Tòa Thánh, qua Đức Hồng Y Koch, chính thức trả lời các Giáo Sĩ Do Thái thắc mắc về việc Đức Phanxicô dạy rằng Luật Môsê không đem lại sự sống



Theo hãng tin CNA, ngày 10 tháng 9 hôm qua, Đức Hồng Y Koch đã viết thư cho các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo để quả quyết rằng các nhận định gần đây của Đức Phanxicô không nhằm hạ giá Kinh Torah.



Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hợp nhất Kitô giáo, cơ quan giám sát Ủy ban Liên hệ Tôn giáo của Vatican với người Do Thái, đã công bố hai bức thư vào ngày 10 tháng 9, được Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch của cả hội đồng và ủy ban, viết.

Các bức thư, đề ngày 3 tháng 9, lần lượt được gửi tới Giáo sĩ Rasson Arousi, chủ tịch Ủy ban Đối thoại với Tòa thánh tại Giêrusalem, và Giáo sĩ David Sandmel, chủ tịch Ủy ban Tham vấn liên tôn của người Do Thái quốc tế ở New York.

Hội đồng Giáo hoàng cho biết Giáo sĩ Arousi đã viết thư cho Đức Hồng Y Koch vào ngày 12 tháng 8, liên quan đến bài diễn văn ở buổi yết kiến chung của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 11 tháng 8, dành riêng nói về Luật Môsê.

Hội Đồng nói thêm rằng Sandmel đã viết "một bức thư tương tự" cho vị Hồng Y người Thụy Sĩ vào ngày 24 tháng 8.

Bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng là bài thứ tư trong chu kỳ dạy giáo lý của ngài về Thư gửi tín hữu Galát, trong đó Thánh Phaolô đề cập đến một tranh cãi trong cộng đồng Kitô giáo sơ khai về việc các Kitô hữu phải tuân giữ luật Do Thái chặt chẽ đến đâu.

Đức Giáo Hoàng nói: "Thực ra, Kinh Torah, tức Lề luật, không bao gồm trong lời hứa với Ápraham".

“Tuy nhiên, nói thế rồi, người ta không nên nghĩ rằng Thánh Phaolô đã chống lại Luật Môsê. Không, ngài đã tuân giữ nó. Nhiều lần trong các Thư của ngài, ngài bảo vệ nguồn gốc thần linh của nó và nói rằng nó có một vai trò được xác định rõ trong lịch sử cứu độ".

“Tuy nhiên, Lề luật không ban sự sống, nó không cung ứng việc nên trọn lời hứa vì nó không có khả năng thực hiện điều đó”.

Hạn từ Torah chỉ năm cuốn sách đầu tiên của Kinh thánh tiếng Do Thái, nhưng có thể được sử dụng rộng rãi hơn để chỉ toàn bộ luật Do Thái.

Hãng tin Reuters vào ngày 25 tháng 8 đưa tin rằng Giáo sĩ Arousi bày tỏ lo ngại rằng các bình luận của Đức Giáo Hoàng ngụ ý rằng luật Do Thái đã lỗi thời.

Trong những bức thư có lời lẽ giống hệt nhau, Đức Hồng Y Koch nói rằng ngài đã tham khảo ý kiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và hiện trả lời vị giáo sĩ Do Thái theo chỉ thị của Đức Giáo Hoàng.

Ngài viết, “trong diễn văn của Đức Giáo Hoàng, Kinh Torah không bị hạ giá, khi ngài minh nhiên quả quyết rằng Thánh Phaolô không chống đối Luật Môsê: thực ra, ngài tuân giữ Luật ấy, nhấn mạnh nguồn gốc thần linh của nó, và gán cho nó một vai trò trong lịch sử cứu độ".

Câu “Lề luật không ban sự sống, không cung ứng việc nên trọn lời hứa” không nên bị ngoại suy khỏi ngữ cảnh của nó, nhưng phải được xem xét trong khuôn khổ tổng thể của thần học Phaolô”.

“Xác tín Kitô giáo lâu đời vẫn tin chắc rằng Chúa Giêsu Kitô là con đường cứu rỗi mới. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Kinh Torah bị giảm thiểu hoặc không còn được công nhận là 'đường cứu rỗi cho người Do Thái'".

Đức Hồng Y Koch đã trích dẫn một bài diễn văn năm 2015 được Đức Giáo Hoàng trình bày trước Hội đồng Quốc tế các Kitô hữu và người Do Thái.

Vào dịp đó, Đức Giáo Hoàng nói: “Các hệ phái Kitô giáo tìm thấy sự hợp nhất của họ trong Chúa Kitô; Do Thái giáo tìm thấy sự hợp nhất của họ trong kinh Torah. Kitô hữu tin rằng Chúa Giêsu Kitô là Lời của Thiên Chúa đã trở nên xác thịt trong thế gian; đối với người Do Thái, Lời Chúa hiện diện trước hết trong kinh Torah. Cả hai truyền thống đức tin đều tìm thấy nền tảng của chúng nơi một Thiên Chúa duy nhất, Thiên Chúa của Giao ước, Đấng tự mặc khải Người ra qua Lời của Người”.

Đức Hồng Y Koch nhấn mạnh rằng trong bài phát biểu tại buổi yết kiến chung của ngài, Đức Giáo Hoàng suy tư “về nền thần học Phaolô trong bối cảnh lịch sử của một thời đại nhất định” và không bình luận về Do Thái giáo đương thời.

Ngài viết: “Sự kiện Kinh Torah rất quan trọng đối với Do Thái giáo hiện đại không hề bị nghi vấn bất cứ cách nào”.

Ngài viết tiếp, “Ghi nhớ các khẳng định tích cực liên tục được Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra về đạo Do Thái, không thể nào người ta có thể cho rằng ngài đang quay trở lại với điều gọi là‘ lý thuyết khinh miệt’” được.

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoàn toàn tôn trọng các nền tảng của Do Thái giáo và luôn tìm cách làm sâu sắc thêm mối liên hệ hữu nghị giữa hai truyền thống đức tin”.

Đức Hồng Y Koch nhấn mạnh rằng Đức Giáo Hoàng đồng ý với việc mô tả mối liên hệ giữa Do Thái giáo và Kitô giáo trong tài liệu “Giữa Jerusalem và Rome” năm 2017, đánh dấu kỷ niệm 50 năm Tuyên bố chính thức của Công đồng Vatican II về Mối liên hệ của Giáo hội với các tôn giáo không phải là Kitô giáo, tức tuyên ngôn Nostra aetate.

Bản văn trên do Hội đồng các Giáo sĩ Do Thái giáo châu Âu, Hội đồng các Giáo sĩ Hoa Kỳ, và Ủy ban Giáo sĩ trưởng của Israel ban hành, nói rằng: “Các khác biệt về tín lý là điều chủ yếu và không thể tranh luận hoặc thương lượng; ý nghĩa và tầm quan trọng của chúng thuộc các nghị bàn quốc tế của các cộng đồng đức tin liên hệ... Tuy nhiên, các khác biệt tín lý không và không được cản trở việc cộng tác hòa bình của chúng ta để cải thiện thế giới chung của chúng ta và cuộc sống của con cái Nô-ê”.

Tài liệu đã được trình cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican vào ngày 31 tháng 8 năm 2017.

Trong một bài diễn văn, ngài nói: “Tuyên bố ‘Giữa Giêrusalem và Rôma’ không che giấu… những khác biệt thần học hiện hữu giữa các truyền thống đức tin của chúng ta. Tuy thế, nó vẫn nói lên quyết tâm hợp tác chặt chẽ hơn, hiện nay và trong tương lai".

Kết luận bức thư của ngài, Đức Hồng Y Koch viết: “Tôi tin tưởng rằng phúc đáp này làm sáng tỏ nền tảng thần học trong lời lẽ của Đức Thánh Cha".