Xu hướng Đại kết

Sự chia rẽ các Giáo hội là một tai tiếng công khai lớn nhất của Kitô giáo, và không gì có thể bào chữa cho điều đó, cả về nguyên nhân lẫn hậu quả, tức việc mất khả tín trong việc truyền giáo hướng nội và hướng ngoại của Kitô giáo. Bất cứ điều gì giúp đảo ngược nó chắc chắn phải đi theo hướng được định sẵn bởi ý chí cứu rỗi của Thiên Chúa. Việc ý niệm này giúp người ta tin rằng họ thực sự có thể làm được một điều gì đó trong vấn đề này; và sau cùng, họ có thể làm cho cái băng giá vô vọng đã có từ xưa này đến chỗ chẩy tan, ý niệm này không thể hiểu được nếu không có một phép lạ của ân sủng Chúa Thánh Thần, Đấng, trong quyền tự do của Người, cuối cùng khấng nghe các lời khẩn cầu và thống khổ của các Kitô hữu, ở cả hai phía.



Chúng ta hãy làm mọi điều trong khả năng của mình, đừng gán cho bản thân mình mà gán mọi sự cho thiên tài sáng tạo của Thiên Chúa Toàn Năng. Và do đó, ở khởi đầu hy vọng, chúng ta hãy không ngừng cung ứng điều kiện tiên quyết của hy vọng, là chống lại mọi trở ngại, mọi bất khả tỏ tường. Chỉ có Thần Khí Chúa Kitô mới có thể phá bỏ các bức tường chia rẽ, chứ không phải chúng ta, dù là với mọi thiện chí, mọi ngoại giao thần học khéo léo của chúng ta. Sẽ là một điều tốt, nhất là ở đây, nếu chúng ta nhìn một cách hết sức ngờ vực tính lưỡng nghĩa [ambivalence] tiềm ẩn trong các sáng kiến của chúng ta và bắt chúng phục tùng, ngay bây giờ và sau này, phán quyết [krisis] của Lời Thiên Chúa. Dù sao, đây không phải là một đòi hỏi dễ dàng thỏa mãn, nghĩa là làm mọi điều bản thân chúng ta có thể làm để cổ vũ Thần khí hiệp nhất của Chúa Kitô, trong khi không làm gì có thể cản trở Thần khí này “về mặt kỹ thuật” hoặc “ma thuật”, theo cung cách hoàn toàn nhân bản.

Điều xem ra quá hiển nhiên khi nói rằng: Chúng ta hãy nhấn mạnh những gì hợp nhất chúng ta và gạt bỏ những gì chia rẽ chúng ta. Điều này có thể chỉ có tác dụng với Tin Lành, vì ở nơi họ, điều chia rẽ chúng ta hệ nhiều ở điều tiêu cực hơn ở điều tích cực, điều sau được gán cho người Công Giáo chúng ta như một sự thêm thắt không chính đáng vào sứ điệp Tin Mừng thuần túy. Đối với Tin lành, điều khó là hiểu được rằng có thể làm cho “điều tích cực” của Công Giáo này trở thành trong sáng đối với Tin Mừng. Do đó, nhiệm vụ của người Công Giáo là phải cho thấy sự trong sáng này khả hữu ra sao và sau đó chứng minh sự trong sáng này trong thực hành. Nhưng bằng cách nào? Thực sự có thể nói rằng mọi điều thuộc về Giáo hội, kể cả những công thức tín điều, đều tương đối – nghĩa là trong tương quan với mạc khải tuyệt đối của Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Thân thể tương đối so với Đầu; Bí tích Thánh Thể tương đối so với Bữa Tiệc Ly và Thánh Giá; Người Mẹ tương đối so với Người Con; Luyện ngục tương đối so với Sự phán xét của Chúa Kitô; Chức vụ trong Giáo hội chắc chắn tương đối so với Chức linh mục của Chúa Kitô, và đối với những người nắm giữ chức vụ trong giáo hội, điều không kém đích thực hơn so với những người khác là “Các con chỉ có một thầy, còn tất cả các con đều là anh em”. Và mọi tín điều đều tương đối so với sự thật mạc khải mà nó tìm cách diễn tả, một cách diễn giải, tóm tắt; một cách hợp lệ, nhưng không thấu đáo. Tính tương đối chính đáng này được chứng tỏ tốt nhất cho các anh em ly khai của chúng ta trong đức tin một cách hiện sinh, như Đức Gioan XXIII đã làm chứng sống động một cách đầy ấn tượng về tính tương đối này ngay khi ngồi ở chức vụ cao nhất trong Giáo hội. Hoặc cũng giống như mọi công đồng của Giáo hội từng chứng tỏ tính tương đối thực sự của một tín điều bằng cách đặt nó, mà không gây nguy hiểm cho nó, trong một bối cảnh mới, khám phá những quan điểm mới, để tính tuyệt đối biểu kiến của nó tan biến và chan hòa trở lại dòng suy nghĩ của con người và nói về Lời Thiên Chúa. Do đó, cả bây giờ cũng thế, và không kém phần gây ấn tượng, giáo huấn của Giáo hội về Đức Mẹ đã được lồng vào bối cảnh bao trùm của giáo huấn tổng quát về Giáo hội.

Nhưng chính điển hình cuối cùng trên đây đã trình bầy rõ với chúng ta môt phương thức thay thế. Trong bối cảnh này, việc tương đối hóa như vậy thực sự có ý nghĩa gì? Trong tinh thần nào, với ý định nào, với động cơ thầm kín nào, nó đã được theo đuổi? Có phải đó là ý định để các tín điều về Đức Mẹ đơn giản mờ nhạt đi, không được chú ý, hoặc thậm chí khiến chúng biến mất, bằng cách trình bầy những ánh sáng khác, quan trọng hơn — giống như các ngôi sao mờ dần và biến mất khi mặt trời mọc? Có phải vì thế mà chúng ta công bố rằng rốt cuộc chúng ta đã nhầm lẫn và, trong thực tế, không những chỉ là những thất bại thỉnh thoảng xẩy ra do thiếu khôn ngoan và cường điệu phát sinh từ một lòng sùng kính một chiều và thiếu soi sáng (điều mà không người hợp lý nào có thể tranh cãi), mà ngay trong lý thuyết, chúng ta đã tự mình đi quá xa? Một phương thức như vậy sẽ là một phương pháp trừ khử hoặc san bằng đã đề cập ở trên. Đây là kiểu phương thức mà, nếu được coi là đương nhiên, sẽ khiến tâm trí con người ở cả hai phía không ổn định. Về phía Công Giáo, vì chính người Công Giáo cũng không thể hiểu nổi làm thế nào Giáo hội bây giờ lại có thể từ bỏ những điều mà mình vốn bảo vệ một cách quyết liệt như vậy hàng thế kỷ nay, thậm chí hàng thiên niên kỷ nay. Về phía bên kia, vì nó trông quá giống một mưu kế ngoại giao thiếu chân thành, một mưu kế mà họ thẩy đều sẵn sàng tin đây là một Vatican làm chính trị. Há việc làm vui lòng biểu kiến này không đơn giản hời hợt và trên thực tế, là một cái bẫy sẽ bất ngờ đóng sập ngay khi người ta mạo hiểm khám phá hoạt động bên trong của nó đó sao?

Không, con đường thứ hai này không phải là con đường để bước vào về phương diện đại kết. Phải là con đường đầu tiên, đòi hỏi nhiều hơn và đầy thách thức về trí thức mà chúng ta phải theo đến cùng. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi nơi người Công Giáo một nỗ lực thần học đào sâu gấp đôi. Mặt khác, việc thừa nhận chân thực mọi khía cạnh thần học, thuyết giảng và sùng kính ấy có thể được coi như biểu thức hợp lệ, tuy khác nhau, của mạc khải Kitô giáo mà chúng ta cùng thừa nhận. Còn đối với vấn đề từng gây chia rẽ sâu xa về công chính hóa, việc suy tư cần thiết đã được theo đuổi một cách đáng kể; bây giờ nó cần phải được đưa đến một kết luận hợp luận lý của nó. Sau đó, và điều này cũng áp dụng vào phía bên kia, cần phải có sự suy tư thấu đáo về các chủ trương riêng của chúng ta, bằng cách khám phá chiều sâu của chúng, có lẽ chúng ta sẽ tiếp nhận chủ trương của phía bên kia. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi một mức độ nỗ lực trí thức mà chắc chắn không phải dành cho mọi người và trước hết, không thể dành cho giáo dân, mặc dù việc lý luận và kết luận liên quan đến nó phải được những người sẵn lòng xem xét chúng tiếp cận một cách rộng rãi, để mọi người có thể hiểu được sự hội tụ của các ý tưởng mà không có lý do gì để phàn nàn về những thỏa hiệp đáng ngờ và hành động ngoại giao khéo léo.

Nhưng quan trọng xiết bao khi cả hai bên tham gia đối thoại đều có Thiên Chúa ở trước mặt chứ không phải ở sau lưng họ, như một điều kiện tiên quyết cho một công trình như thế! Thay vào đó, họ phải cố gắng hướng về Người, như Đấng mãi vĩ đại và mầu nhiệm hơn, Đấng, theo lời Thánh Augustinô, là “vô hạn, để luôn vẫn là đối tượng tìm kiếm của chúng ta” (Tractate 63, 1) (ut inventus quaeratur immensus est). Có lẽ người Công Giáo ngày nay, bị lung lay nghiêm trọng trong thái độ đối với cuộc sống và suy nghĩ tôn giáo của họ, đang dần dần hiểu lại ý nghĩa của cụm từ này. Có lẽ từ thực tại đối thoại đại kết, họ đang học biết điều này: mạc khải của Thiên Chúa không bao giờ có thể được hút hết, đóng chai gọn gàng và cất giữ trong hầm rượu và những câu trả lời họ sản xuất ra từ những kho chứa như vậy đơn giản không phù hợp với càc vấn đề chính xác của ngày hôm nay; bất chấp truyền thống và Huấn quyền không thể sai lầm của Giáo hội, lịch sử thế giới vẫn tiến bước không ngừng; chỉ có thể nắm được giờ phút định mệnh bằng một quyết định hoàn toàn mang tính bản vị; và, đây quả là một nhiệm vụ khó khăn! toàn bộ truyền thống lần nào cũng phải tan hòa trở lại vào thời điểm lịch sử và trên cơ sở thời điểm này, được tái diễn giải và tái hình thành. Chỉ khi đó, chúng ta mới được bảo đảm có sự hỗ trợ của Chúa Thánh Thần; chỉ khi đó Người mới trở nên hiện diện với chúng ta; chỉ khi đó, chúng ta mới tri nhận được ý nghĩa của điều thực sự tạo nên truyền thống và là điều, nếu không có phúc tử đạo, không có cuộc phiêu lưu sinh tử của một nhân chứng toàn diện, không bao giờ có thể thành hình.

Tuy nhiên, Kitô hữu là gì là điều mà trong các cuộc thảo luận như vậy phải hiện diện sâu sắc trước mắt chúng ta và không được nằm sau lưng như một điều gì đó đã được giả định và không cần phải xem xét nữa. Vì điều này, như sẽ xuất hiện sau này, chính là điều trong những cuộc đàm luận như vậy, vẫn còn gây tranh cãi, vì đối với người Công Giáo, điều đáng kể nhất ở đây là họ không nên định giá thấp bản thân họ, trừ đi và loại bỏ điều tích cực của họ, nhưng đúng hơn, không nên ngừng nghỉ cho đến khi họ đã suy nghĩ thấu đáo về nó theo cốt lõi của Tin Mừng.

Kỳ tới: Xu hướng Thế giới “Trần thế”