Ánh Quang Đời Đời, Lời Chúa trở thành xác phàm từ Đức Trinh Nữ Maria khi, với lời sứ thần truyền tin, Mẹ đã đáp lại: “Này là nữ tỳ của Chúa” (x. Lc 1:38). Lễ phụng vụ cử hành mầu nhiệm khôn tả này đã chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ vĩ đại Dante Alighieri, một tiên tri của niềm hy vọng và là nhân chứng của lòng khao khát bẩm sinh muốn có một hiện tại vô hạn trong trái tim con người. Vào dịp Lễ Trọng kính việc Truyền Tin Chúa năm nay, tôi sẵn lòng hòa giọng của mình vào dàn đồng ca tuyệt vời của những vị đáng kính để tưởng nhớ Ông trong năm đánh dấu tròn bảy trăm năm ngày Ông qua đời.

Ở Florence, nơi tính thời gian từ lúc Nhập Thể, ngày 25 tháng 3 là ngày đầu tiên của năm dương lịch. Bởi vì nó gần với ngày xuân phân và việc Giáo hội cử hành các mầu nhiệm vượt qua, lễ Truyền tin cũng được liên kết với việc tạo dựng thế giới và bình minh của cuộc tạo dựng mới qua sự cứu chuộc mà Chúa Kitô đã chiếm được trên thập giá. Do đó, nó mời gọi chúng ta, dưới ánh sáng của Ngôi Lời thành xác phàm, chiêm niệm kế hoạch yêu thương vốn là trái tim và nguồn cảm hứng của tác phẩm nổi tiếng nhất của Dante, Bi Kịch Thần Thiêng, mà trong khổ thơ cuối cùng của nó, Thánh Bernard tôn vinh sự kiện nhập thể bằng những câu thơ bất hủ :

“Trong lòng mẹ tình yêu đã nhen nhóm,
Đầy hơi ấm và hòa bình vĩnh cửu,
Sau một thông sáng như vậy, bông hoa này đã nảy mầm ”(Par. XXXIII, 7-9) *.

Trước đó, trong Purgatorio (Luyện Ngục), Dante đã miêu tả cảnh Truyền tin được điêu khắc trên một vách núi đá (X, 34-37, 40-45).

Vào ngày kỷ niệm này, tiếng nói của Giáo hội khó có thể vắng mặt trong lễ tưởng niệm chung về con người và nhà thơ Dante Alighieri. Tuyệt vời hơn hết, Dante biết cách thể hiện bằng vẻ đẹp thi ca chiều sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa và tình yêu. Thi ca của ông, một trong những biểu thức cao nhất của thiên tài con người, là kết quả của một nguồn cảm hứng mới và sâu sắc hơn, mà nhà thơ gọi là:

“Bài thơ thánh thiêng
Được cả trời lẫn đất sắp đặt” (Đoạn XXV, 1-2).

Với Tông thư này, tôi muốn cùng với các vị Tiền nhiệm của tôi, những vị đã tôn vinh và tán dương nhà thơ Dante, đặc biệt là vào những dịp kỷ niệm ngày sinh hoặc ngày mất của ông, và đề nghị ông một lần nữa để được Giáo hội, đại bộ phận các tín hữu, các học giả văn học, các nhà thần học và nghệ sĩ xem xét. Tôi sẽ duyệt lại một cách ngắn gọn các can thiệp này, tập trung vào các vị Giáo hoàng của thế kỷ trước và những tuyên bố quan trọng hơn của các ngài.

1. Các vị Giáo hoàng của thế kỷ trước và Dante Alighieri

Một trăm năm trước, vào năm 1921, Đức Bênêđíctô XV đã tưởng niệm 600 năm ngày mất của nhà thơ bằng cách ban hành một Thông điệp [1] đề cập đến những can thiệp trước đó của các vị Giáo hoàng, đặc biệt là Đức Lêô XIII và Thánh Piô X, và bằng cách khuyến khích việc khôi phục Nhà thờ Thánh Phêrô Cả ở Ravenna, thường được biết với tên San Francesco, nơi cử hành tang lễ của Dante và là nơi hài cốt của ông được chôn cất. Đức Giáo Hoàng đánh giá cao nhiều sáng kiến được đưa ra để cử hành ngày lễ kỷ niệm và bênh vực quyền của Giáo hội, “vốn là mẹ đối với Ông”, được giữ vai trò chủ đạo trong các lễ kỷ niệm đó, tôn vinh Dante như một trong những người con của Giáo Hội [2]. Trước đó, trong một Thư gửi Đức Tổng Giám Mục Pasquale Morganti của Ravenna, Đức Bênêđíctô XV đã phê chuẩn chương trình lễ kỷ niệm bách chu niên, nói thêm rằng “cũng có một lý do đặc biệt tại sao chúng ta cho rằng lễ kỷ niệm Ông trọng thể nên được tổ chức với lòng biết ơn và sự tham gia rộng rãi: đó là sự kiện Alighieri là của chúng ta… Thật vậy, ai có thể phủ nhận rằng Dante của chúng ta đã nuôi dưỡng và thổi bùng ngọn lửa thiên tài và những thiên phú thi ca của Ông bằng cách lấy cảm hứng từ đức tin Công Giáo, đến mức Ông đã ca tụng những mầu nhiệm cao vời của tôn giáo trong một thi ca gần như thần thiêng? ”[3]

Trong một giai đoạn lịch sử được đánh dấu bằngg sự thù địch đối với Giáo hội, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã tái khẳng định lòng trung thành của nhà thơ đối với Giáo hội, “sự kết hợp mật thiết của Dante với Tòa này của Thánh Phêrô”. Thật vậy, ngài nhận định rằng tác phẩm của nhà thơ, dù nói lên “sự vĩ đại và sắc sảo của thiên tài Ông”, đã rút tỉa “cảm hứng mạnh mẽ” từ chính đức tin Kitô giáo. Vì lý do này, Đức Giáo Hoàng tiếp tục viết, “chúng ta ngưỡng mộ ở ông không những chiều cao vời vợi của thiên tài mà còn cả chiều rộng mênh mông của chủ đề mà thánh tôn giáo đã cung ứng cho thi ca của ông”. Để tán dương Dante, Đức Bênêđíctô đã gián tiếp trả lời những người phủ nhận hoặc chỉ trích nguồn cảm hứng tôn giáo trong tác phẩm của ông. “Nơi Alighieri, thở mạnh một lòng sùng kính mà chúng ta cũng cảm thấy; đức tin của ông cùng vang vọng với đức tin của chúng ta… Vinh quang lớn lao của Ông là làm một nhà thơ Kitô giáo, là ca hát bằng những nốt nhạc gần như thần thiêng những lý tưởng Kitô giáo mà ông vốn say mê chiêm niệm trong tất cả vẻ đẹp huy hoàng của chúng ”. Đức Giáo Hoàng tuyên bố rằng công trình của Dante cho thấy một cách hùng hồn và hữu hiệu “thật sai lầm khi nói rằng sự vâng phục của tâm trí đối với Thiên Chúa là một cản trở đối với thiên tài, mà thực ra đã thúc đẩy và nâng cao nó”. Đức Giáo Hoàng viết tiếp, vì lý do này, "các giáo huấn Dante để lại cho chúng ta trong tất cả các tác phẩm của ông, nhưng đặc biệt trong thi phẩm ba phần của Ông”, có thể dùng “ như một hướng dẫn quý giá nhất cho những người đàn ông và đàn bà của thời đại chúng ta ”, đặc biệt các sinh viên và học giả, vì“ khi sáng tác thi phẩm của mình, Dante không có mục đích nào khác ngoài việc nâng cao những kẻ tử sinh từ tình trạng khốn cùng, nghĩa là từ tình trạng tội lỗi, và dẫn họ đến tình trạng hạnh phúc, nghĩa là tình trạng ơn thánh Thiên Chúa”.

Năm 1965, kỷ niệm bảy trăm năm ngày sinh của Dante, Thánh Phaolô VI đã can thiệp trong một số dịp. Ngày 19 tháng 9 năm đó, ngài đã hiến tặng một cây thánh giá bằng vàng để tô điểm cho ngôi đền ở Ravenna, nơi bảo tồn lăng mộ của Dante, nơi trước đây vốn thiếu "dấu hiệu của tôn giáo và hy vọng" [4]. Ngày 14 tháng 11, ngài đã gửi một vòng nguyệt quế vàng đến Florence, để gắn lên Giếng Rửa Tội của Nhà thờ Thánh Gioan. Cuối cùng, khi kết thúc Công đồng chung Vatican II, ngài muốn tặng các Nghị phụ Công đồng một ấn bản có tính nghệ thuật của Bi Kịch Thần Thiêng. Tuy nhiên, trên hết, Đức Giáo Hoàng Phaolô đã tôn vinh hoài niệm về thi hào bằng một Tông thư, đó là tông thư Altissimi Cantus, [5], trong đó ngài tái khẳng định mối tương quan mạnh mẽ giữa Giáo hội và Dante Alighieri. “Một ai đó có lẽ sẽ hỏi tại sao Giáo Hội Công Giáo, qua ý chí và việc làm của Vị Đứng Đầu Hữu Hình của mình, lại để tâm cử hành hoài niệm về nhà thi sĩ Florence và tôn vinh ông. Câu trả lời khá dễ và có ngay lập tức: Dante Alighieri là của chúng ta bởi một quyền đặc biệt: Của chúng ta, nghĩa là, của Đạo Công Giáo, vì mọi sự đều hít thở tình yêu dành cho Chúa Kitô; của chúng ta, vì ông rất yêu mến Giáo Hội, được ông ca hát ngợi khen; của chúng ta, vì ông nhìn nhận và tôn kính Vị Đại Diện của Chúa Kitô trên trần gian nơi Giám Mục Rôma”.

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng viết thêm, quyền này thay vì biện minh cho chủ nghĩa háo thắng nào đó, cũng bao hàm một nghĩa vụ: “Dante là của chúng ta, chúng ta có thể nhấn mạnh như thế, nhưng chúng ta nói điều này không phải để coi Ông như một chiến tích để tôn vinh chúng ta, mà là để nhắc nhở bổn phận của chúng ta, trong khi tôn vinh Ông, biết khám phá những kho tàng vô giá về tư tưởng và tình cảm Kitô giáo hiện hữu trong tác phẩm của Ông. Vì chúng ta tin chắc rằng chỉ bằng cách đánh giá cao tốt hơn tinh thần tôn giáo của nhà thơ vĩ đại, chúng ta mới có thể hiểu và thưởng thức đầy đủ hơn các phong phú tinh thần kỳ diệu của nó”. Nghĩa vụ này cũng không miễn trừ Giáo hội việc chấp nhận cả những lời chỉ trích mang tính tiên tri do nhà thơ phát biểu liên quan đến những người có trách nhiệm loan báo Tin Mừng và đại diện, không phải chính họ, mà là Chúa Kitô. “Giáo hội không ngần ngại thừa nhận rằng Dante đã phê bình gay gắt hơn một vị Giáo hoàng, và đã có những lời quở trách nặng nề đối với các định chế giáo hội và những người từng là đại diện và thừa tác viên của Giáo hội”. Tất cả đều như nhau, rõ ràng là “những thái độ bốc lửa như vậy không bao giờ làm lung lay đức tin Công Giáo vững chắc và lòng hiếu thảo của Ông đối với Thánh Giáo Hội”.

Đức Phaolô VI tiếp tục minh họa điều làm cho cuốn Bi Kịch trở thành một nguồn phong phú hóa thiêng liêng mà ai cũng tiếp cận được. “Thi phẩm của Dante có tính phổ quát: trong phạm vi mênh mông của nó, nó bao trùm cả trời và đất, vĩnh cửu và thời gian, các mầu nhiệm Thiên Chúa và các sự kiện con người, Tín lý và giáo huấn thánh thiêng rút ra từ ánh sáng của lý trí, thành quả của kinh nghiệm bản thân và biên niên sử của lịch sử”. Trên hết, ngài nhấn mạnh mục đích nội tại của các trước tác của Dante, và đặc biệt là của Bi Kịch Thần Thiêng, một mục đích không phải lúc nào cũng được đánh giá rõ ràng hoặc được thừa nhận một cách đúng lý. “Mục đích của Bi Kịch Thần Thiêng chủ yếu có tính thực tế và biến đổi. Nó không chỉ tìm cách có những vần thơ đẹp đẽ và nâng cao đạo đức, mà còn tạo ra một sự thay đổi triệt để, đưa những người đàn ông và đàn bà từ hỗn mang tới khôn ngoan, từ tội lỗi đến thánh thiện, từ khốn cùng đến hạnh phúc, từ việc thấy địa ngục đáng sợ đến việc thấy thiên đường tuyệt đẹp”.

Viết vào thời điểm căng thẳng quốc tế nghiêm trọng, Đức Giáo Hoàng không ngừng tìm cách đề cao lý tưởng hòa bình, và tìm thấy trong tác phẩm của Dante một phương tiện quý giá để khuyến khích và duy trì lý tưởng đó. “Hòa bình của các cá nhân, gia đình, quốc gia và cộng đồng nhân loại, nền hòa bình bên trong và bên ngoài, riêng tư và công cộng này, trật tự thanh bình này bị xáo trộn và lung lay vì lòng đạo đức và công lý đang bị chà đạp. Để khôi phục trật tự và ơn cứu rỗi, đức tin và lý trí, Beatrice và Virgil, Thập giá và Đại bàng, Giáo hội và Đế quốc được kêu gọi hoạt động một cách hòa hợp ”. Trong mạch này, ngài nói tới thi phẩm của Dante như bài tụng ca hòa bình. “Bi Kịch Thần Thiêng là một thi phẩm hòa bình: Inferno (Hỏa Ngục) là bài truy điệu hòa bình vĩnh viễn bị mất, Purgatorio (Luyện Ngục) là thánh ca nuối tiếc hy vọng hòa bình, và Paradiso (Thiên Đàng) là khải hoàn ca hòa bình được sở hữu trọn vẹn và vĩnh viễn”.

Đức Giáo Hoàng viết tiếp, nhìn cách đó, Bi kịch là “một thi phẩm về việc cải thiện xã hội thông qua việc đạt được tự do thoát khỏi sự nô dịch cho cái ác và hướng đến sự nhận biết và yêu mến Thiên Chúa” và là một biểu thức nói lên chủ nghĩa nhân bản đích thực. “Nơi Dante, tất cả các giá trị nhân bản - trí thức, đạo đức, xúc cảm, văn hóa và công dân - đều được thừa nhận và đề cao. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc đánh giá cao và quý trọng này là kết quả của kinh nghiệm sâu sắc của ông về cõi thần thiêng, khi việc chiêm niệm của ông dần dần được thanh lọc khỏi các yếu tố trần thế ”. Do đó, cuốn Bi kịch có thể được mô tả đúng là Thần thiêng, và Dante được gọi là “nhà thơ cao cả” và, theo lời mở đầu của cùng một Tông thư, “chủ tể ca khúc siêu phàm”.

Khi ca ngợi các thiên phú văn chương và nghệ thuật phi thường của Dante, Đức Phaolô VI cũng nhắc lại một nguyên tắc quen thuộc. “Thần học và triết học có liên quan đến vẻ đẹp một cách nội tại: đối với các giáo huấn của chúng, vẻ đẹp tạo nên bộ áo và sự trang điểm của chính nó. Thông qua âm nhạc và nghệ thuật ảnh tượng và nghệ thuật tạo hình, vẻ đẹp mở ra một con đường làm cho các giáo huấn cao cả của chúng trở thành dễ tiếp cận đối với nhiều người khác. Nhiều người không dễ dàng hiểu được những luận bàn bác học và lý luận tinh tế, nhưng họ vẫn khao khát tấm bánh sự thật. Bị thu hút bởi vẻ đẹp, họ nhận ra và đánh giá cao ánh sáng của sự thật và sự thành toàn được nó mang lại. Đó là điều chủ tể bài ca siêu phàm đã hiểu và đạt được; đối với ông, vẻ đẹp trở thành người tớ gái của sự thiện và sự thật, và sự thiện là một điều của sự mỹ ”. Trích dẫn một dòng từ cuốn Bi Kịch, Đức Giáo Hoàng Phaolô kết luận với lời khuyên: "Mọi vinh dự nên được dành cho nhà thơ siêu lỗi lạc!" (Inf. IV, 80).

Thánh Gioan Phaolô II thường nhắc đến Dante trong các bài diễn văn của ngài. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến ngày 30 tháng 5 năm 1985, lễ khánh thành triển lãm Dante ở Vatican. Giống như Đức Phaolô VI, ngài đề cao thiên tài nghệ thuật của Dante, nói đến tác phẩm của nhà thơ như là “một viễn kiến về thực tại đề cập đến cuộc sống sắp tới và mầu nhiệm Thiên Chúa với sinh khí của tư tưởng thần học được biến đổi bởi ánh huy hoàng kết hợp bởi nghệ thuật và thi ca”. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã đặc biệt suy tư về một hạn từ chủ chốt trong Bi Kịch: “Transumanare: vượt qua con người. Đây là nỗ lực cuối cùng của Dante: để bảo đảm rằng gánh nặng của những gì là nhân bản sẽ không phá hủy điều thần thiêng trong chúng ta, cũng như sự vĩ đại của thần thiêng sẽ không phá hủy giá trị của những gì là nhân bản. Vì lý do này, nhà thơ đã giải thích một cách đúng đắn lịch sử bản thân của mình và lịch sử của toàn thể nhân loại trong một chìa khóa thần học”.

Đức Bênêđíctô XVI thường xuyên nói tới cuộc hành trình của Dante và từ thi ca của ông, đã rút ra nhiều điểm để suy tư và suy gẫm. Thí dụ, khi nói về chủ đề của Thông điệp đầu tiên của ngài, Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình yêu), ngài bắt đầu từ chính viễn kiến của Dante về Thiên Chúa, nơi Người “ánh sáng và tình yêu là một và cùng là một điều”, để nhấn mạnh sự mới lạ tìm thấy trong tác phẩm của Dante. “Dante tri nhận một điều hoàn toàn mới… ánh sáng vĩnh cửu được biểu lộ trong ba vòng tròn mà Dante đề cập bằng cách sử dụng những câu thơ súc tích quen thuộc với chúng ta:

‘Ôi Ánh sáng Trường cửu, ngự duy nhất trong chính Ngài,
Hiểu biết duy nhất chính Ngài, và được chính Ngài biết đến,
Và hiểu biết, yêu mến và mỉm cười với chính Ngài!’(Đoạn XXXIII, 124-126).

Thật vậy, ấn tượng hơn cả sự mặc khải này về Thiên Chúa như một vòng tròn Ba Ngôi tri thức và tình yêu, là sự biện phân của Người về một khuôn mặt con người - khuôn mặt của Chúa Giêsu Kitô - trong vòng tròn trung tâm của ánh sáng đó. Do đó, Thiên Chúa có một khuôn mặt con người và - chúng ta có thể nói thêm - một trái tim con người ” [6]. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến tính độc đáo trong viễn kiến của Dante, một điều đã đem lại một biểu thức thi ca cho sự mới mẻ của kinh nghiệm Kitô giáo, phát sinh từ mầu nhiệm nhập thể: “sự mới lạ của một tình yêu đã thúc đẩy Thiên Chúa mang lấy khuôn mặt con người, và còn hơn thế nữa, mang lấy máu thịt, toàn thể nhân tính của chúng ta” [7].

Trong Thông điệp đầu tiên của tôi, tức Thông điệp Lumen Fidei (Ánh sáng Đức tin) [8], tôi đã mô tả ánh sáng đức tin bằng cách sử dụng một hình ảnh rút từ Paradiso; hình ảnh này nói về ánh sáng đó như một

“Tia sáng,
Sau đó giãn nở thành ngọn lửa sống động,
Và, giống một vì sao trên trời, đang lấp lánh trong tôi” (Par. XXIV, 145-147).

Sau đó, tôi đã kỷ niệm 750 năm ngày sinh của Dante bằng một sứ điệp, trong đó tôi tỏ ý hy vọng rằng “hình tượng Alighieri và tác phẩm của ông sẽ được mọi người hiểu và đánh giá cao”. Tôi đề nghị đọc Bi Kịch như “một cuộc hành trình sử thi, đúng hơn, một cuộc hành hương thực sự, có tính bản thân và nội tâm, nhưng cũng mang tính cộng đồng, giáo hội, xã hội và lịch sử”, vì “nó trình bầy mô hình cho mọi cuộc hành trình đích thực, nhờ đó nhân loại được kêu gọi bỏ lại phía sau điều mà nhà thơ gọi là 'sân đập lúa khiến chúng ta hết sức tự hào' (Đoạn XXII, 151), để đạt được một trạng thái mới hòa hợp, hòa bình và hạnh phúc " [9]. Như thế, Dante có thể nói với những người đàn ông và đàn bà trong thời đại của chúng ta như “một nhà tiên tri của hy vọng, người loan báo trước khả thể cứu chuộc, giải phóng và thay đổi sâu sắc cho từng cá nhân và cho toàn thể nhân loại” [10].

Gần đây hơn, vào ngày 10 tháng 10 năm 2020, trước một phái đoàn từ Tổng giáo phận Ravenna-Cervia dự lễ khánh thành Năm Dante, tôi đã thông báo ý định ban hành Tông Thư này. Tôi nhận định rằng tác phẩm của Dante cũng có thể làm phong phú thêm tâm trí của tất cả những người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, những người, một khi đã đã được dẫn nhập vào thi ca của Ông “theo cách họ có thể tiếp cận được, chắc chắn, một mặt, vẫn cảm nhận một khoảng cách rất xa so với tác giả và thế giới của ông, và tuy thế, về mặt khác, cũng cảm thấy một cộng hưởng đáng kể đối với kinh nghiệm của chính họ” [11].
________________________________________________________________
* Bản tiếng Anh của H. W. Longfellow (1867).
[1] Trong Praeclara Summorum (30 Tháng Tư, 1921): AAS 13 (1921), 209-217.
[2] Xem Đd, 210.
[3] Thư Nobis ad Catholicam (28 tháng 10, 1914): AAS 6 (1914), 540.
[4] Diễn văn với Hồng Y Đoàn và Phủ doãn Rôma (23 Tháng 12, 1965): AAS 58 (1966), 80.
[5] Xem AAS 58 (1966), 22-37.
[6] Diễn văn với Các Tham Dự viên Hội Nghị do Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum cổ vũ, 23 tháng 1 2006: Insegnamenti 2006 II/1, 92-93.
[7] Đd 93.
[8] Xem No. 4: AAS 105 (2013), 557.
[9] Sứ điệp gửi Hội đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, (4 tháng 5, 2015): AAS 107 (2015), 551-552.
[10] Đd 552.
[11] L’Osservatore Romano, 10 tháng 10, 2020, p. 7.
[12] Xem Confessions, I, I, 1: PL 32, 661.

Kỳ tới: 2. Cuộc đời Dante Alighieri