1. Nhóm phụ nữ Maria 2.0 phủ nhận họ là mục tiêu điều tra của Vatican

Sau khi một tờ báo của Đức vào tuần trước tuyên bố Vatican đang điều tra một nhóm phụ nữ cấp tiến do những mục tiêu vận động gần đây của họ, một thành viên đã bác bỏ cáo buộc này, nói rằng bà ấy tin rằng báo cáo này là tin giả.

Maria Mesrian, một thành viên của nhóm phụ nữ Đức Maria 2.0, nói với Crux rằng “Tôi không chắc đó có thực sự là sự thật hay không, vì không ai liên lạc với chúng tôi, chúng tôi không có thư từ Vatican”.

Mặc dù có thể một người nào đó phản đối nhóm này đã viết thư cho Vatican phàn nàn, “Tôi không biết gì về điều đó”, Mesrian nói và nhấn mạnh thêm rằng theo quan điểm của bà, người đã viết một lá thư có thể là “một trong những thành viên bảo thủ tại tổng giáo phận ở Köln”.

Bất kể ai đã gửi đơn khiếu nại, Mesrian cho biết bà không tin rằng Vatican sẽ thực sự điều tra họ, “bởi vì có nhiều giám mục ở Đức ủng hộ chúng tôi, vì vậy sẽ thực sự ngớ ngẩn khi bắt đầu một cuộc điều tra”.

Được thành lập tại Münster vào năm 2019, Maria 2.0 là một hiệp hội không chính thức gồm một số nhóm nhỏ các phụ nữ trên khắp nước Đức có các quan điểm rất cực đoan.

Đức Cha Franz-Josef Bode, Giám Mục Osnabrück là người hô hào nồng nhiệt cho việc phong chức linh mục cho phụ nữ. Ngài là “linh hướng” cho phong trào Maria 2.0. Phong trào phụ nữ Công Giáo Đức này chịu ảnh hưởng bởi các ý thức hệ cực đoan đã khởi xướng một cuộc biểu tình kéo dài trong một tuần từ ngày 11 đến 18 tháng Năm, 2019. Họ từ chối không bước vào nhà thờ và không tham dự các Thánh lễ trong suốt thời gian biểu tình phản đối.

Nhóm này cũng đã gửi một bức thư ngỏ tới Đức Thánh Cha Phanxicô, kêu gọi phong chức cho phụ nữ, và tuyên bố rằng ngoài Đức Mẹ ra, những người nam trong Giáo hội không đánh giá đúng mức bất cứ một người phụ nữ nào khác.

Trong các cuộc biểu tình, họ mang theo một bức ảnh của Đức Mẹ bị bịt miệng.

Đi xa hơn nữa, sáng Chúa Nhật 22 tháng Chín, 2019, 800 phụ nữ đã biểu tình trước nhà thờ chính tòa tổng giáo phận Köln để chống báng Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki. Ngài là một trong số 8 Giám Mục tại Đức kiên quyết chống lại cái gọi là tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” nhằm tiến đến việc phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, và chúc lành cho các kết hiệp đồng tính.

Có lẽ để xoa dịu, trong thời gian qua, Văn phòng Chăm sóc Mục vụ Phụ nữ của Hội đồng Giám mục Đức đã kỷ niệm Năm Quốc tế Lời Chúa bằng cách tổ chức các buổi chia sẻ quan điểm của các phụ nữ về Kinh thánh trong cộng đồng của họ; và thu thập các bài giảng của họ thành một tuyển tập sẽ được xuất bản trong tương lai gần.

Nhưng hiện nay, giáo phận Osnabrück - với sự ủng hộ quyết liệt hơn của Đức Cha Franz-Josef Bode, đã mời gọi các phụ nữ liên lạc với hội đồng giáo xứ hay giáo phận để ghi danh giảng trong các nhà thờ.

Trong Chúa nhật Lời Chúa được cử hành vào ngày Chúa nhật thứ Ba Thường niên, 24 tháng Giêng vừa qua, nhiều phụ nữ đã được mời giảng thay cho các linh mục.


Source:Crux

2. Bí ẩn chung quanh người đàn ông cầu nguyện ở nhà thờ New Orleans mỗi sáng và ra về trước khi Thánh lễ bắt đầu

Joe Delery là một tín hữu Công Giáo suốt đời và đã dành sự nghiệp cho Sở Cảnh sát New Orleans bằng cách sử dụng thân hình cao 6 feet 3, tức là 1.92 mét của anh để bảo vệ và phục vụ người dân, cũng như giải quyết các bế tắc.

Giờ đây, Delery đã về hưu và dùng các kỹ năng thu thập được trong ngành cảnh sát để bảo vệ cho Nhà thờ St. Rita ở New Orleans.

Anh tham dự Thánh lễ 7 giờ sáng hàng ngày ở đó, thường đến ngay sau khi mở cửa để cầu nguyện. Đó là thời gian yên tĩnh của anh.

Delery nói với tờ Clarion Herald, tờ báo của tổng giáo phận New Orleans rằng: “Tôi đến đó khoảng nửa giờ trước Thánh lễ để cầu nguyện và quan sát mọi người đi vào, và đôi khi nói với mọi người ‘Chào buổi sáng’. Tôi đã nghĩ rằng đó là công việc của tôi, ơn gọi của tôi, giống như giáo viên mở trường học cho lũ trẻ. … Đó cũng là cách tôi thực sự bắt đầu một ngày của mình trên một nốt cao thực sự tuyệt vời”.

Delery rất ngạc nhiên khi nhìn thấy một người trưởng thành - có lẽ khoảng ngoài 30 tuổi, theo khả năng quan sát được rèn giũa của nghề cảnh sát. Anh ta ăn mặc giản dị với quần đùi và giày thể thao, đến nhà thờ vào mỗi buổi sáng. Người đàn ông luôn đến vào khoảng 6:30 sáng, đi qua cửa trước và ngồi vào hàng ghế sau cùng, ngay bên phải lối đi chính. Anh ta luôn cầu nguyện rất sốt sắng.

“Mỗi ngày, anh ta đều đến rất khiêm tốn, rất lặng lẽ, và quỳ xuống ở cùng một chỗ”, Delery nói. “Bạn có thể nói rằng anh ấy cực kỳ tập trung, cầu nguyện cực kỳ mãnh liệt, đặt tâm trí vào những gì anh ấy sẽ làm, và anh ấy sẽ không để bất cứ điều gì cản trở anh làm điều đó”.

“Đó là thời gian của anh ấy với Chúa. Anh ấy đã dành thời gian cầu nguyện với Chúa”.

Nhưng điều kỳ lạ là anh ta lại bỏ đi khoảng năm phút trước khi Thánh lễ 7 giờ sáng bắt đầu.

Thỉnh thoảng chạm mặt Delery, anh ta gật đầu chào rất lịch sự trước khi bỏ về.

Nhiều giáo dân tỏ ra ngạc nhiên trước cử chỉ của con người bí ẩn này. Thánh lễ quan trọng biết bao, sao anh ấy lại bỏ về trước khi Thánh lễ bắt đầu, bất kể là ngày thường hay thứ Bẩy, Chúa Nhật.

Họ đem thắc mắc này đặt thành vấn đề với Delery.

Cuối cùng, một ngày nọ, Delery đã chặn con người bí ẩn này lại.

“Tôi có thể hỏi anh một câu được không? Anh có phải là người Công Giáo không?”.

Kéo cái khẩu trang y tế xuống, anh ta trả lời:

“Không, tại sao?”

Bí mật được giải tỏa, anh ta là Drew Brees, tiền đạo đã dẫn dắt đội New Orleans Saints đến chiến thắng Super Bowl 31-17 trước đội Indianapolis Colts vào ngày 7 tháng 2 năm 2010.

Delery có một ý tưởng chưa được hội đồng mục vụ chấp nhận.

“Tôi có một tấm bảng bằng đồng mà tôi định đặt trên chỗ anh ta vẫn quỳ: ‘Drew Brees từng quỳ ở đây”, Delery nói.


Source:Crux

3. Đức Tổng Giám Mục Dublin nhận định: Xã hội đã ‘Mất sự đồng cảm’ đằng sau sự gia tăng tội phạm bằng dao ở Ái Nhĩ Lan

Đức Tổng Giám Mục Dublin đang cảnh báo rằng Ái Nhĩ Lan đã “trở nên vô cảm với bạo lực bằng dao” sau một loạt các vụ đâm chém ở nước này.

Dublin đã chứng kiến ít nhất 5 vụ đâm chém trong vòng chưa đầy một tuần, trong đó có một vụ khiến một thanh niên 16 tuổi thiệt mạng.

Josh Dunne qua đời sau khi một nhóm thanh niên cãi nhau dữ dội vì một chiếc xe đạp. Chàng trai trẻ là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp đầy triển vọng, người đã từng chơi thử việc cho câu lạc bộ Scotland Dundee United.

Phát biểu hôm Chúa Nhật, Đức Tổng Giám Mục Dermot Farrell đã gửi lời chia buồn đến gia đình Dunne và nói về nạn bạo hành bằng dao ảnh hưởng đến đất nước này ra sao.

“Mang theo một con dao không bảo đảm an ninh cho anh chị em. Chúng ta không nên rời khỏi nhà và mang theo một con dao với mục đích duy nhất là gọt táo. Đúng hơn, khi anh chị em mang theo một con dao, anh chị em đang đi trên một con đường nguy hiểm đầy rủi ro”, Đức Tổng Giám Mục nói.

“Không sớm thì muộn, nó sẽ bị sử dụng theo cách ác ý khiến bản thân và những người khác bị thương nặng hoặc tử vong. Đây không phải là cách để xây dựng một thế giới an toàn - an toàn cho chính chúng ta, an toàn cho nhau, an toàn cho con cái chúng ta và an toàn cho những người dễ bị tổn thương - dù là già hay trẻ, bạn bè hay người lạ”, ngài nói.

Đức Tổng Giám Mục Farrell nói rằng bạo lực “không phải là cách của kẻ mạnh; cuối cùng, bạo lực là con đường của những người không còn cách nào khác”.

Ngài kêu gọi người dân Dublin cùng nhau xây dựng một nến “văn hóa bất bạo động” ở thủ đô Ái Nhĩ Lan.

“Chúng ta nên bắt đầu từ đâu? Thứ nhất, mạng sống con người là thánh thiêng, và chúng ta cần phải giải quyết mối đe dọa đối với cuộc sống do bạo lực bằng dao gây ra với toàn bộ sức mạnh của đức tin Công Giáo của chúng ta. Tội phạm bằng dao và bạo lực, vốn là hành vi tự hủy hoại bản thân, luôn phải bị lên án”, ngài nói.

“Thứ hai, chúng ta đã trở nên vô cảm với bạo lực bằng dao, dẫn đến những cái chết thương tâm. Người dân của hòa bình vẫn bị sốc trước mọi biểu hiện của bạo lực. Bạo lực - trên đường phố hay trong nhà - không bao giờ là giải quyết được tình hình. Mặc dù luật pháp và các quy định có thể hữu ích, nhưng chúng ta cần một cách suy nghĩ khác để đánh bại một nền văn hóa thống trị và hủy diệt như vậy. Chúng ta cần phải nhận ra rằng khi sử dụng một con dao, mọi thứ đều có thể bị mất, và không thu được gì”, Đức Tổng Giám Mục nói thêm.

Đức Tổng Giám Mục Farrell cũng cảnh báo rằng có một vấn đề tâm linh đang diễn ra: Đó là xã hội đang đánh mất sự đồng cảm đối với những người khác.


Source:Crux