Tự do tôn giáo sau Công đồng Vatican II

22. Với nguyên tắc tự do tôn giáo từ nay được xác định rõ ràng như một quyền dân sự của công dân và các nhóm được sống và biểu lộ chiều kích tôn giáo vốn cố hữu của con người, các Nghị Phụ Công Đồng để ngỏ việc làm sâu sắc hơn nữa. Sau khi nhấn mạnh các nền tảng, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae tạo điều kiện làm chín mùi các điểm phát xuất từ văn kiện của công đồng. Thực thế, ngày nay vẫn "có các chế độ, trong đó, mặc dù tự do thờ phượng tôn giáo được nhìn nhận trong Hiến pháp, nhưng các cơ quan công quyền vẫn cố gắng ngăn chặn người dân tuyên xưng tôn giáo và làm cho cuộc sống các cộng đồng tôn giáo khó khăn và bấp bênh. Vui mừng chào đón các dấu hiệu thuận lợi do thời đại chúng ta cung cấp, nhưng buồn rầu lên án những sự kiện đáng phàn nàn vừa kể, thánh Công Đồng yêu cầu người Công Giáo, nhưng đồng thời, thúc giục họ xem xét một cách hết sức cẩn thận sự kiện tự do tôn giáo cần thiết đến mức nào, nhất là trong điều kiện hiện nay của gia đình nhân loại "(DH 15b - c). Đó là lý do tại sao năm mươi năm sau, các đe dọa mới đối với tự do tôn giáo đã mặc lấy chiều kích hoàn cầu, gây nguy hiểm cho cả các giá trị luân lý khác và chất vấn Huấn Quyền Giáo Hoàng trong các can thiệp quốc tế, các bài phát biểu và các giáo huấn chính của ngài [10]. Các vị Giáo hoàng thời ta cho người ta thấy rõ ràng rằng chủ đề này, như một biểu thức sâu sắc hơn của tự do lương tâm, đặt ra, trước chúng ta, nhiều vấn đề nhân chủng học, chính trị và thần học hiện nay rõ ràng có tính quyết định đối với số phận thiện ích chung và hòa bình giữa các dân tộc trên thế giới.

23. Đối với Thánh Phaolô VI, quyền tự do tôn giáo là một vấn đề liên kết với sự thật về hữu thể nhân bản. Được phú bẩm trí tuệ và ý chí, con người có một chiều kích tâm linh biến họ thành một hữu thể cởi mở, có tương quan, và siêu việt [11]. Sự thật về con người cho thấy họ tìm cách vượt qua các ranh giới của thời gian tính, đến chỗ nhận ra rằng họ được Thiên Chúa tạo ra và, như một tín hữu, ý thức mình được mời gọi tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa. Chiều kích tôn giáo này bắt nguồn từ lương tâm và phẩm giá của nó chính xác hệ ở việc sống phù hợp với chân lý của các mệnh lệnh đạo đức và việc đối thoại với người khác. Trong bối cảnh ngày nay, cuộc đối thoại cũng bao gồm sự can dự của các tôn giáo; các thực thể này phải có các thái độ cởi mở với nhau, mà không tiên thiên kết án và tránh những cuộc bút chiến rất có thể xúc phạm các tín hữu khác một cách bất công.

24. Thánh Gioan Phaolô II khẳng định rằng tự do tôn giáo, nền tảng của mọi quyền tự do khác, tuyệt đối đòi hỏi mọi người phải có phẩm giá. Nó không phải là một quyền lợi trong số các quyền lợi khác, nhưng tạo nên "sự bảo đảm cho mọi quyền tự do vốn xây nền cho thiện ích chung của các cá nhân và các dân tộc" [12]. Nó là một "viên đá góc xây tòa nhà nhân quyền " [13] như một khát vọng và sức căng nhắm tới một niềm hy vọng cao hơn, một không gian của tự do và trách nhiệm. Do đó, sự tự do của con người trong việc tìm kiếm sự thật và trong việc tuyên xưng các xác tín tôn giáo phải tìm được một sự bảo đảm rõ ràng trong trật tự pháp lý của xã hội; nói cách khác, nó phải được công nhận và chế tài bởi luật lệ dân sự. Điều cần là các Nhà nước, qua các văn bản quy phạm, cam kết công nhận quyền của các công dân được hưởng tự do tôn giáo, vốn là căn bản cho việc chung sống dân sự hòa bình, một yếu tố quan yếu của nền dân chủ chân chính, một bảo đảm cần thiết cho đời sống, công lý, sự thật, hòa bình và sứ mệnh của các Kitô hữu và các cộng đồng của họ [14].

25. Người ta có thể coi thông điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2011 như là bản tổng hợp các tư tưởng của Đức Bênêđíctô XVI về tự do tôn giáo [15]. Thông điệp này dạy rằng quyền tự do tôn giáo bắt nguồn từ phẩm giá của nhân vị, như một hữu thể tâm linh, có tương quan và mở đường vào siêu việt. Thành thử, nó không phải là một quyền chỉ dành riêng cho các tín hữu nhưng có giá trị cho mọi người, vì nó là tổng hợp và đỉnh cao các quyền căn bản khác. Như nguồn gốc của quyền tự do luân lý, tự do tôn giáo, nếu được mọi người tôn trọng, là dấu hiệu của một nền văn hóa chính trị và pháp lý nhằm bảo đảm việc thể hiện một sự phát triển toàn diện con người đích thực. Do đó, nó cổ vũ công lý, hợp nhất và hòa bình cho gia đình nhân loại, tạo điều kiện cho việc tìm kiếm chân lý vốn tập trung vào Thiên Chúa, vào các giá trị đạo đức và tâm linh, phổ thông và chung chia, và cuối cùng kích thích cuộc đối thoại của mọi người nhằm thiện ích chung. Nhờ đó mà trật tự xã hội và hòa bình được xây dựng. Trái lại, sự kiện không tôn trọng tự do tôn giáo ở bất cứ bình diện nào, bất cứ là đời sống cá nhân, cộng đồng, công dân và chính trị, đều xúc phạm đến Thiên Chúa, đến chính phẩm giá con người, và tạo ra những tình huống trái ngược với sự hài hòa xã hội.

Không may, người ta vẫn còn ghi nhận những giai đoạn chối bỏ tự do tôn giáo trên thế giới thường tự biểu lộ trong các hình thức tôn giáo lập lờ như chủ nghĩa bè phái hay chủ nghĩa cực đoan đầy bạo lực, trong sự kỳ thị tôn giáo và cả trong các vụ thao túng ý thức hệ thuộc loại duy tục. Do đó, cần có tính thế tục (laïcité) tích cực trong các định chế nhà nước để cổ vũ nền giáo dục tôn giáo, vốn là "con đường ưu tuyển để mang lại cho các thế hệ mới khả thể nhận ra nơi người khác, một người anh chị em, mà với họ, ta cùng bước đi và cộng tác với nhau" [ 16]. Đến lượt mình, các tôn giáo phải tự lồng mình vào một động thái thanh tẩy và hoán cải, vốn là công trình của lý trí đúng đắn được tôn giáo soi sáng.

26. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng tự do tôn giáo không nhắm bảo tồn một nền "văn hóa phụ" như một chủ nghĩa duy tục nào đó mong muốn, nhưng tạo nên một ơn phúc quý giá của Thiên Chúa dành cho mọi người, một bảo đảm căn bản cho mọi biểu thức khác của tự do, một thành lũy chống lại mọi chủ nghĩa toàn trị và đóng góp một cách có tính quyết định vào tình huynh đệ nhân bản. Một số bản văn cổ điển của các tôn giáo có một động lực thúc đẩy việc mở ra những chân trời luôn luôn mới mẻ, kích thích suy nghĩ và làm lớn mạnh trí hiểu và sự mẫn cảm. Do đó, chúng cũng có thể cung ứng một hướng đi cho mọi thời đại. Trong số các nhiệm vụ của mình, các chính phủ phải che chở và bảo vệ các nhân quyền như quyền tự do lương tâm và tôn giáo. Thật vậy, tôn trọng quyền tự do tôn giáo làm cho một quốc gia mạnh hơn và đổi mới nó. Vì lý do này, Đức Phanxicô rất lưu ý đến các vị tử đạo của thời ta, các nạn nhân của các cuộc bách hại và bạo lực dựa vào các lý do tôn giáo, như các ý thức hệ loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của các cá nhân và cộng đồng. Theo Đức Giáo Hoàng, tôn giáo đích thực phải phát xuất từ nội tâm tính của nó, lưu ý đến sự hiện hữu của người khác để tạo điều kiện cho một không gian chung, một môi trường hợp tác với mọi người, trong quyết tâm cùng bước đi với nhau, cầu nguyện với nhau, làm việc với nhau, cùng giúp chúng ta thiết lập hòa bình với nhau [17].

Một ngưỡng cửa mới mẻ?

27. Đứng trước một số khó khăn trong việc tiếp nhận đường hướng mới mẻ của Dignitatis Humanae, Huấn quyền thời sau Công đồng đã nhấn mạnh tới tính năng động nội tại trong diễn trình biến hóa đồng nhất của học lý vốn được Đức Bênêđíctô XVI gọi là “ ‘khoa giải thích canh tân’, đổi mới trong tính liên tục của chủ thể duy nhất là Giáo Hội” (18). Chính Tuyên ngôn đã dự ứng chiều hướng này: "Do đó, học lý này, nhận được từ Chúa Kitô và các Tông đồ, đã được Giáo hội, trong diễn trình thời gian, gìn giữ và lưu truyền. Mặc dù, trong đời sống của dân Chúa, một Dân đang lữ hành qua những thăng trầm của lịch sử loài người, có khi có những cách hành động ít phù hợp, có khi còn trái với tinh thần Tin Mừng, tuy nhiên, Giáo hội vẫn luôn dạy rằng không ai bị cưỡng bức dẫn tới đức tin" (DH 12, §1). Do đó, bản văn Công đồng buộc phải trở lại với sự kiện căn bản của nó là giáo huấn Kitô giáo, theo đó, người ta không bị ép buộc gia nhập tôn giáo vì sự ràng buộc này không xứng đáng với bản tính con người do Thiên Chúa tạo dựng và không tương ứng với giáo lý đức tin được Kitô giáo tuyên xưng. Thiên Chúa kêu gọi mọi người đến với Người, nhưng không bắt buộc bất cứ ai. Đó là lý do tại sao quyền tự do này trở thành một quyền căn bản mà con người có thể đòi hỏi bằng lương tâm và một cách có trách nhiệm đối với Nhà nước.

28. Đó là động lực của việc hội nhập văn hóa Tin Mừng, vốn là việc để Lời Chúa tự do đắm chìm trong các nền văn hóa để biến đổi chúng từ bên trong, bằng cách soi sáng chúng bằng ánh sáng Mặc Khải, đến độ chính đức tin tự để cho mình bị chất vấn bởi các thực tại lịch sử bất tất – tính liên văn hóa - như khởi điểm để có thể biện phân các ý nghĩa sâu sắc hơn của sự thật mặc khải, sự thật này, ngược lại, phải được tiếp nhận trong nền văn hóa của bối cảnh [19].

Kỳ tới: 3. Quyền tự do tôn giáo của ngôi vị