NHẬN THỨC VÀ KHÔNG NHẬN THỨC
“Sao anh thấy cái rác trong mắt người anh em, mà cái xà trong mắt mình lại không để ý tới?”.


Một số tội nhân có thể lầm tưởng khi nói, “Tôi nhận thức rõ và không cảm thấy trong mình một trọng lượng nào, tôi có tội gì đâu!”. John Fisher trả lời, “Nếu con chó bị buộc một hòn đá lớn ở cổ, ném xuống từ một ngọn tháp, nó cũng sẽ không nhận thức trọng lượng của hòn đá chừng nào nó đang rơi; nhưng một khi nó xuống tới đất, nó sẽ tan ra từng mảnh bởi lý do của trọng lượng đó!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay không nói đến trọng lượng của tội, nhưng nói đến sự ‘nhận thức và không nhận thức’ của một con người. Phaolô biết tội mình, từng bắt bớ đạo Chúa, ngài khiêm tốn cậy vào lòng Chúa xót thương; kẻ giả hình không biết tội mình, kiêu căng xét đoán đồng loại. Chúa Giêsu bảo, “Sao anh thấy cái rác trong mắt người anh em, mà cái xà trong mắt mình lại không để ý tới?”.

Trong kiệt tác “Lâu Đài Nội Tâm” của mình, chị thánh Têrêxa Avila giải thích, “Một trong những bước đầu tiên của hành trình nên thánh là nhận thức bản thân!”. Nhận thức bản thân phát sinh lòng khiêm tốn; vì khiêm tốn chỉ đơn giản là nhìn nhận đúng đắn bản thân mình. Một người không nhìn thấy chính mình dưới ánh sáng đích thực của Thiên Chúa, sẽ sai lầm khi nhìn người khác; họ dễ dàng đưa ra những phán xét lệch lạc, khi sai lầm chỉ nhìn thấy tội lỗi của người anh em.

Điều Têrêxa Avila nói được tìm thấy nơi Phaolô, một người đã ‘nhận thức và không nhận thức’. Trong thư Timôtê hôm nay, Phaolô nhận thức, “Trước kia, cha là kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng”. Nhờ hiểu biết đúng đắn, Phaolô cùng lúc, nhận thức được lòng Chúa nhân từ, “Nhưng cha đã được Thiên Chúa xót thương”; “Ngài đã kể cha là người trung tín”. Để từ đó, Phaolô quên đi chặng đường đã qua, chặng đường không nhận thức, lao mình về phía trước và có thể cất lên, “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mô tả sự lầm lạc nghiêm trọng nơi một người thiếu nhận thức về bản thân mình. Đó là người không thấy “cái xà trong mắt mình”, nghĩa là không nhìn thấy tội lỗi của chính bản thân; kết quả, họ chỉ thấy “cái rác trong mắt người anh em”, thấy tội lỗi người khác. Như thế, nếu mỗi người biết nhìn vào nội tâm lòng mình, xét xem những suy nghĩ của mình một cách trung thực, chắc chắn người ấy sẽ biết chính mình như Thiên Chúa biết; đồng thời, sẽ nhìn người anh em như Thiên Chúa nhìn. Bấy giờ, chúng ta sẽ không dành quá nhiều thời gian để nghĩ về tội lỗi người khác, phân tích và đánh giá hành động của họ.

Cách tốt nhất để biết chính mình là nhìn vào Chúa Giêsu. Một khi Chúa Giêsu trở thành tâm điểm của sự chú ý trong suốt cả ngày sống, chúng ta sẽ không chỉ biết Ngài mà còn biết rõ về bản thân mình một cách trung thực nhất. Ngắm nhìn vẻ đẹp và sự hoàn hảo thiên linh nơi Chúa Giêsu, cái nhìn của chúng ta sẽ có ‘tác dụng kép’ là biết Ngài và biết chính mình qua đôi mắt của Ngài. Nó còn giúp chúng ta biết được cách thức mà Chúa Giêsu thường nhìn những người khác; Ngài nhìn họ với lòng thương xót vĩnh viễn. Đúng vậy, cuối mỗi cuộc đời, khi từ giã cõi trần để sang thế giới bên kia, chúng ta sẽ gặp phải sự phán xét đặc biệt của Thiên Chúa; nhưng bao lâu còn ở chốn dương gian, Thiên Chúa vẫn liên tục nhìn chúng ta với ánh mắt từ ái của Ngài. Vì lý do đó, thương xót phải là ‘môi trường và sứ mệnh’ thường nhật của chúng ta, và chúng ta phải xây dựng thói quen nhìn mọi người bằng con mắt của lòng thương xót Chúa.

Anh Chị em,

Chúa Giêsu đang nhìn chúng ta với đôi mắt từ ái của Ngài mỗi ngày qua Thánh Thể, qua Lời Ngài. Cũng thế, chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu, tìm cách biết Ngài và làm cho Ngài trở thành tâm điểm của sự chú ý! Khi làm vậy, chúng ta tìm cách loại bỏ những suy nghĩ, đánh giá và nhận thức về người khác. Hãy để cho ánh mắt của mình nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta không chỉ nhìn thấy Ngài mà còn nhìn thấy những người khác qua mắt Ngài. Biết cách xây dựng thói quen này, việc chúng ta ‘nhận thức và không nhận thức’ sẽ rất hữu ích; đó là nhận thức mình tội lỗi, yếu hèn và biết rằng, đã từ lâu, dường như chúng ta không nhận thức rằng, Thiên Chúa yêu thương chúng ta nhiều đến thế! Và điều này sẽ giúp chúng ta tiến nhanh trên con đường nên thánh.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con nhìn thấy chính mình qua đôi mắt của Chúa, hầu con có thể nhìn anh chị em con qua chính ánh mắt ấy. Xin giúp con biết và yêu mọi người như Chúa biết và yêu họ”, Amen.

(Tgp. Huế)