Hỏi cộng đoàn: Cha xứ về phụ trách giáo xứ hơn 8 năm qua có phải là ý Chúa không? Tôi hỏi tiếp: Một giám mục nọ được đặt giám mục giáo phận có phải là ý Chúa không? Rồi tiếp thêm: Một tu sĩ khấn trọn đời có phải là ý Chúa không? Bà con tín hữu phân vân. Tôi bồi thêm: Vậy khi hai anh chị cầm tay nhau cử hành bí tích hôn phối giữa cộng đoàn có phải là ý Chúa không? Đến đây cộng đoàn dường như thầm hiểu ý người đặt câu hỏi. Thế nhưng để có thể trả lời rành mạch thì chẳng ai dám tự tin.

Thế là phải trả lời ngay. Cha xứ về đây là do ý của Đức Giám Mục giáo phận (hay Đấng Bản quyền) và dĩ nhiên là do cả ý của cha xứ qua việc tự nguyện sống đức vâng phục. Vị Giám mục nọ được bổ nhiệm là do ý của Đức Thánh Cha và cũng dĩ nhiên là do ý của ngài vì Tòa Thánh luôn hỏi ý kiến người được bổ nhiệm hay được tấn phong. Và với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay thì có thể nói đó cũng là ý của nhà cầm quyền nữa (Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh – Chủ Tịch HĐGM VN). Một tu sĩ khấn trọn đời là do ý của cả một “Hội Đồng xét duyệt” và của cả đương sự. Còn việc hai anh chị thánh hôn với nhau là do ý của cả hai trong sự tự nguyện và tự do.

Vậy thì thử hỏi ý của những người trên đây có phù hợp với ý Chúa không? Theo thiển ý thì rất có thể phù hợp với ý Chúa, nhưng chắc chắn là không luôn luôn đương nhiên phù hợp. Nghĩa là có nhiều trường hợp không đẹp ý Chúa và có khi là trái với ý Chúa. Lịch sử Giáo hội ghi nhận hiện thực này. Theo Đức Phanxicô thì có đó nhiều quyết định của các cặp hôn nhân là không đẹp ý Chúa, thậm chí là bí tích không thành sự.

Tuy nhiên dưới ánh sáng của lời mạc khải chúng ta có thể khẳng định cách chắc chắn không sợ sai lầm rằng đây là ý Chúa: Thiên Chúa muốn mọi người nhận biết Chúa, biết thánh ý Người để được sống đời đời, được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu (x.1Tm 2,4) Thiên Chúa không hề muốn bất cứ trong nhân loại phải hư vong, phải trầm luân đời đời. Người không muốn kẻ gian ác phải chết trong tội của họ nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống và được hưởng hạnh phúc viên mãn. Chúa Kitô minh họa chân lý này qua dụ ngôn người chăn chiên sẵn sàng để 99 con chiên trên núi để đi tìm con chiên lạc đàn (x.Lc 15,4-7).

Câu chuyện dụ ngôn “người cha nhân hậu” (Lc 15,11-24) càng làm nổi rõ thánh ý của Đấng là Cha Toàn Năng chí ái. Chẳng cần tìm hiểu động cơ hay lý do trở về của đứa con hoang đàng. Chỉ cần nó trở về và có mặt ở đây là đủ để làm thịt bê béo ăn mừng. Tuy nhiên chủ đích của câu chuyện dụ ngôn là ở đứa con trai cả. Tin mừng thánh Luca tường thuật bối cảnh Chúa Giêsu kể câu chuyện này là vì nhiều Biệt Phái là và Luật sĩ lúc bấy giờ càm ràm kêu trách Chúa Giêsu vì Người thường đón tiếp và cả cùng ngồi ăn uống với nhiều người thu thuế và phường tội lỗi, những hạng người mà theo họ là không thể nào đáng được hưởng ân phúc của Thiên Chúa. Có thể ví họ như người con trai cả trong câu chuyện dụ ngôn. Anh ấy không vào nhà vì không thể chịu nổi việc cha già yêu thương đứa con hư hỏng cách “lạ thường” mà anh ta đã không còn xem như là em của mình.

Người cha đã ra ngoài giải thích cho anh ta và mời anh ta vào. Nhưng chuyện Chúa Giêsu kể lại kết thúc cách như “chưa có hậu kết”. Vì không biết người con trai cả sau đó có chịu vào hay không vào để dự tiệc. Dĩ nhiên câu chuyện cho chúng ta kết luận này: Việc vào hay không vào dự tiệc là tùy ở anh ta mà thôi. Anh ta sẽ vào dự tiệc nếu anh nhìn nhận đứa con hư hỏng là em của anh ta, còn nếu anh mãi xem nó “là đứa con của cha kia” mà thôi thì chắc anh sẽ ở ngoài.

Dù có xin hay không xin thì Thiên Chúa vẫn ban cho loài người một gia tài quý giá là sự tự do. Nếu biết dùng tự do để chọn và sống theo thánh ý Chúa thì chúng ta sẽ đước vào dự tiệc Nước Trời. Và chắc chắn một trong những điều kiện để vào dự tiệc Chúa ban thì không được phép loại bỏ bất cứ một ai ra khỏi nghĩa tình huynh đệ cách minh nhiên hay mặc nhiên, vì chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa là Cha của hết mọi người (x. Mt 6,9).

Hãy sử dụng tự do được ban để những hành vi, những quyết định, việc làm của chúng ta ngày càng phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, đẹp ý Người. Chúng ta không chỉ giúp tha nhân nhận biết hạnh phúc thật là được Thiên Chúa xót thương, được Thiên Chúa ủi an, được Nước Trời làm gia nghiệp, được nhìn thấy Thiên Chúa… (x. Mt 5,1-12) mà còn phải biết làm cho kẻ gian ác nhận biết tội lỗi của họ để họ ăn năn sám hối hầu được cứu sống. Lời Chúa phán với Ngôn sứ Êdêkien: “Nếu người không bảo cho kẻ gian ác biết sự gian ác của nó, nếu ngươi không nói để cảnh cáo nó từ bỏ lối sống xấu xa, cho nó được sống, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết trong tội lỗi của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó.” (x.Ed 3,18).

Thiên Chúa làm được mọi sự vì Người là Đấng quyền năng vô biên. Tuy nhiên Thiên Chúa lại muốn Danh Người cả sáng, Nước Người trị đến khi “ý của Người” trên trời được thể hiện qua các “ý của chúng ta” ở dưới đất này vậy (x.Mt 6,9-10).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột