Linh mục dòng tên Thomas Sweetser là sáng lập viên và là đương kim giám đốc Dự Án Lượng Giá Giáo Xứ. Cuốn sách sắp xuất bản của ngài có tựa đề là Can Francis Change the Church?: How American Catholics Are Responding to His Leadership (Đức Phanxicô có thể thay đổi được Giáo Hội không?: Người Công Giáo Hoa Kỳ Phản Ứng Ra Sao Đối Với Sự Lãnh Đạo Của Ngài?).



Cha cho hay: trong hơn 7 năm qua, ngài đã phỏng vấn nhiều người Công Giáo Hoa Kỳ về thái độ của họ đối với Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trong vòng phỏng vấn mới nhất, diễn ra vào tháng 9 năm ngoái, cha đã hỏi người ta về phản ứng của họ đối với vụ tai tiếng lạm dụng tình dục. Họ tỏ ý giận dữ và ghê tởm nhưng cũng hy vọng các thay đổi đáng kể có thể sẽ sớm diễn ra.

Chẳng hạn, bà Pam, một phụ nữ từ bang Minnesota ở tuổi đầu 50, nhận xét: "Tôi cảm thấy buồn cho các nhà lãnh đạo của giáo hội khi họ phải tự bảo vệ mình và giáo hội của chúng ta. Nhưng chủ yếu, tôi không biết nên tin tưởng ai trong Giáo Hội Công Giáo nữa". Allyson, một người ở độ tuổi 20 đang học thần học ở trường hậu đại học, nhận xét: “Làm thế nào cái giáo hội mà tôi tin tưởng và là trung tâm trọn cuộc sống của tôi, [đã] làm một điều như thế này – trở thành nguồn gốc cho một nỗi đau đớn như vậy chứ?”

Cuộc tụ tập của các vị đứng đầu các hội đồng giám mục với Đức Giáo Hoàng vào tháng Hai có thể là một khởi đầu theo một hướng mới. Như Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna, một trong những người lập kế hoạch cho cuộc tụ tập, đã nói với tờ America, “các giám mục chúng tôi cần ... tiếp nhận điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là 'một phương thức đồng nghị' (synodal approach). Nghĩa là chúng tôi không thể làm điều ấy một mình trong cộng đồng của chúng ta, chúng tôi cũng cần phải trao quyền cho giáo dân, cho hàng ngũ giáo dân, để giúp chúng ta trở thành những người quản lý tốt”.

Sự trao quyền này sẽ đòi hỏi gì? Nhiều người được phỏng vấn kêu gọi để giáo dân đóng một vai trò tích cực hơn trong các cơ cấu và diễn trình ra quyết định khác nhau của giáo hội.

Kathleen, một phụ nữ lớn tuổi sống ở Washington, D.C., đã kêu gọi giáo hội “mang giáo dân vào, đầy đủ lực lượng". Bà nói thêm: "Chúng ta là người khổng lồ của giáo hội. Chúng ta cần phải là một phần của việc ra quyết định giáo hội sẽ ra như thế nào".

Larry, đã nghỉ hưu và sống ở Wisconsin, đã khẩn khoản: “Hãy đưa phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo ở cấp cao nhất ngay cả khi bạn không muốn phong chức cho họ. Rất nhiều những gì thuộc về con người, sự quan tâm, hòa nhập, cảnh giác và yêu thương được phát biểu tốt hơn bởi phụ nữ, hoặc ít nhất được phát biểu tốt hơn bởi đàn ông và phụ nữ cùng với nhau”. Đây là một chủ đề phổ biến trong số những người được phỏng vấn.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô là nhân tố chủ yếu cho sự thay đổi từ quyền lực và đặc quyền giáo sĩ sang chia sẻ thẩm quyền và ra quyết định. Nancy, một người Trung Tây, nói với cha, “ở thời điểm này, tôi muốn Đức Giáo Hoàng của mình trở thành một giọng nói rất táo bạo, ồn ào, đòi hỏi, nói hàng ngày, một người đang vận động các thay đổi cần diễn ra trong giáo hội”.

Tom, một cụ già 80 tuổi từ California, cũng yêu cầu Đức Giáo Hoàng phải hành động táo bạo: “Xin hãy dẫn đường! Hãy mạnh mẽ! Đừng sợ! Hãy đề xuất và cổ vũ các thay đổi thực sự, nhận ra và hiểu rõ sự đối lập gay gắt mà ngài sẽ gặp phải. Hãy cải cách chính nền văn hóa của giáo hội. Một là thế hai là chứng kiến giáo hội mất thế giá và hàng triệu người mất đức tin”.

Sự thay đổi văn hóa này phải được các giám mục và linh mục chấp nhận. Ken Untener, cố giám mục của Saginaw, Mich., xuất hiện trong tâm trí cha. Khi trở thành giám mục vào năm 1980, ngài trao trú sở chính thức của ngài cho người thứ ba bảo trì, và đi sống tại các giáo xứ khắp giáo phận trong khoảng chừng hai hoặc ba tháng một lần. Khi ngài qua đời vào năm 2004, giáo dân đã tới rất đông để canh thức và dự tang lễ của ngài. Đức Cha Untener là một với đoàn chiên của ngài. Đó là một phong cách lãnh đạo nên được bắt chước.

Bạn hãy tưởng tượng điều gì sẽ xẩy ra nếu những vị tham dự hội nghị tháng hai với Đức Giáo Hoàng lấy làm lòng tầm nhìn sâu sắc rằng chúng ta phải minh bạch và có trách nhiệm trong việc xử lý lạm dụng tình dục. Nhưng đây mới chỉ là khởi đầu. Các giám mục cũng phải thay đổi cách họ cai quản các giáo phận. Các ngài phải học cách làm việc bằng cách hợp tác với giáo dân, có tinh thần hòa nhập. Các tòa giám mục của các ngài nên là các môi trường cởi mở, chào đón, chú trọng tới sự hiếu khách và hợp tác. Nên cung cấp việc huấn luyện theo phương thức mới mẻ này cho các linh mục để sự thay đổi hướng tới nền văn hóa hòa nhập hơn trở thành tiêu chuẩn trong cả các giáo xứ.

Cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục và che đậy nó trong giáo hội là một triệu chứng của một cơ cấu khép kín, không chịu trách nhiệm. Phong trào hướng tới một phong cách lãnh đạo cởi mở và chia sẻ chỉ ra một cách mới mẻ để trở thành giáo hội. Như Ed, một linh mục không còn hoạt động nữa, nhắc đến trong một cuộc phỏng vấn, “Nhiệm vụ rất lớn, sự kháng cự thấy rõ và dường như bất khả, nhưng một sự hồi tâm sâu sắc là điều chủ yếu”.

Ginny, một phụ nữ ở độ tuổi 70 sống ở New England, đã có một cái nhìn tích cực: “Cảm ơn Chúa, chúng ta có Đức Phanxicô là giáo hoàng của chúng ta. Ngài có thể chăn dắt chúng ta bằng các thay đổi cần thiết .... Đây có thể là một khoảnh khắc chuyển tiếp khó tin trong hoàn cảnh chỉ có nam giới mới được thụ phong mà giáo hội của chúng ta vốn là, phần lớn”.

Cha Sweetser hy vọng cuộc họp tháng Hai này giữa các giám mục và Đức Giáo Hoàng sẽ là khởi đầu của sự hồi tâm mới mẻ nói trên. Cuộc hồi tâm này sẽ dẫn đến đâu? Hy vọng, nó sẽ dẫn đến một vai trò mới sôi động hơn cho giáo dân, nhiều cơ hội lãnh đạo hơn cho phụ nữ trong giáo hội và một cuộc thảo luận nghiêm túc về các trách nhiệm của các giáo sĩ. Dựa trên các cuộc phỏng vấn của cha, dân Chúa không sợ hãi nhưng thay vào đó, họ đòi hỏi một thay đổi thực sự.