Ông George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo. 25 cuốn sách của ông bao gồm cuốn tiểu sử hai tập về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Chứng Nhân Hy Vọng, là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã dịch sang 14 ngôn ngữ.

Người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có bài nhận định sau về thông điệp Humanae Vitae nhân kỷ niệm 50 năm công bố thông điệp này:


Ngày 25 tháng 7 năm nay là kỷ niệm lần thứ 50 thông điệp Humanae Vitae, thông điệp của Chân Phước Phaolô Đệ Lục về tính toàn vẹn của tình yêu và các phương thế kế hoạch hóa gia đình thích hợp. Được ban hành trong cuộc khủng hoảng văn hóa những năm 1960, và vào một năm khi não trạng bất cần luận lý đang rình rập toàn bộ thế giới phương Tây, Humanae Vitae ngay lập tức trở thành một hành động quyết liệt nhất của một vị giáo hoàng trong lịch sử. Và thật đáng xấu hổ vì toàn bộ Hội Đồng Giám Mục của nhiều quốc gia lúc đó đã lập tức bày tỏ thái độ bất tuân phục giáo huấn của Đức Phaolô Đệ Lục qua nhiều phương thế tinh ranh. Nhiều chiến lược trong số này pha lẫn ở mức độ nào đó những lẫn lộn về thần học, nhưng nhiều trò có thể nói thẳng thừng là hèn nhát.

Đức Phaolô Đệ Lục đã đưa ra các phán đoán trong Humanae Vitae vì hai lý do.

Thứ nhất, bởi vì ngài tin rằng việc sử dụng chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên để điều hòa sinh sản là phương pháp kế hoạch hóa gia đình nhân văn nhất, và là phương pháp xứng hợp nhất đối với phẩm giá con người - và đặc biệt là phẩm giá độc đáo của người phụ nữ.

Thứ hai, bởi vì ngài thấy trước con đường của những kẻ ủng hộ sự thay đổi trong giáo huấn Công Giáo liên quan đến các phương pháp kế hoạch hóa gia đình nào là có thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Khi ủng hộ sự thay đổi đó, họ đang thúc đẩy một sự thay đổi cơ bản trong cách phán đoán đạo đức của Giáo hội. Họ phủ nhận một số những hành vi tự nó là sai trái về bản chất, và họ lập luận rằng phán đoán đạo đức thực sự chỉ là một con tính về ý định, hành vi và hậu quả. Nếu mà cái “chủ nghĩa tương đối” ấy, như tên người ta vẫn gọi nó, là phương pháp chính thức của người Công Giáo khi cần đưa ra những phán đoán đạo đức, thì người Công Giáo sẽ sớm thấy mình trong tình trạng đáng buồn của các hệ phái Tin Lành cấp tiến, nghĩa là chúng ta chỉ là một cộng đồng Kitô hữu khác có ranh giới đạo đức hoàn toàn mềm dẻo.

Tình trạng bị bỏ rơi bởi quá nhiều Hội Đồng Giám Mục trên thế giới đã làm thương tổn sâu xa Đức Phaolô Đệ Lục, một tâm hồn nhạy cảm đã ủng hộ khẳng định của Công đồng Vatican II rằng các giám mục là một điều gì đó vượt xa các nhà quản lý các chi nhánh địa phương của Giáo Hội Công Giáo, là những người có thể nghĩ rằng mình không cần phải trung thành cho lắm.

Vì thế, khi Giáo hội và thế giới đánh dấu kỷ niệm 50 năm Humanae Vitae, và khi người Công Giáo trên khắp thế giới chuẩn bị cho lễ tuyên thánh của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục vào tháng 10 này, có lẽ những giám mục ngày nay cần hiểu rõ sự vi phạm nghiêm trọng tính đồng đoàn đã diễn ra vào năm 1968, khi rất nhiều vị tiền nhiệm của các ngài đã thất bại trong việc bảo vệ Đức Giám Mục Roma chống lại những chỉ trích dữ dội nhắm vào ngài. Và sau khi hiểu rõ như thế, các ngài có thể cân nhắc để đưa ra những khẳng định về thông điệp này, dưới hình thức này hay hình thức khác, chẳng hạn như:

1. Tôi rất biết ơn Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục vì chứng tá dũng cảm của ngài cho sự thật về tình yêu trong thông điệp Humanae Vitae. Cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, tôi tin rằng Đức Phaolô Đệ Lục “có can đảm chống lại đa số, để bảo vệ kỷ luật luân lý, 'đạp thắng' hãm lại sự xuống dốc của nền văn hóa, [và] để chống lại [cả hai] thứ tân chủ nghĩa Malthusian (chủ nghĩa hạn chế sinh sản) hiện tại và tương lai” khi coi ân sủng con cái như một thứ gánh nặng xã hội và kinh tế.

2. Tôi tin rằng những sự thật được giảng dạy bởi Humanae Vitae về phương pháp kế họach hóa gia đình thích hợp là rất quan trọng đối với hạnh phúc của con người ngày nay; việc sử dụng cố ý các phương pháp nhân tạo để điều chỉnh sinh suất sẽ bóp méo sự thật về tình yêu của con người được ghi khắc trong tự nhiên bởi Tạo Hóa; và rằng lương tâm phải tôn trọng những sự thật nội tại này trong kế hoạch hóa gia đình.

3. Tôi tin rằng những sự thật được giảng dạy bởi Humanae Vitae về việc kế hoạch hóa gia đình một cách tự nhiên đã được tự chứng minh trong những tình huống mục vụ trên khắp thế giới; rằng những sự thật đó đã có những đóng góp đáng kể cho mục vụ gia đình và việc chuẩn bị hôn nhân trong các nền văn hóa khác nhau; và rằng những kẻ phủ nhận khả năng của con người có thể hiểu và sống trong kỷ luật của phương pháp kế hoạch hóa gia đình tự nhiên là những kẻ thường tham gia vào các hình thức phân biệt chủng tộc, và các hình thức mới của chủ nghĩa thực dân, hoặc cả hai.

4. Tôi tin rằng “văn hóa tránh thai” mà Đức Phaolô Đệ Lục đã cảnh báo một cách tiên tri trong Humanae Vitae, và việc cho phép phá thai, là những yếu tố chính trong việc lạm dụng tình dục phụ nữ đã được công chúng chú ý đến nhờ phong trào #MeToo; và tôi mời gọi các nhà nữ quyền suy nghĩ lại về việc họ ăn mừng việc tránh thai nhân tạo và phá thai trong lễ kỷ niệm lần thứ 50 này.

5. Tôi tin rằng “Thần học Thân xác” của Thánh Gioan Phaolô II đã cho Giáo Hội Công Giáo một công cụ đầy thuyết phục để giải thích cả những chân lý được dạy bởi Humanae Vitae lẫn sự bất hạnh gây ra bởi cuộc cách mạng tình dục.

6. Tôi cam kết cử mừng năm kỷ niệm này như một dịp để tôn vinh món quà Humanae Vitae và sử dụng công việc mục vụ của tôi để làm sâu sắc thêm những hiểu biết về đạo đức tình dục Công Giáo như một cử hành tôn vinh nhân phẩm và món quà cuộc sống..
Source: First Thing Affirming and Celebrating Humanae Vitae