Chúa Nhật 19B TN: Hai thứ của ăn khi đi đường

Cứ 4 năm, có thế vận hội về đủ thứ bộ môn tranh tài. Để có thành tích cao, các vận động viên phải luyện tập ráo riết. Nhưng ngoài ý chí luyện tập, chắc hẳn các vận động viên còn cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Chẳng phải chỉ cần ăn bo bo là chạy ro ro đâu ! Cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Có khi chuyên biệt nữa. Như cho vận động viên (vđv) đường đua tốc độ trên bộ ăn gì uống gì; cho vđv đường đua xanh dưới nước (tức bơi lội) uống chi ăn chi; cho vđv môn bóng chuyền ăn chi uống gì và cho vđv môn thể thao vua là bóng đá uống chi ăn gì. Mỗi bộ môn có chế độ chuyên biệt.

Điều này khiến ta liên tưởng đến đời sống của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Bởi vì, đối với chúng ta, cuộc sống trần gian này, ngôn từ xưa gọi là ta đang ở trong giáo hội chiến đấu, nên cuộc sống trần gian cũng chính là một trận thi đấu, một trận thi đấu không chỉ kéo dài vài tiếng ba giờ, nhưng kéo dài suốt cả cuộc đời. Thánh Phaolô cuối đời, trong 2 Tm 4,7-8 đã nói : Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính ; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.

Là Kitô hữu, tức là một loại vận động viên “chạy” đặc biệt (theo cách ví von của Phaolô). Còn “đặc biệt” nghĩa là, theo kiểu nói của Công Đồng Vatican 2 : là công dân của hai nước, nên vận động viên mang tên Kitô này (Lê thị Kitô, Nguyễn văn Kitô, Trần ngọc Kitô…) chạy, nhảy thi đấu đại diện cho hai nước, nước trần gian và nước thiên quốc, nước Trời và nước Đất, vì thế ta phải có chế độ dinh dưỡng chuyên biệt. Nói khác đi, ta có của ăn của nước trần gian : cơm canh cá, mà còn phải có thêm của ăn của nước Trời nữa, mà hôm nay Đức Giêsu gọi thẳng tên : Bánh bởi trời. Là thịt của Ngài. Ngài là Bánh chứ không phải vé vào trời (mua được rồi là yên tâm). Ngài là bánh chứ không phải là thư chép tay để ta trình cho Phêrô khi qua cửa thiên quốc mà vào cõi trường sinh. Bánh là năng chịu. Bánh là ăn được.

Có một phụ nữ kia vào xưng tội : Thưa cha, hôm nay con đã rước Mình Thánh Chúa. (Im lặng). Hai lần. Đã 3 ngày con không có gì bỏ vào miệng. Tức là người nữ này đi lên đi xuống để nhận bánh hai lần, vì đói đã 3 ngày. Không biết xếp tội của chị vào tội gì, bởi vì không có trong danh mục các tội. Có lẽ là lầm chứ không phải là lỗi là tội. Lầm bánh bởi trời với bánh trần gian. Cùng là họ bánh, cũng là ăn, nhưng có ăn bánh bởi trời mười lần đi nữa (ý tôi muốn nói bánh lễ bây giờ nhỏ mà lại mỏng như tờ giấy) thì cũng chẳng làm giảm cơn đói trần gian đi chút nào đâu.

Quả thật hôm nay Chúa Giêsu có nói đến bánh. Mà là bánh bởi trời. Nghe vậy người Do-thái xầm xì rầm rì: “Ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse đó sao ? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói : ‘Tôi từ trời xuống ?’” Ông có phải là bé Mai-ca đâu. Có phải là Harry Potter phù thuỷ đâu mà rơi từ trời xuống được. Họ hiểu «trời» theo nghĩa vật chất là bầu trời, không trung. Làm sao ông này lấy thịt cho chúng ta ăn được. Họ hiểu thịt như là thịt chó thịt heo thịt gà, nên nhất quyết ông này không thể lấy thịt mình mà cho người ta ăn. Quả là thịt thật. Nhưng bánh thành thịt. Thịt trong hình bánh.

Không chỉ câu Ta là bánh bởi trời, bánh chính là thịt Ta mà những lời nói, nói lên những chân lý quan trọng trong Thánh Kinh đều cần phải hiểu theo nghĩa tâm linh hơn theo nghĩa vật chất, hay còn gọi là nghĩa đen. Trong lịch sử, Giáo Hội Công Giáo đã bị «hố» nhiều lần vì hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen, để rồi về sau phải chỉnh lại cách hiểu của mình theo nghĩa tâm linh, sứ điệp. Chẳng hạn việc hiểu trình tự sáng tạo vũ trụ và con người trong sách Sáng thế ký diễn ra trong 6 ngày là phải y như sáu ngày. Ai nói 8 ngày hay, chẳng qua Chúa toàn năng tạo dựng chỉ là một khắc, vèo một cái là xong, là bị kết án ngay rối đạo. Việc hiểu câu Kinh Thánh Giosuê 10,12 : xin mặt trời đứng lại, khoan lặn vội để dân thắng kẻ thù đã, đã đưa đến việc kết án Côpécnic và Galilê…Rồi Chúa Giêsu có nói : nếu mắt sinh dịp tội, móc đi, nếu tay sinh dịp tội chặt bỏ, nếu chân sinh dịp tội cưa ngay, mà ta hiểu theo nghĩa đen, nghĩa thể chất, thì chắc ai trong chúng ta cũng đui què cụt cả.

Kinh Thánh có những chỗ hiểu nghĩa đen, nhưng đa số các chân lý quan trọng đều phải hiểu theo nghĩa tâm linh. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: «Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết». Chữ «chết» trong câu trước - ứng với việc ăn manna - buộc phải hiểu theo nghĩa thể chất, nghĩa là chết về thể xác. Chết thẳng cẳng. Còn chữ «chết» trong câu sau - ứng với việc ăn «bánh từ trời xuống» - buộc phải hiểu theo nghĩa tâm linh, vì không có ý nói đến cái chết thể xác, bởi chưa ai ở trần gian này thoát chết về thể chất cả, dẫu họ ăn cả tá kilô bánh Kitô từ trời. Kể cả Đức Giêsu, là bánh từ trời, cũng trải qua cái chết.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tuyên bố: «Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời». Chắc chắn, đối với chúng ta, những người Kitô hữu, lời Ngài nói ắt phải là chân lý. Và đây là một chân lý quan trọng đem lại sự sống và phát triển tâm linh cho chúng ta. Vì thế, chúng ta phải triệt để áp dụng chân lý này vào đời sống. Chắc hẳn không ai trong chúng ta hiểu câu nói này theo kiểu các yêu tinh trong truyện Tây Du Ký hiểu về thịt của Đường Tăng Tam Tạng. Chúng quyết tâm bắt cho được Đường Tăng để ăn thịt, với niềm tin tưởng rằng ăn thịt ông thì sẽ được sống lâu, thậm chí sẽ không chết. Tôi nghĩ : giả như có ai giết Đức Giêsu để ăn thịt Ngài (theo kiểu các yêu tinh ăn thịt Đường Tăng) thì người ấy vẫn chết như thường, và về mặt tâm linh thì cũng chẳng được ích lợi gì. Vì câu nói «thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống» của Đức Giêsu không thể hiểu theo nghĩa vật chất. «Thịt» và «Máu» ở đây không phải là thịt và máu huyết vật chất, «của ăn» và «của uống» ở đây cũng không phải là của ăn và của uống vật chất. Tất cả những từ trên đều phải hiểu theo nghĩa tâm linh. Và nếu hiểu theo nghĩa tâm linh, thì Đức Giêsu chính là lương thực đem lại sự sống và sự phát triển tâm linh thật sự.

Vậy ăn bánh, bánh lại là thịt, hiểu theo nghĩa tâm linh là gì. Ăn và uống vật gì là được nuôi dưỡng, được trở nên mạnh mẽ bởi chính vật ấy. Việt Nam ta có câu nói khá hay : ăn gì bổ nấy. Ăn gan bổ gan, ăn nhãn bổ mắt, ăn dê bổ dương. Rồi thịt và máu một người nói lên chính bản thân người ấy. Ăn thịt và uống máu Đức Giêsu hiểu theo nghĩa tâm linh là được bổ dưỡng, được trở nên mạnh mẽ bởi chính Đức Giêsu. Ăn Giêsu, bổ Kitô. Mà Kitô Giêsu là gì ? Ngài đủ thứ “là.” Ngài là nguồn sống, là nguồn tình yêu, là nguồn sức mạnh, là nguồn trí tuệ, là nguồn của tất cả mọi sự thiện hảo trên trời dưới đất. «Ăn» và uống» Ngài chính là làm cho Ngài thấm nhập vào ta, hoà quyện vào ta, làm cho ta càng ngày càng trở nên Ngài, nói cụ thể hơn là giống y như Ngài, trở nên một với Ngài. Nghĩa là ta cũng trở nên thần linh, trở nên nguồn sự sống, nguồn tình yêu, nguồn sức mạnh, nguồn trí tuệ, nguồn của tất cả mọi sự thiện hảo.

Một buổi tối, tại nhà xứ Mai Khôi, trong dịp tĩnh tâm của giới trẻ vào mùa chay, một thanh niên miền Bắc kể lại câu chuyện này: Anh sống trong một xứ đạo thiếu linh mục, đời sống bí tích vắng lạnh, nên tâm tình anh khô khan, thấy kẻ đau khổ ít khi anh tỏ lòng thương xót. Và ngày kia, anh nghe vọng đến một giọng hát nữ. Cô hát bài về Đức Maria. Lời hát không hay lắm, giọng ca không đạt gì, nhưng chẳng hiểu sao tâm hồn anh xúc động. Anh liền tìm đến tiếng hát và nhận ra người ca là một cô gái mù. Thương cảm, anh hỏi tại sao lại hát được như thế. Cô trả lời rằng, cô hát để ca ngợi và nói lên niềm vui của mình, vì Chúa đã thương cô và cho cô được thông phần vào nỗi đau khổ của Người trên Thập Giá.

Quả con người của cô đã thấm, đã bổ đầy chất Kitô. Như bình thông nhau, cô coi cô tàn tật đui mù là ân huệ vì Chúa cho cô thông phần, thông nhau với nỗi khổ của Chúa. Và như thế nói theo thánh Phaolô trong thư 2 Timothê, “nếu ta chịu khổ cùng với Người ta sẽ thống trị với Người. Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ sống với Người.”

Là Kitô hữu, là kẻ mang 2 quốc tịch, tức là công dân của 2 Nước, Nước dưới đất và Nước trên Trời, cho nên cần có hai của ăn. Của ăn cơm cá để ta đi đàng dương thế, và của ăn bánh Trời để ta đi đàng về Thiên Quốc (giáo hội vẫn gọi từ xưa nay, rước lễ khi nguy tử, là rước “của ăn đàng” viaticum). Đừng xao nhãng của ăn nào cả, kẻo không thể “chạy” (kiểu nói của Phaolô) đến cuối đường.(1) Đường trên đời và đường lên trời. Amen

tiểu tử An-Phong Nguyễn Công Minh

(theo bài gợi ý của JKN)

______________

(1) có thực mới vực được đạo. Elia muốn bỏ cuộc khi lên núi Khoreb gặp Chúa, vì … đói lả (xem bài đọc I)