau khi bỏ chạy 1975) để củng cố thế lực và thu lợi nhuận về sau, nếu không Trung cộng sẽ tận thu hết lợi nhuận trong khu vực này. Kế đến là chuyện Trung đông đã qúa mệt mỏi mà xem ra mức lợi nhuận khó tăng, nó như cái gân gà, bỏ thì tiếc, có gặm thêm thì cũng chỉ có thể thu lợi như hôm nay đã là nhiều, khó có cơ hội kiếm thêm. Trong khi đó miếng ăn của Á châu xem ra rất ngọt!

Tuy thế, việc đến gần các đảo nhân tạo kia không phải là việc liều lĩnh thách đố quyền lực với Trung cộng, lại càng không cần đến cái chuyện “ có phép” hay “đi đêm” với Việt cộng. Nó chỉ đơn giản là sử dụng hữu hiệu quyền hạn của một thành viên đã ký tên trong luật biển năm 1982 để bảo vệ an ninh hàng hải cho quốc gia của mình. Bởi lẽ, đã có nhiều chứng cứ, nhiều chuyên viên về biển đã khẳng định việc nhân tạo, xây dựng tại các bãi, đá ở Biển Đông của Trung cộng là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Nó đang làm suy yếu tính pháp lý của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Nó cũng đe dọa hủy hoại tài nguyên, môi trường sinh thái biển và gây ra những hệ lụy nguy hiểm đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải.

Theo nguyên tắc, Trung cộng cũng phải tuân thủ và bảo vệ công ước này. Nhưng thay vì bảo vệ, TC đã bất chấp luật lệ về tái tạo, bồi lấp mặt bằng trên biển để chiếm cứ. Trước những hành động này của TC, bất cứ một thành viên nào đã ký tên vào luật biển cũng đều có tư cách đến xem xét, thu thập tài liệu hình ảnh để đưa vụ việc ra tài phán quốc tế. Hoa Kỳ không là ngoại lệ. Dựa vào lý do an ninh hàng hải, họ đương nhiên có quyền đi đến để quan sát những điểm mà họ cho là quan ngại. Nếu có kéo cả đống tầu bè vào mà không có mưu đồ gây hấn, chiếm cứ thì chẳng có gì là trái với công ước. Dĩ nhiên, cũng chẳng có chuyện đánh trả “sẽ đánh vuì dập” nó xuống đáy biển, hoặc phải “ xin phép” Việt cộng. Bởi lẽ, chỉ cần một cái Tàu của Mỹ bị “tự nổ” và chìm xuống thì Trung quốc sẽ bị cả thế giới tấn công chứ chẳng riêng gì một mình Hoa Kỳ. Nên chuyện Mỹ đến và đi chỉ là việc biểu lộ khả năng sử dụng quyền hạn của một thành viên của luật biển mà thôi. Chuyến đi là vì minh nhưng lại cũng được tiếng là vì người!

Đại ý, chuyện Biển Đông hiện đang diễn ra như thế, cũng chẳng có gì đáng gọi là qúa phức tạp. Tuy nhiên, Việt Nam, nếu biết nhìn sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc tranh chấp này. Lợi dụng anh hùng tính của Hoa Kỳ và thế giới để tống cổ Trung cộng ra khỏi biển đông và Việt Nam. Có thể nói đây là cơ hội tốt nhất cho Việt Nam thoát cảnh nô lệ phương bắc. Nhưng xem ra ngoài vị thế của Việt Nam Cộng Hòa, những đôi mắt “đảng chuột” sẽ không bao giờ có khả năng nhìn thấy và làm nổi chuyện này.Tại sao”

Trước hết, bản công hàm do Phạm văn Đồng ký vào ngày 19-8-1958 là bản án tử hình, hay ít ra là cái thòng lọng đã buộc chặt vào cổ của Việt cộng mà người cầm đầu giây là Trung cộng. Việt cộng không có bất cứ một khả năng nào để có thể có được một bản văn đồng cấp để tiêu hủy, hay vô hiệu hóa gía trị bản công hàm của Phạm văn Đồng. Tại sao? Chuột nào cũng là chuột, Hồ chí Minh, Phạm văn đồng, Trường Chinh , Lê Duẩn, Võ nguyên Giáp… đã là những kẻ nô tài của Tàu, mở ra con đường phản dân hại nước. Theo đó, những kẻ đi sau, ngoài phương cách cúi sâu, qùy lâu hơn trước quan thầy Trung cộng để được hưởng ơn mưa móc thì không có một phương cách nào khác. Theo đó, người Việt Nam muốn cứu quê hương thì đừng trông chờ bất cứ điều gì từ thành phần này. Bởi lẽ, cho đến nay, không một kẻ nào trong hàng ngũ này có nổi cái nhìn của Thein Sein của Myanmar, nói chi đến Boris Yelsin.

Trong khi đó, vị thế của Việt Nam Cộng Hòa tiếp nối với những tên tuổi như Dương Nguyệt Ánh, Lương xuân Việt, Lê Bá Hùng…lại hoàn toàn khác và đứng ở trên đỉnh cao thắng lợi. Nghĩa là, vị thế của Việt Nam Cộng Hòa có đủ tư cánh, năng tính trên trường Quốc Tế để phủ nhận hoàn toàn gía trị của bản văn này. Lý do, vào thời gian Phạm văn Đồng ký bản công hàm, chủ quyền và việc thi hành nền hành chánh toàn diện trên những quần đảo này hoàn toàn nằm trong nền hành chánh và cai trị của Việt Nam Cộng Hòa theo hiệp định Geneve 1954. Từ đó, có thừa khả năng chứng minh Phạm văn Đồng ký bán cái không có, bán cái đồ vật của nhà người khác, không thuộc quyền sở hữu của mình. Và phủ nhận luôn khả năng chiếm hũu hay được thủ đắc của đối tác. Bởi vì đối tác của bản văn đã biết rõ đó là đồ gian, đồ ăn cắp hay là tài vật của người khác. Đối chiếu, lịch sử Việt Nam cũng đã có một tiền lệ như thế. Đức Ngô Quyền chém Kiều công Tiễn trước khi làm sóng nổi trên Bạch Đằng Giang để diệt quân Nam Hán! Đây xem ra là một hướng đi duy nhất và phải đến!

Riêng việc Trung cộng cho rằng nó thuộc về Trung cộng từ thời “ bành tổ” thì chỉ là câu chuyện của ruồi bu. Bởi lẽ, gần nhất là hội nghị Sans Francico ngày 7/9/1951, Hội nghị đã tách riêng Đài Loan, Bành Hồ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thành hai khoản riêng biệt (b, f) khẳng định không công nhận chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Trong khi đó, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu đã ra tuyên bố xác định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 phái đoàn ngoại giao của các nước thành viên Liên hợp quốc. Ông nói: “ để dập tắt những mầm mống bất hòa, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam.” Lời tuyên bố đó đã được Hội nghị San Francisco ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái đoàn tham dự hội nghị, không có một phái đoàn nào phản đối thể hiện bằng văn bản. Mới mấy chục năm trước đây, Trung cộng còn không dám nói nửa lời trước hội nghị. TC phải cậy nhờ Kossigin của Nga bảo trợ, nói giúp. Kết qủa bỏ phiếu của hội nghị đã là một bằng chứng rõ ràng, còn tranh cãi vào đâu.

Theo đó, muốn giải quyết toàn bộ chuyện Biển Đông, Việt Nam buộc phải giải tán chế độ nô lệ của cộng sản tại đây. Sau đó, lập lại thể chế Cộng Hòa. Từ đây chính phủ mới sẽ có đủ tư cách pháp lý để đưa chuyện Biển Đông vào cuộc tài phán của Quốc tế. Từ giải pháp này, chúng ta mới khả dĩ tìm được tiếng nói, lấy lại những gì đã mất cũng như đủ thẩm quyền để xoá bỏ mọi hiệp ước bất tương xứng về biên giới, vịnh bắc bộ, chuyện thuê biển, rừng đầu nguồn hay xét lại tất cả các dự thầu, mà chế độ nô lệ Việt cộng đã ký với Trung cộng. Nếu không có thay đổi toàn diện này, chuyện biển đông chỉ là chuyện đầu môi, và Việt Nam không chỉ mất Trường Sa, Hoàng Sa Nam Quan, Bản Giốc, Lão Sơn, Tục Lãm, vịnh Bắc Bộ vì tình …đồng chí! Nhưng còn là cả giang sơn nữa!

Bảo Giang.

11-2015