Sự gì Chúa không kết se, con người đừng có kết se làm gì!

Sự gì Chúa không kết se,
Con người đừng có kết se làm gì!
Nếu lỡ, hãy tháo cởi đi,
Hãy lo tháo cởi sớm khi được nào!

Có lẽ đa số độc giả Kitô giáo sẽ ngỡ ngàng khi đọc một bài viết khởi đầu với một câu như vậy vì bình thường chúng ta đã quá quen với câu: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phân ly”(Mc 10, 9) mà chúng ta thường thấy ghi trong các thiệp cưới hay thường được nhắc đến để làm nền tảng giáo lý về sự bất khả phân ly của hôn nhân Kitô giáo nói chung, hay chặt hơn trong hôn nhân Công giáo, nhất là trong suốt hai năm nay Giáo hội dành cho mục vụ hôn nhân gia đình nói chung và đồng hành với các gia đình trẻ nói riêng. Thật ra mà nói, nếu việc chuẩn bị đi vào đời sống hôn nhân, việc phục hồi, canh tân đời sống hôn nhân Kitô giáo quan trọng bao nhiêu, thì việc tháo cởi hôn phối bất thành cũng quan trọng bây nhiêu.

Bất kỳ vấn đề nào cũng có hai mặt. Nếu Lời Chúa nói: “Sự gì Thiên Chúa kết hợp con người không được phân ly” thì chúng ta cũng phải hiểu Lời đó cũng đồng thời hàm ý sự gì Thiên Chúa không kết hợp, con người đừng cố kết se làm gì, nến cần, phải tháo cởi đi, tháo ngay tức khắc, ngay khi được nào.

Trước hết, vấn đề đặt ra là làm sao biết sự gì Thiên Chúa kết hợp, và ai có thẩm quyền thẩm định điều đó? Nếu xét về mặt Giáo luật, thì khá đơn giản, khi hai người không có ngăn trở theo Giáo luật, đến trước bàn thờ Chúa thề hứa cam kết là hoàn toàn tự do, tự nguyện, hứa giữ lòng chung thủy với nhau khi thịnh vượng, cũng như lúc gian nan, khi khỏe mạnh cũng như đau yếu, hứa yêu thương, tôn trọng mỗi ngày cho đến trọn đời, cam kết sẵn sàng đón nhận con cái mà Chúa ban và giáo dục chúng theo luật của Chúa và Giáo hội và sau đó hai người đã ăn nằm với nhau như vợ chồng, thì coi như đến đó Thiên Chúa đã kết hợp. Tuy luật là cứng rắn như người ta bảo “Luật thì cứng rắn nhưng luật vẫn là luật” (“Dura lex, sed lex”). Nhưng cũng chính Giáo luật đề cập đến những trường hợp hôn nhân bất thành dù đã hoàn thành mọi sự nói trên vì sau khi cứu xét lại thấy có một trong những điểu kiện không hội đủ vì dụ bị lừa gạt, lầm tưởng, không hay thiếu sự ưng thuận, thiếu ý thức, chưa trưởng thành về tâm lý… để từ đó có thể cứu xét để giải quyết tiêu hôn hay hủy hôn, để người đó có thể tái hôn một cách chính thức có giá trị theo nghĩa trao và nhận Bí tích hôn phối một lần nữa vì Bí tích hôn phối trước được coi là bất thành hay vô giá trị. Xét về mặt thần học liên quan đến ý định của Thiên Chúa về hôn nhân, ta có thể nói hôn nhân tiền vàn phải khởi đi từ tình yêu vì Thiên Chúa là tình yêu, và vì thế Người chỉ liên kết những người thực sự đến với nhau vì tình yêu thực sự. Ngoài ra, theo Công đồng Vatican II, mục đích trước tiên của hôn nhân sự thiện hảo của đôi vợ chồng (bonum coniugum) theo nghĩa là hai vợ chồng phải trợ giúp lẫn nhau (adjumentum mutuus) theo nghĩa là một trợ tá tương xứng, hay nói nôm na một cái nữa của mình như sách Khởi Nguyên nói: “Con người ở một mình không tốt, Ta hãy tạo cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St, 2, 18) ( « Non est bonum esse hominem solum; faciam ei adiutorium simile sui »). Có lẽ trong chiều kích này mà Đức Thánh Cha Phanxicô đương thời đã từng phát biểu trong một bài diễn văn ở đâu đó mà bản thân tác giả không nhớ khi ngài nói nôm na: “Đa số các các cuộc hôn phối đều bất thành”. Một phát biểu có thể gây choáng váng, bàng hoàng đối với rất nhiều người, nhưng có lẽ phản ánh một sự thật không thể chối cải trong thực tế hiện sinh của các cuộc hôn phối. Không biết ngài phát biểu điều này trong hoàn cảnh nào và do động lực nào, nhưng chúng ta có thể đoan chắc là ngài phải dựa vào hai yếu tố chính này mà thôi: Hoặc là vợ chồng không đến với nhau bằng tình yêu, không có tình yêu và không thực sự trợ giúp nhau với tư cách là trợ tá tương xứng của nhau. hoặc là không có một trong hai điều này. Có lẽ nhận định này xuất phát từ việc tham khảo các tường trình mà ngài nhận được từ khắp nơi trên thế giới, cũng như từ công tác mục vụ của ngài từ khi còn là linh mục, giám mục cho đến khi làm giáo hoàng như hiện nay.

Vơi tư cách là chuyên viên đào tạo, giảng dạy, tư vấn về tình yêu, hôn nhân và gia đình, bản thân tôi hoàn toàn không lấy gì làm ngạc nhiên về lời phát biểu của ngài mà đúng hơn là tìm ở đó một sự đồng cảm sâu xa với xác tín từ lâu này của bản thân. Ở đây tôi chưa nói đến mức độ sâu xa cao thượng của tình yêu Agapè (Đức ái), hay mức độ quan trọng cần thiết cho đời sống hôn nhân như Philia (Tình bạn), hay mức độ chung của tình yêu nhân loại ít nhiều vô điều kiện Storge (Tình yêu đồng loại, phụ tử, mẫu tử.., nhưng thậm chí ngay cả mức độ bình thường thuộc bản năng của con người mà thế gian này nói đến khi nói đến tình yêu là Eros (Tình dục, tình yêu thu hút, mang lại khoái cảm, đòi hỏi được thỏa mãn), vô số cặp cũng không hẳn có nữa. Chỉ mới xét về khía cạnh tình yêu thôi thì đã có vấn đề, huống hồ là xét đến chuyện mang lại sự thiện hảo cho nhau, giúp nhau triển nở hay tương trợ trong hôn nhân, thì có khi còn hiếm hơn rất nhiều. Chúng ta thử nghĩ xem được bao nhiêu cặp hôn nhân đến với nhau bằng tình yêu, chưa nói đến tình yêu đich thực? Và bao nhiêu cặp hôn nhân đến với nhau theo nghĩa là người trợ tá tương xứng theo nghĩa là được tạo ra cho nhau, nghĩa là có một sự hòa hợp ít nhiều cần có để mang đến sự hạnh phúc, triển nở ít nhiều cho nhau trong đời sống hôn nhân, nghĩa là không đạt được mục đích hôn nhân theo ý định của Thiên Chúa.

Về mặt mục vụ thì sao, thật đáng buồn về chứng sơ cứng, sức ì (sclérose, inertie pastorale), về sự không lương thiện về trí thức (improbité intellectuelle), theo nghĩa là không muốn cho giáo dân mình biết về Giáo luật liên quan đến tiêu hôn, Chúng ta thử hỏi xem có linh mục nào phụ trách về hôn nhân, nếu có, thì được bao nhiêu vị đề cập đến vấn đề này với giáo dân của mình. Hay tốt hơn là không nên cho biết chuyện này thì hơn vì biết chỉ gậy rắc rối và phiền phức trong mục vụ hôn nhân và sợ lạm dụng theo kiểu sợ vẽ đường cho hưu chạy mà thôi?

Thử hỏi mình xem có giáo dân nào nói đến chuyện chia tay với các ngài mà các ngài thực sự muốn tìm hiểu nguyên nhân và nếu thấy hôn nhân đó có những yếu tố bất thường, bất thành thì hướng dẫn họ thủ tục xin hủy hôn hay chỉ hài lòng với việc can ngăn, hù dọa, thậm chí cấm đoán một cách vô trách nhiệm, vô lương tâm việc cớ sợ lạm dụng, mà thực sự là sợ điều đó gây ra nhiều phiền toái, mất thời gian công sức của mình…, nhất là những nơi có truyền thống thủ cựu, những vùng quê, chuyện thường của huyện mà bản thân tác giả đã từng nghe kể.

Có linh mục nào nghĩ đây là một tội thiếu sót trầm trọng (grave omission) khi để giáo dân mình không được thông tin về điều nay không? Caó bao giờ nghĩ rằng những cặp hôn nhân bất thành như thể sống trong tình trạng thê thảm như thế nào không, điều mà lẽ ra họ không đáng phải chịu và nhất là không được Thiên Chúa tạo nên để chịu, cho dù cũng do sai lầm ít nhiều của họ? Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng mình lỗi luật bác ái trầm trọng khi tìm cách trấn an lương tâm viện cớ này cớ nọ để tránh né vì cách hành xử này có thể đẩy những cặp hôn nhân bất thành đó đến việc rời bỏ Giáo hội, sống buông tuồng và thậm chí mất luôn cả phần rỗi không ?

Cũng giống nhà nước này, chúng ta có thể mị giáo dân của mình, giam họ trong sự ngu muội về thần học và giáo luật về hôn nhân, cho họ uống Paracetamol để giảm đau thay vì giúp họ chữa tận gốc rể, nhưng đối diện với tòa án lương tâm và với Thiên Chúa, chúng ta nghĩ sao?

Và cho dù không nói đến chuyện lương tâm đi nữa, chúng ta cũng đừng quên rằng chúng ta đang sống trong thời đại đề cao nhân phẩm, nhân quyền, dân chủ, con người nói chung và người giáo dân nói riêng không còn chấp nhận bất cứ thứ quyên lực quyên bính vô nhân, không có nền tảng cho dù là thần quyền, giáo quyền đi nữa. Mong sao chúng ta không tạo nên tạo nên cớ cho sviệc chống đối quyền bính Giáo hội trong thế giới khủng hoảng giá trị, khủng hoảng quyền bính ngày nay. Hãy thành thật tự hỏi mình xem trong lịch sử nhân loại nói chung và lich sử Giáo hội Công giáo nói riêng, do đâu mà có sự khủng hoảng quyền bính, do dâu mà có sự phản đối quyền bính? Nếu không phải là vì đã từng và vẫn có sự lạm dụng quyền bính, cách riêng trong Giáo hội là sử dụng quyền bính theo nghĩa duy trì địa vị quyền lực, áp đặt, đi ngược lại ý định của Thiên Chúa.

Có lẽ chúng ta phải thành thật, khiêm tốn đấm ngực mà ăn năn về tất cả những sự chia rẻ trong Giáo hội của Chúa Kitô, thậm chí những phong trào vô thần có hệ thống và cực đoan điên cuồng chống lại Kitô giáo, chống lại Giáo hội Công giáo vì chẳng phải tất cả đều là con đẻ của hoặc những giới hạn về tri thức, hay đúng hơn của sự ngộ nhận, lạm dụng quyền bính, nói theo Phật giáo là tham sân si, nói theo Kitô giáo là tính thế tục, tính xác thịt của những chủ chăn trong Gíao hội sao?

Chính vì thế, từ chính quyền thế tục đến giáo quyền, chúng ta được mời gọi, nếu không nói buộc phải trở nên trong suốt (transparent) nếu muốn tồn tại như một cơ chế, đó là chưa nói đến chuyện lương tâm, trách nhiệm của Kitô hữu, của chủ chăn.

Thiết nghĩ, trong đường hướng mục vụ hôn nhân của Giáo hội ngày nay, không chỉ cần chuẩn bị thật tốt hành trang cho các cặp bước vào đời sống hôn nhân, (đặc biệt nên nghĩ đến việc soản thảo những trắc nghiệm trước ngưỡng hôn nhân mang tính sát hạch để tránh nhiều chừng nào hay chừng nấy những trường hợp hôn nhân bất thành vì bất kỳ lý do nào đó), mặt khác phải quan tâm đầu tư, hay đầu tư nghiêm chỉnh hơn nữa vào mục vụ hậu hôn nhân, nhằm chữa lành vết thương, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong hôn nhân, canh tâm đời sống hôn nhân, nhưng cũng quan trọng không kém việc quan tâm nghiêm chỉnh đến việc hướng dẫn, cứu xét và xúc tiến việc tháo gỡ hôn phối bất thành hay tuyên bố tiêu hôn cho những cặp hôn nhân bất thành. Đó cũng chính là yêu cầu khẩn thiết của chính Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã kêu gọi xúc tiến nhanh nhất có thể (trong vòng khoảng 45 ngày?), ít tốn kém nhất có thể tiến trình thủ tục, và đơn giản hóa thủ tục. Không biết được bao nhiêu chủ chăn chịu đọc lời kêu gọi này, và được bao nhiêu đấng quan tâm thực hiện và thực hiện đúng theo yêu cầu của ngài? Hay đó vẫn chỉ là lời kêu gọi mà thôi? Các đấng bản quyền có lẽ nhủ thầm: “Lý tưởng là vậy, nhưng không thể thực hiện được”? Vì gánh nặng quá lớn, rắc rối, phiền phức quá nhiều, chưa nói là tốn quá nhiều thời gian, công sức và sợ nhất là hiện tượng này trở thành phong trào, sự lạm dụng….?

Nhưng dù với bất cứ lý do nào, chúng ta không thể tiếp tục trấn an, đánh lừa lương tâm mình, sống vô lương thiện về trí thức, trì trệ, sơ cứng về mục vụ, và nhất là tiếp tục cố tình phạm tội thiếu sót trầm trọng như trước giờ nữa rồi!

Gioakim Trương Đình Giai

Phụ trách GLHN Tgp Sàigon

Thạc sĩ Khoa học Giáo dục Canada

Thạc sĩ Khoa học Hôn nhân và Gia đình-Cựu sinh viên Học viện Thánh Gioan Phaolô II-Rôma