Tạp chí First Things, ngay trong ngày Tối cao Pháp viện Hoa kỳ đảo ngược phán quyết Roe v. Wade, đã có 3 bài nhận định về biến cố này. Chủ bút Reno hết lòng cảm tạ và cám ơn trước biến cố lịch sử này. Arkes dĩ nhiên cũng coi biến cố này như một hồng ơn, tuy nhiên cho rằng Tối cao Pháp viện đã không đi xa đủ đến chỗ quả quyết tư cách nhân vị của thai nhi. Bradley cũng than phiền như thế, nhưng cho rằng Tối cao Pháp viện có xây dựng nhiều "khối" để làm cơ sở cho những tranh cãi sau này trước tòa về tư cách nhân vị này. Mời qúy độc giả cùng đọc ba bài nhận định này:



Tạ ơn và cám ơn

Trong bài Roe Overturned, R.R. Reno, chủ bút tờ First Things, trước nhất “Praise the Lord” ("Ngợi khen Chúa”) vì sự cai trị đầy quan phòng của Người, không bỏ rơi chúng ta cho sự ác. Ông viết tiếp:

Điều thứ hai cần nói là "Cảm ơn." Chúng ta mang ơn các Thẩm phán Clarence Thomas và Antonin Scalia, những người đã gay gắt trong những bất đồng chính kiến của họ trong phán quyết Casey và không hề nao núng nhấn mạnh rằng giấy phép phá thai không được Hiến pháp của chúng ta bảo vệ và là một tội ác lớn. Chúng ta cần cảm ơn những người sáng lập và lãnh đạo của Hội Duy Liên bang, tổ chức đã cung cấp một diễn đàn liên tục cho các học giả pháp lý tranh luận và hoàn thiện lý luận tư pháp dẫn đến phán quyết này. Và chúng ta cần phải cảm ơn hàng ngàn, đúng hơn, hàng triệu người Mỹ đã từ khước việc làm hòa giả tạo với chế độ phá thai của chúng ta. Họ tham gia các cuộc biểu tình, cầu nguyện, gửi tiền quyên góp, bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử và vận động hành lang các nhà lập pháp trong gần 5 thập niên. Công lao đó đã không vô ích.

Điều thứ ba cần nói là chúng ta đang cải thiện tình thế. Bằng cách đảo ngược Roe, Tòa đã thực hiện một công việc tuyệt vời cho đất nước. Chúng ta giải tỏa được vụ tai tiếng — đạo đức, luật pháp và chính trị — tức trật tự Roe / Casey, theo đó luật căn bản nhất của chúng ta được giải thích là tán thành quyền giết một người chưa sinh. Giờ đây, tất cả chúng ta đều có thể khẳng định chế độ hợp hiến của chúng ta một cách tin tưởng cao hơn trong tính toàn vẹn của nó.

Tòa cũng đang hướng chúng ta đến việc khôi phục nền dân chủ. Roe được phán quyết vào năm 1973. Nó ra đời sau cuộc bầu cử long trời lở đất của Richard Nixon vào tháng 11 năm 1972. Tỷ lệ thắng lớn của Nixon phản ảnh sự bác bỏ đầy kinh ngạc giới lãnh đạo ưu tú theo chủ nghĩa tự do vào cuối những năm 1960. Những người ưu tú đó đã không đáp ứng bằng cách điều chỉnh. Đúng hơn, họ đã chạy đường vòng để trốn tránh. Roe nằm trong số nhiều biện pháp (bao gồm cả việc luận tội Nixon) mà giới lãnh đạo áp dụng để vô hiệu hóa cuộc bầu cử và khẳng định lại quyền kiểm soát đối với xã hội Mỹ - một cuộc “chiếm đoạt nền dân chủ”, như ấn phẩm này đã gọi nó trong một hội nghị chuyên đề vào năm 1996. Hội nghị chuyên đề “Sự kết thúc của nền dân chủ? ” đã nhìn lại hơn hai thập niên hoạt động tư pháp nhằm lật đổ trật tự đạo đức đã có từ lâu ở Mỹ.

Phán quyết Dobbs có hiệu lực ngay lập tức. Quan trọng nhất, nó cứu các mạng sống ở những tiểu bang tìm cách hạn chế hoặc ngăn cấm phá thai. Về mặt chính trị, nó làm suy yếu quyền kiểm soát của giới ưu tú đối với chính sách xã hội ở Hoa Kỳ. Theo quan điểm đồng tình của mình, Thẩm phán Clarence Thomas nhận xét: "Trong các trường hợp trong tương lai, chúng ta nên xem xét lại tất cả các tiền lệ tố tụng căn bản của Tòa án này, bao gồm Griswold, Lawrence Obergefell." Những trường hợp này đã tạo cơ sở cho cuộc cách mạng tình dục do giới ưu tú thúc đẩy. Thomas nói đúng. Đã đến lúc phải chấm dứt việc thao túng Hiến pháp của chúng ta bởi những người nhấn mạnh rằng tự do tình dục là mệnh lệnh đạo đức vĩ đại.

Xã hội của chúng ta đang phân cực. Đến một mức độ đáng kể, điều này đã xảy ra vì những phán quyết như Roe. Một thiểu số tương đối nhỏ những người ưu tú “tiến bộ” đã hưởng đặc quyền tiếp cận quyền lực của pháp luật quá lâu. Họ đã sử dụng quyền lực này để đạt được mục đích của mình, chẳng hạn như hôn nhân đồng tính, mà không cần tham gia vào quá trình chính trị để thuyết phục đồng bào của họ. Họ cũng đã sử dụng quyền lực hợp pháp để tiêu diệt đối thủ của mình, như người làm bánh Colorado Jack Phillips có thể làm chứng.

Sau Dobbs, những người tin rằng phụ nữ không thể sống một cuộc sống tự do và đầy đủ nếu không có quyền chấm dứt sự sống của những đứa con trong bụng, họ sẽ phải công khai trình bầy vụ việc của họ. Bởi vì họ quá cực đoan, nên tôi không nghĩ họ sẽ thành công. Để đề phòng sự lật ngược của Roe, cơ quan lập pháp do đảng Dân chủ kiểm soát ở California đã tuyên bố biến tiểu bang thành “nơi bảo vệ pháp lý cho sự lựa chọn sinh sản” và đề nghị trả tiền phá thai cho những phụ nữ đến từ bên ngoài tiểu bang. Điều đáng lưu ý là chờ xem các cử tri phản ứng ra sao với các chính trị gia dành ưu tiên cho việc thúc đẩy quyền tiếp cận phá thai không hạn chế hơn là giải quyết tình trạng tội phạm gia tăng và tình trạng vô gia cư.

Đã quá lâu, những người tiến bộ đã có thể che giấu khỏi các cử tri những cái giá phải trả cho nền chính trị của họ. Họ vốn có thể dựa vào việc nắm bắt các quy định của pháp luật để bảo đảm các mục tiêu của họ. Điều này đã che đậy sự kiện này là họ quan tâm đến việc bảo đảm cho một phụ nữ giết con mình ngay trước khi sinh hơn là việc khoảng hơn 100,000 người đã chết vào năm ngoái vì sử dụng quá liều heroin — hoặc trẻ em nội thành bị kết án phải vào các trường học rối loạn chức năng, hoặc tầng lớp trung lưu Trung Tây (Midwesterner) có mức lương trì trệ trong nhiều thập niên.

Tôi hoan nghênh sự dũng cảm của các Thẩm phán Clarence Thomas, Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett, những người đã ký vào ý kiến do Thẩm phán Samuel Alito viết ra đã đảo ngược Roe. Họ đã phục vụ chính nghĩa sự sống - và nền dân chủ. Tốt lắm.

Cám ơn nhưng...

Hadley Arkes, giáo sư hưu trí về luật học, cũng trên First Things cùng ngày, có bài tựa là The End of the Beginning of the End of Abortion, coi phán quyết Dobbs là “bước đầu tiên rất vang dội”. Nhưng ông viết tiếp:

Để diễn đạt lại câu nói của Churchill, chúng ta có thể nói rằng chúng ta mới chỉ ở “lúc kết thúc thuở ban đầu” trong việc đối phó với sóng gió mà việc phá thai đã gây ra cho đời sống chính trị của chúng ta trong năm mươi năm qua. Cơn sóng gió đó nay hứa hẹn sẽ gia tăng đến mức độ thù nghịch mới, cho đến khi nhân dân chúng ta biết lấy lại óc minh mẫn đạo đức nào đó về việc cướp đi sinh mạng vô tội trong bụng mẹ. Nhưng một điều tốt đẹp đã được thực hiện, và ở đây có một điểm tương đồng với Tuyên ngôn Giải phóng: Nó chỉ giải phóng những nô lệ bị giam giữ ở các tiểu bang có chiến tranh với chính phủ quốc gia; nó không giải phóng nô lệ bị giam giữ ở các tiểu bang cũng có nô lệ nhưng không ly khai khỏi Union (border state) như Delaware. Tuy nhiên, rõ ràng là nó được sinh động hóa nhờ sự thúc đẩy chống chế độ nô lệ và đó là cách nó được người ta hiểu. Cũng như vậy, phán quyết này sẽ được xem như một phán quyết khẳng định sự sống. Nó sẽ được coi là việc mời các cơ quan lập pháp ở các tiểu bang bắt đầu áp dụng các biện pháp bảo vệ của luật pháp đối với đứa trẻ chưa chào đời trong bụng mẹ — và nó sẽ làm điều đó ngay cả khi đa số bảo thủ, trái với lệ thường, cố gắng tránh mọi lời mời hoặc khuyến khích như vậy.

Tuy nhiên, phán quyết này sẽ được coi là một tuyên bố ủng hộ sự sống ngay cả khi các vụ phá thai vẫn diễn ra ở mức độ lớn ở các tiểu bang màu lam. Sự thất vọng của chúng ta ở đây phần nào giống sự thất vọng của những người ở phía bên kia: Họ cảm thấy bị tước đoạt, bởi vì họ nghĩ rằng họ không có gì khác hơn một quyền hiến định, quyền này không có hiệu lực hay mất hiệu lực khi họ chuyển từ tiểu bang này sang tiểu bang khác. Và về phần chúng ta, chúng ta than thở sự kiện này là Tòa không tiến đến chỗ đặt để một điểm neo quan trọng khi nó trả vấn đề lại các tiểu bang: tức là, khi chúng ta dựa vào các sự kiện khách quan của phôi thai học, đứa con trong Tử cung không bao giờ là bất cứ điều gì kém hơn một con người ngay từ những giây phút đầu tiên, và không chỉ đơn thuần là một bộ phận của người mẹ. Nếu khẳng định này được nêu rõ, người ta sẽ hiểu biết rõ ràng hơn điều gì khiến luật ở các tiểu bang áp dụng biện pháp bảo vệ đứa trẻ trong bụng mẹ được biện minh sâu sắc. Và điều gì khiến Quốc hội và các tòa án liên bang buộc phải hành động khi các biện pháp bảo vệ của luật pháp bị rút khỏi toàn bộ một lớp người ở các tiểu bang.

Nhưng phe đa số trong phán quyết Dobbs rõ ràng không đặt để tiền đề đó. Và đó là lý do tại sao quan điểm bất đồng của Thẩm phán Stephen Breyer không liên hệ gì tới ý kiến mà ông muốn phản đối. Breyer cáo buộc rằng hôm nay Tòa “nói rằng ngay từ lúc thụ tinh, người phụ nữ không có quyền lên tiếng về việc ấy. Một tiểu bang có thể buộc bà phải mang thai đủ tháng, ngay cả với thiệt hại bản thân và gia đình cao nhất”. Tuy nhiên, đó là điều mà Thẩm phán Samuel Alito và các đồng nghiệp của ông đã cẩn thận tìm cách tránh nói ra. Vấn đề phá thai đã được trả lại các tiểu bang, và Tòa không đưa ra hướng dẫn về cách thức và thời điểm một cơ quan lập pháp có thể lựa chọn để bảo vệ đứa trẻ trong bụng mẹ. Tòa chỉ phán quyết rằng không có bản văn nào trong Hiến pháp, hoặc lịch sử pháp lý của đất nước này, đã từng công nhận quyền phá thai như vậy. Như một trong những người bạn của tôi trong số các thẩm phán từng nói:

“Toàn bộ lập luận của những người phản đối phá thai là lập luận cho rằng điều mà Tòa gọi là bào thai và những gì người khác gọi là đứa trẻ chưa sinh là một mạng người... Tất nhiên không có cách nào để xác định điều đó như một vấn đề pháp lý; thực tế nó là một phán đoán về giá trị”.

Vấn đề sẽ được trả lại cho các tiểu bang và người ta sẽ được mời tự đạt tới phán đoán về mức độ họ “trân qúy” sự sống của thai nhi trong bụng mẹ. Những người bất đồng chính kiến coi như một dữ kiện khi “những người” duy nhất có quyền lợi nghiêm trọng đang bị đe dọa ở đây là những phụ nữ nhìn thấy cuộc sống và triển vọng của họ bị giảm sút nếu họ bị tước mất cơ hội yêu cầu phá thai đúng lúc. Điều bị xóa một cách đáng chú ý khỏi màn hình là bất cứ sự công nhận nào đối với sinh vật nhỏ bé trong bụng mẹ, như một sinh vật có thể có tư thế của một con người, và thương tích của nó được "kể đến".

Điều mà những người bất đồng chính kiến giả vờ không nhìn thấy là đa số bảo thủ trong phán quyết Dobbs đã không làm gì để bác bỏ giả định đó. Nó không hành động để đặt để cái hiểu của phe đối nghịch là: đứa trẻ thực sự là một con người với yêu cầu được bảo vệ bởi pháp luật ngay từ những giây phút đầu tiên của nó. Thẩm phán Alito khá chính xác và dứt khoát khi nhấn mạnh rằng thử nghiệm “khả năng sống sót” [viability] chẳng có ý nghĩa gì ở đây. Việc liệu một đứa trẻ được sinh ra từ trong bụng mẹ có cơ hội được duy trì ở bên ngoài tử cung hay không có thể là một câu hỏi đáng lưu ý trong “khoa học lồng nuôi trẻ em đẻ non” [incubator science], nhưng nó không liên quan gì đến việc liệu đứa trẻ có ngưng là bất cứ điều gì hơn là một con người ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ hay không. Tuy nhiên, Alito là người tiến gần nhất tới chỗ nhấn mạnh chủ trương đứa trẻ phải được luật pháp bảo vệ ngay trong thời điểm sớm nhất: Các lợi ích hợp pháp của nhà nước trong việc qui định phá thai, như ông nói, có thể bao trùm một cách có cơ sở “việc tôn trọng và bảo tồn sự sống trước khi sinh ở mọi giai đoạn phát triển.” Nhưng rõ ràng ông cảm thấy bị hạn chế, không thể nói những gì James Wilson từng nói trong những ngày đầu tiên của Hiến pháp. Wilson, một trong những bộ óc hàng đầu trong số các nhà sáng lập Hoa Kỳ, đã hỏi câu hỏi này: Nếu chúng ta có các quyền tự nhiên, thì chúng bắt đầu từ khi nào? Và câu trả lời của ông là: Chúng bắt đầu ngay khi chúng ta bắt đầu hiện hữu. Và do đó, ông viết:

“Trong suy tư luật pháp, sự sống bắt đầu khi đứa trẻ sơ sinh lần đầu tiên có thể cựa quậy trong bụng mẹ. Theo luật, cuộc sống không chỉ được bảo vệ khỏi sự hủy diệt ngay lập tức, mà còn khỏi mọi mức độ bạo lực thực tế, và trong một số trường hợp, khỏi mọi mức độ nguy hiểm”.

Đối với tất cả những gì chúng ta có thể nói, ý nghĩa đó đã bị đồng nghiệp của Alito, Thẩm phán Brett Kavanaugh, bác bỏ dứt khoát trong tuyên bố kỳ lạ của ông về mặt đạo đức rằng Hiến pháp “trung lập” về việc phá thai: ông viết “Một mặt, nhiều người ủng hộ lựa chọn (phá thai) lập luận một cách mạnh mẽ rằng khả năng phá thai là cực kỳ quan trọng đối với cuộc sống bản thân và nghề nghiệp của phụ nữ, cũng như đối với sức khỏe của phụ nữ... Mặt khác, nhiều người ủng hộ sự sống mạnh mẽ cho rằng bào thai là mạng người”. Nói cách khác, theo cách xây dựng này, một “nền luật học bảo thủ” về phá thai phải bắt đầu với phương châm cho rằng không có sự thật nào được biết đến về vị thế con người của đứa trẻ đó trong bụng mẹ. Nhưng đó là một nền luật học chấp nhận làm nền tảng của nó một sai lầm triệt để. Dù là gì đi nữa, nó không thể là một nền luật học mạch lạc.

Thẩm phán Kavanaugh là một người ưa suy nghĩ, và một số người trong chúng ta hy vọng rằng ông sẵn lòng tiếp nhận một cái nhìn tỉnh táo, thứ hai về điều ông đưa ra ở đây. Ông nắm được ý nghĩa của chủ trương ở đây: Tòa sẽ tuyên bố không có sự thật nào về vị thế con người của đứa trẻ đó trong bụng mẹ, không có gì phải cung cấp khẳng định cho bất cứ điều gì sẽ được lập pháp ở các tiểu bang qui định. Vấn đề nghiêm trọng này, tức việc trả lại cho các tiểu bang, sẽ được tranh luận trong lĩnh vực “niềm tin” và “phán đoán về giá trị”, với việc không có sự thật cố định về thời điểm cuộc sống con người bắt đầu. Nhưng trong trường hợp đó, chúng ta không nên ngạc nhiên khi phát hiện ra những người ở các quốc gia ủng hộ sự sống phàn nàn rằng họ bị tước đoạt quyền bản thân sâu sắc chỉ vì nó không được ủng hộ bởi các ý kiến và “niềm tin” của 51% người dân xung quanh họ.

Thật là tốt khi bước đầu tiên này đã được thực hiện, và các con đường thuyết phục và tranh luận đã mở ra một lần nữa. Không thể nghi ngờ gì rằng Tòa, trong hơn 50 năm qua, đã là động cơ chính trong việc thay đổi văn hóa của đất nước này về việc phá thai. Nó không chỉ đơn thuần tuyên bố một phán quyết pháp lý; nó dạy đất nước này về tính đúng đắn đạo đức của việc phá thai, và cảm thức bất bình chính đáng cho bất cứ ai bị tước đoạt quyền này. Và do đó, điều trở nên thích hợp là chỉ cần hỏi xem Tòa muốn đặt để bài học đối nghịch nào vào lúc này cho người dân của chúng ta khi nó trả vấn đề này lại cho các tiểu bang. Chúng ta có thể biết ơn về phán quyết Dobbs, nhưng nếu người dân Mỹ bây giờ tiếp thu quan điểm cho rằng vị thế sự sống con người không mang sự thật khách quan, việc tôn trọng sự sống đó phụ thuộc vào các thất thường của những ý kiến xoay quanh chúng ta, chúng ta có thể rất muốn hỏi làm thế nào Tòa định hình lại tốt hơn các nhạy cảm của những người đang lấp đầy cảnh quan xung quanh chúng ta.

Và một lần nữa, đây là sự kết thúc buổi khởi đầu, và nay công việc lại bắt đầu lại.

Kỳ tới: Tương lai sẽ ra sao?