Trong đời mình Đức Giê-su đã thực hiện nhiều phép lạ lớn lao để xoa dịu một số nhọc nhằn đau thương của con người. Ngài chữa lành đủ loại bệnh hoạn tật nguyền. Người mù được thấy, điếc được nghe, câm được nói, què được đi, phong hủi được sạch, thậm chí đã chết rồi mà vẫn còn được sống lại. Người chỉ cần giơ tay ra bẻ bánh thì 5 ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con nít, được một bữa ăn no nê (x. Ga 6, 5-15). Một con người quyền năng và nhân ái như thế rất xứng đáng được nhân dân ngưỡng mộ và tôn làm vua. Nhưng đó đâu phải là con đường cứu thế của Người. Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình (Ga 6,16).

Đối với Đức Giê-su chỉ có hai điều quan trọng tuyệt đối mà Người thường nghiêm túc đề cập đến. “Thầy ra đi và đến cùng anh em” (Ga 14,28). Điều đầu tiên là Người phải ra đi. Ra đi trong một cái chết vô cùng đau đớn và ô nhục trên thập giá. Điều này hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng của các môn đệ. Ngay cả tông đồ trưởng Phê-rô còn muốn can ngăn và dạy khôn cho Người. Lập tức Người mắng ông một cách nặng nề, gọi ông là Sa-tan (x. Mt 6,23). Cuộc ra của Người sẽ mang về một ích lợi lớn lao hơn cho người tin: được tràn đầy Thần Khí. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em (Ga 16,7). Quan trọng nhất, Người phải ra đi vì đó là ý muốn của Thiên Chúa Cha. Vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi (Ga 6,38).

Điều thứ hai cũng quan trọng không kém mà Người luôn trịnh trọng nói đến: Người sẽ trở về. Trở về ở nơi thân xác phục sinh sau khi bị chết treo trên thập giá. “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31) Trở về khi Người sẽ sống thực sự nơi những người tin. “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống” (Ga 14,18-19). Quan trọng nhất, Người trở về để hoàn tất ý muốn của Chúa Cha. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết (Ga 6,40).

Giáo hội tiên khởi còn được sống với những kỉ niệm rất nóng hổi về cuộc thương khó và phục sinh của Đức Giê-su. Lời của Người về sự ra đi và cuộc trở về vẫn còn ngân vang mãnh liệt trong lòng các tín hữu. Giữa muôn bách hại gian nan trong thưở ban đầu các tín hữu vẫn vững tin mãnh liệt Người sắp trở về. Đó là biến cố tột đỉnh làm nên ý nghĩa của cuộc đời họ. Do đó họ không màng đến của cải vật chất, danh vọng và sự nghiệp với cuộc đời. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ (Cv 2,44-46).

Nhưng dần dà Giáo Hội đọc ra ý nghĩa đích thực nơi cuộc trở về trong thời sau hết của Đức Giê-su. Một đàng, đối với Thiên Chúa, Đức Giê-su Ki-tô qua khổ nạn và phục sinh đã thực sự hoàn tất trọn vẹn công trình sáng tạo và cứu chuộc con người. Không còn điều gì khác mà con người cần được Thiên Chúa mặc khải thêm. Không còn điều gì khác mà Thiên Chúa phải làm thêm để cứu chuộc con người. Chính là khi Đức Giê-su thốt lên lời “hoàn tất” trước khi tắt thở trên thập giá thì mọi cái đều đã hoàn tất, thời gian và không gian đã đi đến tận cùng. Thời gian đã tới hồi viên mãn, muôn loài trong trời đất đã được quy tụ dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô (x. Ep 1,10). Đức Giê-su nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí (Ga 19,28-30).

Đàng khác, đối với con người thì lịch sử vẫn còn tiếp diễn. Giáo Hội vẫn phải bước đi trong trong thời gian khi đồng hành và loan báo Tin Mừng cho con người trong mọi thời đại. Nhưng trong hành trình dương thế, lẽ sống của Giáo Hội vẫn chỉ là mong đợi Đức Giê-su trở về. Đó mới chính là ý nghĩa tột đỉnh của cuộc đời những người tin. Giáo Hội luôn lớn tiếng long trọng khẳng định điều quan trọng tuyệt đối này ngay trung tâm các Thánh Lễ: “Lạy Chúa, chúng tôi loan báo việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến.”

Khi nói trước về ngày trở về của mình, Đức Giê-su luôn cảnh báo rằng người ta sẽ bị bất ngờ và hối tiếc vì họ không biết tỉnh thức chuẩn bị thích đáng cho biến cố chung cuộc của lịch sử này. Bấy giờ, dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời; bấy giờ mọi chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến (Mt 24,30).

Giáo Hội vì mang tính cách con người nên cũng có các lỗi lầm. Văn hào Nga Fyodor Dostoyevsky (1821–1881) trong tác phẩm nổi tiếng Anh Em Nhà Karamazov đã nặng nề phê phán chủ trương ấu trĩ của Giáo Hội thiêu sống những người ngoại giáo vào thế kỷ XV tại Tây Ban Nha. Ông giả định rằng trong bầu khí cuồng tín và hung hăng như thế, nếu Đức Giê-su có quay về vào giai đoạn đó thì cũng sẽ bị Giáo Hội mang ra thiêu sống luôn.

(Trích đoạn): Cố nhiên đấy không phải là việc Chúa đến như đã hứa vào ngày tận thế trong tất cả vinh quang thiên đình, và bất ngờ “như tia chớp lóe sáng từ Đông sang Tây”. Không, Chúa chỉ muốn đến thăm con cái mình, dù chỉ chốc lát, chính ở nơi giàn lửa thiêu sống đám người dị giáo đang nổ lùng bùng. Vốn nhân lành vô cùng, một lần nữa Chúa đi qua giữa dân chúng. Hình dạng Người vẫn như 15 thế kỷ trước khi Người sống giữa mọi người trong ba năm. Ngài giáng lâm đến “khu phố rực lửa” của đô thành. Ở đó chỉ mới hôm trước, trong “giàn lửa huy hoàng’, trước mặt đức vua, triều thần, hiệp sĩ, các giáo chủ và các mệnh phụ kiều diễm nhất trong triều, trước đông đảo dân chúng thành Seville, theo lệnh của giáo chủ Đại Pháp quan, họ đã thiêu sống luôn một lúc cả trăm kẻ dị giáo ad majirem gloriam Der (để làm vinh danh Chúa hơn). Chúa xuất hiện một cách lặng lẽ, không để ai nhận thấy, nhưng kỳ lạ thay, mọi người đều nhận ra Người. Một sức mạnh không thể cưỡng lại được khiến dân chúng ùa đến, vây quanh mỗi lúc một đông thêm, và đi theo Chúa. Chúa im lặng đi qua giữa họ, miệng mỉm cười hiền từ, thương cảm vô hạn. Ánh sáng tình yêu trong tim Người rực sáng lên như mặt trời. Sức mạnh cảm hóa từ đôi mắt Người bao trùm đám đông, khiến lòng người rung động. Chúa giang tay ra ban phước cho họ. Người ta chỉ cần chạm vào Chúa, thậm chí vào vạt áo Chúa, là đã lành được tật bệnh. Một ông già mù từ bé kêu xin: “Lạy Chúa, xin Chúa chữa lành mắt cho con, để con được nhìn thấy Chúa”, thế là dường như màng vảy bong ra khỏi mắt, và ông nhìn thấy Chúa. Dân chúng khóc lóc và hôn mặt đất nơi Chúa đi qua. Trẻ em tung hoa trước mặt Chúa, hát và reo hò: Hô-sa-na!.… “Đấy là Người, chính là Người, một người nhắc đi nhắc lại, - hẳn phải là Người, chỉ có thể là Người”. Chúa dừng lại trên sân nhà thờ Seville giữa lúc người ta khóc lóc khiêng đến một cỗ quan tài trẻ em màu trắng còn mở nắp: nằm trong đó là một bé gái 7 tuổi, con gái duy nhất của một người quyền quý. Xác đứa bé phủ đầy hoa. “Người sẽ làm con bà sống lại” đám đông reo lên với bà mẹ đang than khóc. Một linh mục đang đi về phía cỗ quan tài cau mày nhìn, dáng vẻ băn khoăn. Nhưng bà mẹ của đứa bé đã gào lên. Bà sụp xuống chân Chúa: “Nếu Ngài là Chúa thì xin hãy làm cho con tôi sống lại!” - bà ta giang hai tay cầu Chúa, kêu lên. Đám đưa tang dừng lại, đặt cỗ quan tài dưới chân Chúa. Chúa nhìn đầy vẻ thương xót, và một lần nữa Chúa khẽ thốt lên: “Ta-lia kumi!” – em gái hãy trở dậy” - Cô bé ngồi dậy trong quan tài, mỉm cười, mắt mở to ngạc nhiên nhìn xung quanh. Hai tay em cầm bó hoa hồng mà em vẫn ôm ở trong quan tài. Dân chúng nhốn nháo, la hò, nức nở, đúng lúc ấy giáo chủ Đại Pháp quan đột nhiên đi qua quảng trường trước nhà thờ. Đấy là một ông già ngót chín mươi tuổi, thân hình cao, lưng thẳng, mặt khô quắt, mắt hõm sâu nhưng vẫn sáng quắc. Ồ, ông không mặc bộ đạo phục giáo chủ lộng lẫy mà hôm qua ông còn mặc khi ra trước dân chúng trong cuộc hoả thiêu những kẻ thù của đạo Công giáo, không, lúc ấy ông chỉ mặc chiếc áo thụng cũ thô kệch của mình. Theo sau ông, cách một khoảng khá xa, là những người giúp việc mặt mày cau có, những nô lệ và đội thánh binh. Ông dừng lại trước đám đông và quan sát từ xa. Ông nhìn thấy hết. Ông nhìn thấy cỗ quan tài được đặt dưới chân Ngài, rồi con bé sống lại, và mặt ông sa sầm. Ông cau đôi lông mày sâu róm trắng bạc, ánh mắt ông lóe lên hung tợn. Ông trỏ ngón tay ra lệnh cho bọn vệ binh bắt Người. Uy quyền của ông rất lớn, dân chúng đã quen thần phục, ngoan ngoãn và run sợ tuân lệnh ông, đám đông lập tức dãn ra trước bọn vệ binh, và bọn này, trong bầu không khí im ắng như trong nhà mồ, túm lấy Người giải đi…Ngày mai họ sẽ mang Người ra thiêu sống… (hết trích)

Văn hào Ba Lan Henryk Sienkiewicz (1846–1916), giải Nobel Văn Chương 1905, đã viết cuốn tiểu thuyết lừng danh Quo Vadis (1894-1896) lấy bối cảnh đế quốc La Mã thời bạo chúa Nê-rô với sự đối đầu giữa hai thế giới: Một bên là thế giới cung đình của triều thần La Mã vây quanh Nerô bạo chúa đang ở đỉnh cao nhất của quyền lực, xa hoa và tội ác, nhưng đã thối nát cực độ và đang suy vong. Còn một bên là thế giới Công giáo của đám nô lệ và dân nghèo tập trung quanh hai tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Thế giới Công giáo không chút quyền lực, nhỏ nhoi và yếu ớt nhưng đầy hấp dẫn bởi niềm tin mãnh liệt vào ngày trở về của Đức Giê-su. Họ đang lớn dần lên với niềm tin và lòng nhân ái Ki-tô. Họ không cam chịu quy phục bạo lực để được yên thân. Khi Nê-rô hoàng đế quyền uy cùng đám quần thần rời bỏ Roma lúc thành phố bị đốt cháy theo lệnh của hắn, trong một chớp mắt, hắn nhìn thấy, lẫn lộn trong đám dân cùng đinh đang bỏ chạy tán loạn, ánh mắt Phê-rô đang nhìn ông. Đó là giây phút đọ nhãn quang của hai vị chúa tể trái đất, một hoàng đế quyền uy tuyệt đối, ngay sau đó biến đi như một giấc mơ đẫm máu, còn người kia – một cụ già nghèo hèn ăn mặc thô kệch - sẽ chiếm lĩnh đến muôn đời sau cả thế gian lẫn thành đô Rô-ma này. Vốn hèn nhát, Nerô không dám chịu trách nhiệm bởi kinh sợ cuộc nổi dậy của quần chúng đang sục sôi căm giận, hắn bèn tìm cách trút tội cho các tín đồ Thiên chúa giáo. Hắn tháo cũi sổ lồng cho sự tàn bạo của đám quần chúng đang đòi nợ máu với tiếng thét “ném bọn Công giáo cho sư tử”, với cảnh tàn sát hàng ngàn người bằng nanh vuốt của dã thú, bằng cách đóng đinh lên thánh giá, bằng cách thiêu sống… Tàn bạo bao nhiều thì đớn hèn bấy nhiều - đó là cốt cách muôn thủa của lũ bạo chúa. Đến lượt mình, Nê-rô run rẩy không sao đâm nổi dao vào cổ tự sát, để rốt cuộc phải nhận một cái chết nhục nhã mà lịch sử vẫn dành cho lũ bạo chúa, xưa cũng như nay. Nhưng trọng tâm của Quo Vadis vẫn là cuộc trở về đột ngột của Đức Giê-su đến nỗi Tông đồ trưởng Phê-rô còn bị bất ngờ. Phê-rô cho rằng ông cần trốn tránh cuộc tàn sát các tín hữu của Nê-rô để bảo toàn mạng sống cho mình hầu tiếp tục trọng trách lãnh đạo Giáo Hội còn non trẻ. Trên đường chạy trốn ông bất ngờ gặp Đức Giê-su vác thập giá đi ngược về phía ông. Ngỡ ngàng quá ông thốt lên: Quo Vadis? Lạy Chúa, Chúa đi về đâu vậy? Đức Giê-su trả lời: Ta đi đến Rô-ma để chịu đóng đinh một lần nữa. Phê-rô hiểu ra chẳng có gì cao quý hơn đối với một người chủ chiên là được chết vì đàn chiên như Đức Giê-su đã làm. Ông quay về Rô-ma để bị bắt và chịu chết trên thập giá. Truyền thuyết kể rằng ông tự nhận không xứng đáng chết giống như thầy nên đã xin với lý hình treo ông ngược đầu xuống đất. Với những giá trị nghệ thuật lớn lao, ngay từ khi ra đời, Quo vadis đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Từ lúc sinh thời, tác giả đã nhận được bản dịch Quo vadis bằng 20 thứ tiếng. Cho đến nay, Quo vadis đã được dịch ra trên bốn mươi thứ tiếng khác nhau. Bản dịch tiếng Việt được rất nhiều sĩ quan quân đội VNCH trong thời gian tù đầy cải tạo tại Việt Nam sau 1975 say sưa đọc, nhiều người trong số họ sau đó đã gia nhập Công giáo.

Đối với từng người tin vào Đức Giê-su không có gì quan trọng bằng tỉnh thức khao khát mong mỏi ngày trở về của Người. Đó mới là tất cả ý nghĩa cuộc đời họ. Ngỡ ngàng và bất ngờ khi Người đến chỉ nói lên rằng một cuộc sống đạo như thế đã thất bại hoàn toàn. Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức! (Mc 13,35-37).

Thật tình mà nói không ai có thể biết được mình phải tỉnh thức như thế nào cho đủ. Xét theo tiêu chuẩn phán xét duy nhất của Đức Giê-su đưa ra vào ngày tận thế khiến cho mọi người đều ngỡ ngàng: Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn…Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy (Mt 35,31-46), thì chúng ta biết rằng Người đã thực sự trở về trong thân phận những thai nhi bị giết bỏ không thương tiếc, những mảnh đời đói khổ bơ vơ vất vưởng, những thân phận phụ nữ chỉ biết sống bằng cách bán thân nuôi miệng, những dân oan mất hết nhà cửa ruộng vườn, những thanh thiếu niên lạc loài mê đắm trong các tệ nạn, không còn được ai dạy dỗ cho đường ngay lẽ phải. Mỗi một người tin dù có yếu đuối nghèo hèn đến đâu đi chăng nữa thể nào trên bước đường sống của mình cũng gặp được Người nơi một người còn có thân phận khốn cùng hơn, đói lả hơn mình, nơi một bà mẹ cùng đường sắp giết đi đứa con trong bụng mình, nơi một ông già còm cõi cả ngày lê lết khắp nơi đi bán vé số mà khi sắp đến giờ xổ xấp vé số vẫn còn nguyên, nơi những người ngoài những giọt máu nuôi sống mình không có chi khác có thể bán đi để nuôi gia đình của mình, có khi ngay cả nơi một người thân trong gia đình mình bị bệnh hoạn tật nguyền trái tính trái nết. Rất nhiều khi ngoài một ánh mắt cảm thông, một lời tử tế chia sẻ, và một giọt nước mắt nghẹn ngào, người tin vào Đức Giê-su cũng đành bất lực không làm được gì cụ thể hơn để nâng đỡ cho anh chị em đau khổ của mình. Nhưng họ vẫn phải hằng tỉnh thức vì đó luôn luôn đích thực là ngày trở về của Con Người.