Ký giả John Allen của tờ Crux, có bài tường trình nhan đề “9/11 anniversary a reminder the Vatican had it right, not once but twice”, nghĩa là “Kỷ niệm ngày 11 tháng 9 là một lời nhắc nhở rằng Vatican đã nói rất đúng, không phải một lần mà là hai lần”. Theo Allen, Hoa Kỳ đã không nghe theo các lời khuyên của Tòa Thánh, không chỉ một mà là hai lần, dẫn đến các tổn thất kinh hoàng về nhân mạng và vật chất.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Cuộc xung đột kéo dài 20 năm tại Afghanistan, trị giá 2.6 nghìn tỷ đô la, đã kết thúc với việc Taliban một lần nữa nắm quyền và vị thế toàn cầu của Mỹ lại tan nát. Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, ít nhiều xảy ra cùng thời điểm với lễ kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố ngày 11 tháng 9.

Hai chiến dịch quân sự lớn của Hoa Kỳ ở Afghanistan và Iraq là kết quả trực tiếp của các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9. Cả hai đều đã dẫn đến thất bại hoặc thất vọng. Trong cả hai trường hợp, các nhà ngoại giao Vatican ngày nay sẽ có lý khi nói: “ Đừng nói rằng chúng tôi đã không nói trước với các bạn như vậy”.

Afghanistan là hậu quả tức thì của vụ khủng bố ngày 11 tháng 9, đó là nỗ lực của một siêu cường tức giận nhằm đáp trả những kẻ mà nước này cho là phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại.

Ngay từ đầu, chính quyền Bush đã tỏ rõ ý định sử dụng vũ lực để đánh bật chế độ Taliban. Chưa đầy một tháng sau, vào ngày 7 tháng 10, bom và tên lửa được hướng dẫn bắt đầu rơi xuống các mục tiêu của Taliban. 12 ngày sau các binh sĩ đã hành quân trên mặt đất.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi sau sự kiện ngày 11 tháng 9 nhưng trước khi chiến tranh Afghanistan nổ ra, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một trong số rất ít các nhà lãnh đạo toàn cầu đã có chuyến tông du tới khu vực này. Vị Đức Giáo Hoàng Ba Lan dự kiến đến Kazakhstan gần đó từ ngày 22 đến 25 tháng 9, và bất chấp những lo ngại về an ninh sau vụ tấn công Tòa Tháp Đôi, chuyến đi vẫn diễn ra theo kế hoạch.

Chuyến tông du cho phép Đức Gioan Phaolô II có cơ hội cân nhắc trước những lựa chọn định mệnh mà thế giới phải đối mặt vào thời điểm đó. Ngay sau khi các cuộc tấn công xảy ra, Đức Gioan Phaolô II đã tố cáo “nỗi kinh hoàng không thể diễn tả được” đã xảy ra ở New York và gửi một bức điện cho Bush để bày tỏ “nỗi buồn sâu sắc của tôi và sự gần gũi của tôi trong lời cầu nguyện cho đất nước vào thời điểm đen tối và bi thảm này”. Tuy nhiên, tình cảnh này đã thúc đẩy Đức Giáo Hoàng đề cập đến không chỉ là những cảm xúc mà còn là những phản ứng có tính chính sách.

Ngài đã làm điều đó. Trong bài huấn dụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật sau thánh lễ ở thủ đô Astana của Kazakhstan ngày 23 tháng 9, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra một lời kêu gọi đặc biệt, bằng tiếng Anh để bảo đảm rằng cộng đồng quốc tế sẽ nghe thấy thông điệp ấy: “Với tất cả trái tim của tôi, tôi cầu xin Chúa giữ cho thế giới được hòa bình”, ngài nói. Trong hầu hết các bản tin trên các phương tiện truyền thông, thông điệp này được coi là đèn đỏ của Đức Giáo Hoàng cho cuộc can thiệp quân sự sắp xảy ra do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Hai tháng sau, sau khi Taliban bị lật đổ và bắt đầu hai thập kỷ chiếm đóng của nước ngoài tại Afghanistan, Đức Gioan Phaolô II đã làm cho lời cảnh báo của mình trở nên sắc nét hơn trong thông điệp hàng năm của ngài cho Ngày Thế giới Hòa bình.

Trong thông điệp đó, Đức Giáo Hoàng thừa nhận quyền tự vệ trước những kẻ khủng bố nhưng nhấn mạnh rằng hành động nên được giới hạn ở chính những kẻ khủng bố, chứ không phải toàn bộ quốc gia, và bất kỳ hành động quân sự hoặc vũ trang nào cũng phải đi kèm với “một chính sách chính trị, ngoại giao và kinh tế can đảm và kiên quyết, trong đó cam kết giảm bớt các tình huống bị áp bức và gạt ra bên lề vốn tạo điều kiện thuận lợi cho các kế hoạch của những kẻ khủng bố”.

Mặc dù Đức Gioan Phaolô II không bao giờ đề cập cụ thể đến Hoa Kỳ, bối cảnh thông điệp dường như đã hoàn toàn rõ ràng: Đừng sử dụng vũ lực bừa bãi, và đừng sử dụng một chiến dịch quân sự không có kế hoạch tái thiết.

Hai năm sau, ký ức về vụ tấn công ngày 11 tháng 9 cũng thúc đẩy cuộc xâm lược Iraq do Hoa Kỳ dẫn đầu, khiến Đức Giáo Hoàng và đội ngũ Vatican của ngài lên án rõ ràng hơn. Đức Gioan Phaolô II thậm chí đã cử một đặc phái viên đến Tòa Bạch Ốc, đó là cựu Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, Đức Hồng Y Pio Laghi, trong nỗ lực vào phút cuối để thuyết phục chính quyền Bush, nhưng vô ích.

Tóm lại, Đức Giáo Hoàng và các nhân viên ngoại giao của ngài đã cảnh báo Mỹ rằng cả Afghanistan và Iraq sẽ chứng tỏ là những cuộc xung đột không có hồi kết, có khả năng khiến dân thường của cả hai nước, bao gồm cả thiểu số Kitô Hữu đáng kể của Iraq, trở nên tồi tệ hơn. Các vị cũng cảnh báo rằng những nỗ lực áp đặt mô hình chính phủ và công lý của phương Tây lên các xã hội Á Châu sẽ cho thấy rằng những truyền thống xa lạ đó sẽ không bao giờ có hiệu quả và bóng ma của một cường quốc phương Tây xâm lược một quốc gia Hồi giáo khác sẽ thổi bùng tình cảm Hồi giáo và cuối cùng thúc đẩy chính các phong trào thánh chiến lao vào một cuộc chiến tranh được trù liệu là diễn ra trong một phạm vi giới hạn.

Vào tháng Giêng năm 2003, trong một bữa ăn trưa làm việc với các nhà báo do đại sứ quán Ý tại Vatican tổ chức, Đức Hồng Y Angelo Sodano, người Ý, lúc đó là Ngoại trưởng của Đức Gioan-Phaolô, đã đánh giá theo cách này: “ Chúng tôi nói với những người bạn Mỹ của chúng tôi: chọc giận một tỷ người Hồi giáo sẽ có nguy cơ gây ra sự thù địch của thế giới Hồi giáo trong nhiều thập kỷ.”

Chỉ ba ngày trước khi cuộc xâm lược của Hoa Kỳ bắt đầu, Đức Gioan Phaolô II đã sử dụng bài huấn dụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật của mình để đưa ra một lời kêu gọi cuối cùng khác.

“Đối mặt với những hậu quả to lớn mà một hoạt động quân sự quốc tế sẽ gây ra cho dân chúng Iraq và cho sự cân bằng của khu vực Trung Đông, vốn đã rất khốn cùng, và đối với những hành động cực đoan có thể xuất phát từ đó, tôi nói với tất cả: vẫn còn thời gian để thương lượng; vẫn còn chỗ cho hòa bình, không bao giờ là quá muộn để hiểu và tiếp tục thảo luận”, ngài nói.

Mặc dù bây giờ tất cả những điều đó có vẻ hiển nhiên, nhưng vào thời điểm đó, Vatican là một trong số ít các quốc gia phương Tây sẵn sàng công khai nói lên sự e ngại của mình đối với các chính sách của Hoa Kỳ. Mặc dù có thể là khó mường tượng ra thế giới ngày nay có thể trông khác như thế nào nếu Hoa Kỳ đã lắng nghe lời kêu gọi của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhưng câu trả lời gần như chắc chắn là sẽ khác “rất xa”.

Cột mốc 20 năm kể từ ngày vụ khủng bố 11 tháng 9, trong số nhiều điều khác, đưa ra một lời nhắc nhở rằng Vatican đã đúng, không chỉ một lần mà là hai lần, về những đau lòng sẽ xảy ra sau các phản ứng quân sự của Mỹ và các đồng minh sau các cuộc tấn công.

Có lẽ đó không phải là niềm an ủi nghiệt ngã cho những người Công Giáo trong ngày kỷ niệm khủng khiếp này. Tuy nhiên, nếu không có gì khác, có lẽ nó cũng mang lại một lợi ích nhất định cho sự nghi ngờ vào lần tiếp theo khi các nhà ngoại giao Vatican cố gắng cảnh báo thế giới rằng “Làm theo cách đó thật là một sự điên rồ”.
Source:Crux