Trong ngày đầu tiên của Hội Nghị Thượng đỉnh Bảo Vệ Trẻ Em Trong Giáo Hội, Đức Tổng Giám Mục Charles J Scicluna, một trong 4 vị trong Ban Tổ Chức Hội Nghị, đã có bài phát biểu sau đây:

Lãnh Trách nhiệm Cứu xét các Trường hợp của Cuộc Khủng hoảng Lạm dụng Tình dục và Ngăn ngừa Lạm dụng

Nhập đề

Cách các Giám mục chúng ta thực thi thừa tác vụ của mình để phục vụ công lý trong các cộng đồng của chúng ta là một trong những thử nghiệm căn bản của sự quản lý của chúng ta và, quả thực, của lòng trung thành của chúng ta. Xin trích dẫn Lời Chúa trong Lu-ca 12:48: “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn”. Chúng ta được trao phó chăm sóc giáo dân của chúng ta. Nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta là bảo vệ giáo dân của chúng ta và đảm bảo công lý khi họ bị lạm dụng. Trong bức thư gửi dân Chúa ở Ái Nhĩ Lan, công bố ngày 19 tháng 3 năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nói điều này: “Chỉ bằng cách khảo sát cẩn thận nhiều yếu tố dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay, cuộc chẩn đoán rõ ràng các nguyên nhân của nó mới được thực hiện và các biện pháp khắc phục hữu hiệu mới được tìm thấy. Chắc chắn, trong số các nhân tố đóng góp, chúng ta có thể kể: các thủ tục không hỏa đáng để xác định sự thích hợp của các ứng viên vào chức linh mục và đời sống tu dòng; việc đào tạo về nhân bản, đạo đức, trí tuệ và thiêng liêng không đầy đủ trong các chủng viện và tập viện; xu hướng trong xã hội ưu đãi các giáo sĩ và các nhân vật có thẩm quyền khác; và mối quan tâm không đúng chỗ về danh tiếng của Giáo hội và tránh tai tiếng, dẫn đến việc không áp dụng các hình phạt giáo luật hiện có và bảo vệ phẩm giá của mọi người. Cần có hành động khẩn cấp để giải quyết những nhân tố này, các nhân tố đã gây ra hậu quả bi thảm đến thế trong cuộc sống các nạn nhân và gia đình họ, và đã che khuất ánh sáng Tin mừng đến độ thậm chí nhiều thế kỷ bách hại cũng đã không làm thành công như vậy) http://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/letters/2010/document/hf_benxvi_let_20100319_ecl-ireland.html

Bài nói của tôi sáng nay có ý định lướt qua các giai đoạn chính của diễn trình cứu xét các trường hợp cá nhân lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên bởi các thành viên của hàng giáo sĩ với một số gợi ý thiết thực được hình thành bởi sự thận trọng, bởi việc thực hành tốt nhất và bởi mối quan tâm hàng đầu đối với việc bảo vệ sự vô tội của trẻ em và người trẻ của chúng ta.

Báo cáo hành vi sai trái về tình dục

Giai đoạn đầu tiên là Báo cáo hành vi sai trái về tình dục. Điều chủ yếu là cộng đồng nên được thông báo rằng họ có nghĩa vụ và quyền báo cáo hành vi sai trái về tình dục cho một người liên lạc trong giáo phận hoặc dòng tu. Những chi tiết về người liên lạc này nên được đăng tải công khai. Nên khuyến cáo việc này: nếu và khi một trường hợp có hành vi sai trái được trình trực tiếp cho Giám mục hoặc Bề trên dòng tu, các vị này phải chuyển thông tin cho người liên lạc được chỉ định. Trong mọi trường hợp và trong mọi giai đoạn xử lý các trường hợp này, hai điểm này phải luôn được tuân thủ: i) các qui thức (protocols) được thiết lập phải được tôn trọng. ii) luật dân sự hoặc trong nước phải được tuân theo. Điều quan trọng là mọi cáo buộc đều được điều tra với sự giúp đỡ của các chuyên gia và cuộc điều tra được kết thúc không chậm trễ một cách không cần thiết. Sự biện phân của thẩm quyền giáo hội phải có tính hợp đoàn. Trong một số hội đồng duyệt xét hoặc bảo vệ của các giáo hội địa phương, các ủy ban đã được thành lập và kinh nghiệm này đã được chứng minh là có lợi. Thật là một sự nhẹ lòng cho các giám mục khi chúng ta có thể chia sẻ nỗi buồn, nỗi đau và sự thất vọng của mình khi phải đối diện với những hậu quả khủng khiếp của hành vi sai trái nơi một số linh mục. Lời khuyên của chuyên gia mang lại ánh sáng và an ủi và giúp chúng ta đạt được các quyết định dựa trên năng lực khoa học và chuyên môn. Xử lý các trường hợp khi chúng phát sinh trong một khung cảnh đồng nghị hoặc hợp đoàn sẽ đem lại năng lực cần thiết cho các giám mục để vươn tay mục vụ ra với các nạn nhân, các linh mục bị buộc tội, cộng đồng tín hữu và thực sự với cả xã hội nói chung. Tất cả những người này đòi hỏi sự chú ý đặc biệt và vị Giám mục và Bề trên dòng cần phải mở rộng sự ân cần mục vụ của mình đối với họ hoặc trực tiếp hoặc thông qua các đại diện của mình. Là các mục tử của đoàn chiên Chúa, chúng ta không nên đánh giá thấp sự cần thiết phải đối đầu với những vết thương sâu gây ra cho nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi các thành viên của hàng giáo sĩ. Chúng là những vết thương có bản chất tâm lý và tâm linh cần được săn sóc cẩn thận. Trong nhiều cuộc gặp gỡ với các nạn nhân trên khắp thế giới, tôi đã tiến đến chỗ nhận ra rằng đây là mảnh đất thánh thiêng nơi chúng ta gặp Chúa Giêsu trên Thập giá. Đây là một Via Crucis (Đàng Thánh Giá) mà các giám mục và các nhà lãnh đạo khác của Giáo hội không thể bỏ lỡ. Chúng ta cần phải là Simon Xirênê giúp các nạn nhân, những người mà Chúa Giêsu đã đồng hóa với (Mt 25), vác thập giá nặng nề của họ.

Điều tra các trường hợp sai trái về tình dục

Theo Tự Sắc Sacramentorum Sanctitatis tutela, kết quả cuộc điều tra về hành vi sai trái tình dục của giáo sĩ với trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi nên được trình cho Bộ Giáo lý Đức tin. Trong những trường hợp này, vị bản quyền được Giáo luật cho phép áp dụng các biện pháp phòng ngừa (điều 1722) nhằm hạn chế hoặc ngăn cấm việc thi hành thừa tác vụ. Vị bản quyền nên tham khảo ý kiến các chuyên gia giáo luật của mình trong tất cả các trường hợp về hành vi sai trái tình dục để việc chuyển trình được thực hiện khi cần thực hiện và các thủ tục thích đáng được áp dụng ở cấp địa phương khi vụ việc không được dành riêng cho Tòa thánh (ví dụ, khi xảy ra hành vi sai trái giữa người lớn thuận tình). Ngoài ra, các chuyên gia sẽ giúp Giám mục hoặc Bề trên dòng chia sẻ mọi thông tin cần thiết với Bộ Giáo Lý Đức Tin và sẽ giúp ngài bày tỏ ý kiến cố vấn của mình về giá trị của các lời cáo buộc và các thủ tục phải theo. Nên khuyến cáo việc này: Vị bản quyền nên theo dõi trường hợp với Bộ Giáo Lý Đức Tin. Giám mục hoặc Bề trên dòng là người có vị thế tốt nhất để biện phân tác động có thể có do kết quả của vụ kiện gây ra cho cộng đồng của mình. Bộ Giáo Lý Đức Tin rất coi trọng ý kiến cố vấn của Giám mục và luôn có mặt để thảo luận về các trường hợp cá nhân với các thẩm quyền giáo hội có năng quyền.

Diễn trình hình phạt giáo luật

Trong hầu hết các trường hợp được trình cho Bộ Giáo Lý Đức Tin, một diễn trình hình phạt giáo luật được Tòa Thánh cho phép. Phần lớn các diễn trình hình phạt giáo luật thuộc loại ngoại tòa (extra-judicial) hoặc hành chánh (điều 1720). Diễn trình hình phạt tư pháp được cho phép trong một số ít trường hợp hơn. Trong cả hai loại diễn trình, vị bản quyền có nhiệm vụ đề cử các Thụ ủy (delegate) và Hội thẩm (assessor) hoặc Thẩm phán và Chưởng lý (promoter of juctice) là những người khôn ngoan, có trình độ học vấn và nổi tiếng về ý thức công bằng. Trong hệ thống của chúng ta, như được thu lượm hiện nay, vai trò của nạn nhân bị lạm dụng tình dục trong tố tụng giáo luật bị hạn chế. Sự ân cần mục vụ của vị bản quyền sẽ giúp bù đắp sự thiếu thốn này. Người chịu trách nhiệm Bảo vệ An toàn trong Giáo phận hoặc Dòng tu nên có khả năng chia sẻ thông tin về tiến độ tố tụng với nạn nhân hoặc các nạn nhân trong vụ án. Trong diễn trình hình phạt tư pháp, nạn nhân có quyền khởi tố vụ án gây thiệt hại trước thẩm phán giáo hội của tòa Sơ thẩm. Trong trường hợp diễn trình xử phạt hành chánh, sáng kiến này nên được thực hiện bởi vị bản quyền thay mặt cho nạn nhân, yêu cầu thụ ủy bồi thường thiệt hại có lợi cho nạn nhân như hậu quả chờ quyết định kết tội cuối cùng. Yếu tính của một diễn trình công bằng đòi hỏi điều này: bị cáo được trình bày mọi lập luận và bằng chứng chống lại họ; bị cáo được dành trọn vẹn lợi ích của quyền được trình bày việc bênh vực mình; phán quyết được đưa ra dựa trên các sự kiện của vụ án và pháp luật áp dụng cho vụ án; một phán quyết hoặc quyết định hợp lý được truyền đạt bằng văn bản cho bị cáo và bị cáo được hưởng quyền đòi sửa lại một phán quyết hoặc một quyết định có hại cho mình. Một khi vị bản quyền, theo hướng dẫn của Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã chỉ định một thụ ủy và Hội thẩm của mình trong diễn trình hành chánh hoặc chỉ định các thành viên của tòa án trong diễn trình xử phạt tư pháp, ngài nên để những người được đề cử làm công việc của họ và không nên can thiệp vào diễn trình. Tuy nhiên, nhiệm vụ của ngài vẫn là đảm bảo để diễn trình được thực hiện kịp thời và đúng theo giáo luật. Một diễn trình hình phạt giáo luật, dù là tư pháp hay hành chánh, đều kết thúc với một trong ba kết quả có thể xảy ra: một decisio condemnatoria (quyết định lên án, trong đó bị cáo bị kết tội là có tội theo giáo luật) một decisio dimissoria (quyết định bác bỏ, trong đó, những lời buộc tội không được chứng minh); hoặc một decisio ansolutoria (quyết định tha bổng, trong đó, bị cáo được tuyên bố vô tội). Một decisio dimissoria có thể tạo ra một vấn đề nan giải. Giám mục hoặc bề trên dòng vẫn có thể không thoải mái với việc tái bổ nhiệm bị cáo vào thừa tác vụ trong trường hợp các cáo buộc là đáng tin cậy nhưng vụ việc không được chứng minh. Lời cố vấn của chuyên gia rất chủ yếu trong những trường hợp này và vị bản quyền nên sử dụng thẩm quyền của mình để bảo đảm ích chung và bảo đảm an toàn hữu hiệu cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Giao diện với quyền tài phán dân sự

Một khía cạnh chủ yếu của việc thi hành quyền quản lý trong những trường hợp này là giao diện thích đáng với quyền tài phán dân sự. Chúng ta đang nói về hành vi sai trái cũng là một tội ác trong mọi quyền tài phán dân sự. Năng quyền của các cơ quan nhà nước cần được tôn trọng. Luật Báo cáo cần được tuân thủ cẩn thận và tinh thần hợp tác sẽ có lợi cho cả Giáo hội và xã hội nói chung. Các Tòa án dân sự có thẩm quyền trừng phạt tội phạm và thẩm quyền khác để bồi thường thiệt hại theo luật liên quan đến các vấn đề dân sự. Các định mức dân sự hoặc các tiêu chuẩn về bằng chứng có thể khác với những điều này trong thủ tục tố tụng của giáo luật. Sự khác biệt về kết quả cho cùng một trường hợp không phải là điều hiếm khi xảy ra. Trong một số thủ tục tố tụng giáo luật, các hành vi được trình bày hoặc đưa ra trong diễn trình tố tụng dân sự được trình bày như một yếu tố bằng chứng. Điều này xảy ra khá thường xuyên trong các trường hợp tạo mãi, sở hữu hoặc phổ biến văn hóa phẩm khiêu dâm liên quan đến trẻ vị thành niên, trong đó, các thẩm quyền Nhà nước sở hữu các phương tiện tốt hơn trong việc phát hiện, giám sát và tiếp cận bằng chứng. Sự khác biệt trong các luật lệ liên quan đến thời hiệu (statute of limitations or prescription) là một động lực khác tạo nên sự đa dạng về kết quả trong cùng một trường hợp được quyết định theo các phạm vi tài phán khác nhau. Quyền của Bộ Giáo Lý Đức Tin hạ thấp thời hiệu hai mươi năm vẫn được viện dẫn trong việc xử các vụ lâu năm (historical caes), nhưng dĩ nhiên đây không nên là tiêu chuẩn mà chỉ là ngoại lệ. Lý do pháp lý (ratio legis) ở đây là việc thiết lập sự thật và bảo đảm công lý đòi hỏi khả năng được thực thi quyền tài phán tư pháp có lợi cho lợi ích chung ngay trong các trường hợp tội phạm đã lâu.

Thực hiện các quyết định giáo luật

Giám mục và Bề trên dòng có nhiệm vụ giám sát việc thi hành và chấp hành các kết quả chính đáng của thủ tục tố tụng hình sự. Phải dành cho bị cáo quyền được sử dụng các biện pháp tu chính được pháp luật cho phép chống lại một quyết định khiến anh ta phải buồn phiền. Một khi giai đoạn kháng cáo đã hết, bổn phận vị bản quyền là phải thông báo cho Cộng đồng về kết quả cuối cùng của diễn trình. Các quyết định tuyên bố tội lỗi của bị cáo và hình phạt được áp dụng nên được thực hiện không chậm trễ. Các quyết định tuyên bố sự vô tội của bị cáo cũng cần được công bố công khai thích đáng. Chúng ta thẩy đều biết rằng rất khó khôi phục danh tiếng của một linh mục từng bị buộc tội một cách bất công. Vấn đề chăm sóc sau đó trong các trường hợp này cũng bao gồm cả việc chăm sóc các nạn nhân đã bị phản bội trong các khía cạnh căn bản và thiêng liêng nhất trong nhân cách và hữu thể của họ. Gia đình họ cũng bị ảnh hưởng sâu xa và cả cộng đồng nên chia sẻ gánh nặng đau buồn của họ và cùng với họ hướng tới sự hàn gắn.

Những lời của Đức Bênêđíctô XVI gửi cho các Giám mục Ái Nhĩ Lan vào ngày 28 tháng 10 năm 2006 nghe có vẻ tiên tri hơn ngày hôm nay: “Trong khi thi hành thừa tác mục vụ của anh em, anh em đã phải giải đáp trong nhiều năm gần đây nhiều trường hợp lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Những trường hợp này càng bi thảm hơn nữa khi kẻ lạm dụng là một giáo sĩ. Các vết thương gây ra bởi các hành vi như vậy đâm thật sâu, và nhiệm vụ khẩn cấp là xây dựng lại niềm tin và niềm tín thác nơi những điều này đã bị tổn hại. Trong các cố gắng liên tiếp của anh em trong việc giải quyết hữu hiệu vấn đề này, điều quan trọng là phải thiết lập sự thật về những gì đã xảy ra trong quá khứ, thực hiện bất cứ bước cần thiết nào để ngăn chặn nó xảy ra lần nữa, để đảm bảo rằng các nguyên tắc công lý được tôn trọng đầy đủ và, trên hết, để mang lại sự hàn gắn cho các nạn nhân và cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi những tội ác nghiêm trọng này. Nhờ cách này, Giáo hội ở Ái Nhĩ Lan sẽ ngày càng lớn mạnh hơn và có khả năng làm chứng cho quyền năng cứu chuộc của Thập giá Chúa Kitô. Tôi cầu xin để nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, lần thanh tẩy này sẽ làm cho tất cả dân thiên Chúa ở Ái Nhĩ Lan “duy trì và hoàn thiện trong cuộc sống họ sự thánh thiện mà họ đã nhận được từ Thiên Chúa” (Lumen Gentium, 40).

Công việc tốt đẹp và sự cống hiến vị tha của đại đa số các linh mục và tu sĩ ở Ái Nhĩ Lan không nên bị che khuất bởi sự vi phạm của một số anh em của họ. Tôi chắc chắn rằng mọi người hiểu điều này, và tiếp tục nhìn hàng giáo sĩ của họ một cách âu yếm và quý trọng. Anh em hãy khuyến khích các linh mục của anh em luôn biết tìm kiếm sự đổi mới tâm linh và khám phá được niềm vui phục vụ đoàn chiên của họ trong đại gia đình Giáo hội”.

http://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/speeches/2006/oc/10/document/hf_ben-xvi_spe_20061028_ad-limina-ireland.html

Phòng chống lạm dụng tình dục

Việc Quản lý của chúng ta cũng nên nắm được vấn đề cấp bách và lâu dài về phòng ngừa hành vi sai trái tình dục nói chung và lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên nói riêng. Bất kể hiện đang thiếu các ứng viên cho chức linh mục ở một số nơi trên thế giới, nhưng cũng có cơ sở nở rộ ơn gọi ở những người khác, vấn đề sàng lọc các ứng viên tương lai vẫn là điều cốt yếu. Các văn kiện gần đây hơn của Bộ Giáo sĩ về các chương trình đào tạo nhân bản cần được nghiên cứu và thực thi một cách kỹ lưỡng. Xin trích dẫn văn kiện mới gần đây hơn là văn kiện Ratio Fundamentalis (8 tháng 12 năm 2016): “Chú ý lớn nhất phải được dành cho chủ đề bảo vệ trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương, cảnh giác rằng những người tìm cách được nhận vào Chủng viện hoặc Nhà đào tạo, hoặc những người đã kiến nghị được nhận các Chức thánh, không can dự bất cứ cách nào với bất cứ tội ác hoặc hành vi có vấn đề nào trong lĩnh vực này. Các nhà đào tạo phải bảo đảm rằng những người đã có kinh nghiệm đau đớn trong lĩnh vực này nhận được sự đồng hành đặc biệt và thích đáng. Các bài học, hội thảo hoặc khóa học chuyên biệt về bảo vệ trẻ vị thành niên sẽ được đưa vào các chương trình đào tạo ban đầu và liên tục sau đó. Thông tin thỏa đáng phải được cung cấp một cách thích đáng, một điều cũng chú ý đến các lĩnh vực xử lý việc có thể bị bóc lột và bạo lực, chẳng hạn như buôn bán trẻ vị thành niên, lao động trẻ em và lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên hoặc người lớn dễ bị tổn thương” (số 202).

Một sự hiểu biết chính đáng và cân bằng về các yêu cầu của việc sống độc thân và khiết tịnh trong chức linh mục cần được củng cố bằng một sự đào tạo sâu sắc và lành mạnh trong tự do nhân bản và học thuyết luân lý lành mạnh. Các ứng viên vào chức linh mục và đời sống tu dòng nên nuôi dưỡng và phát triển trong tình phụ tử thiêng liêng, một tình phụ tử vẫn sẽ là động lực căn bản cho sự hiến mình quảng đại cho cộng đồng đức tin theo gương của Chúa Giêsu Mục tử nhân lành.

Giám mục và Bề trên dòng nên thực thi quyền làm cha thiêng liêng của mình đối với các linh mục được giao phó cho mình chăm sóc. Tình phụ tử này được chu toàn nhờ sự đồng hành với sự giúp đỡ của các linh mục khôn ngoan và thánh thiện. Phòng ngừa được phục vụ tốt hơn khi các quy thức (Protocols) rõ ràng và Quy tắc ứng xử được biết rõ. Phản ứng với hành vi sai trái phải công bằng và vô tư. Các kết quả phải rõ ràng ngay từ đầu. Trên hết, vị bản quyền có trách nhiệm trong việc bảo đảm và cổ vũ phúc lợi bản thân, thể chất, tinh thần và thiêng liêng của các linh mục của mình. Các văn kiện của huấn quyền về vấn đề này nhấn mạnh sự cần thiết phải đào tạo thường xuyên và phải có các biến cố và cơ cấu huynh đệ trong hàng linh mục.

Một người quản lý tốt sẽ tăng lực cho cộng đồng của mình thông qua việc thông tin và đào tạo. Đã có những trường hợp thực hành tốt nhất ở một số quốc gia nơi toàn bộ cộng đồng giáo xứ đã được đào tạo chuyên biệt về phòng ngừa. Kinh nghiệm giá trị và tích cực này cần phát triển trong khả năng tiếp cận và mở rộng trên toàn thế giới. Một dịch vụ khác đối với cộng đồng là việc sẵn sàng được truy cập một cách thân thiện với người dùng các cơ chế báo cáo để nền văn hóa phát hiện không chỉ được cổ vũ bằng lời nói mà còn được khuyến khích bằng việc làm. Các quy thức để bảo vệ an toàn nên dễ dàng được truy cập bằng một ngôn ngữ rõ ràng và trực tiếp. Cộng đồng đức tin dưới sự chăm sóc của chúng ta nên biết rằng chúng ta thực sự muốn làm sự việc. Họ nên tiến tới chỗ biết chúng ta như những người bạn đối với sự an toàn của họ và sự an toàn của trẻ em và thanh thiếu niên của họ. Chúng ta sẽ liên kết với họ một cách thẳng thắn và khiêm tốn. Chúng ta sẽ bảo vệ họ bằng mọi giá. Chúng ta sẽ hy sinh mạng sống của mình cho đoàn chiên được giao phó cho ta.

Một khía cạnh khác của việc quản lý phòng ngừa là việc lựa chọn và giới thiệu các ứng cử viên cho sứ mệnh Giám mục. Nhiều người yêu cầu diễn trình này phải cởi mở hơn đối với sự đóng tóp của giáo dân trong cộng đồng. Chúng ta, các Giám mục và bề trên dòng, có bổn phận thánh thiêng phải giúp Đức Thánh Cha đạt được một sự biện phân thích đáng liên quan đến các ứng viên có thể lãnh đạo trong tư cách Giám mục. Là một tội lỗi nghiêm trọng chống lại sự chính trực của thừa tác vụ giám mục khi che giấu hoặc đánh giá thấp các sự kiện có thể chỉ ra các thiếu sót trong lối sống hoặc việc làm cha thiêng liêng các linh mục đang chịu sự điều tra của Đức Giáo Hoàng về sự thích đáng của họ để đảm nhận chức Giám mục.

Ở điểm này, tôi muốn đưa ra một trích dẫn khác từ Thư của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI gửi cho dân Chúa ở Ái Nhĩ Lan, ngày 19 tháng 3 năm 2010, lần này được minh nhiên gửi cho các Giám mục: “không thể chối cãi rằng một số hiền huynh và các tiền nhiệm của các hiền huynh đã thất bại, nhiều lần một cách đầy đau buồn, trong việc áp dụng các quy tắc lâu đời của giáo luật vào tội ác lạm dụng trẻ em. Các sai lầm nghiêm trọng đã được thực hiện khi giải đáp các cáo buộc. Tôi thừa nhận rất khó nắm được phạm vi và tính phức tạp của vấn đề, có được thông tin đáng tin cậy và đưa ra các quyết định đúng đắn dưới ánh sáng các lời khuyên chuyên gia mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng nhiều sai lầm nghiêm trọng trong phán quyết đã được thực hiện và nhiều thất bại về lãnh đạo đã xảy ra. Tất cả điều này đã làm suy yếu nghiêm trọng uy tín và sự hữu hiệu của qúy hiền huynh. Tôi đánh giá cao các cố gắng mà qúy hiền huynh đã thực hiện để khắc phục các sai lầm trong quá khứ và để bảo đảm chúng sẽ không xảy ra lần nữa. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn của giáo luật trong việc giải quyết các trường hợp lạm dụng trẻ em, qúy hiền huynh hãy tiếp tục hợp tác với các cơ quan dân sự trong lĩnh vực năng quyền của họ. Rõ ràng, các bề trên dòng nên làm như vậy. Họ cũng đã tham gia vào các cuộc thảo luận gần đây tại Rôma nhằm mục đích thiết lập một cách tiếp cận rõ ràng và nhất quán các vấn đề này. Điều bắt buộc là các tiêu chuẩn an toàn trẻ em của Giáo hội ở Ái Nhĩ Lan phải liên tục được tái duyệt và cập nhật và chúng phải được áp dụng đầy đủ và vô tư phù hợp với giáo luật.

Chỉ có hành động cương quyết được thực hiện một cách hoàn toàn trung thực và minh bạch mới khôi phục được sự kính trọng và thiện chí của người dân Ái Nhĩ Lan đối với Giáo hội mà chúng ta đã tận hiến cuộc sống của mình cho. Điều này, trước nhất và quan trọng nhất, phải phát sinh từ việc tự xét mình, việc thanh lọc nội tâm và đổi mới thiêng liêng của các hiền huynh. Người Ái Nhĩ Lan mong đợi một cách chính đáng, các hiền huynh là người của Chúa, trở nên thánh thiện, sống đơn giản, theo đuổi việc hồi tâm bản thân hàng ngày. Đối với họ, theo lời của Thánh Augustinô, các hiền huynh là giám mục; nhưng với họ, các hiền huynh được mời gọi trở thành môn đệ của Chúa Kitô (x. Bài giảng 340, 1). Do đó, tôi khuyên các hiền huynh hãy đổi mới ý thức trách nhiệm của mình trước Thiên Chúa, phát triển tình liên đới với người của các hiền huynh và sâu sắc hóa mối quan tâm mục vụ của các hiền huynh đối với mọi thành viên trong đoàn chiên của các hiền huynh. Đặc biệt, tôi yêu cầu các hiền huynh phải chú ý đến đời sống tiêng liêng và luân lý của mỗi một linh mục của các hiền huynh. Hãy nêu gương cho họ bằng chính cuộc sống của các hiền huynh, gần gũi với họ, lắng nghe những lo lắng của họ, khích lệ họ vào thời điểm khó khăn này và khơi dậy ngọn lửa tình yêu của họ đối với Chúa Kitô và cam kết phục vụ anh chị em của họ.

Giáo dân cũng vậy, nên được khuyến khích đóng vai trò riêng của họ trong đời sống của Giáo hội. Hãy xem xét để họ được đào tạo theo cách họ có thể đưa ra một giải trình rõ ràng và thuyết phục về Tin Mừng giữa xã hội hiện đại (x. 1 Pr 3:15) và hợp tác trọn vẹn hơn trong cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội. Điều này, đến lượt nó, sẽ giúp các hiền huynh một lần nữa trở thành những nhà lãnh đạo và nhân chứng đáng tin cậy cho sự thật cứu chuộc của Chúa Kitô.

http://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/letters/2010/document

Kết luận

Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết trong Thư gửi dân Chúa (20 tháng 8 năm 2018): “Điều chủ yếu là chúng ta, trong tư cách một Giáo hội, có thể thừa nhận và kết án, một cách buồn rầu và xấu hổ, sự hung ác vi phạm bởi các người tận hiến, giáo sĩ và tất cả những người được giao nhiệm vụ canh chừng và chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất. Chúng ta hãy cầu xin sự tha thứ cho tội lỗi của chính mình và tội lỗi của người khác. Nhận thức về tội lỗi giúp chúng ta nhận ra lỗi lầm, tội ác và các vết thương gây ra trong quá khứ và cho phép chúng ta, trong hiện tại, cởi mở hơn và dấn thân hơn trong hành trình hồi tâm đổi mới”. http: //m.vatican. va / content / francescomobile / en / Letters / 2018 / Documents / papa-francesco_20180820_lettera-popolo-didio.html


Source:Holy See Press Office