Ðứa con hoang đàng



Ðối với người tín hữu, câu chuyện người con hoang đường trong Tin Mừng theo thánh Luca chương 15, câu 11 đến 25 có thể không cần kể lại nữa bởi nó quá trở nên phổ biến. Không ít người cho rằng chuyện đó lạ gì, biết rồi, khổ quá nói mãi. Phải đây là một câu chuyện đã đi vào tiềm thức của biết bao người. Trong bốn Tin Mừng, điều đặc biệt là câu chuyện có một không hai này lại chỉ xuất hiện trong Tin Mừng thánh Luca. Ðoạn Tin Mừng này không chỉ làm nổi bật một nhân vật. Có một người anh cả, theo dòng câu chuyện chúng ta nhận thấy đây là một con người không hề giống với người con hoang đường. Một người cha đem đến nhiều điều ngạc nhiên thú vị đầy bất ngờ. Ông là một người thầm kín, từ đầu đến cuối câu chuyện, nhưng bỗng chốc thể hiện là một nhân vật thiết yếu của câu chuyện với một vai trì làm trung gian để xích lại hai người con của ông gần nhau hơn khi dường như người con cả tot thái độ không thể nhìn nhận em mình ngày trở về sau bao ngày tháng xa lạc.

Nếu tìm đọc những bài viết về câu chuyện người con hoang đường, chúng ta sẽ ngạc nhiên khám phá ra rằng tựa đề của câu chuyện rất đa dạng tùy theo trường hợp. Câu chuyện dụ ngôn này có nhiều tên gọi khác nhau : nào là đứa con hoang đường (J. Dumont), nào là đứa con bị mất (J. Jérémias), nào là đứa con được tìm thấy (Bản dịch Tin Mừng đại kết), nào là đứa con bị mất và đứa con trung tín (Bản dịch Tin Mừng Jérusalem). Chúng ta cũng có thể có những tên gọi khác về tựa đề của câu chuyện này : thánh Irénée thành Lyon ở thế kủ thứ 3 và thứ 4 kỷ nguyên chúng ta gọi câu chuyện này với tựa đề là dụ ngôn hai người con. L. Cerfaux, hồng y C. M. Martini thì đặt tựa đề là dụ ngôn người cha nhân từ. M. Gourgues thì gọi tựa đề dụ ngôn này là người cha hoang đường. Tất nhiên chúng ta có thể tìm gặp nhiều tựa đề khác nữa cho câu chuyện trên. Dù sao đi nữa, vì tính thuận tiện, chúng ta tốt nhất là cứ dùng thuật ngữ thông thường : dụ ngôn người con hoang đường.

Tại sao trong dòng nhiều thế kỷ, dù không hoàn toàn quên người cha và người con trưởng, chúng ta đã đặc biệt thích « người con thứ » hay còn gọi là « ngươì con hoang đường » đến mức đã trở thành một thuật ngữ thông dụng ? Chắc là bởi vì những bức tranh về một người thiếu niên đi tìm kiếm tự do là lẽ tự nhiên xét theo mọi góc độ. Tuổi trẻ rồi sẽ qua. Và rồi mỗi thính giả của câu chuyện dụ ngôn sẽ có thể tìm ra cho mình một hình ảnh về chính mình.

Nhưng tại sao câu chuyện tầm thường này, từ bao đời nay, qua bao nhiêu con đường, lại đến với chúng ta sau khi đã tạo nguồn cảm hứng không chỉ cho các Giáo Phụ và cac thần học gia, mà kể cả các nhà văn nổi tiếng, các họa sĩ và các vị điêu khắc thành danh, các nhà âm nhạc, các nhà điện ảnh, các nhà sáng tác nhạc. Ngay những nhà tâm lí mà với họ việc trở nhà đầy bất ngờ của người con cũng gây sự quan tâm. Tất cả họ, mỗi người theo cách của riêng mình, một ngày nào đó đã gặp « ngươì con hoang đường » này, đã dõi theo bước chân của cậu, đã dẫn dắt cậu trên con đường trở về. Có lẽ họ đã hết sức ngạc nhiên về tình thương dạt dào mà người cha dành cho cậu con hoang đàng khi đón nhận ngày con ông trở về.

Một câu chuyện gia đình.

Sẽ có một ngày, ai cũng nghe đến chuyện những thiếu niên bỏ nhà ra đi và nhất quyết không ngày trở về. Người con bỏ nhà ra đi mà truyền thống hai ngàn năm lưu lại được biết với tên gọi « đứa con hoang đường » được xem là người anh của những con người như thế. Thực ra, « đưá con hoang đường » không có tuổi vì chúng ta biết rằng mỗi ngày, mỗi góc độ luôn có những thiếu niên nam, nữ đi xa, mơ mộng đến một thứ tự do mà họ tưởng rằng gia đình hay người cha dường như không cho phép chúng. Có những người trong số họ sẽ không trở về nữa, cho dù gia đình vẫn luôn ngóng trông giây phút trở về. Song trong số họ cũng có những người sớm cạn kiệt niệm vui khoái lạc mà tự do mới mang lại, dần dần ý thức được cái chúng đã đánh mất và cho rằng tốt hơn là lên đường trở về, với hy vọng rằng gia đình sẽ không đóng cửa trước mặt chúng. « Người con hoang đường » của chúng ta trong câu chuyện dụ ngôn của Tin Mừng là một trong số đó.

«Một người có hai người con».

Câu chuyện này dẫn chúng ta đến chương 15 của Tin Mừng thánh Luca. Người thính giả của Chúa Giê Su đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Vì Ngài đang kể cho họ nghe một câu chuyện gia đình, xem ra có vẻ quá tầm thường. Ðó là câu chuyện về một người cha và hai người con. Người con trẻ nhất, tức người con thứ trong gia đình, đã rời bỏ gia đình sau khi đã đòi nhận phần của cải kế thừa từ gia đình. Sau một chặng đường khổ cực, cậu nhất tâm lên đường trở về. Niềm vui của người cha khi con ông trở về đã khiến cho người con trưởng phẫn nộ và tự hỏi anh ta đã bao giờ có chỗ đứng trong ngôi nhà này, trong gia đình này hay chưa.

Phải chăng đó là nội dung toàn bộ câu chuyện ? Có vẻ đến đó là chấm dứt câu chuyện. Thế nhưng chúng ta sẽ thấy rẳngcó nhiều cách để đọc câu chuyện này. Một trong số những cách đó chính là đọc câu chuyện này đúng như nó được viết và được kể cho chúng ta. Ðọc từng câu một. Cách đọc này, nói như Gérard Bessière, « luôn có sự phong phú trong chính câu chuyện về đứa con hoang đường trở về hơn là trong các bài bình phẩm ».

Câu 11 : « một người có hai người con ». Chúng ta không biết người này tên gì. Ðiều chắc chắn là ông không phải là một vị vua, không phải là một người có địa vị. Ông chỉ là một con người bình dị đến mức người kể chuyện không nhắc đến dánh tánh. Chúa Giê Su, với tư cách là người kể câu chuyện này, cho chúng ta khám phá nơi người cha của câu chuyện, thái độ đặc biệt, đầy bất ngờ đối với hai người con của ông.

Còn hai người con, câu chuyện cho thấy rằng chúng cùng một cha mà ra, nhưng lại không giống nhau về điểm nào. Ta có cảm giác là chúng không được sinh ra để hiểu nhau, cảm thông với nhau. Chúng ta nhớ rằng trong Thánh Kinh những quan hệ giữa người con cả và người con út thường khó khăn. Ðó là trường hợp giữa Caïn và Abel; giữa Ít-ma-en và Isaac, giữa Ésau và Giacob; giữa Giuse và các anh của ông). Trong Tin Mừng cũng vậy, chúng ta gặp hai anh em tranh cãi nhau về sự kế thừa và kêu Chúa Giê Su làm trung gian, nhưng Ngài từ chối. Ðó là câu chuyện theo thánh Luca chương 12, câu 13-14.

Câu 12 : Người con thứ xin chia phần gia tài mà anh ta có quyền thừa kế. Người cha đã phân chia cho cậu mà không nói một lời than trách. Câu chuyện này có một điều mới lạ. Bởi quả thật, dường như theo truyền thống, việc phân chia gia tài kế nghiệp chỉ được người cha làm vào ngày ông sắp lìa trần gian. Gia sản thì thuộc về người con trưởng : « Con không biết sao, tất cả những gì của cha đều là của con » (Tin Mừng Luca 15, 31). Nhưng lạ thay, trong câu chuyện này, khi người con thứ xin chia gia sản, người con cả không có phản ứng gì.

Ðúng là thái độ của người cha thật ngạc nhiên. Thần học gia người công gô P. Buetubela viết : « thaí độ của người cha thật ngạc nhiên. Ông để con mình ra đi không một lời trách cứ và cứ như thể ông chiều theo thú mạo hiểm của con mình ». Ðiều minh nhiên ở đây là thế này : người cha tôn trọng hoàn toàn tự do của con ông và không làm gì để lập luận với con, không nhắc nhở con phải dè chừng với những hiểm nguy trên con đường sống mới, nơi xứ sở mới mà con ông sẽ đặt chân đến. Vậy là người con thứ đã chọn phần gia tại bỏ vào túi. Việc này cũng nói lên rằng cậu đã chọn không còn cha nữa. Cậu chọn cho mình một con đường sống « không có cha ». Paul Claudel từng tự nhủ thế này « con người có bao giờ đủ lớn để không cần có cha nữa không ? » Người cha có luôn chấp nhận, không thốt nên lời, rằng ông sống mà « không cần có con » ? Thế nhưng, chúng ta sẽ thấy là người cha lo lắng, trông chờ con thế nào, ngày này qua ngày khác, ông hy vọng chờ con trở về.

Câu 13-14 : Chỉ ít ngày sau thôi, người con đã bị sa đà. Của cái tiêu hết. Cuộc sống cùng cực ập đến với nạn đói hoành hành. Xa gia đình, xa mái ấm tình thương của cha, người con thứ bắt đầu thiếu thốn mọi thứ.

Câu 15 : hoàn cảnh éo le đến nỗi cậu phải đi kiếm kế sinh nhai, bất cứ việc gì, miễn là có miếng gì bỏ miệng. Ðúng ra cậu không có chọn lựa nào khác để cứu vớt sự sống con người cậu. Tình thế buộc cậu phải nhận việc chăn heo kiếm ăn. Ai ngờ, chính cậu cũng không thể ngờ là phải chăm sóc cho đàn heo mà vốn bị cho là động vật ô uế theo Tin Mừng thánh Luca chương 11, câu 7; hay còn có thể chiếu theo sách Ðệ Nhị Luật chương 14, câu 8. Vậy là vốn xuất thân từ một gia đình đàng hoàng, cậu đã tự biến mình thành anh chăn heo. Thật tội nghiệp ! Cậu đời tiền và đã có. Tại sao cậu làm thế. Vì cậu muốn tự do. Không ai cản trở chọn lựa tự do của cậu. Cậu đã chọn lựa đi xa để sống cái cậu từng mơ ước được sống từ lâu. Nhưng điều này không được bao lâu.

Câu 16 : Cậu rơi vào cảnh đói đến nỗi thèm ăn đồ của heo nhưng không được phép. Vị anh hùng trong câu chuyện của chúng ta bị đói khát vô cùng, đến nỗi bản văn không nói đơn giản bằng từ muôn « ăn », mà là muốn được « nhét cho đầy bụng ».

Câu 17 : Nhìn lại chính mùnh, cậu tự bảo rằng ở nhà cha cậu biết bao người làm thuê, nhưng đương ăn sung mặc sướng. Ý thức được thực tế này, cậu đau lòng lắm. Trong lòng cậu bắt đầu có sự chuyển đổi ý nghĩ. Nhưng trước khi quyết định lên đường trở về nha cha, về gia đình của cậu, cậu trở về với chính mình, trở về trong chính mình cậu. Ðó là bước đầu tiên đến với sự cứu vớt bản thân.

Câu 18 : Ý định đã sẵn sàng, cậu sẽ trở về với cha. Ðiều cậu sẽ nói với cha là thái độ thú nhận lỗi lầm, đã phạm tội với trời và với cha cậu. Thế là, đã rõ hơn, sự cứu vớt cậu thể hiện trong sự trở về. Ðây là lần đầu tiên xuất hiện sự ý thức về tội, về lỗi lầm dẫn cậu đến con đường cùng cực. Người con thứ giờ đây cho mình là phạm nhân và không tố cáo ai khác là chính mình.

Câu 19 : Lời tiếp theo cậu chuẩn bị sẵn để thưa với cha là rằng cậu không xứng đáng được gọi là con cha cậu nữa. Cậu chỉ mong cha mình hãy đối xử với cậu như là một người làm thuê trong gia đình. Ðược như vậy cậu cũng thõa mãn, cũng hạnh phúc lắm rồi. Mối quan hệ máu mủ cha con quí hơn mọi thứ khác. Tình cha con vượt lên tất cả là một đặc ân mà con cái phải đón nhận như khi đón nhận sự sống do cha mẹ truyền lại lúc sinh thành. Ðứa con thứ chọn con đường sống xa nha, xa thân quyến đó có xứng đáng với đặc ân làm con không ? Ðã là con thì mãi là con của cha và phải kính trọng cha bằng một thái độ xứng đáng với cha trong đạo hiếu làm con. Người con hoang đường trong câu chuyện dụ ngôn đã ý thức được cậu đã không chu toàn những bổn phận trong đạo làm con mà phẩm giá của một người con đòi hỏi. Cậu đảm nhận các lỗi lầm đã phạm phải và nhận ra rằng cậu không còn xứng được gọi là con nữa. Ðiều này cũng có nghĩa là phẩm giá làm cha của cha cậu cũng bị hạ xuống. Vì như thế ông sẽ mất đi cái thiên chức làm cha đối với con ông. Có người cha nào lại có thể nói « con của cha » khi đối diện với anh chàng chăn heo tội nghiệp và đói khát mà lại không đau xót trong lòng. Tốt hơn là lật trang sang một bên và lấy lại công việc của ngươì làm công trong nhà ông còn hơn phải chứng kiến con ông khốn đốn. Cậu con trai thứ không trông vọng vào một cử chỉ bât ngờ của cha nhằm khôi phục lại những quyền làm con của con mình. Cậu nhận ra việc điên rồ của quá khứ và chấp nhận cái giá phải trả cho hành động của cậu. Chính cơn đói đã trở thành nguyên do dẫn cậu trở về với nhà cha cậu.

Câu 20 : Cậu con đi xa đang thoang thoảng hiện ra trên con đường trở về theo cái nhìn xa xa của anh mắt người cha. Cậu tiến về phía cha mình, dù con xa, cha cậu đã nhận ra là con và động lòng thương con. Ông chạy ồ về phía con ôm lấy ôm để hôn vào cậu con ông thầm thương nhớ bấy lâu từ ngày con ông ra đi. Quả là một cảnh đầy bất ngờ và khó tin ! Cậu đã đứng lên, lên đường đi về nhà cha, và cũng là nhà của cậu trước đây, cậu đã bước đi rất nhiều, thế rồi đang ở phía xa và cứ tiến dần, cũng đang rất lâu mới có thể tưởng tưởng được cha cậu sẽ sống ra sao khi trông thấy cậu sau bao ngày xa cách. Nhưng thật không ngờ, cha cậu động lòng, xao xuyến và chạy tới gặp con, người con mà ông tưởng đã mất từ lâu. Thánh Luca dùng động từ « đứng lên, hay đứng dậy » để nói về hành động của người con thứ hoang đàng phải chăng là một chọn lựa ngẫu nhiên, tình cờ ? Như các môn đệ trên đường Emmau đứng lên lúc vừa mới nhận ra Ðấng Phục Sinh và lên đường ngay để trở lại Giêrusalem. Luca cũng dùng chính động từ « đứng lên, đứng dậy » này để nói đến sự Sống lại của Chúa Giê Su (Lc 18, 33, 24, 7). Các môn đệ đứng lên có nghĩa là một cách nào đó họ sống lại với Ðấng Phục Sinh. Như vậy, vì người con đã mất đi, đã chết đi, đứng lên, phải chăng nên nhận ra ở đây một điểm nhấn mạnh đến việc đối chiếu về sự phục sinh sẽ đánh dấu toàn bộ câu chuyện dụ ngôn. Người con đã chết nay đã đứng dậy và đã sống trở lại (Lc 15, 24.32) ?

Nhưng chính thái độ của người cha mới thu hút sự chú ý. Cho dù trong cuộc sống chúng ta có thể bắt gặp những người cha ngoại lệ như vậy. Chúng ta thấy ông Giacob từ chối trông con mình đi sang Ai Cập là đứa con út bởi vì « ông thương nó đến mức » mà những người con khác của ông hiểu rõ rằng ông sẽ không sống nổi nếu có xui xẻo nào xảy đến với nó (sách St 44). Có lẽ câu chuyện này cũng làm chúng ta liên tưởng đến ngày anh chàng trẻ Tobia trở về nhà, sau một thời gian được cha giao cho một nhiệm vụ cần làm là lấy lại số tiền mà ông đã cho một người mượn ở một xứ khác. Ông Tôbi tính toan tỉ mỉ phải cần bao nhiêu ngày thì con ông sẽ đi và về trở lại gia đình. Khi đến thời gian theo dự tính của ông, vẫn không thấy con trở về. Ông cho rằng con ông trở về chậm so với tính toán của ông chắc là phải có lí do. Vợ ông là bà Anna không khỏi băn khoăn về con trai. Bà cho rằng con bà đã chết, và dầu vậy bà vẫn không ngừng chờ ngày con trở về. Mỗi ngày bà ra nhìn trông con đường mà trước kia con bà đã lên đường ra đi. Ðến cuối ngày bà trở về nhà và than khóc con suốt đêm không ngủ. Thế rồi, một hôm ngày bà trông đợi đã đến. Bà đang ngồi trông ngóng con đường xưa để thầm nghĩ về con, bỗng chốc bà chợt thấy con mình xuất hiện và bà bảo chồng : Ông ơi con ông đã trở về. Bà ôm chồm lấy con và nói : « Con ơi, giờ đây mẹ đã gặp lại con, mẹ có thể chết cũng yên lòng. Thế rồi bà bật khóc. Còn ông Tôbi vì đã mù lòa từ mấy năm nay, nhưng cũng tìm đường ra gặp con trai. « Ôi con của cha, cha nhận ra con, con là ánh sáng của cha. »

Liên tưởng đến câu chuyện này khiến chúng ta đặt ra câu hỏi là tác giả Tin Mừng thánh Luca có biết đến câu chuyện trong sách Tôbia trên đây không ? Chúng ta không đề cập nhiều đến vấn đề này ở đây. Chúng ta chỉ nói ra ở đây rằng hai câu chuyện theo Luca và Tôbia có khác nhau. Chuyện dụ ngôn trong Tin Mừng Luca không hề đề cập đến vai trò cũng như nhân vật người mẹ của đứa con hoang đường. Vả lại chính người cha là người mòn mỏi trông mong chứ không phải người mẹ. Chính người cha nhận thấy con trên đường trở về chứ không phải người mẹ. Chính người cha hôn lấy hổn để người con chứ không phải người mẹ. Người cha không quan tâm lo lăng đến những qui tắc lúc bấy giờ trong xã hội ông là không đượ tiếp xúc với người bẩn thỉu vì sợ cho là ô uế. Ô uế vì con ông đã trở thành anh chàng chăn heo.

Trong câu chuyện của thánh Luca, người mẹ ở đâu ? Dù Luca không nói gì cả, chúng ta cũng có thể nghĩ rằng người cha trong dụ ngôn cũng chính là người mẹ. Bởi sau bao thời gian chờ đợi, thái độ của người cha cũng tỏ ra giống như thái độ của một người mẹ. Sách ngôn sử Isaia có nói về tính làm mẹ của Thiên Chúa bằng những lời như sau : « Ngưoì mẹ có quên con mình sinh ra, không còn yêu thương con mình nữa, nhưng Ta, Ta sẽ không quên ngươi bao giờ » (Is 49, 14-15). Có điều đặc biệt nữa là trong hai câu chuyện theo sách Tôbia và Tin Mừng Luca, người bị cho là đã chết nhưng vẫn còn sống, nhưng nơi câu chuyện của Tin Mừng Luca, không có khóc lóc, không có giọt lệ rơi, chỉ có niềm vui vô tận, vượt quá lí lẽ đời thường.

Câu 21 : Ðến lúc này người con lên tiếng thưa cùng cha tấm lòng thành thật thú nhận sai phạm với trời và với người cha. Cậu đã sẵn sàng tâm lý để đón lấy bất cứ hậu quả nào, mà điều thậm tệ nhất là ngay việc phải chấp nhận mất đi quyền làm con. Cậu thú nhận tội lỗi và xin được thứ tha. Nhưng thực ra trong câu chuyện này, sự tha thứ nơi người cha đã đi trước việc thú nhận của người con. Không lời chởi bới, hắt hủi gì cả. Xem ra có vẻ không có gì xảy ra giữa hai người. Niềm vui tràn ngập tất cả. Người cha không chú ý nghe gì, cũng như ông có vẻ không quan tâm chất vấn để biết đâu là những nguyên do việc con ông quay trở về. Sự tình diễn ra làm cho người con không có đủ thời gian để nói hết những điều cậu đã chuẩn bị trước khi lên đường trở về. Người cha không hề hay biết rằng trong thâm tâm con ông, cậu không còn là con trai của ông nữa, con trai của ông đã chấp nhận từ bỏ không là con của ông nữa. Thế nhưng, người cha không chú ý để nghe những lời đó. Ông đã mất một đứa con, đã nghĩ là con đã chết, và ai ai cũng cho là nó đã chết. Nhưng một hôm chính người con đó của ông xuất hiện trước mặt ông, còn sống. Với ông không gì quan trọng hơn sự thật con ông còn sống.

Câu 22 : Nhịp điệu của câu chuyện ngày càng thêm mạnh mẽ hơn. Người cha vội sai đầy tớ mang tới đủ thứ quí. Nào là áo mới, nhẫn, dép. Ông dành cho con mình tất cả những gì nói lên con ông mãi là người con mà ông yêu thương. Dù quá khứ có thế nào chăng nữa, con ông vẫn không mất đi quyền làm con. Cho con mặc áo mới không những làm quên đi thân phận nô lệ do chiếc áo cậu mặc xưa kia là chiếc áo dành cho đầy tớ làm thuê công nhật, mà còn thể hiện cho mọi người biết rằng đứa con mang biệt danh hoang đường đó mãi là con trai của ông và của gia đình ông, và cũng qua đó muốn nói lên điều nữa là con trai của ông cần phải được nhìn nhận có phẩm giá làm con đó. Việc được đeo nhẫn vào ngón tay cũng mang ý nghĩa quan trọng. Chiếc nhẫn đeo vào tay và mang đôi dép để không đi chân đất nữa nói lên quyền vốn có của một người con trong gia đình. Cậu biết nói gì lúc này nếu không phải chỉ có niềm vui tuân trào. Cậu đã chuẩn bị dây cót tâm lí đầy đủ cho ngày trở về gặp cha. Nhưng những cái cậu có được từ cha đều nằm ngoài suy nghĩ của cậu. Cậu đã sẵn sàng ngồi vị trí sau hết với lòng biết ơn. Cậu trở về vì đói và muốn tìm cơm ăn, và này đây cậu tìm được một người cha.

Câu 24 : Ông vui mừng nói lời hân hoan rằng vì con ông đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy. Ðó là lí do mà ông đưa ra để mở tiệc ăn mừng. Quả thật là một sự đón tiếp không ai ngờ. Nếu xét theo tính lô gích thông thường thì việc một con người bỏ quê hương, gia đình đi tới miền xa từ lâu, nhưng một ngày bỗng trở về trong tình cảnh éo le như thế thì làm cho người khác thương hại. Nhưng người cha trong câu chuyện này lại sống một thái độ hoàn toàn khác. Người cha không hề nhắm mắt trước quá khứ của con mình. Ông nói là con ông đã chết ! Có nên hiểu rằng việc rời gia đình, đất tổ đối với ông là đánh mất bản thân, và còn hơn thế nữa, chết đi tất cả những gì làm cho cậu con trai sống ? Và rồi việc trở về đồng nghĩa với việc tìm lại được sự sống ? Cái chết phải chăng đã được báo trước trong ý muốn xin chia phần gia tài được kế thừa và không còn phụ thuộc vào ai nữa, trong khi không ai có thể sống một cách thực sự nếu khép lại trên chính mình và không chấp nhận phải nhận từ người khác ? Hay là người cha tưởng con ông đã chết bởi ông chính ông đã cảm thấy ông cũng đã chết đi vì sự trống vắng của con ông, đến mức mà sự trở về của con đã mang lại những sắc mầu của buổi bình mình phục sinh ? Phải chăng giây phút của ngày trở về chính là giây phút của sự sống lại thật ! Có lẽ niềm vui dâng tràn lúc này trong trái tim người cha thể hiện nỗi đau đứt ruột nát gan nơi ông khi con bỏ nhà ra đi. Ở đây, chúng ta đụng đến trọng tâm của câu chuyện dụ ngôn. Ðó là tình thương yêu của người cha làm những điều mới mẻ. Quả thực không phải là một sự trở về nữa. Ðây là sự sinh lại một lần nữa, một sự xuất hiện mới trong đời.

Câu 25 : Ðến đây xuất hiện nhân vật mới là người con trưởng. Anh đi làm ở đồng về và chưa vào nhà đã nghe tiếng nhạc. Tác giả Tin Mừng Luca bây giờ mới nói đến người con trưởng. Trong phần lớn của câu chuyện mà chúng ta đã đi qua, người con thứ hầu như chỉ xuất hiện âm thầm một lúc, một sự hiện diện khiêm tốn vì tác giả tin mừng chỉ cho biết là cậu cả cũng nhận phần gia tài, cho dù không ai hỏi ý kiến gì của cậu. Cũng đến đây, câu chuyện dẫn chúng ta sống trong một khung cảnh của miền quê với những cánh đồng.

Câu 126 : Cậu cả liền gọi người đến hỏi chuyện gì đang xảy ra trong nhà. Thực ra phản ứng như thế của cậu cả không có gì gây ngạc nhiên cho chúng ta. Thông thường thì ở nhà yên bình vào mỗi lúc cậu đi làm về. Không có gì tự nhiên hơn bằng việc gọi một người giúp việc trong gia đình và hỏi : « chuyện gì trong nhà thế ? » Vả lại, cậu biết là ngày hôm nay không có lễ tiệc gì đình đám được định sẵn.

Câu 27 : Thì ra nhờ người đầy tớ cậu cả mới biết rằng em cậu đã trở về và đó là lí do của bữa tiệc linh đình. Nhưng đồng thời khi biết được sự thật, cậu bị choáng váng cả người. Cậu không thể tin nổi đó là sự thật. Làm sao cha cậu lại có thể giết chiên béo ăn mừng cho đứa em hư hỏng như vậy. Sao không có người ra đồng báo tin vui này cho cậu hay ? Cậu thứ trở về thình lình không liên quan tới cậu sao ? Thế là cậu sinh ra phẫn nộ vì những gì cha cậu đã và đang làm cho em cậu.

Câu 28 : Cậu nổi giận và không chịu vào nhà. Cậu đinh ninh không vào khiến cha cậu phải ra để xin cậu đừng làm như thế. Vậy là người con cả ở ngoài chính mình, trong khi đó chúng ta đã đề cập ở trên khi nói đến người con thứ là cậu ta đã « trở về trong chính mình » (câu 17) và cậu cả cũng ở ngoài nhà cha bởi cậu hết mực từ chối không chịu vào. Cậu không muốn dự phần vào buổi tiệc mà người cha đã mở ra vì em cậu mà không hỏi ý kiến của cậu. Em cậu lúc này là nhân vật chính của lễ tiệc, trong khi lâu nay nó đã là và còn là nỗi ô nhục của gia đình.

Câu 29 : Dường như ngay người cha cũng không thể thuyết phục người con cả vào chung tiệc của gia đình. Cuối cùng cậu cũng nêu ra lí do khiến cậu tức giận. Bấy lâu nay cậu sống vâng lời cha, phục vụ cha, mà không hề được mổ một con bê để chung vui với be bạn. Lúc này cậu cả trở nên vô cảm với mọi thứ, với việc làm của cha. Cậu không còn nghe gì nữa. Cậu cảm thấy không được nhìn nhận, bị đem ra làm trò đùa và bị phản. Cậu cảm thấy quá bất công khi chứng kiến những gì đang diễn ra trước mắt. Dường như người cha không bao giờ đi một bước trước cậu về những khao khát của cậu. Cậu luôn sống tuân phục cha mọi bề. Người cha chưa bao giờ nghĩ đến cho cậu một bữa tiệc, một lí do để cậu chia vui với người khác. Không, không gì cả. Thậm chí cha cậu cũng không nghĩ đến cậu vào lúc em cậu trở về.

Câu 30-31: Lời oán trách của cậu cả với cha mình chăng ? Sự phẫn nộ tăng lên trong cậu. Ðã lâu lắm rồi cậu không còn em nữa. Cậu còn có một người cha ? Có điều là cậu cả không biết được những gì cha cậu có đều thuộc về cậu. Sao cậu cả lại không hề hay biết việc hệ trọng như vậy trong gia đình ? Ðối diện với giận dữ của người con cả, người cha nói lại những lời mà có thể con ông đã quên từ lâu hoặc đã không khi nào để ý tới : « Con ơi, bấy lâu nay con ở cùng cha, những gì thuộc về cha đều thuộc về con ».

Câu 32 : Người cha bảo với con cả : Nên mở tiệc ăn mừng về em con đã chết và sống lại, đã mất và đã tìm lại được. Chúng ta thấy có một sự đảo ngược tình huống trong câu chuyện dụ ngôn này. Người con chưa bao giờ rời bỏ gia đình bỗng chốc ở ngoài gia đình chỉ vì ý nó muốn thế. Ðể có thể vượt qua được cái ngưỡng khó khăn đó, người con cả cần nghe lời của cha, vào nhà và đó nem trở về. Cậu cũng cần chấp nhận không chút do dự niềm vui mà người cha thể hiện đối với người mà không chỉ là con trai ông, mà con là em cậu trở về. Cậu cả có chấp nhận lời cầu xin của cha mình không ? Theo nhận định của W. Marchel : « Câu chuyện dụ ngôn không nói cho ta biết, nhưng nó không để phải nghi vấn gì về điểm này : không ai có thể ở bên cha nếu không đón nhận người con bị mất như người cha (…) Người con cả phải giang rộng đôi tay với người em để làm dấu chỉ hỏa giải, nếu không chính cậu cũng đánh mất chính mình ». Người cha đã tìm lại con mình, và người anh cả cũng phải tìm lại người em.

Vài điều rút ra từ câu chuyện dụ ngôn.

Nếu chỉ muốn dùng một từ để nhớ mãi khi đề cập đến dụ ngôn này, ắt hẳn đó là từ niềm vui. Chúng ta đã khám phá trong câu chuyện này, đặc biệt qua thái độ của người cha rằng niềm vui còn hơn cả sự tha thứ. Ðó là niềm vui của tình yêu bao la, niềm vui của người cha khi có con, nhất là khi tìm lại được con. Niềm vui chính là một khía cạnh của mầu nhiệm của Thiên Chúa mà chúng ta ít để ý. Có hay chăng nói rằng Thiên Chúa là niềm vui, như Người là Tình Yêu, và Thiên Chúa muốn niềm vui của Người được chia sẻ. Ðó là điều thứ nhất chúng ta rút ra được như một bài học đầy giá trị.

Ðiều thứ hai quan trọng nữa là chúng ta cần biết người cha trong câu chuyện này là ai. Chúa Giê Su đã dùng dụ ngôn để dạy và để mạc khải về Thiên Chúa Cha cho những ai không biết Người. Chúng ta là những người con yêu dấu của Cha, của một người Cha không mệt mỏi chờ đợi chúng ta, và sự trở về của chúng ta sẽ làm Cha tràn ngập niềm vui. Phải, Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Người Cha không ngừng mời chúng ta đến chia sẻ niềm vui với Người.

Ðiều thứ ba chúng ta muốn nhấn mạnh là việc làm con. Câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giê Su để lại hai hình ảnh về hai người con. Dù nhiều lúc con cái không biết sống làm con cho nên, người cha vẫn không bao giờ từ bỏ con, vốn là máu mủ của mình.

(Bài viết này chủ yếu dựa vào tác phẩm Ðứa con hoang đường. L’enfant prodigue của René LUNEAU. Coll. Evangiles, Bayard, 2005)