Nhân Ngày 30 Tháng Tư,

Nhìn Lại Thái Độ Một Đồng Minh


Nước Úc vốn có rất ít quan hệ với Việt Nam Công Hòa và không đóng vai trò quan trọng gì trong việc quyết định tương lai của nền Cộng Hòa ấy, nhưng có lúc họ cũng đã “lợi dụng” chiến tranh Việt Nam trong thế phòng thủ chiến lược của họ. Nên khi việc lợi dụng ấy không còn đáng giá nữa, cũng như mọi người khác, họ chẳng ngần ngại gì không quay 180 độ. Nhân ngày 30 tháng Tư, thử ôn lại bài học lịch sử năm xưa.

I. Liên Đảng và Chiến Tranh Việt-Nam

1. Một quyết định ngạc nhiên

Robert Menzies
Ngày 29 Tháng 4 năm 1965 (gần đúng 10 năm trước ngày 30-04-1975), Thủ tướng Menzies của Úc chính thức công bố sự can dự của Nước ông vào cuộc chiến ở Việt-Nam. Ông giải thích lý do của sự can thiệp này như sau:

“Việc mất Nam Việt Nam sẽ là một đe doạ quân sự trực tiếp đối với Úc và mọi quốc gia Miền Nam và Đông Nam Á Châu. Ta phải nhìn điều đó như là một phần trong cuộc nam tiến của Cộng sản Trung Hoa giữa Ấn độ và Thái Bình Dương”.

Bốn mươi năm đã trôi qua, đủ để người ta hiểu ra những nguyên động lực đã thúc đẩy ông Robert Menzies đi đến một quyết định quan trọng như thế đối với một quốc gia thực ra không có nhiều quan hệ gắn bó với Úc, một quyết định làm ngạc nhiên không những Việt-Nam Cộng Hòa mà cả người bạn đồng minh, đến lúc đó, vẫn được coi là hững hờ với số mệnh nước Úc, tức chính phủ Hoa-Kỳ.

Dù quân số do ông Menzies gửi qua Nam Việt-Nam ngày 29-04-1965 chỉ là một tiểu đoàn pháo binh với các đơn vị yểm trợ, nhưng đó là một đóng góp hết sức có ý nghĩa. Ý nghĩa đầu tiên đó là lực lượng chiến đấu, trong khi Hoa-kỳ chỉ hy vọng Úc sẽ gửi thêm huấn luyện viên cho Quân Lực Việt-Nam Cộng Hoà. Thực thế, để trả lời cho câu hỏi châm chọc của viên chức ngoại giao Úc (Waller) về các hành động có thể có của Mỹ từ tháng Giêng 1965 trở đi, Bundy đã bực dọc phản pháo bằng cách nhắc đến lời hứa của Úc gửi thêm 30 huấn luyện viên qua Nam Việt-Nam mà mãi vẫn chưa thấy thực hiện. Càng ý nghĩa hơn nữa là kế hoạch này, tuy được Mỹ và quốc hội chấp thuận và chính thức công bố ngày 29 tháng 4 năm 1965, nhưng thực ra đã được đưa ra từ ngày 18 tháng 12 năm 1964, lúc Mỹ chưa chính thức đưa quân tác chiến vào Nam Việt-Nam (thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên Đà nẵng tháng 3 năm 1965). Ý nghĩa thứ hai, đây là lực lượng chiến đấu gồm quân nhân không tình nguyện đầu tiên được gửi ra ngoại quốc trong suốt lịch sử Úc, và cũng là lực lượng đầu tiên gửi ra ngoại quốc tiếp sau lệnh động viên có tuyển lựa (selective compulsory conscription) ban hành năm 1964, nhằm nâng quân số lên 37.000 người. Quân số này là quân số tối đa. Trên thực tế, trước khi lệnh này được ban ra, toàn nước Úc chỉ có hai tiểu đoàn để phòng vệ một lục địa bao la. Số lớn khác đã phải phái qua Mã-Lai và Bắc Borneo. Xem như thế, thì số quân một tiểu đoàn chiến đấu kia qủa là một đóng góp có ý nghĩa. Đơn vị nhỏ bé ấy nhanh chóng phát triển thành một Lực Lượng Đặc Nhiệm (tương đương một Lữ Đoàn) gồm từ ba đến bốn tiểu đoàn với các đơn vị yểm trợ của Thiết Giáp, Công Binh, Pháo Binh và Tiếp Vận cũng như các đơn vị không quân, trực thăng và hải quân. Vai trò của các đơn vị này cũng nhanh chóng thay đổi từ canh gác và phòng bị qua trực tiếp hành quân chống lại Công Sản Việt-Nam. Quân số ấy lên đến cao điểm 8,000 người vào năm 1968-1969. Điều có ý nghĩa khác nữa là quyết định của ông Menzies được toàn dân ủng hộ, kể cả những nhân vật tên tuổi thuộc đảng đối lập như Whitlam, Beazley (Bố) và Benson. Và dù ông Menzies rời khỏi chính trường năm 1965, Chính phủ Liên đảng dưới sự lãnh đạo của Harold Holt vẫn đạt được chiến thắng lẫy lừng vào năm 1966 với một đa số lớn hơn trước nhờ một cử tri vẫn tin rằng cần phải có mặt và tiếp tục hiện diện ở Việt-Nam.

2. Konfrontasi

Ông Menzies quả đã đọc được ý nghĩ thầm kín của tuyệt đại đa số cử tri Úc. Thực ra, cái cử tri ấy chẳng mấy quan tâm đến điều ông Menzies chính thức nói ra. Họ không hẳn sợ anh khổng lồ Trung Quốc xa xôi, mà sợ cái anh chàng hàng xóm Nam Dương kế cận. Và ông Menzies khi cam kết đem quân vào Việt-Nam chỉ là bỏ ra một mà nhằm lời cả trăm. Đã đành người Úc rất sợ anh khổng lồ Trung Quốc. Cái biển người Quân Đội Nhân Dân Trung Hoa tràn vào Triều Tiên thập niên 1950 là hình ảnh ít người Úc nào có thể quên được. Nhưng điều họ sợ hơn cả chính là chính sách Konfrontasi (Đương Đầu) của Nam Dương năm 1963 và sự hững hờ trông thấy của Mỹ đối với Hiệp Ước Mỹ Úc Tân Tây Lan (ANZUS) ký năm 1951, một hiệp ước Úc đặt rất nhiều kỳ vọng.

Ai cũng biết sau Thế Chiến Hai, Chính phủ Lao động của Thủ tướng Chiefly rất có thiện cảm đối với yêu sách tự trị của Nam Dương, một phần vì những cam kết sâu xa đối với Hiến Chương Đại Tây Dương (Atlantic Charter) năm 1941, một phần vì muốn loại trừ ảnh hưởng của Hòa Lan ra khỏi bán đảo này. Điều này khiến ngoại trưởng Nam Dương, Tiến sĩ Subandria, gọi Úc là “bà đỡ của Cộng Hòa Nam Dương”. Nhưng thái độ ấy không được cả Anh lẫn Mỹ có thiện cảm, vì hai cường quốc này, lúc ấy, vẫn muốn Nam Dương tiếp tục nằm trong những bàn tay “thân hữu” (thực dân). Do đó, chính phủ kế tiếp của Liên Đảng, lên cầm quyền năm 1949, đã thay đổi chính sách đối với Nam Dương, nhất là khi thấy sự thỏa hiệp lộ rõ giữa Nước này và Đảng Cộng sản Úc qua vụ Nghiệp Đoàn Công Nhân Bến Tầu từ khước không chịu chất hàng cho tầu Hòa Lan đi Nam Dương. Liên Đảng, vốn không thích chủ nghĩa cộng sản, nên đã ngờ vực bất cứ ai bắt tay với nó. Cảm tình thân Hòa-lan vì thế dâng cao. Có người cho hay Menzies đáng lý ra đã có thể chỉnh đốn được cái thiên kiến hẹp hòi ấy nếu không có vấn đề Tân Guinea (New Guinea) với tầm quan trọng chiến lược của nó. Người Úc vốn không quên năm 1942, khi việc chém giết của người Nhật xẩy ra ngay bắc Port Moresby. Ký ức ấy khiến tân tổng trưởng ngoại giao, P.C. Spender tuyên bố Tân Guinea là “chiếc móc hoàn toàn chủ yếu trong dây xích phòng thủ Nước Úc” và thêm rằng Úc có “bổn phận, bằng mọi phương thế có thể có, đảm bảo rằng tại khu vực đảo kế cận Úc, theo bất cứ hướng nào, không gì có thể xẩy ra mà lại đe doạ cách này cách khác tới Úc được”. Một trong những phương thế ấy dĩ nhiên là việc ủng hộ sự tiếp tục hiện diện của người Hòa Lan tại Tây Tân Guinea (nay là Irian Jaya) như một trái độn chống lại chủ nghĩa bành trướng của Nam Dương. Chính phủ Liên đảng vì thế một mặt hợp tác với Hòa Lan, một mặt vận động (lobby) với Liên Hiệp Quốc làm nản yêu sách của Nam Dương đối với hòn đảo này. Úc làm thế một phần vì chắc mẩm cả Anh lẫn Hoà kỳ đều mặc nhiên ủng hộ sự hiện diện tiếp tục của Hòa Lan tại Tây Tân Guinea. Dù sao, Úc từng ký ANZUS với Mỹ với kỳ vọng cột chặt Nước Mỹ trước nhất và đầu hết vào việc phòng thủ Úc (dù Hiệp Ước chỉ dự trù ba bên “tham khảo” trong trường hợp một trong ba bên bị tấn công. Không như NATO coi cuộc tấn công chống một nước hội viên là tấn công mọi nước khác trong Hiệp Ước). Nhưng các biến cố lúc đó cho Úc thấy sự chắc mẩm của họ không có căn bản: cả Anh lẫn Mỹ đều tiếp tục chở vũ khí đến Nam Dương. Đứng trước sự thật ấy, Úc bắt đầu dịu giọng và mời ngoại trưởng Nam Dương, Subandria, qua Canberra. Thái độ dịu giọng ấy làm dư luận dân chúng phản đối khiến chính phủ Menzies, lúc ấy chỉ nắm được đa số một phiếu tại Hạ viện, phải quay trở lại chính sách cứng rắn cũ. Tuy nhiên, đã quá muộn. Lợi dụng thái độ hoà hoãn của Canberra, Nam Dương đẩy mạnh yêu sách của họ đối với Tây Tân Guinea. Tháng Sáu 1958, Nam Dương cho hay họ không tha thiết đến các phương thế luật lệ nữa, nhưng muốn dùng “tranh đua lực lượng” để giải quyết tranh chấp với Hòa Lan. Tình thế đi vào ngõ bí. Đại Hội Đồng LHQ năm 1961 không giải quyết được gì: chán chường vấn đề, chính phủ Hòa Lan trao nó cho LHQ giải quyết. Nhưng LHQ từ chối. Mỹ và phần lớn các quốc gia khác không muốn ủng hộ bất cứ cố gắng nào nhằm ngăn cản Nam Dương chiếm hữu lãnh thổ này, vì Tiến sĩ Sukarno lúc đó rất có ảnh hưởng đối với Thế Giới Thứ Ba. Mặt khác, lúc ấy cũng là lúc Ấn Độ chấm dứt sự hiện diện thực dân của Bồ Đào Nha tại Goa bằng võ lực. Khi thấy LHQ bất lực, thái độ của cả Nam Dương, Hòa Lan và Mỹ đều thay đổi. Một ngày sau khi Ấn xâm lăng Goa, Tổng thống Sukarno ra lệnh tổng động viên. Ông còn gửi cho TT Kennedy một bức thư đe doạ rằng Nam Dương sẽ sử dụng võ lực, nếu cần, để giải quyết tranh chấp. Chính phủ Mỹ tìm mọi cách ngăn chặn chiến tranh, nên đã kêu gọi hai bên ngồi vào bàn thương nghị. TT Kennedy áp lực Hòa Lan bãi bỏ điều kiện tiên quyết đòi cho dân Tây Tân Guinea được quyền tự trị, và nhận làm trung gian thương nghị. Dù không chính thức từ bỏ điều kiện tiên quyết ấy, nhưng đến cuối năm 1961, Hoà Lan miễn cưỡng phải chấp nhận thực tế trước áp lực quân sự của Nam Dương và áp lực ngoại giao của Mỹ. Kết quả: một thoả ước được ký ngày 15 tháng 8 năm 1962 đặt Tây Tân Guinea (Đông Tân Guinea vốn dưới quyền quản trị của Úc) dưới quyền quản trị của LHQ trong một thời gian ngắn, trước khi trao qua tay Nam Dương. Ngày 17 tháng 8 năm 1963, khi Sukarno tuyên dương “Năm Chiến Thắng”, ông ta biết rằng nạn nhân của ông ta bao gồm luôn nước Úc. Ít nhất ông ta cũng biết rằng từ nay trở đi, nếu có tranh chấp giữa hai nước, ông ta chắc chắn khỏi bận tâm đến phản ứng của người bảo bọc Úc là Nước Mỹ.

Úc chẳng làm gì được trong trận tranh chấp trên chỉ vì cái Lục quân nhỏ bé của mình lúc ấy chỉ gồm 4 tiểu đoàn bộ binh cộng với một ít đơn vị yểm trợ. Năm 1955, Menzies gửi một trong các tiểu đoàn kia qua Mã Lai (Malaya) như một phần trong Lực Lượng Trừ Bị Chiến Thuật Khối Thịnh Vượng Chung.

3. Động Viên

Sau khi chính sách đối với Tây Tân Guinea thành công, Sukarno áp dụng nó cho tân quốc gia Mã Lai Á (Malaysia), vừa được thành lập từ Mã-lai, Sarawak, Bắc Borneo, Tân Gia Ba và Brunei. Khởi đầu chỉ khẩu chiến, tiếp theo là biểu tình và bạo động chống Anh và chống Mã Lai Á. Cuối cùng là xâm nhập quân sự, vượt qua biên giới, gây rối Bắc Borneo. Anh lập tức gửi quân qua và Úc theo chân gửi qua đó một tiểu đoàn để “duy trì ổn định trong vùng”. Còn lại 2 tiểu đoàn bảo vệ đất liền và nhiều lãnh thổ rải rác khác!

Có điều ông Menzies vẫn được lòng dân. Cuộc bầu cử tháng 11 năm 1963 với chủ đề quốc phòng vẫn đem lại cho ông thêm bẩy ghế nữa tại Hạ Viện. Với chiến thắng này, ông chuẩn bị đối đầu với Nam Dương. Việc đối đầu này chỉ bao gồm những cuộc hành quân chống khởi loạn tại Bắc Borneo. Tuy nhiên, chính phủ Menzies rất lo ngại một cuộc tấn công trực tiếp của Nam Dương vào lãnh thổ mình, nhất là Tân Guinea. Thực vậy, tháng 5 năm 1964, nhân khi kêu gọi “21 triệu chí nguyện quân” lên đường đè bẹp Mã Lai Á, Sukarno cảnh cáo Úc đừng nhúng tay vào vì đây là vấn đề của riêng người Á Châu; nếu Úc cứ nhúng tay vào, thì Úc hoàn toàn chịu lấy trách nhiệm. Tại quốc hội, một cuộc tranh luận nổ ra là trong trường hợp Nam Dương tấn công, liệu Mỹ có vì hiệp ước ANZUS mà can thiệp không. Ông Menzies mạnh miệng nói là có. Nhưng phần đông vẫn lo sợ là không (dù tháng 12 năm 1963, Sukarno phải giật mình khi thấy một phần Hạm Đội 7 diệu võ dương oai ngay ngoài khơi Nam Dương và Dean Rusk doạ sẽ nại đến Hiệp Ước ANSUZ, khi quân đội Úc và Tân Tây Lan bị liên lụy). Chính trong bầu khí ấy, dự luật động viên đã được đệ trình quốc hội ngày 10 tháng 11 năm 1964, nâng ngân sách quốc phòng lên thêm 41 triệu bảng và nâng số quân lên 37.000 người.

Người Úc vốn không thích chi tiêu nhiều về quốc phòng. Họ muốn các đồng minh của họ gánh đỡ. Bất đắc dĩ, họ mới phải thắt lưng buộc bụng như lần này. Bất đắc dĩ này, có người cho, là do áp lực của Mỹ trước nhu cầu chiến tranh Việt-Nam. Úc thường bị Mỹ chỉ trích là chuyên dùng những phương cách rẻ tiền để mời gọi sự can dự của Mỹ. Chính vì vậy năm 1962, Dean Rusk nhắc khéo Barwick (ngoại trưởng Úc) về sự hiện diện của 8,000 quân nhân Mỹ ở Việt-Nam, trong khi số quân nhân của Úc là không. Cho nên, khi nghe tin Úc ra lệnh động viên, Rusk rất hài lòng và hứa sẽ phúc trình cho Johnson tin gia tăng ngân sách quốc phòng của Úc. Đàng khác, ngày 24 tháng 11 năm 1964, Hasluck và Howson đã đích thân trao sắc lệnh động viên của quốc hội cho Hoa Thịnh Đốn. Chính Hasluck minh xác với các ký giả rằng tình hình ở Lào và Việt-Nam nguy kịch hơn cả Konfrontasi. Và để chứng minh điều ấy, Menzies phái một tiểu đoàn chiến đấu qua Việt-Nam, quá cả lòng mong đợi của Mỹ, với lời giải thích hoàn toàn phù hợp với đường lối của Hoa Thịnh Đốn lúc bấy giờ.

Các nhà bình luận Úc ngày nay như Peter Edwards, Frank Frost, Gregory Pemberton…phần lớn không tin ông Menzies nói thật lòng mình. Chiến lược của ông thật sự nhằm vào việc cột chặt nước Mỹ vào hiệp ước ANZUS, để phòng khi Sukarno làm ẩu, Mỹ sẵn sàng nhẩy vào chống đỡ, chứ không tơ lơ mơ như trước đây. Và ông vẫn chỉ áp dụng phương cách rẻ tiền để đạt mục đích: một tiểu đoàn, sau này thành lữ đoàn, quá rẻ so với Hạm đội 7 và hoả tiễn liên lục địa của Mỹ. Edwadrs cho hay: vấn đề trước mắt của việc động viên và gia tăng ngân sách quốc phòng là nguy cơ Nam Dương xâm lăng Tân Guinea, chứ không phải Việt-Nam. Tuy nhiên, muốn giải thoát khỏi cái ám ảnh Nam Dương ấy, 37,000 quân và 41 triệu bảng gia tăng ngân sách cũng đâu thấm thía gì so với lực lượng hùng hậu của “địch thủ”, đến lúc ấy ít nhất cũng gồm 60,000 quân với đầy đủ tiềm thủy đỉnh hạng “W”, tuần dương hạm hạng nặng, oanh tạc và chiến đấu cơ tối tân. Điều họ không thực hiện được bằng súng đạn quân số, họ bắt buộc phải trông mong thực hiện được bằng liên minh quân sự (ANZUS). Pemberton vì thế cho rằng: Đe doạ từ Trung Hoa chỉ là một cường điệu (hyperbole). Nam Dương, chứ không phải Trung Hoa, mới là mối lo thực sự và lâu dài. Mục tiêu tức khắc đàng sau cam kết kia (đem quân vào VN) là để thắt chặt thế liên minh với Mỹ quá bên kia những ràng buộc lỏng lẻo của ANZUS. Hy vọng duy nhất có thể khiến Mỹ can dự vào vấn đề Nam Dương là ủng hộ Mỹ tại Việt-nam, như nhận định của bộ trưởng Alan Renouf, một người rất có ảnh hưởng đối với Mỹ: chính sách của Mỹ đối với (vấn đề) Nam Dương không có chi rõ rệt và cứng rắn như người Úc mong muốn; nên cần đạt được một mức độ gần gũi thường xuyên trong các liên hệ với Hiệp Chúng Quốc… để đến lúc ta cần… Hiệp Chúng Quốc sẽ không còn do dự đáp trả như lòng mong đợi của ta. Thái độ Mỹ chung quanh vấn đề Tây Tân Guinea và Bắc Borneo cho Úc thấy rõ họ không có cùng mối lo sâu xa đối với Nam Dương. Mặt khác, cả Anh lẫn Mỹ lúc đó đều không có lợi lộc gì trong việc kình chống Nam-Dương, một nước đang có ảnh hưởng mạnh đối với Thế giới Thứ ba và đang đe doạ quốc hữu hóa các đầu tư ngoại quốc lên đến hơn 5 trăm triệu đô-la. Dù Mỹ cho hay họ hoàn toàn cam kết đối với Úc, nhưng Menzies rất lo ngại khi không thấy dấu hiệu cũng như tuyên bố công khai nào về sự cam kết ấy. Cho nên, như câu ngạn ngữ Ả-rập: “Nếu núi không đến với Mohammed, thì Mohammed phải đến với núi thôi”, Úc đành phải kiếm cách cột Mỹ vào vấn đề bảo vệ Úc. Cơ may thật đúng lúc khi Mỹ đề nghị Úc cung cấp thêm cho Việt-Nam các huấn luyện viên và một ít viện trợ hải và không quân. Như ta đã thấy, Úc nắm ngay cơ hội và làm hơn thế nữa bằng cách đề nghị đưa quân chiến đấu vào, khiến William Bundy, Phụ tá Bộ Ngoại Giao Mỹ, phụ trách Đông Nam Á, mừng hết chỗ nói vì ông ta chỉ mong Úc cung cấp huấn luyện viên mà thôi.

Như trên đã nói, một tiểu đoàn với các đơn vị yểm trợ thật nhỏ so với cam kết của Mỹ, một siêu cường quân sự và ngoại giao. Ông Menzies đã làm theo khuyến cáo của bộ Ngoại giao Úc: cam kết của Úc đối vớiViệt-Nam trong tương lai sẽ là một giá nhỏ để mua cam kết lớn hơn của Mỹ đối với ANZUS. Một nhà bình luận khác kết luận: Cộng Hòa Việt Nam không bao giờ là mối quan tâm thực sự, tư lợi (self-interest) xét cho cùng mới là điều chủ yếu.

II. Đảng Lao Động và Chiến Tranh Việt-Nam

4. Đất lở 1966

Gough Whitlam
Chính sách của Menzies được khá nhiều nhân vật thuộc đảng Lao-Động ủng hộ. Lúc ấy, Lao Động chia thành ba nhóm: nhóm về phe với chính phủ, như trên đã nói, gồm Whitlam, Beazley và Benson, trong khi Calwell, Cairns và Fraser đứng giữa, còn Uren, Cameron và Johnson thì cực lực chống đối. Năm 1980, Clyde Cameron có viết cuốn China, Communism And Coca-Cola mục đích thuật lại ba chuyến viếng thăm Trung Quốc năm 1977, 1978 và 1979 của phái đoàn quốc hội Úc do ông cầm đầu. Nhân khi đề cập đến cuộc tranh chấp võ trang giữa Trung Quốc và Việt-Nam, Cameron có giành một chương nói về Đảng Lao Động và vấn đề Việt-Nam, trong đó, ông xác nhận Whitlam, lúc đó là phó của Calwell, lãnh tụ đối lập, đứng về phía chính sách Liên Đảng. Cameron thêm rằng, đến năm 1966, Calwell ra mặt chống đối điều ông gọi là “cuộc chiến tranh dơ bẩn và không thể thắng được này” và ông biến việc triệt thoái tức khắc và vô điều kiện các lực lượng Úc thành một vấn đề tranh cử. Whitlam không đồng ý với lãnh tụ của mình. Mười một ngày sau khi Calwell đọc diễn văn chính sách, ông viết một bài trên tờ Sydney Daily Mirror cho rằng chính phủ Lao-Động sẽ “gửi quân chính qui” qua Việt-Nam, sau khi tham khảo hai chính phủ Mỹ và Nam Việt-Nam. Một tuần lễ sau khi bài báo kia xuất hiện, Whitlam nhắc lại chủ trương của ông tiếp tục để lực lượng Úc tại Việt-Nam. Lúc ấy cuộc tranh cử đang bước vào tuần lễ cuối cùng, cả Đảng Lao-Động lên cơn sốt. Truyền thông và Đảng Tự Do chĩa mũi dùi vào vụ chia rẽ công khai giữa Lãnh tụ và Phó Lãnh tụ Lao Động. Chiến dịch tranh cử của Đảng ra tả tơi. Calwell không thể làm gì khác hơn là tái khẳng định chính sách của Đảng. Chưa bao giờ người ta thấy sự rạn nứt to lớn như thế nơi một đảng chính trị. Lao-động dĩ nhiên không mong chiến thắng lần này, nhưng sự chia rẽ kia đã khiến cho sự thất bại của họ trở thành đất lở (landslide). Ngoài vụ thất bại của chính Whitlam năm 1975, chưa bao giờ Lao-Động thua đau như thế kể từ thập niên 1930.

5. Một trăm tám mươi độ

Việc Whitlam được bầu làm lãnh tụ sau cuộc bầu cử 1966 không làm thái độ ông thay đổi chút nào đối với vấn đề duy trì các đơn vị chính qui Úc tại Việt-Nam. Tuy nhiên, tháng Giêng 1968, ông qua Việt-Nam lần nữa để gặp Ellsworth Bunker, Đại sứ Mỹ và tướng Westmoreland. Theo Graham Freudenberg, phía Mỹ hết sức nhồi nhét tuyên truyền Whitlam. Westmoreland cho ông hay: không một nơi nào trên lãnh thổ Việt-Nam Cộng Hòa mà Việt Cộng lại có thể sống sót quá 24 tiếng đồng hồ. Từ Việt-Nam, Whitlam ra lệnh cho Lance Barnard chuẩn bị một cuộc họp ‘Nội Các Bóng Tối’ bất thường tại Sydney một ngày sau khi ông về tới nơi. Cameron cho hay ai cũng hồi hộp chờ tuyên bố giật gân của Whitlam. Nhưng không, ông cho hay muốn được nghe các thành viên trong ban lãnh đạo thảo luận về chiến thuật cho kỳ họp Mùa Thu của Quốc hội. Mọi người chưng hửng. Có người đồ đoán rằng biến cố Tết Mậu Thân, xẩy ra trong thời gian Whitlam lưu tại Việt-Nam, đã làm ông mất tin tưởng vào khả năng của Mỹ và do đó khiến quan điểm của ông quay một vòng 180 độ. Ông định nói nhưng quá mắc cỡ nói ra không được! Phải chờ đến 1972, lúc phần lớn công luận phản đối sự can dự của Úc vào chiến tranh Việt-Nam, quan điểm chống chiến tranh Việt-Nam của Whitlam mới công khai được trình bầy và đạt thắng lợi qua cuộc tổng tuyển cử năm đó.

Có điều sự trở mặt của Whitlam thật là triệt để. Nó không những chỉ đụng đến lực lượng Úc, mà đụng đến cả bản chất và danh dự của Việt-Nam Cộng-Hòa. Tháng 3 năm 1975, Tổng thư ký Bộ Ngoại giao là Alan Renouf phúc trình rằng: “tiếp tục kêu gọi tôn trọng Hiệp Định Paris chỉ ‘phục vụ mục tiêu của Sài-gòn mà thôi (tức là duy trì việc phân đôi Việt-Nam, vốn không phải là mục tiêu của Hà-Nội, và nhất định không thể là mục tiêu của Úc), và không nhìn nhận rằng áp lực quân sự là cách duy nhất thay đổi được hiện trạng”. Vì tin C.I.A. cho hay Sài-gòn có thể thất thủ trong vòng một tháng, nên ngày 2 tháng 4, Gough Whitlam cho phép Bộ Ngoại giao ra chỉ thị cho các đại sứ Úc tại Sài gòn và Hà-nội gửi thư cho hai chính phủ Nam Bắc. Thư cho miền Nam chỉ gồm 196 chữ, chủ yếu nói rằng trừ khi lời kêu gọi thống nhất của Hiệp Định Paris được thi hành, việc sớm chấm dứt chiến tranh sẽ không có được. Thư gửi miền Bắc có khác: dài 499 chữ. Thư này kêu gọi tái thống nhất và thêm rằng: “chúng tôi lượng giá thấy Thiệu không cho thấy dấu hiệu gì là sẵn sàng làm điều đó, và chính phủ Úc hiểu cảm thức thất vọng khi phải dùng lại áp lực quân sự đối với Thiệu, mặc dù chúng tôi không thể làm ngơ biện pháp ấy. Trong vấn đề này, chính phủ Úc tin rằng hiệu quả sẽ rất thuận lợi nếu Chính Phủ Lâm Thời (PRG) cho người ta thấy rõ những cuộc hành quân quân sự gần đây có mục đích gây áp lực cho việc tuân giữ các điều khoản chính trị từng bị làm ngơ của Hiệp định Paris và những cuộc hành quân ấy sẽ chấm dứt khi Sài-gòn đưa ra các bảo đảm thoả đáng thi hành các điều khoản chính trị kia”.

6. Phù Thịnh

Phù thịnh là lẽ thường tình. Tuy nhiên, ngày 10 tháng 4, khi Malcolm Fraser, trong buổi chất vấn chính phủ tại Quốc hội, tố cáo Whitlam thiên vị Hà-Nội, Whitlam lại chối mà cho rằng ông ta không gửi hai bức thư đó mà là Bộ Ngoại giao, vả lại hai bức thư đó hoàn toàn có nội dung như nhau. Khi Fraser đòi coi hai bức thư, thì Whitlam từ chối. Trong khi ấy, Hà-Nội tăng cường cuộc Nam tiến của họ. Ngày 20 tháng 4, Đại sứ Úc tại Sài-gòn gửi một điện báo mật cho Whitlam cho hay Sài-Gòn sắp sửa thất thủ và “một trận đánh đẫm máu và vô vọng” sắp sửa xẩy ra. Tuy nhiên Đại sứ G.J. Price tiên đoán “một kết liễu nhanh chóng và tức tưởi cho sự hiện hữu của Sài-gòn trong tư cách thủ đô của Việt-Nam Cộng Hòa”. Ông khuyến cáo triệt thoái toàn bộ Tòa Đại sứ vào cuối tuần. Điện báo tiếp: “Như tôi đã nói sẽ có thể có hai nguy hiểm chính đối với các người Úc nếu họ tiếp tục lưu lại Sài-gòn. Nguy hiểm thứ nhất là bị thương trong các cuộc oanh tạc và đánh nhau nếu xẩy ra cận chiến trong thành phố. Nguy hiểm thứ hai là trong khoảng giữa lúc quân đội Việt-Nam Cộng Hoà ngưng kháng cự và lúc quân đội Bắc việt tiến vào. Một vài ngày hỗn loạn có thể kéo dài trong đó mọi người Tây phương (caucasians) có thể lâm nguy, không do đoàn quân xâm nhập mà do đoàn quân thất trận. Phần lớn vì lý do này, mà người Mỹ đã hoạch định một cuộc thao diễn quân sự để che chở cho việc triệt thoái sau cùng toà đại sứ của họ. Cho nên tôi nghĩ rằng dù khó nói tôi cũng phải cẩn trọng mà yêu cầu cho toà đại sứ Úc được triệt thoái qua Bangkok hay Singapore chờ đợi các diễn biến. Tôi sẽ khai triển thêm điểm này”. Trong điện báo, ông đại sứ yêu cầu phái trực thăng Hercules của Không quân Úc qua Sài-Gòn chở nhân viên tòa Đại sứ, các cư dân Úc, các nhà báo Úc và những người khác. Ông muốn toàn bộ nhân viên toà Đại sứ bao gồm cá nhân ông được di tản hạn chót là 24 tháng 4. Ông lo ngại cho số phận các nhân viên địa phương cùng với các thân nhân hay các người vợ lấy viên chức Úc và yêu cầu được quyền cho “bất cứ ai có thông hành Úc” được bao gồm trong kế hoạch di tản.

Điện báo mật trên cùng với bản sao hai bức thư gửi Hà-Nội và Sài-Gòn ngày 2 tháng 4 lọt vào tay báo Sydney Morning Herald. Hai bức thư gửi Hà-nội và Sài-gòn khiến Tờ bào kêu gọi Fraser tìm mọi cách hạ bệ chính phủ Whitlam. Bài xã luận ngày 30-04-1975 của báo này được Graham Freudenberg trích lại trong A Certain Grandeur. Ông cho hay đây là một trong những bài xã luận dài nhất của tờ báo kỳ cựu nhất nước Úc. Tuy nhiên, Ông chỉ trích một phần như sau: “Thủ tướng đã nói láo với Quốc hội. Ông đã lừa dối nhân dân Úc. Ông đã lạm dụng lòng tin cậy của họ đối với ông… Tính cách hai mặt của ông đã bị phanh phui một cách đáng bị kết án do việc công bố (không có phép) các chỉ thị mật do Ông Whitlam gửi cho các Đại sứ của chúng ta tại Hà-nội và Sài-Gòn. Việc công bố này đem ra công khai xì-căng-đan chính trị trầm trọng nhất từ ngày có Liên Bang. Điều có liên hệ đi sâu hơn những câu hỏi về sự chính xác và đúng đắn trong chính sách ngoại giao của Ông Whitlam… Vấn đề quan hệ ở đây là tính đáng tin cậy của Thủ tướng và chính phủ của ông. Bản văn của các bức thư cho thấy Ông Whitlam không đáng được tin cậy. Chúng tôi tin rằng giờ đây Ông Fraser có nghĩa vụ rút lại cam kết của ông không buộc Chính phủ phải tổ chức tổng tuyển cử… Cần phải dùng mọi phương thế hợp pháp buộc Chính phủ phải trả lời trước toà án nhân dân… Dọc dài suốt thời kỳ tồi tệ này, Thủ tướng đã nói một đàng làm một nẻo. Ông đã dối trá để ngăn không cho Quốc hội và nhân dân biết điều ông làm và hướng ông dẫn chính sách ngoại giao của Úc đi đâu. Hành động của ông là hành động che đậy (dissimulation) và lừa dối (dupplicity). Cả ông lẫn chính phủ ông đều không còn đáng tin cậy nữa. Một chính phủ không còn tin cậy được, lạm dụng quyền lực và thẩm quyền giữ bí mật của mình là một chính phủ tự làm mất quyền cai trị của mình. Cần phải hạ bệ nó”.

Bài xã luận tiếp tục tấn công Whitlam đã chỉ cho Hà-nội cách “làm thế nào đánh lừa dư luận thế giới” và lần lữa không chịu đưa ra các chỉ dẫn liên quan đến việc người Việt-Nam muốn xin tị nạn tại Úc. Những điểm trên cho thấy rất rõ thái độ mà người Việt thường gọi là ăn cháo đá bát của Whitlam, nếu không nói là của cả chính phủ Lao-Động lúc ấy. Thực vậy, bình luận về chính sách của Whitlam, Cameron, lúc ấy là Bộ trưởng Lao-động và Di trú, cho hay ông ta hoàn toàn nhất trí. Vì “Đến ngày 2 tháng 4 năm 1975, Chính phủ biết rõ cuộc chiến gần như đã kết thúc. Theo quan điểm riêng của tôi, bên chính nghĩa đã thắng! (the right side had won!). Quả là thích đáng khi Whitlam thực tiễn đủ để chấp nhận thực tế này là Hà-nội không còn cách nào khác hơn là duy trì áp lực quân sự đối với Sài-gòn nếu muốn chấm dứt sớm cuộc chiến tranh. Whitlam đúng khi hàm ý rằng Chính phủ Úc tin trở ngại chính cho hòa bình là sự ngoan cố của Sài-Gòn… Thật là hợp lý khi ông sớm cho thấy cảm tình ông dành cho Hà-nội” (tác phẩm đã dẫn, tr.228). Cameron cũng nhất trí đối với chính sách di trú áp dụng cho người Việt lúc ấy. Úc là một quốc gia độc lập, họ có quyền áp dụng chính sách di trú thế nào thì đó là thẩm quyền của họ. Ông ta cũng có quyền không tin chuyện “tắm máu”. Nhưng chủ trương rằng “mọi người Việt-nam đều đựơc đối xử cùng y một cách như các ứng viên di trú Âu châu” (tr.229) là đã quên đi cái quá khứ mười mấy năm trời ơn phúc do đoàn quân ít ỏi của Úc tại Việt-Nam đem lại cho thế an toàn chiến lược của Úc, một thế chiến lược ông Menzies đã dầy công xây dựng và các chính phủ kế tiếp tận cho đến ngày nay vô cùng trân quí gìn giữ.

7. Những tên di dân khốn kiếp

Nói một đàng làm một nẻo. Không biết chính sách di trú đối với ứng viên Âu Châu như thế nào, nhưng Whitlam đã hủy bỏ kế hoạch của Lance Barnard trong việc không vận trẻ mồ côi từ Việt-Nam qua Úc, đồng thời ra lệnh (vượt cả thẩm quyền Bộ Di Trú) không được cứu xét mọi đơn xin cho người Việt-Nam (Đã dẫn, tr.229). Câu nói của Whitlam trả lời Don Willesee ngày 21 tháng 4, khi ông này đến để vận động cho một số người Việt được tới Úc, đủ nói lên tất cả: “I’m not having hundreds of fucking Vietnamese Balts coming into this country with their religious and political hatreds against us” (tôi sẽ không nhận hàng trăm tên di dân khốn kiếp Việt-nam vào xứ này với lòng thù hận tôn giáo và chính trị của chúng chống lại chúng ta) (Đã dẫn, tr.230). Cameron cũng nhất trí như thế và nói thêm với Willesee: “Tôi thấy không có lý do gì khiến ta lại phải liều mở cửa cho các tên tội phạm chiến tranh” (Đã dẫn, cùng trang). Không biết Whitlam và Cameron muốn ám chỉ ai, nhưng Willesee đã cho họ hay ông ta không muốn xin cho “những khuôn mặt quân sự và chính trị lớn trong chính phủ Thiệu” vì những người này dư sức tự lo liệu lấy được và phần lớn nhất định sẽ qua Mỹ. Ông ta chỉ muốn xin cho những người phối ngẫu Việt-Nam của những người Úc không phải là viên chức. Whitlam miễn cưỡng đồng ý. Được đà, Willesee xin cho những ai liều mình bị “tiền trảm hậu tấu, bị hành hung, bị đối xử tàn bạo, vô nhân, và mất nhân phẩm” được tị nạn chính trị. Ông nhắc Whitlam nhớ lại những giúp đỡ Úc từng dành cho các nạn nhân của cuộc đảo chánh quân sự ở Santiago, gương lãnh tụ Imre Nagy của Hung gia lợi bị Hồng quân Nga ‘tiền trảm hậu tấu’ ra sao năm 1956 dù được chính Liên Sô hứa an toàn. Ông đặc biệt xin cho các công nhân viên người Việt làm việc cho Tòa Đại sứ Úc, vì theo ông, Úc có nghĩa vụ tinh thần giơ tay đón tiếp họ. Nhưng Whitlam từ khước thẳng thừng (Đã dẫn, tr.231). Ông cũng từ khước không cho các sinh viên từng du học tại Úc nhưng sau khi tốt nghiệp đã trở lại Việt-Nam nay muốn nhập cảnh. Cameron tóm tắt những người sau đây được và không được Whitlam chấp thuận. Được: người phối ngẫu Việt-Nam và con cái của người Úc không phải viên chức; người phối ngẫu, con cái, vị hôn thê/phu của các sinh viên Việt-nam đang học tại Úc (cha mẹ không được); công dân Việt-Nam có liên hệ mật thiết với sự hiện diện của Úc tại Việt-Nam và đời sống bị đe dọa có thể đệ trình về Úc cứu xét tùy trường hợp. Không được: các nhân viên địa phương làm việc cho Tòa Đại sứ Úc và gia đình và những sinh viên Việt-Nam tốt nghiệp ở Úc nhưng đã trở về Việt-Nam. Con số ấy (theo Cameron ước tính vào khoảng 1,000) quả là hạn chế. Chỉ sau khi gặp Tổng thống Ford hồi tháng 5, sau hội nghị Jamaica, Whitlam mới nâng con số trên lên 3,000 người.

Malcolm Fraser
Rất may, chính phủ Whitlam đã bị Tổng Toàn Quyền Jonh Kerr bãi nhiệm vào tháng 11 năm 1975. Chính phủ Fraser của Liên Đảng Tự Do và Quốc Gia lên cầm quyền, đã kịp thời ra tay cứu vớt làn sóng người đang ồ ạt rời Việt-Nam lên đường tìm tự do, nâng con số người Việt nhập cư Úc lên gấp bội so với con số nhỏ giọt của chính phủ Whitlam. Cái nhìn của Đảng Tự Do có tầm xa rộng và nhất quán hơn. Ít nhất, họ cũng không quên cái nợ chiến lược đối với một đồng minh bất đắc dĩ. Dù sao, ông Malcolm Fraser, thời chiến tranh Việt Nam, vốn là bộ trưởng Lục Quân, nên khi vừa nhậm chức, đã đưa ra đề nghị tiếp nhận mỗi năm 15,000 người tị nạn Việt Nam. Dù con số ấy, trên thực tế có trồi sụt, nhưng trung bình vẫn ở mức 8,000 người một năm. Nhờ thế đến năm 1981, số người tị nạn Việt Nam vào Úc đã lên đến 41,096 người. Mười năm sau, con số lên tới 121,813. Thống kê năm 2001 cho thấy tại Úc, có 154,831 người sinh tại Việt-Nam, nhưng số người nói tiếng Việt lại là 174,236, có thể vì bao gồm các trẻ em Việt-Nam sinh tại Úc. Con số thực tế có thể cao hơn, và người ta thường ước lượng con số người Việt hiện nay tại Úc vào khoảng trên dưới 200,000. Đủ đông để “phát triển ra nền chính trị riêng trong bản sắc văn hóa của mình” như nhận định của Andrew Jakubowics, giáo sư Đại Học Kỹ Thuật Sydney.

Sự trở mặt của Gough Whitlam ngay vào thời điểm 30 tháng Tư 1975 quả là một bất hạnh. Mặc dù các chính phủ Lao-Động sau này đã thay đổi nhiều trong quan điểm đối ngoại của họ, nhưng những tranh luận gần đây về sự hợp tác của Úc trong vấn đề I-rắc cho thấy sự thay đổi ấy chưa thỏa đáng lắm, ít nhất xét về chính sách an toàn chiến lược, một chiến lược mà Frank Frost đã tóm tắt trong ba thuật ngữ: quan tâm cao độ về an ninh, chi tiêu thấp về quốc phòng và lệ thuộc các liên hệ liên minh.