Chúa Nhật XXVIII Thường Niên C

TẠ ƠN – CÁM ƠN

2V 5,14-17; 2 Tm 2,8-13; Lc 17,11-19

Bác sĩ A.J.Cronin là một người có tâm hồn mẫn cảm. Ông có cách điều trị rất đặc biệt với những bệnh nhân có tâm trạng buồn bã, chán nản hoặc mắc chứng trầm cảm nói chung. Ông kê cho các bệnh nhân của mình những “đơn thuốc” khá kỳ lạ, chẳng hạn họ phải luôn nói “cảm ơn” mỗi khi được ai đó đối xử tốt và lưu giữ lại trong lòng những nghĩa cử tốt đẹp đó. Phương pháp điều trị này theo bác sĩ Cronin - tỏ ra khá hiệu nghiệm!

Một lần, một nữ bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm tìm đến ông nhờ chữa trị. Bệnh của người này nặng đến mức suốt ngày bà ta ở lì trong nhà, mặt mũi bơ phờ, vô cảm, dáng vẻ thờ ơ, hờ hững, không tỏ vẻ quan tâm đến bất cứ thứ gì xung quanh. Bà đã dùng những liều thuốc điều trị thông thường nhưng chúng không có kết quả.

Bác sĩ Cronin đưa cho bà một gói giấy nhỏ và nói: “Tôi muốn mỗi ngày bà bỏ ra mười phút dùng vật này để quan sát các đồ vật ở xung quanh”.

Trong gói giấy là một chiếc kính lúp. Người phụ nữ làm theo lời dặn của bác sĩ, bà bắt đầu quan sát các đồ vật ở trong nhà. Đầu tiên là các sợi vải bọc ghế trong phòng khách, những chấm màu li ti trên các tấm ảnh cũ… Bà vô cùng ngạc nhiên trước những điều nhìn thấy! Tâm hồn bà rung động trước những điều vô cùng tinh tế của cuộc sống xung quanh mà chiếc kính lúp đã giúp bà soi rọi thấy. Bà quan sát cả những bông hoa hái trong vườn nhà, những giọt sương đêm đọng trên cành lá buổi sớm mai…

Bệnh tình của bà từ đó bắt đầu thuyên giảm dần. Bà đã khỏi bệnh nhờ vào phương pháp và toa thuốc chữa trị bằng cảm xúc: lòng biết ơn đối với sự kỳ diệu của cuộc sống.

Nuôi dưỡng trong lòng thái độ biết ơn với người khác, với cuộc đời chính là toa thuốc hiệu nghiệm nhất để giữ cho tâm hồn bạn luôn được bình yên, thanh thản và hạnh phúc.

Tin mừng Luca 17,11-19 gợi lại trong tâm hồn chúng ta tâm tình sống Nhớ ơn - Tạ ơn. Tinh thần này không chỉ là nét đẹp trong đời sống nhân văn mà còn là giá trị cao quý của tâm tình đức tin: Chúa Giêsu đánh giá cao lòng biết ơn qua qua biến cố Ngài chữa lành mười người bị phong hủi nhưng chỉ có người Samaria ngoại đạo quay lại tạ ơn Ngài và ca tụng Thiên Chúa. Sách Các Vua cũng đề cao người ngoại biết ơn khi trình thuật lại sự việc một người cùi ngoại đạo: quan Naaman - Tướng quốc của Vương quốc Syria, người được ngôn sứ Êlisê chữa lành bệnh cùi (x. 2V 5,1-19). Ông nhận biết ơn Chúa và tuyên tín: “tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Ðức Chúa” (2V 5,8) và tỏ lòng biết ơn vị ngôn sứ của Giavê.

Vượt trên bản văn Tin mừng Lc 17,11-19, chính Chúa Giêsu luôn sống trong tâm tình tạ ơn: mỗi khi làm việc, Ngài cũng tạ ơn chúc tụng Chúa Cha, Ngài tạ ơn Chúa Cha khi làm cho Lazarô phục sinh (x. Ga 11,41- 42), Ngài tạ ơn Cha khi làm phép lạ bánh (x. Mt 15,36; Mc 8,6...). Chúa Giêsu trở nên gương mẫu cho chúng ta sống tâm tình tạ ơn mỗi ngày. Thánh Phaolô học tập gương Thầy Chí thánh nơi các thư gửi các giáo đoàn, Ngài luôn tạ ơn Thiên Chúa, Ngài nhớ ơn sự quảng đại các cộng đoàn đã quảng đại giúp đỡ Ngài trên đường sứ vụ và Ngài cũng mời mỗi người tín hữu sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa với Ngài.

Dưới lăng kính nhân bản, một người có tư cách là người khi có lòng biết ơn và thể hiện lòng biết ơn. Lòng biết ơn gắn kết chúng ta trong tình yêu, như là những bông hoa nhỏ chớm nở xua đuổi mùa đông băng giá nơi tình người và bắt đầu nảy nở “mùa xuân” trong quan hệ nhân văn. Chúng ta luôn ghi nhớ: “ơn nghĩa ta nhận được làm nên một phần xương - thịt của chính mình”, cho nên phải luôn sống như ca dao dạy: “Ơn ai một chút chớ quên”. Ơn nghĩa không phải là một món hàng “đổi chác, mua bán”. Cha mẹ, thầy cô, người làm ơn khi giúp đỡ không có mục đích để được trả ơn. Nhưng là con người có tâm có trí: “tri ân là trí nhớ của trái tim”, người nhận ơn phải khắc ghi những gì người khác làm cho mình. Có dịp và trong điều kiện, bản thân sẵn sàng giúp đỡ lại những người làm ơn cho mình khi họ gặp khó khăn như tục ngữ có câu: “Ơn trả nghĩa đền”.

Ơn nghĩa không quy ra tiền, mà nó mang giá trị vô giá, ơn nghĩa chỉ sinh ra ơn nghĩa. Ngoài bổn phận khắc ghi, người được ơn phải “thi ân” đến anh em mình khi họ cần sự giúp đỡ của ta vì xã hội tính của con người là hướng tha.

Hãy ghi nhận và biểu lộ lòng biết ơn với những người thân quen sống bên chúng ta, biểu lộ bằng tâm tình sung sướng khi được sống với họ, được gặp họ... Hãy ghi nhận và biểu lộ lòng biết ơn bằng lời nói, ánh mắt, việc làm... đến những ai làm cho ta một việc rất nhỏ như nhặt hộ một cái mũ, chỉ cho một con đường... Hãy sống cảm ơn những đồng nghiệp cùng ta hợp tác làm việc để hoàn thành một sản phẩm, một nhiệm vụ… Tâm tình tạ ơn giúp con tim chú ý đến những món quà qua cách sống của mỗi người mà chúng ta nhận được trong ngày như linh mục Nguyễn Ngọc Thế SJ đã chia sẻ: “Lòng biết ơn giúp cho tương quan được sâu xa hơn, giúp cho tình yêu được triển nở hơn, giúp cho thế giới được đỡ thê lương hơn, và giúp cho mỗi người nhận ra được chính mình nhiều hơn, để yêu đời hơn, yêu người hơn …”

Sống tâm tình tạ ơn còn là tác động của tâm tình đức tin. Tôi và bạn có được ngày hôm nay là do biết bao bàn tay và tâm hồn đưa tôi vào đời. Trước hết phải kể đến ơn tạo dựng của Thiên Chúa, không lạ gì khi Thánh Kinh có rất nhiều những bản ca tụng Thiên Chúa, cụ thể như những câu Thánh vịnh: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho?” (Tv 115,12); “Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở” (Tv 118,1)... Vâng, chúng ta phải mang bổn phận biết ơn, vì “Từ nguồn sung mãn của Người (Đức Giêsu), tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16). Vâng, cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả những gì tôi và bạn có được trong đời, dù rằng như Kinh Tiền tụng trong Thánh lễ nhấn mạnh: “Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời.” (Kinh Tiền tụng IV). Thật thế, sống trong tâm tình Tạ ơn Thiên Chúa, chính lời tạ ơn trở nên hoa trái ân sủng cho chúng ta như phương pháp “Hồi tâm” của thánh I-Nhã, nhấn mạnh đến tâm tình tạ ơn, tâm tình này giúp con tim chú ý đến những món quà mà chúng ta nhận được trong ngày. Nhờ đó cuộc sống của chúng ta với thiên nhiên, với anh chị em, với bạn bè và thế giới xung quanh, đặc biệt với Thiên Chúa sẽ được sung mãn và dồi dào hơn trong tình yêu.

Cuộc sống là một hành trình mang nặng ơn nghĩa: ơn với Trời nghĩa với anh em làm thành bài ca tạ ơn vì như tục ngữ có câu:

“Ơn to khó trả, nghĩa cả khó đền”.

Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 8/10/2016.