LỊCH SỬ VƯƠNG QUỐC ĐÀNG NGOÀI

từ năm 1627 tới năm 1646

Do Giáo Sĩ ALEXANDRE DE RHODES


CHƯƠNG 21

VỀ GIÁO PHÁI THỨ BA CỦA NGƯỜI ĐÀNG NGOÀI VÀ NHỮNG PHÙ PHÉP LÀM CHO NGƯỜI ĐAU YẾU

Giáo phái tôi nói ở đây là tệ hại hơn hết tất cả những giáo phái thịnh hành ở xứ Đàng Ngoài, vì rất phổ thông và rất liên quan tới ma quỷ. Vì những kẻ tin theo thường dùng ma thuật và tận tuỵ tuân lệnh thần linh ma quái. Người sáng lập là Lão Tử38, nhà ma thuật đời xưa rất danh tiếng, đã có và còn có rất nhiều đồ đệ có uy tín với chúa và tất cả kẻ sang trọng trong nước. Chẳng có gì đáng khen, chính chúa và các quan trong phủ cũng bị truyền nhiễm. Điều làm cho giáo phái này được uy tín đó là việc chữa lành các bệnh làm cho dư luận tin theo. Tuy trong nước cũng có lương y rất có khả năng chữa bệnh, thế nhưng những người có thế giá vẫn quen chạy đến các thày phù thuỷ mà họ rất tin, những người này quả quyết dùng bùa ngải để chữa bệnh, chứ không cần thuốc của lương y.

Thế nên khi có ai ngã bệnh thì liền sai gia nhân ra phố chợ, nếu bệnh nhân không thể đi được, để hỏi một thầy pháp của giáo phái này (không bao giờ thiếu, nhất là những người nghèo và mù sống bằng nghề này) xem bởi đâu và tại ai mà người này mắc phải bệnh.

Vì họ mê muội tin rằng họ chỉ lâm bệnh vì có người trong họ hàng hay tổ tiên đã mất, nhưng không được con cháu cúng tế cho phải đạo hiếu. Thế là thầy pháp ném một đồng tiền lên như để bắt thăm, sau đó ông quả quyết bởi người họ hàng nào đó làm cho sinh bệnh. Người bệnh tin và theo lời ông được tin như lời thần thánh không được hồ nghi, bệnh nhân cho mời một thầy pháp khác tới nhà để thầy dùng phẩm vật và đồ cúng cầu khấn người mà thầy pháp trước cho là kẻ đã gây nên bệnh. Thầy liền cho dọn một ít thịt ngon để làm nguôi lòng người quá cố. Người ta dựng một bàn thờ nhỏ trên đó thầy gieo quẻ để xem bệnh nặng nhẹ thế nào. Cách gieo quẻ như sau. Người ta làm thịt một con gà, cắt lấy hai chân ném vào chậu nước sôi, rồi xem kỹ cách đặt và hướng các móng chân để biết điềm chết hay khỏi. Nếu có nguy cơ thì vào khuya thầy cầu khấn hồn giận dữ người đã mất. Rồi thầy gọi hồn mà thầy tôn là chúa, thầy van nài hồn phù hộ chống đối kẻ gây nên bệnh hoạn. Nếu thấy bệnh thêm nặng thì thầy lên cơn nguyền rủa hồn người thân quyến đó và suốt đêm rung chuông inh ỏi làm cho bệnh nhân đau đầu khó chịu và không ngủ nghỉ được. Rồi giả táng như hồn người chết đã hưởng hương khói và mùi thịt ngon, thầy cho đem về nhà để vợ con thầy cùng hưởng dùng. Vào buổi sáng thầy cho dọn một thuyền nhỏ bằng sậy và giấy đưa ra bến sông gần đó, có gia nhân người bệnh và mấy lính bồng súng đi theo. Theo lệnh thầy pháp, gia nhân cho thuyền chìm xuống nước như thể dìm hồn người quá cố, còn lính thì bắn ba bốn phát súng để làm cho hồn hãi sợ không dám về nữa. Nếu sau đó bệnh nhân (như thỉnh thoảng xảy ra) được phục hồi sức khoẻ thì thầy pháp đắc thắng nhận thành công này là do quyền phép mình và đòi công khá cao. Trái lại thầy sẽ rút lui xấu hổ nếu bệnh nhân chết, không nhận được gì do phù phép của thầy. Mới đây xảy ra cái chết của hoàng tử con cả của chúa, hoàng tử còn trẻ, tài giỏi và có nhiều triển vọng, chúa đã trao cho một phần lớn việc trị nước để tập luyện ngay khi chúa còn sống. Để chữa bệnh, các thầy pháp đã vô ích sử dụng hết các phép và đưa ra hết các bí quyết ma thuật, nhưng khi thấy bệnh càng nặng thì các thầy dùng tới phương dược cuối cùng. Các thầy cho bệnh nhân sang một nhà khác xa lạ và đem một người khác đặt trên giường để cho thần chết tuyệt vọng gieo họa đã sửa soạn chống lại hoàng tử trẻ tuổi. Nhưng thần chết không khi nào chịu sự chèn ép của võ lực, hay bị ma thuật lừa dối, thần đã tới tìm bệnh nhân trong giường xa lạ và vừa diệt sự sống vừa diệt hết các niềm hy vọng của chúa và của toàn quốc.

Ở đây tôi không muốn bỏ một sáng kiến điên rồ thỉnh thoảng họ dùng khi bệnh nhân sắp lìa đời hay bất thần có triệu chứng nguy hiểm hồn chuẩn bị ra khỏi thân xác. Lúc đó họ thắng yên cương cho ngựa và chuẩn bị hành trình đón hồn sắp ra đi trong khi bạn bè vây quanh giường khóc lóc thảm thiết, gọi tên người bệnh để cầm hãm tinh thần sắp lìa bỏ họ, cho tới khi tắt thở và hồn khốn nạn được đem đi, không phải trên lưng ngựa đã sẵn sàng mà do ma quỷ dẫn xuống địa ngục.

Tôi còn thêm ở đây, ma thuật dùng chân gà để biết thành quả của bệnh nhân. Phép này được sử dụng ở toàn cõi Đàng Ngoài để biết điềm lành dữ và xem xét hiện tượng xảy ra. Vì thế nếu họ phải khởi hành trên đất hay trên biển, nếu họ xuất trận cưới hỏi, khởi công làm bất cứ việc gì quan trọng, thì quẻ và hướng chân gà39 nếu chỉ cho biết điềm thành công, lúc đó họ mới can đảm làm và không còn sợ hãi. Nếu họ nhận thấy trong hướng xấu thì họ không dám tiến hành và đành bỏ cuộc. Điều này cản trở khá lớn các công việc của họ. Vì thế có một lần tôi thấy xảy ra ở một hải cảng, nơi có hai mươi chiếc tàu chuẩn bị đầy đủ, buồm đã căng và sẵn sàng khởi hành. Thương gia người Đàng Ngoài chưa dàm bắt đầu làm trước khi chưa bói chân gà. Mà vì hướng không đúng nên họ phải đổi dự định, gấp buồm lại và hoãn cuộc hành trình. Nhưng đồng thời tôi có mặt trong một thuyền sắp sữa trầy đi vì gió thuận đã thổi bất chấp điềm dữ chân gà mà tôi chẳng thèm để ý. Tôi giục chủ thuyền sắp sửa trẩy đi vì gió thuận đã thổi bất chấp điềm dữ chân gà mà tôi chẳng thèm để ý. Tôi giục chủ thuyền (là lương dân nhưng có cảm tình với đạo ta) lên buồm, chớ bỏ cơ hội đẹp trời mà ra đi. Thế là chúng tôi trẩy đi thuận buồm xuôi gió và may mắn cập bến đúng ngày chúng tôi dự tính. Còn thuyền các thương gia (ngày hôm sau thời tiết xấu) không thể trẩy đi, phải đợi mười lăm hay hai mươi ngày, trong thời gian đó có sóng lớn và gió rất mạnh, làm cản trở không ít công việc của họ và bắt họ phải suy nghĩ về phù phép vô dụng và về sự tin điên rồ của họ.

Chương 22

VỀ CÚNG TẾ NGƯỜI CHẾT DO CÁC THẦY PHÁP LÀM

Thật là sửng sốt khi thấy người Đàng Ngoài khờ dại để cho các thầy pháp lợi dụng chữa chạy cho cha mẹ họ hàng và con cái đau yếu, khi họ chết lại còn dùng chúng và chịu cho chúng thi hành những pháp luật điên rồ. Sau khi người ốm tắt thở thì thầy pháp cùng gia đình buồn sầu của người chết đi tới nhà một cô hồn được người ta trọng nể. 40 Bà này khấn phái ma thuật gọi hồn dưới danh hiệu người qua đời để tới nhận và yên ủi gia đình mình vừa gây nên tang tóc. Hồn tức thì nhập vào thân xác bà đồng (Thiên Chúa cho phép như vậy để phạt tội bất trung của dân này) và lay động rất dữ dội, trên khuôn mặt lúc thì đỏ như sắt nung, khi thì nhợt và tựa như màu mỡ gà rồi đen đáng ghê sợ, để tỏ ra có người dữ dằn nhập vào bà. Sau đó cô hồn làm giả tiếng người chết, gọi tên một người trong gia đình và bàn về một công việc trước đây cả hai đã làm chung với nhau, lại còn quả quyết về cảm tưởng của mình hay đưa ra những cảm nghĩ mới để thi hành. Điều này làm cho cả gia đình khóc lóc và cảm phục, quỳ xuống đất để tôn kính hồn người họ đã nghe và thấy mới đây, lúc này họ tin là đang hiện diện. Thế rồi họ hỏi mấy câu và hồn trả lời không rõ, với những lời lẽ hai nghĩa làm cho họ rất khổ tâm. Và đừng quên xin cho thầy pháp và cho cô hồn người bạn tốt những món thịt thà hồn giả vờ là thèm thuồng. Tức thì người ta đem tới để cúng người quá cố. Thỉnh thoảng cũng có lần hồn không nói qua miệng cô hồn, nhưng cô giãy giụa, mặt mày nhăn nhó kinh khủng, nói lảm nhảm nhiều điều như thể người quá cố nói, chiều theo ý thầy pháp chỉ dẫn; cô xin được điều cô muốn và được kính cẩn vâng theo ngay như thể người chết hiện diện thật.

Cũng có cách khác các thầy pháp dùng qua hồn người chết để lừa gạt thiên hạ. Họ cho người chết hiện qua một tấm gương thần, làm cho người chết nói và xin những điều mình muốn. Nhưng có lần hỏng việc và làm cho cô hồn rất xấu hổ. Bởi vì hai quân binh Kitô hữu dùng lời cầu nguyện và thế lực cây thánh giá họ đeo ở cổ tay để ngăn cản. Mặc dầu cô hồn suốt đêm kêu cầu và gọi hồn đến giúp, hai giáo dân trái lại suốt đêm không ngừng xin Thiên Chúa cấm không cho âm hồn làm việc trong dịp này để sự lừa gạt không đạt được kết quả và cô hồn phải xấu hổ. Họ đã được Thiên Chúa nhận điều họ xin, thế lực của cầu nguyện đã thắng thế lực ma thuật.

Lần khác cũng xảy ra như vậy ở một công trường có rất nhiều người kéo nhau tới xem một vụ ảo thuật mà một thầy pháp thường quen làm trước mặt mọi người. Hắn làm cho một hình nhân làm bằng nứa đi đi lại lại trong công trường và bẩy được một tảng đá lớn nhiều người khoẻ chung sức mới nâng nổi. Nhưng có một giáo dân trẻ tuổi tên là Mathêu đi qua đó, và vì xúc động thấy sự gian tà và sự mê hoặc đồng hương, anh tin vào quyền thế Đức Giêsu Kitô và vào thế lực cây thánh giá anh đeo trong người, anh liền kín đáo trừ ma quỷ mà thầy pháp muốn dùng vào việc này. Anh lấy danh Chúa Cứu Thế đã toàn thắng trên thập giá mà khiến tà ma phải rút lui về địa ngục và không còn được lừa dối thiên hạ. Anh bắt tà ma phải vâng lời, trong khi đó thầy pháp cầu khẩn trước bàn thờ và khi không nhận thấy hiện diện và thế lực tà ma, thì giang hai tay như điên, ngồi đủ các kiểu, lúc đứng khi quỳ, hoặc phục trên đất, dùng đủ cách để giục hồn đã bỏ hắn phải trở về với hắn. Suốt ba bốn tiếng đồng hồ không được gì, rồi cứ tiếp tục cho tới khuya, hắn giận dữ và như điên cuồng vì bị dân chúng chế nhạo, sau cùng nhỡ tay đánh đổ bàn thờ đâm ra nguyền rủa nghề mình và ma quỷ đã ruồng bỏ hắn khi hắn đang cần, rồi hắn xấu hổ lui về nhà. Anh Mathêu tới kể cho các cha với vẻ đắc thắng và hiên ngang. Các cha khuyên anh nên từ tốn và giữ kín ơn Thiên Chúa đã ban cho anh và đừng phổ biến việc vừa xảy ra vì sợ lương dân lấy cớ mà ngược đãi giáo dân.

Chương 23

VỀ NHỮNG DỊ ĐOAN TRONG ĐÁM TANG

VÀ CHÔN CẤT NGƯỜI CHẾT

Trong khắp cõi đất có người ở này, có lẽ không có nước nào trọng kính và tôn sùng hồn và xác người quá cố bằng dân nước Annam. Điều tôisẽ nói sau đây đủ để mà tin.

Khi người nào vừa tắt thở thì họ giữ ba điều này để tôn kính người chết. Thứ nhất, họ kiếm cho được một quan tài lộng lẫy nhất có thể có được theo khả năng của họ để liệm xác. Những người giàu có thì sắm rất đắt tiền một cỗ quan tài chạm trổ, sơn son thiếp vàng rất tinh xảo.

Thứ hai họ lo cho có thật nhiều người đi theo đám tang. Người gia quyến, thông gia, bạn bè không bao giờ thiếu, còn mời tất cả cư dân sở tại trong số đó thường có quan tòa, ông có mặt trong tất cả những đám người sinh quán ở đó. Nếu người quá cố thuộc hàng quý tộc thì có cả dân cư miền lân cận. Nếu là một quan tòa hay một tướng lãnh thì có đôi quân binh đi theo đám tang với cờ xí và đồ võ trang như khi đi trận. Hầu hết trong các đám tang, họ có thói quen mở đầu đám bằng một tấm trướng bằng lụa cao bằng năm mươi gang tay, có bốn người khoẻ mạnh cầm, trên đó viết bằng chữ vàng tên người quá cố, những chức sắc và chức vụ lúc sinh thời và mấy lời khen ngợi công lao hiển hách. Con cái, nếu còn sống và vợ thì đi trước linh cữu, mặc áo tang, thảm thiết rêu rao những việc tốt và những ân cần săn sóc mình đã nhận được ở người quá cố. Họ làm vẻ buồn rầu và giọng thương xót, họ rên rỉ, khóc lóc làm cho mọi người động lòng thương. Có khi họ quay về linh cữu, lăn xuống đất để cho người khiêng dẫm chân lên. Theo cách thức tôi đã nói, tất cả đám tang tiến tới nơi chôn cất thường xa thành phố chừng mấy dặm.

Điều thứ ba, hết các dân ở nước Annam đều tin dị đoan và không sợ tổn phí chọn nơi thuận lợi để chôn xác cha mẹ. Họ điên rồ tin rằng tất cả vận tốt của gia đình về của cải, danh vọng, cả sức khoẻ đều phụ thuộc vào việc chọn đất để mả. Để làm việc này họ dùng một số người gian dối biết thuật xem đất cát gọi là thầy địa lý. Thầy đem địa bàn xoay sở trong cánh đồng và dùng một ít dụng cụ toán học khác, chăm chỉ làm như thể tìm vàng, sau cùng vờ như tìm được chỗ thuận tiện để chôn xác, dĩ nhiên những người thừa kế trả công họ khá hậu hĩ và tức khắc làm nhiệm vụ sửa soạn và thu xếp chỗ đặt theo lệnh và chỉ thị của kẻ gian xảo đã kiếm được đất tốt. Hoặc (để nâng cao giá trị nghề mình) ông xử dụng một đồ nghề chỉ định đâu là chỗ đặt đầu, đâu là nơi chân mình tới, để cho người quá cố nghỉ yên và không về quấy rối con cháu. Thực ra thường dân không lo để mồ để mả cha mẹ ở những nơi bí ẩn và xa đường cái quan, trái lại người giàu sang rất cẩn thận vì sợ có kẻ thù phạm đến mồ mả cha mẹ và cha mẹ oán phạt con cháu đã không săn sóc bảo đảm an toàn cho mình.

Thế nhưng nơi họ là một trọng tội tỏa phạt rất nặng, nếu ai phạm tới mồ mả bất cứ bằng cách nào, mặc dầu mộ đó ở nơi công cộng. Thật ra điều đáng khen. Cũng vậy họ chăm chỉ cất chôn cha mẹ chết ngoài quê quán. Những người quyền quý giàu sang thì họ thi hành ngay và với tất cả nghi lễ long trọng vì họ có khả năng. Còn dân thường thì họ cũng không trễ nải việc thi hành nhiệm vụ ít là sau ba năm để tang.

Theo tập quán bất khả xâm phạm ở dân nước này thì con cái để tang cha mẹ, vợ để tang chồng ba năm. Về cách để tang thì có sự khác nhau và kỳ dị về áo mặc; cách thông thường và chung cho mọi người là tóc. Phái nam không có tang thì để tóc phía trước cắt nửa vòng tròn trên trán, khi có tang thì để tóc dài xuống tới mắt, khá vướng. Trái lại phái nữ có tang thì cắt một phần tóc không cho dài ra, suốt ba năm tang nếu là người góa bụa thì cấm và bị phạt nặng nếu tái giá trong thời gian này, gọi là thời tang tóc. Hết tang thì họ bốc mộ và sau khi đã tẩm hương thơm xương cốt và bọc trong vải trắng thì họ đặt vào một cái tiểu, đậy lại như trước. Hoặc nếu người quá cố chết ở ngoài quê quán thì họ đưa về chôn ở nơi sinh trưởng. Nếu sau đó xảy ra tai họa gì cho bản thân họ hay con cháu họ và các thầy pháp, như đã nói ở trên, bảo phải cất mộ hay dời mộ thì họ lại đào lên và đem tiểu chứa hài cốt, thu xếp chôn cất chu đáo ở nơi khác, để các người được nghỉ ngơi an toàn hơn, nhìn đồng ruộng thảnh thơi không có hòn đá nào làm mất an tĩnh và do đó không còn phá hoại con cháu.

Chương 24

VỀ YẾN TIỆC TƯ NHÂN VÀ CẢ VUA CHÚA

THẾT ĐÃI VONG LINH NGƯỜI QUÁ CỐ

Một trong những dị đoan rất thông thường và rất quyến rũ dân xứ này tin theo vì chữ hiếu, đó là yến tiệc họ sửa soạn để tưởng nhớ cha mẹ quá cố, gọi là lễ giỗ. Trong việc này có ba cái lầm lớn. Thứ nhất họ tưởng cha mẹ được tự do trở về nhà con cháu khi các người muốn hay được mời. Họ không biết có những hàng rào vĩnh viễn ngăn cách các hồn lỗi phạm đó với chúng ta. Thứ hai do ngây dại tin rằng (điều thánh Autinh đã qưở trách và lên án trong thời ngài) hồn người chết cũng dùng thịt thà và dự yến ẩm của chúng ta. 41 Do đó họ có thói sửa một bữa giỗ rất thịnh soạn có thể được. Người con trưởng và người thừa kế, khi bày bàn tiệc rồi thì đọc một bài khấn thân phụ, như thể người có mặt, tương tự nhu sau:

“Xin cha đáng kính về nhà của cha, nơi cha đã lâu ngày vắng bóng và xa các con cháu hằng thương nhớ, con cháu cha đã nuôi nấng dạy dỗ và hết mình săn sóc, con cháu mà cha đã vất vả và bú đắp. Tất cả sự yên ủi của chúng con và tất cả ước vọng của chúng con là được biết cha luôn ở giữa chúng con và được thi hành nhiệm vụ đối với cha đã thương yêu chúng con. Xin cha nhận lễ hèn mọn chúng con dâng cúng để đáp đền ơn hải hà cha đã ban cho và để phần nào yên ủi chúng con trong thời tang tóc vắng bóng cha.”

Đọc lời khấn xong thì người con trưởng cùng cả gia quyến lăn xuống đất kêu gào và bái lạy người quá cố, như thể người này có mặt, rồi mời ngừơi ngồi vào bàn và dùng bữa với họ. Họ tưởng rằng người quá cố làm theo họ. Và sau đây là cái lầm thứ ba, vô lý hơn hai cái lầm trước, có thể nói như một xúc phạm, đó là sự sống, sức khỏe, an vui trong gia đình và tất cả sự thịnh vượng vật chất trong nhà đều lệ thuộc vào cha mẹ đã khuất. Cuối cùng người con thừa kế, nhân danh các anh em và mọi người trong nhà, nài xin cha đừng quên các con và xin săn sóc gia đình, ban cho mọi người được sức khoẻ, sống lâu và dư dật của cải. Cuối cùng toàn thể gia đình quỳ xuống, trán chạm đất, như để xin người quá cố chúc phúc lành cho.

Nghi thức này được tái diễn nhiều lần trong thời gian còn tang và nhất là vào ngày giỗ. Nếu người thừa kế quên thì họ hàng có thể đưa ra tòa và chắc chắn là sẽ không được hưởng gia tài vì vô ơn đối với người đã cho thừa kế. Bổn phận này được coi là rất công bằng đến nỗi (như tôi đã nói ở trên) nếu chúa ban cho địa vị và bổng lộc cho tướng lãnh và những người nào khác có tài năng để thưởng công thì của ban đó người vợ góa và các con còn được hưởng trong ba năm để tang, để cho họ có phương tiện cúng giỗ tỏ lòng kính tôn người quá cố và không những chỉ mời họ hàng mà còn mời cả quân binh của người nữa.

Vị chúa đương thời cũng giữ việc mê tín này đối với đức thân phụ đã mất với những quá đáng không thể tin được 42. Ngài cho dựng trong phủ một tòa nhà lộng lẫy, một thứ đền chùa lớn hơn những đền chùa trong toàn quốc, chủ ý để cúng bái vong linh đức thân phụ ngài. Ở đây mỗi ngày có thắp hương nhang và bày la liệt thịt thà với những lễ phẩm như thể lúc người còn sống. Để đứng đầu việc này, còn cắt đặt một viên quan riêng biệt thường là hỏa đầu quân và trích ra một nguồn lợi nhuận lớn để tiêu hằng năm vào việc này. Có mấy viên quan cao cấp cũng bắt chước, họ có phòng rộng lớn trong nhà để cúng tế theo dị đoan, tuy chi phí ít hơn, và làm nghi lễ tôn thờ vong linh song thân. Nơi dân chúng thì vẫn thấy có ít là một góc nào đó trong nhà làm bàn thờ để thỉnh thoảng kính viếng tưởng nhờ vì tin rằng hồn cha mẹ hiện giờ có mặt ở đây.

Ngoài những bữa ăn thường mà chúa cho dọn mỗi ngày để cúng hồn đức thân phụ, mỗi năm cũng ở nơi này, ngài đặt một bữa đặc biệt và rất long trọng. Khắp nước đều tìm về đây cũng như từ các nơi người dân phải đem phẩm vật thịt thà đến bày trên bàn hoặc đóng góp vào chi phí quá đáng trong đám giỗ. Theo tục lệ chung cho cả nước, người ta dọn bàn thấp và tròn (mâm), nhưng về ngày giỗ thì đặt bàn cao bằng mấy gang tay, nhiều ít tuỳ bữa. Còn về cỗ sang trọng chúa cho dọn để cúng đức chúa quá cố thì tất cả các bàn đều được xếp có trật tự và rất nhiều, lại rất rộng lớn, cao tới mười hai hay mười lăm gang tay, sơn son thiếp vàng và nhiều chỗ trang trí bằng mảnh vàng nạm trong gỗ. Về thịt thà trên bàn thì rất nhiều, thịt gà và thịt thú săn thì vô kể. Ngoài ra có bàn để nguyên một con bê béo và một con heo quay, không kể mứt kẹo đủ thứ rất đặc biệt và bày ở khắp các bàn. Có một điều rất kỳ khôi trong đám này, đó là trong số những bàn này có mấy bàn chỉ bày toàn những đồ bằng giấy vàng, giấy bạc, họ tưởng tượng và điên dại cho rằng những đồ này phải được đổi ra bằng vàng thật, bạc thật, để người quá cố sử dụng khi đốt đi.

Bữa yến tiệc lộng lẫy và long trọng này được dọn trong gian nhà rộng chúng tôi đã nói, rồi chúa cùng cả hoàng tộc tới, có các quan trong phủ và các tướng lãnh theo hầu. Ngài đến cúng bái hồn đức thân phụ theo nghi lễ chúng tôi đã nói ở trên. Sau đó ngài lui về để đức thân phụ được thong dong hưởng phần yến tiệc đã dọn. Và như thể người đã dùng thỏa thuê rồi thì hôm sau chúa trở lại chính nơi này để phân phát, trước hết là cho các quan, rồi tới quân binh và còn thừa thì tới dân. Thành thử rất ít người trong phủ không nhận được, trừ các sư sãi (vì kiêng, coi là thứ thịt dơ) một phần do chúa ban phát.

Trong năm còn có những lễ khác ít long trọng hơn theo tập tục những người sang trọng giữ để cúng tế ông bà, cụ cố và tiên tổ, bên nội cũng như bên ngoại cho tới tám đời, mỗi vị đều có một ngày riêng. Và bởi vì rất khó cho dân chúng nhớ đúng ngày, thì mỗi năm có hai tháng là tháng bảy và tháng chạp được chỉ định cho dân chúng giỗ cha mẹ quá cố, không ai dám sai sót. Thật là xấu hổ cho giáo dân, ít chuyên chú thi hành đức hiếu và tôn kính vong linh người quá cố. Lời cầu nguyện của họ giúp rất nhiều cho các người hơn là lương dân tin theo dị đoan vô ích, để cầu cho cha mẹ đã qua đời được an nghỉ.

Chương 25

VỀ MẤY MÊ TÍN KHÁC

ĐỐI VỚI NGƯỜI QUÁ CỐ

Người Đàng Ngoài có tâm tình hiếu thảo rất đặc biệt đối với cha mẹ đã qua đời và tiếu phí quá đáng để cúng giỗ. Vì thế không những họ đâm ra nghèo túng mà còn làm cho họ mắc nợ nần, bởi muốn theo tục lệ và phép xã giao nên phải chi dụng không những về cỗ bàn mà còn về các nghi lễ khác, vừa vô ích, vừa phù phiếm, nhưng theo phép xử thế, họ không sao tự miễn cho mình được. Thí dụ họ thi đua dựng nhà, sắm các dụng cụ bếp núc làm bằng tre nứa và giấy hoa rồi đem đi đốt. Họ điên dại tin rằng nhờ đồ vàng mã này người quá cố được nhà đẹp, đồ dùng tươm tất trong thế giới các người tới.43 Cũng điên dại như thế, vào ngày cuối năm, họ sắm quần áo cũng làm bằng giấy hoa rồi đem đốt. Họ kỳ khôi tưởng rằng hàng hóa này sẽ hóa thành áo mới, vải đẹp để dùng trong năm mới. Vì thế chúng tôi đã công khai công kích dị đoan và chế giễu tập quán kỳ dị này rằng: họ dám gửi cho cha mẹ những áo giấy mà kẻ nghèo nàn nhất cũng chẳng thèm mặc. Họ nói những đồ vàng mã đó sẽ hóa trong lửa (đúng lắm chúng tôi đáp), một phần chúng hóa ra tro và một phần ra lửa: các người muốn gửi phần nào, tro hay lửa? Nếu ra tro thì cha mẹ sẽ bị rét run, nếu là lửa thì cha mẹ bị thiêu trong áo nóng hổi. Nhưng để nói lên sự thật, các người gửi áo lửa, để thêm vào ngọn lửa các ngài chịu trong hỏa ngục bởi đã dạy các người những mê tín điên dại này. Tốt hơn hết (trong trường hợp linh hồn cha mẹ chịu đền tội trong lửa luyện ngục và sắp được cứu rỗi) là rộng rãi phát áo cho kẻ cùng khổ để họ che thân và Thiên Chúa nhận việc bác ái làm vì lòng mến Người, Người sẽ cho hóa thành việc giảm bớt hình phạt cha mẹ các người chịu. Lời lẽ này có hiệu lực đối với tâm trí không những giáo dân mà cả mấy lương dân, làm cho người cùng khổ được hưởng. Đến nỗi có một người trong bọn người nghèo đã thú nhận được của bố thí trong một năm tới hai mươi tám cái áo, người ta dặn chia cho người nghèo khổ khác.

Lại còn việc (thực ra là một thứ đạo đức trá hình bên ngoài khá đẹp), người ta săn sóc và tin mê tín dị đoan không những giúp hồn cha mẹ mà cả những người không có con cái hay họ hàng gần, như bị bỏ rơi không ai cứu giúp gọi là cô hồn. Người Đàng Ngoài có tục, vào tháng sáu âm lịch, theo lịch của ta cũng vào chừng tháng sáu, đốt áo hoa, họ cho rằng (trong thuyết luân hồi bịa đặt ra) những áo này có thể cho người nghèo bị bỏ rơi dùng. Hơn nữa, có một tục ngộ nghĩnh để giúp các cô hồn bơ vơ: trong lớp học, học sinh mỗi tháng hai lần, ngày mồng một và ngày rằm, họp nhau rảo trong thành xin tiền để mua gạo nấu cháo. Sau khi ăn một ít còn thì đổ trên mái nhà, cho rằng những hồn lang thang đó về dùng. Rồi dựng một bàn thờ nhỏ trong lớp và đến cầu khấn các cô hồn xin cho có trí sáng để học và trở nên thông minh.

Ngoài những nghi lễ và mê tín chúng tôi nói tới đây, còn có những người quyền quý làm riêng những việc rất tổn phí tương tự như những việc thông thường nơi dân chúng. Khi một người có quyền thế và giàu có qua đời thì những người thừa kế dựng một lâu đài ở giữa đồng ruộng bằng vật liệu sơ sài và có thể thiêu đốt dễ dàng được, tất cả đều được trang trí và vẽ nhiều hình tượng, họ làm bàn ghế, giường, tủ và những đồ vật thường dùng trong nhà cùng những hình nổi cũng bằng vật liệu nhẹ nhõm như voi, ngựa, chó, mèo và các gia súc khác. Họ tiêu một số tiền rất lớn, vì những tượng hình này giá từ mười tới mười hai êcu và tất cả số vàng mã này thường lên tới hơn một nghìn êcu, thế rồi (và đây là điều đáng chế nhạo hay phẫn nộ) họ đem thiêu đốt hết. Bởi vì sau một bữa tiệc long trọng có mời nhạc công và người thổi sáo, các sư sãi và thầy pháp, thì người thừa kế đem tất cả hàng mã này châm lửa đốt. 44 Họ quá tin nhảm nhí và khó mà gột rửa cho khỏi tâm trí người cao sang cũng như kẻ nghèo hèn điều dị đoan làm cho họ tin rằng hồn người quá cố sẽ nhận được tất cả những đồ vật còn nguyên vẹn ở cái thế giới mới mà họ tới.

Chương 26

NGÀY ĐẢN NHẬT

CHÚA ĐÀNG NGOÀI MỪNG THẾ NÀO

Trước ngày sinh nhật của chúa, từ hết các tỉnh thuộc lãnh thổ chúa, người ta đem tới phẩm vật để bày trên rất nhiều bàn đặt trong phủ và sửa soạn bữa tiệc linh đình chúa thiết đãi hết các tướng lãnh và quân binh bảo vệ ngài. Dĩ nhiên họ thắng nhung phục chỉnh tề, mặc áo mới để theo tục lệ làm lễ thề trung thành với chúa.

Nghi lễ chính làm vào chính ngày sinh, lễ này dựa vào một sai lầm thông thường trong triết học của người Đàng Ngoài. Họ cho rằng mỗi người, ngoài ba thần trí họ có gọi là ba hồn, những hồn này hoạt động lộn xộn trong thân xác chúng ở, lại còn bảy tinh thần cũng ở trong thể xác, nhưng họ không chỉ định sự phụ thuộc của mỗi tinh thần ấy thế nào, như chúng ta phân biệt giác hồn và súc sinh hồn, cũng không đặt tên cho mỗi tinh thần đó, chỉ gọi chung là bảy vía. Thế nên khi một người nào bất ngờ bị một cơn sợ hãi do một tai nạn đột khởi thì họ nói là mất vía. Mà phái nữ thường hay sợ hơn phái nam, và hay mất nhiều hơn, nên họ gán cho những chín vía. Thực ra còn một lý do khác để họ đặt cho phái nữ một số vía nhiều hơn, được bảo tồn lâu dài, vì thường thường đàn bà sống lâu hơn đàn ông và các bà già sống lâu hơn các ông già.

Còn về chúa, người ta mơ màng tin tưởng rằng mỗi năm tới ngày sinh, ngài nhận được một vía mới, thay thế cho vía đã yếu nhược hay suy tàn vì việc trị nước suốt trong năm qua. Thế là vào tảng sáng, trước khi mặt trời mọc, có một cỗ xe của chúa đi ra khỏi kinh thành, xe không người, có rất nhiều quân binh võ trang tháp tùng và nhiều dân đi theo. Tới một cánh đồng rộng và đẹp có nhiều cây cối và cành lá tươi xanh, thì xe dừng lại ở giữa, trong khi đó quân binh và dân chúng rảo khắp vùng lân cận hái thật nhiều hoa nở trong mùa và chặt những cành đẹp, những chùm lá xanh tươi để kết hoa cho ngai chúa, trang trí cỗ xe bằng hoa lá. Sau đó đánh xe trở về theo hàng lối và long trọng như khi chiến thắng trở về vì họ tưởng tượng rằng vía mới của chúa ngự trên ngai để cho họ cúng tế. Khi xe vào kinh thành cách uy nghi thì đồng thời chúa cũng ra khỏi phủ ngự trên một xe danh dự khác, có hết các hoàng gia trong phủ, các tướng lãnh và quân binh cận vệ tháp tùng để đón tiếp vía tưởng tượng đưa từ miền quê tới. Gặp cỗ xe chúng tôi đã nói, kết hoa lá, thì chúa nhảy lên hôn hít những cành lá bao phủ, rồi sau khi tỏ ra đón tiếp rất nồng hậu con ma tưởng tượng, như thể được vía mới, chúa rất vui sướng và đắc thắng lên cỗ xe đã đưa chúa ra để trở về phủ. Toàn dân theo sau lớn tiếng reo hò mừng rỡ. Ở đây hết các hoàng tử và tướng lãnh, quỳ gối trước mặt chúa, nhân dịp chúa vừa nhận được vía mới, tỏ lòng cung kính và vâng phục, trong khi đó quân binh và dân chúng đã đi theo lại tiếp tục lớn tiếng hoan hô vạn tuế cùng những lời hoan hỉ vang khắp phủ. Nghi lễ kết thúc bằng một bữa tiệc trọng thể như yến tiệc nhà vua, không những các hoàng tử, các quan chính yếu trong phủ và tướng lãnh được dự mà cả quân binh nữa.

Chương 27

VỀ MỘT ÍT DỊ ĐOAN CỦA NGƯỜI ĐÀNG NGOÀI

Để hiểu một trong những dị đoan chung còn thịnh hành nơi người Đàng Ngoài, đúng hơn, nơi tất cả người nước Annam, thì phải biết họ chia ngày làm mười hai giờ, mỗi giờ của họ bằng hai giờ của ta. Mười hai giờ có mười hai biểu hiệu. Mười hai tháng trong năm cũng đều có mười hai biểu hiệu như thế. Cũng theo những biểu hiệu này, mỗi ngày trong năm luân chuyển qua một vòng và mỗi năm trong thế kỷ. Họ ghép những biểu hiện đó với mười ký hiệu khác, 45 làm thành một vòng sáu mươi năm, cuối cùng lại bắt đầu trở lại. Nhưng trong cách nhận định toán học đó, có điều vướng trở tâm trí họ và thường làm cho họ sợ sệt (bởi vì họ rất tò mò) là khi họ biết rõ rệt giờ sinh và theo dấu hiệu nào họ đã sinh ra thì họ tưởng rằng sự rủi ro tiền định của họ đều tuỳ thuộc tất cả vào số tử vi, hoặc năm, tháng, ngày và giờ nữa. Thế cho nên họ không dám khởi công làm một việc gì quan trọng trong năm, tháng, ngày, giờ theo cách tính toán học của họ đã được xếp đặt và lệ thuộc vào dấu hiệu đó làm cho họ sợ gặp rủi ro trong công việc đã trù liệu. Tuy kinh nghiệm là mẹ chân lý thỉnh thoảng đã dạy họ biết rằng cho dù có tinh tú và số tử vi, họ có thể tránh được bất hạnh mà thời gian và giờ không may làm cho họ sợ. Hẳn họ cũng thấy thí dụ đáng ghi nhớ xảy ra cho chúa Đàng Trong, bị đạo binh chúa Đàng Ngoài tấn công. Chúa Đàng Ngoài đã chọc thủng biên giới, lúc đó có các nhà toán học cùng đi với ngài và theo ngài. Họ cho ngài xem trong đồng hồ chiêm tinh thấy giờ phải sửa soạn xông đánh quân địch là một giờ nguy hiểm vì có dấu hiệu rủi ro. Nhưng chúa hoặc vì bực mình hoặc vì khinh thường những nhận định mơ hồ, liền lấy chân đạp đồng hồ và phán: thật vậy à, như thế ta sẽ thấy quân địch xông vào lãnh thổ ta mà ta khoanh tay không dám đẩy lùi sao, như thể ta bó tay chịu tai họa lớn lao mất nước và kẻ ngoại lai xâm chiếm ư? Rồi quay về phía quân sĩ đang chờ quyết định và mệnh lệnh, ngài cao giọng quả quyết phán: Gắng lên, gắng lên, bớ quân sĩ, hãy cầm võ khí, vì là giờ tốt bênh vực chính nghĩa và sẽ là một giờ may mắn cho chúng ta và rủi ro cho quân địch, nếu chúng ta đuổi họ ra khỏi lãnh thổ ta và bắt chúng bỏ chạy. Thế là chúa cũng đứng lên với quân sĩ chống lại địch đã khá vào sâu trong lãnh địa và sau khi nâng đỡ cố gắng của quân sĩ, chúa quyết định xông đánh và cuối cùng bắt địch phải lui. Thế mà chính lại là giờ mà người Đàng Trong (cũng tin dị đoan như người Đàng Ngoài) được coi như giờ rủi ro, nhưng lại thành giờ may mắn.

Vì tin dị đoan mà họ còn giữ một số điều ngộ nghĩnh khác tỏ ra trí óc họ còn yếu và ảo tưởng còn mạnh, làm cho ma quỷ, khốn thay, được vui thích. Đó là điều làm cho họ rất mực áy náy trong những việc tốt và khẩn cấp mà họ nắm trong tay. Nếu buổi sáng lúc ra khỏi nhà để làm việc gì tốt và hệ trọng tới kết quả của công ăn việc làm mà gặp đàn bà chứ không phải đàn ông, thì họ trở về và rầu rĩ ngồi ở nhà, vì cho rằng việc này (nếu cứ tiếp tục) sẽ hỏng, cho dù họ biết rằng nếu bỏ thì sẽ mất. Cũng vậy, khi ra khỏi nhà, bất cứ vào giờ nào, nếu họ hắt hơi hoặc người nào họ gặp khi vừa ra khỏi nhà, thì họ không dám tiếp tục đi, nhưng đành trở về nhà, vì sợ có tai họa xảy ra cho họ nếu họ cứ tiến hành và đi tới nơi họ đã định. Họ còn rất nhiều kiêng kị dị đoan lương dân rất tin theo. Trái lại hết những người bỏ đạo huyền hoặc và những dị đoan điên dại, họ được giải thoát (như đã có rất nhiều người và mỗi ngày mỗi thêm), những người này tin theo và thờ Thiên Chúa thật, họ công nhận những chân lý của đạo Kitô và những sai trái cùng vô lý của lầm lạc.

Chương 28

NGƯỜI ĐÀNG NGOÀI LÀM LỄ CƯỚI THẾ NÀO

Chế độ đa thê vẫn còn là thông lệ ở nước này, nơi những kẻ quyền quý và không ai bị truy tố hay bị trừng phạt nếu lấy vợ bé; hoặc giữ vợ cả như những người có thế giá thường làm, hoặc bỏ vợ cả như thỉnh thoảng xảy ra nơi dân chúng. Dẫu sao về hôn nhân, tất cả thường theo cách thức như sau:

Cha mẹ đôi bên bắt đầu đề cập tới khế ước hôn nhân, ngay khi con cái còn nhỏ dại và còn ít tuổi, mặc dầu thủ tục đầu tiên luôn luôn bắt đầu từ bên nhà trai. Họ muốn làm thông gia với một gia đình khác cùng ngang hàng với mình, thì họ nhờ một đệ tam nhân đến hỏi bên nhà gái xem có bằng lòng gả con gái cho con trai mình không. Nếu bằng lòng thì bên nhà trai sẵn sàng chính thức đề cập tới. Họ đến nhà gái mang theo phẩm vật và tiền cưới tuỳ theo gia cảnh. Khi đã nhận sính lễ thì sự hứa hôn được công nhận và kể là có thỏa thuận để ăn hỏi, từ lúc này hai bên không được tự ý từ chối trừ khi có lý do quan trọng. Nhưng người bố vợ tương lai có thể tìm hiểu phong cách và giá trị tinh thần và thân thế người rể tương lai, ông đòi người rể tương lai đó vừa tới tuổi trưởng thành phải đến ở nhà mình. Ông giao cho công việc làm để thử, việc nhà cũng như việc ở ngoài. Nếu trong cuộc thử này, ông thấy có tính nết xấu, không có giáo dục, lười biếng và không biết cách quán xuyến thu xếp công việc nhà thì bấy giờ theo lương tri và thông tục cho phép, ông trả lại nhà trai cùng với tiền bạc đã nhận trước đây. Còn trái lại nếu ông hài lòng thì sau cuộc thử này ông giữ lại một hay hai năm hoặc lâu hơn, nếu con gái chưa tới tuổi lấy chồng. Sau đó mới tiến hành lễ hôn nhân như sau.

Trước hết phải thông báo cho cả cả họ hàng bên nhà trai cũng như bên nhà gái để xem có cản trở về họ máu do luật nước cấm. Vì con của hai anh em các cháu ở cấp nào tuy xa cũng không bao giờ được lấy nhau. Các cháu của anh em trai và chị em gái thuộc ba đời thì có thể lấy nhau, nhưng trong hai đời thì không được. Còn con của hai chị em gái có thể lấy nhau tuy mới có hai đời. Khi đã báo tin cưới cho tất cả họ hàng gần (những người này không quên gửi quà tới cho buổi lễ thêm phần long trọng) thì cũng phải đưa tin cho quan cai trị và những vị kỳ hào nơi mình ở, cũng mời họ đến dự tiệc cưới làm một ngày đã chỉ định. Việc thông tin công cộng này thay cho việc thông báo chính thức và là việc rất cần thiết vì nếu bỏ thì coi như không có phép cưới và không chính thức thành phép, có khi còn bị pháp luật và tục lệ trong nước trừng phạt như thể làm trộm vụng. Thế nên có thể biết rằng những hôn nhân trộm vụng đều bị truy tố, ngay cả nơi lương dân, chỉ theo ánh sáng tự nhiên.

Xong các việc này rồi thì chú rể vì phải chịu tiền cưới xin cho cô dâu nên đem số hai bên đã thỏa thuận đến nhà gái. Nhà gái không được giữ cho mình nhưng phải dùng tất cả vào việc sắm sửa quần áo và đồ dùng cho cô dâu, tuy không bó buộc phải tiêu pha gì thêm nữa. Dẫu sao để cho phải phép lịch sử thì ông bố thường cho con gái thêm tuỳ gia cảnh để con đem theo về nhà chồng. Vì thực ra để sắm sửa thì đã dùng một phần ở tiền cưới đã đem tới từ hôm trước với nghi thức long trọng và cảnh trí tưng bừng, có những người thế giá nhất đến dự, nếu đôi tân hôn thuộc dòng họ giàu có. Còn nếu là thường dân thì tất cả làm trong ngày cô dâu được đón về nhà chú rể do quan tỉnh cùng với họ hàng và số đông người đi theo.

Tất cả đoàn thể rước dâu về nhà trai, đứng vây quanh bàn thờ tổ tiên dựng ở phòng tiệc có hương hoa thơm phức. Ở đây bố chồng (hay người chú bác nếu bố chết) quỳ trước bàn thờ và cô dâu chú rể quỳ hai bên, ông thưa với tổ tiên mà ông tôn thờ linh thần kể như có mặt trên bàn thờ, tương tự như sau: “Thưa thân phụ rất đáng kính, hôm nay cháu trai cưới cháu gái Mỗ… này và chính thức nhận làm bạn trăm năm, xin chứng kiến cho các cháu và phù hộ cho các cháu được hạnh phúc, sống lâu hòa hợp, được khang cường, hoan lạc và thịnh vượng, xin cho các cháu sinh con xinh đẹp, khoẻ mạnh, ngoan ngoãn và đức hạnh làm cho cha mẹ vui mừng và sung sướng. Để tỏ niềm vui trong dịp cưới xin này, chúng con sửa mâm cỗ xin mời song thân trước hết làm gia chủ chứng kiến cho và xin phù hộ trước hết cho hai cháu tân hôn”. Khấn xong là vào tiệc và hôn nhân chính thức thành và bền chặt, nhất là về phía người vợ, không bao giờ được bỏ nhà hay bỏ chồng, mặc dầu người chồng, vì một tệ lạm không thể dugn thứ được đã chen lấn nơi người nước này, họ giữ quyền được bỏ vợ vì một nết xấu vô danh nào đó hoặc vì thay lòng đổi dạ hay chán ghét.

Điều này ít thấy nơi dân nghèo khó, vì nơi kẻ quyền thế, họ thường lấy nhiều vợ, thế nên khá ít người bỏ vợ khi có bất hòa hay vì thay lòng đổi dạ; thực ra theo luật nước này thì cấm người đàn bà có chồng không được lấy chồng khác. Ở nghi lễ làm trong dịp cưới xin này, không thấy tỏ sự hai bên ưng thuận: dẫu sao, sự im lặng và tư thế ngồi cạnh người cha khấn vái cho họ và lời tuyên bố sự phối hợp của họ, là những bằng chứng đầy đủ về sự đôi bên thỏa thuận và lời lẽ họ trao đổi cho nhau: họ biểu lộ bằng cách thức đó, theo thông tục và tập quán trong xứ.

Ở đây tôi thêm một điều đặc biệt làm cho ta tưởng đức tin đạo Kitô đã gia nhập nước Đàng Ngoài này. Đó là khi một trẻ vừa lọt lòng mẹ thì người ta dùng mực hay phẩm hồng vạch hình thập tự trên trán: lần đầu tiên tôi thấy vẽ trên trán đứa bé, tôi đã hỏi cha mẹ vì cớ nào họ làm như vậy. Họ trả lời là để cho ma quỷ (thù địch của đứa bé) không làm hại trẻ hay gây tai họa cho đứa bé. Tôi gạn hỏi thêm xem họ biết tại sao hình đó có phép trừ tà ma thì họ không thể đáp gì hơn là họ giữ một tục lệ có từ lâu đời mọi người trong nước này đều làm. Đây là một dấu hiệu khá hiển nhiên tỏ ra niềm tin vào Đức Kitô xưa kia đã được rao giảng cho họ và ơn cứu rỗi bởi cây giá họ đã nhận được mà ngày nay họ còn kính cẩn giữ lại dấu hiệu. Chúng ta tin vào Thiên Chúa nhân từ, rồi đây sẽ để cho dấu hiệu vạch trên trán đó chuyển qua tâm hồn hết mọi lương dân.

Chương 29

VỀ NHỮNG TỤC LỆ NGƯỜI ĐÀNG NGOÀI GIỮ VÀO CUỐI NĂM

VÀ ĐẦU NĂM VÀ VỀ MẤY DỊ ĐOAN KHÁC.

Có một tục lệ lâu đời nhưng kỳ dị còn giữ ở khắp xứ Đàng Ngoài, đó là những người già, cả nam cả nữ, vào cuối năm, họ sợ sệt trốn trong chùa như một nơi trú ẩn để tránh thế lực tà ma họ gọi là Võ Tuấn 46. Họ cho rằng việc của vị này là sát hại và bóp cổ hết những người già nua tuổi tác thuộc cả hai giới. Do đó những kẻ khốn đốn này trong ba hay bốn ngày cuối năm, họ đến trú trong nội địa chùa chiền, đêm ngày không dám ra cho mãi tới ngày mồng một Tết mới trở về nhà, vì cho rằng quyền lực của tà ma hãm hại và là thù địch của người già đã chấm dứt. Đó là điều còn xảy ra vào cuối năm nơi người già cả.

Còn những người khác có phận sự trong nhà như gia trưởng thì vào cuối năm họ có thói dựng gần cửa nhà một cột dài vượt quá mái nhà,47 trên ngọn treo một cái giỏ hay một túi đục thủng nhiều lỗ và đựng đầy thứ tiền bằng giấy vàng giấy bạc. Họ điên dại tưởng tượng là cha mẹ họ mất, vào cuối năm có thể bị túng thiếu và cần đến vàng hay bạc để trả nợ. Cũng còn một tục lệ khác là không một ai, từ người giàu sang tới kẻ nghèo khổ, khất nợ quá hạn năm mà họ đã vay mượn, trừ trường hợp không thể trả nổi mà thôi. Thật là đáng khen nếu họ làm không phải vì mê tín dị đoan như họ thường làm, vì sợ chủ nợ bực mình nên đem lời khiển trách động tới tổ tiên và tổ tiên oán thán con cháu và kẻ thừa kế. Họ rất sợ bởi vì nếu ai bị tố cáo và bị tòa chứng nhận đã xúc phạm tới danh dự người khác vì lăng nhục chạm tới tổ tiên, thì người đó bị quan tòa trừng phạt cũng nghiêm khắc như phạm một tội trọng. Họ còn lo trả nợ trước cuối năm vì một lý do mê tín, họ sợ chủ nợ ngày mồng một Tết đến đòi nợ, dĩ nhiên là bắt họ trong ngày đó phải xuất tiền ra trả và họ cho là một việc rất mực tai hại và là một điềm dữ.

Trong tất cả những dị đoan thông dụng nhất và họ khó vứt bỏ, đó là sự tin các thần trong nhà gọi là tiên sư, nghĩa là những thầy cũ. Vì không nhà nào mà ở cửa ra vào không có một bàn thờ nhỏ kính tiên sư. Hằng này họ cúng tế thắp hương nhang tốt xấu tuỳ theo gia cảnh, sáng khi thức dậy và chiều trước khi đi ngủ, họ đều cúng lễ. Cũng vậy những người làm nghề thủ công, thầy lang, ngành văn hay ngành vũ cũng đều khấn vái xin các thần phù hộ. Nhờ các tiên sư mà họ có công ăn việc làm và sự khôn khéo trong ngành nghề hay chức vụ. Ngay cả đền kẻ trộm cướp cũng có thần bảo hộ và theo cách thức của họ, họ cũng tôn thờ các tiên sư của họ, và dị đoan này ăn sâu vào tâm khảm làm thành một cản trở cho việc trở lại đạo. Có một lương y tôi được may mắn ông chữa khỏi bệnh và để tỏ lòng biết ơn, tôi muốn giúp ông. Tôi đã cẩn thận thuyết phục ông cho ông thấy đạo giả trá của ông mà bỏ đi. Tôi đã thành công vì ông sẵn sàng chịu phép rửa tội và gạt hết các mê tín dị đoan khác. Thế nhưng khi đặt vấn đề phá bàn thờ tiên sư thì ông không thể chấp nhận được. Thế là ông ngoan cố giữ và chết khốn khổ trong sai lầm. Cũng xảy ra cho một tướng lạnh có thế giá và làm quan cai trị một tỉnh, ông đã thọ bát tuần. Tôi đã khuyên dụ ông tin theo. Tôi đã mặc áo dòng trắng, sắp sửa rửa tội cho ông, còn ông, ông nhất quyết bỏ hết các mê tín dị đoan mà đạo ta lên án, trừ tiên sư ông xin giữ không phải vì xác tín, ông nói, nhưng vì các quân sĩ. Thế là tôi không dám rửa tội cho ông. Có thể Thiên Chúa sẽ ban cho ông ơn nhận biết Người và thắng được khó khăn này.

Tôi sẽ thêm ở đây (về cứu cánh độc hại nhất và chung cho tất cả) một dị đoan điên dại nhất phổ thông nơi dân xứ này. Trong mỗi thành phố hoặc mỗi thôn xã, đều có một đền lớn gọi là đình thờ tà ma hay thành hoàng, nơi đây các kỳ hào hội nhau bàn việc chung trong thôn xã và chỉ muốn làm trước mặt và dưới sự che chở của vị thần. Mỗi năm để tôn vị thành hoàng thì họ tổ chức lễ lạc công cộng, có ca hát múa nhảy và tiệc tùng trong một hay hai tháng vì họ cho rằng tất cả sự thịnh vượng làm ăn, sự phì nhiêu của ruộng đồng và sức khoẻ của dân làng và súc vật đều phụ thuộc vào vị thành hoàng. Nhưng sự chọn thành hoàng hay vua dị đoan này thì được thực hiện do một nguyên nhân rất kỳ dị rất điên rồ và bỉ ổi. Vì nếu có đứa trộm cướp trứ danh nào hay một kẻ trọng tội nào bị quan tòa hành hình ngoài thành và nếu vì tai nạn hay mưu ô ma quỷ mà có con bò, con trâu hay con heo nào bị ngã hay chết ở chỗ đó, ngay cạnh thi hài hay trên mộ phạm nhân thì người ta đồn thổi là tội nhân qua con vật ngẫu nhiên được họ nhận, từ nay sẽ được coi như vị thành hoàng. Hơn nữa (có thể chỉ là hiệu quả của một chuyển dịch mê tín và một ảo tưởng hoàn toàn của tà ma) nếu có con vật nào hay một người nào nhỡ chân té ngã bên cạnh con chó dại bị đuổi và bị giết ở ngoài thành thì con chó thối thây này được họ nhận làm thành hoàng và được cúng lễ như cúng lễ thần thánh.

Còn có một chuyện rất phổ biến trong nước. Có một con vua Tàu vì sống quá bê tha nên vua cha bắt ném cho chết đuối dưới biển, nhưng thi hài nổi lên và trôi giạt vào một cửa biển Đàng Ngoài. Ở đây có người dân sở tại bị tai nạn xảy ra cạnh thi hài người con gái này. Dân làng không những đem chôn cất mà còn dâng kính cửa biển như dâng kính một nữ thần bảo hộ và ngày nay đặt tên cửa biển đó là cửa chúa nghĩa là cửa biển bà chúa. Từ nơi này chuyện dị đoan đã lan tràn khắp nước Annam, đến nỗi không có một cửa nhỏ ở suốt dọc bờ biển mà không có một đền dâng kính người con gái bê tha đó. Hết các thương gia và thuỷ thủ đều đến cúng lễ cho nữ hải thần và vị ngự trị các biển. Một ngày kia Thiên Chúa sẽ cho thấy, như chúng tôi hy vọng, những đền ngoại đạo thờ bà chúa lăng loàn đáng phỉ nhổ này, được dâng kính đức Trinh Nữ Vương thiên quốc, ngôi sao biển đích thực, đấng chỉ đạo và phù hộ cứu vớt người trần.

Chương 30

VỀ CUNG GIỌNG VÀ DẤU

TRONG TIẾNG NÓI THÔNG DỤNG NƯỚC ANNAM

Mặc dầu tiếng nói thường dân ngày nay phổ thông khắp nước Annam khác với tiếng Tàu, thế nhưng cũng đọc với những cung giọng không quá khác với cung giọng tiếng Tàu.48 Tiếng Tàu chỉ có năm giọng nói, còn tiếng Annam thì có những sáu, rất đáp ứng với những dấu nhạc của ta, làm cho các tiếng đều khác nhau về nghĩa, đến nỗi không có tiếng nào mà không ghi thêm một trong sáu dấu là như hồn và đặc tính ý nghĩa của tiếng. Những dấu hay thanh thì không ghi trong chữ viết của họ, nhưng chỉ phô diễn trong giọng nói mà thôi: điều này làm cho chúng tôi rất khó hiểu sách vở của họ. Thế nhưng chúng tôi đã nghĩ cách ghi các giọng khác nhau đó bằng tất cả cách việc của chúng ta, làm cho chúng ta học biết sự khác biệt trong cung giọng, để hiểu ý nghĩa.

Thanh thứ nhất là thanh trầm, 49 hạ giọng để đọc, như ta hát giọng trầm trong ca nhạc và chúng tôi ghi dầu huyền của người Hy Lạp, thí dụ dò có nghĩa là cái bẫy. Thanh thứ hai là thanh hầu như trầm hoặc gần như trầm, phải có chút cố gắng để đọc, như phát ra từ lồng ngực và chúng tôi ghi bằng một cái chấm dưới nguyên âm theo cách người Hy Lạp đặt chữ iota, thí dụ rệ, có nghĩa là rễ cây. Thanh thứ ba là thanh uốn trầm, uốn giọng mà đọc và có một chút cố gắng ở lồng ngực, và chúng tôi ghi bằng dấu uốn của người Hy Lạp, thí dụ mĩ là tên một gia đình quý tộc trong xứ. Thanh thứ tư là thanh bằng đọc mà không cần cung giọng thí dụ fa hay đúng hơn pha có nghĩa là trộn, vì trong tiếng này không có chữ F bật hơi. Thanh thứ năm là thanh uốn nhưng dịu hơn, đọc như thể chúng ta đặt câu hỏi và chúng tôi cũng ghi bằng dấu hỏi của người Latinh, thí dụ sổ có nghĩa là danh mục, quyển ghi chép. Thanh thứ sáu là thanh sắc, đọc với giọng bẳn gắt như thể người nào nói khi giận dữ, và chúng tôi ghi bằng dấu sắc của người Hy Lạp, thí dụ lá có nghĩa là lá cây. Như vậy sáu thanh (như tôi đã nói) có thể đáp ứng với sáu nốt nhạc của ta dò, rẹ, mĩ, pha, sổ, lá.50

Có một điều rất khó trong ngôn ngữ của họ đối với những người muốn học, đó là tất cả sự khác biệt về thanh và giọng đều ở trong một tiếng hay một vần, gây thành nhiều khác biệt về nghĩa, thí dụ tiếng ba đọc với thanh trầm thì có nghĩa là bà: bà nội, bà ngoại; nếu đọc với thanh gần như trầm thì có nghĩa là dính hay vật bỏ đi; nếu đọc với thanh uốn trầm thì có nghĩa là cặn, chất còn lại của cây cỏ hay trái cây sau khi đã ép hết chất ngọt; nếu không có thanh và đọc bằng phẳng thì có nghĩa là con số ba; nếu đọc với thanh uốn dịu như hỏi thỉ có nghĩa là một cái tát; nếu đọc với thanh sắc thì có nghĩa là vợ mọn của chúa. Do đó chỉ một tiếng đọc tiếp mỗi lần với những thanh khác nhau ba, bà, bả, bá, có nghĩa là ba bà vả bá. Cũng vậy vần ca đọc với các giọng khác nhau thì thành bốn nghĩa khác nhau, vì với thanh trầm cà có nghĩa là thứ trái táo dại, với thanh bằng ca có nghĩa là ca hát, với thanh hỏi cả có nghĩa là lớn và với thanh sắc cá có nghĩa là con cá.

Vì thế những ai chưa thông thạo các thanh hoặc các dấu đó thì thường rất bực mình và dùng lẫn một nghĩa kỳ khôi hoặc hỗn xược với một nghĩa khác, như đã xảy ra khi một cha dòng chúng tôi muốn sai đầy tớ người bản xứ đi mua cá, cha nói rõ tiếng ca nhưng đọc với thanh trầm, đáng ra phải đọc với thanh sắc, thế là thay vì cá cha có ý bảo mua thì người đầy tớ lại đem về cho cha một thúng đầy trái táo dại (cà) và người đầy tớ thích thú xin lỗi vì lời sai bảo anh đã nhận được. Một cha khác một lần sai người ở đi đánh mấy gốc tre, nhưng đọc với thanh hỏi lại có nghĩa là trẻ con, chứ không đọc vớ thanh bằng có nghĩa là tre. Thế là tất cả lũ trẻ con đang ở trong nhà nghe thấy lời sai bảo đó liền chạy trốn hết, tưởng người ta muốn đánh đập mình. Người ta chỉ bảo chúng trở lại được sau khi cho chúng biết ý người truyền khiến và sự lầm lẫn bởi chưa biết đủ giọng nói. Vì chưa biết các dấu khác nhau này nên còn có thể xảy ra ngộ nhận ý nghĩa, muốn nói sự thánh thiện lại hóa ra nói sự tục tằn; cho nên những người rao giảng lời Thiên Chúa phải rất cẩn thận để không làm cho lời Thiên Chúa thành ngộ nghĩnh và đáng khinh bỉ trước mặt lương dân.

Chương 31

VỀ THAY ĐỔI TÊN GỌI NƠI NGƯỜI ĐÀNG NGOÀI

Thật là kỳ dị, người Đàng Ngoài còn theo dị đoan trong sự đặt tên và đổi tên gọi của mình. Thí dụ, nếu có đứa con nào chết, thì họ tránh không lấy tên đó đặt cho người con khác vì sợ tà ma, họ cho là chúng đã giết đứa bé mới chết, nay nghe thấy cũng tên đó đặt cho đứa trẻ mới sinh thì lại đến giết như đã giết đứa thứ nhất. Cũng vì họ cho tà ma hay ghen ghét và xảo quyệt gây hết các thứ bệnh và tai họa xảy đến cho con cái họ, nên họ thường lấy những tên xấu xí bẩn thỉu mà đặt cho con, họ điên dại tưởng rằng với tên nhơ bẩn này họ làm cho tà ma hay hãm hại không dám động tới bản thân con cái họ, họ không biết rằng kẻ công khai ghen ghét sự lành và sự khoẻ của họ, chúng không ưa thích gì ngoài những rác rưởi.

Rồi vì điên dại tưởng tượng như thế nên họ để cho bản năng tà ma đưa họ tới một thói kỳ quặc lạ thường làm người cha trở nên hung ác giết con. Nếu đứa con thứ nhất chết, theo họ tưởng, vì tà ma ghen ghét và sau đó đứa con thứ hai lại ngã bệnh vô phương cứu chữa thì trứơc khi đứa bè này chết, họ đưa nó ra ngoài đồng và dùng dao hung ác chặt làm hai, tưởng làm cho tà ma sửng sốt vì hành động vô nhân đạo này và làm cho nó sợ, không còn tiếp tục hãm hại những trẻ khác sẽ sinh sau này nữa. Do đó tà ma đã làm cho họ trở nên vô nhân đạo viện lý là nhân đạo và vì họ điên dại sợ nên đã cho phép người cha tồi tệ phạm tội giết con. Cũng vì thế mà ngày nay giáo dân tân tòng rất sợ, nên rất ân cần can ngăn lương dân phạm tội hung ác hoặc ít ra rửa tội để cứu linh hồn, khi thấy trẻ con lâm bệnh nặng hoặc không thể cứu sống được. Sự nhiệt thành này làm xúc động một giáo dân lành thánh tên là Antôn. Ông trao phó mọi việc nhà cho vợ để rảnh rỗi chuyên lo về việc này, không mệt nhọc rảo khắp tỉnh, không để trẻ con chết mà không được chịu phép thánh tẩy. Ông chịu khổ nhưng thành công lượm được kết quả. Trong một năm ông rửa tội được hai trăm, ông còn cẩn thận ghi tên và đem sổ về cho chúng tôi.

Còn một tục lệ khác nơi người nước này, đó là khi sinh đứa con thừa kế và nối nghiệp nhà, thì người ta đặt tên cho con (vào đúng ngày sinh), rồi không những người cha mà cả ông nội và tất cả những người trong gia đình đều đổi tên. Thí dụ khi người con đặt tên là Đồng thì người cha bỏ cái tên chính của mình, dẫu đẹp, dẫu đáng kính đến thế nào đi nữa, để từ nay sẽ gọi là cha Đồng, còn người ông nội của đứa bé thì gọi là ông Đồng, cũng vậy người mẹ và bà nội. Chỉ khác điều này là ông nội và bà nội thì không còn đổi tên khi có chắt. Còn người cha và người mẹ, khi con trưởng có con thì bỏ tên là cha là mẹ và lấy tên ông, bà đứa cháu. Còn bác chú cô dì, nếu chưa có con thì lấy tên cháu và gọi là bác Đồng, cô Đồng. Và người con thừa kế này cũng sẽ không mang thên là Đồng do cha mẹ đặt cho khi mới sinh, nếu có một em trai. Lúc đó bỏ cái tên thứ nhất và sẽ gọi là anh của người em, cho tới khi chính mình có con và lấy tên là cha của người con cả mình sinh ra.

Thực ra phải nhận ở đây là tục lệ này chỉ giữ nơi thường dân, còn về người quyền quý thì vì muốn tôn trọng mà người ta tránh không xưng chính tên của họ. Không ai dám gọi họ bằng tên đã đặt khi họ sinh ra, gọi là tên tục, có nghĩa là tên xấu, mà không xúc phạm đến họ và làm cho họ bực tức. Cũng vậy phải cẩn thận chớ xưng tên họ khi nói trứơc mặt họ hay trước mặt con cái họ, cả khi trong bài diễn văn nếu nhắc tới thì lúc đó phải dùng một chữ khác hoặc xoay trở tiếng đó để khỏi mất lòng những người này. Cũng có một tục lệ phổ thông nơi người quyền quý là khi họ chết thì con cháu, để ghi nhớ công ơn họ, đặt cho họ một tên mới có ý tâng địa vị mà họ tỏ nguyện vọng muốn trở nên người quyền quý như vương, hầu, bá, tước và tương tự, hoặc tỏ công trạng họ có hay chưa có. Và tên đó bao giờ cũng được ghi bằng chữ vàng ở tấm trướng chúng tôi đã nói ở trên, được long trọng mang trong đám tang.

Tới đây là phần tôi đã trung thành lượm được nói về tình hình tài sản vật chất, về phong tục và dị đoan của người Đàng Ngoài làm cho chúng ta ái ngại cho một nước rất tài ba lỗi lạc và có rất nhiều kiến thức lịch thiệp và thánh thiện lại nhiễm sai lầm và bị xiềng xích khốn đốn của tà ma hung hãn. Nhưng cũng làm cho chúng ta hy vọng, ánh sáng Phúc âm và ơn đại thắng của Chúa Cứu Thế sẽ cởi bỏ hết các ảo tưởng cầm buộc tâm trí đêm ngày và phá tan mọi gông cùm giam giữ họ và sẽ chỉ dẫn cho họ nhận biết thánh danh, đức tin và vâng theo Thiên Chúa sự thật. Việc này đã được thực hiện nơi một số đông giáo dân tân tòng trở lại đạo Công giáo, như chúng tôi sẽ nói ở quyển sau.