CHÚA NHẬT I THƯỜNG NIÊN
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Phép Rửa khai mở thời đại cứu độ
Is 55,1-11; 1 Ga 5,1-9; Mc 1,6b-11

Với lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta bắt đầu bước vào Mùa Thường Niên, chấm dứt những suy niệm về mầu nhiệm nhập thể để bắt đầu chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của chúng ta trên con đường rao giảng Tin Mừng.

1- Con Thiên Chúa hạ mình trong Phép Rửa

Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, công việc đầu tiên của Chúa là đến sông Giođan để chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả. Đây là một ngày lễ đầy ý nghĩa mà truyền thống phụng vụ Đông Phương làm nổi bật. Nên Giáo Hội muốn cử hành thánh lễ này một cách trọng thể như một đại lễ. Bởi lẽ, biến cố này là tột đỉnh của việc Con Thiên Chúa tỏ mình ra cho loài người, bắt đầu từ lễ Giáng Sinh, đến lễ Hiển Linh và nay là lễ Phép Rửa.

Kỷ niệm biến cố này, Giáo Hội muốn ghi dấu ngày Chúa Giêsu sau 30 năm ẩn dật, nay xuất hiện công khai để bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng cho nhân loại. Cứ điểm xuất phát của Người là bờ sông Giođan thuộc vùng Giuđa, xứ Palestina. Đây là một nhánh sông trong khu vực Bêtania mà Chúa Giêsu đã chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả.

Chúng ta biết rằng phép rửa của Gioan không phải là bí tích, nhưng chỉ là một hình thức sám hối tội lỗi. Nên nó không thể xóa bỏ tội lỗi hay thông ban ơn thánh hóa, nó chỉ là hình bóng của phép rửa mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập sau này. Thực ra Chúa Giêsu không cần phải chịu phép rửa vì Người là Đấng Thánh, tinh tuyền và trong sạch. Nhưng khi xin chịu phép rửa này, Chúa Giêsu nhìn nhận sứ vụ của vị tiên tri này là dọn đường và chuẩn bị dân chúng tin vào Chúa Giêsu. Đó là sứ vụ quan trọng và cần thiết cho Người. Trong cuộc gặp gỡ này, chính Gioan Tẩy Giả cũng nhắc nhở dân chúng ý thức vai trò của ông: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,7).

Hơn nữa, việc Chúa Giêsu đến hòa mình vào đám đông xin lãnh nhận phép rửa của Gioan nói lên sự hạ mình sâu thẳm của Người với các tội nhân. Người trở thành một người ở giữa họ, gần gũi với họ, chia sẻ thân phận tội lỗi với họ. Có lẽ trong những lần tỏ mình ra trước đây, chưa bao giờ Chúa Giêsu lại hạ mình sâu thẳm như hôm nay. Bởi lẽ, khi tỏ mình cho các mục đồng và các đạo sĩ, Con Thiên Chúa hiện thân trong một em bé rất dễ thương. Khi tỏ mình cho cụ già Simêon và bà Anna, Người được chiêm ngắm như là “ánh sáng muôn dân.” Khi tỏ mình cho các tư tế, các luật sĩ trong đền thờ lúc 12 tuổi, Người là một người thông thái uyên bác. Nhưng ở sông Giođan, Chúa Giêsu xuất hiện như một tội nhân khiêm hạ giữa đoàn dân tội lỗi.

2- Một cuộc thần hiện mới

Vậy, tại sao Chúa Giêsu lại hạ mình xuống xin Gioan làm phép rửa? Để trả lời cho câu hỏi này, trong bài Tin Mừng theo thánh Máccô, chúng ta tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi đó. Thánh Máccô kể lại: “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,10-11). Quả thật, biến cố phép rửa tại sông Giođan khai mở một giai đoạn mới của thời kỳ cứu độ. “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra.” Đây là chi tiết đầu tiên quan trọng. Với sự phản bội của tổ tông loài người, Thiên Chúa đã đóng cửa trời lại, việc giao thông và liên lạc của con người với trời trở nên khó khăn. Nhưng giờ đây, nhờ Chúa Giêsu chịu phép rửa, các tầng trời xé ra. Trời đất được giao hòa, con người được thông giao với Thiên Chúa. Giờ “thiên địa nhân tương dữ.”

Chi tiết thứ hai cũng không kém phần quan trọng, đó là “thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình.” Đây chính là sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba trong hình ảnh chim bồ câu. Chúa Thánh Thần là tình yêu nối kết giữa Chúa Cha và Chúa Con, Người là tác giả làm cho cuộc nhập thể của Con Chúa được thực hiện. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần xuất hiện và ngự xuống trên Chúa Giêsu để đồng hành và hoạt động với Chúa Giêsu trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Bởi vì, Chúa Thánh Thần là tác nhân và là linh hồn của sứ vụ truyền giáo.

Chi tiết thứ ba là một mạc khải rất hiếm hoi trong Kinh Thánh về Chúa Cha: “Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” Ở đây, Chúa Cha phán hay nói. Từ khởi nguyên, Chúa Cha đã phán và mọi sự được tạo thành. Giờ đây, Chúa Cha cũng phán để công bố cuộc tạo thành mới, khai mở giai đoạn cứu độ mới nhờ Chúa Giêsu. Qua đó, Người công bố cách long trọng rằng: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng luôn làm đẹp lòng Cha và Người đến để thi hành ý Cha.

Theo ý nghĩa này, thánh Gioan trong bài đọc II giải thích: “Chúng ta vẫn nhận lời chứng của người phàm, thế mà lời chứng của Thiên Chúa còn cao trọng hơn, vì đó là lời chứng của Thiên Chúa, lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người” (1 Ga 5,9). Đó là mạc khải do chính Chúa Cha thực hiện.

3- Phép rửa khai mở thời đại cứu độ

Như thế, biến cố phép rửa là cuộc thần hiện mới của Ba Ngôi Thiên Chúa và khai mở một giai đoạn cứu độ mới cho nhân loại. Điều mà tiên tri Isaia loan báo trong bài đọc I giờ đây được thực hiện nhờ sự xuất hiện của Chúa Giêsu: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào” (Is 55,1). Ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến là quà tặng nhưng không, không phải mua bằng tiền bạc, cũng không phải trả đồng nào, nhưng theo thánh Gioan, chúng ta cần có niền tin vào Người và giữ các giới răn của Người (x. 1 Ga 5,1-2). Đó là bằng chứng về lòng yêu mến của chúng ta với Thiên Chúa.

Hôm nay, cử hành lễ Phép Rửa của Chúa Giêsu, chúng ta nhớ lại Phép Rửa mà chúng ta đã lãnh nhận. Đó là hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, chúng ta được thanh tẩy khỏi tội nguyên tổ và các tội riêng. Chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa và được gia nhập vào Giáo Hội. Chúng ta được tha dự ba sứ vụ tư tế, vương đế và ngôn sứ của Chúa Kitô để là men, muối và ánh sáng cho trần gian. Vì thế, chúng ta được mời gọi nhớ đến hồng ân cao cả đó để không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời không ngừng có gắng để trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Kitô và biết cộng tác vào sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa cho tha nhân. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/