Nam Hàn: Công Giáo và Phật Giáo gửi viện trợ giúp dân Bắc Hàn bị thiên tai

Theo một nguồn tin Công Giáo ẩn danh cho biết, các nhóm tư nhân bao gồm cả người Công Giáo lẫn Phật Giáo "đã vượt biên giới Nam Hàn (còn gọi là Hàn Quốc), thông qua ngả Trung Quốc, để gửi viện trợ nhân đạo cho người dân Bắc Hàn (còn gọi là Triều Tiên) bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tàn phá".

Người cung cấp tin này hiện đang tham gia cuộc đối thoại giữa hai miền Đại Hàn (Korea) nói rằng, vì hành động khiêu khích quân sự của Bình Nhưỡng nên Seoul đã cấm tất cả các kênh viện trợ trực tiếp. Nếu không có sự cho phép của Seoul thì các tổ chức phi chính phủ ở Nam Hàn không thể cung cấp viện trợ cho Bắc Hàn.

Lệnh cấm này không ảnh hưởng đến các tổ chức quốc tế, cho nên ngày hôm qua, họ đã bắt đầu cung cấp lương thực và viện trợ cho hàng chục ngàn người bị mất nhà mất cửa do trận lũ lụt nặng nề xảy ra hồi tháng trước.

Trận lũ lụt này chủ yếu ảnh hưởng đến các tỉnh phía bắc giáp với biên giới Trung Quốc, đây là một trong những nơi nghèo khổ nhất trên bán đảo Đại Hàn, đặc biệt là khu vực gần sông Đồ Môn (Tumen).

Bắc Hàn cho biết đã có 133 người chết và gần 400 người mất tích. Khoảng 35.000 ngôi nhà cũng như 9.000 trường học và các tòa nhà công cộng khác đã bị thiệt hại; 68.000 người đã được di tản. Mặc dù con số này thấp hơn so với ước tính của Liên Hiệp Quốc. Đường bộ, cầu cống và đường sắt cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Programme) đã tiến hành cung cấp thực phẩm cho hơn 140.000 người. Tuy nhiên, mùa đông chuẩn bị kéo đến khiến cho các cơ quan cứu trợ của Liên Hiệp Quốc trở nên lo ngại bởi vì mùa này thường đi kèm với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.

Tình hình hiện tại là rất nghiêm trọng. Đối với Liên Hiệp Quốc, những người di tản đang cần cấp bách nơi ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, cũng như các loại thực phẩm.

Tại Nam Hàn, các nhóm xã hội dân sự - cả thế tục lẫn tôn giáo - đã không thể làm ngơ. Nguồn tin nói trên cho biết: "Chúng tôi đã liên lạc với các nhóm ở Trung Quốc để xin họ chung tay giúp chúng tôi".

"Họ phát hành hoá đơn giả để chúng tôi gửi hàng hóa sang cho họ, sau đó họ mang qua biên giới. Tất nhiên, có một nguy cơ rất lớn là các hàng hóa thiết yếu này có thể rơi vào tay kẻ xấu. Nhưng chúng tôi còn có thể làm gì khác? Chắc chắn là không thể đứng nhìn người dân chết đói". (AsiaNews)

Chân Phương