Chương VIII: Giáo dục toàn diện



“Những người trẻ chúng tôi đã và đang đánh mất bản sắc văn hóa và ngôn ngữ của chúng tôi nói riêng. Chúng tôi quên rằng chúng tôi có nguồn gốc của mình, rằng chúng tôi thuộc về một dân tộc nguyên thủy và chúng tôi đang để bản thân mình bị kỹ nghệ kéo đi. Không phải là điều tệ hại khi đi bằng cả hai chân, vừa biết hiện đại vừa chăm sóc truyền thống. Luôn luôn ở nơi bạn có cả hai thứ này hiện diện, ghi nhớ nguồn gốc của bạn, nơi bạn phát xuất và đừng quên đi” (Slendy Grefa, Doc. Consulta, Ecuador)

Một Giáo hội Đồng nghị: Trò và Thầy

92. Thông qua việc lắng nghe hỗ tương các dân tộc và thiên nhiên, Giáo hội biến thành một Giáo hội đi ra ngoài cả về phương diện địa lý lẫn cơ cấu, và một Giáo hội là chị em và môn đệ thông qua tính Đồng nghị (synodality). Đây là điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rõ trong Tông Hiến Episcopalis Communio: “Do đó, Giám mục vừa là thầy vừa là trò ... Ngài là trò khi, nhờ biết rằng Chúa Thánh Thần đã được ban cho mọi người đã được rửa tội, ngài lắng nghe tiếng Chúa Kitô nói qua toàn thể dân Chúa” (EC 5). Chính Đức Phanxicô đã trở thành học trò ở Puerto Maldonado bằng cách bày tỏ sự sẵn lòng lắng nghe tiếng nói của Amazon.

Giáo dục như một cuộc gặp gỡ

93. Giáo dục hàm ý một cuộc gặp gỡ và trao đổi trong đó các giá trị được thẩm hóa. Mỗi nền văn hóa đều giàu và nghèo cùng một lúc. Vì có tính lịch sử, văn hóa luôn có một chiều kích sư phạm học tập và cải tiến. “Khi các phạm trù nào đó của lý trí và khoa học được tiếp nhận vào việc công bố sứ điệp, các phạm trù này sẽ trở thành công cụ truyền giảng Tin Mừng; nước được đổi thành rượu. Bất cứ điều gì được tiếp nhận không chỉ được cứu chuộc, mà còn trở thành một công cụ của Chúa Thánh Thần để khai sáng và làm mới thế giới” (EG 132). Cuộc gặp gỡ “là việc mở lòng ra làm thành khả hữu sự gần gũi đó” (EG 171) của Chúa Thánh Thần, một sự gần gũi có thể dẫn đến nhiều học hỏi đa dạng.

94. Nền giáo dục này, một nền giáo dục phát triển qua sự gặp gỡ, khác với nền giáo dục tìm cách áp đặt lên người khác (và đặc biệt là người nghèo và dễ bị tổn thương) chính các thế giới quan vốn là chính nguyên nhân gây ra sự nghèo đói và dễ bị tổn thương của họ. Giáo dục ở Amazon không có nghĩa là áp đặt các thông số văn hóa, triết học, thần học, phụng vụ và các phong tục xa lạ lên các dân tộc Amazon. Ngày nay, “một số người chỉ đơn giản tự hài lòng với việc đổ lỗi cho người nghèo và các nước nghèo hơn vì đã gây rắc rối cho họ; tự cho phép mình tổng quát hóa không chính đáng, họ cho rằng giải pháp là một nền ‘giáo dục’ làm cho họ trầm lặng, khiến họ thuần hóa và vô hại” (EG 60). “Để đáp lại, chúng ta cần cung cấp một nền giáo dục dạy suy tư có phê phán và khuyến khích sự phát triển các giá trị đạo đức trưởng thành” (EG 64), một nền giáo dục cởi mở đối với tính liên văn hóa.

Giáo dục trong một hệ sinh thái toàn diện

95. Thế giới quan của các dân tộc bản địa Amazon bao gồm lời kêu gọi tự giải thoát khỏi một tầm nhìn rời rạc về thực tại, không có khả năng tri nhận các nối kết đa dạng, các liên hệ lẫn nhau và phụ thuộc lẫn nhau. Giáo dục trong một hệ sinh thái toàn diện bao gồm mọi mối liên hệ cấu thành của các cá nhân và các dân tộc. Để hiểu viễn kiến giáo dục này, điều đáng làm là áp dụng cùng một nguyên tắc như trong vấn đề sức khỏe: mục tiêu là quan sát toàn bộ cơ thể và các nguyên nhân gây bệnh chứ không chỉ các triệu chứng mà thôi. Một hệ sinh thái lâu bền cho các thế hệ tương lai “không thể bị giản lược thành một loạt các giải đáp khẩn cấp và phiến diện cho các vấn đề tức thời như ô nhiễm, suy thoái môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Cần phải có một cách nhìn sự vật khác biệt, cách suy nghĩ, các chính sách, một chương trình giáo dục...” (LS 111). Một nền giáo dục chỉ dựa trên các giải pháp kỹ thuật cho các vấn đề môi trường phức tạp đã che giấu “các vấn đề thực sự và sâu sắc nhất của hệ thống hoàn cầu” (LS 111).

96. Như thế, đây là một nền giáo dục về sự liên đới phát sinh từ việc “ý thức được nguồn gốc chung của chúng ta” và “tương lai chung của mọi người” (LS 202). Các dân tộc bản địa có một phương pháp dạy-học dựa trên truyền tống truyền khẩu và thực hành kinh nghiệm với một diễn trình sư phạm được bối cảnh hóa trong từng giai đoạn. Thách thức là tích hợp phương pháp này trong cuộc đối thoại với các đề xuất giáo dục khác. Điều này đòi hỏi “một cuộc phát triển một nền đạo đức sinh thái và giúp người ta, qua nền sư phạm hữu hiệu, phát triển trong tình liên đới, trách nhiệm và chăm sóc cảm thương” (LS 210). Amazon mời chúng ta khám phá ra nhiệm vụ giáo dục như một dịch vụ toàn diện đối với toàn nhân loại nhằm một nền công dân có tinh thần sinh thái” (LS 211).

97. Giáo dục như vậy kết hợp cam kết chăm sóc trái đất với cam kết đối với người nghèo, và kích thích thái độ điều độ và tôn trọng mang ra sống qua “lối sống đơn giản có trách nhiệm, trong chiêm niệm một cách biết ơn thế giới của Thiên Chúa và quan tâm đến các nhu cầu của người nghèo và bảo vệ môi trường” (LS 214). Nền giáo dục như vậy “phải được diễn dịch thành các thói quen mới” (LS 209) lưu ý đến các giá trị văn hóa. Giáo dục, theo quan điểm sinh thái và Amazon, cổ vũ việc ‘sống tốt’, việc ‘sống tốt với nhau’ và ‘các hành động tốt’; các điều này phải có thể tri nhận được và bền bỉ để có tác động đáng kể đối với ngôi nhà chung của chúng ta.

Các gợi ý

98. Các điều sau đây đã được gợi ý:

a) Đào tạo các tác nhân mục vụ giáo dân trưởng thành để giúp họ phát triển về tinh thần trách nhiệm và óc sáng tạo.

b) Đào tạo các thừa tác viên được phong chức:

1. Các kế hoạch đào tạo phải phản ảnh một nền văn hóa thần và triết học thích nghi với các nền văn hóa của Amazon, có khả năng được hiểu rõ và do đó nuôi dưỡng được đời sống Kitô hữu. Nền thần học và sinh thái học bản địa nên được tích hợp vì chính lý do này: điều này sẽ chuẩn bị cho họ biết lắng nghe và mở ra cuộc đối thoại trong đó việc truyền giảng Tin Mừng diễn ra.

2. Có đề nghị cải cách các cơ cấu chủng viện để tạo điều kiện cho việc tích nhập các ứng cử viên chức linh mục trong cộng đồng.

c) Các trung tâm đào tạo:

1. Các trường học: các kế hoạch giáo dục cần thiết để tập chú vào nền giáo dục có thể phản ảnh nền văn hóa của chính người ta và tôn trọng ngôn ngữ bản địa, một nền giáo dục toàn diện tương ứng với thực tại của chính người ta, để đối phó với tình trạng bỏ học và mù chữ, đặc biệt là nơi phụ nữ.

2. Đại học: cần cổ vũ không những định hướng liên khoa mà còn giải quyết các vấn đề theo cách thức liên khoa, nghĩa là, ủng hộ một cách tiếp cận có thể khôi phục sự thống nhất trong đa dạng đối với kiến thức con người, dọc theo đường hướng nghiên cứu một hệ sinh thái toàn diện theo lời mở đầu của Tông Hiến Veritatis Gaudium.

3. Việc giảng dạy nền thần học bản địa Toàn-Amazon được yêu cầu trong mọi định chế giáo dục.

d) Nền thần học thổ dân vùng Amazon:

1. Điều đáng ước ao là làm sâu sắc hơn nền thần học thổ dân của người Amazon hiện nay, một điều sẽ giúp hiểu rõ hơn và nhiều hơn về nền linh đạo bản địa và do đó tránh phạm các sai lầm lịch sử từng xúc phạm nền văn hóa nguyên thủy.

2. Chẳng hạn, có yêu cầu phải lưu ý đến các huyền thoại, truyền thống, biểu tượng, kiến thức, nghi thức và các cử hành nguyên thủy, những điều vốn bao gồm các chiều kích siêu việt, cộng đồng và sinh thái.

Chương IX: Hoán cải sinh thái

"Vì vậy, điều mọi người cần là một sự hoán cải sinh thái, nhờ đó, các hiệu quả của việc họ gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô trở nên rõ ràng trong mối liên hệ của họ với thế giới xung quanh” (LS 217).

Chúa Kitô kêu gọi chúng ta hoán cải (x. Mc 1:15)

99. Một khía cạnh căn bản của gốc rễ tội lỗi con người là tách mình ra khỏi thiên nhiên và không nhìn nhận nó như một phần của con người và khai thác thiên nhiên không giới hạn, do đó phá vỡ giao ước nguyên thủy với sáng thế và với Thiên Chúa (St 3: 5). “Sự hài hòa giữa Tạo hóa, nhân loại và sáng thế như một toàn bộ đã bị phá vỡ bởi sự cao ngạo của chúng ta muốn thay thế Thiên Chúa và từ chối thừa nhận các hạn chế trong thân phận tạo vật của chúng ta” (LS 66).

Sau các gián đoạn do tội lỗi và trận lụt hoàn cầu, Thiên Chúa lập lại giao ước với chính con người và với sáng thế (St 9: 9-17), kêu gọi loài người chăm sóc nó.

100. Sự hòa giải với sáng thế mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta (xem LS 218) trước nhất hàm ý chúng ta phải vượt qua sự thụ động - như thái độ thụ động của Vua David từ chối nhận sứ mệnh của mình (x. 2 Sm 11: 1). Diễn trình phạm tội của Vua David bắt đầu với việc đích thân bỏ sót (ngài ở lại cung điện của mình khi quân đội xông pha ngoài chiến trận) và sau đó mang hình thức tích cực vi phạm các hành vi đáng trách dưới con mắt Thiên Chúa (ngoại tình, nói dối và giết người) liên quan đến những người khác, tạo ra một mạng lưới đồng lõa (2 Sm 11: 3-25). Tương tự như vậy, Giáo hội có thể bị cám dỗ cứ mãi khép kín trong chính mình, từ bỏ sứ mệnh loan báo Tin Mừng và làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện. Trái lại, một Giáo hội hướng ngoại là một giáo hội đối đầu với tội lỗi của thế giới này mà mình không hề xa lạ (x. EG 20-24). Tội lỗi này, như thánh Gioan Phaolô II đã nói, không chỉ mang tính bản thân mà còn có tính xã hội và cơ cấu nữa (Xem RP 16; SRS 36; SD 243; DAp. 92). “Mọi sự đều được nối kết”, Đức Phanxicô vốn cho biết (LS 138); “một khi con người tuyên bố độc lập khỏi thực tại và hành xử một cách thống trị tuyệt đối, thì chính các nền tảng của cuộc sống chúng ta bắt đầu sụp đổ” (LS 117). Chúa Kitô cứu chuộc toàn bộ sáng thế vốn bị nhân loại quy phục vào tội lỗi (Rm 8: 19-22).

Hoán cải toàn diện

101. Do đó, hoán cải cũng phải có cùng những bình diện cụ thể: bản thân, xã hội và cơ cấu, lưu ý các khía cạnh khác nhau của tính tương quan. Đó là “một sự hoán cải bản thân toàn diện” xuất phát từ trái tim và mở ra “một sự hoán cải cộng đồng” nhìn nhận các liên kết xã hội và môi trường của nó, nghĩa là, một “hoán cải sinh thái” (xem LS 216-221). Việc hoán cải này ngụ ý nhìn nhận sự đồng lõa của bản thân và xã hội trong các cơ cấu tội lỗi, vạch mặt những ý thức hệ chuyên biện minh cho một lối sống tấn công sáng thế. Chúng ta thường nghe những câu chuyện nhằm biện minh cho hành động phá hoại của các nhóm quyền lực chuyên khai thác thiên nhiên, thống trị cư dân của nó một cách chuyên chế (x. LS 56, 200) và phớt lờ tiếng khóc đau đớn của trái đất và của người nghèo (x. LS 49 ).

Hoán cải Giáo Hội ở Amazon

102. Diễn trình hoán cải mà Giáo hội được kêu gọi thực hiện liên quan đến việc học bỏ (unlearning), học hỏi học lại. Con đường này đòi một sự quan tâm phê phán và tự phê giúp chúng ta xác định được điều chúng ta cần phải học bỏ, điều gây hại cho ngôi nhà chung của chúng ta và cư dân của nó. Chúng ta cần thực hiện một hành trình nội tâm để tìm ra thái độ và não trạng ngăn cản chúng ta nối kết với chính mình, với người khác và với thiên nhiên. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nói, “các sa mạc bên ngoài trên thế giới đang phát triển, vì các sa mạc bên trong đã trở nên quá rộng lớn” [45]. Diễn trình này tiếp diễn khi người ta bắt đầu thán phục túi khôn của các dân tộc bản địa. Cuộc sống hàng ngày của họ cho chúng ta nhiều chứng từ cho thấy họ từng chiêm niệm, chăm sóc và liên hệ với thiên nhiên. Họ dạy chúng ta nhận ra chính mình như một phần của sinh quần và như những người đồng trách nhiệm cho việc chăm sóc nó trong hiện tại và tương lai. Do đó, chúng ta phải học lại cách dệt các mối dây nhằm nối kết mọi chiều kích của cuộc sống và thực hiện một cuộc khổ hạnh bản thân và cộng đồng giúp chúng ta “vun sới một cuộc sống điều độ và thỏa mãn” (LS 225).

103. Hoán cải được trình bày trong Sách Thánh như một chuyển động từ tội lỗi bước sang tình bạn với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô; đó là lý do tại sao nó thuộc về tiến trình đức tin (Mc 1:15). Nhìn vào thực tại của Amazon bằng con mắt đức tin giúp chúng ta đánh giá cao công việc của Thiên Chúa trong sáng thế và các dân tộc của nó, nhưng chúng ta cũng thấy sự hiện diện của cái ác ở nhiều bình diện khác nhau: chủ nghĩa thực dân (thống trị), một não trạng duy kinh tế - duy thương mại, chủ nghĩa duy tiêu thụ, chủ nghĩa duy cá nhân, kỹ trị, văn hóa vứt bỏ.

• Một não trạng đã được phát biểu trong lịch sử trong một hệ thống thống trị lãnh thổ, chính trị, kinh tế và văn hóa vẫn tồn tại cho đến ngày nay theo nhiều cách khác nhau nhằm kéo dài chủ nghĩa thực dân.

• Một nền kinh tế chỉ độc nhất dựa vào lợi nhuận như mục tiêu duy nhất của nó, loại trừ và chà đạp lên kẻ yếu nhất và lên thiên nhiên, tạo thành một ngẫu thần gieo rắc hủy diệt và chết chóc (x. EG 53-56).

• Một não trạng thực dụng quan niệm thiên nhiên như một nguồn tài nguyên đơn thuần và con người như những người sản xuất- tiêu dùng đơn thuần, xóa bỏ giá trị nội tại và đặc tính tương quan của tạo vật.

• “Chủ nghĩa duy cá nhân làm suy yếu các dây nối kết cộng đồng” (DAp. 44), làm lu mờ trách nhiệm đối với người hàng xóm, cộng đồng và thiên nhiên của ta.

• Sự phát triển kỹ thuật đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nhân loại, nhưng nó cũng đã trở thành một tuyệt đối và một công cụ để sở hữu, thống trị và thao túng (xem LS 106) thiên nhiên và con người. Tất cả những điều này tạo ra một nền văn hóa hoàn cầu chiếm ưu thế mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gọi là “mô hình kỹ trị” (LS 109).

• Kết quả là sự mất đi một chân trời siêu việt và nhân đạo và sự tràn lan của luận lý học “sử dụng rồi vứt đi” (LS 123), tạo ra “một nền văn hóa vứt bỏ” (LS 22) tấn công chính sáng thế.

Các gợi ý

104. Đã có các gợi ý sau đây:

a. Vạch mặt các hình thức mới của chủ nghĩa thực dân hiện diện ở Amazon.

b. Nhận diện và phân tích có phê phán các ý thức hệ mới chuyên biện minh cho nạn diệt chủng ở Amazon.

c. Tố cáo các cơ cấu tội lỗi tại nơi làm việc trong lãnh thổ Amazon.

d. Nhận diện các lý do mà chúng ta thường dùng để biện minh cho sự tham gia của chúng ta vào các cơ cấu tội lỗi để phân tích chúng một cách có phê phán.

e. Ủng hộ một giáo hội như một định chế phục vụ (chứ không phải một định chế tự qui chiếu vào chính mình) biết chia sẻ trách nhiệm chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và bảo vệ các quyền của các dân tộc.

f. Cổ vũ các thị trường liên đới sinh thái (eco-solidarity), tiêu thụ hợp tình hợp lý và “điều độ hạnh phúc” (LS 224, 225) biết tôn trọng thiên nhiên và các quyền lợi của người lao động. “Mua hàng luôn luôn là một hành động đạo đức – chứ không chỉ đơn giản kinh tế” (CV 66; LS 206).

g. Cổ vũ thói quen về tác phong, sản xuất và tiêu thụ, tái chế biến và tái sử dụng chất thải.

h. Cứu các huyền thoại và cập nhật các nghi thức và cử hành cộng đồng có khả năng góp phần đáng kể vào diễn trình hoán cải sinh thái.

i. Cảm ơn các dân tộc bản địa đã chăm sóc lãnh thổ suốt thời gian qua và nhận ra trong đó túi khôn tổ tiên từng tạo cơ sở cho cách hiểu tốt đẹp về sinh thái toàn diện.

j. Tạo nên các hành trình mục vụ hữu cơ trên cơ sở nền sinh thái toàn diện để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, với sự hướng dẫn của chương 5 và 6 trong thông điệp Laudato Si’.

k. Giáo hội địa phương chính thức công nhận thừa tác vụ đặc biệt của các tác nhân mục vụ, nhằm cổ vũ việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Kỳ tới: Phần III: MỘT GIÁO HỘI TIÊN TRI TẠI AMAZON: CÁC THÁCH THỨC VÀ HY VỌNG